4. Phương pháp nghiên cứu của đề tài
Khoá luận sử dụng phương pháp lý luận kết hợp với nghiên cứu thực tiễn, phân tích định tính kết hợp với phân tích định lượng.
5. Kết cấu của khóa luận
Ngoài lời mở đầu, kết luận, danh mục tài liệu tham khảo, danh mục các bảng biểu, phụ lục, khóa luận được chia thành ba chương trong đó bao gồm:
Chương 1: Lý luận chung về thương mại quốc tế và tổng quan về đất nước Ấn Độ
Chương 2: Đánh giá thực trạng quan hệ thương mại Việt Nam - Ấn Độ từ năm 2001 đến nay
Chương 3: Một số giải pháp thúc đẩy quan hệ thương mại Việt Nam - Ấn Độ
Do những hạn chế về mặt thời gian, lý luận và thực tiễn, khoá luận này chắc chắn không tránh khỏi còn nhiều thiếu sót. Tôi rất mong nhận được sự góp ý của thầy, cô giáo và các bạn sinh viên cùng quan tâm tới đề tài này để khoá luận của tôi được hoàn chỉnh hơn. Tôi xin chân thành cảm ơn cô giáo hướng dẫn Ths. Nguyễn Thị Tuyết Nhung cùng gia đình và bạn bè đã tận tình hướng dẫn, giúp đỡ tôi hoàn thành khoá luận tốt nghiệp này.
Có thể bạn quan tâm!
- Thực trạng và giải pháp thúc đẩy quan hệ thương mại Việt Nam - Ấn Độ - 1
- Đặc Điểm Dân Cư Và Đặc Trưng Văn Hóa Ấn Độ
- Tỷ Trọng Kim Ngạch Xuất Khẩu Của Ấn Độ Sang Một Số Thị Trường Chủ Yếu
- Tỷ Trọng Kim Ngạch Nhập Khẩu Của Ấn Độ Từ Một Số Thị Trường Chủ Yếu
Xem toàn bộ 121 trang tài liệu này.
Hà Nội, tháng 5 năm 2008 Sinh viên thực hiện Thái Cẩm Linh
CHƯƠNG 1
LÝ LUẬN CHUNG VỀ THƯƠNG MẠI QUỐC TẾ VÀ TỔNG QUAN VỀ ĐẤT NƯỚC ẤN ĐỘ
1.1. LÝ LUẬN CHUNG VỀ THƯƠNG MẠI QUỐC TẾ
1.1.1. Khái niệm
Không thể có một quốc gia nào trên thế giới tồn tại độc lập, phát triển có hiệu quả mà không có mối quan hệ nào với các quốc gia khác, đặc biệt trong lĩnh vực kinh tế. Quan hệ kinh tế quốc tế là bộ phận cốt lõi tạo nên tính hữu cơ của nền kinh tế thế giới, nhờ đó mà các nền kinh tế quốc gia có thể liên kết với nhau như một thể thống nhất.
Quan hệ kinh tế quốc tế là tổng thể các mối quan hệ kinh tế đối ngoại xét trên phạm vi toàn thế giới. Quan hệ kinh tế đối ngoại là toàn bộ các mối quan hệ về kinh tế, thương mại, khoa học công nghệ của một quốc gia với bên ngoài ( “bên ngoài” ở đây bao gồm các quốc gia, vùng lãnh thổ khác; các tổ chức kinh tế, tài chính, thương mại mang tính khu vực hoặc toàn cầu; các công ty, tập đoàn).
Những hình thức chủ yếu của quan hệ kinh tế quốc tế bao gồm: quan hệ về di chuyển quốc tế hàng hoá và dịch vụ, quan hệ về di chuyển quốc tế vốn đầu tư, quan hệ về di chuyển quốc tế sức lao động, quan hệ kinh tế quốc tế trong lĩnh vực khoa học công nghệ, quan hệ về di chuyển quốc tế các phương tiện tiền tệ.
Quan hệ về di chuyển quốc tế hàng hoá và dịch vụ là một hình thức quan hệ kinh tế quốc tế chủ yếu. Trong thực tế, các quan hệ di chuyển quốc tế hàng hoá và dịch vụ được gọi là thương mại quốc tế. Thương mại quốc tế có mầm mống từ hàng ngàn năm nay, nó ra đời sớm nhất và hiện nay vẫn giữa vị trí trung tâm trong các quan hệ kinh tế quốc tế.
Thương mại quốc tế là sự trao đổi hàng hoá, dịch vụ giữa các quốc gia, thông qua mua bán, lấy tiền tệ làm môi giới, tuân theo nguyên tắc trao đổi ngang giá nhằm đưa lại lợi ích cho các bên. [1, trang 59]
Thương mại quốc tế giữa quốc gia này với quốc gia khác được gọi là quan hệ thương mại song phương (ví dụ như quan hệ thương mại Việt Nam – Ấn Độ).
1.1.2. Nội dung của thương mại quốc tế
Thương mại quốc tế được chia ra làm hai nhóm:
- Thương mại hàng hoá hữu hình: là hình thức thương mại trong đó diễn ra việc buôn bán, trao đổi các sản phẩm, hàng hoá thể hiện dưới dạng vật chất, hữu hình. Thương mại hàng hoá hữu hình ra đời sớm nhất và cho đến nay vẫn là hình thức quan trọng nhất trong thương mại quốc tế.
- Thương mại hàng hoá vô hình (hay thương mại dịch vụ): là hình thức thương mại trong đó diễn ra việc mua bán, trao đổi các sản phẩm vô hình, phi vật chất được thực hiện thông qua các hoạt động của con người. Các hình thức thương mại dịch vụ chủ yếu: dịch vụ bán buôn bán lẻ, dịch vụ thông tin, dịch vụ tài chính, dịch vụ vận tải, dịch vụ du lịch...
Thương mại quốc tế thường được nghiên cứu dưới ba góc độ. Góc độ thứ nhất nhìn nhận hoạt động thương mại trên quan điểm toàn cầu, tìm ra những quy luật, xu hướng, vấn đề mang tính chất chung nhất trên thế giới, không phụ thuộc vào lợi ích của từng quốc gia. Góc độ thứ hai đứng trên lợi ích và quan điểm của từng quốc gia để xem xét hoạt động buôn bán chủ yếu của quốc gia đó với các quốc gia khác trên thế giới. Góc độ thứ ba gắn với hoạt động kinh doanh quốc tế của các công ty nhằm mục đích thu lợi cao nhất cho công ty.
Trên góc độ một quốc gia thương mại quốc tế chính là hoạt động xuất nhập khẩu (ngoại thương). Xuất khẩu là việc bán hàng hoá và dịch vụ cho
nước ngoài, và nhập khẩu là việc mua hàng hoá và dịch vụ của nước ngoài. Xuất nhập khẩu là những hoạt động cụ thể trong mua bán hàng hóa, dịch vụ của các chủ thể kinh tế trong nước với các đối tác nước ngoài. Cùng với sự tăng trưởng kinh tế, các quan hệ thương mại giữa các quốc gia, các khu vực được mở rộng hơn, do đó các quan hệ thị trường, đặc biệt là xuất nhập khẩu giữa các nước tăng trưởng ngày càng mạnh mẽ và phát triển cao cả về chiều rộng lẫn chiều sâu.
Nội dung của khoá luận này sẽ chỉ tập trung nghiên cứu quan hệ thương mại hàng hoá hữu hình giữa Việt Nam và Ấn Độ.
1.1.3. Những đặc điểm phát triển chủ yếu của thương mại quốc tế
- Thương mại quốc tế những năm gần đây có xu hướng tăng nhanh, cao hơn so với tốc độ tăng trưởng của nền sản xuất, điều đó đưa đến tỷ trọng kim ngạch ngoại thương trong tổng sản phẩm quốc dân của mỗi quốc gia ngày càng lớn, thể hiện mức độ mở cửa gia tăng của nền kinh tế mỗi quốc gia ra thị trường thế giới.
- Tốc độ tăng trưởng của thương mại hàng hoá vô hình nhanh hơn tốc độ tăng trưởng của thương mại hàng hoá hữu hình thể hiện sự biến đổi sâu sắc trong cơ cấu kinh tế, cơ cấu hàng hoá xuất nhập khẩu của mỗi quốc gia. Điều này đã kéo theo nhiều quốc gia đang có sự đầu tư phát triển nhiều lĩnh vực dịch vụ.
- Cơ cấu mặt hàng trong thương mại quốc tế có những thay đổi sâu sắc với những xu hướng chính sau:
+ Giảm mạnh tỷ trọng của nhóm hàng nguyên vật liệu, tăng nhanh tỷ trọng của dầu mỏ và khí đốt.
+ Giảm tỷ trọng hàng thô, tăng nhanh tỷ trọng sản phẩm công nghiệp chế tạo, nhất là máy móc, thiết bị và những mặt hàng tinh chế.
+ Giảm tỷ trọng buôn bán những mặt hàng chứa đựng nhiều lao động giản đơn, tăng nhanh những mặt hàng kết tinh lao động phức tạp.
- Tỷ trọng buôn bán những mặt hàng chứa đựng hàm lượng vốn lớn, công nghệ cao tăng nhanh.
- Sự phát triển của nền thương mại thế giới ngày càng mở rộng phạm vi và phương thức cạnh tranh với nhiều công cụ khác nhau, không những về mặt chất lượng, giá cả mà còn về điều kiện giao hàng, bao bì, mẫu mã, các dịch vụ sau bán hàng… và các tiêu chuẩn khác gắn với trách nhiệm xã hội và quyền lợi người tiêu dùng.
Đi đôi với các quan hệ thương mại, sự phân công lao động quốc tế, hợp tác đầu tư, hợp tác khoa học và kỹ thuật, chuyển giao công nghệ… ngày càng đa dạng và phong phú, bổ sung cho nhau và thúc đẩy nhau phát triển.
- Chu kỳ sống của từng loại sản phẩm ngày càng được rút ngắn, việc đổi mới thiết bị, đổi mới công nghệ, đổi mới mẫu mã hàng hoá diễn ra liên tục, đòi hỏi phải năng động, nhạy bén khi gia nhập thị trường thế giới. Các sản phẩm có hàm lượng khoa học và công nghệ cao có sức cạnh tranh mạnh mẽ trong khi các sản phẩm, nguyên liệu thô ngày càng mất giá, kém sức cạnh tranh.
- Sự phát triển các quan hệ kinh tế quốc tế một mặt thúc đẩy tự do hoá thương mại, song mặt khác, giữa các liên kết kinh tế quốc tế cũng hình thành các hàng rào mới, yêu cầu bảo hộ mậu dịch ngày càng tinh vi hơn.
- Vai trò của WTO ngày càng quan trọng trong điều chỉnh thương mại quốc tế. Có thể coi WTO là một tổ chức quốc tế có uy lực nhất trong điều chỉnh hoạt động thương mại quốc tế. Các thể chế điều chỉnh của WTO ngày càng có hiệu lực đối với nhiều nước, mức độ điều chỉnh và tính chất điều chỉnh cũng ngày càng sâu sắc và hiệu quả hơn.
- Thương mại điện tử đang trở thành cách thức giao dịch phổ biến và quan trọng trong thương mại quốc tế.
1.1.4. Vai trò của thương mại quốc tế trong nền kinh tế quốc dân
Làn sóng toàn cầu hoá kinh tế đã bao trùm hầu hết các lĩnh vực, các ngành kinh tế trên thế giới, trong đó có thương mại quốc tế. Trong điều kiện hiện nay, thương mại quốc tế có một vai trò rất quan trọng trong sự phát triển kinh tế – xã hội của bất kỳ một quốc gia nào. Đối với Việt Nam, hội nhập kinh tế quốc tế, đặc biệt là mở rộng thị trường để thúc đẩy xuất khẩu những mặt hàng, ngành hàng mà chúng ta có lợi thế góp phần tăng trưởng, phát triển kinh tế, thực hiện thành công sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước. Vì vậy, xác định rõ vai trò của thương mại quốc tế cho phép tác động đúng hướng và tạo được những điều kiện thuận lợi cho kinh tế phát triển.
1.1.4.1. Thương mại quốc tế tạo điều kiện thúc đẩy sản xuất và góp phần đẩy mạnh tăng trưởng kinh tế
Thương mại quốc tế phục vụ đắc lực cho công cuộc đổi mới kinh tế. Do xuất khẩu và nhập khẩu là hai hành động ngược chiều nhau nên khi phân tích vai trò của xuất nhập khẩu cần xem xét nó trong mối quan hệ biện chứng với nhau: xuất khẩu là tạo điều kiện để nhập khẩu, mặt khác nhập khẩu trong nhiều trường hợp (nhập khẩu máy móc, thiết bị, nguyên vật liệu ...) lại là yếu tố thúc đẩy sản xuất và xuất khẩu phát triển. Xuất khẩu vừa thể hiện năng lực cạnh tranh của một quốc gia vừa tạo nguồn lực ngoại tệ để nhập khẩu. Kim ngạch xuất khẩu càng cao và nhập khẩu nguyên nhiên liệu, thiết bị – máy móc càng tốt thì càng tạo điều kiện để nền kinh tế trong nước có thể sản xuất với quy mô lớn hơn và đạt hiệu quả cao trên cơ sở chuyên môn hoá và hợp tác quốc tế, tạo thêm công ăn việc làm, tạo giá trị gia tăng và mở rộng thị trường tiêu thụ ra nước ngoài, tăng thu nhập quốc dân, tăng hiệu quả sản xuất, tạo vốn và kỹ thuật bên ngoài cho nền sản xuất trong nước, kích thích sự phát triển của lực lượng sản xuất, làm bật dậy các nhu cầu tiềm tàng của người tiêu dùng.
1.1.4.2. Thương mại quốc tế phát triển tác động mạnh tới sự chuyển dịch cơ cấu kinh tế Việt Nam theo hướng hiện đại
Đối với nền kinh tế có quy mô nhỏ, lạc hậu, đang phát triển như Việt Nam nếu không mở cửa hội nhập vào kinh tế khu vực và thế giới thì không thể phát triển nhanh được và sẽ tụt hậu xa hơn nữa. Vì vậy sự mở rộng thương mại quốc tế, đặc biệt là đẩy mạnh xuất khẩu những mặt hàng mà chúng ta có nhiều lợi thế là một trong những tiền đề, động lực trực tiếp thúc đẩy nền kinh tế Việt Nam hội nhập vào nền kinh tế thế giới và khu vực. Không chỉ như vậy mà mở rộng hoạt động thương mại quốc tế cũng sẽ góp phần khắc phục những tàn dư của cơ chế tập trung, quan liêu, bao cấp, chuyển nhanh nền kinh tế nước ta sang cơ chế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, đặc biệt là về các mặt như hình thức tổ chức sản xuất, cách thức kinh doanh, cán bộ, văn hóa doanh nghiệp…
Cơ cấu kinh tế nước ta vẫn đang rất lạc hậu, do đó phát triển thương mại quốc tế sẽ trực tiếp góp phần thay đổi cơ cấu nền kinh tế theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hoá. Chính việc xuất khẩu hoặc nhập khẩu thiết bị, nguyên liệu có tác động lớn đến thay đổi cơ cấu sản xuất, cơ cấu tiêu dùng, thay đổi công nghệ, thay đổi phong cách làm việc và tạo ra sự cạnh tranh từ đó dẫn đến nâng cao hiệu quả nền kinh tế quốc dân.
1.1.4.3. Thương mại quốc tế phát triển góp phần sử dụng có hiệu quả các nguồn lực
Thương mại quốc tế, đặc biệt là xuất khẩu, tăng trưởng sẽ thúc đẩy mở rộng quy mô, năng lực khai thác các nguồn lực của đất nước và sử dụng có hiệu quả hơn các nguồn lực góp phần đẩy nhanh tốc độ tăng trưởng kinh tế. Đồng thời nó còn thúc đẩy quá trình phân công lao động xã hội, hình thành và cơ cấu lại các vùng sản xuất tập trung chuyên môn hoá, thúc đẩy lực lượng sản xuất phát triển.
Mở rộng sự tham gia thương mại quốc tế cũng có nghĩa là chấp nhận cạnh tranh quốc tế trên thị trường trong và ngoài nước và điều đó sẽ tạo môi trường liên tục gây áp lực buộc các doanh nghiệp Việt Nam phải không ngừng cải tiến công tác quản lý, áp dụng khoa học kỹ thuật hiện đại, tiết kiệm các nguồn lực... qua đó nâng cao hiệu quả kinh tế và năng lực sản xuất của doanh nghiệp.
1.1.4.4. Thương mại quốc tế có tác động trực tiếp đến quan hệ đối ngoại
Thương mại quốc tế góp phần mở rộng các quan hệ kinh tế đối ngoại, từng bước đưa thị trường Việt Nam hội nhập với thị trường thế giới, biến Việt Nam thành bộ phận của phân công lao động quốc tế. Đó cũng là con đường để giúp nền kinh tế có bước phát triển nhảy vọt và nâng cao vị thế uy tín của Việt Nam trên trường quốc tế.
1.2. TỔNG QUAN VỀ ĐẤT NƯỚC ẤN ĐỘ
1.2.1. Vị trí địa lý và điều kiện tự nhiên của Ấn Độ
1.2.1.1. Địa lý
Ấn Độ (tiếng Hindi: Bharat), tên chính thức Cộng hòa Ấn Độ, là một quốc gia thuộc vùng Nam Á, lãnh thổ chiếm một phần lớn tiểu lục địa Ấn Độ. Phía Bắc giáp với Afghanistan, Trung Quốc, Nepal và Bhutan; phía Đông giáp Bangladesh, Myanmar và vịnh Bengal; phía Nam giáp eo biển Palk, vịnh
Mannr và Ấn Độ Dương; phía Tây giáp biển Ả Rập và Pakistan. Ấn Độ có diện tích 3.287.590 km2 (lớn thứ 7 trên thế giới), với khoảng hơn 15.200 km đường biên giới đất liền và 5.700 km bờ biển.
Có thể chia địa hình Ấn Độ thành ba vùng chính: vùng núi Himalaya, vùng đồng bằng sông Gange (sông Hằng) và bán đảo Ấn Độ. Các bang phía Bắc và Đông Bắc Ấn Độ nằm một phần trên dãy Himalaya. Nằm ở phía Nam và song song với vùng núi Himalaya là đồng bằng sông Hằng, một vành đai đất thấp rộng hình thành bởi con sông Hằng và các phụ lưu của nó. Vùng này