Sự “Mô Tả Sâu” Căn Tính Miền Nam Nước Mĩ


của Faulkner như một hành động diễn giải văn hóa. Ở đây, Faulkner được nhìn trong bóng dáng một nhà nhân học. Đến lượt các học giả, độc giả (trong đó có chúng tôi), việc đọc Faulkner lại là một hành trình đồng diễn giải một “văn bản văn hóa”, mà bản thân văn bản ấy vốn là sự diễn giải của một văn bản văn hóa khác. Khi nhìn Faulkner như một nhà nhân học, nhiệm vụ của chúng tôi vẫn là lần ngược trở lại để tìm những tri thức nhân học được khảo cứu trong tác phẩm. Nhưng quan trọng hơn, đó là việc thông hiểu cách nhà văn đối thoại, diễn dịch và sáng tạo lại những tri thức nhân học đó trên trang giấy. Khi đó, quá trình diễn giải của Faulkner, trên cả những tri thức và lối viết nhân học, cũng trở thành đối tượng nghiên cứu của chúng tôi. Trong lúc đó, chúng tôi ý thức rằng bản thân mọi thao tác được thực hiện, từ hành trình tới kết quả, cũng là một sự diễn giải, gắn sát với kinh nghiệm cá nhân người diễn giải, và không nhằm đem tới một đáp án tối thượng sau cùng.

Việc lựa chọn kim chỉ nam của nhân học diễn giải giúp khắc phục, ở chừng mực nhất định, một rào cản khi lựa chọn đối tượng nghiên cứu là một tác gia nước ngoài. Tây phương, mảnh đất của Faulkner, vốn không phải là văn hóa bản địa đối với tác giả luận án. Trên tinh thần nhân học diễn giải, sự gián cách này có thể được nhìn với một con mắt độ lượng hơn chăng, khi luận án chỉ là một trong một số lượng triển hạn những phiên bản diễn giải văn bản của ông? Hai nữa, khi tuyên bố về một nền nhân học tôn trọng bối cảnh và ý thức bản địa, Geertz cũng bày tỏ niềm tin rằng “có lẽ rằng chính trong những nét đặc thù văn hóa của từng dân tộc – trong sự dị biệt của họ - ta mới có được những khám phá hữu dụng nhất về ý nghĩa phổ quát của việc làm người” [30, 43]. Việc tìm kiếm những màu sắc và giá trị bản địa trong văn Faulkner, được tiến hành từ một con mắt bản địa khác ở bên kia bán cầu, có thể là một thử nghiệm cho việc diễn giải những văn bản vừa rất lạ vừa rất quen. Hơn nữa, như đã khảo sát ở trên, “Faulkner toàn cầu” hiện là xu hướng của nghiên cứu Faulkner đương đại. Việc góp thêm một góc diễn dịch khiêm tốn từ một ý thức bản địa khác không nằm ngoài hi vọng làm giàu thêm Faulkner toàn cầu.

Trên tinh thần đó, chúng tôi đề xuất một khung lí thuyết cụ thể của nhân học văn hóa để đọc tiểu thuyết Faulkner trong luận án. Trong đó, ba ý niệm cột trụ được quan tâm là căn tính (identity) của cộng đồng người, nhân tính (humanity) và huyền thoại – nghi lễ (myth - rituals). Chúng tôi quan niệm sự vĩ đại của Faulkner không chỉ đến từ việc ông đã mô tả sâu tâm thức tập thể miền Nam Hoa Kì mà còn ở chỗ ông đã mang đến những diễn giải nhân văn về bản tính con người. Trong cả hai trường hợp, tính dị biệt và tính phổ quát không loại trừ lẫn nhau, khiến Faulkner vừa là nhà văn gắn với mảnh tem thư Yoknapatawpha, vừa là một đại diện cho linh


hồn nhân loại. Và cuối cùng, tiếp thu tinh thần của nhân học nửa cuối thế kỉ XX, chúng tôi hiểu rằng nhân học còn phải là chính nó ở ngay lối viết. Vì thế, việc khảo sát những biểu hiện của huyền thoại - nghi lễ cũng được đặt ra nhằm tô đậm thêm phẩm tính nhân học trong tiểu thuyết Faulkner.

Trước hết, khi đọc lại hành trình Faulkner “đọc” văn hóa miền Nam, khái niệm căn tính (identity) được dùng như chìa khoá để hiểu về miền Nam của Faulkner dưới cái nhìn nhân học. Từ diễn giải về thực trạng nhân sinh, chúng tôi nỗ lực hình dung về một “căn tính miền Nam” trên trang văn Faulkner, một hệ thống những đặc điểm trong tâm thức cộng đồng, làm nên tấm căn cước cộng đồng. Thứ hai, chúng tôi đặt điểm nhìn vào sự diễn giải của Faulkner về vấn đề bản tính con người (human nature). Các phạm trù chủng tộc, giới, cái khuyết tật, cái ác sẽ được khảo cứu nhằm thăm dò cách ứng xử và diễn giải của nhà văn về các phạm trù của nhân tính. Thứ ba, chúng tôi tìm về những dấu tích của huyền thoại - nghi lễ nguyên thuỷ trong tiểu thuyết Faulkner, trên nhận thức rằng huyền thoại - nghi lễ chính là một phần quan trọng tạo nên phẩm tính nhân học trong văn chương ông.

Tiểu kết

Chương đầu tiên của luận án, trước hết, đưa ra một giới thuyết tổng quan về vấn đề nghiên cứu văn chương từ nhân học văn hóa. Trong đó, hành trình nhận thức về mối quan hệ hai chiều nhân học - văn chương được đánh dấu bằng sự chia sẻ các tri thức nhân học đầu thế kỉ XX cho tới mối bận tâm chung về lối viết từ nửa cuối thế kỉ trước. Hướng đọc từ nhân học đem đến một phối cảnh sâu rộng cho nghiên cứu văn chương, đồng thời, cũng đòi hỏi những phương pháp và đối tượng phù hợp. Cũng trong chương này, luận án tiến hành phác thảo sơ lược lịch sử tiếp nhận Faulkner trên thế giới và ở Việt Nam, nhằm khẳng định bước đầu rằng hướng đọc tiểu thuyết Faulkner từ góc nhìn nhân học là có ý nghĩa và hợp xu hướng. Đồng thời, các công trình đi trước nghiên cứu tiểu thuyết Faulkner từ góc nhìn nhân học, hoặc có hướng tiếp cận giao cắt, gần gũi với nhân học văn hoá, được giới thiệu với

tư cách là nguồn tư liệu phong phú và giá trị mà luận án có thể học hỏi, kế thừa.

Có thể bạn quan tâm!

Xem toàn bộ 168 trang tài liệu này.

Trên những cơ sở đó, chúng tôi xem nhân học diễn giải như quan điểm phương pháp luận xuyên suốt khi đọc tiểu thuyết Faulkner. Theo đó, hành trình đọc không chỉ hướng tới việc tìm kiếm những dấu vết tri thức nhân học dày dặn trong tác phẩm, mà còn là sự diễn giải lại hành trình nhà văn đối thoại, diễn dịch và sáng tạo lại những tri thức nhân học đó trên trang tiểu thuyết. Với tinh thần đó, chúng tôi lựa chọn tập trung nghiên cứu quan niệm nhân học của Faulkner về căn tính cộng đồng, về bản tính người cũng như huyền thoại - nghi lễ trong tiểu thuyết của ông.


Tiểu thuyết William Faulkner từ góc nhìn nhân học văn hoá - 7

Chương 2. SỰ “MÔ TẢ SÂU” CĂN TÍNH MIỀN NAM NƯỚC MĨ


Trong chương này, chúng tôi nhìn tiểu thuyết gia Faulkner như một nhà nhân học kiên định và nhẫn nại trong việc “mô tả sâu” (thick description) mảnh đất văn hóa nơi ông sinh ra - miền Nam nước Mĩ. “Mô tả sâu”, trong tinh thần của nhân học diễn giải, là hành trình liên tục thâm nhập, diễn dịch, phân tích, phỏng đoán những mạng ý nghĩa hàm chứa trong các biểu tượng văn hóa. Từ chối xem mình như kẻ quan sát khách quan và thụ động, Clifford Geertz, đại diện xuất sắc của nhân học diễn giải, tin rằng nhà nhân học là những cá nhân sáng tạo ra những câu chuyện kể, với giọng nói của chính họ. Khi đó, thực hành dân tộc học đòi hỏi phương pháp “mô tả sâu”, ở đó, quá trình phỏng đoán ý nghĩa luôn được đặt trong các bối cảnh văn hóa và, đặc biệt là, không có điểm kết. Geertz viết: “phân tích văn hóa là (hoặc nên là) đoán ra các ý nghĩa, đánh giá những phỏng đoán ấy và đưa ra những luận giải từ những phỏng đoán tốt hơn” [30, 20]. Hành trình “mô tả sâu” trong nhân học tìm thấy điểm gặp gỡ với hành trình viết và đọc văn chương, nơi vẫy gọi những khả năng diễn giải bất tận và in đậm tính chủ quan của nghệ sĩ.

Nhiệm vụ đặt ra ở đây là diễn giải lại quá trình Faulkner “mô tả sâu” thực trạng nhân sinh ở miền Nam nước Mĩ. Tiểu thuyết gia nhìn nhận miền Nam trong bối cảnh đụng độ của lịch sử, ở đó, miền Nam hiện diện như một thực thể suy tàn. Từ những mối ưu tư về các vấn đề dân tộc học ấy, văn chương Faulkner chạm tới một vỉa tầng rất sâu của cấu trúc tinh thần cộng đồng: căn tính văn hóa (cultural identity). Với giả thiết đó, phần nghiên cứu này nỗ lực hướng tới việc hình dung về “căn tính miền Nam” được Faulkner thể hiện. Việc phân tích các dữ kiện về thực trạng nhân sinh miền Nam xuyên suốt chương sẽ không tách rời ý hướng kiếm tìm, gọi tên những giá trị căn cốt, cội rễ bền sâu của cả cộng đồng người. Đích đến của chương, vì thế, là đề xuất một bộ từ khóa, gói ghém những nét cá tính, bản sắc, vừa hòa hợp vừa xung khắc, kết nối và đan cài, cùng kiến tạo nên một miền Nam mang tên Faulkner.

2.1. Vấn đề căn tính và quan điểm tiếp cận

Khái niệm “identity” trong nhân học thường được dịch là “căn tính” hoặc “bản sắc”. Chúng tôi tạm hiểu, “bản sắc” nhấn mạnh tới tính chất riêng khác, độc đáo trong khi “căn tính” lại gợi nhiều hơn đến những giá trị gốc rễ, tạo nên hệ giá trị nền tảng của chủ thể. Trong chương này, chúng tôi chọn cách dịch “căn tính”, trên tinh thần nhận diện hệ giá trị bền vững của cộng đồng miền Nam trong tiểu thuyết Faulkner. Những khi đề cập tới khái niệm này được dùng bởi các tác giả khác, chúng tôi chọn một trong hai cách dịch tùy ngữ cảnh hoặc dựa vào bản dịch có sẵn.


“Căn tính” trở thành thuật ngữ phổ biến của khoa học xã hội phương Tây từ những năm 1950 và “bước vào vốn từ vựng nhân học trong những thập niên 1960 và 1970” [27, 368]. Nhưng “cuộc thăm dò căn tính” [78, 912] đã khởi động từ trước đó, trong những tên gọi khác: mối bận tâm về “bản ngã” (self), “tính cách dân tộc” (national character), “bản tính tộc người” (ethnicity).... Thuyết tương tác biểu tượng, một lí thuyết xã hội học nổi lên những năm 1940, góp công khẳng định tầm quan trọng của vấn đề căn tính trong nền học thuật bấy giờ. Những điển phạm của các nhà tiên phong, như G. H. Mead, C. H. Cooley, xoay quanh khái niệm “bản ngã” (self). Những người kế nhiệm, E. Goffman và A. Strauss, đã đưa thuật ngữ “căn tính” (identity) vào vốn từ vựng của thuyết này (Goffman, Sự kì thị: Ghi chú về sự chế ngự căn tính hư hại, 1963; Strauss, Tấm gương và mặt nạ: Cuộc thăm dò căn tính, 1959). Khoảng trong và sau Thế chiến II chứng kiến sự nổi lên rầm rộ của những nghiên cứu về tính cách dân tộc (national character studies) (còn được dịch là quốc dân tính, dân tộc tính, cá tính dân tộc). Có thể kể đến loạt nghiên cứu của E. Fromm về “tính cách xã hội” Đức thời Quốc xã (Fromm, Trốn thoát tự do, 1941),

M. Mead về văn hoá Mĩ (Mead, And Keep Your Powder Dry: Một cái nhìn nhân học về nước Mĩ, 1942), R. Benedict về “những khuôn mẫu văn hoá Nhật Bản” (Benedict, Hoa cúc và gươm, 1946)…. Sử gia Louis L. Snyder đã thừa nhận về sự phát triển đang lên của một “khoa học về tính cách dân tộc” [theo 78, 924]. Từ cấp độ cá nhân, phạm trù “căn tính” đã mở rộng ra cấp độ cộng đồng: chủng tộc (race), sắc tộc (ethnic), quốc gia (nation), vùng miền (region) hay nhóm người.

Như thường thấy ở các phạm trù nhân học khác, căn tính không phải là câu chuyện của riêng khoa nhân học: nó được chất vấn, phản biện khi can dự vào các lĩnh vực liên quan. Trên thực tế, thời điểm “căn tính” trở thành một thuật ngữ phổ biến trong nhân học là lúc ở Bắc Mĩ dấy lên những tranh luận sôi nổi về lí thuyết dân tộc. Quan điểm tiếp cận vấn đề dân tộc lúc bấy giờ chi phối lớn đến cách nhìn nhận vấn đề căn tính. Về lí thuyết dân tộc ở Bắc Mĩ giai đoạn này, có thể kể tới hai nhà nhân học tiêu biểu: A. L. Epstein và Fredrik Barth. Với các công trình Đặc tính và bản sắc (1978) và Dân tộc và biên giới tộc người (1969), Epstein và Barth đại diện cho hai hướng tiếp cận: quan điểm bản thể và quan điểm tình huống. Theo đó, Epstein tin rằng dân tộc là một thực thể được tạo lập từ ban đầu dựa trên “những tình cảm gắn bó có tính chất bản lai” (mượn cách nói của Geertz) trong khi Barth nhìn dân tộc như một quá trình biến đổi xã hội và đề xuất tiếp cận dân tộc từ sự hình thành và vận động, chứ không phải từ những nội dung văn hóa hàm chứa trong nó. Những nghiên cứu của hai ông đã làm nổi bật khía cạnh rất quan trọng trong hiện


tượng dân tộc: vấn đề bản sắc, đồng thời cũng chi phối tới phương pháp tiếp cận vấn đề này. Philip Gleason, trong Xác định căn tính: Một lịch sử ngữ nghĩa (1983), đã tóm lược hai hướng tiếp cận cơ bản: “Hai hướng tiếp cận này chủ yếu khác biệt ở chỗ liệu rằng căn tính được hiểu như một thuộc tính nội tại, bền vững trong con người, hay căn tính là một điều gì được tạo lập trong các tình huống” [78, 918].

Quan điểm xem căn tính như một thuộc tính bản lai, sẵn có, biệt lập, bất biến, ở mức độ cực đoan, dẫn đến thái độ sùng bái và lạm dụng bản sắc. Chính trị bản sắc (identity politics), được gây dựng trên định kiến bản sắc, đã cổ xúy cho việc định danh, định vị các cộng đồng dựa trên những khác biệt về chủng tộc, dân tộc tính, đẳng cấp, giới… Ảo tưởng lẫn định kiến về bản sắc, vô hình trung, trở thành tác nhân dẫn tới chia rẽ, xung đột, mà hiện thân của nó là thuyết dị biệt (differentialism), hay thậm chí thuyết ngoại biệt (exceptionalism). Hệ thống phân loại đầy tính gán ghép và thô bạo của thuyết dị biệt tạo nên “một thế giới phân chia kiểu đơn chuẩn”, “một thế giới chia rẽ nhiều hơn cả cái vũ trụ đa phức tạp căn tính vốn định hình nên thế giới chúng ta đang sống” [79, 22]. Hệ lụy của nó, chủ nghĩa bài ngoại, nạn phân biệt chủng tộc, nạn kì thị giới… không ngừng (dù vô tình hay cố ý) gây thương tổn lên những nhóm thứ yếu (subaltern) (người bản địa, người nhập cư, phụ nữ, người khuyết tật…).

Ảo tưởng và định kiến, như nói ở trên, không chỉ là câu chuyện riêng của căn tính. Những khái niệm quan trọng khác sẽ bàn tới trong luận án - chủng tộc, giới, khuyết tật - cũng chia sẻ những băn khoăn tương tự: chúng luôn đặt kẻ thừa nhận mình trước những cạm bẫy của thói cực đoan. Bởi thế, khi khảo sát, nghiên cứu các vấn đề căn tính, cũng như các phạm trù chủng tộc, giới, khuyết tật (ở chương tiếp sau), chúng tôi không coi đó là những phân loại quy giản cứng nhắc một chiều. (Và thực là, khi đọc văn Faulkner, chúng tôi đã gặp một tâm hồn nồng nhiệt: ông cực lực phản đối coi những ý niệm về chủng tộc, giới tính, bản sắc… như những thành kiến, một thứ định mệnh; ông nỗ lực xóa nhòa mọi đường cắt nhị nguyên khô khốc xung quanh chúng).

Trên tinh thần đó, về quan điểm tiếp cận trong chương này, việc hình dung về cái gọi là căn tính miền Nam trong tiểu thuyết Faulkner không nhằm cổ xúy cho chủ nghĩa dị biệt trong văn hóa, và theo đó, không chủ trương kiếm tìm thứ thuộc tính bản lai sẵn có, duy nhất, biệt lập và bất biến. Cái làm nên căn cước miền Nam nước Mĩ là một kiến tạo văn hóa mà ở đó, sự độc đáo, bền vững không loại trừ tính đa âm, trạng thái bất định, liên tục chuyển hóa trong không gian và thời gian.

Theo dòng lịch sử, văn hóa miền Nam Hoa Kì được gom dựng từ buổi đầu lập


quốc, không ngừng bị thử thách qua những biến cố thăng trầm của mảnh đất này, chưng cất nên hệ giá trị chung của cộng đồng. Trong tiểu thuyết, Faulkner đã truy tìm căn tính miền Nam không phải từ một trạng thái tĩnh tại, yên ổn. Trái lại, ông lựa chọn đi tìm hình hài của nó trong hành trình, thậm chí, ở ngay khúc gãy lịch sử: cuộc nội chiến Hoa Kì 1861-1865. Con đường tìm về căn cốt miền Nam, bởi vậy, sẽ bắt đầu bằng việc thăm dò những phản ứng xảy ra, ngấm ngầm nhưng dữ dội, trong lòng văn hóa miền Nam sau cuộc đụng độ với phương Bắc. Trong bối cảnh ấy, miền Nam hiện diện như một cộng đồng chấn thương, không nguôi ám ảnh bởi quá khứ, nhưng cũng đầy kiêu hãnh, kiên gan trong thực tại.

Từ góc độ không gian, ý niệm về căn tính miền Nam Hoa Kì không thể tách rời với các phạm trù như “căn tính Mĩ” (American identity) hay “dân tộc tính Mĩ” (American nationhood). Miền Nam là một phần máu thịt của Hoa Kì; vì lẽ đó, nó kiến tạo và hấp thụ hệ giá trị của đất Mẹ. Nhưng đất nước này cũng đã có một lịch sử chia rẽ, miền Nam từng là một chiến tuyến trong cuộc chiến đẫm máu hai miền. Vết thương chiến tranh cùng những khác biệt từ thuở lập quốc về điều kiện tự nhiên, sinh kế, tập tục… khiến miền Nam tự định hình những giá trị đặc trưng, làm thành một căn cước không trộn lẫn. Miền Nam Hoa Kì không chỉ được đặt trong tương quan với văn hóa đất nước mẹ - Hoa Kì, mà có thể được đặt trong một phối cảnh khác rộng hơn: những miền nam toàn cầu (Global South). Ở đó, miền Nam Hoa Kì cùng chia sẻ những tương đồng về lịch sử, địa lí, văn hóa với những nền văn hóa có di sản thuộc địa.

Về phương pháp tiếp cận, hành trình khám phá căn tính cộng đồng trong văn chương có thể bắt đầu từ cửa ngò của nhân học tâm lí (psychological anthropology)

- một phân ngành mang tính liên ngành, nơi giao thoa giữa nhân học và tâm lí học. Mặc dù đưa ra những kiến giải cụ thể khác nhau, các học giả đều đặt trọng tâm ở mối liên hệ mật thiết giữa cá nhân văn hoá cộng đồng, đồng thời khẳng định sự thống nhất giữa tâm lí văn hoá. Nhà phân tâm học E. Erikson phát biểu, cuộc thăm dò căn tính là một “quá trình diễn ra ngay ở cái lòi cá nhân và cái lòi văn hoá cộng đồng, quá trình đó tạo nên cái căn tính thực chất của hai căn tính ấy” [theo 78, 914]. Dù ở cấp độ cá nhân hay cộng đồng, G. Devereux, nhà tâm bệnh học, tin rằng văn hoá là tâm lí phóng chiếu ra bên ngoài, còn tâm lí là văn hoá phóng chiếu vào bên trong. Tâm lí cá nhân, theo cơ chế này, là sự hiện thân của tính cách văn hoá cộng đồng. Nhà tiên phong của trường phái “văn hoá và nhân cách”, R. Benedict, tin rằng một văn hoá có thể được nhìn nhận như một nhân cách cá nhân; và ở chiều ngược lại, sự trưởng thành, vận động trong nhân cách mỗi cá nhân đều chịu sự chi


phối của những khuôn mẫu, đặc điểm văn hoá đặc thù. Cách tiếp cận văn hoá - tâm lí này, theo chúng tôi, phù hợp với văn chương Faulkner, thứ văn chương mà ở đó, tấn bi kịch cá nhân luôn gắn liền với lời nguyền từ sâu trong lòng đất, từ truyền thống cộng đồng, từ quá vãng bao thế hệ. Nhận diện căn tính miền Nam trong văn Faulkner, vì thế, sẽ gắn với việc diễn giải những mẫu số văn hoá chung đằng sau tâm lí, tính cách của các nhân vật trong tác phẩm.

Khi nói về “những mẫu số văn hoá chung” ấy, chương hai của luận án nỗ lực hình dung về căn tính miền Nam một cách tổng thể. Những điển phạm của nhân học tâm lí trên thế giới, như R. Benedict, M. Mead, E. Sapir, đã góp công lớn trong việc xây dựng được mô hình tính cách dân tộc. Với hướng tiếp cận cấu hình, họ cho rằng các thành viên của một văn hoá thể hiện những kiểu loại, hình thái nhân cách, tâm lí nhất định, có thể được thu thập, giải mã, từ đó có thể khái quát những “mô thức”, “khuôn mẫu” (patterns) văn hoá của một dân tộc, tộc người. Từ đó, các thao tác phổ biến trong nhân học, đặc biệt là tâm lí học tộc người (ethno-psychology), khi đối diện với vấn đề căn tính cộng đồng, là khái quát, phân loại, định danh các mô hình, hệ giá trị, tính cách, tâm lí dân tộc, tộc người. Ở Việt Nam, những nghiên cứu của Đào Duy Anh, Nguyễn Hồng Phong, Trần Văn Giàu, Phan Ngọc, Trần Ngọc Thêm, Nguyễn Kiến Giang, Đỗ Lai Thuý, Vũ Dũng, Nguyễn Mạnh Tiến… đã đóng góp vào tìm hiểu tính cách dân tộc/ tộc người theo hướng đi này [theo 80, 17-19].

Ứng dụng thao tác đó, phần nghiên cứu này nỗ lực hướng tới việc hình dung về một “bộ từ khoá”, gói ghém căn tính miền Nam Hoa Kì trong tiểu thuyết Faulkner. Thứ nhất, xem căn tính như một kiến tạo văn hóa, chúng tôi hình dung rằng bộ từ khóa mình đương tìm kiếm không phải là sự thu gom những ý niệm sẵn có, nguyên khối, siêu hình. Những nét tính cách, giá trị văn hóa miền Nam vừa dị biệt vừa phổ biến, vừa bền vững vừa có khả năng biến cải. Một đặc điểm cá tính có thể là ứng xử phổ biến của cộng đồng trong bối cảnh này, nhưng trong một bối cảnh khác, nó có thể chỉ còn là lựa chọn của thiểu số. Thứ hai, theo cửa ngò của nhân học tâm lí, bộ từ khoá tập trung vào việc khái quát những đặc điểm trong tâm thức, phản ứng tâm lí, tính cách, nhân cách của con người và cộng đồng. Và bởi sự thống nhất giữa cấu trúc văn hoá và tâm lí, nên phần nghiên cứu còn hướng tới việc kết nối, hình dung, khám phá các nét bản sắc văn hoá như một hệ thống. Trong tấm khảm văn hóa chung, những đặc điểm tưởng như rời rạc, thậm chí khác biệt, đối lập lại không ngừng đan cài, móc nối, thúc đẩy, quy định lẫn nhau uyển chuyển, bền chặt, tạo nên tấm căn cước miền Nam rất riêng trong văn Faulkner.


2.2. Miền Nam và kí ức

Như đã nói ở trên, để đi tìm tấm căn cước miền Nam, Faulkner đã trở về một cột mốc lịch sử quan trọng: cuộc nội chiến Hoa Kì 1861-1865. Cuộc đụng độ (clash) này tất yếu gây nên những phản ứng tâm lí trong cộng đồng, trở thành phép thử cho căn tính. Qua những phản ứng kháng cự, tự vệ, khó chịu, quên lãng, kìm nén, đón nhận…, những nét cá tính sẵn có được tô đậm, mài giũa, hoặc rạn vỡ, huỷ diệt, một lần nữa, góp thêm vào sự cố kết cộng đồng. Bởi thế, hành trình diễn giải căn tính miền Nam trong văn chương Faulkner sẽ bắt đầu từ việc khảo sát những phản ứng tâm lí của miền Nam sau cuộc đụng độ với phương Bắc: một là, những tàn tích của quá khứ, thể hiện trong kí ức cộng đồng; hai là, những ứng xử hiện tại, thể hiện ở những nan đề trong thực tại nhân sinh miền Nam.

Kí ức cộng đồng miền Nam, trong tiểu thuyết Faulkner, được đan bện từ di sản xa xưa của vùng đất cùng những thương tổn gần của nội chiến. Faulkner không viết về nội chiến ở thì hiện tại; cuộc chiến hai miền trong văn ông chỉ xuất hiện như những bóng ma, tàn tích của quá khứ. Giả thiết được đặt ra là: liệu quá khứ có đóng vai trò quan trọng trong đời sống tinh thần miền Nam không? Nếu có, vì sao miền Nam lại trọng quá khứ, trong khi, dường như, dân tộc Mĩ lại được biết đến là dân tộc hướng về tương lai? Và nếu miền Nam nặng lòng với quá khứ đến vậy, thì quá khứ, trong tâm thức miền Nam, gắn liền với những ý niệm thẩm mĩ, nhân sinh nào? Từ giả thiết đó, chúng tôi khảo sát tiểu thuyết Faulkner và rút ra những diễn giải của ông về miền Nam như một mảnh đất mang gánh nặng quá khứ. Quá khứ, đối với miền Nam, đồng nghĩa với cái đẹp đã mất; miền Nam, vì thế, không thôi hoài nhớ – u sầu. Quá khứ còn là lời nguyền, là tội lỗi; miền Nam, bởi vậy, vẫn là kẻ chiến bại kiêu hãnh, kẻ mang vác phức cảm nạn nhân - tội đồ.

2.2.1. Quá khứ - gánh nặng

Trong tiểu thuyết Faulkner, miền Nam là mảnh đất nặng lòng quá khứ. Nhà văn chọn khai thác nét khác biệt của di sản địa phương so với quốc gia đất Mẹ - Hoa Kì. Nước Mĩ, trong những hình dung về tính cách dân tộc, vẫn thường gắn với ảnh tượng về tự do và tương lai. “Một trong những đúc rút giản đơn nhưng cao ngạo nhất từng thấy về tính cách dân tộc là của Tocqueville, rằng nước Mĩ “sinh ra đã tự do”. Trên nhiều khía cạnh, đó chính là điểm khác biệt cơ bản giữa lịch sử nước Mĩ và các quốc gia vĩ đại khác” [58, 21-22]. Schlesinger cũng từng kiêu hãnh tuyên bố tính cách Mĩ “được đặt trên niềm tin sâu sắc rằng không có gì trên đời này vượt ngoài khả năng của họ” [81, 244]. Trong lúc châu Âu già cỗi vẫn còn chật vật với nỗ lực đập bỏ chế độ phong kiến mục ruỗng và dai dẳng thì ngay từ đầu, người Mĩ

Xem tất cả 168 trang.

Ngày đăng: 10/06/2022
Trang chủ Tài liệu miễn phí