Đối với Nguyễn Xuân Thâm, lửa vừa là hình ảnh chuyển tải cảm hứng vừa là “khung văn hóa” nâng tầm tác phẩm; lửa biểu tượng của tinh thần cách mạng sục sôi, của đoàn kết cộng đồng các dân tộc Tây Nguyên vùng lên chống giặc: “Trống giục lửa, lửa vào buôn, người Ê-đê cầm ná / Lửa vào làng, người Gia-lai vót chông / Lửa lên nương sáng ngọn mác Mơ-nông / Nghe tiếng trống người Hơ-nê băng rừng về như thác lũ” (Rông chiêng). Trong thơ Thanh Thảo, lửa trở thành biểu tượng của thế hệ, lửa tôi luyện ý chí, lửa đo phẩm giá con người, làm “phép thử” lòng yêu nước: “Thế hệ chúng tôi bừng ngọn lửa chính mình / soi sáng đường đi tới…/ Vì ngọn lửa chịu sình là lửa thực / đã bùng lên / dám cháy tận sức mình” (Một người lính nói về thế hệ mình). Bằng Việt biểu đạt ngọn lửa theo cách riêng. Bếp lửa trong thơ ông không chỉ ấm tình bà cháu mà còn tỏa ấm tình đất nước quê hương. Nó là biểu tượng của cái đơn sơ, khiêm nhường, của tấm lòng nhân hậu, thủy chung: “Giờ cháu đã đi xa / Có lửa trăm nhà, niềm vui trăm ngả / Những vẫn chẳng lúc nào quên nhắc nhở / Sớm mai này bà nhóm bếp lên chưa ?”.
Ở mảng thơ trẻ yêu nước tiến bộ vùng đô thị, Trần Quang Long là người đưa lửa vào thơ nhiều hơn cả. Trong thơ ông, lửa biểu tượng của chiến tranh tàn khốc, lửa gieo tai họa cho con người: “Lửa từ đâu xông lên / Vây loài người ở giữa / Trời đã hết màu đêm / Chỉ còn màu đỏ lửa” (Thực tại và ước mơ). Không lạc quan như thơ trẻ miền Bắc hay thơ trẻ vùng giải phóng, lửa trong thơ Trần Quang Long nhuốm khổ đau và hoài nghi cuộc chiến: “Đất nước lầm than mẹ khóc bên đèn / Ánh lửa tương lai vẫn còn xa ngái” (Chúng ta bước đi).
* Biểu tượng của dòng sông và đất:
- Dòng sông, bến nước, con đò… từ bao đời đã gắn bó mật thiết với người dân lao động, gắn với làng quê Việt Nam. Khó kể hết có bao nhiêu con sông trong thơ ca và có bao nhiêu nhà thơ viết về con sông. Chỉ biết rằng, ở mỗi miền quê, mỗi thời kỳ lịch sử, khi đi vào thơ ca, con sông lại được các thi nhân thổi vào đó những “linh hồn”, “tính khí”, những vẻ đẹp riêng. Con sông thời chống Mỹ được các nhà thơ trẻ xây dựng thành biểu tượng về vẻ đẹp tiềm ẩn, vĩnh hằng của dân tộc: “Mang lịch sử qua trăm nghìn thử thách / Đất nước này còn tiềm ẩn những dòng sông” (Thanh Thảo). Và cũng từ con sông mà tỏa sáng những anh hùng, chói ngời sắc diện quê
hương: “Sinh ra ở đâu mà ai cũng anh hùng / Tất cả trả lời sinh bên một dòng sông”
(Bế Kiến Quốc).
Người ta thường ví đời người như dòng sông. Trong thơ trẻ thời chống Mỹ, dòng sông còn mang nghĩa biểu tượng cho cả một thế hệ dấn thân: Chúng con đi như những dòng sông chảy xiết” (Thanh Thảo); “đừng viết về chúng tôi như cốc chén đứng trên bàn; xin hãy viết như dòng sông chảy xiết” (Hữu Thỉnh); “chúng tôi là dòng sông hối hả” (Phan Đức Chính). Trong thơ Lê Anh Xuân, hình ảnh con sông trữ tình mà quật khởi. Đó là sông Hàm Luông “máu giặc còn pha”, nơi có người mẹ hi sinh cả cuộc đời chở che cho cán bộ cách mạng (Người mẹ trồng bông); là con sông Cổ Chiên in bóng em Trì ôm thủ pháo lao vào tàu giặc (Ánh lửa trên sông); là dòng sông An Hóa gắn với những chuyến đò của em gái đưa “lực lượng” vượt qua vùng kiểm soát của quân thù nhờ mưu trí và lòng dũng cảm (Em gái đưa đò). Đối với Nguyễn Khoa Điềm, dòng sông là biểu tượng của mạch nguồn văn hóa, là dòng chảy thời gian và không gian vô tận, làm nên đất nước muôn đời: “Ôi những dòng sông bắt nước từ đâu / Mà khi khi về Đất Nước mình bắt lên câu hát / Người đến hát khi cheo đò, kéo thuyền vượt thác / Gợi trăm màu trên trăm dáng sông xuôi” (Mặt đường khát vọng). Như vậy, sông trong thơ trẻ thời chống Mỹ không chỉ là dòng sông tự nhiên mà còn là dòng sông tinh thần, mang dáng vóc sử thi và sức mạnh thời đại.
- Cùng dòng sông là biểu tượng của đất. Đối với người dân Việt Nam, đất là vấn đề cốt tử, giữ nước là giữ đất, mất đất là mất tất cả, mọi cuộc quật khởi cũng từ đất nổ ra: “Người của đất lại bật lên từ đất” (Vương Trọng). Đất nước lớn lên từ bùn đất, tầm vóc của dân tộc cũng từ bùn đất mà “đứng dậy sáng lòa”. Nhà thơ Chính Hữu xác định chuẩn xác: Khi bạn ta / lấy thân mình / đo bước / Chiến hào đi / Ta mới hiểu
Có thể bạn quan tâm!
- Thơ trẻ Việt Nam thời kháng chiến chống Mỹ - Cảm hứng và giọng điệu - 14
- Thơ trẻ Việt Nam thời kháng chiến chống Mỹ - Cảm hứng và giọng điệu - 15
- Một Số Phương Thức Biểu Đạt Cảm Hứng Nghệ Thuật Trong Thơ Trẻ Việt Nam Thời Kháng Chiến Chống Mỹ
- Giọng Điệu Và Giọng Điệu Nghệ Thuật
- Những Kiểu Giọng Điệu Trong Thơ Trẻ Việt Nam Thời Kháng Chiến Chống
- Thơ trẻ Việt Nam thời kháng chiến chống Mỹ - Cảm hứng và giọng điệu - 20
Xem toàn bộ 229 trang tài liệu này.
/ giá từng thước đất” (Giá từng thước đất). Trong thơ trẻ thời chống Mỹ, đất trở thành biểu tượng đậm nét, nói lên nhiều ý nghĩa. Nhiều nhà thơ đã dành tình cảm thiết tha sâu nặng khi viết về đất: “Ta cầm nắm đất cha ông / Nghe thiêng liêng ngọn lửa hồng trong tay” (Về Bến Tre - Lê Anh Xuân); “Sống cồn đất, chết chôn trên cồn đất / Ôi làm sao bỏ được nơi này” (Đêm trên cồn - Thanh Thảo). Xét ở phương diện nào đó, thơ chống Mỹ là thơ giữ đất: “Quyết giữ lành mảnh đất của ta! / Đất và ta nuôi nhau
thủy chung vất vả / Còn đất - còn người - còn cả / Mãi mãi hôm nay đất sẽ đền bồi”
(Khẩu súng trên tay ta - Nguyễn Duy).
Dân gian có câu “hiền như đất”, đất tái sinh sự sống cho con người và vạn vật. Có lẽ vậy nên nhiều nhà thơ trẻ thời chống Mỹ đã chọn đất làm biểu tượng cho cho sức sống và tinh thần quật khởi của nhân dân. Với Thanh Thảo, đất tỏa ánh sáng chân lí - chính nghĩa: “Vùi trong đất và lấm đầy bùn đất / Sáng thâu đêm - sáng suốt ban ngày” (Nguồn sáng); đất vững bền, bất tử: “Đất nằm im như chết / Có bao giờ đất chết đâu anh” (Những người đi tới biển). Với Lê Anh Xuân, đất là tiếng vọng của lịch sử, sức mạnh của cha ông từ ngàn xưa truyền lại; đất sôi động, rộn ràng khí thế tiến công: “Ta đang nghe tiếng lịch sử cuồn cuộn triều dâng / Như tiếng ngựa phi trong lòng đất” (Đất miền Nam). Trong thơ Hữu Thỉnh, Nguyễn Đức Mậu, Nguyễn Duy, Chim Trắng,… đất rát bỏng khói lửa chiến trường, đất biểu tượng của lòng mẹ chở che, chịu đựng: “Màu ngụy trang cuối cùng là màu của đất /…/ Ta chưa một lần thư thả đất ơi / Ta chưa một lần nói được nên lời / Lòng của ta với mẹ!” (Sức bền của đất - Hữu Thỉnh); đất khoan dung độ lượng, hóa giải những bất hòa: “Chúng tôi đánh quân thù như xẻ cỏ làm mùa, như phát lau tra hạt / Xóa đi phiên hiệu một sư đoàn / Đất lại bao dung nhận những mảnh cờ hàng / Đất lấn tới / Và chúng tôi lấn tới” (Đất
- Hữu Thỉnh). Đất là biểu tượng của hành động xả thân cứu nước, biểu tượng của sự tự tin, tự khẳng định thế hệ mình; đất chính là quê hương, là đồng đội, là ủ ấp sáng tạo, là niềm tin ở tương lai: “Đất nghìn năm sáng tạo của tôi / Quen đánh giặc: áo khét mùi thuốc súng / Vẫn cất dấu trong lòng bao hạt giống / Bao ngôi sao gieo sáng mùa màng” (Mùa cày - Nguyễn Đức Mậu).
Trong thơ Ngô Kha đất thấm nỗi đau chinh chiến, đất là quê mẹ tang thương:
“Đất mở rộng cơn đau / Đường gai chạy qua đồng chảy máu” (Hành trình);…
Những diễn ngôn trên gợi ta nhớ đến câu thơ nổi tiếng của nhà thơ người Mỹ Walt. Whitman: “Tôi kí thác tôi cho bùn đất để tái sinh từ ngọn cỏ tôi yêu” (Lá cỏ).
2.3.2. Đa dạng các màu sắc nghệ thuật
Hegel cho rằng: “Nghệ thuật biến hình tượng với tất cả các điểm bề ngoài nhìn thấy được của nó thành con mắt, tạo kho chứa tâm hồn” [138, tr.103]. Với tư cách là một loại chi tiết nghệ thuật, màu sắc góp phần thể hiện cái nhìn và quan niệm của nhà
văn về đối tượng. Trong sáng tạo thơ ca, màu sắc là phương thức “mã hóa” cảm hứng (thi trung hữu họa). Thực chất đây cũng là những tín hiệu hàm nghĩa biểu tượng. Nghiên cứu thơ trẻ thời chống Mỹ, chúng tôi thấy các nhà thơ sử dụng đa dạng các màu sắc; tất cả đều nhằm mục đích thẩm mỹ, gắn với cảm hứng nghệ thuật, trong đó nổi lên hàng đầu vẫn là cảm hứng lãng mạn - sử thi.
Khảo sát những màu sắc nổi đậm trong thơ trẻ thời chống Mỹ, chúng tôi thấy nổi lên một số nghĩa biểu tượng sau đây:
● Màu của sự sống, sức sống, tình yêu và khát vọng
Trong thơ trẻ thời chống Mỹ, màu xanh xuất hiện với tần số cao nhất. Nhiều tác giả tỏ ra ưa sử dụng màu sắc này (Hoa cúc xanh - Xuân Quỳnh, Kỉ niệm màu xanh
- Quang Huy, Tháng năm xanh - Hoàng Phủ Ngọc Tường, Đêm tình xanh - Trần Quang Long,...). Trong nghệ thuật, màu xanh được coi là màu của sự sống, màu của cuộc đời bình yên, êm ả: “Xanh xanh bãi mía bờ dâu / Ngô khoai biêng biếc” (Hoàng Cầm). Đối với thơ trẻ thời chống Mỹ, màu xanh còn là màu của tình yêu và khát vọng, của sự trẻ trung hào hứng: “Những ban mai xanh biếc tiếng đàn bầu”, (Lưu Quang Vũ); “Nỗi nhớ lên xanh cả cánh đồng” (Xuân Quỳnh). Khi khắc họa vẻ đẹp người con gái, nhiều nhà thơ thường sử dụng mô típ màu xanh trên mái tóc: “Màu xanh sinh sôi theo tóc em gái” (Làng - Trần Nhật Thu); “Tóc xanh em vẫn thướt tha lá dừa” (Cô xã đội - Lê Anh Xuân). Và cả cái chết của em cũng “xanh khoảng trời con gái” (Lâm Thị Mỹ Dạ). Theo lẽ thường, màu xanh tương hợp tuổi trẻ “đầu xanh có tội tình gì” (Kiều - Nguyễn Du); trong thơ trẻ thời chống Mỹ, màu xanh còn là biểu tượng của thế hệ dấn thân nhập trận: “Thế hệ chúng con đi như gió thổi / Quân phục xanh đồng sắc với chân trời” (Trần Mạnh Hảo); “Lớp tuổi hai mươi, ba mươi điệp trùng áo lính
/ xanh màu áo lính” (Thanh Thảo).
Trong bối cảnh chiến tranh tàn khốc, màu xanh biểu tượng cho sự bất diệt của con người Việt Nam, sự tái sinh của quê hương đất nước: “Hàng dừa vẫn trổ lá xanh / Vết thương cũ đã lại lành thịt da” (Về Bến Tre - Lê Anh Xuân); “Đất bom đạn tỏa màu xanh gan góc” (Áo cỏ ngụy trang - Nguyễn Đức Mậu). Đến bài “Những khẩu pháo màu xanh” (Lê Anh Xuân), “Nòng súng xanh da trời” (Quang Huy) thì màu xanh đã không đơn thuần là màu ngụy trang thời chiến, mà là màu của khát vọng hòa
bình, khẩu pháo bảo vệ sự sống tươi xanh, bảo vệ bầu trời hòa bình: “Đẹp biết bao những khẩu pháo màu xanh / Màu của mùa xuân, màu của hòa bình” (Lê Anh Xuân). Riêng Ngô Kha, nhà thơ sáng tác theo khuynh hướng siêu thực, màu xanh vẫn là biểu tượng của tuổi trẻ, nhưng là tuổi trẻ đổ máu, tuổi trẻ bị cuốn vào cơn lốc chiến tranh: “gió có về linh thiêng / như lòng ta hằng réo gọi / như tuổi đời ta chảy giọt máuxanh” (Gió).
● Màu của niềm lạc quan, tin tưởng, tự hào
Trong thơ kháng chiến, màu hồng là sắc màu tươi sáng, thể hiện lòng lạc quan cách mạng: “Thuyền về trời đã rạng đông / Bao la nhuốm một màu hồng đẹp tươi” (Hồ Chí Minh). Các nhà thơ trẻ thời chống Mỹ sử dụng màu hồng cũng mang nét nghĩa tương tự: “Nghẹn ngào bao chuyện buồn vui / Nhìn nhau đã thấy ngày mai rực hồng (Về Bến Tre - Lê Anh Xuân), “Ngày mai thức giấc trời hồng” (Ru con - Trần Quang Long). Và nó được cảm nhận với nhiều sắc độ khác nhau: “hồng”, “hồng tươi”, “hồng đào”, “hồng hồng”, “rực hồng”,… Nét chung của các thơ trẻ là đều lấy màu hồng làm biểu tượng cho niềm tin yêu cuộc đời, ấm nồng sự sống: “Hạnh phúc nhen theo mỗi bếp lửa hồng” (Chiều - Vũ Quần Phương) “Khi nỗi chết còn in trên dòng máu / thì bài thơ thế hệ vẫn hồng tươi” (Hoa cô độc - Ngô Kha); màu của tuổi xuân khát khao giao cảm: Ta lớn lên bối rối một sắc hồng / Phượng cứ nở hoài hoài như đếm tuổi” (Mặt đường khát vọng - Nguyễn Khoa Điềm).
Màu hồng còn mang nghĩa biểu tượng về lòng tự hào của tuổi trẻ đối với đất nước và thế hệ mình. Thơ trẻ thời chống Mỹ là thơ nhập cuộc, nhập cuộc có mục đích, có lí tưởng rõ ràng. Nhà thơ tự hào, tự tin vào hướng đi của mình: “Trước sau vẫn một màu hồng / Một lần ta đã nhốm cùng nước non” (Thay áo - Phạm Tiến Duật); “Ánh lửa hồng lên, chiếu ngời thực tại / Rằng Tự Do là của con người” (Ta đi tới - Trần Quang Long). Màu hồng cũng thường được sử dụng để chỉ sự mạnh mẽ, khỏe khoắn, tin tưởng: “Chân vững bước qua muôn nghìn đêm tối / Có trái tim hồng nghĩa nặng tình sâu” (Hôn mảnh đất quê hương - Thu Bồn); khi kết hợp với màu xanh nó sẽ ngời lên sức sống dâng tràn, đầy hứa hẹn: “Ôi miền Nam có em đi trước / Như lửa hồng trên ngọn cỏ màu xanh / Và màu xanh trên lửa hồng em hỡi / Là trời xanh én gọi chim về (Em đi trước - Lê Anh Xuân). Xung quanh nghĩa biểu tượng này, nhiều tổ hợp màu
hồng được xác lập: “mùi tóc hồng” (Nguyễn Khoa Điềm), “trái tim hồng” (Thu Bồn), “buổi trưa hồng” (Quang Huy), “máu hồng” (Chim Trắng), “ấm hồng trong hơi thở” (Hoàng Phủ Ngọc Tường), “hồng tuổi thơ” (Xuân Quỳnh), “nước mắt hồng” (Trần Quang Long), “mùi tóc hồng” (Ngô Kha),... Đó là dấu ấn sáng tạo đáng ghi nhận của các nhà thơ trẻ thời chống Mỹ.
Bên cạnh màu hồng, màu vàng cũng thuộc về màu tươi sáng, lộng lẫy. Trong thơ cổ, màu vàng được coi là màu quý phái, sang trọng, màu của quyền uy thế lực. Trong thơ trẻ thời chống Mỹ, màu vàng vẫn là màu tươi sáng nhưng không phân biệt đẳng cấp như quan niệm trước đây. Màu vàng gợi sự tươi vui, rộn rã, hào hứng: “Chiều Ba Tri vàng mơ / Trăng nhô lên sáng rực” (Nhìn về An Đức - Lê Anh Xuân), “Vàng mơ nắng sớm đỏ hoàng hôn” (Vườn thơm - Chim Trắng). “Vàng mơ” là cách nói của người dân Nam Bộ. Đó là sắc màu tươi tắn, óng ả nhưng không chói chang, không choáng ngợp. Còn trong thơ trẻ miền Bắc, màu vàng thường gắn với mô típ ra đi, sắc độ thường là “vàng rực”, “vàng hoe”: “Cả cánh đồng vàng rực buổi chiều đi” (Bằng Việt); “Chiều ấy các anh đi / Nắng vàng hoe gốc rạ” (Gửi tới các anh - Lưu Quang Vũ). Buổi chiều trong thơ trẻ thời chống Mỹ thường đẹp và sáng. Ấy là những buổi chiều “vàng mơ”, “vàng rực”, “vàng hoe”, khác buổi chiều u buồn, biệt ly trong thơ lãng mạn: “Bóng chiều không thắm không vàng vọt / Sao đầy hoàng hôn trong mắt trong” (Tống biệt hành - Thâm Tâm).
● Màu của lí tưởng, lòng thủy chung và phẩm chất cao đẹp
Như một “quy ước” hiển nhiên, màu đỏ được coi là màu của lý tưởng, màu của đấu tranh cách mạng. Thơ ca cách mạng thường được gọi là “thơ ca đỏ”. Trong thơ trẻ thời chống Mỹ, màu đỏ xuất hiện với tần số khá cao, chỉ đứng sau màu xanh. Màu đỏ cũng được cảm nhận với nhiều sắc độ: “đỏ”, “đỏ bừng”, “đỏ rực”, “đỏ thắm”, “đỏ như son”,“đỏ tươi”, “đỏ chát”, “chói đỏ”,… Có thể nói, chưa bao giờ màu đỏ lại trở thành biểu tượng nghệ thuật sinh động, ấn tượng như trong thơ trẻ thời chống Mỹ. Những bài thơ mang sắc đỏ một thời như Cuộc chia li màu đỏ - Nguyễn Mỹ, Thời hoa đỏ - Thanh Tùng, Màu hoa đỏ - Nguyễn Đức Mậu, đã đi qua gần nửa thế kỉ mà vẫn không nguôi ám ảnh. Tất cả đều là sắc đỏ, biểu tượng cho lí tưởng giải phóng dân tộc, đậm chất trữ tình và bi tráng.
Trước hết phải nói đến Cuộc chia li màu đỏ, một sáng tác nổi tiếng của nhà thơ Nguyễn Mỹ. Bài thơ như dấu son đầu tiên về sự cách tân màu sắc nghệ thuật trong nền thơ chống Mỹ. Một cuộc chia li lứa đôi thắm sắc màu lí tưởng, cái riêng hòa nhập cái chung, tô điểm cho cái chung: “Đó là cuộc chia li chói ngời sắc đỏ / Tươi như cánh nhạn lai hồng”. Xưa nay trong thơ ca, mô típ chia li thường buồn, chia li thời chiến lại càng buồn. Bài thơ cũng thấp thoáng nỗi buồn nhưng là nỗi buồn đan xen nhiều tâm trạng khác nhau. Gam màu đỏ hòa trộn với gam màu xanh, màu trắng, biểu đạt sự đa điệu trong tâm hồn lứa đôi trước thời khắc xa nhau: “Vườn cây xanh và chiếc nón trắng kia / Không giấu nổi tâm hồn cô rực cháy / Không che được nước mắt cố đã chảy”. Kì thực, nhà thơ đã đề cập đến hạnh phúc riêng tư trong chiến tranh, nó vừa gợi lên cái bi của thân phận, lại vừa mang sắc màu cao cả của thời đại. Và tác giả đã thuyết phục về mối quan hệ riêng - chung: “Khi Tổ quốc cần họ biết sống xa nhau”. Chính màu đỏ, biểu tượng của lí tưởng đã tạo ra sự mơ hồ giữa chia li và không chia li: “Nghĩa là màu đỏ ấy theo đi / Như không hề có cuộc chia li”. Câu kết thúc như một mệnh đề sâu sắc, ý vị.
Nếu Cuộc chia li màu đỏ làm nên đỉnh thơ Nguyễn Mỹ thì Thời hoa đỏ là sáng tác khẳng định tên tuổi Thanh Tùng. Bài thơ mang sắc đỏ đặc sắc của thơ ca thời chống Mỹ, tích đọng kỉ niệm yêu đương trong những năm tháng đất nước chiến tranh: “Dưới màu hoa như màu đỏ khát khao / Anh nắm tay em bước vào đường vắng”. Màu đỏ ở đây không đơn thuần là sắc màu của một loài hoa đặc trưng nơi đất cảng Hải Phòng (quê hương nhà thơ), mà nó là biểu tượng của một thời tuổi trẻ, một thời cả dân tộc đỏ lửa chiến tranh, rất hào hùng nhưng cũng không ít tang thương mất mát; và cũng là cái thời tuổi trẻ không yên, tình yêu không trọn vẹn. Thời hoa đỏ có sự giao thoa hài hòa giữa thơ và nhạc, sắc đỏ thấm sâu trong từng con chữ, lan tỏa vào tâm thức người đọc: “Mỗi mùa hoa đỏ về / Hoa như mửa rơi rơi / Cánh mỏng manh tan tác đỏ tươi / Như máu ứa một thời trai trẻ”. Bài thơ ngân lên âm điệu réo rắt của một thời bi hùng, một thời náo nức, đắm say của tuổi trẻ.
Màu đỏ còn là biểu tượng về sự bất tử của hi sinh; hi sinh cho lí tưởng giải phóng dân tộc. Màu hoa đỏ của Nguyễn Đức Mậu là bài thơ tiếp cận theo hướng này. Đây là khúc tráng ca hào sảng nhất về người lính ngã xuống trong cuộc chiến tranh vệ
quốc vĩ đại. Chính sắc đỏ đã tạo nền cho khúc tráng ca ấy vút lên: “Ngọn núi nơi anh ngã xuống / Rực cháy lên màu hoa đỏ phía rừng xa / Rực cháy lên màu hoa đỏ phía hoàng hôn”. Đối với thơ trẻ sáng tác ở chiến trường, màu đỏ thường biểu thị tính căng thẳng, khốc liệt: “Đất mở ra mạch đỏ tựa máu người / Địa đạo sâu - tình yêu dữ dội / Người kiên trung bám trụ chẳng rời” (Củ Chi mùa khô 1973 - Thái Thăng Long), và khẳng định phẩm chất cao quý của hi sinh: “Máu đỏ không ồn ào / máu lặng lẽ ướt đầy ngực áo” (Thử nghĩ về hạnh phúc - Thanh Thảo).
Để thể hiện lòng thủy chung, son sắt với cách mạng, khắc họa phẩm chất cao đẹp của tuổi trẻ đấu tranh, nhiều nhà thơ chọn màu trắng làm biểu tượng nghệ thuật. Đó là Lê Anh Xuân ngợi ca vẻ đẹp tinh khiết, thánh thiện của Nguyễn Văn Trỗi trên đường ra pháp trường: “Anh đi chân đất đầu trần / Mặt mùa xuân, áo thiên thần trắng tươi” (Trường ca Nguyễn Văn Trỗi). Hay nữ sinh Nguyễn Thị Châu kí thác phẩm chất của mình vào bài thơ Áo trắng viết trong nhà tù: “Áo trắng em chưa vướng bụi đời / Chưa từng mơ tưởng chuyện xa xôi / Nhưng nay gặp cảnh đời chua xót / Áo trắng này nguyện trắng mãi thôi”. Với Nguyễn Khoa Điềm, áo trắng là biểu tượng của tuổi trẻ học đường hòa vào dòng thác đấu tranh: “Với cả trái tim đầy / Ta ra trận bằng màu áo trắng / Lựu đạn cay không xóa được sắc màu” (Mặt đường khát vọng). Về cuối cuộc chiến, màu trắng xuất hiện trong thơ trẻ mang hàm nghĩa tang thương (như Vòng trắng của Phạm Tiến Duật), nhưng không phổ biến.
Không ngẫu nhiên mà trong thơ trẻ thời chống Mỹ lại xuất hiện đa dạng các màu sắc và được cảm nhận với nhiều cung bậc khác nhau như thế. Đó là màu sắc mang nghĩa biểu tượng, nằm trong dụng ý nghệ thuật của nhà thơ. Qua màu sắc có thể khẳng định, thơ trẻ thời chống Mỹ là dòng thơ của sự sống, sức sống, tình yêu và khát vọng hòa bình; dòng thơ đau thương nhưng tỏa sáng niềm tin và chói ngời phẩm chất cao đẹp. Như vậy, biểu tượng nghệ thuật là phương thức thể hiện cảm hứng rất hiệu quả. Nhận xét “công dụng” của nó, nhà nghiên cứu Nguyễn Hữu Hiếu viết: “Nhìn chung, biểu tượng có giá trị làm tăng khả năng biểu đạt của tác phẩm nghệ thuật, có thể nói được những điều mà ngôn ngữ không đủ sức diễn tả” [108, tr.127].