Thơ trẻ Việt Nam thời kháng chiến chống Mỹ - Cảm hứng và giọng điệu - 14


nghĩ về hạnh phúc). Những ý thơ “gan ruột” như thế, lạ như thế, lẽ đương nhiên sẽ khó tìm trong sáng tác của những nhà thơ lớp trước.

Hữu Thỉnh, một trong những nhà thơ nhập trận cũng có những diễn ngôn tự tin về thế hệ mình, rất gần thơ Thanh Thảo. Cái trần trụi trong thơ Hữu Thỉnh xa lạ cái thô kệch. Ấy là cái trần trụi có tác dụng biểu cảm và diễn đạt khá chuẩn về chân dung người lính nơi chiến trận: “Chỉ biết bây giờ, trước lân tinh của bảng đồng hồ / và trước con đường anh vượt qua / những câu văn hoa buột khỏi miệng anh / ý nghĩ hằn lên theo vết xích” (Ý nghĩ không vần). Về sau, Hữu Thỉnh đúc kết thành thông điệp của một thế hệ nhà thơ dấn thân: vẫn cái trần trụi, đơn sơ, chân chất như cuộc đời người lính: “Đừng viết về chúng tôi như cốc chén trên bàn / xin hãy viết như dòng sông chảy xiết / và chúng tôi với chiếc bi đông bẹp dúm kia là một / cả hòn đá kê nồi cũng có bao điều ấm lạnh liên quan” (Đường tới thành phố).

Nhiều người cho rằng chính Phạm Tiến Duật mới là đỉnh cao của phong trào thơ chống Mỹ. Dĩ nhiên, người ta đã có cơ sở khi căn cứ vào sáng tác của ông. Cảm hứng dấn thân - nhập cuộc được Phạm Tiến Duật đẩy lên đỉnh điểm. Có thể nói, có được sản phẩm nghệ thuật độc đáo như thế, bên cạnh tài năng còn nhờ sự gắn bó máu thịt của nhà thơ với không gian Trường Sơn, với số đông con người dấn thân, xả thân trên con đường huyền thoại ấy. Phạm Tiến Duật nghiêng về mô tả chiến tranh với tất cả những chi tiết bộn bề, thô ráp của nó. Nhân vật trữ tình chủ yếu là những con người phơi phới niềm tin, trẻ trung, tinh nghịch, lãng mạn, yêu đời: “Em ở Thạch Kim sao lại lừa anh Thạch Nhọn /... / Cái miệng em ngoa cho chúng bạn cười giòn” (Gửi em cô gái thanh niên xung phong). Thơ Phạm Tiến Duật xuất hiện chất giọng đùa tếu, hài hước theo kiểu lính lái xe một thời máu lửa; cái tôi dấn thân trong thơ ông xem ra ít suy tư, ít tự thoại, đối thoại như trong thơ Thanh Thảo, Hữu Thỉnh. Tuy nhiên cái khốc liệt của chiến tranh lại được Phạm Tiến Duật tái hiện khá đầy đủ và sinh động. Bài thơ dài Những vùng rừng không dân tuy chưa được tập hợp đầy đủ, nhưng chỉ một khúc (tách thành bài Đi trong rừng) cũng phần nào lưu giữ được sự thật chiến tranh: “Rằng dân tộc ta trong những năm tháng ấy / Đưa lên rừng mấy chục vạn con người / Không thể nói là không đói không sốt / Ở giũa rừng sâu mấy chục năm trời / Bằng cách nào rừng ơi mà vẫn sống ung dung và đánh thắng”.


Chiến tranh không chỉ kéo những chàng trai ra trận, mà còn kéo cả hàng vạn nữ thanh niên dấn thân vào tuyến lửa. Trong đội ngũ nữ nhà thơ trẻ, những Lê Thị Mây, Hà Phương, Thúy Bắc, Lệ Thu gắn với con đường Trường Sơn ác liệt; Lâm Thị Mỹ Dạ, Dương Thu Hương bám trụ vùng đất lửa Quảng Bình; Phan Thị Thanh Nhàn, Ý Nhi xung phong đi thực tế vào vùng khu Bốn, Xuân Quỳnh đến tận giới tuyến Vĩnh Linh,... Đó là sự dấn thân ở ngoài đời chuyển thành cảm hứng dấn thân - nhập cuộc ở trong thơ. Thơ họ tự tin, cứng cáp, hòa vào diễn ngôn thế hệ: “Từ mười sáu đến ba mươi đó là tuổi chúng tôi / Chúng tôi sinh ra trong nhiều năm khác nhau / Nhưng cùng một thời kháng chiến /.../ Trong mắt chúng tôi ánh lửa đầu tiên có thể là ánh lửa rừng / Cũng có thể là vết bay của đạn” (Chúng tôi - Xuân Quỳnh). Và dĩ nhiên, nữ tính trong thơ họ đã góp phần làm dịu bớt cái khốc liệt chiến tranh; nhân vật trữ tình dấn thân mà không ồn ào, chấp nhận hi sinh mà không cần khẩu khí: “Em đã lấy tình yêu Tổ quốc mình thắp lên ngọn lửa / Đánh lạc hướng thù. Hứng lấy luồng bom” (Khoảng trời, hố bom - Lâm Thị Mỹ Dạ).

Đối với các nhà thơ trẻ yêu nước tiến bộ vùng đô thị, cảm hứng dấn thân - nhập cuộc của họ có nét đặc thù riêng. Không như thơ trẻ miền Bắc và thơ trẻ vùng giải phóng; thơ trẻ yêu nước tiến bộ vùng đô thị là hiện tượng nghệ thuật nảy sinh trong hoàn cảnh bất lợi, đối mặt với bắt bớ tù đày, các nhà thơ chủ yếu tự tập hợp lại với nhau. Tuyển tập Tiếng hát những người đi tới, Quê hương ta anh hùng, Thơ máu,... là những sản phẩm nghệ thuật lưu giữ một thời dấn thân của họ. Cảm hứng dấn thân - nhập cuộc trong thơ họ là tiếng gọi lên đường, tiếng thét đấu tranh, là sự kêu đòi vùng lên lật đổ cái xã hội tàn ác đang hiện hữu nhờ họng súng “bảo trợ” của ngoại xâm: “Trước mắt ta chỉ một con đường / Một con đường không kém không hơn / Anh dũng tiến lên hay âm thầm gục chết ? (Lớn lên không ngừng - Trần Quang Long).

Quan điểm thống nhất của các nhà thơ trẻ yêu nước tiến bộ vùng đô thị là, thơ phải dấn thân, phải đồng hành cùng dân tộc, phải có ích cho đời. Ở Trần Quang Long, thơ là chông “xuyên vào gan lũ giặc”, là kiếm sắc “chặt đầu văn nghệ tay sai”; ở Nguyễn Thái Bình, thơ là vũ khí bảo vệ từng “ngọn cỏ, tàn cây, giọt sương, bọt nước” được tạo dựng bằng “mồ hôi nước mắt, máu đào xương trắng” của cha ông; ở Thái Ngọc San là khí thế của những cơn “bừng giận sóng xô trời biển dậy”; ở Đam San là


“bài học quê hương giữa phố phường giông bão”, là “lưỡi gươm thiêng chém cổ phường buôn dân bán nước, cắt lưỡi phường nịch hót a dua...”; ở Phạm Thế Mỹ là “lời ca giữ nước”,... Đông Trình, tác giả của Rừng dậy men mùa tự xác định cho mình bổn phận “cấy niềm tin trên vùng đất văn hóa trổ đầy trái độc” v.v... Đặt vào bối cảnh đô thị miền Nam trong những năm tháng đầy biến động, những diễn ngôn trên lại càng đáng trân trọng. Bởi đó là cuộc dấn thân - nhập cuộc của những nhà thơ trẻ yêu nước tiến bộ từ cuộc đời đến trang thơ, trong số họ không ít người ngã xuống cho sự lựa chọn của mình (Ngô Kha, Trần Quang Long).

Có thể bạn quan tâm!

Xem toàn bộ 229 trang tài liệu này.

Rõ là, đã có một khoảng cách đáng kể giữa các thế hệ nhà thơ khi viết về chiến tranh. Khoảng cách và sự khác nhau ấy có sự “can dự” của cảm hứng dấn thân - nhập cuộc. Dấn thân - nhập cuộc khác nhau, nhìn chiến tranh cũng khác nhau, điểm nhìn cận cảnh của người trong cuộc và điểm nhìn viễn cảnh của người quan sát đương nhiên khác nhau. Điểm mạnh của thế hệ nhà thơ trước là ở tầm khái quát, năng lực tổng hợp, bình luận chiến tranh. Điểm mạnh của thế hệ thơ trẻ là tái hiện tất cả những gì thô ráp, trần trụi, tàn khốc như bản chất của cuộc chiến, thiên về mô tả chiến tranh (“mô tả” ở đây đã qua “màng lọc” của nhà thơ chứ không sao chép máy móc). Thơ trẻ thời chống Mỹ, nhất là ở chặng cuối rất ít chi tiết hào quang lấp lánh, ít sử dụng lớp từ ồn ào “phơi phới”, “hăm hở”, “ríu rít”,... Trong khi Chế Lan Viên nâng người lính lên “Thần chiến thắng”, Tố Hữu gọi giải phóng quân là “Thạch Sanh của thế kỉ hai mươi”; thì Thanh Thảo lại viết: “Cả thế hệ xoay trần đánh giặc / Mặc quần đùi khiêng pháo lội qua sông” (Những ngôi sao của mẹ), Hữu Thỉnh: “Trận địa căm căm gió mùa đông bắc / Chúng tôi nằm úp thìa bên nhau” (Đêm không chăn), Nguyễn Đức Mậu: “Người ôm súng, súng bên người cảnh giác / Đơn vị ngủ rừng / Theo đội hình đánh giặc” (Ngủ rừng theo đội hình đánh giặc),... Nếu những nhà thơ lớp trước dù hòa nhập với cuộc sống đến đâu vẫn không thể xóa bỏ hẳn khoảng cách giữa họ và đối tượng miêu tả, thì những nhà thơ trẻ nhập trận lại có sự hóa thân tự nhiên vào đối tượng. Với họ, viết về đồng đội, về nhân dân cũng là viết về mình, mô tả cuộc chiến là mô tả hoàn cảnh nghiệt ngã mà họ dấn thân, trải nghiệm. Hữu Thỉnh tuyên ngôn chuẩn xác: “Không có sách chúng tôi làm ra sách / Chúng tôi làm thơ ghi lấy cuộc đời mình” (Đường tới thành phố). Tuy nhiên, nói như thế không


Thơ trẻ Việt Nam thời kháng chiến chống Mỹ - Cảm hứng và giọng điệu - 14

có nghĩa thơ trẻ thời chống Mỹ không bình luận chiến tranh. Vấn đề là, đó không phải thành công nổi bật trong thơ họ. Vả lại, suy cho cùng, ở đây đã có sự cân bằng “tự nhiên” giữa các thế hệ nhà thơ. Những gì không (hoặc rất ít) tìm thấy trong thơ thế hệ này thì đã có ở thơ thế hệ kia; mỗi thế hệ có “sự sinh” riêng của họ. Thơ bình luận chiến tranh hay mô tả chiến tranh, nếu thực sự là thơ hay, không bị “ô xi hóa” bởi thời gian thì đều có giá trị như nhau.

Thời chống Mỹ là thời cả nước nhập cuộc. Với thế hệ nhà thơ trẻ, hành động dấn thân - nhập cuộc của họ cũng là cảm hứng nghệ thuật trong thơ họ. Sản phẩm là cái tôi dấn thân, cái tôi thế hệ. Ấy là cái tôi chân thực, sâu sắc nhất, để lại dấu ấn không thể phai mờ về đất nước và con người Việt Nam trong những năm chiến tranh khốc liệt: “Thực tế họ đã mang đến cho thơ chống Mỹ tiếng nói đặc sắc của riêng tuổi trẻ mà những thế hệ nhà thơ trước không thể nói thay được” [64, tr 93].

2.2.3. Cảm hứng bi tráng

Nhìn từ góc độ mỹ học, “bi ai” (hay “bi thương) được hiểu như “cái bi”; “hùng tráng” được hiểu như “cái hùng”; cả hai đều xoay quanh cái đẹp, cái cao cả. Cái bi là sự mất mát đau thương, nhưng phải là mất mát đau thương của lí tưởng, của cái đẹp, cái cao cả. Nhà nghiên cứu Lê Ngọc Trà viết: “Cái bi rất gần với cái cao cả. Cái bi lịch sử không thể thiếu chất anh hùng. Miêu tả cái anh hùng mà bỏ qua những nhân tố của cái bi thì việc ca ngợi sẽ mang tính một chiều, kém thuyết phục” [89, tr.160].

Về nguyên tắc, văn học cách mạng không từ chối cái bi mà yêu cầu miêu tả cái bi trên cơ sở tuân theo quy luật vận động của cuộc sống, của lịch sử, không làm mất lòng tin vào tương lai, điều mà như nhà viết kịch Xô viết V. Vixnhepxki (1900 -1951) gọi là Bi kịch lạc quan (tên một vở kịch của ông). Tuy nhiên, chiến tranh là hiện tượng bất thường, để giữ nước, người ta phải huy động tất cả mọi phương tiện làm vũ khí, kể cả thơ ca. Trong bối ảnh như vậy, thơ phải tránh nói nhiều đến mất mát hi sinh, nếu nói thì cũng phải nói theo hướng bất tử hóa, lạc quan hóa; tức vẫn chịu “chế áp” của tinh thần sử thi. Nhìn chung là vậy nhưng trên thực tế chưa hẳn hết thảy người cầm bút đều “phục tùng” tuyệt đối như vậy. Trong các thế hệ cầm bút thời chống Mỹ, nếu sáng tác của các nhà thơ lớp trước có xu hướng né tránh bi thương tổn thất, thì thơ trẻ, nhất là vào chặng cuối lại viết khá nhiều về mất mát, hi sinh: “Mấy mươi năm đã mấy


lớp người / Chia lìa gục ngã / Đã tận cùng nỗi khổ / Người ta định làm gì Người nữa Việt Nam ơi ?” (Việt Nam ơi - Lưu Quang Vũ).

Thơ trẻ thời chống Mỹ có cả bi thương và hùng tráng, có cái được - cái mất, có tự hào, có nỗi đau. Âm hưởng đặc trưng của nó là cao vút những khúc ca lẫm liệt, đan xen những giai điệu thống thiết và có cả “phụ âm” trăn trở, day dứt. Cảm hứng bi tráng trong dòng thơ này vận động theo diễn trình cuộc chiến. Ở chặng đầu, thơ trẻ rạo rực khí thế ra trận, ít đề cập đến mất mát hi sinh. Nếu có cũng cốt để khẳng định giá trị của chiến thắng, của sự vẻ vang. Nhà thơ thường kí thác vào nhân vật xả thân để biểu đạt cái chết lẫm liệt, hào hùng. Mô típ bất tử của hi sinh, cái chết gieo mầm sự sống, cái chết đồng hành đánh giặc được sử dụng khá phổ biến. Chẳng hạn, trong Lời người liệt sĩ, Bế Kiến Quốc mượn lời người cha dặn lại con: “Cha vẫn sống trong lòng mọi người / Cha vẫn sống trong ánh sáng bầu trời”. Thúy Bắc khẳng định tâm hồn cao đẹp của người đã mất soi sáng cho bước đi của người đang sống: “Mỗi chúng ta mang hồn anh hoa nở / Đầu súng ba lô trên mọi nẻo đường” (Hoa mười giờ). Thu Bồn khắc họa sự bất tử của Hùng và Rin theo đúng tinh thần sử thi. Đó là cái chết hiên ngang đầy dũng khí của người cộng sản, cái chết trong tư thế người chiến thắng: “Quân thù kia ơi một bầy man rợ / Bay đừng hòng khuất phục được ta / Bay muốn đốt ta thành hòn than quỳ lạy / Trong ánh lửa hồng ta xuất hiện một vòng hoa” (Bài ca chim chơ rao).

Theo xu hướng bất tử hóa, cái chết của người anh hùng thường được xây dựng bằng hình tượng kì vĩ, hoành tráng. Về phương diện này, Lê Anh Xuân đã rất thành công. Ông thường sử dụng mô típ “dáng đứng” (tư thế), mô típ “thế kỷ” (thời gian) để tạc tượng đài liệt sĩ. Dưới ngòi bút tạo hình sắc sảo của ông, chân dung người chiến sĩ hi sinh vì Tổ quốc được hiện lên trong tư thế oai phong lẫm liệt; tư thế ấy tồn tại vĩnh hằng với thời gian, lưu danh muôn đời trong lịch sử: “Anh đứng giữa Tháp Mười / Giữa biển cỏ mênh mông màu thế kỷ” (Anh đứng giữa Tháp Mười); “Như anh đứng đấy trẻ tươi / Tạc hình thế kỷ muôn đời không tan” (Trường ca Nguyễn Văn Trỗi). Đặc biệt, đến bài Dáng đứng Việt Nam, hình tượng một chiến sĩ “chết trong khi đang đứng bắn” hóa thành hào khí một dân tộc: “Ơi ! Anh Giải phóng quân! / Từ dáng đứng của Anh giữa đường băng Tân Sơn Nhứt / Tổ quốc bay lên bát ngát mùa xuân”.


Ấy là bức tượng đài vừa có cái “bình dị, sáng trong” của anh bộ đội Cụ Hồ, vừa có cái tự nguyện, vô tư, đầy trách nhiệm của nhân vật Ông Gióng trong truyền thuyết dân gian, lại vừa có cái dũng khí sẵn sàng xả thân của người nghĩa sĩ trong bài Văn tế nghĩa sĩ Cần Giuộc của Nguyễn Đình Chiểu. Có thể nói, đến Dáng đứng Việt Nam, lần đầu tiên trong thơ Việt Nam hiện đại, sừng sững hiện lên một tượng đài bất tử về người chiến sĩ Giải phóng quân vô danh - biểu tượng cho tinh thần, khí phách của đất nước anh hùng, nhân dân vĩ đại.

Nguyễn Đức Mậu là nhà thơ nhập sâu vào chiến trận. Cảm hứng bi tráng trong thơ ông khá nổi đậm, nhiều cung bậc. Nếu Nấm mộ và cây trầm, Đêm Thành Cổ 1972 thiên về bi thương thì Màu hoa đỏ (Thuận Yến phổ nhạc) lại thiên về bi tráng. Bài thơ ra đời ngay nơi chiến hào đánh giặc, khi cuộc chiến chống Mỹ bước vào giai đoạn khốc liệt nhất. Đó là khúc tráng ca trầm hùng, ám ảnh, hàm chứa sâu xa quan niệm về lẽ sinh - tử của người lính trong sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc: “Có người lính / Mùa thu ấy ra đi từ đó không về / Dòng tên anh khắc vào đá núi / Mây ngàn hoá bóng cây che.

Không hoành tráng như Lê Anh Xuân trong Dáng đứng Việt Nam, hay bay bổng trầm hùng như Nguyễn Đức Mậu trong Màu hoa đỏ, Lâm Thị Mỹ Dạ viết về sự hi sinh theo cách riêng của mình. Đó là lối biểu đạt dịu nhẹ mà thấm thía, cái chết hóa thân vào thiên nhiên, vào chiều sâu tâm tưởng: “Em nằm dưới đất sâu / Như mặt trời đã nằm yên trong đất / Đêm đêm tâm hồn em tỏa sáng / Những vì sao ngời chói lung linh” (Khoảng trời và hố bom ). Bài thơ, theo Hoài Thanh, “Nó để lại trong lòng ta, đối với người đã khuất, một niềm kính phục và yêu thương vô hạn. Có thể xem đó là một đài liệt sĩ bằng thơ. Đẹp như thơ” [156, tr.136].

Trên là hướng biểu đạt cảm hứng bi tráng thiên về “tráng”. Ngay cả cách tiếp cận của nhà phê bình cũng theo hướng này (“đài liệt sĩ bằng thơ. Đẹp như thơ” - Hoài Thanh). Cách nghĩ về sự hi sinh như vậy là phù hợp với thơ kháng chiến. Nó không đối lập sự sống - cái chết, mà là sự tiếp nối, kế thừa giữa các thế hệ cách mạng, giữa những người đang sống và người đã khuất. Quan điểm này xuất phát từ sự đề cao cái chết cho cộng đồng, cho dân tộc; khẳng định sự bất tử của hi sinh vì nghĩa lớn. Tuy nhiên, nếu viết về mát mát hi sinh mà chỉ một chiều ngợi ca, tự hào thì đó là sự phiến


diện trong thơ thời chống Mỹ. Bởi, dù nhìn theo hướng nào, chiến tranh cũng đều bất hạnh đối với đất nước và nhân dân.

Một hướng biểu đạt khác của cảm hứng bi tráng trong thơ trẻ thời chống Mỹ là nghiêng về mô tả cái bi thương. Tập trung nhiều nhất vẫn trong sáng tác của những nhà thơ nếm trải, quăng quật với đời, trực diện với chiến tranh. Khi cuộc chiến sắp bước vào hồi kết, sự khốc liệt càng tăng lên gấp bội. Tính chất thi vị, réo rắt trong thơ như ở chặng đầu giảm dần, thay vào đó là những suy tư về cuộc chiến, về thân phận con người. Thơ trẻ không né tránh sự thật, kể cả sự thật đến nghiệt ngã - điều không dễ viết trong chiến tranh. Những đối cực như còn - mất, sống - chết, chiến đấu - hi sinh, chiến thắng - thất bại, cao cả - thấp hèn,... đều được một số người cầm bút bộc lộ đến tận cùng. Trong khi các nhà thơ lớp trước vẫn nhấn mạnh đến sức mạnh của ý chí, của khí phách, của niềm vui và lòng lạc quan: “Sức trẻ dậy mặt người rạng rỡ / Nước non này xanh cả mùa đông” (Bài ca xuân 71 - Tố Hữu), “Tên Tổ quốc vang ngoài ngoài bờ cõi / Ta đội triệu tấn bom mà hái mặt trời hồng” (Thời sự hè 72, Bình luận - Chế Lan Viên); thì thế hệ thơ trẻ đã chọn cho mình cách nói khác: trầm tĩnh, lắng đọng thay cho ồn ào, khẩu khí. Cuộc chiến đi vào thơ trẻ với tất cả sự khốc liệt, nhiều bi thương nhưng được chắt lọc và thể hiện bằng tấm lòng đầy trách nhiệm:

Đắp cho anh nắm đất mặn nơi này Nơi anh ngã muối ngấm vào vết đạn

Xót thịt, xót thương, xót người nằm xuống Thuỷ triều lên nấm mộ cũng ngập chìm

(Nấm mộ trong rừng đước - Nguyễn Duy)

Ấy là nỗi đau cả người sống và người chết, Nguyễn Đức Mậu sẻ chia, đồng cảm sâu sắc với đồng đội của mình: “Thương Hùng không vải nhựa che mưa / Tôi đào đất sâu cho Hùng khỏi ướt / Lau mặt Hùng vuốt hai tròng mắt / Vuốt khoảng trời đầu thuốc đạn mưa bay” (Tưởng nhớ số II). Xưa Quang Dũng mô tả cái cái chết của người lính bằng bút pháp lãng mạn “Áo bào thay chiếu anh về đất / Sông Mã gầm lên khúc độc hành” (Tây tiến); thơ trẻ thời chống Mỹ lại chủ yếu biểu đạt bằng bút pháp tả thực, trong đau thương họ càng hiểu ra mình và đồng đội hơn bao giờ hết: “Không thể đem ý chí đặt lên bàn cân / Không thể đong máu rơi giữa chiến trường bằng đơn


vị / Khi Tổ quốc cần ta thành chiến sĩ / Cuộc chiến tranh này nào chọn riêng ai” (Bút nghiên ra trận - Trần Lê An).

Các nhà thơ trẻ có điều kiện mô tả sự hi sinh một cách chân thật, thấm thía ở cự li gần. Đối với họ, cái chết bủa vây xung quanh, nếu không muốn nói là kẻ trước người sau, ai cũng có thể hi sinh. Năng lực của nhà thơ bộc lộ ở sự lựa chọn và cách triển khai chi tiết. Chẳng hạn, chi tiết “nắm cơm”, “bữa cơm” của người lính nơi chiến trường như một tín hiệu hiện thực được các nhà thơ cảm nhận và biểu đạt theo cách riêng. Với Hữu Thỉnh, đó là nắm cơm “cháy thành than” của người lính xe tăng đầy ám ảnh: “Có nắm cơm đã cháy thành than / đen còn một nửa / có dấu tay in lõm vào trong / ngón tay to bè của đồng chí lái” (Đường tới thành phố); với Nguyễn Đức Mậu, “nắm cơm thừa” là tổn thất của đồng đội sau một trận đánh ác liệt “Rồi hôm ấy mười căn hập sập / Mười nắm cơm thừa / Mười khẩu súng / Một mình anh” (Trường ca sư đoàn). Thanh Thảo biểu đạt cái bi thương của chiến tranh qua chi tiết “chiếc áo ngắn”: “Những năm chiếc áo có thể sống lâu hơn một đời người”. Chiến đấu ở chiến trường Nam Bộ, Thanh Thảo am hiểu sâu sắc sự hi sinh của người dân vùng sông nước này. Họ ngã xuống để giữ từng tấc đất, thước ruộng của ông cha: “Thôi các anh nằm cho chúng tôi vuốt mắt / Mình sẽ thức bên nhau tới lúc bật ánh ngày / Sống cồn đất, chết chôn trên cồn đất / Ôi làm sao bỏ được nơi này” (Đêm trên cồn). Đó là thông điệp rất đáng để người thời nay suy ngẫm, nhất là đối với những ai đang nắm quyền “hoạch định” ruộng đất của nông dân.

Chết chóc càng nhiều nỗi đau càng lớn. Cuộc chiến chống Mỹ, có thể nói, xương chất thành núi, máu chảy thành sông, bi thương khủng khiếp: “Đồng đội tôi trong chiến dịch bảy hai / Xương thịt nhiều hơn đất đai Thành Cổ” (Khúc bi hùng Thành Cổ - Nguyễn Hải Nghiêm). Trong thơ trẻ thời chống Mỹ, cảm hứng bi thương không chỉ tập trung ở người lính, mà còn được mở ra nhiều mặt trong đời sống. Chiến tranh kéo dài, đất nước gần như kiệt quệ, nghèo đói vây hãm người dân. Hà Nội 12 ngày đêm cuối 1972 đổ nát kinh hoàng. Dấu tích bi thảm ấy, dĩ nhiên khó tìm thấy trong sáng tác của những nhà thơ lớp trước. Nói chính xác, cái chết trong thơ họ ít xuất hiện, nếu xuất hiện thì sẽ được biểu đạt theo tinh thần lạc quan, cái chết không buồn, biến cái buồn thành hành động chiến đấu: “Trắng khăn tang em chẳng khóc đâu

Xem tất cả 229 trang.

Ngày đăng: 16/01/2023
Trang chủ Tài liệu miễn phí