tất giọng điệu thay đổi. Tuy nhiên, trong một số trường hợp, khi giọng điệu như “thiên phú”, “thiên bẩm” làm nên cái “tạng” đặc thù của nhà văn, thì sự thay đổi đối với họ là cả vấn đề không đơn giản. Hoặc họ vẫn bảo lưu giọng điệu nhưng điều chỉnh sao cho “hợp thời hợp thế”. Chẳng hạn Nguyễn Tuân; với ông, trước sau vẫn là giọng tài hoa, tài tử, đậm chất khinh bạc (Nguyễn Đăng Mạnh khái quát trong chữ “ngông”). Có điều, trước cách mạng “ngông” là “ngông” với xã hội, thách thức chế độ (Chữ người tử tù); sau cách mạng thì chuyển sang “ngông” với thiên nhiên, thách thức sông cuồng thác dữ (Người lái đò trên sông Đà). Hoặc họ có thể sa sút bút lực, thậm chí “gác bút” nếu phải thay đổi giọng điệu. Chẳng hạn, giọng hài hước, mỉa mai đạt đến mức tinh xảo, độc đáo trong văn Nguyễn Công Hoan, thơ Tú Mỡ đã không thể phát huy trong văn học cách mạng - một nền văn học mà âm hưởng chủ đạo của nó là phải hào sảng, lạc quan, đầy dũng khí. Rõ rằng, đối với giọng điệu đặc trưng, làm nên “hồn cốt” của nhà văn, tính bền vững của nó rất cao.
Và cũng cần biện giải rõ hơn; nói “cảm hứng nào giọng điệu ấy” (Hoàng Ngọc Hiến) là nói ở bình diện cảm hứng chủ đạo và giọng điệu chủ đạo (hay giọng điệu chính), chứ không phải “cảm hứng” và “giọng điệu” của mọi cấp độ. Thực tế sáng tác của nhà văn và đời sống văn học cho thấy tính đa dạng và phức tạp của nó: hầu như không có nhà văn nào chỉ “chuyên tâm” một dạng thức cảm hứng, ứng với một kiểu giọng điệu duy nhất trong sáng tác của mình; phổ biến là, bên cạnh giọng điệu chính còn có những giọng điệu khác nữa. Nhà nghiên cứu Lê Ngọc Trà viết: “Giọng tác phẩm thường bao gồm giọng chính và những giọng khác. Giọng chính tạo thành âm hưởng chung, bảo đảm cho tác phẩm có tính thống nhất. Các giọng khác có thể chia làm hai loại: a) những giọng phụ họa hoặc tương phản với giọng chính để làm nổi bật nó; b) những giọng không liên quan gì đến giọng chính nằm tản mát khắp nơi trong tác phẩm” [181, tr.152]. Rộng hơn, trong một thời đại thơ ca (chẳng hạn thơ ca thời chống Mỹ), hiện tượng phổ biến là, các dạng thức cảm hứng thường đan xen, thâm nhập vào nhau, dẫn đến giọng điệu cũng có sự “pha trộn” nhau, thống nhất trong đa dạng, bên cạnh giọng điệu chính còn có nhiều giọng điệu khác. Nhà nghiên cứu Huỳnh Như Phương khẳng định: “Khi cảm hứng đan cài với nhau, thì giọng điệu tác
phẩm cũng có thể pha lẫn với nhau (NBL nhấn mạnh); nhưng giọng điệu chủ đạo thường thống nhất với cảm hứng chủ đạo” [44, tr.210].
Tóm lại, từ một dạng thức cảm hứng vẫn có thể nảy sinh nhiều kiểu giọng điệu (dĩ nhiên “giọng điệu chủ đạo thường thống nhất với cảm hứng chủ đạo” - Huỳnh Như Phương). Điều đó lí giải vì sao cảm hứng trữ tình đời tư trong thơ Xuân Diệu trước Cách mạng tháng Tám lại có hai kiểu giọng điệu trái ngược: một giọng sôi nổi, tha thiết, đắm say “Mau đi thôi! mùa chưa ngả chiều hôm / Ta muốn ôm / Cả sự sống mới bắt đầu mơn mởn...” (Vội vàng); và một giọng chán nản, hoài nghi, cô đơn: “chiếc đảo hồn tôi rợn bốn bề” (Nguyệt cầm). Hay trong thơ Tố Hữu, Chế Lan Viên, Huy Cận, Tế Hanh,... thời chống Mỹ, bên cạnh giọng hào sảng - lạc quan (giọng chính) ứng với cảm hứng lãng mạn - sử thi (chủ đạo) còn có giọng triết lí suy tưởng, giọng trữ tình thống thiết,...
- Từ cơ sở lí luận trên, coi giọng điệu tự nó là một hệ thống bao gồm nhiều yếu tố; dựa vào tiêu chí “cùng mang một âm hưởng, chung một khuynh hướng” (Lê Ngọc Trà), chúng tôi nghiên cứu giọng điệu thơ trẻ thời chống Mỹ theo từng kiểu giọng, đồng thời không làm “nhòe lẫn” chất giọng của một số nhà thơ tiêu biểu.
3.2. Những kiểu giọng điệu trong thơ trẻ Việt Nam thời kháng chiến chống
Mỹ
Thơ trẻ Việt Nam thời kháng chiến chống Mỹ lấy cảm hứng lãng mạn - sử thi
Có thể bạn quan tâm!
- Một Số Phương Thức Biểu Đạt Cảm Hứng Nghệ Thuật Trong Thơ Trẻ Việt Nam Thời Kháng Chiến Chống Mỹ
- Thơ trẻ Việt Nam thời kháng chiến chống Mỹ - Cảm hứng và giọng điệu - 17
- Giọng Điệu Và Giọng Điệu Nghệ Thuật
- Thơ trẻ Việt Nam thời kháng chiến chống Mỹ - Cảm hứng và giọng điệu - 20
- Thơ trẻ Việt Nam thời kháng chiến chống Mỹ - Cảm hứng và giọng điệu - 21
- Thơ trẻ Việt Nam thời kháng chiến chống Mỹ - Cảm hứng và giọng điệu - 22
Xem toàn bộ 229 trang tài liệu này.
làm chủ đạo. Nó là sản phẩm tất yếu của thời đại cả nước ra trận. Ứng với khuynh hướng cảm hứng này là giọng điệu lạc quan hào sảng, giàu âm hưởng hùng ca. Có thể nói, đây là giọng chủ âm trong dàn đồng ca thơ chống Mỹ mà thơ trẻ là bộ phận hợp thành. Tuy nhiên, trên cái giọng nền giữ vị trí trung tâm ấy, thơ thời chống Mỹ nói chung, dòng thơ trẻ nói riêng còn xuất hiện một số kiểu giọng khác nữa; tức các sắc thái khác nhau của nó: “Thơ ca chống Mỹ có những đóng góp đáng chú ý về phương diện thi pháp… Các sắc thái giọng điệu thơ khá phong phú, đa dạng” [29, tr.11]. Tuy nhiên dù đa dạng đến đâu vẫn có thể quy về một số kiểu giọng tiêu biểu.
Nhìn tổng thể, chúng tôi thấy thơ trẻ thời chống Mỹ nổi lên một số kiểu giọng sau đây:
3.2.1. Giọng hào sảng, lạc quan
Hào sảng, lạc quan là âm hưởng chủ đạo, bao quát toàn bộ nền thơ ca cách mạng. Có thể nói, ở mức này mức khác, hầu hết các sáng tác trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ đều là những tráng ca về sức sống vĩ đại của dân tộc. Tâm thế các nhà thơ là tâm thế những ca sĩ cất lên những giai điệu hào hùng, hướng về xứ sở quê hương: “Thơ ta ơi hãy cất cao tiếng hát / Ca ngợi trăm lần Tổ quốc chúng ta” (Tố Hữu). Để ngợi ca đất nước một cách say sưa, bản thân nhà thơ tự cảm thấy phải nâng mình ngang tầm thời đại “Vóc nhà thơ đứng ngang tầm chiến lũy” (Chế Lan Viên). Chất giọng hào sảng vang lên ngay ở sự lựa chọn tiêu đề thi phẩm. Chỉ riêng dòng thơ trẻ, từ những tập Hoa dọc chiến hào (Xuân Quỳnh), Đất ngoại ô (Nguyễn Khoa Điềm), Vầng trăng và quầng lửa (Phạm Tiến Duật), Gió từ cánh rừng (Thái Giang), Áo trận (Nguyễn Đức Mậu), Người ra trận (Nguyễn Đức Mậu - Vương Trọng), Âm vang chiến hào (Hữu Thỉnh - Lâm Huy Nhuận), Mảnh đất nuôi ta thành dũng sĩ (Dương Hương Ly), Tên em rực rỡ vô cùng (Chim Trắng),… đến những bài Dáng đứng Việt Nam, (Lê Anh Xuân), Sư đoàn (Phạm Ngọc Cảnh), Chúng con đi chiến đấu cho Người sống mãi, Việt Nam ơi (Nam Hà), Đêm Trường Sơn nhớ Bác (Đỗ Trung Thu), Bài ca Trường Sơn (Gia Dũng), Khúc hát người anh hùng (Trần Đăng Khoa), Thưa mẹ trái tim, Lớn lên không ngừng (Trần Quang Long), Tiếng gọi thanh niên (Thái Ngọc San), Ta lớn lên (Hữu Đạo),… các nhà thơ như đều muốn vươn tới không gian bao quát, cao rộng để ngợi ca vẻ đẹp hào hùng, tầm vóc lớn lao của Tổ quốc và con người Việt Nam bằng cái nhìn chiêm ngưỡng say mê, bằng chiều kích hoành tráng.
Giọng hào sảng lạc quan trong thơ trẻ thời chống Mỹ vừa có sự dội vào của âm hưởng thời đại, vừa là sự tiếp nối và chịu ảnh hưởng từ giọng điệu của các nhà thơ lớp trước. Khởi đầu là âm hưởng của công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc vào cuối thập niên 50, đầu thập niên 60, thời mà trên thi đàn vút lên những Trên miền Bắc mùa xuân, Bài ca mùa xuân 1961 (Tố Hữu), Đôi mắt xanh non, Ngói mới (Xuân Diệu), Tiếng hát con tàu, Vàng của lòng tin (Chế Lan Viên), Đoàn thuyền đánh cá, Đất nở hoa (Huy Cận),… Trong thực tế, có thể nói, nửa cuối thập niên 50, đất nước ta đã xảy ra những sự kiện kinh hoàng, đầy đau thương. Đó là chủ trương “tố
cộng”, “diệt cộng” của chính quyền Ngô Đình Diệm ở miền Nam và cuộc cải cách ruộng đất ở miền Bắc. Sai lầm cải cách ruộng đất kịp thời chỉnh sửa, biểu tượng Liên Xô, Trung Quốc lúc bấy giờ đang đỉnh cao, hấp lực rất lớn, miền Bắc rạo rực khí thế xây dựng chủ nghĩa xã hội để đổi đời theo mô hình làm ăn tập thể. Sự thực, mức sống của người dân từng bước được cải thiện, xã hội khá ổn định, tạo tâm lí phấn khởi, tự hào. Về văn học nghệ thuật, sau vụ Nhân văn giai phẩm, thơ ca miền Bắc càng vút cao giọng hào sảng, lạc quan, tập trung ngợi ca cuộc sống mới, chế độ mới: “Đời rực rỡ phù sa ta kiến thiết / Những phố phường da thịt ửng hồng lên” (Vàng của lòng tin - Chế Lan Viên); “Muốn trùm hạnh phúc dưới trời xanh / Có lẽ lòng tôi cũng hóa thành ngói mới” (Xuân Diệu), v.v...
Sáng tác của các nhà thơ trẻ miền Bắc, dĩ nhiên, không chệnh ra ngoài âm hưởng chủ đạo này. Ngay từ khi mới có thơ trên thi đàn, Bùi Minh Quốc đã hào hứng Lên miền Tây (tên bài thơ): “Ôi, miền Tây, ở dưới xuôi sao nghe nói ngại ngùng / Mà lúc ra đi, lửa trong lòng vẫn cháy”; Ca Lê Hiến da diết Nhớ mưa quê hương nhưng không lấn qua giọng tươi tắn, lạc quan trong Đêm Uông Bí: “Đêm Uông bí buổi đầu anh đến / Nhà máy vừa xây lớp lớp sáng bừng / Ơi có phải anh ngỡ ngàng ánh điện / Hay vì đâu mà mắt bỗng rưng rưng”; thơ Xuân Quỳnh, Lưu Quang Vũ, Bằng Việt, Vũ Quần Phương,… đều phơi phới niềm vui, đắm say, tin tưởng: “Thôn Chu Hưng trăng sao rơi đầy giếng.../ Cọ xanh rờn lấp loáng nước sông Thao” (Thôn Chu Hưng
- Lưu Quang Vũ). Với Thái Giang, hào sảng, lạc quan gần như là giọng điệu duy nhất. Nhà thơ ngợi ca rất nhiệt thành, hồn nhiên, vô tư: “Đời ta đó ngực cài hoa đỏ / Yêu Trung Hoa yêu cả Việt Nam” (Gió từ phương Bắc). Về sau, khi âm hưởng hào sảng, lạc quan hạ bớt độ cao, thêm vào đó là kiểu giọng lắng dịu, nghiệm suy thì tác giả hai lần “thủ khoa”, tuy vẫn tiếp tục sáng tác nhưng không mấy thành công, tên tuổi ông cũng mờ dần, ít ai nhắc đến.
Đối với thơ trẻ vùng giải phóng và thơ trẻ yêu nước tiến bộ vùng đô thị miền Nam, ở chặng đầu (khi chiến tranh chưa lan ra cả nước), hầu như không có giọng ngợi ca chủ nghĩa xã hội như thơ trẻ miền Bắc. Trong những năm tháng đen tối, trước sự đàn áp đẫm máu của chính quyền Sài Gòn, âm hưởng chính trong thơ họ là hào sảng khí thế đấu tranh, ngợi ca những tấm lòng kiên trung với đất nước, ngợi ca quê hương
xứ sở. Ấy là Đi giữa mùa xuân, Tên em rực rỡ vô cùng của Chim Trắng, Bài ca chim chơ rao của Thu Bồn, Hãy để tôi yêu quê hương tôi, Thực tại và ước mơ của Trần Quang Long,…
Giọng hào sảng lạc quan được đẩy đến đỉnh điểm, thực sự trở thành “hồn cốt” của thời thơ sử thi thì phải kể từ khi đế quốc Mỹ ồ ạt đổ quân vào miền Nam, đánh phá ác liệt miền Bắc, thách thức nền độc lập chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ Việt Nam (1965). Cũng từ đây, thơ trẻ với tư cách là hiện tượng nghệ thuật nổi bật, ngày càng tỏ ra già dặn, dồi dào tính chiến đấu. Giọng hào sảng, lạc quan trong thơ họ hòa vào âm hưởng chung của cả thời thơ ra trận. Nhìn chung, kiểu giọng này thường tìm đến âm vực cao, bè cao kết hợp với nhịp điệu nhanh, mạnh, gấp gáp, tràn đầy nhiệt hứng: “Này đây / Doi đất Cửu Long xanh / Sư đoàn châu thổ / Giữa bãi sú, rừng tràm / Vụt đứng dậy sư đoàn Nam Bộ / Sư đoàn Tây Nguyên / Từ hầm chông, bẫy đá, cung tên” (Sư đoàn - Phạm Ngọc Cảnh).
Vẫn là sự dội vào của khí thế đánh giặc ngất trời đang lan tỏa khắp mọi miền Tổ quốc và sự tác động mạnh từ chất giọng của các nhà thơ lớp trước, thơ trẻ nổi đậm âm hưởng hào hùng, rạo rực tinh thần dấn thân - nhập cuộc. Có thể nói, đây là giọng áp đảo trong thơ trẻ, ngay từ khi cả nước trực diện chống Mỹ. Nhiều nhà thơ thuộc “tốp đầu”, bước sang chặng này đã có sự “tăng cấp” chất giọng hào sảng trong sáng tác của mình. Chẳng hạn, Phạm Ngọc Cảnh vốn chắc, khỏe, dũng mãnh đến Vũ Ngàn Chi (bút danh Phạm Ngọc Cảnh kể từ khi vào miền Nam chiến đấu) càng sục sôi khí thế tiến công: “xốc đội hình truy kích / Quảng Trị chào bình Long / chào Nam Bộ diệt địch / sóng đẩy chín thân rồng / chào Tây Nguyên chiến công / Gạt mây trời Tân Cảnh” (Quảng Trị). Bùi Minh Quốc hào hứng, sôi nổi trong Lên miền Tây đến Dương Hương Ly dõng dạc những lời thơ đánh giặc (Đất quê ta mênh mông, Mảnh đất nuôi ta thành dũng sĩ, Cầm súng, Mẹ chẳng thế nào nhớ nổi con đâu…); phơi phới niềm tin yêu cuộc đời (Bài thơ tình yêu, Giấc ngủ của nàng tiên dũng sĩ, Vì mùa xuân). Ca Lê Hiến phấn khởi, lạc quan, xen tiếng thơ đau đáu nhớ quê hương trong Tiếng gà gáy, đến một Lê Anh Xuân hào khí, ngân vang giọng điệu tin tưởng, tự hào (Chào Hà Nội chào Thăng Long, Việt Nam ! Ôi Việt Nam, Mùa xuân Sài Gòn mùa xuân chiến thắng, Dáng đứng Việt Nam).
Có một sự thực ở Việt Nam hồi ấy khiến thế giới phải ngạc nhiên và ngưỡng vọng, đó là đã hiện hữu một dân tộc vừa đánh giặc vừa làm thơ đúng nghĩa. Khi đế quốc Mỹ điên cuồng leo thang chiến tranh thì thơ ca ở đây không những không “tắt tiếng” mà ngược lại, chất giọng của nó lại càng hào sảng, lạc quan hơn. Nữ nhà thơ Blaga Đimôtrôva cảm nhận: “Không biết trong những cuộc chiến tranh trước đây, mặt đất, bầu trời, không gian và biển cả có chao đảo ngã nghiêng như Việt Nam đang bị phủ đầy những chùm bom từ pháo đài bay B-52 hay chăng? Chỉ biết ở đây, tiếng thơ vẫn ngân lên không tắt” [82, tr.150].
Chất giọng hào sảng, lạc quan khiến những nhà thơ trẻ thích tìm đến những gam màu sáng, những âm thanh mạnh, những biểu tượng kỳ vĩ:
Trường Sơn - Đèo vút cao vượt lên mây gió Đạp nát đá tai bèo bằng sức pháo ngàn cân Đi ta, ta đi - Những trai làng Phù Đổng
Gì đẹp hơn đường ra trận mùa xuân
(Bài ca Trường Sơn - Gia Dũng)
Đồng thời cũng cần thấy rằng, thơ trẻ, nhất là vào chặng cuối cuộc chiến, khi họ đã nhập sâu vào chiến trận, đã ý thức được chân dung một thế hệ nhà thơ cầm súng, tự xác định cho mình dấu ấn riêng; thì giọng thơ họ, nhìn chung dễ phân biệt với giọng của những nhà thơ lớp trước. Ấy là khi Thanh Thảo “tuyên ngôn”: “Những tráng ca thuở trước / Còn hát trong sách thôi / Những thanh gươm yên ngựa / Giờ đã cũ mèm rồi / Bài ca của chúng tôi / Là bài ca ống cóng” (Bài ca ống cóng); là Hữu Thỉnh tự tin: “muốn tươi mát hãy là dòng suối / hát về rừng đừng bắt chước tiếng chim” (Trước mặt là Tổ quốc). Cũng giọng hào sảng, lạc quan nhưng thơ trẻ dường như đã giảm bớt âm vực cao vút của sắc thái sử thi để trở nên sát thực, trầm lắng và thấm thía hơn. Thơ họ, nhìn chung ít sử dụng cung bậc cao để kêu gọi, giục giã như giọng của các nhà thơ lớp trước. Tố Hữu: “Hãy gầm lên như sấm sét đùng đùng / Tất cả pháo ! / Và xông lên dũng sĩ !” (Bài ca xuân 68). Chế Lan Viên: “Việt Nam ! Việt Nam ! / Tên Tổ quốc đã thành ra tiếng hát / Là lệnh truyền là lịch thét xung phong” (Xuân 68 gửi miền Nam Tổ quốc). Nói thơ chống Mỹ là giọng cổ vũ tuyên truyền thì
trước hết phải nói đến giọng điệu của những nhà thơ lớp trước. Chính Chế Lan Viên trong bài Ai? Tôi! đã tự thừa nhận điều đó.
Thơ trẻ cũng phải làm nhiệm vụ tuyên truyền, cổ vũ theo định hướng “văn hóa văn nghệ cũng là mặt trận”. Nhưng họ có cách biểu đạt của họ, nhất là những nhà thơ trực diện cầm súng trên chiến trường, từng ngày từng giờ phải đối mặt với bom đạn, chết chóc: “người chiến đấu hiểu máu mình hơn hết / ngôn ngữ mới vụt lên từ ngột ngạt hầm sâu / trước sức nóng những vết thương của đất...” (Gửi con, năm con chưa ra đời - Thanh Thảo). Giọng hào sảng, lạc quan trong thơ trẻ xuất phát từ hiện thực mà họ trải nghiệm, ít khi phải khuyếch đại, khoa trương; cũng không cần “huy động” đến lực lượng siêu nhiên để tăng thêm nhuệ khí. Chẳng hạn, cùng ngợi ca chiến sĩ giải phóng quân, với Chế Lan Viên là “thần chiến thắng”, với Tố Hữu là “Thạch Sanh của thế kỉ hai mươi”... âm hưởng ngất trời, đằng đằng dũng khí; với họ, giải phóng quân chỉ có tiến công, chỉ có chiến thắng “Một dây ná, một cây chông cũng tiến công giặc Mỹ”. Trong khi, với Lê Anh Xuân, trước lời bình là sự tái hiện người lính xông trận bằng bút pháp tạo hình tả thực; giải phóng quân là con người bằng xương bằng thịt, chiến đấu và hi sinh, trong tay là vũ khí hiện đại chống kẻ thù hiện đại chứ không đánh giặc chỉ bằng ý chí, lấy tinh thần thắng vật chất: “Anh ngã xuống đường băng Tân Sơn Nhứt / Nhưng anh gượng đứng lên tì súng trên xác trực thăng / Và anh chết trong khi đang đứng bắn / Máu anh phun theo lửa đạn cầu vồng” (Dáng đứng Việt Nam).
Cái hào sảng trong thơ trẻ thiên về tái hiện sự dữ dội của chiến tranh; cái hào sảng trong sáng tác của nhà thơ lớp trước thiên về khái quát, nâng tầm cuộc chiến. Rõ ràng giữa hai thế hệ đã có sự bổ sung cho nhau. Hữu Thỉnh hào sảng, dũng mãnh ở bài Trên chiếc xe tăng và nhiều sáng tác khác; hầu hết đều không tưởng tượng ra để viết, không xem người khác đánh giặc để ghi chép mà chủ yếu là mô tả hiện thực, bộc lộ những gì bản thân trải nghiệm. Giọng thơ ở đây vui nhộn, sảng khoái, đầy âm vang mà không cần “gầm lên”, gào thét: “Năm anh em trên một chiếc xe tăng / Như năm bông hoa nở cùng một cội / Như năm ngón tay trên một bàn tay / Đã ra trận cả năm người như một...”. Hay, ngợi ca Tổ quốc, Tố Hữu: “Ôi Tổ quốc giang sơn hùng vĩ / Đất anh hùng của thế kỉ hai mươi” (Miền Nam); Chế Lan Viên “Ôi Tổ quốc ta yêu
như máu thịt… Ôi Tổ quốc nếu ta cần chết…” (Sao chiến thắng); Xuân Diệu: “Tình yêu Tổ quốc là đỉnh núi, bờ sông / Những lúc tột cùng là dòng huyết chảy (Hai đợt sóng),… tất cả đều giọng cao, dồi dào khẩu khí. Đến Bằng Việt, Nguyễn Khoa Điềm, Thanh Thảo,… giọng thơ giảm âm hưởng réo rắt mà vẫn ấm nồng tình yêu Tổ quốc, vẫn tự ý thức bổn phận của mình và thế hệ mình với đất nước, non sông: “Đất nước gian lao hơn / Mọi điều tôi đã nghĩ / Đất nước sâu xa hơn / Mọi điều tôi đã kể” (Những câu thơ trên đường - Bằng Việt); “đất nước đẹp mênh mang / đất nước thấm tự nhiên đến tận cùng máu thịt / chỉ riêng cho Người chúng tôi dám chết !” (Một người lính nói về thế hệ mình - Thanh Thảo).
Giọng hào sảng gắn với niềm lạc quan tin tưởng. Niềm lạc quan trong thơ trẻ chính là sự hồn nhiên, lãng mạn, cụ thể, sát thực của người lính nơi chiến trường: “Đuổi giặc xong chầm vập lấy nhau / Hương trong ngực ngạt ngào tình bạn / Cười vằng vặc, mặt còn khói sạm / Đã bước sang năm mười chín / Tóc xuân ơi ! (Trên điểm cao mùa xuân - Hữu Thỉnh). Ấy là niềm lạc quan xuất phát từ nhận thức sâu sắc của người lính cầm súng chiến đấu cho lí tưởng giải phóng dân tộc. Mẫu đề “ngày mai”, “mai sau” được sử dụng khá phổ biến trong thơ trẻ, gợi niềm tin vào tương lai chiến thắng: “Ngày mai. Ngày mai hoàn toàn chiến thắng / Anh dắt tay em, trời chi chít sao giăng” (Lửa đèn - Phạm Tiến Duật), “Ngày mai sẽ là ngày sum họp / Đã tỏa sáng những tâm hồn cao đẹp” (Cuộc chia ly màu đỏ - Nguyễn Mỹ), “Tôi nghe từ lửa đỏ hôm nay / Đang trỗi dậy những ngày mai ca hát” (Bản giao hưởng một ngày đang tới
- Hoàng Phủ Ngọc Tường),… Lạc quan tin tưởng còn biểu hiện ở khát vọng tự do, thơ trẻ thời chống Mỹ nói nhiều đến tự do trong tương lai: “Mai sau con lớn làm người tự do” (Khúc hát ru những em bé lớn lên trên lưng mẹ - Nguyễn Khoa Điềm); “Chúng ta về làm cơn mưa tự do” (Đêm chuẩn bị - Hữu Thỉnh); “hé trời hồng bác ái tự do” (Hãy để tôi yêu quê hương tôi - Trần Quang Long). Điều này hoàn toàn đối lập với giọng thơ trẻ của “phía bên kia”. Chẳng hạn, Nguyễn Bắc Sơn bi quan, bế tắc: “Các bạn cũ những thằng nào vô phước / Mồ đang xanh vì cuộc chiến hôm qua / Hãy về đây mà say khướt cùng ta / Này bóng mây cao này vòm lá thấp” (Chiến tranh và tôi); Lê Vương Linh thất vọng, chán chường: “Súng vai, gió núi, hương rừng / Nửa khuya gục mặt rưng rưng mà buồn” (Giao thừa ai đốt trầm hương). Còn Tô Thùy