Hệ Thống Văn Thể Của Văn Tế Trong Văn Học Trung Đại Việt Nam


hiện. Cùng với Pháp, chúng là kẻ thù không đội trời chung của nhân dân ta. Bất kể khi nào có cơ hội, người dân đều thẳng tay tiêu diệt chúng. Tên Nguyễn Duy Hàn bị dân ta quăng bom chết: “Nghi tạc đạn chi quăng vào, mình mua lấy chết; Tức thành môn chi phục xuống, người hoá ra ma.” (Bài điếu tên chó săn Nguyễn Duy Hàn(1) [21; 122]). Tên Đề Sự trong một lần đi càn thì bị: “(…) Dân lùa tháo chạy. Như con chó dại, kinh thậm là kinh. Đến nỗi mật xanh, vỡ ra mà chết.” (Văn tế Đề Sự [79, T21; 1167])

Buồn cười nhất là tế phẩm người dân “cúng” cho tên Đề Sự: “Bữa nay lũ tôi, xin tế quan ngài: Nước đái một be, phân người một đĩa. Mọi thứ tinh nguyên, quan có khôn thiêng, mau lên ăn uống.” Chẳng phải đó chính là tế phẩm thích hợp nhất cho khẩu vị của một thằng Việt gian chuyên “rửa đít Tây”!

Giết được chúng, người dân rất vui mừng. Tội ác chúng phải đền, đó là lẽ đương nhiên. Đúng là “trời rành có mắt”, gieo nhân nào gặp quả ấy: “Cướp của giết người, kẻ cắp tất bà già chi gặp; Mũi tên hòn đạn, thiên oai duy bạc mệnh chi tìm.” Đây cũng chính là lời cảnh tỉnh, răn đe nghiêm khắc dành cho những tên tay sai may mắn chưa bị giết.

Trải qua các thời kỳ, nội dung tư tưởng của văn tế phát triển ngày càng phong phú, theo tầng bậc ngày càng cao hơn. Về nội dung, càng về sau càng mang yếu tố chính trị xã hội rò nét, chuyển tải sâu sắc những tư tưởng, quan niệm và cái nhìn của người viết đối với các vấn đề xã hội, nhân sinh. Về phương thức phản ánh, tính chất trữ tình mang yếu tố cá nhân như ở các thời kỳ trước tuy vẫn tồn tại nhưng đã dần nhường bước cho tính chất trào phúng, đả kích mang nhiều yếu tố dân gian.

٭٭٭

TIỂU KẾT

Nội dung của văn tế trong văn học trung đại Việt Nam rất phong phú. Xét về phương diện luân lý đạo đức, văn tế đề cập rất nhiều phẩm cách đạo đức của con người, các giềng mối trong gia đình và ngoài xã hội. Xét về phương diện quốc gia dân tộc, văn tế nêu cao tinh thần yêu nước, tinh thần tôn quân, tinh thần vì nhân dân và chính nghĩa. Nội dung thứ ba là tiếp nối và song hành cùng tinh thần nhân đạo, văn tế thể hiện tình yêu thương rộng lớn đến tất cả mọi người, không phân biệt giai tầng xã hội, người đồng bào



Có thể bạn quan tâm!

Xem toàn bộ 335 trang tài liệu này.

1 Bài này đặt tên là “điếu” nhưng trong bài có dùng những từ “phục dĩ”, “cung duy” nên chúng tôi xem thuộc dạng văn tế.


Thể loại văn tế trong văn học trung đại Việt Nam - 17

hay người ngoại quốc, ngay cả các vong hồn u uất cũng là đối tượng của thể loại văn tế trong văn học trung đại Việt Nam. Những nội dung trên có vai trò góp phần giữ gìn, phát huy truyền thống của dân tộc, đó là truyền thống tốt đẹp về đạo làm người, cách đối nhân xử thế, tinh thần yêu nước chống ngoại xâm… Từ đó hướng con người đến một cuộc sống “chân thiện mỹ” như những gì văn tế nói về nhân vật của mình.

Ngoài ra, văn tế còn có mảng nội dung đặc biệt là trào phúng. Đối tượng của nó chủ yếu là những hiện tượng suy đồi của con người và xã hội như thói đời đen bạc, sự xuống cấp của luân lý đạo đức, tệ cường hào ác bá và thói đục khoét dân lành, tệ nạn xã hội, thói bảo thủ và quan niệm cổ hủ. Ở mảng nội dung này, văn tế góp phần vào quá trình đấu tranh chống giặc bằng một số tác phẩm trào phúng đả kích giặc Pháp cùng bọn tay sai với tiếng cười vô cùng thấm thía. Nội dung này không chỉ là tiếng cười mua vui mà phần nào giúp con người nhận ra thói hư tật xấu để sửa chữa; hơn nữa, thể hiện tư tưởng lớn lao hơn, mang tầm vóc thời đại là sửa đổi, xoá bỏ những thứ xấu xa, lạc hậu để xây dựng một xã hội văn minh, đất nước giàu mạnh, hoà bình, đưa dân tộc tiến lên cùng thời đại, cùng thế giới.


CHƯƠNG 3

HÌNH THỨC NGHỆ THUẬT CỦA THỂ LOẠI VĂN TẾ TRONG VĂN HỌC TRUNG ĐẠI VIỆT NAM


3.1. HỆ THỐNG VĂN THỂ CỦA VĂN TẾ TRONG VĂN HỌC TRUNG ĐẠI VIỆT NAM

3.1.1. Phú

Phú vốn là một thể loại văn học phổ biến trong văn học cổ điển Trung Quốc và Việt Nam, thường được vận dụng làm một thể văn để viết văn tế.

Về nguồn gốc, phú là một dòng của thơ cổ phong [175; 1839]. Phú có nghĩa là

phô bày, bày tỏ, vì thế thể văn này được dùng tả cảnh, kể việc và bộc lộ tình cảm, chí hướng. Phú chú trọng miêu tả tỉ mỉ, ngôn từ hoa lệ, không hạn cuộc số câu và độ dài ngắn của câu. Trong Văn tâm điêu long - “Thuyên phú”, Lưu Hiệp nói: “Phú là phô bày. Phô văn chương, bày vẻ đẹp, thể hội sự vật mà miêu tả chí, tình.” [56; 112] NĐT). Lời Lưu Hiệp đề cập hai phương diện hình thức và nội dung của phú. Hình thức là phô trương văn vẻ, nội dung là tả vật nói chí. Qua đó thấy rằng vai trò của phú là “thể hội sự vật”, đồng thời dựa vào thể hội sự vật mà bày tỏ chí hướng, tình cảm.

Ở Trung Quốc, tác phẩm viết theo thể phú ra đời từ rất sớm qua Thi kinh, Sở từ… nhưng chưa được gọi tên cụ thể. Khái niệm “phú” xuất hiện đầu tiên vào thời Chiến Quốc với Phú thiên của Tuân Huống. Cùng với Tuân Huống, Tống Ngọc cũng là tác giả nổi tiếng thời kỳ này, đều được xem là người khai sinh thể phú. Đến đời Hán, phú đạt đến bước phát triển cao, thể thức được xác định. Từ đó về sau, thể văn này diễn biến thành nhiều kiểu khác nhau tuỳ vào nhu cầu thực tế, trở thành một trong những thể văn thông dụng và quan trọng nhất ở Trung Quốc thời xưa.

Phú du nhập vào nước ta từ thời Bắc thuộc, được dùng phổ biến muộn nhất từ đời Đường (Trung Quốc). Nhận định này căn cứ vào việc Đường Huyền Tông năm Thiên Bảo thứ 13 (754) hạ chỉ cho phép kẻ sĩ nước ta vào Trung Nguyên ứng thí [96; 63]. Đời


Đường phép thi dùng toàn thơ phú, sĩ tử đi thi không thể không thành thạo hai thể văn này. Điều này đưa đến nhận định phú đã phổ biến ở nước ta muộn nhất vào giữa thế kỷ VIII, thể thức cũng đã ổn định vì đã được dùng trong khoa cử.

Cách phân loại phú của các học giả Việt Nam không hoàn toàn giống nhau. Bùi Văn Nguyên chia hai loại: một loại chỉ cần vần không cần đối, không hạn cuộc số vần, gọi là phú cổ thể; một loại phải có cả vần và đối, gọi là phú cận thể. Phú cổ thể được viết bằng nhiều thể: tứ tự (câu 4 chữ), thất tự (câu 7 chữ), lưu thuỷ (kiểu văn xuôi có vần, còn gọi trường đoản cú), pha điệu Sở từ (đệm chữ hề). Phú cận thể còn gọi phú Đường luật, ra đời vào đời Đường, kết cấu chặt chẽ hơn, có hạn vận và tuân theo một số quy luật về đối ngẫu, thanh luật, bố cục. Có thể toàn bài gieo một vần (độc vận), mỗi đoạn gieo một vần, cũng có thể gieo nhiều vần nếu không muốn bị gò bó [85; 266-269].

Một số nhà nghiên cứu khác phân chia cụ thể hơn, trong đó Trần Thị Kim Anh có cách phân chia đầy đủ nhất. Theo đó, phú gồm bốn kiểu chính là cổ phú, bài phú, luật phú, văn phú: 1/ Cổ phú. Còn gọi Hán phú, ra đời vào thời Lưỡng Hán, chính là phú cổ thể theo cách gọi của Bùi Văn Nguyên, có 3 kiểu: 1. Kiểu viết theo kiểu đối đáp, chỗ văn vần chỗ văn xuôi gọi là cổ phú tản thể, thường có quy mô lớn nên còn gọi là đại phú tản thể; 2. Kiểu ra đời từ cổ phú mô phỏng cú thức của Sở từ gọi là phú tao thể; 3. Kiểu theo cổ thể nhưng viết ngắn gọi là tiểu phú; 2/ Biền phú. Còn gọi bài phú, ra đời từ thời Nguỵ Tấn. Biền phú thường không dài, hai câu kết hợp hài hoà thành một liên đối nhau rất chỉnh, âm tiết trầm bổng du dương. Biền phú thường viết theo thể tứ lục (câu 4 chữ và 6 chữ hợp thành); 3/ Luật phú. Tương ứng với phú cận thể theo cách gọi của Bùi Văn Nguyên, ra đời vào thời Tuỳ - Đường đáp ứng yêu cầu của chế độ khoa cử. Biền phú, luật phú cũng đều ra đời trên cơ sở cổ phú; 4/ Văn phú. Ra đời do các nhà cổ văn dùng bút pháp văn xuôi cải tạo lối phú truyền thống, có xu hướng tản văn hoá, hạn chế biền ngẫu và hạn vận, từ ngữ nhẹ nhàng hơn, ít sáo rỗng so với bài phú và luật phú [18; 42-46]. Về cổ phú, Trần Thị Kim Anh chỉ đưa ra loại mô phỏng Sở từ mà không nói đến Sở từ. Thật may mắn, Phạm Văn Ánh trong phần viết trước đó về thể phú, tuy phân loại không đầy đủ bằng, nhưng đã có cái nhìn công bằng hơn cho các phẩm của Khuất Nguyên và Tống Ngọc [58; 1426].


Dễ dàng nhận thấy biền phú và luật phú có thể cách nghiêm ngặt hơn cổ phú. Chúc Nghiêu đời Thanh khi so sánh hai kiểu phú này, cho rằng biền phú buộc nơi đối ngẫu, luật phú buộc ở hiệp âm; ông cũng cho rằng đời Đường chủ yếu dùng luật phú, ít dùng cổ phú [175; 1839]. Tương tự Trung Quốc, trong số các kiểu phú nói trên, luật phú thông dụng nhất ở nước ta, chiếm một số lượng lớn trong các bài phú hiện còn, vì là kiểu văn bắt buộc trong khoa cử. Tuy nhiên, cũng vì đáp ứng yêu cầu thi cử, luật phú không có nhiều bài xuất sắc.

Ở Việt Nam, thể phú ngoài được dùng để viết cho thể loại chính thống còn thường được dùng viết văn tế. Thực tế cho thấy, đa số văn tế, đặc biệt là văn tế Nôm, được viết theo thể phú. Nguyễn Bá Xuyến là một trong số tác giả viết nhiều văn tế Nôm theo thể phú nhất. Kiểu phú trong văn tế nhiều nhất là phú Đường luật, kế đến là biền phú, ngoài ra cũng có kiểu phú tản thể, phú lưu thuỷ nhưng số lượng không nhiều. Kiểu luật phú với phép đối nghiêm chỉnh, cách ngắt nhịp khắt khe làm cho câu văn toát lên vẻ quý phái, câu văn dài ngắn khác nhau tuỳ tác giả, tuỳ cảm xúc, có các kiểu câu tứ lục, cách cú, song quan, hạc tất làm cho bài văn đạt được vẻ uyển chuyển, mềm mại, không bị gò bó, vì thế được chuộng dùng trong văn tế.

Phú và thơ đều thể hiện tình cảm bằng vần điệu và tiết tấu. Song, khác với thơ biểu hiện tình cảm qua ý thơ cô đọng, phú thể hiện tình cảm qua cách tả nhiều, tả kỹ. Do đó, dùng thể phú viết văn tế không chỉ tạo nên sự tỉ mỉ trong miêu tả mà còn tạo được cấp bậc miêu tả do tiết tấu của thể văn này đem lại. Yếu tố thẩm mỹ từ sự cân đối về hình thức, nội dung của phú cũng giúp cho bài văn tế thêm phần sâu sắc trong việc thể hiện tư tưởng, tình cảm của tác giả. Chính sự đăng đối của thể phú không những tạo ra sự tiến triển liên tục của sự việc được miêu tả mà còn tô đậm nó trong bài văn tế.

Ở văn tế thể phú, hình tượng nghệ thuật mang tính tượng trưng cao độ. Mặc dù đây là đặc điểm phổ quát của văn học trung đại, song ở thể phú nó được thể hiện đậm nét hơn. Những thủ pháp miêu tả như đối xứng, liên tưởng… được vận dụng tối đa làm cho sự vật hiện tượng được miêu tả trở nên sống động, gợi lên mối liên tưởng cho người đọc về sự già nua, tàn héo của vạn vật, sự mong manh của kiếp người, đồng thời sắc thái biểu cảm cũng được thể hiện trọn vẹn. Nhờ đó, thể phú tạo nên sự đĩnh đạc, sang trọng trong cách


truyền đạt nội dung, thể hiện không khí trang nghiêm, lòng yêu thương, trân trọng của người tế đối với người đã khuất.

Đánh dấu cột mốc quan trọng đầu tiên cho văn tế theo kiểu phú Đường luật là Tế trận vong tướng sĩ văn của Tiền quân Nguyễn Văn Thành. Trước đó, luật phú độc vận đã được nhiều tác giả dùng viết văn tế chữ Hán, cũng có một số bài tiêu biểu như Bảng Trung hầu tế tâm hữu Thuần Trung hầu văn của Nguyễn Khoa Chiêm, Tế Vũ tướng công văn của Lê Quý Đôn…, nhưng đến Nguyễn Văn Thành lối phú mới đạt đến bước phát triển cao với kiểu phú độc vận. Tuy nhiên, Nguyễn Đình Chiểu, sau đó là Phan Bội Châu mới là những tác giả xuất sắc đưa thể phú lên đến đỉnh cao. Văn tế của hai tác giả này không chỉ vận dụng nhuần nhuyễn quy cách của luật phú mà còn dùng một lối ngôn từ tiếng Việt vừa cổ điển vừa hùng hồn, kết hợp với cái tâm, cái tình của chính tác giả, làm cho toàn bài văn hiện lên đẹp đẽ lung linh như những làn sóng dưới ánh trăng thu và hàm chứa giá trị nhân văn sâu sắc.

Bên cạnh luật phú độc vận, văn tế cũng sử dụng các kiểu khác của luật phú nói riêng và thể phú nói chung. Phan Thanh Giản là tác giả tiêu biểu góp phần vào hiện tượng này bằng bài Tế Phạm tiên sinh văn khá đặc sắc. Dẫn đoạn sau của bài văn tế:

Ô hô! Trần ai huyễn cảnh, hà hữu hà vô; Cùng thông nhất mộng, hà vinh hà khô. Duy: Phu tử chi sinh, ký hữu căn cước, đương bất dữ thảo nhưỡng câu hủ, nhi tư danh chi bất khả một, tưởng trường tại ư Phụng Thành chi bắc, Đông Hải chi ngu. Phu tử chi thử khứ dã, văn giả vô bất lưu thế, huống hồ mỗ tam thế chi sở tòng du. Phu tử cố hữu hối ư mỗ dã, mỗ hạt cảm hốt ư tư tu. Mỗ bất hạnh nhi bất xuất dã, nguyện tương tòng vi địa hạ chi du. Cẩu hạnh nhi đắc xuất dã, thệ đương hữu nhật nhi vân thù. Ô hô! Ngôn hữu cùng nhi tình bất khả chung, sư sinh chi tình hựu yên tri kỳ chung cực dã phù!” (Than ôi! Thế gian mộng huyễn, ai có ai không; Cùng thông một giấc, ai vinh ai hèn. Cuộc đời Phu tử có công huân đức độ lâu bền, không hủ nát như bùn đất cỏ cây, thanh danh ấy chẳng bao giờ mất, tưởng còn mãi ở bắc Phụng Thành, ở doành Đông Hải. Nghe tin Phu tử ra đi chuyến này, không ai kìm được nước mắt, huống chi mỗ đã có thời gian dài vui học theo Phu tử. Lời dạy của Phu tử, mỗ nào dám lãng quên dù trong phút chốc. Nếu mỗ không được ra giúp đời, nguyện sẽ cùng Phu tử dạo chơi âm cảnh; Nếu may mắn được ra giúp đời, thề


có một ngày đền đáp công ơn. Than ôi! Lời có hạn mà tình ý khôn vơi, nghĩa thầy trò biết đâu cùng tận!) ([14; 21b] NĐT)

Bài văn tế trên được viết theo kiểu cổ phú lưu thuỷ độc vận, chiếm đa số là câu văn xuôi, đôi chỗ ở phần đầu viết theo biền văn. Cách làm này khiến cho câu văn xuôi trở nên uyển chuyển hơn, giàu nhạc điệu hơn. Những câu biền văn được đan xen vào càng tô đậm tính thơ cho tác phẩm.

Về các kiểu phú, Bùi Văn Nguyên cho biết khi chia các loại thơ ca cổ, người ta căn cứ vào đối và vần chia thành bốn loại: hoặc có đối, hoặc có vần, hoặc có cả hai, hoặc không bắt buộc có đối hay có vần. Trong đó thể phú và văn tế “là thể bắt buộc phải có vần (vận văn), sau mới thêm phần có đối (biền văn)” [85; 263]. Theo Bùi Văn Nguyên, văn tế viết theo thể phú có thể không cần đối (trừ phú Đường luật) nhưng buộc phải có vần. Tuy nhiên, nhận định này chỉ đúng với phú cổ thể. Thực tế chúng tôi tìm được khá nhiều bài văn tế có đối nhưng không có vần, tức viết theo kiểu biền phú, như Văn tế chúng sinh (Nguyễn Bá Xuyến) [95, S117; 475], Văn tế Bùi hầu [5; 30a], Tế tổ mẫu văn [4; 89a]… Có thể vì nhà nghiên cứu chưa xét đến kiểu phú này, ngay cách phân loại thể phú của ông cũng cho thấy rò điều đó.

Sau khi du nhập vào Việt Nam, qua quá trình vận dụng và phát triển, thể phú đã có sự thay đổi nhất định về hình thức. Đáng kể nhất là một số bài có khuynh hướng văn xuôi. Phú là một thể nằm giữa thơ và văn xuôi. Yếu tố thơ thể hiện rất rò qua vần, đối, âm tiết. Yếu tố văn xuôi thể hiện qua hai phương diện chủ yếu: độ dài câu không đều (hình thức biểu hiện); miêu tả, kể (phương thức biểu hiện). Trong đó yếu tố văn xuôi đã ảnh hưởng đến sự biến đổi của thể phú trong văn tế trung cận đại Việt Nam. Từ khi được vận dụng viết văn tế ở Việt Nam, thể phú đã trải qua hai giai đoạn cải cách quan trọng. Lần thứ nhất là sự ra đời của kiểu phú tản thể, tiêu biểu là Văn tế các tướng sĩ đánh Pháp bị tử trận của Lê Khắc Cẩn. Minh hoạ một đoạn như sau:

Hoàng sa bạch nhật, bích huyết đan tâm. Thử thân nam tử, hạo khí cổ câm. Phù thuỳ vô tử, tử nhi vi linh. Thốn hoài khả hứa, thất xích tắc khinh. Cố: Tráng sĩ do tu bệnh tử, trượng phu bất dữ tặc sinh. An năng: Hạ thủ đê diện, nhẫn khí thâu minh, phụ thử quan kiếm, nhục thị chiên tinh giả da! Nhiên nhi tử diệc trọng hĩ, khởi kỳ tầm thường trịch chi. Hồ bất vi Nhạc tướng quân báo quốc chi bối, Mã


Phục Ba lập công chi xích. Hựu bất vi Ông Trọng chi đồng thân, dĩ kinh Sóc mạc; vi Long môn chi thiết diện, dĩ tịnh biên thuỳ.” (Cát vàng trời trắng, máu đỏ lòng son. Tấm lòng nam tử, chí lớn xưa nay. Ai mà chẳng chết, chết làm hồn thiêng. Đảm đương việc nghĩa, coi nhẹ tấm thân. Cho nên: Tráng sĩ xấu hổ chết vì bệnh, trượng phu không sống với kẻ thù. Sao có thể: Cúi đầu cắm mặt, nuốt tiếng nhịn hơi, phụ phàng gươm mũ, trơ nhìn bọn tanh hôi! Nhưng cái chết là trọng, há bỏ đi một cách tầm thường. Sao không làm cái lưng báo quốc của Nhạc tướng quân, cái thây lập công của Mã Phục Ba? Lại sao không làm thân đồng Ông Trọng khiến vùng Sóc mạc kinh hồn; làm mặt sắt Long môn khiến biên thuỳ yên tĩnh.) (Văn tế các tướng sĩ đánh Pháp tử trận [4; 111b] NĐT)

Ở bài văn tế trên, thể văn xuôi chen vào thể phú, trong đó nổi trội hơn là phú cổ thể. Các câu tứ ngôn, lục ngôn đổi vần, câu văn xuôi có yếu tố đối ngẫu được vận dụng luân phiên trong toàn bài tạo ra tính vừa hài hoà vừa linh hoạt lại mới mẻ. Các đặc điểm này kết hợp với giọng điệu hùng tráng đã làm nên giá trị lâu dài cho tác phẩm.

Giai đoạn thứ hai, đến thời cận đại, phú lại một lần nữa được cách tân theo sự phát triển của thời đại, tạo ra một kiểu phú gần giống văn phú của Trung Quốc. Văn tế bạn của Tô Ngọc Đường làm theo kiểu phú biến cách, ảnh hưởng từ lối văn Quốc ngữ: nửa giống lối văn vần Hán Nôm nửa giống lối văn xuôi Quốc ngữ. Dẫn một đoạn minh hoạ:

“Thầy Ba ôi! Cha già cả còn đây! Mẹ yếu ốm còn đây! Thầy bươn bả đi đâu, sao nỡ quên câu phụ tử; Vợ song song còn đó! Con dại dột còn đó! Thầy sao đành tách dặm, sao chẳng đoái nghĩa phu thê? Bằng hữu thương thầy mà rơi lệ, cúng muối dưa nào thấy thầy ăn; Xóm giềng nghĩ thầy mà xót cảm, dưng rượu thịt đâu thấy thầy tiếp lễ. Phận tôi: Xứ Sài Gòn xa xôi xiết kể, nghe thầy bất hạnh, ruột gan dường như tơ nọ rối nùi; Tỉnh Tây Ninh cách trở đôi nơi, phế công sự, mau mau về mà đưa thầy thượng lộ. Thầy Ba ôi! Người dương thế những dầu chẳng thấy, thầy cửu tuyền xin chứng lòng tôi. Thầy có nhớ: Khi thầy lo sửa soạn phản hồi, tôi ngăn cản xin thầy chớ vội. Tôi khuyên thầy khá tạm nơi gia nội, mà dưỡng bịnh một đôi ngày. Dầu cho khó nhọc chẳng nài, miễn sao đặng thầy trăm tuổi.” (Văn tế bạn [52, T2; 157])

Xem tất cả 335 trang.

Ngày đăng: 22/07/2022
Trang chủ Tài liệu miễn phí