Cốt Cách Nông Nghiệp Và Lối Sống Công Nghiệp


cũng đã nhắc tới “tính trẻ con (ở người lớn)” là một trong những đặc trưng của những bệnh nhân phân liệt [87, 216]. Nếu có điều gì gặp gỡ giữa người điên của Faulkner và những đứa trẻ kì lạ của ông, thì đó có lẽ là tính trẻ con, sự hồn nhiên – những phẩm tính của nhân loại cổ sơ hoang dã. G. Bataille, tác giả của Văn học và cái ác, viết: “trong tất cả chúng ta không ngoại trừ một ai đều có một cái gì đó trẻ thơ, và phải nói là nó thật kì lạ: chính như thế (qua sự thơ dại) nhân loại bộc lộ bản chất của mình trong giai đoạn sơ khai của sự phát triển” [22, 232]. Ý niệm về cái đẹp đã mất trong tiểu thuyết Faulkner, vì vậy, thường mang đậm cảm quan nguyên thuỷ, gợi về một thời xưa cũ khi nhân loại chưa biết tới văn minh.

2.2.3. Quá khứ - tội lỗi và lời nguyền

Quá khứ, trong tâm thức người miền Nam, còn là tội lỗi và lời nguyền. Lịch sử miền Nam còn là lịch sử của chế độ nô lệ và chủ nghĩa phân biệt chủng tộc. Lịch sử ấy gắn với những tội ác, định kiến, oán giận và đố kị. Những xung lực đó không ngừng tác động mạnh mẽ đến thời hậu chiến. Điều này khiến cho miền Nam xưa cũ tồn tại như một bóng ma, một lời nguyền.

Yoknapatawpha của Faulkner là mảnh đất chịu lời nguyền. Sự dính kết bí ẩn về định mệnh những con người nơi đây được tiên báo trong những cái tên. Tiểu thuyết của Faulkner có nhiều nhân vật trùng tên. Faulkner kế thừa kĩ thuật nhân vật tái xuất hiện từ Balzac, để cho một nhân vật được sống trong nhiều tác phẩm khác nhau. Ví dụ, nhân vật Quentin Compson xuất hiện trong 6 tác phẩm: Âm thanh và cuồng nộ, Absalom, Absalom!, Sư tử, Tư dinh, Công lí, Mặt trời chiều hôm ấy; tướng Lee xuất hiện trong Absalom, Absalom!, Thị trấn, Kẻ bất khuất, Kẻ đột nhập trong đám bụi, Go Down, Moses Những ngọn cờ trong bụi. Có khi, cái tên được lặp lại qua nhiều thế hệ trong một dòng tộc: trong Âm thanh và cuồng nộ, cái tên Quentin của người cậu đã mất được đặt cho cháu gái mình, con gái của Caddy; trong Nắng tháng tám, tên Joanna được đặt theo tên mẹ Calvin – người anh trai cùng cha khác mẹ bị sát hại. Điều này gợi cảm giác dường như thế giới Yoknapatawpha sống trong cùng một định mệnh, một lời nguyền chung. Hoặc có khi, tên nhân vật gợi liên tưởng tới những nhân vật khác trong văn chương hay lịch sử. Lấy ví dụ, nhìn vào gia phả của nhân vật Joanna Burden, cái tên Calvin gợi nhớ về John Calvin, với những gì ông nói về “tội lỗi đầu tiên” và tiền định: “Tội lỗi đầu tiên, vì thế, dường như là sự sa đoạ và hư hỏng bản chất được di truyền, phát tán vào trong mọi ngóc ngách linh hồn, điều đó khiến cho ta phải lãnh chịu lấy cơn phẫn nộ của Chúa” [theo 59]. Tư tưởng tiền định này tìm thấy âm vang của nó trong lời của người bố nói với Joanna: “Ông nội và anh con nằm dưới đó, bị giết không


phải bởi một tên da trắng nhưng bởi lời nguyền rủa mà Chúa áp đặt lên toàn thể một chủng tộc rất lâu trước khi ông nội, anh con, cha và con đây bị phán xét. (…) Sự kết tội và sự nguyền rủa của Chúa. Đời đời. Mãi mãi. Cha có tội. Mẹ con. Cả con nữa, dù con chỉ là đứa bé. Sự nguyền rủa mà bất cứ đứa bé da trắng nào cũng phải chịu, đứa đã sinh ra cũng như đứa sẽ sinh ra. Không ai có thể chạy thoát được” [70, 326].

“Không ai có thể chạy thoát được”. Lời nguyền phủ bóng xuống Yoknapatawpha, xuống từng số phận, cuộc đời. Sống dưới lời nguyền định mệnh, trong tâm hồn họ tồn tại một thứ phức cảm nạn nhân - tội đồ. Phức cảm này có thể diễn giải trên hai bình diện. Thứ nhất, các nhân vật trong văn Faulkner, dù ý thức hay vô thức, đều cảm biết được địa vị nạn nhân của mình, và tâm thức nạn nhân gắn liền với ý niệm về sự trả giá, sự đền chuộc tội lỗi. Nhưng, ở bình diện thứ hai, việc lãnh chịu sự nguyền rủa từ một tội lỗi tiền kiếp, một tội lỗi không do chính mình gây ra, khiến linh hồn họ chở đầy oán giận. Nỗi oán hận ấy, có khi bùng lên thành ngọn lửa satan tội lỗi, họ lựa chọn trút lên vai kẻ khác. Và khi đó, đến lượt mình, từ vai nạn nhân, họ trở thành tội đồ.

Ở bình diện thứ nhất, tâm thức nạn nhân thể hiện ở nỗi lo sợ trước sự linh ứng của lời nguyền. Không ai nói ra, mỗi người trong thế giới Yoknapatawpha dường như đều ngầm hiểu và sợ một lời nguyền vô hình của số mệnh. Benjy “tên cúng cơm là Maury, theo tên người em trai duy nhất của bà mẹ (…). Sau cùng ngay cả bà mẹ cũng nhận thấy hắn [Benjy] như thế nào rồi và khóc lóc đòi phải đổi tên cho hắn, tên thánh đặt lại của hắn là Benjamin” [66, 460]. “Nhận thấy hắn như thế nào”, dù không nói, nỗi lo sợ về một điều gì lặp lại, ám nguyền từ đời này qua đời khác cứ lẩn quất trong gia đình Compson. Quentin và Shreve, trong căn phòng trọ ở Harvard, sẽ nghĩ gì khi rút cục, người thừa kế duy nhất của Thomas Sutpen, người duy nhất của dòng họ này, lại là một đứa trẻ lang thang và gào rống trong đống tàn tro. Bao nhiêu giết chóc, ruồng bỏ, từng đem lấy để xây nên “bản thiết kế vĩ đại”, nay sống lại, trùng phức ngay ở cái kết cục sau cùng này. Sự trả giá thường được nhìn thấy, dự báo, đúc kết từ lời của những người chứng kiến - thường là những người da đen phục vụ trong các gia đình da trắng như Dilsey, Rosa… Họ là những hậu duệ, là kẻ thừa hưởng trực tiếp di sản nô lệ. Người vú già Dilsey nói: “Tao đã thấy cái bắt đầu, và bây giờ tao thấy cái kết thúc” [66, 411]. Ông Coldfield trong Absalom, Absalom! đã báo trước “cái ngày mà miền Nam sẽ nhận ra rằng mình đang phải trả giá vì đã dựng cái dinh thự vật chất của mình không phải trên nền đá đạo đức vững chãi mà trên bãi cát chảy của chủ nghĩa cơ hội và cướp bóc” [82, 305]. Đau đớn là, kẻ hứng chịu quả báo lại là những đứa con (có quá nhiều những


Có thể bạn quan tâm!

Xem toàn bộ 168 trang tài liệu này.

đứa trẻ bị giết hại, hoá điên), những tâm hồn nhạy cảm và giàu yêu thương (thường hoá điên, bị chính gia đình mình tống vào nhà thương điên).

Tâm thức nạn nhân có khi lại biểu hiện ở trạng thái đối nghịch: ý muốn vượt thoát vị thế nạn nhân để trở thành kẻ thống lĩnh, người áp đặt. Anse Bundren, Joanna Burden, Thomas Sutpen… là những cuốn phim “âm bản” của tâm thức nạn nhân này. Anse biết rằng mình là một ông bố vô tích sự, Joanna bị ruồng bỏ vì ông cha mình là những người theo chủ nghĩa bãi nô, Thomas nhận ra thân phận mình là một kẻ da trắng nghèo hèn. Họ, ở những mức độ khác nhau, đều tìm cách đóng vai kẻ thống lĩnh: kiểm soát, áp đặt cung cách sinh hoạt, hành vi của những con người trong gia đình mình, cai trị, nhào nặn cả tư tưởng, nội tâm của người khác, và khủng khiếp hơn, giết hại, ruồng bỏ bao nhiêu sinh mạng để tạo nên một dòng giống thuần chủng theo ý mình. Những mong muốn ngông cuồng này, ở đây, có thể được nhìn như một sự phản chiếu của ám ảnh nạn nhân, của những kẻ yếu thế, bị ruồng bỏ. Và ở trạng thái cực đoan của nó, tâm thức nạn nhân biến thành ý hướng phạm tội.

Tiểu thuyết William Faulkner từ góc nhìn nhân học văn hoá - 9

Ở bình diện thứ hai, ý hướng phạm tội là một xung lực hiện hữu trong nhiều nhân vật của Faulkner. Dễ nhận thấy mảnh đất Yoknapatawpha đầy tội ác và những kẻ thủ ác: cướp bóc, ruồng bỏ, bạo hành, phá thai, cưỡng hiếp, thiến hoạn, đốt quan tài, đốt nhà, giết người... Ở những kẻ bị câu thúc bởi mặc cảm nạn nhân, ý hướng phạm tội thường tồn tại như một thứ năng lượng vô thức, dồn đẩy nhân vật vào hành động ác độc. Hãy thử dòi theo những gì diễn ra bên trong Joe Christmas trước khi anh ta cắt cổ Joanna, người tình da trắng của mình. “Mình sắp sửa làm cái gì đó. Làm cái gì đó” [70, 354]. Những tiếng nói về việc “sắp làm một điều gì đó” thường xuyên xuất hiện trong đầu anh ta. Thậm chí, có khi “làm một điều gì đó” được hình dung ở thì quá khứ: “Mình đã bắt buộc làm chuyện này đã dùng thì quá khứ khi nói Mình đã bị bắt buộc làm chuyện này” [70, 359]. Hành động giết người được hình dung như một việc tất yếu xẩy đến, một điều định mệnh đã an bài, một điều gì đã xảy ra từ tiền kiếp - “Y suy nghĩ về điều đó với sự ngạc nhiên thầm lặng: tiếp tục… hằng hà sa số… và tất cả có lẽ đều quen thuộc đối với y, bởi vì tất cả những gì đã từng hiện hữu thì cũng giống như tất cả những gì sẽ hiện hữu, bởi vì cái ngày mai sẽ đến và cái ngày mai đã qua thì cũng giống nhau. Đúng vậy, đến lúc rồi đây” [70, 361]. Khi sát với khoảnh khắc gây án, kẻ thủ ác thường được miêu tả theo một cách rất lạ: thủ phạm cảm thấy phần thân thể giữ hung khí bị tách ra khỏi bản thân mình, và việc bóp cò, cắt cổ… dường như được làm bởi một kẻ ngoài mình. “… rồi y có cảm giác thân thể rời xa mình. Y thấy nó đi đến bên cái bàn, hai tay y đặt con dao cạo lên bàn, và tìm thấy cây đèn và quẹt diêm” [70, 362]. “Giơ tay lên, y thấy bàn


tay đó cầm một khẩu súng lục xưa, nặng. Y không biết là y có mang nó theo” [70, 367]. Cái bóng của thủ phạm, cái bóng của khẩu súng, cái bóng của nạn nhân trên tường qua ánh diêm leo lét…, chi tiết cái bóng lặp lại như sự tô đậm ám ảnh về một thứ năng lượng vô thức, tồn tại song trùng với con người thực tại. Ý hướng phạm tội, nhìn từ góc độ này, có thể hiểu như sự giải thoát ẩn ức của những kẻ bị ruồng bỏ, bị trừng phạt, những kẻ âu lo.

Không chỉ thể hiện tâm thức nạn nhân - tội đồ qua những bi kịch cá nhân, tiểu thuyết Faulkner còn khắc hoạ ám ảnh về tội ác của cả một cộng đồng, tạo cộng hưởng về một mảnh đất tội lỗi. Văn Faulkner không thiếu những đám đông cuồng nộ. Một đám đông trút bỏ giận dữ, ruồng bỏ những kẻ yếu thế ra ngoài rìa, hả hê với những tai ương của đồng loại. Hightower, vị mục sư bị ruồng bỏ, trong ánh sáng màu đồng đỏ cuối chiều tàn, vẫn thường tự thấy mình bao quanh bởi những khuôn mặt người. “Ông thấy những khuôn mặt bao quanh ông thì phản chiếu sự kinh ngạc, sự bối rối, rồi sự phẫn nộ, rồi sự sợ hãi, như thể họ nhìn xa hơn những trò hề rồ dại của ông”, thấy hình bóng của số mệnh, “lạnh lùng và khủng khiếp trong sự an nhiên toàn tri của Ngài” [70, 626-627]. Thế nhưng, Hightower, cùng một số ít nhân vật khác, lại không lựa chọn con đường trả thù (mặc dù cái tên ông, Revenged, lại gắn với mối thù). Ông hứng chịu sự hằn thù của cộng đồng, kiên tâm, nhẫn nại, và tự tìm thấy sự phục sinh trong mình. Còn đây là suy tư của Joanna trước câu hỏi, vì sao cha mình đã không trả thù: “Tôi đã nghĩ đến điều đó. Tại sao cha đã không bắn đại tá Sartoris? Tôi nghĩ đó là vì ông mang dòng máu Pháp trong người” [70, 329]. Faulkner liệu có bị xem là tội đồ của miền Nam, khi ông để nhân vật nói rằng “là những người nước ngoài, những người xa lạ, chúng tôi suy nghĩ khác” [70, 329], biết từ bỏ bắn giết, và dung thứ.

Yoknapatawpha của Faulkner, như thế, là mảnh đất bị nguyền rủa. Nó là nạn nhân, là kẻ bị trừng phạt, là người chuộc tội. Ở đây, Faulkner đã bày tỏ một quan niệm rò ràng rằng: con người phải đền chuộc cho những lỗi lầm trong quá khứ. Đồng thời, ông cũng bày tỏ hi vọng về sự phục sinh, sự khoan dung và tha thứ.

“‘Giờ hãy cho tôi biết một điều nữa thôi: Vì sao anh ghét miền Nam?’. “Tôi không ghét nó’, Quentin nói nhanh, ngay lập tức. ‘Tôi không ghét nó’, anh nói. Tôi không ghét nó anh nghĩ, thở gấp trong không khí lạnh, trong bóng tối New England sắt đá: Tôi không. Tôi không! Tôi không ghét nó! Tôi không ghét nó!” [82, 446- 447]. Lời của Quentin trong Absalom, Absalom! như tiếng vọng cho nỗi giằng xé của Faulkner. Là người con miền Nam, ông khai thác mảng tối trong lịch sử đất mẹ bằng lòng dũng cảm, sự trung thực, tình yêu và niềm đau đớn.


2.3. Miền Nam và những nan đề hiện tại

2.3.1. Cốt cách nông nghiệp và lối sống công nghiệp

Thiên nhiên miền Nam mang đến cho vùng đất này ưu thế vượt trội về sản xuất nông nghiệp trồng trọt, đặc biệt là trồng bông vải. Ngay từ thời thuộc địa, nếu như New England miền Đông Bắc đất đai cằn cỗi, sỏi đá, con người phải vật lộn để khai thác gỗ và thương mại, các xứ thuộc địa miền Trung khoan hòa, đa dạng tài nguyên và văn hóa, thì các thuộc địa miền Nam chủ yếu là những khu dân cư thuần nông. Điều này tạo nên đặc thù dễ nhận biết của miền Nam so với các vùng đất khác của Hoa Kì: nền nông nghiệp trồng trọt trù phú (đặc biệt là bông) và lao động nông nghiệp da đen trong các đồn điền bông.

Tác phẩm của Faulkner lấy bối cảnh miền Nam nước Mĩ sau nội chiến. Lúc này, sự phụ thuộc vào kinh tế bông vải vốn là tập tính của người miền Nam đã bị xóa bỏ. Nền kinh tế đồn điền bị phá sản hoàn toàn cùng cuộc Đại khủng hoảng (Great Depression). Miền Nam đứng trước sự xâm lấn không cưỡng lại được của nền văn minh công nghiệp từ miền Bắc, một nền công nghiệp vốn lạ lẫm và thù địch với tâm thức miền Nam. Sự di dân ra đô thị, sự xuất hiện những sinh kế mới xuất hiện như một hệ quả tất yếu. Cuộc đụng độ giữa cốt cách nông nghiệp và lối sống công nghiệp đã đặt ra cho miền Nam những nan đề về kinh tế, xã hội, đạo đức.

Căn tính nông nghiệp trong đời sống người miền Nam được thể hiện một cách kín đáo trong sự gắn kết giữa người và đất. Khi tôi nằm chết là một tác phẩm tiêu biểu cho điều này. Tác phẩm phơi bày thực trạng nhân sinh của những người da trắng nghèo, chật vật với kế sinh nhai. Hãy nghe những suy nghĩ của Tull khi nhìn những con la - con vật gắn với nghề nông của mình: “Khi tôi quay lại nhìn con la của tôi như nhìn qua một chiếc kính viễn vọng tôi thấy nó đang đứng đó và nhìn bao quát mảnh đất rộng và ngôi nhà tôi đang đổ mồ hôi như thể mồ hôi càng nhiều thì đất càng rộng, mồ hôi càng nhiều thì ngôi nhà càng vững chãi bởi vì cần làm một ngôi nhà chắc chắn cho Cora, để giữ Cora như một bình sữa ngâm trong suối nước: “anh phải có một cái bình kín hoặc anh cần một con suối mạnh mẽ, vậy nếu anh có một con suối lớn, tại sao khi đó anh có sự khích lệ để có những chiếc bình kín, được làm thật khéo không rò rỉ, bởi vì đó là sữa của anh, dù chua hay không, bởi vì anh thà có sữa sẽ bị chua còn hơn là có sữa sẽ không chua, bởi vì anh là một người đàn ông” [68, 132-133]. Thật khó phân biệt đâu là điểm nhìn của Tull đâu là điểm nhìn của con la. Nói một cách khác, Tull tự đồng nhất mình với con la, người đàn ông làm nông này nhìn hình ảnh mình trong con la: càng chăm cày cuốc trên ruộng đồng, càng đổ mồ hôi trên đất đai, thì ngôi nhà càng bền chặt, càng thu phục trái tim


đàn bà. Lối suy nghĩ mộc mạc, thực dụng của người lao động nghèo. Phẩm tính đàn ông, đối với Tull, đồng nghĩa với sự chăm chỉ lao động, lo lắng mưu sinh cho gia đình. Những đôi chân trần gắn với mặt đất dường như thành một dấu hiệu cho lối sống nông nghiệp, gắn với đất đai. Những cô gái nông thôn như Lena, Dewey Dell, đều đi những đôi chân trần. Mỗi khi lên thành phố, những đôi giày được bọc kĩ trong giấy và chỉ được mang ra khi xe ngựa đã đến thị trấn. Sự quyện hoà với “đất” cũng được Faulkner miêu tả bằng một đoạn văn đậm chất trữ tình trong Xóm nhỏ (The Hamlet): “Cậu sẽ nằm ngơi nghỉ trong cái khoảnh khắc thức giấc của cuộc sống đầy ắp từng phút trên mặt đất, những lá cỏ trĩu sương ngưng đọng trong màn sương mù trước mặt cậu thành những đường cong cố định màu đen, dọc theo mỗi đường cong ấy những giọt nước đương dịch chuyển giữ lại trong phút chốc bức tiểu hoạ màu hồng của buổi bình minh, ngửi thấy và cả nếm lấy vị nồng của sữa vị nồng của nông trại, đượm mùi, chậm rãi và ấm áp, cái tính nữ xa xưa trôi chảy, lắng nghe tiếng gieo trồng thư thả và tiếng móng guốc khoan thai, tĩnh lặng vô hình trong màn sương với những thanh âm hợp xướng hôn lễ” [theo 88, 120].

Thực trạng người nông dân bị tách khỏi đất, bị tước đoạt sinh kế của mình được ngụ ý trong hình ảnh những đôi chân bị tách khỏi mặt đất. Một lần nữa, hình ảnh con la lại được thể hiện trong sự quy chiếu về người nông dân. Chắc không phải ngẫu nhiên mà trong hành trình đưa tang bà Addie, chướng ngại to lớn đầu tiên là con sông mùa lũ. La, loài động vật gắn với nghề nông, chỉ hữu dụng và sống sót khi gắn chân trên mặt đất. Và đây là bi kịch: “Chúng lần lượt bị cuốn theo dòng nước, bị lật ngửa hoàn toàn, những cái chân giơ lên cứng quèo khi mình chúng không còn chạm đất” [68, 144-145]. Dimock, trong chuỗi bài giảng của khoá học Yale mở, đã phát hiện ý nghĩa ám dụ trong hình ảnh lũ la: “…khi họ [những người da trắng nghèo] rời bỏ bối cảnh thân thuộc của họ và vật lộn với dòng sông chảy xiết, chúng ta biết rằng lũ la sẽ không thể sống sót trong cảnh huống mới đó. Theo nhiều cách, điều này gợi sự tương đồng hoàn hảo với những người da trắng nghèo, theo nghĩa chúng/ họ có thể làm tốt mọi sự nếu được gắn với công cụ riêng, với môi trường riêng của mình. Nhưng một khi bị tách khỏi môi trường của mình, thì ta biết rằng những điều khủng khiếp sẽ xảy đến với chúng/ họ” [59]. Điều khủng khiếp sẽ đến khi con người bị tách ra khỏi mặt đất. Và bởi vậy, khi chết đi, thân thể cũng cần về với đất bụi. Quan tài của bà Addie, trải qua thử thách của nước và lửa, cuối cùng, chỉ yên ổn khi được chôn trong đất. Thế nhưng, hành trình trở về với đất cũng không hề đơn giản. Nó phải đánh đổi: sự thối rữa của tử thi, những vòng bay kền kền, những cuộc vật lộn bên bờ sinh tử. Thậm chí, đứa con trai đã tự hỏi, phải chăng


“Người giằng bà ấy ra khỏi tay chúng ta để đưa bà ấy đi một cách sạch sẽ nào đó, và đối với tôi dường như việc thằng Jewel vật lộn để cứu bà ấy khỏi dòng nước là nó đã cưỡng lại ý chí của Chúa”? [68, 224]. Nếu đó là ý Chúa, thì những con người ở đây đã cưỡng lại thiên mệnh, lãnh nhận lấy khổ ải, lấm lem, chỉ để giữ lấy căn cốt của đời trần: sự trở về cùng Đất.

Tập tính nông nghiệp đã in sâu vào trong đời sống văn hoá người miền Nam, trở thành một nét căn tính cộng đồng. Bởi vậy, sự đụng độ với văn minh công nghiệp đã đưa lại mối lo sợ về sự đánh mất căn tính. Nhà sử học Van Woodward, trong công trình khảo cứu về căn tính miền Nam, đã chỉ ra: “mối nguy trở nên “không còn gì khác biệt”, nỗi lo sợ bị nghiền nát dưới cỗ xe ủi quốc gia đã ám ảnh tâm trí miền Nam trong một thời gian dài. Một số người xem nó như mối đe doạ với bản sắc và di sản miền Nam” [58, 8]. Trong thực tế, cũng theo khảo sát của Woodward, đã có những dịch chuyển trong lòng miền Nam từ những năm 1930. “Ba thập niên sau, sự “dao động” nhẹ trong các tầng lớp xã hội ở miền Nam vốn gây những xáo trộn cho nông dân trong năm 1930 nay trở nên thật sự hỗn loạn. (…) Toàn bộ hàng hàng lớp lớp người đã rời bỏ [lí tưởng cũ] để “tham gia vào lí tưởng công nghiệp chung của nước Mĩ”. Trên hành trình theo đuổi Con đường Mĩ và Tiêu chuẩn sống Mĩ, miền Nam rò ràng đã làm tất cả khả năng chỉ để trở thành cái mà những người nông dân chua xót gọi là “một bản sao không có gì khác biệt của cộng đồng công nghiệp thông thường” [58, 9].

Lối sống nông nghiệp không chỉ biểu hiện ở sinh kế, ở tâm thức đất đai mà còn ở lối sống gần gũi, quen thuộc trong một cộng đồng quen biết (knowable community). Thuật ngữ này được đề xuất bởi nhà nghiên cứu văn hoá, xã hội Raymond William. Ông viết, “một cộng đồng nông thôn, trong đó làng là điển hình nhất, là một mẫu mực cho các mối quan hệ trực tiếp: ở sự tiếp xúc mặt đối mặt, ta có thể tìm và đánh giá bản chất của các mối quan hệ cá nhân” [theo 59]. Cộng đồng xa lạ (unknowable community) lại không có những liên hệ trực tiếp, gần gũi và khả tín như vậy. Sự xuất hiện của văn minh công nghiệp miền Bắc, những sinh kế mới, lối làm ăn mới tạo nên một trạng thái nước đôi trong xã hội: sự tồn tại song song của “cộng đồng quen biết” và “cộng đồng xa lạ”.

Trong văn Faulkner, cộng đồng quen biết và cộng đồng xa lạ được hình dung như hai bầu sinh quyển độc lập, bao quanh các tuyến nhân vật khác nhau. Trong Nắng tháng tám, sự đối ứng này thể hiện rất rò: Lena Grove được bao bọc bởi một cộng đồng quen biết, trong khi Joe Christmas, Gail Hightower, Joanna Burden lại bị ruồng bỏ bởi một cộng đồng xa lạ. Vọng đi vọng lại trong hành trình của Lena là lời


nói của những người tốt bụng, vô danh. “Sau lưng nàng, bốn tuần lễ và cái cảm giác về cái gì xa xôi ấy kéo dài như một cái hành lang yên tĩnh được lát bằng niềm tin lặng lẽ, chắc nịch, và đầy những giọng nói, những khuôn mặt không tên nhưng tử tế: Lucas Burch? Tôi không biết. Tôi không biết ai mang tên đó quanh đây. Con lộ này à? Nó dẫn đến Pocahontas. Ờ, anh ta có thể ở dưới đấy. Có thể lắm. À, chiếc xe này đi xuống miệt đó. Nó sẽ đưa cô đến đó” [70, 20-21]. Từ đầu đến cuối cuộc hành trình, Lena luôn được cưu mang, che chở bởi những con người vô danh ấy - “đằng sau nàng là một chuỗi ngày đêm đều đặn, yên tĩnh nối đuôi nhau, lê thê và đơn điệu, những ngày, những đêm mà nàng đã đi về phía trước trong những chiếc xe la vô danh giống hệt nhau và thong thả như thể xuyên qua các biến dạng liên tiếp của những cái bánh xe cọt kẹt và những đôi tai la cụp lại, giống cái gì đó chuyển động không ngừng nhưng không tiến tới được, như thể đi vòng bên hông một cái vại” [70, 20-21]. Cuối tác phẩm, chắc không phải ngẫu nhiên mà một người lạ (một người sửa chữa đồ gia dụng) xuất hiện, tiếp tục góp thêm vào những gương mặt vô danh, tốt bụng, đồng hành cùng Lena và Byron. Trong khi đó, bao quanh những Christmas, Hightower và Burden đích thực là một cộng đồng xa lạ. Đây là phản ứng của đám đông hàng xóm trước cái chết của Joanna, vô cảm, tàn nhẫn: “Cha tao nói ổng nhớ là năm mươi năm trước đây, người ta bảo phải đốt cái nhà đó đi, chỉ cần một chút mỡ người để bén lửa thật nhanh lúc đầu”. “Có lẽ cha mày đã lẻn xuống dưới đó và châm lửa đốt nó,” một người thứ ba nói. Cả bọn cười ồ” [70, 73]. Hả hê, oán hận là thứ xúc cảm được cộng đồng trút bỏ lên đồng loại của mình.

“Đó là sáng hôm qua. Có một ông nông dân đi vào thành phố trên chiếc xe la cùng với vợ con. Chính ông là người đầu tiên thấy lửa cháy…” [70, 123].

“Đêm đó một thanh niên, một nông dân trẻ, và cha hắn đến gặp ông cò. Tên thanh niên kể rằng trên đường về nhà bằng xe hơi khuya thứ sáu, hắn bị một tên đàn ông với khẩu súng lục chặn lại…” [70, 381].

“Sáng thứ tư, vào khoảng ba giờ, một tên da đen cưỡi một con la không yên vào thành phố. Nó đi đến nhà ông cò và đánh thức ông dậy. (…) Vào buổi tối trước đó, ngay giữa lúc hát thánh ca, người ta bỗng nghe một tiếng động kinh khiếp…” [70, 412].

“Chuyện xảy ra đằng trước cửa tiệm của tên Dollar và Dollar kể là mình đã thấy bà trở lại trên con đường đó, đi trước đám đông. Hắn nói là bác Doc…” [70, 456].

Tên nhân viên nhà ga kể là lúc bảy giờ rưỡi, khi trở lại sau bữa ăn tối, y nhận ra là có vài người trong phòng đợi…” [70, 459].

..... Xem trang tiếp theo?
⇦ Trang trước - Trang tiếp theo ⇨

Ngày đăng: 10/06/2022