Khái Quát Tình Hình Kinh Tế - Xã Hội Của Vùng Đồng Bào Dân Tộc Thiểu Số Tỉnh Đắk Nông


CHƯƠNG 2


THỰC TRẠNG THỰC HIỆN CHÍNH SÁCH GIẢM NGHÈO BỀN VỮNG ĐỐI VỚI ĐỒNG BÀO‌

DÂN TỘC THIỂU SỐ TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH ĐẮK NÔNG


2.1. Khái quát tình hình kinh tế - xã hội của vùng đồng bào dân tộc thiểu số tỉnh Đắk Nông

2.1.1. Giới thiệu đặc điểm tự nhiên, xã hội trên địa bàn tỉnh Đắk Nông

Tỉnh Đắk Nông được thành lập ngày 01 tháng 01 năm 2004, theo Nghị quyết số 22/2003/NQ - QH11, ngày 26/11/2003 của Quốc hội khoá XI, trên cơ sở chia tách tỉnh Đắk Lắk thành 2: tỉnh Đắk Lắk và tỉnh Đắk Nông.

Hình 2 1 Bản đồ hành chính tỉnh Đắk Nông Nguồn Trang thông tin điện tử 1

Có thể bạn quan tâm!

Xem toàn bộ 137 trang tài liệu này.

Hình 2.1. Bản đồ hành chính tỉnh Đắk Nông

[Nguồn: Trang thông tin điện tử Thương mại Biên giới, Miền núi, Hải đảo]


Đắk Nông là tỉnh thuộc vùng Tây Nguyên với diện tích khoảng 651.927 ha, chiếm 1,97% diện tích cả nước, chiếm 11,92% diện tích và nhỏ nhất vùng Tây Nguyên, là tỉnh nằm ở cửa ngõ phía Tây Nam vùng Tây Nguyên, đoạn cuối dãy Trường Sơn. Toàn tỉnh có 08 huyện, thành phố: Đắk Mil, Cư Jut, Krông Nô, Đắk Song, Đắk Glong, Đắk R’Lấp, Tuy Đức và thành phố Gia Nghĩa, gồm 71 xã, phường, thị trấn. Trong đó, có 61 xã thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới với 789 thôn, bon, buôn và 12 xã thuộc xã ĐBKK với 179 thôn, buôn, bon. Tỉnh có 02 huyện (Đăk Glong và Tuy Đức) có tỷ lệ hộ nghèo cao đang được hưởng cơ chế chính sách theo Nghị quyết 30a/NQ/2008/NQ-CP. Vị trí địa lý tỉnh Đắk Nông phía Bắc giáp Đắk Lắk có Quốc lộ 14, phía Đông giáp tỉnh Lâm Đồng, phía Nam giáp Bình Phước có Quốc lộ 28, phía Tây giáp Vương quốc Campuchia có 130 Km đường biên giới rất thuận lợi giao thương phát triển KTXH.

Đắk Nông nằm trọn trên cao nguyên M’Nông, theo thư tịch của Pháp, Cao nguyên M’Nông gọi tắt là Cao Nguyên Trung tâm, vì nằm ngay “Ngã ba ranh giới” của ba xứ Trung Kỳ, Nam Kỳ, Cao Miên. Nhìn tổng thể, địa thế Cao nguyên M’Nông như một mái nhà, các nhà địa lý học gọi đây là “mái nhà của cực Nam Đông Dương”, đường nóc là một cao nguyên dài và hẹp - dãy núi Nâm Nung, chạy dài từ Đông sang Tây, độ cao trung bình khoảng 600 – 700 m so với mặt nước biển, nơi cao nhất là 1.982 m (Tà Đùng), với địa hình đa dạng có sự xen kẽ giữa các địa hình thung lũng, cao nguyên và núi cao. Đăk Nông sở hữu phong cảnh vừa hùng vĩ vừa thơ mộng, rừng tự nhiên tỷ lệ che phủ rừng khoảng 49%, được ví như “Bức tranh Tây Nguyên hoàn mỹ”, cùng nhiều di sản có giá trị để khai thác các loại hình hoạt động du lịch - dịch vụ, giúp người đồng bào DTTS nghèo nơi đây có cơ hội

tham gia làm việc với thu nhập phù hợp để GNBV. Mới đây, Công viên Địa chất Đắk Nông được UNESCO công nhận, có diện tích hơn 4.700 km2, chiếm hơn 2/5 diện tích tự nhiên của tỉnh, nằm trải dài trên 6/8 huyện, thành phố của tỉnh (Krông Nô, Cư Jút, Đắk Mil, Đắk Song, Đắk Glong và thành phố Gia Nghĩa). Đến đây, du khách được tham quan hàng chục điểm di sản, địa mạo, bao gồm hệ thống các miệng núi lửa, hang động núi lửa và thác nước, cùng hệ thống hang động núi lửa đồ


sộ nhất Đông Nam Á với 50 hang động, tổng chiều dài hơn 10.000m, xen kẽ là phong cảnh đồi núi, sông hồ, thác nước tuyệt đẹp như: khu du lịch sinh thái - văn hóa cụm thác Dray Sáp - Gia Long - Trinh Nữ, Hồ Tây, công viên vui chơi giải trí Liêng Nung, khu vui chơi giải trí Hồ Thiên Nga, Khu du lịch sinh thái Tà Đùng (Đắk Glong), khu du lịch sinh thái Đăk Glun,... Đến nay, toàn tỉnh có 12 dự án xây dựng các khu du lịch trọng điểm, với số vốn đầu tư 798,2 tỷ đồng. Đặc biệt, Đăk Nông coi trọng việc bảo tồn và phát huy văn hóa vật thể - phi vật thể, giữ gìn bản sắc văn hóa của cộng đồng các dân tộc. Chú trọng đầu tư phát triển Làng văn hóa đồng bào: khám phá khu di tích lịch sử N’Trang Lơng kết hợp du lịch cửa khẩu Bu Prăng, khu di tích lịch sử Nâm Nung (Nâm Njang), gắn với khai thác và phát huy buôn cổ (buôn Buôr), giao lưu đồng bào M'Nông, Mạ (xã Đắk Nia), trải nghiệm quy trình trồng và chế biến cà phê, trải nghiệm làm các món ăn, loại bánh truyền thống của đồng bào dân tộc,… nhằm khôi phục lại những giá trị văn hóa độc đáo.

Là tỉnh có mật độ đất đỏ bazan phân bố chủ yếu, lại theo hướng cao dần từ Đông sang Tây, rất thích hợp với phát triển cây công nghiệp dài ngày như cà phê, cao su, điều, tiêu. Tỉnh khuyến khích áp dụng khoa học công nghệ phát triển KTXH thúc đẩy sản xuất nông nghiệp tăng trưởng. Cơ cấu kinh tế chung đang dần theo đúng định hướng là giảm dần tỷ lệ ngành nông lâm nghiệp nhưng vẫn bảo đảm tăng về giá trị sản xuất của ngành. Tốc độ tăng trưởng của ngành nông nghiệp bình quân đạt 9,3%, phát triển cà phê bền vững (cà phê sạch 4C, UTZ, RA,...) có 29.071 ha, sản lượng 93.355 tấn với 14.865 nông hộ tham gia, hồ tiêu là

8.029 ha, sản lượng 17.682 tấn, Ca cao lợi nhuận tăng 35%,… Đồng thời, Đăk Nông có tài nguyên nước dồi dào, mạng lưới suối, hồ, đập phân bố đều khắp trên địa bàn như sông Đồng Nai, sông Sêrêpôk. Khả năng trữ nước cho hoạt động nông nghiệp, công nghiệp, thủy điện của Hồ Tây, Exanô, Đắk Rông,… tạo điều kiện thuận lợi cho việc xây dựng, phát triển trung tâm giống thủy sản với 29 mô hình nuôi ngan pháp, 07 mô hình nuôi gà sao, nuôi lươn, nuôi vịt bầu cánh trắng ở bon đồng bào DTTS, nuôi cá lóc bông đạt diện tích 3.080 m2, nuôi cá lăng đuôi đỏ sông Sêrêpôk với 20.000 con đạt diện tích 500 m2.


Trải qua quá trình hình thành xây dựng và phát triển tỉnh Đắk Nông đến nay với định hướng phát triển đô thị hóa đến năm 2025, tỉnh có 11 đô thị, mở rộng các thị trấn huyện đã có là Đắk Mil và Kiến Đức và nâng cấp đô thị loại V. Đồng thời, Tỉnh chú trọng quy hoạch sử dụng bố trí quỹ đất nhằm phát huy hiệu quả quỹ đất đô thị, dành diện tích đất đô thị cần thiết để bảo đảm cho mục tiêu công cộng, xây dựng các điểm vui chơi, giải trí nâng cao đời sống tinh thần cho người dân.

Để công tác giải quyết việc làm cho người lao động có nhiều tiến triển, Đắk Nông đã xây dựng hợp tác với Đắk Lắk, Lâm Đồng và các tỉnh miền Đông Nam Bộ trong việc liên kết đào tạo nguồn nhân lực với các doanh nghiệp lớn để chuyển đổi nghề. Đồng thời, Đắk Nông là tỉnh thuận lợi khai thác bôxít, sản xuất Alumin theo Quyết định 167 của Chính phủ tạo ra nhiều việc làm cho người lao động, đảm bảo cơ cấu công nghiệp - dịch vụ - nông lâm nghiệp, với 20 loại khoáng sản giàu trữ lượng và khoáng sản quý hiếm như: vàng, đá quý, ngọc bích, saphir,... còn có trên 178 mỏ và điểm quặng chủ yếu là: bauxit, wolfram, antimoal... trong đó, bauxit có trữ lượng lớn khoảng 5,4 tỷ tấn.

Đắk Nông có sự phát triển nhờ thực hiện hiệu quả nhiều chính sách tài chính, tín dụng, đã sử dụng nguồn vốn TW, và các nguồn vốn tài trợ vào việc xây dựng các cơ sở đào tạo theo hướng hiện đại và chuẩn hóa. Tiếp tục hỗ trợ học sinh, sinh viên được vay vốn từ NHCSXH, mở rộng đối tượng được vay, ưu tiên cho lao động là đồng bào DTTS. Hỗ trợ học phí đào tạo nghề cho các đối tượng thuộc diện chính sách. Tích cực xây dựng cơ chế huy động các nguồn vốn xã hội cho quỹ phát triển nhân lực và quỹ khuyến học.

Đắk Nông luôn ưu tiên bố trí sử dụng hợp lý và hiệu quả nguồn nhân lực. Bảo đảm cơ cấu cán bộ người DTTS đạt từ 10% trở lên và tỷ lệ cán bộ nữ, cán bộ DTTS trong cấp uỷ, HĐND, UBND các cấp theo đúng hướng dẫn của TW. Đặc biệt, quan tâm để thực hiện tốt công tác quy hoạch cán bộ người DTTS.

Bên cạnh đó, Đắk Nông cũng là một tỉnh năng động trong kinh tế đối ngoại, với chủ trương hội nhập quốc tế của Đảng bộ tỉnh, đến nay tỉnh đã thu hút 8 dự án ODA có số vốn 2.608 tỉ đồng và 4 dự án FDI có tổng vốn 20 triệu USD, kim ngạch


xuất, nhập khẩu có mức tăng trưởng cao (đạt 23%). Nhận thức về hội nhập quốc tế của đội ngũ cán bộ lãnh đạo doanh nghiệp và nhân dân được nâng lên.

Đặc biệt, đây cũng là vùng đất quần tụ của cư dân từ nhiều vùng miền về sinh cơ, lập nghiệp nên đời sống tâm linh, tôn giáo, tín ngưỡng cũng vô cùng phong phú. Ngoài 03 tôn giáo chính là: Tin lành, Thiên Chúa, Phật giáo, còn có tôn giáo khác (Cao đài, Hòa Hảo, Hồi giáo). Tổng tín đồ tôn giáo là 217.869 người, chiếm 36,10% so với dân số toàn tỉnh (trong đó, DTTS là: 75.939 tín đồ, chiếm 34,85% so với tổng số tín đồ và chiếm 12,6% so với dân số toàn tỉnh). Đặc biệt, hộ nghèo đồng bào DTTS đa số theo Tin lành. Nhìn chung, các tôn giáo chấp hành tốt chủ trương đường lối của Đảng, chính sách pháp luật và quy định của địa phương.


2.1.2. Đặc điểm của đồng bào dân tộc thiểu số tỉnh Đắk Nông

Về dân số: Đắk Nông là một tỉnh đa dân tộc (40 thành phần dân tộc), dân số khoảng 212.658 người, chiếm tỷ lệ 30,2% dân số toàn tỉnh. Theo kết quả rà soát hộ nghèo cuối năm 2020 toàn tỉnh có 11.785 hộ, chiếm tỷ lệ 6,98%. Trong đó, hộ nghèo đồng bào DTTS là 8.128 hộ, chiếm 17,18%.

Quá trình lịch sử phát triển về địa bàn cư trú và điều kiện sinh sống, kinh tế, văn hoá xã hội hết sức phong phú, đa dạng. Ngày nay, cộng đồng người DTTS vẫn tiếp tục có một vị trí, vai trò quan trọng trong công cuộc phát triển KTXH của các dân tộc tỉnh Đắk Nông. Bon là đơn vị xã hội cơ bản nhỏ nhất của người DTTS, người đứng đầu bon là một già làng có uy tín (gọi là Kô ranh Bon) quản lý bon, buôn làng bằng Luật tục. Đồng thời, bon trưởng và các chức sắc khác như: người xử kiện, thầy cúng, nghệ nhân,... mỗi người có trách nhiệm riêng cùng với người đứng đầu bon quản lý, điều hành toàn bộ hoạt động trong bon, vận động nhân dân trong bon thực hiện đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật Nhà nước và quy định của địa phương.

Trong gia đình người DTTS, hầu như chủ nhà là phụ nữ theo đó của cải và đất đai sẽ được truyền từ mẹ sang con gái, con cái mang họ mẹ, con trai không được hưởng thừa kế. Đàn ông cư trú trong nhà vợ. Nếu vợ chết và bên nhà vợ không còn ai thay thế theo tục nối dây thì người chồng phải về với chị em gái mình. Khi chết,


được đưa về chôn cất bên người thân của gia đình mẹ đẻ. Chỉ con gái được thừa kế tài sản, người con gái út được thừa kế nhà tự ông bà và phải nuôi dưỡng cha mẹ già. Phụ nữ chịu trách nhiệm trong quản lý gia đình, chăm sóc con cái, mồ mả tổ tiên, của cải thừa kế cho con cái... Bên ngoài xã hội, đàn ông DTTS có vai trò và địa vị rất lớn: chịu trách nhiệm trong việc ngoại giao, buôn bán với cộng đồng, các vấn đề tôn giáo và chính trị.

Thực tế, người DTTS cũng như những người dân lao động dân tộc khác, rất yêu đời, yêu lao động, họ vừa ca hát, vừa trồng lúa, trồng cà phê, họ chịu khó, cần cù trong lao động sản xuất để kiếm cái ăn, cái mặc nuôi sống gia đình và bản thân, biết khai hoang mở rộng đất đai canh tác, họ sống chan hòa giữa núi rừng tây nguyên hoang sơ hùng vĩ. Họ chọn Tin Lành như là một tôn giáo để theo, thường đến các nhà nhờ tại địa phương vào ngày chủ nhật. Một số rất ít theo Phật giáo tại các vùng đô thị. Số còn lại vẫn theo nét tín ngưỡng cổ truyền, thờ cúng các thần hộ thân cho mình. Trong sâu thẳm văn hóa của người DTTS, bến nước và con thuyền là những hình ảnh chưa hề phai nhạt. Nhà sàn DTTS có hình con thuyền dài, cửa chính mở phía trái nhà, cửa sổ mở ra phía hông. Bên trong nhà có trần gỗ hình vòm giống hệt mui thuyền. Nhà người DTTS thuộc loại hình nhà dài sàn thấp, thường dài từ 15 đến hơn 100m tùy theo gia đình, là nhà của gia đình lớn theo chế độ mẫu hệ, bộ khung kết cấu đơn giản. Đặc trưng nhà DTTS là: hình thức của cầu thang, cột sàn và cách bố trí trên mặt bằng sinh hoạt. Đặc biệt, nửa đằng cửa chính gọi là Gah là nơi tiếp khách, bếp chủ, ghế khách, ghế chủ, ghế dài (Kpan) (tới 20m), chiêng ché,... nửa còn lại gọi là Ôk là bếp đặt chỗ nấu ăn chung. Mỗi đầu nhà có sân sàn ở phía cửa chính được gọi là sân khách, nhà khá giả thì sân khách rộng, khang trang.

Mặc dù KTXH vùng đồng bào DTTS đã có bước phát triển mạnh, đời sống từng bước được cải thiện nâng lên trong những năm qua. Chất lượng giáo dục, y tế, văn hóa ở vùng đồng bào DTTS được nâng lên nhưng so với mặt bằng chung vẫn còn thấp, mức độ tiếp cận các dịch vụ xã hội còn nhiều khó khăn. Tuy nhiên do trình độ dân trí thấp, thói quen lao động dựa vào điều kiện tự nhiên là chủ yếu và khả năng thích ứng với nền kinh tế thị trường chưa cao. Đời sống của họ hầu như


chỉ dừng lại ở mức độ đủ ăn đủ mặc, với hủ tục lạc hậu và tệ nạn xã hội, thu nhập bình quân chỉ bằng 40-50% thu nhập của địa phương, hộ nghèo còn cao gấp hơn 3 lần tỷ lệ hộ nghèo toàn tỉnh, tiếp nhận thông tin, khoa học kỹ thuật, các chính sách của nhà nước rất hạn chế. Một số vấn đề trong đồng bào DTTS như: Di cư tự do, thiếu đất ở, đất sản xuất,... chưa giải quyết tốt là những yếu tố tiềm ẩn nguy cơ mất ổn định an ninh trật tự vùng đồng bào DTTS tại địa phương.

Về phân bố dân cư theo kết quả phân định khu vực giai đoạn 2016-2020, theo Quyết định 582/QĐ-TTg ngày 28/04/2017 của Thủ tướng Chính phủ thì tỉnh Đắk Nông có 15 xã khu vực I, 44 xã khu vực II và 12 xã khu vực III. Toàn tỉnh có 78 thôn ĐBKK thuộc xã khu vực II và 101 thôn ĐBKK thuộc xã khu vực III. Có 18 xã được đầu tư Chương trình 135 (trong đó có 12 xã khu vực III, 06 xã biên giới). Đồng bào DTTS phân bố thưa thớt ở xã, phường, thị trấn của tỉnh, chủ yếu tập trung đông ở vùng sâu, vùng xa, vùng ĐBKK.


2.1.3. Thách thức trong phát triển kinh tế giảm nghèo bền vững đối với đồng bào dân tộc thiểu số

Nhìn chung đồng bào DTTS có trình văn hóa độ thấp, thiếu kiến thức và kỹ năng lao động yếu, họ khó tiếp cận các chính sách phát triển sản xuất, cũng không thể nâng cao năng suất để có thu nhập đảm bảo cuộc sống ổn định, gây ảnh hưởng lớn đến tốc độ và hiệu quả giảm nghèo, nhất là giảm nghèo theo hướng bền vững.

Đồng thời, do hiện tượng biến đổi khí hậu đã và đang diễn ra mạnh mẽ làm cho tình hình thiên tai, dịch bệnh xẩy đến khó lường và khắc nghiệt trong thời gian gần đây, khiến nhiều vùng bị ảnh hưởng nặng đòi hỏi các cấp các ngành phải kịp thời quan tâm xây dựng chính sách hỗ trợ, giúp đỡ người nghèo đồng bào DTTS khỏi bị tổn thương do biến cố rủi ro, góp phần giảm bớt khó khăn, bồi đắp niềm tin, ý chí vươn lên giảm nghèo bền vững ở họ.

Theo dự đoán, tình hình kinh tế của tỉnh ngày càng phát triển ở mức tăng trưởng cao, cho nên khoảng cách phân tầng giữa hai cực giàu nghèo trong xã hội ngày càng giãn rộng. Nên cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương phải có sự quan tâm tương xứng, cần huy động tập trung các nguồn lực để cân bằng sự tác động này.


Ngoài ra, việc nguồn vốn đầu tư các chương trình giảm nghèo còn hạn chế, không tập trung, nhất là trong điều kiện tình hình kinh tế trong nước đang gặp nhiều khó khăn như hiện nay, do tác động của suy thoái kinh tế, dịch Covid-19, ảnh hưởng đến lộ trình, mục tiêu giảm nghèo đề ra.


2.2. Tình hình thực hiện chính sách giảm nghèo bền vững đối với đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh Đắk Nông

2.2.1. Kết quả thực hiện chính sách giảm nghèo bền vững đối với đồng bào dân tộc thiểu số nghèo trên địa bàn tỉnh Đắk Nông

Trong giai đoạn qua, Đảng bộ, chính quyền, quân và dân các dân tộc tỉnh Đắk Nông đã bám sát sự lãnh đạo, chỉ đạo của Trung ương, với nhiều cách làm sáng tạo và quyết liệt, nỗ lực, quyết tâm thực hiện đưa Nghị quyết Đại hội XII của Đảng, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XI đi vào cuộc sống và đạt được những kết quả quan trọng, thực hiện được mục tiêu thoát ra khỏi tình trạng của một tỉnh nghèo, chưa phát triển. Tăng trưởng kinh tế được duy trì ở mức bình quân chung của cả nước, ước đạt 8,02%; ngành công nghiệp khai khoáng có sự tăng trưởng khá; quy mô và tiềm lực của nền kinh tế tăng 1,34 lần; GRDP bình quân đầu người tăng từ 38,65 triệu đồng lên 52 triệu đồng vào năm 2020. Mặc dù Đắk Nông còn nhiều khó khăn trong bối cảnh kinh tế thế giới và trong nước có nhiều diễn biến phức tạp và bất lợi, nhất là tác động của biến đổi khí hậu, thiên tai và đại dịch COVID-19, nhưng Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc tỉnh Đắk Nông đã đoàn kết, thống nhất, nỗ lực phấn đấu, vượt qua khó khăn và đạt được nhiều kết quả quan trọng với việc hoàn thành và vượt 14/21 chỉ tiêu chủ yếu mà Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XI đề ra. Quy mô kinh tế tiếp tục mở rộng; cơ cấu kinh tế chuyển dịch tích cực. Thu nhập bình quân đầu người đã đạt mức trung bình các tỉnh Tây Nguyên và vượt khỏi nhóm tỉnh có thu nhập bình quân đầu người thấp của cả nước.

Đồng thời, tại Nghị quyết số 12/2019/NQ-HĐND của HĐND tỉnh đã ban hành, các chính sách giảm nghèo đặc thù khuyến khích hộ nghèo cam kết thoát nghèo bền vững đã được các cấp, các ngành và địa phương quan tâm, tập trung nguồn lực triển khai thực hiện. Qua khảo sát, các chính sách giảm nghèo đặc thù

Xem tất cả 137 trang.

Ngày đăng: 12/06/2023
Trang chủ Tài liệu miễn phí