Thơ Lẩu của người Tày ở Hà Vị, Bạch Thông, Bắc Kạn - 15


KẾT LUẬN


1. Thơ lẩulà loại dân ca nghi lễ - phong tục. Bởi vậy, chức năng chủ yếu của nó là thực hành các sinh hoạt nghi lễ đám cưới. Qua hệ thống các bài Thơ lẩu, ta thấy cả một xã hội người Tày cách chúng ta hàng mấy trăm năm như sống lại, nhất là những phong tục, nghi lễ cưới xin đã được miêu tả chân thực, tỉ mỉ. Đây là những tư liệu quý báu cho các nhà nghiên cứu muốn tìm hiểu về chế độ hôn nhân cũng như những tục lệ, tín ngưỡng dân gian Tày. Song xét đến cùng, Thơ lẩu là một thể dân ca đẹp. Giống như các thể dân ca khác của dân tộc Tày, những khúc hát Thơ lẩu được sáng tác và lưu truyền theo phương thức truyền miệng và được nhuận sắc bởi tập thể. Ra đời nhằm đáp ứng nhu cầu trao đổi tâm tư tình cảm của con người lại diễn xướng theo nghi lễ truyền thống nên Thơ lẩu có giá trị tư tưởng thẩm mỹ cao. Như thế, Thơ lẩu vừa có tính chất sinh hoạt văn nghệ quần chúng lại vừa có tính chất sinh hoạt phong tục nghi lễ cưới xin của người Tày – một sự kết hợp đạt đến độ nhuần nhuyễn, uyển chuyển đã gắn bó một cách tự nhiên với sinh hoạt gia đình và xã hội vốn đã rất phong phú, hồn nhiên của đồng bào. Dù tiếp cận từ góc độ văn học dân gian song, chúng tôi không thể không quan tâm đến tính phức hợp, đa dạng của một loại hình sinh hoạt văn hóa dân gian (Folklore).

2. Về mặt nội dung, Thơ lẩu tuy bị giới hạn trong phạm vi của cuộc hôn lễ gia đình, nhưng nội dung phản ánh của nó rất đa dạng, phong phú. Không chỉ thay cho lời mời chào xã giao lịch thiệp trang nhã, thể hiện cách ứng xử tinh tế, khéo léo, đúng đạo lí, trọng tình nghĩa của con người trong đời sống cũng như trong cưới xin, mà còn phản ánh hiện thực xã hội đương thời, phản ánh đời sống sinh hoạt; những phong tục tập quán cưới xin và quan điểm đạo đức tốt đẹp của người dân lao động. Đó còn là cái nhìn đầy tính nhân văn trong mỗi bài Thơ Lẩu về vũ trụ, cuộc đời, cũng như đời sống tâm tư tình cảm


của con người. Nó trở thành kho báu trí tuệ và tâm hồn của người Tày. Tuy nhiên, cũng cần phải thừa nhận rằng Thơ lẩu Hà Vị nói riêng được ra đời trong khuôn khổ xã hội phong kiến, tất nhiên không tránh khỏi những ảnh hưởng của tư tưởng, nếp sống cũ nên đôi khi còn có những hạn chế nhất định về nội dung. Chẳng hạn như hôn nhân còn mang nặng thủ tục gả bán, những ước mơ của họ đối với con cái đều lấy cuộc sống của vua chúa làm chuẩn mực, nhiều thủ tục mang màu sắc duy tâm, chủ quan.

Mặc dù vậy, Thơ lẩu trên hết vẫn là một thể dân ca đẹp trong kho tàng văn học nghệ thuật dân gian miền núi. Với nội dung toát lên tư tưởng tiến bộ, chất nhân văn, tính giáo dục sâu sắc, các bài Thơ lẩu Hà Vị đã làm giàu có thêm kho tàng văn hóa văn học dân gian các dân tộc tỉnh Bắc Kạn nói riêng, cũng như văn hóa văn học dân gian cả nước nói chung.

3. Bên cạnh giá trị nội dung, các bài hát Thơ lẩu còn có giá trị nghệ thuật đặc sắc, mang đậm tính chất dân tộc miền núi độc đáo. Đó là việc sử dụng kết hợp nhiều thể thơ, cách hiệp vần, phân bổ số tiếng, cũng như số lượng câu thơ trong mỗi bài. Các bài Thơ lẩu hầu như không bị gò ép bởi quy định chặt chẽ nào. Điều đó đã tạo điều kiện để nhân vật trữ tình diễn tả hồn nhiên những cung bậc, sắc thái tình cảm của mình. Sự kết hợp sử dụng các yếu tố ngôn ngữ của các dân tộc anh em với những điển tích, điển cố thể hiện lối tư duy mộc mạc của người Tày, tạo ra sắc thái trang trọng, uyên thâm lại vừa gần gũi, cụ thể cho lời thơ. Đặc biệt là, lối nói so sánh ví von giàu tính hình tượng của đồng bào đã tạo nên hệ thống những hình ảnh giản dị. mộc mạc mang màu sắc miền núi độc đáo. Họ đã thổi vào đó tâm hồn, tính cách của mình, khiến cho thiên nhiên vạn vật đều mang bóng dáng, hơi thở của con người miền núi. Và chính yếu tố không gian, thời gian nghệ thuật đặc thù của Thơ lẩu giúp ta có cái nhìn khái quát về giá trị dân ca nghi lễ đám cưới của


Có thể bạn quan tâm!

Xem toàn bộ 165 trang tài liệu này.

người Tày. Tất cả những đặc điểm cả phương diện nội dung cũng như nghệ thuật ngôn từ đều bị nó chi phối và quy ước. Nghiên cứu các yếu tố thuộc phương diện nghệ thuật được thể hiện trong lời hát Thơ lẩu Hà Vị giúp ta nhận biết, khám phá được những cái hay cái đẹp, độc đáo của loại hình thơ ca này – “những viên ngọc đã vùi sâu trong lớp bụi thời gian cách ta hàng mấy trăm năm nay được phát hiện trau chuốt lại càng lấp lánh sáng ngời, đáng được chúng ta trân trọng” [5].

4. Trong suốt chiều dài lịch sử, Thơ lẩu của người Tày ở Hà Vị vẫn tồn tại như những mạch nguồn văn hóa, nuôi dưỡng và nâng đỡ tâm hồn mỗi con người Hà Vị. Những khúc hát mà chúng tôi đã sưu tầm được từ nơi đây, là minh chứng sinh động cho điều ấy. Tuy nhiên, trong nhịp sống hiện đại, cũng như các thể loại dân ca của các dân tộc khác, Thơ lẩu của người Tày đang có nguy cơ bị mai một. Những bài thơ được sưu tầm ở đây chủ yếu là từ những người lớn tuổi – những con người được nuôi dưỡng trong cái nôi văn hóa Tày cổ, được đắm mình trong không gian đặc trưng của lễ cưới với những cuộc hát, còn thế hệ trẻ, nhất là từ sau thập niên 80 thì hầu như không thuộc, không biết đến Thơ Lẩu. Nguyên nhân chính không phải bởi làn điệu không hay, không hấp dẫn, khó thuộc..mà là bởi nghi lễ đám cưới cổ truyền không mấy ai tổ chức nữa nên Thơ lẩu cũng theo nếp nhăn trên trán của những nghệ nhân cao tuổi mà lùi sâu vào dĩ vãng. Nó có thể là một hiện tượng “nhất khứ bất phục phản” (một đi không trở lại). Việc bảo tồn, phát huy để góp phần xây dựng một nền văn hóa Việt Nam “Tiên tiến đậm đà bản sắc dân tộc” là vấn đề vô cùng quan trọng và cần thiết. Từ góc độ nghiên cứu bước đầu, chúng tôi xin mạnh dạn đưa ra một số giải pháp nhằm góp phần bảo tồn Thơ lẩu như sau:

Thơ Lẩu của người Tày ở Hà Vị, Bạch Thông, Bắc Kạn - 15

Thứ nhất, tiếp tục sưu tầm, lưu trữ những tư liệu thành văn, tư liệu truyền khẩu và đời sống văn hóa vật chất, văn hóa tinh thần của đồng bào Tày nơi đây.


Thứ hai, đẩy mạnh hoạt động câu lạc bộ, đội văn nghệ xung kích trong xã, xây dựng những điển hình. Khích lệ, động viên những người am hiểu, hát giỏi truyền dạy cho tầng lớp thanh thiếu niên; đội văn nghệ thường xuyên luyện tập để tổ chức cuộc hát tại gia đình, làng bản vào những dịp lễ hội, hoặc tham gia các hội thi các cấp.

Thứ ba, sự vào cuộc của các ban ngành đoàn thể liên quan, đặc biệt là cơ quan báo chí và đoàn nghệ thuật dân tộc là hết sức quan trọng. Chính những sưu tầm để bảo tồn và giới thiệu tới rộng rãi quần chúng nhân dân trong tỉnh cũng như các dân tộc anh em trên mọi miền Tổ Quốc sẽ góp phần làm sáng ngời trở lại những viên ngọc quý của dân tộc.

Thơ lẩu nằm trong tổng thể văn hóa dân gian (Folklore) của dân tộc Tày. Ở đó chứa đựng giá trị nhiều mặt cần tiếp tục được gìn giữ, khám phá làm phát lộ, tỏa sáng vẻ đẹp của nó trong dòng chảy của thời gian ở những chuyên luận sâu rộng hơn.


TÀI LIỆU THAM KHẢO

1. Triều Ân - Hoàng Quyết (1995), Tục cưới xin người Tày, Hội Văn hóa dân tộc, H.

2. Ngọc Hải Anh (2009), Hát quan làng ở Phương Viên, Chợ Đồn, Bắc Kạn – tiếp cận từ góc độ văn học dân gian, Công trình dự thi giải thưởng “Sinh viên nghiên cứu khoa học toàn quốc”.

3. Vi Quốc Bảo (1971), “Dân ca đám cưới Tày Nùng”, Tạp chí Văn hóa nghệ thuật, số 3, H.

4. Đỗ Thúy Bình (1994), Hôn nhân và gia đình các dân tộc Tày, Nùng và Thái ở Việt Nam, Nxb Khoa học xã hội, H.

5. Nông Minh Châu (1973), Dân ca đám cưới Tày - Nùng, Nxb Việt Bắc

6. Đoàn Văn Chúc (1997),Văn hóa học, Viện Văn hóa, Nxb VHTT, H.

7. Nguyễn Văn Dân (2004), Phương pháp luận nghiên cứu văn học, Nxb Khoa học xã hội, H.

8. Nguyễn Thị Diên, (2007) Tìm hiểu những đặc điểm ngôn ngữ trong hát đám cưới của người Tày (Lạng Sơn), Đề tài nghiên cứu khoa học, ĐH Sư phạm Thái Nguyên.

9. Nguyễn Thị Ngọc Điệp (2006), Biểu tượng nghệ thuật trong ca dao truyền thống người Việt, Công trình nghiên cứu được giải ba A của Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam.

10. Nguyễn Thị Ngân Hoa (2006), "Tìm hiểu những nhân tố tác động tới quá trình biến đổi ý nghĩa của biểu tượng trong ngôn ngữ nghệ thuật", Tạp chí Ngôn ngữ, số 10, H.

11. Vi Hồng (1976), “Vài suy nghĩ về hát Quan Lang, Phong Slư, Lượn”, Tạp chí văn học, Số 3, H.

12. Vi Hồng (1979), Sli Lượn Dân ca trữ tình Tày - Nùng, Nxb Văn hoá, H.

13. Vi Hồng (2001), Thì thầm dân ca nghi lễ, Nxb Văn hóa dân tộc, H.


14. Nguyễn Thị Huế (1978), "Qua việc tìm hiểu diễn xướng một số dân ca vùng trung châu Bắc bộ", Tạp chí Văn hóa, số 01, H.

15. Nguyễn Thị Huế (2006),“Vấn đề nghiên cứu văn học dân gian những năm gần đây”, Tạp chí Nghiên cứu Văn học, số 01, H.

16. Lê Thương Huyền (2010), Tài liệu sưu tầm Thơ lẩu, chưa xuất bản.

17. Nguyễn Xuân Kính (1992), Thi pháp ca dao, Nxb Đại học quốc gia, H.

18. Đinh Gia Khánh (1997), Văn học dân gian Việt Nam, Nxb Giáo dục, H.

19. Lộc Bích Kiệm, Đón dâu bằng thơ – nét đẹp trong văn hóa Tày, nguồn văn hóa nghệ thuật.www.vanhoanghethuat.org.vn.

20. Hoàng Ngọc La (VCD 03 tập), Lễ cưới cổ truyền của người Tày huyện Pác Nặm, tỉnh Bắc Kạn, Trung tâm trao đổi giáo dục với Việt Nam, Quỹ hỗ trợ, bảo tồn nghệ thuật văn học dân gian huyện ủy, Phòng văn hóa thông tin huyện Pác Nặm, Bắc Kạn.

21. Lã Văn Lô - Hà Văn Thư (1984), Văn hóa Tày Nùng, Nxb Văn hóa, H.

22. Đàm Thùy Linh, (năm 2009), Luận văn thạc sĩ, “Hát quan lang của người Tày ở Thạch An, Cao Bằng tiếp cận dưới góc độ văn học dân gian”.

23. Lịch sử Đảng bộ huyện Bạch Thông toàn tập (tập 1, tập 2).

24. Đinh Trọng Lạc (1999), 99 phương tiện và biện pháp tu từ tiếng Việt, Nxb Giáo dục, H.

25. Đặng Văn Lung (1973), "Về các hình thức sinh hoạt dân ca", Tạp chí Văn hóa, số 5, H.

26. Đặng Văn Lung (1977), "Ý nghĩa của việc nghiên cứu diễn xướng dân gian", Tạp chí Văn hóa, Số 6, H.

27. Niên giám thống kê tỉnh Bắc Kạn (2009), Nxb Thống Kê, H.

28. Hoàng Kim Ngọc (2004), So sánh và Ẩn dụ trong ca dao trữ tình của người Việt, Viện Ngôn ngữ học, Hà Nội.

29. Triệu Đức Ngự (1996), Thơ lẩu, Hội văn học nghệ thuật Bắc Thái.


30. Bùi Mạnh Nhị (1998), "Thời gian nghệ thuật trong ca dao dân ca trữ tình", Tạp chí Văn hóa, số 04.

31. Nhiều tác giả (1974), Từ điển Tày - Nùng - Việt, Nxb Khoa học xã hội.

32. Nhiều tác giả (1974), Bước đầu tìm hiểu vốn văn nghệ Việt Bắc, Sở Văn hóa thông tin Việt Bắc, H.

33. Nhiều tác giả (1996), Văn hóa truyền thống Tày Nùng, Nxb Văn hóa dân tộc, H.

34. Nhiều tác giả (2004), Bản sắc và truyền thống văn hóa các dân tộc tỉnh Bắc Kạn, Nxb Văn hóa dân tộc, H.

35. Nhiều tác giả, (2000), Sưu tầm nghiên cứu văn hóa, văn nghệ dân gian, Nxb Văn hóa dân tộc, H.

36. Nông Văn Nhủng, (2000), Tiếng ca người Bắc Kạn, Nxb Hội Văn học nghệ thuật tỉnh Bắc Kạn.

37. Trần Đức Ngôn (1990), "Một số vấn đề lý luận chung quanh việc nghiên cứu văn bản văn học Dân gian”, Tạp chí Văn hóa Dân gian, số 3, H.

38. Lê Trường Phát (2000), Thi pháp văn học dân gian, Nxb Giáo dục, H

39. Hoàng Phê (chủ biên): Từ điển Tiếng Việt, Nxb Đà Nẵng, Trung tâm từ điển học, Hà Nội – Đà Nẵng.

40. Nguyễn Hằng Phương, “Diễn xướng ca dao theo dòng thời gian’, Tạp chí, Văn học số 6, H..

41. Nguyễn Hằng Phương (2009), Sự chuyển đổi thi pháp từ ca dao cổ truyền đến ca dao hiện đại, Nxb Khoa học xã hội, H.

42. Trần Đình Sử (1998), Dẫn luận Thi pháp học, Nxb Giáo dục, H.

43. Trần Đình Sử, Lê Bán Hán, Nguyễn Khắc Phi (1998), Từ điển thuật ngữ văn học, Nxb Giáo dục, H.

44. Sở văn hóa thông tin Bắc Kạn (2005), Báo cáo khoa học tổng kết

“ Dự án tổng điều tra di sản văn hoá phi vật thể các dân tộc thuộc ngữ hệ Tày – thái”, Sở Văn hóa thông tin Bắc Kạn.


45. Đặng Hoài Thu,“Khái niệm trò diễn và phân loại”, nguồn văn hóa nghệ thuật. www.vanhoanghethuat.org.vn.

46. Nguyễn Hữu Thu (1977), Diễn xướng dân gian và nghệ thuật sân khấu in trong Kỷ yếu Hội nghị khoa học chuyên đề: Mối quan hệ giữa diễn xướng dân gian và nghệ thuật sân khấu, Viện Nghệ thuật - Bộ Văn hóa, H.

47. Ngô Đức Thịnh (chủ biên, 2001), Tín ngưỡng và văn hóa tín ngưỡng ở Việt Nam, Nxb Khoa học xã hội,.

48. Trần Ngọc Thêm (2004), Tìm hiểu về bản sắc văn hóa Việt Nam, (in lần thứ 4), Nxb Tổng hợp TP. Hồ Chí Minh.

49. Trần Hoàng Tiến, Diễn xướng dân ca – phương thức trao truyền dân gian trong bối cảnh hiện này, Nội san nghiên cứu lý luận, trường Sư phạm Nghệ thuật Trung ương.

50. Hoàng Tuấn (2000), Âm nhạc Tày, Nxb Âm nhạc, H.

51. Hà Anh Tuấn (2008), Văn hóa tâm linh của người Tày qua lời hát then,

Luận văn thạc sĩ, ĐHSP Thái Nguyên.

52. Nguyễn Thiện Tứ (2008), Thơ quan lang, Nxb Văn hóa dân tộc, H.

53. Hoàng Tiến Tựu (1997), “Góp phần xác định khái niệm Diễn xướng dân gian và tìm hiểu những yếu tố có tính chất kích thích trong dân ca”, Thông báo hội nghị khoa học, Chuyên đề “Mối quan hệ giữ diễn xướng dân gian và nghệ thuật sân khấu”, Viện Nghệ thuật – Bộ văn hóa, H.

54. Hoàng Tiến Tựu (2007), Mấy vấn đề phương pháp giảng dạy - nghiên cứu văn học dân gian, (tái bản lần 2), Nxb Giáo dục, H.

55. Đỗ Bình Trị, Những đặc điểm thi pháp của các thể loại Văn học dân gian, Nxb Giáo dục, H.

56. Hoàng Quyết, Ma Khánh Bằng (1993), Văn hóa truyền thống Tày – Nùng, Nxb Văn học dân tộc, H.

57. Văn kiện đại hội Đảng bộ xã Hà Vị lần thứ X, nhiệm kì 2010 – 2015.

Xem tất cả 165 trang.

Ngày đăng: 20/10/2023
Trang chủ Tài liệu miễn phí