Thơ trẻ Việt Nam thời kháng chiến chống Mỹ - Cảm hứng và giọng điệu - 15


/ Hỡi em gái mất cha mất mẹ / Nước mắt rơi, làm nhòa mặt kẻ thù / Em phải bắn, trúng đầu giặc Mỹ” (Việt Nam máu và hoa - Tố Hữu).

Nhưng một số nhà thơ trẻ lại thể hiện theo hướng khác, cảm hứng bi thương bao trùm sáng tác của họ: “Tôi thấy em / soi đáy nước hố bom / một cành đào in bàn tay em nhỏ / nơi quân thù vùi em xuống đó / đã chôn theo một mảnh tim mình” (Khâm Thiên - Lê Huy Quang). Hay: “Ngõ hồ dài vụn nát dưới bom sâu / Bà con ta, hai trăm mười lăm người / không còn nữa” (Từ Khâm Thiên - Phan Thị Thanh Nhàn). Đấy mới là sự thật chiến tranh, cảnh báo chiến tranh; là tận cùng của bi thương, vô số thường dân bị sát hại. Đối với Lưu Quang Vũ, bước sang thập niên 70, thơ ông “xoay” sang mô tả cái bi thương; bi thương bao trùm đất nước, cuộc chiến đẩy con người vào bất hạnh khổ đau: “Cuộc chiến tranh dằng dặc / rừng đầy muỗi độc / chiến hào lở loét khói bom / những đôi giày thủng đầy bùn / những tấm vải mưa ướt sũng /.../ mộ bạn đá hoang gió lạnh / chôn bao trìu mến của ta” (Những đứa trẻ buồn). Nỗi đau đất nước trong thơ Lưu Quang Vũ dồn vào hai chữ Việt Nam. Việt Nam trong thơ Tố Hữu là tiếng hát ngợi ca: “Trong khổ đau người đẹp hơn nhiều”, trong thơ Lưu Quang Vũ thì xót xa: “Tất cả sẽ ra sao / Mảnh đất nghèo máu ứa ? / Người sẽ đi đến đâu / Hả Việt Nam khốn khổ ?”. Câu hỏi mà nhà thơ đặt ra từ thời đất nước chưa dứt chiến tranh, thế nhưng hàng chục năm sau vẫn còn đó bao điều cần ngẫm nghĩ.

Nhiều nhà thơ trẻ nhìn con người từ phương diện thân phận, số phận hơn là phương diện chính trị, giai cấp. Cảm hứng bi thương còn mở rộng sang cả “phía bên kia”, tức những con người chung cội nguồn Lạc Việt; mà suy cho cùng, tất cả đều là nạn nhân chiến tranh. Theo một số nhà thơ trẻ, cái chết phía bên nào cũng là cái chết của đồng loại giống nòi, của người dân lương thiện. Vả lại, “nghĩa tử nghĩa tận”, từ bao đời nay người Việt đã ứng xử với nhau như thế. Thi thể một binh sĩ Việt Nam Cộng hòa trong thơ Nguyễn Duy thật thảm thương: “Dòng máu anh đất hút khô rồi / Anh teo quắt, đất vẫn khô không khốc / Bà con thương tình chôn anh xuống đất / Chưa được nửa ngày bom Mỹ lại đào lên” (Hai lần chết của một người lính Cộng hòa). Sâu xa hơn, đó còn là bi thương cho dân tộc, tai họa cho đất nước, liên quan đến cái gọi “Việt Nam hóa chiến tranh” mà người Mỹ gây ra.


Riêng mảng thơ trẻ yêu nước tiến bộ vùng đô thị miền Nam, cảm hứng bi thương được thể hiện đậm nét, với nhiều mức độ và bút pháp khác nhau. Có tác giả biểu đạt nỗi đau thân phận con người bằng ca từ trong ca khúc phản chiến: “Xác người nằm trôi sông phơi trên ruộng đồng / Trên nóc nhà thành phố trên những đường quanh co” (Ca khúc da vàng - Trịnh Công Sơn). Nhìn chung, thơ trẻ yêu nước tiến bộ vùng đô thị chủ yếu biểu đạt cái bi thương tang tóc, xoáy vào nỗi đau chiến tranh hơn là lãng mạn, sử thi hóa chết chóc. Đây là “cái khác”, là đặc điểm khá nổi bật trong thơ trẻ yêu nước tiến bộ vùng đô thị. Có thể nói, thơ trẻ yêu nước tiến bộ vùng đô thị trước hết được viết dưới ánh sáng của tinh thần ái quốc, của lòng tự trọng, tự tôn dân tộc chứ chưa phải dưới hào quang của một lí tưởng nào khác. Họ là những trí thức mang nỗi đau của dân tộc nhược tiểu, của dòng giống da vàng bị ngoại bang sỉ nhục; cái bi thương trong thơ họ đồng nghĩa với oán hận trào dâng, trái tim chảy máu: “Những tử thi ngổn ngang / Không còn nhìn rõ mặt / Cũng không có áo quần / Nằm chung một dải đất / Nghèo đói và lầm than / Bà mẹ già chống gậy / Nước mắt chảy hai hàng” (Hồi kết cuộc - Trần Quang Long).

Những câu được tác giả viết vào năm 1964, viết để phản đối quân đội Sài Gòn tổ chức cái gọi là “triển lãm xác Việt cộng” gây căm phẫn tột cùng trong dân chúng. Sáng tác theo trường phái siêu thực, thơ Ngô Kha chập chờn, ám ảnh về cái chết do chiến tranh: “Trong mỹ từ của người đã chết / người đang chết / và những người sắp đi vào cõi chết / đoàn tử tù cất nhịp hát hò lơ / tiếng mù đã lên cao / ru bình yên những linh hồn tuyệt vọng” (Ngụ ngôn của người đãng trí). Có thể nói, thơ trẻ yêu nước tiến bộ vùng đô thị đã “chạm đáy” bi thương chiến tranh.

Cái bi là hiện tượng phổ biến của mọi cuộc chiến tranh, bất kể thời nào, dân tộc nào đã lâm vào đều không tránh khỏi. Đối với Việt Nam, cái bi trong thơ trẻ thời chống Mỹ gắn liền với ý thức và hành động của cả thế hệ dấn thân cứu nước. Trong họ, không ít người ngã xuống cho độc lập, thống nhất Tổ quốc. Cảm hứng bi tráng trong thơ trẻ thời chống Mỹ dù biểu đạt theo hướng bất tử hóa, đề cao cái hùng, hay nghiêng về cái bi thương tổn thất đều rất đáng trân trọng. Đó là một dòng thơ, một thời thơ, đúng như lời Hữu Thỉnh “được đảm bảo bằng máu” [172, tr.4].

3.2.4. Cảm hứng đời tư, thế sự


Có thể bạn quan tâm!

Xem toàn bộ 229 trang tài liệu này.

Cảm hứng đời tư, thế sự là khái niệm ghép của hai thành tố có nghĩa tự thân: “đời tư” và “thế sự”, giữa chúng liên quan gần chứ không nhập làm một, cũng không phải thành tố này quy định thành tố kia. Sản phẩm của cảm hứng đời tư là hình tượng “cái tôi đời tư”; sản phẩm của cảm hứng thế sự là “cái tôi thế sự”; một số nhà nghiên cứu gộp chung vào trong khái niệm “cái tôi phi sử thi”.

Thực tế cho thấy, thơ trẻ thời chống Mỹ, nhất là vào chặng cuối đã có sự giao thoa giữa cái nhìn sử thi và yếu tố thế sự, giữa lí tưởng và hiện thực, giữa không gian công cộng và không gian đời tư. Xét phương diện hưng phấn cao độ (nhiệt hứng), rung cảm sâu sắc, thống thiết của nhà văn trước những vấn đề về đời sống riêng tư, về thân phận con người và thực trạng xã hội, nổi lên trong tác phẩm như một khuynh hướng tư tưởng rõ nét; chúng tôi gọi đó là cảm hứng đời tư, thế sự. Thời chống Mỹ những sáng tác theo dạng thức cảm hứng này, rõ ràng không hiếm; chỉ có điều, nói như nhà thơ Bằng Việt: “Phải nén lại thôi! Có nhiều câu thơ khắc khoải nhưng phải hết thời chống Mỹ mới in ra” [199, tr.34]. Bên cạnh giọng day dứt, tự vấn, cảm hứng đời tư, thế sự trong thơ trẻ thời chống Mỹ còn có những sắc điệu khác làm đa dạng, độc đáo cho nó (trữ tình thống thiết, lạc quan, triết lí,…).

Thơ trẻ Việt Nam thời kháng chiến chống Mỹ - Cảm hứng và giọng điệu - 15

Cảm hứng đời tư

Cảm hứng đời tư được coi là dạng cảm hứng giàu tính nhân bản. Tín hiệu để nhận diện nó, chủ yếu tập trung ở hình tượng cái tôi đời tư: “Thơ trữ tình đời tư đòi hỏi thể hiện các cảm xúc tâm trạng cá nhân của cái “tôi” con người bình thường” [145]. Đời tư được hiểu trên nhiều phương diện: Nó là vũ trụ riêng của một người trong “tổng hòa các quan hệ xã hội” (lứa đôi, gia đình, bè bạn,…); là ý thức về chủ thể và tự ý thức về bản chất xã hội của chủ thể; là những mặt khuất lấp của một đời người, là số phận, thân phận cá nhân,... Nhà nghiên cứu Trần Đình Sử quan niệm: “Sự ý thức về đời sống cá nhân, các xúc động riêng tư, nhất là trong tình yêu đôi lứa là cơ sở của các tác phẩm thuộc thể tài đời tư” [145]. Thơ cách mạng không triệt tiêu cái tôi đời tư, nếu cái tôi ấy không đối lập cái ta chung. Thơ chống Pháp, theo chúng tôi, cũng thấp thoáng cái tôi đời tư (chẳng hạn Màu tím hoa sim của Hữu Loan; Không nói của Nguyễn Đình Thi, Em tắm của Bạc Văn Ùi,...).


Chuyển sang thơ sau 1954, Nguyễn Văn Long khẳng định: “cái tôi riêng của tác giả đã dần dần xuất hiện trở lại và cùng với nó xu thế trữ tình hướng nội đã tăng lên” [80, tr.96]. Đó là ý kiến xác thực, có cơ sở. Gần đây, nhiều nhà nghiên cứu mở rộng biên độ thời gian và không gian thơ chống Mỹ, cùng sự xuất hiện nhiều sáng tác mà thời ấy chưa công bố, thì vấn đề “cái tôi đời tư” (kể cả “cái tôi thế sự”) đã không mấy ai phủ nhận, và đang được khảo sát trên nhiều góc độ, nhiều hướng tiếp cận. Theo chúng tôi, nói đến cái tôi đời tư trong thơ thời chống Mỹ là phải nghĩ ngay đến sáng tác của thế hệ nhà thơ trẻ lúc bấy giờ.

Trước hết là xét ở bình diện tình yêu lứa đôi - bình diện được coi là điển hình nhất của thế giới riêng tư đã bao đời nay. Tuy nhiên, như chúng tôi nghĩ, tình yêu lứa đôi trong thơ không đơn thuần chỉ chuyện riêng của hai người; mà nó phải nằm trong dòng “cảm ứng” chung của mọi người. Nghĩa là, không có cái tôi đời tư khép kín tuyệt đối. Tuổi trẻ đồng nghĩa tình yêu và kiếm tìm hạnh phúc. Ngay từ khi mới xuất hiện trên thi đàn (những năm đầu thập niên 60), nhiều nhà thơ trẻ thời chống Mỹ đã tạo được dấu ấn của mình qua những sáng tác về tình yêu lứa đôi. Dĩ nhiên, tình yêu lứa đôi ở đây đã không thoát li hiện thực, không sa vào hưởng lạc cá nhân hay bế tắc, cuồng loạn. Đồng thời nó cũng chưa bị yếu tố sử thi “xâm lấn” sâu như những năm về sau. Ấy là cái tình bâng khuâng, xao xuyến trong thơ Ca Lê Hiến: “Mùa xuân cùng em lên đồi thông / Ta như chim bay trên tầng không” (Em đẹp nhất); cái tình rạo rực đến cuồng nhiệt, hiến dâng trong thơ Xuân Quỳnh: “Những ngày không gặp nhau / Biển bạc đầu thương nhớ / Những ngày không gặp nhau lòng thuyền đau rạn vỡ” (Thuyền và biển); cái tình lặng lẽ, đắm say trong thơ Nguyễn Mỹ: “Em mang chi tiếng đàn bầu trong mắt / Để nên nỗi đêm thu anh dìu dặt” (Hoa cúc tím); hay cái tình mặn nồng, thổn thức trong thơ Phạm Tiến Duật: “Anh yêu em, anh đợi anh chờ / ngày chủ nhật sao em không tới / đồng nông trường đêm về vời vợi / hơi tay em trong đất ẩm còn thơm / nhớ em, lòng dạ bồn chồn” (Nhật kí yêu đương).

Ở mảng thơ trẻ yêu nước tiến bộ vùng đô thị, tình lứa đôi được biểu đạt hoàn toàn tự do, không có bất kì “định hướng” hay ràng buộc nào ở đề tài này. Nhìn chung, mấy năm đầu thập niên 60, tình lứa đôi trong thơ trẻ yêu nước tiến bộ vùng đô thị có vẻ còn bình yên, êm ả: “em ở đó mùa thu buồn khép nép / đường em đi, em biết lối


quay về ? / Nắng có vàng anh gọi bóng mây che / cho em bước qua những vòng bóng mát” (Mùa thu ở Huế - Lê Nghiêm Vũ); hay những mối tình mộng mơ, e ấp: “Sao em biết anh nhìn mà nghiêng nón / Chiều mùa thu mây che có nắng đâu / Nắng sẽ làm phai mái tóc xanh màu / Sẽ làm khô mái tóc em dịu ướt” (Nghiêng nón - Trần Quang Long). Có lẽ, bài Nghiêng nón như mối tình đầu của thơ Trần Quang Long trong trái tim độc giả, nhất là lứa tuổi học sinh, sinh viên.

Cuộc chiến chuyển sang bước ngoặt mới kể từ khi Mỹ đổ quân vào miền Nam, đánh phá miền Bắc (1965), thế cuộc đổi thay, xã hội biến động dữ dội. Cảm hứng đời tư mức này mức khác đều nhuốm màu sắc sử thi, tình lứa đôi nhập sâu vào tình đất nước; cái riêng nối kết cái chung, không lấn át cái chung: “Đời đẹp thế, đời chiều ta đến thế / Anh yêu đời càng tha thiết yêu em / Còn có gì tách được nỗi chung riêng” (Cảm ơn tình yêu và cuộc sống - Bằng Việt). Có thể nói, quan hệ giữa cặp hình tượng em - quê hương, em - đất nước trong thơ trẻ thời chống Mỹ là quan hệ hóa thân, hòa vào nhau, ở trong nhau: “Đất là nơi anh đến trường / Nước là nơi em tắm / Đất nước là nơi ta hò hẹn / Đất nước là nơi em đánh rơi chiếc khăn trong nỗi nhớ thầm” (Mặt đường khát vọng - Nguyễn Khoa Điềm).

Chiến tranh là mất mát hi sinh, đối lập với tình yêu hạnh phúc. Nhưng mặt khác cũng phải nhận thấy: bom đạn, chết chóc đã không hủy diệt được tình yêu lứa đôi. Sự hiện hữu của nó trong thơ trẻ thời chống Mỹ như đương nhiên, dẫu cái tôi đời tư ở đây đã không thuần khiết như trong cuộc đời thường. Nói như thế để khẳng định, thơ tình thời chiến tranh đã không thoát ra ngoài tinh thần sử thi, nhưng cũng không hoàn toàn tan biến vào sử thi, mất hết “dấu vết” đời tư trong sáng tạo nghệ thuật. Hơn nữa, xét ở góc độ phản ánh, cuộc kháng chiến chống Mỹ lớn lao đến mức, đã xen sâu vào mọi ngóc ngách riêng tư nhất của con người. Có điều, do cảm quan giữa các nhà thơ khác nhau nên sắc thái sử thi trong thơ đời tư cũng khác nhau. Với Xuân Quỳnh, dù có qua lửa đạn, tình yêu vẫn là tình yêu của sự hồn nhiên, trong trẻo đến ngỡ ngàng: “Anh trở về sau những tháng năm xa / Cây đã lớn lớn lòng ta nhiều đổi khác / Như đất nước vừa qua thời lửa đạn / Lại ngỡ ngàng chim nhỏ, tháng giêng xuân” (Những con đường tháng giêng). Với Bằng Việt, tình yêu là điểm gặp của lứa đôi ở những nơi “xung yếu”, đầy thử thách: “Chiều lạ quá, chiều ơi lay động mãi / Giá lại


phải băng qua trăm ngả đường phá hoại / Thì hẳn chỗ cuối cùng anh gặp - vẫn là em” (Những đoạn thơ tình giữa hai cuộc chiến tranh phá hoại). Với Hoàng Nhuận Cầm, Vũ Đình Văn, Nguyễn Trọng Định,… tình yêu là kỉ niệm đầu đời: “Nếu phải chia cho người yêu một nửa / Thì em ơi nhận lấy quãng đời đầu / Cái khoảng đầu vời vợi nhìn nhau…” (Nửa sau cuộc đời - Vũ Đình Văn); là đau đáu nhớ thương giữa hậu phương và tiền tuyến: “Chiều tạm ngưng bom đạn / Anh nhớ em lắm sao / Phía trước núi xanh cao / Phía sau là sông biếc / Anh yêu em tha thiết…” (Chiều - Nguyễn Trọng Định).

Đặc biệt là những mối tình đươm hoa nơi chiến trận, lứa đôi có mặt trên chiến hào. Đặt vào bối cảnh sử thi, cái tôi riêng tư của họ lại càng ngời lên vẻ đẹp của sự trẻ trung, kín đáo: “Chưa một lần Trà nói yêu tôi / Tôi yêu Trà với tình yêu nén lại / Khốc liệt chiến trường, thương nhau thầm kín…” (Trà - Hoàng Cát). Chiến tranh và tình yêu, thơ trẻ thời chống Mỹ không chọn một trong hai mà là sự nối kết, cái này không tiêu hủy cái kia. Ấy là nét độc đáo của cái tôi riêng tư trong thơ tình thời chống Mỹ: “Đánh giặc xong rồi, em cứ lo lo /.../ Anh có giận em không đấy” (Sau trận đánh - Phan Thị Thanh Nhàn). Chẳng những thế, họ còn “tiếp lửa” cho nhau, luôn hướng về nhau: “Rợp trời thương / Màu xanh suốt / Em nghiêng hết / Về phương anh” (Sợi nhớ sợi thương - Thúy Bắc). Kì thực, đó cũng là sự hi sinh mà người đời sau cần cảm thông, tôn kính hơn là để ngợi ca, tự hào. Bởi không ai muốn xảy ra chiến tranh để tình yêu phải “sống chung” bom đạn. Nói chính xác, đó là hiện tượng đột xuất, bất khả kháng: “Đám cưới vừa xong, mùa xuân lại đến / Chưa kịp trao hoa đã trao súng cho nàng” (Qua cầu tre nghiêng nghiêng - Hoài Vũ).

Không chỉ thơ trẻ miền Bắc hay thơ trẻ miền Nam vùng giải phóng mà thơ trẻ yêu nước tiến bộ vùng đô thị cũng phải “tự điều chỉnh” trước diễn biến khốc liệt của chiến tranh: “Làm sao tôi còn bình yên để làm thơ cho em / Để em khoe với bạn bè, để em ấp nghiêng lên má” (Ám ảnh - Trần Quang Long). Nghĩa là cái thời Nghiêng nón dần lui, thay vào đó là cái tôi đời tư va đập với thời cuộc, nước mắt nhiều hơn nụ cười. Nhà thơ Hữu Đạo thấm thía trước tình cảnh ngang trái ấy: “Em ơi, hai đứa rất yêu nhau / Mà hạnh phúc sao chỉ là đuổi bắt / Cuộc sống nơi đây, tình yêu chân thật / Sao chưa đầy một giấc mơ” (Đông xuân). Đến Ngô Kha, cái tôi đời tư là thế giới ám thị,


hòa trộn giữa vô thức, tiềm thức và ý thức, song hành với trái tim dạt dào tình nhân ái: “Người say rượu lẩm nhẩm một mình / Mùa hè có tuyết đen tuyệt đẹp / Tôi vụt chạy bỏ linh hồn ở đó / Không có đứa con gái, đứa con trai, người say rượu / Chỉ có quả gấc hồng hào rực ánh lửa chiến tranh” (Ngụ ngôn của người đãng trí).

Thời nào cũng vậy, tình yêu luôn đi liền với trăn trở, băn khoăn. Có cái trăn trở, băn khoăn là do chính nó (tình yêu là quý nhất, thiêng liêng nhất; cái gửi trao, cho và nhận bao giờ cũng thế). Xuân Quỳnh tỏ ra nhạy cảm ở trạng thái này: “Sóng bắt đầu từ gió / Gió bắt đầu từ đâu / Em cũng không biết nữa / Khi nào ta yêu nhau?” (Sóng). Nhưng cũng có cái trăn trở băn khoăn là do tác động của bối cảnh chiến tranh. Đó là sự trở lại của cái tôi đời tư hướng nội, xuất hiện vào những năm cuối cuộc chiến

- khi khí thế háo hức ra trận dần dần lắng xuống, tinh thần “Xa anh em buồn nhưng không khóc” (Hoàng Thị Minh Khanh) đến lúc phải khác. Thêm vào đó là những diễn ngôn đời tư trăn trở, phân tâm. Ấy là khi Thanh Thảo viết: “hạnh phúc nào cho tôi / hạnh phúc nào cho anh / hạnh phúc nào cho chúng ta / hạnh phúc nào cho đất nước?” (Thử nói về hạnh phúc); Dương Hương Ly tự vấn: “Hạnh phúc là gì ? / Bao lần ta lúng túng / Hỏi nhau hoài mà nghĩ mãi chưa ra” (Bài thơ về hạnh phúc). Những lời thoại hàm nghĩa nhận thức về sự hài hòa giữa chung và riêng, giữa số phận đất nước và thân phận cá nhân. Đất nước chiến tranh, câu hỏi hạnh phúc thật không dễ trả lời,“chưa bao giờ nguôi được”; “nghĩ mãi chưa ra”.

Tập trung nhiều nhất vẫn ở thơ Lưu Quang Vũ, tình yêu đắm đuối, trong trẻo thuở ban đầu nhường chỗ cho những đắng cay, dằn vặt. Thơ Lưu Quang Vũ chạm đến tận cùng tâm trạng xót xa, hẫng hụt: “Em đừng thương anh nữa / Anh đi lủi thủi trên đường / Đánh mất lòng tin / Tìm về bếp lửa / Xem trẻ mục đồng / Múa trong tượng gỗ

/ Tôi còn gì mà đau khổ nữa em” (Không đề III). Nỗi buồn trong thơ Lưu Quang Vũ thoát ra từ tâm trạng cá nhân. Nhưng, nói như Vũ Quần Phương, ý nghĩa của nó còn lớn lao hơn nhiều: “Điều anh tin không có được trên đời / Điều anh có không giúp gì ai được / Gương mặt em chỉ còn là kỉ niệm / Mối tình xưa anh cũng đã quen rồi” (Có những lúc). Cái tôi đời tư trong thơ Lưu Quang Vũ trĩu nặng cảm thức cô đơn, nỗi buồn thấm thía; có thể nói, đó là “bản năng thi sĩ” ở nơi ông va đập với cuộc đời, với ngoại cảnh đắng cay, bật lên thành nghệ thuật.


Tình lứa đôi có thể coi là “điểm nhấn” của cái tôi đời tư. Nhưng không chỉ có vậy, bên cạnh nó còn là tình gia đình, tình bè bạn,... Khi nhà thơ viết về người thân trong gia đình, hầu hết đều xuất phát từ cảm hứng đời tư, chứa chan những lời yêu thương, chia sẻ: “Anh không ngủ được ư anh / Để em mở quạt quấn mành lên cho” (Hát ru chồng những đêm khó ngủ - Xuân Quỳnh). Và cảm hứng đời tư còn là sự ý thức của cái tôi chủ thể. Lâm Thị Mỹ Dạ tự tin, tự khẳng định mình: “Khi em sống ngang tàng cao thượng / Em thấy mình như trời xanh” (Không đề 2); Xuân Quỳnh mạnh bạo đề cao vị thế người phụ nữ: “Dẫu là nguyên thủ quốc gia hay là những anh hùng / Là bác học… hay là gì đi nữa / Vẫn là con của một người phụ nữ / Một người đàn bà, không ai biết tuổi tên” (Thơ vui phái yếu). Đó là thông điệp bình đẳng giới cất lên trong năm tháng chiến tranh ác liệt. Thiết nghĩ, nếu không là sáng tác của nữ nhà thơ trẻ thời ấy, hẳn rằng chẳng ai viết thay cho họ.

Tuy là phụ lưu nhưng cảm hứng đời tư lại có tác dụng gia tăng chất trữ tình cho thơ trẻ thời chống Mỹ; góp phần làm “lục hóa từng bước chân Trường Sơn của họ” [79, tr.108].

Cảm hứng thế sự

Nói đến cảm hứng thế sự là nói đến cảm hứng về thân phận con người trước “những điều trông thấy”. Cảm hứng thế sự thường hướng tới sinh hoạt hàng ngày của con người; chú ý khẳng định giá trị thẩm mỹ trong cõi nhân sinh, khám phá mọi phức tạp, éo le của con người trên hành trình đi tìm tự do, công lí. Sách Từ điển tiếng Việt giải nghĩa “thế sự” là “Việc đời. Ví dụ: Bàn chuyện thế sự” [194, tr.966]. Trong nghiên cứu, những khái niệm như “cảm hứng thế sự” “thơ thế sự”,… đang có những cách hiểu khác nhau. Theo Trần Đình Sử “Dẫu sao thơ thế sự không nên chỉ đóng khung trong đả kích, châm biếm, trào phúng” [145]. Từ cách hiểu theo hướng mở rộng như vậy, nhà nghiên cứu Trần Đình Sử cho rằng, trong sáng tác của Tố Hữu có mảng thơ thế sự [145].

Thơ trẻ thời chống Mỹ có hay không có cảm hứng thế sự ? Về nguyên tắc, văn học hiện thực xã hội chủ nghĩa không cấm đoán “nhiệt tình phê phán” (chủ yếu phê phán những vấn đề thế sự). Tuy nhiên, trong thực tế, ranh giới giữa “phê phán”, “phản biện” với “phản động”, “chống đối” là rất mong manh. Có thể nói, sau vụ “Nhân văn

Xem tất cả 229 trang.

Ngày đăng: 16/01/2023
Trang chủ Tài liệu miễn phí