Một Số Phương Thức Biểu Đạt Cảm Hứng Nghệ Thuật Trong Thơ Trẻ Việt Nam Thời Kháng Chiến Chống Mỹ


giai phẩm”, thể tài thế sự hầu như vắng bóng trên văn đàn miền Bắc và khuynh hướng cảm hứng này có nguy cơ “nghẽn mạch” từ đó. Chiến tranh đòi hỏi muôn người như một, thơ không thể chệch ra ngoài “đường dân tộc đang bay”. Tuy nhiên, trạng thái chiến tranh kéo dài, xã hội nảy sinh nhiều bất cập, những mặt nhiễu nhương trong cuộc sống dù không muốn vẫn cứ phô ra. Trải nghiệm những năm tháng ấy, nhà nghiên cứu Vương Trí Nhàn viết: “Từ đầu năm 1970, cuộc sống ở Hà Nội đã bắt đầu phô ra tất cả cái khó khăn phiền phức mà thời chiến phải có. Thành phố như một người ngấm bệnh… Đáng sợ hơn nữa, do cuộc sống khó khăn, những thói xấu cố hữu của con người như nhút nhát tham lam vụ lợi có dịp thức dậy, càng giấu diếm càng đê tiện” [99, tr.40- 41]. Càng về cuối, sự hủy diệt của chiến tranh càng khủng khiếp, sự sống của con người càng trở nên mong manh. Đó là sự thực không thể né tránh đối với những nhà thơ nhạy cảm trước số phận con người và đất nước. Cái tôi thế sự trong sáng tác theo khuynh hướng cảm hứng này là cái tôi đối diện với xã hội thực tại, nhìn xã hội như bức tranh đa sắc màu, nhiều chiều kích, trong phối cảnh chưa xong xuôi. Ấy cũng là cái tôi có trách nhiệm trước hiện thực, góp phần cải tạo hiện thực, chống cái ác, cái xấu, cái bạo tàn; cái tôi biết cảm thông, chia sẻ, bênh vực những cuộc đời bất hạnh, những thân phận khổ đau.

Sự thực là, ở mức này mức khác, cảm hứng thế sự đã “ló dạng” trong một số sáng tác của những nhà thơ trẻ miền Bắc lúc bấy giờ. Dĩ nhiên do chưa “phải thời” nên ngay khi mới xuất hiện, nó đã gặp phải chỉ trích gay gắt từ phía các nhà phê bình. Chẳng hạn, Trò chuyện với Thúy Kiều - Lý Phương Liên, Thơ tặng người ăn mày - Nguyễn Duy,… Nhưng tập trung nhiều nhất vẫn trong sáng tác của Lưu Quang Vũ (phải sau 1986 mới công bố rộng rãi). Nhà thơ Vũ Quần Phương xác nhận: “Chiến tranh ngày càng ác liệt, những tiêu cực xã hội bắt đầu phát sinh… những cảm nghĩ của anh khi ấy có thể ít đại diện cho thời cuộc, nhưng đích thực nó là nỗi lòng của một người. Nỗi lòng đó được diễn đạt bằng một nghệ thuật thơ nhuần chín. Đây là giai đoạn sáng tác khá đặc biệt trong đời thơ Lưu Quang Vũ” [175, tr.79]. Có thể nói, thơ Lưu Quang Vũ vào giai đoạn cuối cuộc chiến đã “chệch” ra ngoài cảm hứng lãng mạn - sử thi, nghiêng hẳn sang cảm hứng đời tư - thế sự. Ông nhìn và khái quát chuyện đời trên cảnh ngộ của bản thân, tuy có phần bi quan hơi sớm nhưng hé lộ


một số điều như linh cảm trước thời cuộc. Trong mắt ông, cuộc đời lúc đó lộn xộn như cuốn sách xếp nhầm trang: Chuyện Cầu nguyện đêm Noel 1972, chuyện Đêm Đông chí uống rượu với bác Lâm, bác Khánh nói về cuộc chia tay thời loạn (tên bài thơ),… rồi bắt qua Anh đã mất chi, anh đã được gì, Anh chỉ sợ rồi trời sẽ mưa, Những đứa trẻ buồn,v.v… Nghĩa là toàn những chuyện tưởng như “lộn xộn”, “vớ vẩn” nhưng lại rất liên quan đến bức tranh thế sự. Mùi “lá bưởi lá chanh” nên thơ sẽ không bao giờ quay trở về tô điểm cho cái hiện thực dữ dằn, phức tạp: “Em ơi có buồn không / Thành phố đang thời hỗn loạn / Nghèo túng lọc lừa bội phản / Giết người trộm cắp khắp nơi / Con người nói với con người / Những lời hằn thù sỉ nhục” (Thơ tình về một người đàn bà không có tên III).

Chiến tranh dai dẳng làm cho đất nước kiệt quệ, nhiều giá trị tốt đẹp bị tàn phá. Lưu Quang Vũ thương mình, thương bè bạn, thương “một thế hệ cứng đi như thỏi sắt”, “chưa hết trẻ con đã là người lính”. Nhưng trên hết, ông thương người dân nước mình khổ đau do chiến tranh giặc giã. Tình cảm thiêng liêng ấy được nhà thơ gửi gắm từ Đất nước đàn bầu cuồn cuộn dòng máu nóng dân tộc, đến Giấc mộng đêm chập chờn với bao gương mặt, bóng dáng từ cõi “thập loại chúng sinh” hiện về; hay kí thác vào bài Cầu nguyện cả tấm lòng dập nát bằng những câu thơ máu ứa: “Sao cho máu đừng chảy nữa / Sao cho người lính trở về”,... Điều đáng quý là, qua hành trình sáng tạo đầy nhọc nhằn, vật vã, hồn thơ Lưu Quang Vũ đã có sự biến đổi về chất, gắn bó thiết tha với cuộc đời. Một số diễn ngôn của ông là những dự cảm trước thời cuộc, rất hiếm vào thời điểm bấy giờ, cứ ngỡ như mới xuất hiện đâu đây:

Người ta không thể sống bằng niềm tin đẹp

Bằng áp phích trên tường, bằng những lời đanh thép Phải mang cho mọi người áo mặc cơm ăn

Phải có nhà trường cửa sổ trời xanh

Những bàn tay dám làm những tấm lòng dám thật Cuộc đời chẳng dừng chân một phút

Có thể bạn quan tâm!

Xem toàn bộ 229 trang tài liệu này.

Những điều hôm qua tưởng tuyệt vời tốt đẹp Đến nay không đủ nữa rồi

(Viết lại một bài thơ Hà Nội)

Thơ trẻ Việt Nam thời kháng chiến chống Mỹ - Cảm hứng và giọng điệu - 16


Những câu thơ có thể lạc lõng trong thời chống Mỹ nhưng lại đánh động mạnh vào lòng người, lay tỉnh những bộ não giáo điều, những tâm hồn “đóng băng” trước nỗi đau nhân thế.

Tiếp đến là sáng tác của Xuân Quỳnh trong tập Gió Lào cát trắng (1974). Tuy cảm hứng thế sự trong tập thơ không “đậm đặc” như sáng tác của Lưu Quang Vũ, nhưng đặt vào thời điểm bấy giờ là rất đáng chú ý. Nhà thơ Ngô Văn Phú xác nhận: “Xã hội lúc đó có những biến động trong hoàn cảnh gay gắt của chiến tranh. Đời thường có những trăn trở phức tạp. Kẻ cơ hội sống lẫn lộn với người chân chính, “Gió Lào cát trắng” cũng như một số bài thơ khác đã đề cập đến cả những mặt đáng lo ngại trong tình cảm, trong cuộc sống” [86, tr.117]. So với Hoa dọc chiến hào, cái tôi trữ tình trong Gió Lào cát trắng tỏ ra trải nghiệm hiện thực, va đập với cuộc đời nhiều hơn: “Ngọn gió Lào cát trắng của đời tôi / Tôi của cát của gió Lào khắc nghiệt”. Nhạy cảm với thời cuộc, Xuân Quỳnh bộc lộ cảm hứng thế sự khá kín đáo, thường xen vào những bài thơ trữ tình ở dạng này hay dạng khác. Chẳng hạn, trong bài Hát ru chồng những đêm khó ngủ chỉ thấp thoáng hai câu: “Đoàn thương binh mới trở về / Đánh nhau trước cửa hàng bia lúc chiều” cũng đủ phơi ra cảnh sinh hoạt thời chiến đã đến hồi nhốn nháo, bất ổn. Những bài thơ Thành phố không có thường dân, Trời trở rét, Về những thói quen, Năm tháng ấy,… đều liên quan đến đến cái tôi thế sự. Phụ nữ quan tâm nhiều đến sinh hoạt đời thường, Xuân Quỳnh có những sáng tác như “bảo tàng thơ” thời bao cấp. Đó thời của chiến tranh và nghèo đói; thời của thiếu thốn trăm bề, đời sống người dân luôn lo âu thấp thỏm: “Nhiều người mua hàng nhưng ít cửa hàng / Những vải, gạo, thực phẩm đều bán phiếu / Thì giờ thì ít, xếp hành lâu phát cáu… / Con người sống trong những ngày căng thẳng / Ít vui buồn, nhiều những lo toan” (Những năm ấy).

Khác Xuân Quỳnh, Lý Phương Liên bộc lộ cái tôi thế sự theo cách riêng của mình. Trong khi các nhà thơ lớn lấy nhân vật Thúy Kiều để ngợi ca đất nước: (“Chạnh thương cô Kiều như đời dân tộc” - Chế Lan Viên); thì Lý Phương Liên lại hướng về chuyện thế thái nhân tình trong xã hội thực tại. Trò chuyện với Thúy Kiều là lời tâm tình với thân phận con người bị hất hủi; là đối thoại với đất nước và nhân dân khổ đau bởi chiến tranh dai dẳng: “Thời gian còn nửa ngày là đêm tối / Còn đồng tiền


đổi trắng thay đen… / Số phận nhân dân và đất nước / Ai chẳng đã một lần nghe dịu ngọt / Bốn khúc đàn Kiều gảy từng trang ... / Thời gian đọng lại buồn tênh / Mỗi trang Kiều một mông mênh cõi người “.

Những diễn ngôn này nếu đặt cạnh: “Miền Bắc thiên đường của các con tôi” (Tố Hữu), “Những ngày tôi sống đây là những ngày đẹp hơn tất cả / Dù mai sau đời muôn vạn lần hơn” (Chế Lan Viên) thì rõ ràng đã có “cái khác” trong thơ trẻ.

Đối với thơ trẻ yêu nước tiến bộ vùng đô thị miền Nam, cảm hứng thế sự là vạch trần bản chất thực dân mới của Mỹ, phản đối chính sách tàn bạo của chính quyền Sài Gòn, phơi bày những bất hạnh khổ đau của đồng loại giống nòi, của người dân bản địa. Về phương diện này phải nói đến Đông Trình. Ông là nhà thơ đã đưa tất cả những điều ngụy trá, dã man của cuộc chiến đầy máu và nước mắt vào sáng tác của mình. Cái tôi trữ tình trong thơ ông có cái nhìn xoáy sâu vào những điều ngang trái, cảm thông sâu sắc những kiếp đời khổ đau tủi nhục trong lòng đô thị miền Nam: “Làm thế nào để nói với em / Về thành phô anh đang sống ? / Chiến tranh, rác rưởi và mộ người / Hàng ngày chen nhau chiếm từng khoảng đất / Làm thế nào nói với em về những đứa học trò / Ban ngày đến trường ban đêm rước khách” (Vô cùng linh thiêng như nghe theo tiếng gọi).

Từ khảo sát trên, có thể khẳng định, do áp lực của chiến tranh, cảm hứng đời tư, thế sự hoặc giao thoa, hòa kết với cảm hứng lãng mạn - sử thi (nhưng không tan biến); hoặc tạm ẩn mình, lui ra ngoài trung tâm để sau 1975, nhất là sau 1986, trở thành dòng chủ đạo, áp đảo trên thi đàn. Đó là đặc điểm nổi bật của thơ trẻ thời chống Mỹ xét về phương diện cảm hứng nghệ thuật.

2.3. Một số phương thức biểu đạt cảm hứng nghệ thuật trong thơ trẻ Việt Nam thời kháng chiến chống Mỹ

Thuộc phương diện nội dung, cảm hứng nghệ thuật phải tìm đến các phương thức biểu đạt phù hợp. Có nhiều phương thức được các nhà thơ trẻ thời chống Mỹ sử dụng; ở đây chúng tôi chỉ khảo sát một số phương thức được coi là nổi bật, biểu đạt hiệu quả cảm hứng, nhất là cảm hứng lãng mạn - sử thi, giữ vai trò chủ đạo.


2.3.1. Sáng tạo hình ảnh giàu nghĩa biểu tượng

Sáng tạo nghệ thuật là sáng tạo giá trị biểu tượng. Biểu tượng nghệ thuật là kí hiệu thẩm mĩ đa nghĩa. Nó chính là sự mã hoá cảm xúc, ý tưởng, quan niệm của nhà văn về đời sống. Theo Từ điển thuật ngữ văn học: “Biểu tượng là phương thức chuyển nghĩa của lời nói hoặc một loại hình nghệ thuật đặc biệt có khả năng truyền cảm lớn, vừa khái quát được bản chất của một hiện tượng nào đấy, vừa thể hiện một quan niệm, một tư tưởng hay một triết lí sâu xa về con người và cuộc đời” [38, tr.24]. Biểu tượng trở thành phương tiện diễn đạt cô đọng, hàm súc, phù hợp với sáng tạo thơ ca - loại hình được coi là “ý tại ngôn ngoại”, hạn chế tối đa tiết diện ngôn từ trên văn bản.

Nghiên cứu thơ trẻ thời chống Mỹ chúng tôi thấy nổi lên một số biểu tượng được coi là độc đáo, sinh động, góp phần làm tăng sức hút cho cả dòng thơ.

Màn đêm, con đường

- Vũ trụ có đêm và ngày, bóng tối và ánh sáng. Lẽ thường, đêm đồng nghĩa bóng tối, mọi hoạt động trong bóng tối đều bất đắc dĩ, dễ tai họa: “Con cò mà đi ăn đêm / Đậu phải cành mềm lộn cổ xuống ao” (Ca dao). Trong thơ truyền thống phương Đông và phương Tây, màn đêm thường là biểu tượng của khổ đau, bất hạnh: “Ôi đâu hết những người thủy thủ / Chìm trong đêm, bi thảm đời người” (Đêm đại dương - V. Huygô). Thế nhưng ở Việt Nam thời chống Mỹ, chiến tranh đã làm đảo ngược tất cả những ý niệm thông thường, điều nghịch lí trở thành triết lí: “Nơi hầm tối lại là nơi sáng nhất / Nơi con nhìn ra sức mạnh Việt Nam” (Đất quê ta mênh mông - Dương Hương Ly). Cảm quan lãng mạn - sử thi trong thơ trẻ thời chống Mỹ không thiếu vắng màn đêm. Màn đêm như biểu tượng của ẩn số Việt Nam, Tổ quốc trở mình, vươn dậy trong đêm, lớn mạnh trong đêm. Hồn thiêng sông núi của “Đêm đêm rì rầm trong tiếng đất” trong thơ Nguyễn Đình Thi được hóa thân vào tiếng cuốc đào hầm vang động trong thơ trẻ thời chống Mỹ: “Đất nước mình hai mươi năm chiến tranh / Tiếng cuốc năm canh nặng tình đất nước” (Đất quê ta mênh mông - Dương Hương Ly). Như thế, màn đêm đã không yên tĩnh như thông lệ, biểu tượng của nó cũng không còn nguyên nghĩa như khởi phát ban đầu. Phạm Tiến Duật phát hiện ra: “Bóng


đêm ở Việt Nam / Là khoảng tối giữa hai màn kịch / Chứa bao điều thay đổi lớn lao”

(Lửa đèn).

Cái bất thường trở thành cái bình thường; sự sống nẩy sinh trong màn đêm, sức mạnh ẩn mình vào bóng tối: “Nơi tắt lửa là nơi vang rền xe xích…/ Là tiếng của những đoàn quân xung kích” (Lửa đèn - Phạm Tiến Duật). Không chỉ vậy, sức sống của dân tộc, “bao điều thay đổi lớn lao” của đất nước còn hóa thân vào những mối tình, những tiếng cười giọng hát trong đêm: “Nơi tắt lửa là nơi dài tiếng hát” (Lửa đèn), “Có lẽ nào anh lại mê em / Một cô gái chưa nhìn rõ mặt” (Phạm Tiến Duật). Có thể nói, thời chống Mỹ là thời cả nước vào đêm, tiền đồ, lí tưởng tỏa sáng trong đêm: “Từ trong bóng tối đêm qua / Ta trồng hy vọng chói lòa tương lai” (Cấy đêm - Lê Anh Xuân); sử thi - lãng mạn hóa màn đêm: “Ta nghe tiếng trăm đêm thân thuộc / Như sóng vỗ lòng ta, đáy phà lửa đốt / Ôi, tiếng đôi bờ, tiếng đôi bờ / Vít cong sào chống cả bão mưa” (Vào đêm - Thái Giang); đến cái chết cũng lấp lánh phẩm chất trong đêm: “Đêm đêm tâm hồn em tỏa sáng / Những vì sao ngời chói, lung linh” (Khoảng trời, hố bom - Lâm Thị Mỹ Dạ).

Còn trong thơ trẻ yêu nước tiến bộ vùng đô thị miền Nam, màn đêm vẫn là biểu tượng của bất hạnh, khổ đau: “đại lộ dòng sông đêm / mặt trời vô hình tan vỡ / suối đau thương đường phố / nhớ nhung bơ vơ…” (Đêm 30 - Ngô Kha); của chiến tranh chết chóc: “Đại bác ru đêm dội về thành phố” (Trịnh Công Sơn); của thác loạn, quay cuồng: “Con nghe tiếng quay cuồng của vũ điệu về khuya / Từng tràng cười ré lên như địa ngục” (Thưa mẹ trái tim - Trần Quang Long). Sự khác nhau về biểu tượng màn đêm giữa các vùng thơ trẻ thời chống Mỹ là hiển nhiên, bởi bối cảnh sản sinh ra nó vốn dĩ đã khác nhau, quan niệm của nhà thơ về màn đêm cũng không giống nhau. Tuy vậy, giữa chúng đã không loại trừ, ngược lại còn bổ sung cho nhau, tạo cho thơ trẻ thêm phong phú đa dạng về biểu tượng nghệ thuật.

- Nếu màn đêm là hình ảnh thời gian trở thành ẩn số Việt Nam thì con đường lại là hình ảnh không gian, biểu tượng của hướng đi, của những cuộc biến chuyển mình xã hội đầy hào hứng và cao cả. Thực tế chứng minh, thơ kháng chiến chưa bao giờ thiếu vắng con đường: “Đường cách mạng dài theo kháng chiến” (Ta đi tới - Tố Hữu). Có thể nói, thời chống Mỹ là thời cả nước đổ ra đường: “Đất nước đổ


ra đường / Tiềm lực lớn những binh đoàn chiến lược” (Đường tới thành phố - Hữu Thỉnh). Con đường như chứng nhân của những cuộc chuyển xoay lịch sử: “Ba mươi triệu tấm lòng xông ra tuyến lửa / Vạch lối điều quân / Vai quảy xe thồ” (Sư đoàn - Phạm Ngọc Cảnh). Iu. Lotman cho rằng: “Muốn trở thành cao cả thì không gian không phải chỉ bao la (hoặc vô bờ bến), mà còn phải có phương hướng và con người ở trong đó cũng phải vận động về một mục đích. Không gian ấy phải trở thành con đường” [141, tr.101].

Đúng vậy, không gian con đường trở thành biểu tượng đáng chú ý trong thơ trẻ thời chống Mỹ - một dòng thơ vận động trên “đại lộ” chung của dân tộc, đích hướng tới là hòa bình, độc lập, thống nhất nước nhà. Con đường và người đi là hai mặt của không gian, con đường trong tư tưởng dẫn dắt cuộc hành trình trên con đường vũ trụ: “Con đường tôi đi từ những bước đầu tiên / Con đường đi đến tuổi thanh niên / Cùng đồng chí, bạn bè thân thuộc” (Cơn mưa không phải của mình - Xuân Quỳnh); con đường của những bước đi không nghỉ, những dấu chân không phai: “Ai đi gần ai đi xa

/ Những gì gửi lại chỉ là dấu chân” (Dấu chân qua trảng cỏ - Thanh Thảo); con đường nối từ thế hệ trước đến thế hệ sau; con đường của tỉnh thức và khát vọng đi tới: Mặt đường khát vọng - Nguyễn Khoa Điềm.

Biểu tượng con đường trong thơ trẻ thời chống Mỹ góp phần lưu lại chân dung một thế hệ vận động không ngừng, tất cả đều náo nức, hối hả, tiếp nối truyền thống cha ông: “Đường Trường Sơn chúng cháu dồn chân bước / Con đường Bác mới đi qua” (Đêm Trường Sơn nhớ Bác - Nguyễn Trung Thu). Trong thơ trẻ yêu nước tiến bộ vùng đô thị miền Nam, con đường là biểu tượng của khát vọng hòa bình, lòng người tụ họp: “Mùa đổ lá thu mơ trời tháng tám / Nhớ nhau thì về chẳng quản đường đi” (Mai có hòa bình - Ngô Kha); là sự lựa chọn và xác định dứt khoát hướng đi của tuổi trẻ: “Chúng ta đi về hướng mặt trời / Bằng trái tim và ngòi viết trên tay / Chúng ta đi không kể đêm ngày / Những dãy núi là bước chân trùng điệp” (Chúng ta bước đi

- Trần Quang Long).

Nhà nghiên cứu Trần Đình Sử đã rất thuyết phục khi đưa ra nhận xét: “Cảm thức con đường là cảm thức có thật của người Việt Nam từ sau 1945, nó là cảm thức điển hình nhất, phổ biến nhất. Cuộc cách mạng đã lôi kéo mọi người ra khỏi gia đình,


ngôi nhà riêng tư để hành quân đi vào đội ngũ mới, thời đại mới, đến những miền đất mới” [141, tr.103].

Lửa, dòng sông và đất

Đây là những hình ảnh xuất hiện với tần số cao trong thơ trẻ thời chống Mỹ. Không ngẫu nhiên mà các nhà thơ định danh cho tác phẩm của mình những Vầng trăng và quầng lửa, Lửa đèn (Phạm Tiến Duật), Lửa sáng rừng (Thái Giang), Ánh lửa trên sông (Lê Anh Xuân), Bếp lửa (Bằng Việt)…; hay Tình yêu sông Hồng (Thanh Thảo), Những dòng sông (Bế Kiến Quốc), Gửi mẹ dòng sông (Chim Trắng), Thơ dọc triền sông (Xuân Quỳnh)…; hoặc Đất quê ta mênh mông, Làng trong lòng đất (Dương Hương Ly), Đất miền Nam, Ta lại đi chân đất (Lê Anh Xuân), Đất ngoại ô (Nguyễn Khoa Điềm), Đất, Sức bền của đất (Hữu Thỉnh), Nghe đất (Bằng Việt), Tiếng đất (Vương Trọng);…

* Trước hết là biểu tượng của lửa: Đây là biểu tượng đã được mặc định lâu đời trong văn hóa nhân loại, nghĩa cũng nó cũng đa dạng, nhiều cách hiểu. Thơ kháng chiến sáng tác theo khuynh hướng sử thi nên không bao giờ thiếu lửa. Thời chống Pháp, lửa thường biểu tượng của chiến tranh hủy diệt, của biến động kinh hoàng: “Quê hương ta từ ngày khủng khiếp / Giặc kéo lên ngùn ngụt lửa hung tàn” (Bên kia sông Đuống - Hoàng Cầm). Đến thơ thời chống Mỹ nói chung, dòng thơ trẻ nói riêng, hình ảnh ngọn lửa được nhiều tác giả chuyển thành biểu tượng sinh động, ám ảnh, phong phú về nghĩa. Thơ trẻ thời chống Mỹ nảy sinh trong lửa, dồi dào ngọn lửa, “đi theo ánh lửa từ trái tim mình”. Biểu tượng ngọn lửa trong thơ họ gắn với sáng tạo của từng chủ thể, mang dấu ấn thế hệ. Đầu tiên phải nói đến Phạm Tiến Duật “đỉnh cao của thơ ca chống Mỹ” (Ngọc Đỗ). Có cơ sở để cho rằng, bài thơ Lửa đèn như mốc son đầu tiên đánh dấu sự trưởng thành vượt bậc của Phạm Tiến Duật trên thi đàn hồi ấy. Ông là nhà thơ xây dựng rất thành công biểu tượng “lửa” trong trạng huống chiến tranh: Ngọn lửa truyền thống, ngọn lửa sức sống, ngọn lửa bất khuất. Đó là những hướng khai thác chính để nhà thơ nâng lên thành biểu tượng của tâm hồn, cốt cách và bản lĩnh Việt Nam: “Trên đất nước đêm đêm / Sáng những ngọn đèn / Mang lửa từ nghìn năm về trước… / Ôi ngọn lửa đèn / Có nửa cuộc đời ta trong ấy”.

..... Xem trang tiếp theo?
⇦ Trang trước - Trang tiếp theo ⇨

Ngày đăng: 16/01/2023