Tiểu thuyết William Faulkner từ góc nhìn nhân học văn hoá - 8


đã có được một không gian lãnh thổ và tinh thần tự do, nơi họ cùng nhau rũ bỏ gánh nặng ở cố quốc, chung lưng đấu cật khai sinh cuộc sống mới. Một cách tự nhiên, bản sắc Mĩ được tạo nên cùng ý hướng về hiện tại, tương lai, với tinh thần năng động, lạc quan, dấn thân, tiến tới.

Di sản miền Nam lại khác biệt. Khác với nước Mĩ, lịch sử miền Nam được viết bởi những thập kỉ dài của thất bại, thương tổn và giận dữ. Là bên chiến bại trong cuộc chiến tranh hai miền, miền Nam bị ám ảnh bởi quá khứ. Thực tại suy tàn về kinh tế, xã hội và những bất ổn chính trị khiến mảnh đất này không nguôi những hồi ức dữ dội và u sầu. Không phải giấc mơ Mĩ hay chủ nghĩa lạc quan, mà chấn thương, mất mát, lời nguyền và tội lỗi mới là mối bận tâm của vùng đất này. Nói cách khác, quá khứ, hồi ức là gánh nặng mà tâm hồn miền Nam mang chở.

Là nhà văn quan tâm tới quá khứ trong văn hoá miền Nam, Faulkner khai thác kí ức cộng đồng hiện thân trong bi kịch từng cá nhân. Trong văn chương ông, lịch sử, vận mệnh cộng đồng đổ bóng lên cuộc đời mỗi con người. Bi kịch mỗi cá nhân đến từ trạng thái mắc kẹt, tù đày trong kí ức cộng đồng. Quentin, trong Âm thanh và cuồng nộ Absalom, Absalom!, tiêu biểu cho những kẻ không thể vượt thoát khỏi ám ảnh quá khứ. Sinh ra trong một gia đình quý tộc trưởng giả miền Nam suy tàn, chàng trai trẻ quay quắt trong ám ảnh về miền Nam xưa cũ. “Ảnh dường như đang lắng nghe hai Quentin tách biệt – một Quentin Compson đang chuẩn bị vào Harvard ở miền Nam, cái miền Nam đã chết từ năm 1865 và phủ đầy những bóng ma phẫn nộ… và một Quentin Compson đang quá trẻ, nhưng vẫn sẽ phải làm một bóng ma, bởi anh đã sinh ra và lớn lên nơi miền Nam sâu thẳm” [82, 5]. Anh ta níu giữ trong vô vọng những giá trị miền Nam xưa, hiện thân trong hình ảnh người em gái trinh bạch, hồn nhiên đã xa vắng, hay dĩ vãng huy hoàng của dòng họ Sutpen. Sợ thời gian trôi chảy, Quentin đập vỡ đồng hồ. Chiếc đồng hồ vẫn chạy. Không chỉ Quentin, cả một thế giới người trong Yoknapatawpha chìm trong ám ảnh quá khứ: một người đàn bà hấp hối cất giấu những bí mật riêng, một gã khờ lang thang tưởng đang đi trên đồng cỏ đã mất, một mục sư chiều chiều nghe tiếng ngựa đội kị binh vọng về… Đây là lời Gavin Stevens trong Kẻ xâm nhập trong bụi nói với người cháu của mình: “Tất cả đều là bây giờ cháu thấy không. Ngày hôm qua sẽ chẳng rời cho tới tận ngày mai và ngày mai đã bắt đầu từ mười ngàn năm trước. Đối với từng cậu bé miền Nam mười bốn tuổi mà nói, chẳng phải một lần mà bất cứ khi nào cậu muốn, thì luôn luôn là khoảnh khắc chưa tới hai giờ chiều của ngày tháng Bảy năm 1863…” [theo 83, 125]. Tiểu thuyết Faulkner miêu tả rất ám ảnh một thứ não trạng đặc biệt - não trạng ở thì quá khứ.


Gánh nặng của kí ức không chỉ thể hiện ở thứ não trạng ở thì quá khứ, như ở trường hợp Quentin nói trên, mà còn thể hiện ở sự quy định của lịch sử cộng đồng lên sự định danh và vận mệnh các cá nhân. Mỗi con người trong thế giới của Faulkner, khi sinh ra đều đã mang chở những di sản của mảnh đất theo mình: ý thức hệ, định kiến về chủng tộc, đẳng cấp. Mỗi đứa trẻ, ngay từ trước khi sinh ra, đã lãnh nhận lấy tấm căn cước riêng: “tất cả những đứa bé luôn luôn ra đời, những đứa bé da trắng, với cái bóng đen này đã chụp lên chúng ngay trước khi chúng bắt đầu thở. (…) Và có vẻ như những trẻ sơ sinh da trắng đang tranh đấu, ngay cả trước khi thở, để thoát khỏi cái bóng đen này, nó không những ở trên mà còn ở dưới chúng nữa, trải rộng như hai cánh tay của chúng giang ra, như thể chúng bị đóng đinh trên thánh giá” [70, 326-327]. Thế nên, ngay trước khi Joe Christmas sinh ra, đứa trẻ nửa đen nửa trắng ấy đã có một định mệnh riêng. Thomas Sutpen, từ khi nhận ra mình là một kẻ da trắng nghèo, đã bắt đầu nhào nặn nên một định mệnh khác cho mình. Không phải ngẫu nhiên mà nổi bật trong thế giới tự sự của Faulkner là những gia đình, dòng họ. Bởi dòng họ, với sự tiếp nối thế hệ, là một hiện thân cho sự trường tồn của kí ức cộng đồng. Dòng họ Compson trong Âm thanh và cuồng nộ, dòng họ Sutpen trong Absalom, Absalom!, dòng họ Sartoris và McCaslin trong Go Down, Moses đều là những dòng họ huy hoàng thời quá vãng, giờ đây úa tàn vì không có khả năng thích ứng với những chuyển biến chóng vánh của cuộc sống hiện tại. Di sản dòng họ được lưu giữ trong tâm khảm hậu duệ (Quentin, Hightower, Joanna, Darl) hay từ trải nghiệm của những người chứng kiến, như Dilsey, Rosa…

Ý thức về gánh nặng quá khứ trong văn hoá miền Nam đã khiến Faulkner trở thành một trong những người mở đường và là đại diện xuất sắc nhất cho văn học Phục hưng miền Nam (the Southern Renaissance), một thứ “văn học ý thức về quá khứ trong hiện tại” [theo 58, 32]. Nổi lên khoảng những thập niên 20-40 của thế kỉ XX, trào lưu văn học này, với những Faulkner, R. P. Warren, A. Tate, T. Williams,

M. Mitchell, T. Wolfe…., đã xác định một lập trường và thái độ tiếp cận mới về lịch sử. Nếu như văn học viết về miền Nam trước đó vẫn tự ru ngủ mình bằng cái kén lãng mạn - tôn vinh chủ nghĩa anh hùng, hô xướng huyền thoại Liên minh miền Nam (Confederate), lí tưởng hoá hiện thực trước Nội chiến, thì các nhà văn Phục hưng miền Nam đòi hỏi phải đối diện với quá khứ đau thương và hiện tại khắc nghiệt của miền Nam bằng sự trung thực, tỉnh táo và cả lòng dũng cảm. Di sản chế độ nô lệ, chủ nghĩa phân biệt chủng tộc, những xung đột từ Nội chiến và Tái thiết, những mối bận tâm ấy, dù nhọc lòng và khắc nghiệt, nhưng là cửa ngò để các nhà văn Phục hưng miền Nam thăm dò, diễn giải căn tính văn hoá ở mảnh đất này. Xét


trong bối cảnh này, có thể thấy vì sao Faulkner được xem như thủ lĩnh tinh thần cho trào lưu văn học này. Lập trường của ông là không chối bỏ cũng không ảo tưởng về miền Nam; nhà văn nhìn thẳng vào gánh nặng quá khứ, khai thác sự hiện diện của quá khứ trong những bi kịch cá nhân. Cụm từ nổi tiếng trong diễn từ Nobel của Faulkner, “những vấn đề của trái tim con người trong xung đột với chính nó” [92, 3], được trích dẫn như tinh thần nổi bật của văn học Phục hưng miền Nam: “Khước từ các luận điệu bảo thủ và biện minh, họ [các nhà văn] đã đối mặt với hiện thực u tối của khó khăn, thất bại, tội ác và “những vấn đề của trái tim con người trong xung đột với chính nó”. Bằng cách đó, lần đầu tiên, những tiềm năng văn chương mạnh mẽ trong di sản đau thương của miền Nam đã được thức nhận” [58, 24].

Có thể bạn quan tâm!

Xem toàn bộ 168 trang tài liệu này.

Điều thú vị là, khi thăm dò những nét riêng khác này trong căn tính miền Nam, Faulkner lại có thể vươn đến tinh thần ngoài biên giới nước Mĩ: khu vực Mĩ Latinh. Gabriel García Márquez, Carlos Fuentes, Vargas Llosa, những tên tuổi lớn trong giai đoạn Bùng nổ Mĩ Latinh (Latin American Boom), đều gọi Faulkner là “một trong số chúng tôi” và là một phần di sản văn hoá của họ. “Tôi cho rằng món nợ lớn nhất của các tiểu thuyết gia Mĩ Latinh là với Faulkner”, Marquez nói [theo 84, 93]. “Tác phẩm của Faulkner”, Fuentes viết, “thật gần gũi với người Mĩ Latinh chúng tôi; chỉ Faulkner, từ văn chương Mĩ, chỉ Faulkner, từ thế giới chật hẹp của chủ nghĩa lạc quan và thành công đó, mới mang đến cho chúng tôi hình dung về sự tương đồng giữa Mĩ và Mĩ Latinh: hình ảnh của thất bại, chia rẽ, hoài nghi và bi kịch” [theo 84, 91]. Sự đồng điệu đó một phần khởi sinh từ những cội rễ văn hoá của hai thế giới này. Từ góc độ địa văn hoá, Marquez phát hiện: “Thật ra thì cũng không phải xa lạ gì vì tôi không thể quên rằng Yoknapatawpha sống nhờ vào biển Caribe; xét về góc độ nào đó, Faulkner là nhà văn Caribe, và ở góc độ nào đó, ông là nhà văn Mĩ Latinh” [theo 84, 93]. Từ góc độ lịch sử, Llosa nhấn mạnh tới gánh nặng quá khứ và xung đột ở hai mảnh đất này: “Thế giới mà từ đó ông tạo ra thế giới văn chương của riêng mình khá giống với thế giới Mĩ Latinh. Ở Miền Nam Sâu thẳm, cũng như ở Mĩ Latinh, hai nền văn hoá khác biệt, hai truyền thống lịch sử khác biệt, hai chủng tộc khác biệt đồng thời tồn tại - một sự đồng hiện rất khó khăn, đầy định kiến và bạo lực. Ở nơi đó, sự tồn tại của quá khứ là vô cùng quan trọng, nó luôn hiện diện trong cuộc sống đương thời” [theo 84, 94]. Vậy là, bằng việc chạm tới căn tính quê hương mình, dòng Mississippi của Faulkner đã chảy tới những miền nam toàn cầu. (Global South, trong sự phân biệt với Global North, thường dược dùng để đề cập tới các nước kém phát triển hơn, chủ yếu nằm ở Nam bán cầu). Con tem thư địa phương Yoknapatawpha đã trở thành một kí hiệu nhân loại.


Tiểu thuyết William Faulkner từ góc nhìn nhân học văn hoá - 8

Khi thăm dò kí ức miền Nam, Faulkner có diễn giải riêng về biểu hiện của di sản quá khứ trong đời sống tinh thần con người nơi này. Theo quan điểm nhân học, kí ức cá nhân là một hành động mang tính chủ quan, có tính chọn lọc, chịu quy định từ bản tính cộng đồng. Khi nghiên cứu về sự nhớ - quên, các nhà nhân học đã “đặc biệt chú ý tới một kiểu quên có chọn lọc mà họ gọi là “structural amnesia”. Như Laura Bohannan (1952) đã chứng minh ở tộc người Tiv, chỉ những tổ tiên phù hợp với tình huống hiện tại mới được gợi nhớ từ quá khứ, trong khi những người khác sẽ bị quên lãng. Những nghiên cứu khác theo hướng này cũng đã nhấn mạnh cách đọc những tự sự về quá khứ từ bản chất xã hội của nó và cách xem xét sự ảnh hưởng của những nhân tố như cấu trúc nhân cách cá nhân và bản chất của hệ thống thân tộc tới những câu chuyện đó [27, 460-461]. Trong tiểu thuyết Faulkner, những câu chuyện của quá khứ mang dấu ấn riêng: thứ nhất, quá khứ đồng nghĩa với cái đẹp đã mất; thứ hai, quá khứ đồng nghĩa với lời nguyền và tội lỗi.

2.2.2. Quá khứ - cái đẹp đã mất

Trước hết, trong tâm thức người miền Nam, quá khứ đồng nghĩa với cái đẹp đã mất. Trong lịch sử nước Mĩ, miền Nam là một trong những tế bào nguyên thủy của đất nước. Đó là chứng nhân cho quá khứ vinh quang của một dân tộc trẻ, tự lực tự cường vươn lên từ những gì thiên nhiên ban tặng và trí tuệ, bản lĩnh con người. Nó là nơi ghi giữ sức quyến rũ của Hoa Kì từ buổi ban đầu: miền đất hứa, “giấc mơ Mĩ”. Thế nhưng, nội chiến xảy đến và để lại những huỷ hoại, dư chấn. Quá khứ êm đẹp, giàu có của những cánh đồng bông vải bạt ngàn bị thay thế bởi mảnh đất nghèo nàn, suy kiệt. Mảnh đất ấy, thậm chí, đang bị xâm phạm bởi khói, bụi và những cỗ xe ủi từ công nghiệp miền Bắc. “Miền Nam sâu thẳm” (Deep South) giờ chỉ còn là “miền Nam chết” (Dead South), phủ đầy niềm kiêu hãnh, hoài nhớ, u sầu.

Ý niệm về cái đẹp đã mất thể hiện ở cảm thức về những cái vắng mặt (the absence) trong đời sống người miền Nam. Cái có mặt trong đời sống nội tâm của những người miền Nam lại chính là cái vắng mặt - những cái không thể nói, cái bí mật, cái đã phai nhạt, cái bị ẩn giấu… Ngôn ngữ bí mật (words of secrets) hay sự- không-thể-nói là một lối ứng xử ngôn ngữ đặc trưng trong tác phẩm Faulkner.

Âm thanh và cuồng nộ, cuốn tiểu thuyết được xếp vào hạng khó đọc trong văn xuôi hiện đại, mở đầu bằng lời kể của một gã khờ - Benjy - một kẻ “cố nói” trong vô vọng. Câm bẩm sinh, thiểu năng trí tuệ, chấn thương tâm thần, Benjy phản ứng lại với thế giới bằng một thứ ngôn ngữ duy nhất: tiếng gào rống. Dòng ý thức của Benjy là một thế giới thiếu khuyết. Ở đó, độc giả dễ dàng lạc vào trò chơi vô tăm tích của những khoảng trống, lỗ đen:


“Qua hàng rào, giữa những vạt hoa lượn sóng, tôi thấy họ vụt. Họ đến chỗ lá cờ và tôi men theo hàng rào. Luster đang tìm trong cỏ cạnh cây hoa. Họ rút cờ ra, và họ vụt. Rồi họ cắm cờ vào và đi tới sân, và anh ta vụt và người kia vụt.

“Khoan đã”, Luster nói. “Cậu lại vướng vào cái đinh ấy rồi. Hễ cứ chui qua đây là cậu lại vướng vào cái đinh ấy.”

Caddy gỡ cho tôi và chúng tôi chui qua. Cậu Maury bảo đừng để ai nhìn thấy mình, vậy tốt nhất là mình khom người xuống, Caddy nói. Cúi xuống, Benjy. Trông này, như thế” [66, 14-15].

Đương ở hiện tại, độc giả bước hụt chân về một kí ức từ trong tiềm thức Benjy: việc vướng vào hàng rào khiến cậu nhớ lại cử chỉ ân cần ngày xưa của chị. Cứ như thế, sự nhảy cóc, xáo trộn các cảnh hiện tại, quá khứ diễn ra với một tần số đậm đặc, tạo nên một mớ hỗn mang khó nắm bắt trong tâm trí thằng khờ Benjy. Benjy không thể nói. Cuộc hành trình khám phá nội tâm Benjy, như vậy, phải bắt đầu từ những khoảng trống của thế giới khuyết, từ những yếu tố không lời.

Hắn chỉ có thể khóc rống. Tiếng kêu khóc với mọi cung bậc từ ủ ê, rền rĩ đến rống gào, náo động, trong lời kể của “tôi”, lại chỉ vẻn vẹn trong một từ “khóc”. Do câu chuyện được kể lại từ tiêu điểm Benjy, mọi ồn ào trong gia đình đều xoay quanh phản ứng khóc của người con trai bị coi là khùng điên này: tiếng than phiền của những cậu bé da đen Luster và T.P, tiếng rên rỉ, phàn nàn của một người mẹ vô dụng suốt ngày lê gót trong buồng, tiếng la lối của Jason hách dịch, tiếng nghiêm nghị trìu mến của bà vú Dilsey, tiếng dỗ dành của người chị gái Caddy, người có trái tim vị tha và mùi hương cây lá. Không thể nói về mình, không thể bộc bạch, tiếng khóc của Benjy là sự bất lực khi cố nói, giữa bao nhiêu thanh âm và cuồng nộ.

Nếu như ngôn từ Benjy là bất lực khi “cố nói” thì ngôn từ Quentin lại là sự “cố gắng không nói”. Bị ám ảnh bởi sự băng hoại của người em gái, trong anh luôn giằng xé giữa niềm yêu thương và oán hận. Anh cố gắng trốn chạy nỗi đau nhưng chúng luôn ập đến:

“Nếu trời xấu tôi có thể nhìn ra cửa sổ, nghĩ tới những gì ông nói về các thói quen vô ích. Thời tiết như thế này mà xuống New London thì thật là thú. Sao lại không nhỉ? Tháng của cưới xin, của giọng nói thì thào. Nàng chạy khỏi tấm gương, khỏi làn hương ướp. Những đóa hồng. Những đóa hồng. Ông bà Jason Richmond Compson thông báo lễ thành hôn của Những đóa hồng. Không phải là các trinh nữ như cây sơn thù, cây bông tai” [66, 118-119].

Ban đầu Quentin nghĩ về thời tiết và lời bố nói, về New London, chuyện cưới xin. Rồi câu văn in nghiêng xuất hiện khi hình ảnh cô em gái ập đến, lóe sáng đầy


thanh tao và quyến rũ với màn gương, hương thơm quấn quyện và những đóa hồng. Nhưng ngay lập tức, ý nghĩ về đám cưới của cô dồn đến hành hạ Quentin: “Ông bà Jason Richmond Compson thông báo lễ thành hôn của”. Câu văn in nghiêng bị cắt cụt. Quentin không đủ sức đối diện với câu nói. Anh cố lấy ý niệm về cái đẹp để xua đi hiện thực trần trụi đó: “Những đóa hồng”. “Những đóa hồng” trước đó được in nghiêng bởi nó là hoài niệm về Caddy trong quá khứ thì nay được chuyển sang in đứng, như là cố gắng của Quentin, bứt ra cái quá khứ đó để giữ vẹn nguyên hình ảnh trong sáng của em gái. Anh trốn tránh nỗi đau thất tiết của Caddy bằng cách nói phủ định “không phải là các trinh nữ như cây sơn thù, cây bông tai”. Chương của Quentin bao gồm rất nhiều những gián đoạn như thế. Ở đó, một ám ảnh, nỗi đau từ trong vô thức hiện về bất chợt thì anh luôn cố gắng trốn chạy nó, phủ định nó. Anh cố kiềm chế không nói: “Đứa em gái bé bỏng của con đâu còn. Nếu con nói được Mẹ à”. Nhưng rồi chúng vẫn cứ ập đến. Những đoạn in nghiêng chính là “cái khoảnh khắc tức thời, nhanh chóng của những gì anh ta thấy và cảm thấy, không phải những gì anh ta đang nói về; chúng là những thứ mà anh ta thực sự không muốn diễn tả thành lời” [85, 116]. Như thế, nếu như sự bất lực không thể nói của Benjy được thể hiện bằng kiểu lời văn gián đoạn, rời rã nhưng rành mạch về cấu trúc ngữ pháp thì sự cố gắng không nói của Quentin lại tìm thấy mình trong kiểu câu văn vừa đứt gãy, vừa bện xoắn lấy nhau, ở nơi câu văn gãy ra thì ngay ở điểm đứt gãy đã tràn ra dòng nhựa xoắn lấy câu trước và sau nó.

Ý niệm về cái vắng mặt còn được khắc sâu hơn khi khi những kí ức đẹp, hoặc những kẻ mang chở kí ức đẹp bị đẩy ra bên lề, ngoài dòng chính của tự sự, để trở thành những huyền thoại. Âm thanh đoàn kị binh hào hùng chỉ vọng lại lúc chiều tà, vẳng bên tai vị mục sư bị ruồng bỏ, tấm biển tên - niềm kiêu hãnh của ông phai nhạt trước ngôi nhà hoang phế; căn lều của Joanna nằm ở một góc rìa thị trấn, nơi mà sự tồn tại của nó dần trở thành những lời đồn lúc thực lúc hư của dân địa phương; ngôi mộ của anh, cha Joanna được giấu dưới những tán cây giờ đã mục nát. Câu chuyện về Thomas Sutpen, một cá nhân hoài bão lẫn ngông cuồng, được đẩy sâu vào còi nhớ của hậu duệ. Suốt tác phẩm Absalom, Absalom! là chuyến du hành về huyền thoại lịch sử một dòng họ ở miền Nam sâu thẳm. Có điều gì ở miền Nam… Vì sao người ta sống ở miền Nam… Tất cả đem đến một không khí hoài niệm về cái đã mất, cái vang bóng một thời.

Cảm thức về cái đẹp đã mất khiến cho miền Nam trong văn Faulkner thành một mảnh đất đầy hoài nhớ, u sầu. Nỗi u sầu thường hiện thân trong kiểu nhân vật dễ thương tổn (vulnerable) và cực kì nhạy cảm (supersensitive). Đó là những kẻ


điên (như Benjy), những kẻ tâm thần vượt ngưỡng (một Quentin sắp tự vẫn, một Darl sắp bị tống vào nhà thương điên), những đứa trẻ có những giác quan kì lạ (như Vardaman). Nỗi u sầu cùng với thế giới cảm giác vừa giàu có, và theo một nghĩa nào đó, vừa kì lạ, là điểm giao thoa giữa những con người này. “Chị không có mùi như cây”, Benjy cảm được khi chị không còn hồn nhiên, trinh bạch. Quentin bị thôi thúc tới dòng nước trầm da thịt mình, như vô thức, muốn gột rửa cho em. “Mẹ tôi là một con cá”, Vardaman khoét lỗ quan tài cho mẹ thở. Con cá thực trong tay cậu dính bết cát bùn, như nhìn chòng chọc vào cậu bé. Làm sao mà một cậu bé như Vardaman có thể cảm thấy sự tanh bẩn, nơi con cá, nơi mẹ, như cái cách Benjy ngửi thấy mùi ốm đau, như cách Dewey Dell thấy luồng hơi chết nóng hổi, nhột nhạt phả vào mình. “Bầu không khí chết nhào nặn mặt đất chết trong bóng tối chết, xa hơn cả cái nhìn nhào nặn mặt đất chết. Nó nằm chết và ấm áp trên người tôi, chạm vào lớp da trần của tôi xuyên qua quần áo của tôi. (…) Tôi cảm thấy như một hạt giống ướt hoang dại trong lòng đất nóng mù loà” [68, 67].

Bởi u sầu và nhạy cảm, thế giới cảm giác của họ chỉ thực sự sống dậy khi trở về với kí ức hoặc đương trong những khoảnh khắc mất mát. Dòng ý thức của gã khờ Benjy có một sự phân biệt rò nét: hiện tại đơ cứng, thụ động trong khi quá khứ nóng ấm, giàu màu sắc và liên tưởng. Nếu như thực tại diễn ra trước mắt Benjy chỉ như một cuộn phim vô cảm, vô hồn thì mỗi khi nhớ về quá khứ, cuộc sống lại trở nên đầy ắp những thanh âm, mùi vị riêng [86]. Ở đó có “nắng lạnh và chói”, có “những hình thể sáng loáng lướt qua êm ả và đều đặn”, có “đám lá xào xạc sáng chói”; ở đó Benjy “ngửi thấy mùi ốm đau”, “nghe trời đổ tối”, “nghe thấy lửa và mái nhà”… Trải qua màng lọc thời gian dày 15 năm, giữa những khoảng sáng tối vụt nhớ vụt quên của kẻ mất trí, những kí ức không thể hiện về vẹn nguyên; nhưng những ấn tượng, cảm xúc vẫn đọng lại trong tiềm thức đã đem đến cho ngôn từ quá khứ sắc màu biểu cảm và giọng điệu trữ tình. “Biết bao lần tôi thường nằm dưới một mái nhà lạ, mưa dội bên trên, nghĩ về nhà” [68, 82], Darl nói. Ngay cả khi đang ở nhà, người thanh niên trẻ tuổi vẫn nghĩ về một nỗi hoài nhớ “nhà” mơ hồ”. Chứng kiến những bi hài kì quái đương diễn ra dưới mái nhà mình, đối với Darl, cái gọi là “nhà” dường như là một điều gì đã mất, một quá vãng trong tâm những kẻ u sầu.

Miền Nam xưa cũ đã chết, nhưng miền Nam cổ xưa trong họ là cái đẹp, nên con người nơi đây không thôi kiêu hãnh. Họ u sầu trong niềm kiêu hãnh. Miền Nam với truyền thống coi trọng các giá trị Thanh giáo nay chứng kiến sự suy đồi đạo đức trong xã hội. Sự đánh mất trinh tiết của Caddy, đứa con ngoài giá thú của bà Addie, việc ông Anse cặp với một người đàn bà mới ngay sau khi đưa tang vợ… đều là


những biểu hiện xấu xí và hèn mọn của đời sống hiện tại. Các nhân vật của Faulkner đều có xu hướng giữ lấy niềm kiêu hãnh, thể diện cho mình. “Phải giữ lấy cái danh thơm cho mẹ”, Jason Compson hằn học. Niềm kiêu hãnh này được thể hiện ở ý thức về duy trì, cho dù thành công hay vô vọng, một phong thái, nếp sống trưởng giả, quý tộc. Bà Addie cho tới khi hấp hối vẫn giấu kín câu chuyện đứa con ngoài giá thú. Ông Anse bạc nhược luôn miệng phàn nàn “ta đã làm hết sức có thể”. Gã cha nuôi Christmas áp đặt bạo lực thứ đạo đức khắc nghiệt lên đứa con… Faulkner hấp thụ truyền thống coi trọng thanh danh của gia đình và quê hương từ thuở ấu thơ. Cái đẹp, đối với miền Nam trong văn Faulkner, gắn chặt với câu chuyện của lương tri, đạo đức, thanh danh. Nếu có thể gọi tên cái đẹp trong tiểu thuyết Faulkner, thì có lẽ, cái đẹp đó mang tên “sự hồn nhiên đã mất” (lost innocence, như lời Faulkner từng nói).

Tâm thức hoài nhớ, u sầu và niềm kiêu hãnh ấy dẫn đến một cách ứng xử phổ biến trong thế giới Faulkner: gói ghém, đóng băng cái đẹp để nó trở thành một lãnh địa vĩnh hằng, trinh nguyên, bất khả xâm phạm. Trong Âm thanh và cuồng nộ, có một nhân vật vắng mặt. Cô gái Caddy chỉ hiện lên trong hồi ức êm dịu mà đau đớn của những người yêu thương cô. Đẩy Caddy vào khoảng không gian không thể chạm tới, Faulkner như muốn gìn giữ, nâng niu cái đẹp trinh bạch vĩnh cửu. Quentin muốn giết chết thời gian nhân tạo, để trả lại sự sống cho thời gian thiên nhiên, vũ trụ: “Bởi vì bố nói những chiếc đồng hồ đã giết thời gian. Ông nói những bánh xe nhỏ xíu còn kêu tích tắc thì thời gian còn chết, chỉ khi nào đồng hồ ngừng chạy, thời gian mới bắt đầu sống” [66, 129]. Trong Nắng tháng tám, Lena tìm người cha cho đứa bé, nhưng không phải là tìm một Lucas Burch cụ thể, như lời nàng nói. Hành trình của Lena mang tính biểu tượng: hành trình mong muốn kết nối giống loài. Sự hoài thai của Lena gợi liên tưởng sâu về những đứa con không hôn thú của thần linh từ trong huyền thoại nguyên thuỷ. “Cô chẳng bao giờ xấu hổ về việc đứa trẻ có cha hay không, cô chỉ đơn giản làm theo lẽ thông thường và… đi tìm cha nó. Nhưng với cô, cô cũng không cần một người cha nào cụ thể, nó cũng giống như cái cách ngày xưa những người đàn bà đã có con với thần Jupiter nghĩ về ngôi nhà và cha đứa trẻ” [theo 59]. Giữa cái phông nền của văn minh nhân tạo, nơi con người xâu xé, buông bỏ, huỷ hoại lẫn nhau, Lena bước đi điềm nhiên, thanh thản, mang trong mình mầm sống, sự sinh nở, khao khát hoang sơ hoà hợp với giống loài. Nhan đề tiểu thuyết Nắng tháng tám (cụm từ “light in August”) còn là phương ngữ ở vùng quê miền Nam nước Mĩ, chỉ trạng thái hoài thai.

Cũng có thể quan sát thấy, không phải ngẫu nhiên mà văn Faulkner xuất hiện nhiều kẻ điên mang tâm trí trẻ thơ, hay những đứa trẻ có giác quan kì lạ. Georges Devereux trong “Bệnh tinh thần phân liệt, một chứng loạn tâm có tính tộc người”

Xem tất cả 168 trang.

Ngày đăng: 10/06/2022
Trang chủ Tài liệu miễn phí