Tiểu thuyết William Faulkner từ góc nhìn nhân học văn hoá - 10


Điểm chung của những đoạn tự sự trên là: câu chuyện được thuật lại từ điểm nhìn của kẻ lạ. Không phải nhân vật chính, những nhân vật có tên, mà là những kẻ vô danh, những gã qua đường, những nhân chứng bất đắc dĩ đã chứng kiến, bắt gặp và thuật lại câu chuyện. Tính khả tín của câu chuyện được kể, vì vậy, tan rã ngay bên miệng những lời đồn. Tự sự tin đồn, theo chúng tôi, là một thủ pháp được áp dụng nhiều đáng kể trong các tiểu thuyết của Faulkner. Chính ở tin đồn ta nhìn thấy sự hỗn dung của lối ứng xử văn hoá ở cả hai kiểu cộng đồng - quen biết và xa lạ. Một mặt, tin đồn cho thấy trạng thái xa cách, thiếu vắng những tiếp xúc gần trong đời sống láng giềng - một trạng huống của xã hội hiện đại. Nhưng mặt khác, tin đồn lại là dấu vết của nếp sinh hoạt cũ, trong những cộng đồng nhỏ, nơi con người giàu quan tâm và cũng thừa định kiến. Ở đây, Faulkner đang diễn giải một trạng thái đương chuyển dịch của xã hội từ cộng đồng quen biết sang cộng đồng xa lạ.

“Con người biết quá ít về đồng loại của mình” [70, 71], Byron nói. “Anh tin rằng thành phố đã có thói quen lâu ngày quá rồi nên không thể tự ngăn mình nói ra những điều về ông mục sư bị ô nhục này mà chính họ cũng không tin” [70, 104]. Thói quen đám đông, trí tuệ đám đông, sự phán xét và hành quyết của đám đông là một xung lực lớn ở mảnh đất Yokanapatawpha. Đám đông càng được nuôi dưỡng trong bối cảnh tranh tối tranh sáng sau nội chiến ở Mĩ. Hành hình kiểu lynch, hành động giết hoặc trừng phạt một cách dã man, thường là treo cổ, thiêu sống… người bị coi là phạm tội mà không cần toà án xét xử, là một trong những biểu hiện cho những đám đông cuồng loạn ấy.

Sự xô dịch trong căn tính này không chỉ được đặt trên vai nhân vật, như ở những khảo sát trên, mà còn gắn liền với sự dịch chuyển không gian. Trong văn Faulkner, chủ yếu xuất hiện sự dịch chuyển không gian từ ngôi làng nhỏ ra thị trấn/ thành phố lớn. Bóng dáng của quá trình đô thị hoá, của những làn sóng di cư của người da đen ở Mĩ những thập niên đầu thế kỉ XX in hằn trong những mô tả này. Một khi dịch chuyển, những kẻ bước ra khỏi “làng” phải chật vật với việc thích ứng, điều chỉnh những tri thức bản địa vốn có. Tiểu thuyết Faulkner đã diễn dịch trạng thái vừa đáng thương vừa hài hước của những “cú sốc văn hoá” ấy, khi tri thức bản địa chệch khớp với tri thức ở không gian mới. Jason Compson tự mãn về chiếc xe hơi của hắn, nhưng không thể chịu nổi mùi xăng. Dewey Dell ngờ nghệch tưởng rằng mang theo 10 đô la là người thành phố có thể “làm gì đó” để phá bỏ bào thai cho cô. Người nhà Darl đổ xi măng lên cái chân gãy của anh để tiếp tục lên thành phố. Trong đó, Jason có lẽ là một trong những kẻ vật lộn điên cuồng nhất khi nhận ra cái thế giới xa lạ này.


Đây là đoạn văn ghi lại độc thoại của Jason, ở đó tầm nghĩ của anh ta dịch chuyển từ những đồn điền bông của mình, cho tới thành phố Washington và mở rộng ra cả Nicaragua hay đâu đó. “Thôi, tôi cũng xin chào thua chúng. Chúng rút ruột tôi lần này là lần chót. Trừ những đứa khùng đi tin lời bọn Do Thái chứ ngu mấy cũng thấy ngay rằng thị trường vẫn đang khởi sắc, khi cả vùng hạ du sắp bị lụt và bông lại bật gốc trôi sạch như năm ngoái. Mùa màng của người ta thì cứ mặc cho mất trắng trong khi dó ở Washington họ vẫn chi mỗi ngày năm vạn đô la để duy trì đạo quân ở Nicaragua hay đâu đó” [66, 328]. Đây là lúc mà một kẻ thức thời như Jason nhận ra những kẻ xa lạ - dân Do Thái, chính phủ Mĩ, quân đội Mĩ - đều liên quan thiết thân tới đồng tiền của mình. Và dẫu cho mọi mối bận tâm của hắn chỉ thu hẹp trong câu “Tôi chỉ muốn lấy lại tiền của mình”, thì mong muốn của hắn cũng trở nên vô vọng. Hình dung về một xóm làng nhỏ, nơi mỗi người có thể nhìn thấy và “lấy tiền về”, một cách đơn giản đến dễ chịu, giờ đây đã trở thành không thật. Cái thật giờ đây là hệ thống Western Union, mạng lưới điện báo, được vận hành bởi những cỗ máy khổng lồ, những nhân viên không tên, những quy trình vô cảm. Cho dù kẻ đầu tư nhỏ như Jason có chửi rủa mãi, hệ thống đó vẫn hoàn nguyên xa lạ, to lớn, và lạnh lùng: “Tôi đã bảo mà cái thứ điếm đàng ấy thì vô phương. Cứ cho tôi hai mươi bốn giờ đồng hồ không có những tên Do Thái New York khốn kiếp xui khôn xui dại tôi thế này thế kia. Tôi chẳng muốn giết chóc; để chuyện đó cho bọn cờ bạc bịp. Tôi chỉ cần có một cơ hội công bằng để lấy lại tiền của tôi” [66, 367]. Cơ hội “công bằng” trong tầm nghĩ của Jason, rò ràng, đã không còn tồn tại.

Năm 1929, cùng năm xuất bản Âm thanh và cuồng nộ, thị trường chứng khoán phố Wall sụp đổ. Vụ Đại Đổ vỡ (Great Crash) báo hiệu cho cuộc Đại khủng hoảng (Great Depression) sẽ diễn ra ở thập niên sau đó ở Mĩ và khắp toàn cầu. Đám đông tụ tập trên phố Wall sau vụ sụp đổ là một cảnh tượng khó quên của lịch sử kinh tế Mĩ. Trong đám đông đó, có thể tìm thấy một Jason Compson, oán hận, la ó, kêu gào? Sự xâm lấn của các thiết chế văn minh công nghiệp đủ sức húc đổ quán tính nông nghiệp cũ. Những thói quen về sự tiếp xúc trực diện - cái nhìn thấy được, cái kiểm soát được, cái thiết thân, có thật đều bị thách thức tận gốc rễ. Như vậy, có thể thấy, từ đây, ý niệm về cộng đồng, về quan hệ “hàng xóm” (neighborhood) đã thay đổi đáng kể trong nhận thức của con người phương Tây đầu thế kỉ XX. Slavoj Zizek, Eric Santner và Kenneth Reinhardt, trong cuốn sách Láng giềng, đã chất vấn “về ý nghĩa của khái niệm hàng xóm sau thảm hoạ Holocaust, và sau vô số vụ diệt chủng mà nhân loại đã chứng kiến trong thế kỉ XX và XXI. Dường như con người đang có xu hướng quay lưng lại với những người họ chung sống cả đời. Chỉ trong


chốc lát. Những thế hệ người có thể sống cùng nhau ở một nơi chốn - bất chợt, ta quay lưng lại với người sống sát cạnh cửa nhà” [theo 59]. Ý niệm về cộng đồng quen biết, một biểu hiện cho cốt cách nông nghiệp ở miền Nam nước Mĩ, như thế, đã được Faulkner diễn giải trong một quá trình lai ghép, dịch chuyển.

2.3.2. Bất chấp định mệnh

Có thể bạn quan tâm!

Xem toàn bộ 168 trang tài liệu này.

Như trên đã nói, miền Nam nước Mĩ là một mảnh đất giàu lòng kiêu hãnh. Cho dù là kẻ chiến bại, lời nguyền phủ bóng thành định mệnh, thì họ vẫn luôn là những “kẻ bất khuất”, như nhan đề một tác phẩm của Faulkner (The Unvanquished). Cho dù định mệnh đổ xuống khắc nghiệt, nhân vật của Faulkner vẫn kiên tâm chịu đựng, chịu đựng như một lối kháng cự bướng bỉnh, ngấm ngầm.

Thomas Sutpen trong Absalom, Absalom! có lẽ là nhân vật gây ấn tượng mạnh mẽ nhất về ý hướng bất chấp định mệnh. Xuất thân là một thằng bé da trắng nghèo ở miền Nam, khi còn bé, Sutpen bị khinh miệt, không được phép bước chân vào một gia đình da trắng giàu sang. Thằng bé da trắng nghèo ấy, khi lớn lên, quyết thực hiện một “thiết kế vĩ đại”: tạo nên một dòng họ Sutpen da trắng tinh khiết hoàn hảo không thua kém bất kì dòng họ quý phái đương thời! Để khăng khăng với bản thiết kế vĩ đại này, Sutpen phải đánh đổi: li dị người vợ thứ nhất, vứt bỏ con thơ khi biết người vợ có dòng máu đen, yêu cầu Rosa phải sinh con trai trước khi cưới, gạt bỏ Milly khi cô sinh con gái... Điều khiển những kẻ xung quanh như xê dịch những quân cờ, sẵn sàng tiêu diệt mọi chướng ngại, gạt tình riêng ra một bên, dùng lí trí để thiết kế tương lai cho cả một dòng họ, đó rò ràng là một thứ hoài bão cá nhân đầy liều lĩnh, một sự cả gan thách đấu với định mệnh. Ở Sutpen, một mặt, ta thấy được bản tính kiên gan, bất khuất, tinh thần “bất chấp định mệnh”, nhưng mặt khác, ở một mức độ nào đó, là sự cố chấp, bảo thủ bắt nguồn từ văn hoá cộng đồng. Đó là chưa xét tới khía cạnh, bản thiết kế để đời của Sutpen cũng dựa trên tiên đề đầy định kiến của chủ nghĩa vị chủng và phân biệt đẳng cấp, thứ di sản cộng đồng.

Tiểu thuyết William Faulkner từ góc nhìn nhân học văn hoá - 10

Sự bất khuất đến mức cố chấp, bảo thủ dường như đã trở thành một nét căn tính của người miền Nam. Trên thực tế, miền Nam không dễ chấp nhận định mệnh. Lịch sử đã ghi nhận sự cố chấp và thế cô lập của miền Nam trong nỗ lực bảo vệ những lãnh địa ý thức hệ của riêng mình và thậm chí cả ý muốn “xét lại” lịch sử. Những làn sóng chưa kết thúc của phong trào Lost Cause là một điển hình. Giương cao ngọn cờ Liên minh miền Nam có thập tự và những ngôi sao của Thượng Đế, họ cất tiếng kêu than cho một “huyền thoại về một lí tưởng đã mất”, mượn lời của Alan Nolan trong cuốn sách dữ dội Huyền thoại Lost Cause và lịch sử Nội chiến (2010) [83]. Huyền thoại ấy gồm những đội quân miền Nam trượng nghĩa, hào hiệp, chiến


đấu vì tự do, công bình, thất trận trước âm mưu bành trướng của miền Bắc đông đúc và hung hãn. Các nhà sử học theo chủ nghĩa xét lại (revisionist), mà Avery Craven là một thủ lĩnh, ra sức tuyên truyền rằng nội chiến Hoa Kì là sự thất bại của dân chủ. “Liên minh đầu hàng nhưng không gục ngã, không cúi đầu khi bị đánh bại”. Bằng lòng kiêu hãnh đến cao ngạo, họ dựng nên những tượng đài, theo nghĩa đen và nghĩa bóng, để ăn mày dĩ vãng. Theo cách này, miền Nam đang tự tách mình thành kẻ cố chấp và cô lập. “Kể từ Thế chiến II, những định kiến chủng tộc cũ vốn đã từng có vẻ khả kính và bất di bất dịch nay đã có những biến đổi linh hoạt khó ai ngờ được. Từng chút một, nhanh chóng liên tục đến kinh ngạc, nhiều cột trụ của chủ nghĩa vị chủng đã sụp đổ, những rào cản cũ bị xô vỡ. Dĩ nhiên, vẫn còn những tàn dư, và rò ràng là những thái độ chủng tộc miền Nam vẫn còn dai dẳng trong một thời gian dài. Tuy vậy, miền Nam cũng ngày càng nhận thức được sự cô lập của mình trong những thái độ này, và trong những nỗ lực bảo vệ các thiết chế của họ. Họ đã nhanh chóng rơi vào tình trạng mất uy tín và bị phần còn lại của đất nước và thế giới lên án” [58, 11].

Làn sóng dữ dội đầu tiên của Lost Cause xuất hiện trong Thế chiến I, khi những cựu binh trong Liên minh miền Nam ra sức bảo tồn những kí ức thời chiến của họ. Faulkner kín đáo giễu nhại nỗi hoài nhớ đậm chất Lost Cause này trong kí ức của Hightower. Ấn tượng này hằn sâu từ khi Hightower còn là một đứa trẻ. (Faulkner quan tâm đặc biệt cho những đứa trẻ, ông lặng lẽ quan sát cách trẻ thơ hấp thụ di sản văn hoá của cộng đồng). Cậu bé Hightower tìm thấy trong rương tấm áo cũ, “những mảnh vá bằng dạ xám cắt từ quân phục lính Hợp bang giờ trông như những chiếc lá nâu khô, và một mảnh vá đã làm ông thực sự cảm động: nó có màu xanh, màu xanh đậm, màu xanh của nước Mĩ” [70, 598]. Từ “mảnh vải câm nín và vô danh” đó, thằng bé lên tám “trải nghiệm một thứ như sự kinh hãi câm lặng và đắc thắng”. Nó hỏi, kiêu hãnh: “Kể cho con nghe về ông nội nữa đi. Ổng đã giết bao nhiêu thằng Yankee?” [70, 600]. Kể từ đó, trong căn phòng im ắng, trong ánh sáng màu đồng đỏ đang lụi tàn, Hightower thường nghe thanh âm đoàn kị binh, không khí chiến trận xưa cũ. “Ông nghe, phía trên quả tim mình, tiếng sấm to dần, nhiều vô kể, liên tục. Đó là tiếng vó ngựa phi nước đại nghe như tiếng sấm đó đến từ xa, nó bắt đầu như tiếng gió thở dài trong các hàng cây, rồi chẳng mấy chốc hiện ra trong tầm mắt đám kỵ binh đang lao nhanh đến, bây giờ trông như bị cuốn đi trong đám bụi ma quái. Họ chạy qua như cơn lốc, cúi rạp người trên yên, tay vung gươm, các dải băng trên đầu những ngọn giáo cầm nghiêng và hăm hở thì bay phần phật” [70, 632-633]. Đoàn kị binh mang tinh thần hiệp sĩ kiểu cũ, kiêu hùng và danh giá,


đúng như phác thảo của những kẻ theo chủ thuyết Liên minh miền Nam. Faulkner không quên thả chút giễu nhại vào những chi tiết nhỏ: ngay cả khi kể chuyện một binh sĩ bị giết trong khi ăn trộm gà, trên tay còn đầy lông gà, Hightower, lúc bấy giờ là một chàng trai trẻ, vẫn hứng khởi, say sưa, rằng phát súng ấy có thể là phát súng trả thù của vợ một tên lính. “Anh thích nghĩ như vậy. Vì như vậy thì đẹp” [70, 621]. Faulkner đặt hoài niệm mang tinh thần Lost Cause này vào nhân vật Hightower, một kẻ bị giam cầm trong quá khứ, nhưng cũng chính là kẻ sẽ được phục sinh ở kết thúc tác phẩm. Những giây phút cuối đời, Hightower không còn được miêu tả trong “ánh sáng màu đồng đỏ lụi tàn” nữa, mà trong “ánh sáng tháng tám dịu dàng còn nấn ná trên trời”, Hightower nhìn thấy vầng hào quang đầy những khuôn mặt người. Đoàn kị binh vẫn ở trong ông, nhưng không phải bằng sự giam cầm, cô độc, mà chỉ ở lại với niềm kêu hãnh, thanh thản. Sự “phục sinh” của Hightower như một đối ứng cho hồi ức của ông – một ngụ ý của Faulkner về lối thoát cho con người chăng? Nhìn ở khía cạnh này, có thể thấy đóng góp của Faulkner như một thủ lĩnh tinh thần cho văn chương Phục hưng miền Nam, thứ văn chương chủ trương tìm liệu pháp hàn gắn nhờ can đảm đối diện với vết thương chứ

không phải tô hồng hay né tránh nó.

Tuy nhiên, tinh thần bất chấp định mệnh, mà hệ luỵ là sự bảo thủ, cố chấp, nếu xét ở một khía cạnh tích cực của nó, lại gần gũi với nét tính cách bất khuất, kiên định, gan góc. Những nét tính cách ấy, đến lượt nó, lại là cội rễ cho sự trường tồn của người phương Nam. Câu chuyện trong Khi tôi nằm chết, hành trình đưa tang bà Addie lên thành phố, như một ám dụ về hành trình vật lộn sinh tồn của con người. Một gia đình người da trắng nghèo, những con người bình thường, cũng chỉ trích, từ bỏ, oán hận, u sầu, cũng giấu giếm đầy những bí mật. Giữa cuộc mưu sinh, những toan tính hèn mọn, đối với họ, cái chết không còn là mối bận tâm duy nhất. Nhưng vấn đề là, khi trải qua hoạn nạn, giữa nước lũ và lửa cháy, tất cả họ đều kiên định, nhẫn nại, đến bướng bỉnh, gan lì. Cuộc sống vẫn tiếp diễn - dường như đó là một cam kết ngầm giữa những con người nhà Bundren. Hoạn nạn, oán giận, u sầu là những gánh nặng, nhưng cũng là một phần tất yếu của sinh tồn.

“Miền Nam. Ôi Chúa tôi. Bảo sao người dân các anh vẫn sống năm này qua năm khác” [82, 445]. Đó là lời Shreve nói với Quentin, sau khi nghe những câu chuyện xa xưa về người miền Nam, về cả những bi kịch và sự trường tồn. Câu nói này có lẽ một phần được cắt nghĩa từ nét căn tính này trong văn hoá miền Nam - sự bất khuất, can trường, cho dù đau thương và tội lỗi. Họ trường tồn. Những con la cố bám trụ chân mình trên mặt đất cho tới khi bị cuốn theo dòng lũ. Hightower,


Joanna, bị cộng đồng xua đuổi, vẫn bám trụ lấy mảnh đất này, tự xây cho mình một căn nhà nhỏ, dẫu cho là nơi rìa thành phố, dẫu cho bị quên lãng. Lena vẫn kiên tâm đi tìm cha cho đứa con mình, dẫu cái tên Lucas dần phai mờ và trở nên không thực. Gan lì, can trường, bất khuất, đó chính là một phẩm chất căn cốt của miền Nam.

2.3.3. Tự trị và hoà nhập

Tâm lí kiêu hãnh và nét tính cách bảo thủ khiến miền Nam không dễ đưa ra một ứng xử nhất quán trước lựa chọn: truyền thống hay tương lai, tự trị hay hoà nhập? Miền Nam tất yếu không thể nằm ngoài xu hướng hiện đại hoá của quốc gia Mĩ và toàn cầu. Có những di sản quá khứ vùng miền buộc phải bị bỏ lại. Nhưng miền Nam không dễ gì cởi mở đón nhận sự can thiệp từ bên ngoài, cụ thể là miền Bắc. Tự quyết hay bị can thiệp, tách biệt hay hoà nhập vẫn là một nan đề trong đời sống tinh thần miền Nam hậu nội chiến. Vấn đề này được Faulkner diễn giải một cách kín đáo và sâu sắc trong những tiểu thuyết của mình.

Người ta thường nhắc đến Âm thanh và cuồng nộ như một niềm hoài nhớ về quá vãng. Nhưng ta thường quên rằng nỗi trăn trở về “ngày mai” được thể hiện kín đáo từ ngay nhan đề tác phẩm. Âm thanh và cuồng nộ được trích từ cảnh 5 hồi 5 vở Macbeth: “Ngày mai, rồi ngày mai, lại ngày mai/ Lê lết theo nhịp đời nhỏ mọn ngày qua ngày/ Tới thanh âm cuối cùng của thời khắc ghi dấu;/ Và tất thảy ngày hôm qua đều nhen nhóm cho những kẻ khờ/ Con đường tới cái chết tối tăm. Tắt thôi, tắt thôi, hỡi nến nhỏ!/ Đời này có gì ngoài một bóng ma lang thang, một diễn viên nghèo nàn,/ Khuệnh khoạng và u sầu trên sân khấu/ Để rồi đi đến vô thanh. Đó là câu chuyện/ Được kể bởi gã ngốc, ồn ào và điên loạn,/ Phô bày điều vô nghĩa” [89].

Jason có lẽ là nhân vật biểu hiện cho cuộc giằng co giữa hiện tại và tương lai của miền Nam nước Mĩ rò nhất trong Âm thanh và cuồng nộ. Khác với hai người anh em trai của mình là Quentin và Benjy, hắn có một ý thức rò ràng về việc thích ứng với tương lai. Nhưng việc thích ứng đó vẫn đem lại cho hắn một gánh nặng về tâm lí, cảm xúc. Sự không tương thích giữa Jason và thế giới hiện đại được thể hiện trong những cảm giác. (Faulkner thường hay chuyển hoá những ý niệm nhận thức vào trong những cảm giác, giác quan). Jason rất tự hào vì sở hữu chiếc xe hơi hạng sang (xe hơi - một dấu hiệu của xã hội công nghiệp hiện đại, thay vì ngựa trong xã hội trưởng giả, quý tộc thế kỉ XIX). Nhưng mùi xăng luôn là một gánh nặng đối với hắn. “Và bây giờ tôi nghĩ mình về nhà thật đúng lúc để chạy như bò ra sau một thúng cà chua hay gì đó suốt chặng đường dài rồi phải lộn về thị trấn sặc sụa mùi xí nghiệp long não khiến đầu tôi như sắp nổ tung trên vai. Tôi vẫn bảo bà cụ rằng aspirin chẳng có cái quái gì, ngoài bột hoà với nước cho những con bệnh tưởng. Tôi


nói mẹ không biết nhức đầu là thế nào đâu. Tôi nói mẹ tưởng tôi cứ ngồi trên cái xe quỷ ấy suốt ngày là vì tôi thích thế chắc” [66, 330].

Vốn kiêu hãnh và tự phụ, người miền Nam trong tác phẩm Faulkner trút mọi cuồng nộ và oán giận lên những kẻ can thiệp vào cuộc đời mình, kể cả khi đó là những người làm việc tốt. Joanna Burden trong Nắng tháng tám tiêu biểu cho nạn nhân của sự giận dữ đó. Chịu ảnh hưởng từ cha ông mình, những nhà bãi nô miền Bắc, Joanna, một người da trắng, dành cả đời để đấu tranh cho quyền bình đẳng của người da đen - làm tự thiện, cưu mang người da đen, bảo vệ pháp lí cho họ. Và đây là kết cục cho cuộc đời cô: “Cổ nằm dài trên sàn nhà. Đầu gần như bị cắt đứt: một người đàn bà tóc bắt đầu bạc. (…) Bởi vì cái mền mở ra khi rơi xuống đất, và cổ thì nằm nghiêng người, quay về một phía, cái đầu thì quay hẳn lại phía kia như thể cổ nhìn ra đằng sau mình” [70, 125-126]. Đầu gần như lìa khỏi cổ, quay hẳn về phía sau lưng, thi thể người đàn bà toát lên vẻ hài hước đen, một thứ pha trộn giữa hài hước và kinh dị. Dimock phát hiện ra sự liên tưởng thú vị về chi tiết cái đầu ngoảnh ra sau trong Thần khúc của Dante. Đây là miêu tả về những kẻ dưới địa ngục: “Khi tôi nghiêng đầu sang một chút, tôi bắt đầu thấy từng cái một, thật đáng kinh ngạc, lần lượt hiện ra dị dạng giữa cằm và ngực. Mặt họ bị vặn xoáy lại phía hông, và họ cần phải bước lùi bởi họ không thể nhìn thấy phía đằng trước” [theo 59]. Trong tác phẩm của Dante, những kẻ này phải chịu hình phạt đầu ngoảnh ngược là bởi khi còn sống, họ vốn là những nhà tiên tri (soothsayers). Biết trước tương lai là một tội lỗi, và phải bị trừng trị. Phải chăng có một mối tương đồng giữa những nhà tiên tri này và những nhà cải cách xã hội đến từ miền Bắc của Faulkner: mối ưu tư về tương lai, nhận thức về đặc quyền của mình trong việc dự đoán tương lai? Tự cho mình quyền hoạch định đường đi cho miền Nam, Joanna có kết cục giống như những nhà tiên tri bị trừng phạt trong địa ngục của Dante.

Faulkner đã xây dựng những nhân vật của mình dựa trên hiểu biết của ông về thực trạng xã hội nước Mĩ thời Tái thiết. Rất nhiều nhà cải cách miền Bắc (Northern reformers) vào Nam, tự coi mình là những kẻ cải tạo, giáo dục các cựu nô lệ, điều chỉnh xã hội miền Nam sau nội chiến. Do một số trong đó lạm quyền và tham nhũng, những nhà cải cách được người dân địa phương ở miền Nam mỉa mai là những “carpetbaggers”. “Ở quanh đây người ta thù ghét chúng tôi lắm. Chúng tôi là dân Yankee mà. Người nước ngoài mà. Còn tệ hại hơn cả người nước ngoài nữa đó: chúng tôi là kẻ thù của họ. Một loại cha căng chú kiết nào đó bỗng dưng lù lù sống trên đất họ” [70, 321], Joanna đã nói như thế khi kể về cái chết của những người trong gia đình mình. Trong thực tế, thời Tái thiết, nước Mĩ nói chung, miền Bắc nói


riêng nỗ lực áp dụng những biện pháp cứng rắn nhằm nhào nặn lại miền Nam theo con đường chung của miền Bắc và quốc gia Mĩ. Thế nhưng, các sử gia cũng rút ra bài học từ thời Tái thiết: “theo thời gian, càng ngày người ta càng thấy rò rằng các vấn đề của miền nam không thể giải quyết bằng luật pháp khắc nghiệt và mối ác cảm kéo dài đối với các bang thuộc phe Liên minh cũ. Tháng 5.1872, Quốc hội thông qua Luật Ân xá, phục hồi đầy đủ các quyền lợi chính trị cho mọi người, ngoại trừ khoảng 500 nhân vật kiên quyết ủng hộ Liên minh” [90, 189]. Nếu nhìn từ góc độ căn tính văn hoá, có thể thấy ý muốn can thiệp và áp đặt không dễ thành công ở một mảnh đất vốn mang trong mình sự kiêu hãnh, tự tôn và cả sự bảo thủ. Sự xâm phạm vào mảnh đất đó, cho dù bằng lòng tốt hay ý đồ xấu xa, nếu không đủ khéo léo, tất yếu lãnh nhận lại sự giận dữ và trừng phạt.

Ưa chuộng sự tự trị hơn hoà nhập, người miền Nam không dễ đón nhận những kẻ lạ gia nhập vào cộng đồng. Hãy thử dòi theo phản ứng của dân địa phương trước sự xuất hiện của những người miền Bắc, từ ví dụ của Reverend Shegog trong Âm thanh và cuồng nộ. Shegog không phải là mục sư địa phương, ông đi từ một thành phố khác tới nhà thờ của những người da đen. Và đây là ngoại hình vị mục sư từ con mắt của người dân bản địa: “Vị khách quá thấp bé, mặc một chiếc áo vải đen alpaca, gương mặt đen đủi nhăn nheo như một con khỉ già loắt choắt. (…) Khi vị khách đứng dậy để nói, ông phát âm như một người da trắng. Giọng ông bằng phẳng và lạnh lùng. Nó quá lớn với một người như ông và đầu tiên họ nghe vì tò mò, như thể nghe một con khỉ nói. Rồi họ bắt đầu nhìn ông như nhìn một người đi trên dây” [66, 405]. Có thể đọc thấy một chút thất vọng, một chút tò mò, một chút mai mỉa, một chút nghi ngờ trong cách dân bản địa quan sát vị khách phương xa. “Ông phát âm như một người da trắng”, cả chút định kiến chủng tộc, tách vị khách ra khỏi cộng đồng. Những con chiên trong nhà thờ da đen chỉ bắt đầu chấp nhận Shegog khi ông cất giọng, hoà vào bài ca tôn vinh khoảnh khắc Phục sinh hiển linh: “đến khi ông không còn gì nữa và họ không còn gì nữa cũng không còn cả cái giọng chỉ còn lại trái tim họ đang nói với nhau qua những nhịp hát không cần đến lời, khi ông tới dựa vào bàn để nghỉ, khuôn mặt loài khỉ của ông ngước lên và toàn bộ đáng điệu của ông như của người bị hành hình trên cây thập tự, bình thản siêu phiệt, vượt lên trên sự tiều tuỵ và tầm thường, một tiếng rên dài thoát ra khỏi lồng ngực của họ, và một giọng nữ cao đơn độc thốt lên: “Vâng, Jesus!’” [66, 406-407]. Bỏ qua định kiến vùng miền, đồng ca trong nghi lễ nhà thờ là điểm hoà điệu những tâm hồn người. Vậy là, để trở thành một phần của miền Nam, phải sống cho tới phần sâu thẳm trong căn cốt văn hoá của cả cộng đồng.

..... Xem trang tiếp theo?
⇦ Trang trước - Trang tiếp theo ⇨

Ngày đăng: 10/06/2022