Thế giới nghệ thuật trong tiểu thuyết của Vi Hồng - 11

Chuỗi ngày ở với Kin Xa là một chuỗi ngày đau khổ. Biết bao nhiêu sự kiện đến với Thu Khoan. Kin Xa nghiện ngập, hư hỏng, đem tất cả của cải đi bán. Thu Khoan khuyên bảo can ngăn thì hắn đánh đập tàn nhẫn. Khi của cải đã hết, hắn nhẫn tâm đem Thu Khoan đi bán như một món hàng. Cô đau đớn vô cùng. Nhưng may mắn thay người mua cô lại chính là Kim Công- người mà cô yêu tha thiết.

Trở về với Kim công, tưởng rằng đã tìm được hạnh phúc, nhưng không, nỗi khổ vẫn cứ bám riết lấy cô. Kin Xa nghiện ngập nằm chờ chết, Thu Khoan lại phải cưu mang, thậm chí phải đổi cả nhân phẩm của mình để cứu Kin Xa thoát chết. Mỗi khi không còn gì để hút, Kin Xa lại đến xin ăn, xin tiền, Nhục nhã và ghê tởm, Thu Khoan đưa nốt chiếc vòng mắt cua, kỉ niệm còn lại của ngày cưới cho hắn. Sự kiện này càng làm cho cuộc đời của Thu Khoan đau khổ hơn.

Có được vòng mắt cua, Kin Xa liên tiếp thắng bạc và trở nên giầu có. Hắn lôi kéo, rủ rê Kim Công và Hoa Nước khiến cho Hoa Nước hư hỏng, Kim Công chơi bời rồi chết khi đang hoan lạc, bỏ lại một mình cô cô đơn cùng con thuyền độc mộc.

Giống như Thu Khoan, Đàng (Vãi Đàng) cũng là một cô gái phải chịu nhiều đau khổ. Mười tám tuổi cô đã gặp được anh Hinh – người bạn nghèo cùng đi lấy lá toong mản kiếm sống. Có người sẻ chia tâm sự, cô như đã tìm được hạnh phúc và một tương lai tươi đẹp đang chờ cô phía trước. Ngờ đâu Tổng Vọi mê mẩn sắc đẹp của cô và đòi lấy cô cho bằng được. Ghen ghét, mụ vợ Tổng Vọi đã vu cho cô là có ma gà. Sự kiện này đã làm thay đổi cuộc đời của Đàng, khiến cô rơi vào những chuỗi ngày khổ đau vô tận. Với cái án ma gà cô không thể ở lại quê hương của mình nữa. Cô cùng bố mẹ bỏ bản ra đi trong đêm tối. Gánh nặng gia đình đè lên đôi vai nhỏ bé của cô. Để bớt đi gánh nặng cho con, bố Đàng đã lặng lẽ ra đi và rồi nhẩy xuống rù rằng chết, mẹ cô trở nên thẫn thờ như người diên dại, Đàng đau khổ vô cùng. Không những thế cô còn bị ép làm vợ lẽ Tổng Nhự.

Những ngày sống trong nhà Tổng Nhự, Đàng được học chữ và đóng góp một phần nhỏ cho cách mạng. Nhưng cái án ma gà vẫn không buông tha, Tổng

Vọi lại xuất hiện trong ngày đầy tháng con Đàng. Và thế là mẹ con Đàng bị cột vào mảng thả trôi sông trong sự khinh bỉ và ghê sợ của tất cả mọi người. May mắn thay cô được The cứu giúp, được gặp lại Hinh, gặp lại người mẹ tưởng như đã chết, gặp được cách mạng. Cô đã tìm lại được hạnh phúc của mình. Cách mạng đã đem đến cho họ một cuộc sống tốt đẹp hơn.

Cuộc đời của Già Đội trong Thung lũng đá rơi cũng không hề phẳng lặng. Có biết bao nhiêu sự kiện tác động đến già Đội, khiến cả cuộc đời ôm nỗi đau đớn uất ức mà không dám nói ra.

Còn rất nhiều những người lao động bình thường như thế, cuộc đời họ gặp nhiều trắc trở, khổ đau. Đó là Lả (Lòng dạ đàn bà), Thieo Si (Chồng thật vợ giả), Nhình Hỷ (Đi tìm giầu sang)... Họ đều phải chống chọi với hoàn cảnh để vươn lên tìm lấy hạnh phúc của mình.

Bên cạnh những người lao động bình thường còn có những người trí thức, họ có trình độ, có hiểu biết nhưng sống dưới xã hội miền núi lạc hậu nên vẫn phải gánh chịu không ít những khổ đau trong cuộc đời.

Trong tiểu thuyếtNgười trong ống, tác giả đã xây dựng nhân vật Tú với rất nhiều những biến cố của cuộc đời. Sự kiện đau đớn nhất của Tú là cái chết đau thương của người mẹ, sau này nó trở thành nguồn động lực ghê gớm giúp Tú vượt qua tất cả để thực hiện mơ ước của mình.

Có thể bạn quan tâm!

Xem toàn bộ 131 trang tài liệu này.

Trên con đường thực hiện ước mơ, Tú đã phải trải qua bao sự kiện thử thách ghê gớm: vượt qua tục “xăm ràng”, vượt qua những đố kị vùi dập của thày giáo Ba, những gian khổ thử thách của đời lính, cuối cùng Tú vẫn vững vàng trong cương vị một giám đốc bệnh viện tài năng và nhân ái.

On trong tiểu thuyết Vào hang cũng có một cuộc đời đau khổ với một chuỗi những sự kiện thử thách. Ngay từ khi còn nhỏ anh đã thiếu thốn tình cảm của người cha. Bố anh hi sinh ở chiến trường, hai mẹ con đùm bọc nuôi nhau. Sự kiện đau đớn nhất trong cuộc đời On có lẽ là việc anh không được đi học Đại học Nông nghiệp nữa. Vì bị quy vào gia đình thuộc thành phần “chống đối hợp tác xã”, On trở về khi mới học được một kì đại học.

Thế giới nghệ thuật trong tiểu thuyết của Vi Hồng - 11

Trở về quê, anh say sưa tự học và nghiên cứu. Kết quả của sự tự học ấy là một vườn cây trĩu quả và những đồi chè xanh mơn mởn. Nhưng đó cũng là nguyên nhân để rồi dẫn đến một sự kiện vô cùng đau đớn. Chủ nhiệm Đoác cho rằng On làm việc riêng mà trễ nải việc chung vì vậy hắn đem dân quân đến phá đi thành quả mà On phải vất vả mới có được. Mẹ On vì uất ức mà chết để lại một mình anh chống chọi với cuộc đời.

May mắn thay, vị giáo sư già yêu mến tài năng, đã giúp On tiếp tục thực hiện mơ ước của mình. Anh lại được học tiếp tại trường Đại học Nông nghiệp và trở thành một kĩ sư giỏi. Rồi tình yêu đến, nhưng để giành được hạnh phúc cho mình, On phải trải qua rất nhiều những cay đắng và thử thách nữa...

Có thể nói, những nhân vật chính diện trong tiểu thuyết của Vi Hồng có điểm chung là cuộc đời của họ là một chuỗi những khổ đau, luôn bị hoàn cảnh vùi dập. Thế nhưng qua những thử thách ấy họ có điều kiện để bộc lộ những phẩm chất tốt đẹp của mình. Đó là tình yêu chung thuỷ, lòng yêu quê hương tha thiết, đức hi sinh, lòng vị tha và một nghị lực sống phi thường.

Nếu như những sự kiện thử thách, những tình huống éo le, được Vi Hồng xây dựng để cho những nhân vật chính diện bộc lộ bản chất tốt đẹp của mình, thì đó cũng chính là nơi mà nhân vật phản diện trong tác phẩm của ông phơi bày bản chất dâm ô, tàn bạo, xảo quyệt và vô cùng nham hiểm của chúng.

Nhân vật Ba trong tiểu thuyết Người trong ống, là điển hình cho kiểu nhân vật phản diện trượt dài trên con đường tội lỗi. Mỗi cái mốc trên con đường tiến thân của Ba đều được đánh dấu bằng những sự kiện bỉ ổi, vô nhân tính. Để được thày cô giáo khen được tuyên dương, hắn nhẫn tâm lấy cắp tiền chữa bệnh của mẹ khiến mẹ hắn phải chết. Để lấy lòng trưởng ty giáo dục – được vào thẳng đại học, hắn hại con thày rồi lại ra tay cứu con thày. Để lấy lòng hiệu trưởng trường Y, được ở lại làm cán bộ giảng dạy, hắn đốt bếp nhà thày, hại con thày rồi lại nhẩy vào cứu. Để lấy lòng các ông trên bộ, tranh chức giám đốc bệnh viện, hắn vu cho thày hủ hoá... Có thể nói: mỗi sự kiện qua đi, ở hắn dường như tăng thêm phần con mà giảm đi phần người.

Còn rất nhiều những con người như thế trong sáng tác của Vi Hồng, La Đăm Đông trong Đoạ Đầy, Đương, Hỉ trong Gã ngược đời, Cháp Chá trong Chồng thật vợ giả... cuộc đời của chúng là một chuỗi những việc làm độc ác. Mỗi nấc thang danh vọng của chúng đều được đổi bằng máu và nước mắt của những người thân, người quen của bản mường.

Tiểu thuyết của Vi Hồng về cơ bản vẫn tuân theo kiểu tiểu thuyết thử thách của văn học chiến tranh nhưng không phải là tiểu thuyết mang tính sử thi. Các sự kiện được phản ánh trong tiểu thuyết của Vi Hồng không phải là những vấn đề lớn lao, tác động đến toàn xã hội, đến tư tưởng, tình cảm của tất cả mọi người mà nó thường là những sự kiện tác động đến từng cá nhân và cuộc sống của họ hoặc những người xung quanh. Những sự kiện ấy, được sắp xếp liền mạch trong tác phẩm của Vi Hồng, đã thể hiện một cách rõ ràng cảnh ngộ và số phận của từng nhân vật. Không gian sự kiện, với những mốc sự kiện và cũng là những mốc thời gian được kể, đã thực sự làm nên mạch lạc của truyện, môi trường sống của nhân vật và cũng góp phần quan trọng giúp nhà văn đi sâu khám phá bản chất và tính cách của từng nhân vật.

2.2.3. Không gian tâm lí.

Trong cuốn Những vấn đề thi pháp của truyện tác giả Nguyễn Thái Hoà đã định nghĩa về không gian tâm lí như sau: “Khác với không gian bối cảnh, không gian sự kiện, không gian tâm lí xuất hiện bên trong nhân vật, trong tâm trạng của người kể chuyện. Đó có thể là những dòng hồi ức triền miên của nhân vật đầy tâm trạng vui buồn, những mơ ước mộng mị vẩn vơ những ám ảnh, ám thị mơ hồ mà nhân vật không nói ra được. Phần lớn nhân vật sống với chính mình”.

Giữa không gian bối cảnh và không gian tâm lí thường có quan hệ hai chiều. Hoặc là không gian bối cảnh tác động vào tâm lí hoặc là không gian tâm lí chi phối cái nhìn bối cảnh. Mối quan hệ ấy có thể là trực tiếp, có thể là gián tiếp nhưng càng chặt chẽ thì càng hấp dẫn thú vị, vì đây thường là chỗ giao thoa giữa khung cảnh và nhân vật, giữa truyện và người kể chuyện.

Trong toàn bộ tiểu thuyết của Vi Hồng, nhân vật đều là những người miền núi. Họ có một điểm chung trong tính cách là thật thà thẳng thắn, không vòng vo trong lối nói và trong suy nghĩ. Chính vì thế mà không gian tâm lí xuất hiện ít, chỉ có trong một số tác phẩm như Thung lũng Đá Rơi, Đất bằng, Lòng dạ đàn bà, Gã ngược đời, Người trong ống...

Nhân vật Già Đội trong tiểu thuyết Thung lũng Đá Rơi đến cuối đời lại bị một cô gái trẻ lẳng lơ, tham lam giăng bẫy nhằm chiếm đoạt số tiền mà già đã đánh đổi cả cuộc đời mình. Nỗi đau bị hoạn cùng với tội danh “hủ hoá” khiến già “Thấy mình rơi từ từ... từ từ xuống một cái vực hay cái hố rất sâu tối đặc như chàm chát vào mũi! Nhưng rơi mãi mà chẳng thấy chạm đáy”. Cơn mơ sảng của già đưa già trở về kí ức với những khát khao thời trẻ. Lúc thì già thấy mình “ngồi giữa một bầy con gái đứa nào cũng xinh đẹp, mặt mày bự son phấn, nước hoa phả một mùi ngào ngạt”. Hiện thực trộn lẫn với kí ức cho nên lẫn trong mùi nước hoa có cả mùi rượu làm cho tâm hồn già bồng bềnh giữa thực và mơ. Ngay cả trong mơ, già Đội cũng không thể quên được nỗi đau lớn nhất của cuộc đời mình bởi: “nó đã lặn quá sâu trong tiềm thức xa xăm”. Nỗi đau ấy đã đưa già trở về những năm tháng làm cu li ở mỏ Thin Tốc: “có lúc già lại thấy mình đang đội đá thải... Lúc thì thấy mình như một cu li trai tráng khoẻ mạnh và đẹp trai nữa”. Cơn mơ chập chờn giữa nỗi đau và niềm hạnh phúc. Già thấy mình hạnh phúc khi đang tâm tình với một cô gái trẻ đẹp, tha thiết yêu già một thủa nhưng già lại đau đớn bởi: “Anh cũng rất yêu em, nhưng anh không thể lấy được em đâu... không thể đem lại hạnh phúc cho em đâu”. Trong giấc mơ bồng bềnh ấy già lại thấy mình gắn bó với đứa con nuôi tên là Lót cùng với bao nhiêu nỗi cay đắng trong lòng mà không thể nói ra. Vì đứa con nuôi này mà già đã phải mang nỗi đau suốt cả cuộc đời: “Lót ơi! tao đã vì mày, vì con đấy ! Vì con mà bố phải mang điều cay đắng sống để dạ, chết mang đi xuống mồ kể chuyện với giun dế”. Nỗi đau khiến già tưởng kêu lên thành tiếng nhưng không thể, “Chỉ nghe thấy ực ực như nghẹn thở”.

ối ối...ối... làm sao mà đau... đau nhoi nhói, đau buốt tận tim... Mọi người đều không thể biết được nỗi đau này... ối ối...”.Tiếng kêu chỉ vang lên trong mơ ấy chính là lời tố cáo đanh thép tội ác của bọn thực dân Pháp mà Ò Pông là người trực tiếp gây nên.

Nghít trong Lòng dạ đàn bà sống trong cảnh mù loà tăm tối vì bị chính kẻ mà mình cưu mang hãm hại. Được vợ cũ cứu giúp, được sống trong tình yêu thương chăm sóc tận tình nhưng Nghít không hề biết rằng đó chính là người vợ cũ của mình, nên đêm đêm anh lại kể về người vợ cũ với nỗi ân hận day dứt: “Thu ơi, anh đã sai lầm với người chết. Đó là cái tội lớn nhất”, và rồi anh nhận ra rằng: “Anh là người xấu xa, là kẻ đáng đi vào nhà tù vì quá tệ bạc với vợ con”. Ở trong hoàn cảnh như vậy, Nghít thấm thía nỗi đau mất vợ, để rồi khát khao: “Bây giờ anh chỉ cần một người vợ dù có xấu như một bà lão cũng được, miễn là có sức khoẻ và nhất là có một tấm lòng”.

Không gian tâm lí trong tiểu thuyết Đất bằng được khơi gợi từ bối cảnh thiên nhiên. Những ngày giáp tết, tín hiệu báo mùa xuân đến ở vùng Nặm Cáp là những cơn mưa bột và những con chim hoa rất đẹp “tìm đến đậu ở những cây hoa đẹp”. Nhưng có lẽ hình ảnh có khả năng gợi lại kí ức xa xăm nhất của Đàng là cây mận già. Vào mùa xuân này, “cây mận già bỗng bừng nở hoa trắng nõn che lấp kín hết cành nhánh”. Trong không khí ấm cúng của bữa cơm ngày chợ thật ngon, Vãi Đàng và Vãi Mèo “ngồi ăn mà nghĩ những ngày sung sướng hôm nay lại nhớ cả đoạn đời cay đắng nhọc nhằn. Không ai nói với ai hai người đều chảy dài vào những năm tháng xa xưa”. Sự hồi tưởng về những năm tháng cay đắng khiến Đàng thoáng buồn. Quãng đường đó của Đàng có cả nước mắt của nỗi đau và nước mắt của niềm hạnh phúc. Nỗi đau lớn nhất của cuộc đời Đàng là bị ép gả cho Tổng vọi và mang tiếng là kẻ có ma gà. Nỗi đau tiếp theo là sự ra đi của người bố, rồi làm vợ hai Tổng Nhự. Bị thả bè trôi sông và gặp được La, gặp được cách mạng... Kí ức như một thước phim quay chậm cứ lần lượt hiện ra trong tâm trí Đàng và La.

Thời gian cứ lặng lẽ trôi mang theo kí ức của con người. Những vất vả, lo toan trong cuộc sống mưu sinh khiến người ta tạm quên đi quá khứ. Nhưng đến một lúc nào đó người ta bắt gặp một hoàn cảnh tương tự, kí ức sẽ lập tức hiện về. Đó là những ngày tháng tuổi trẻ của bà Hà trong tiểu thuyết Gã ngược đời. Tưởng rằng quá khứ đó đã được chôn chặt trong lòng, nhưng hôm nay con gái bà bị buộc thôi học vì vi phạm vào “Luật yêu đương” do ông hiệu trưởng đặt ra cùng với kĩ sư Quản - một người mà bà cũng yêu quý nên bà Hà đã kể lại quãng thời gian đau khổ nhất nhưng có lẽ đến bây giờ nó lại vô cùng ý nghĩa đối với bà. “Bà đã đưa hai người trở về cái thủa bà mới vào độ tuổi con gái”. Vì yêu mến anh sinh viên dân tộc thật thà khoẻ mạnh, bà Hà - một cô gái Hà Nội chính gốc đã đem lòng trao tặng tất cả cho người con trai ấy. Có thai, bà Hà bị kỉ luật buộc thôi học. Bà định đợi sau khi sinh con lại xin đi học tiếp. Giữa lúc ấy thì ông chủ tịch bây giờ đã trở lại đón mẹ con bà trở về. Bà gắn bó với ông cho tới ngày hôm nay. Thấu hiểu nỗi khổ khi Liêm – con gái bà bị đuổi học bà không hề trách mắng mà ngược lại bà cảm thông, an ủi, sẻ chia nỗi buồn cùng con gái. Từ những đau khổ ấy bà đưa ra triết lí: “con người muốn thành đạt phải rèn luyện ở đầu ghềnh, ngọn thác... Phải rèn luyện ở đầu ghềnh ngọn thác của dòng đời nữa”.

Trước những thăng trầm của cuộc đời, Tú (Người trong ống) đã không tránh khỏi cảm giác xót xa, đau đớn. Trong tâm hồn nhân hậu của Tú, quá khứ, hiện tại và tương lại cứ đan cài vào nhau tạo thành một dòng tâm lí phức tạp, đa chiều. Ngòi bút của Vi Hồng tỏ ra tinh tế, nhạy bén và sâu sắc khi miêu tả quá trình diễn biến tâm lí ở nhân vật này.

Vượt qua bao nhiêu những đau khổ mất mát, Tú trở về làm giám đốc bệnh viện Lục Khê. Gặp lại ông chủ nhiệm một thời đã đầy đoạ, giết chết ước mơ cháy bỏng của anh, kí ức đắng cay bỗng hiện về. Đây sẽ là cơ hội cho anh trả nợ mối thù xưa. Nhưng không, anh đã tận tình cứu giúp bệnh nhân bởi theo anh cứu người là quan trọng. Quá khứ, hiện tại đan cài đã làm nổi rõ bản chất tốt đẹp ở con người Tú: nhân hậu, vị tha và hết lòng yêu thương con người.

Tú đứng nhìn cánh đồng “lúa chín vàng tận chân trời” của Lục Phủ mầu mỡ, đã gợi lên hình ảnh quê hương anh trong quá khứ đột ngột hiện về, tạo ở Tú một cái nhìn đối sánh: “ruộng đồng, nương bãi tất cả đều vô chủ, cho nên chưa đầy mười năm mà bản mường tiêu điều, tình cảnh thê lương”. Đang trôi theo dòng suy nghĩ miên man, anh “bỗng lắc mạnh đầu, thở dài tưởng như trút đi những ý nghĩ linh tinh – Hình như mình còn rất yêu đồng ruộng”. Suy nghĩ của Tú, chứng tỏ anh là con người luôn gắn bó sâu sắc với đồng ruộng quê hương. Dù ở đâu hay cương vị nào đi nữa anh vẫn mãi mãi là người con đích thực của núi rừng với thói quen lao động hàng ngày. Có lẽ vì thế mà khi gặp Ai Hoa, cuộc sống giầu sang đang mở ra trước mắt chào đón Tú. Anh không những không màng tới mà còn dùng hết nghị lực để vượt qua sự cám dỗ đó. Mỗi lần Ai Hoa “như một bông hoa lớn thần tiên trăm sắc, trăm hương” xuất hiện và quỳ trước mặt anh cầu xin tình yêu thì “Tú lại nhớ về người bố khốn khổ nơi quê nhà xa xôi”. Và như để có thêm nghị lực, Tú còn nghĩ đến tương lai. Tương lai của Tú là: “phương trời riêng... bảy sắc cầu vòng nơi chân trời xa xăm”. Quá khứ và tương lai đã kéo Tú thoát khỏi vòng tình ái và cuộc sống giầu sang đang vẫy gọi. Tú đã thực hiện được mơ ước của mình.

Những năm học đại học, Tú vô cùng vất vả. Những lúc như thế, Tú lại phải “nhớ về hình ảnh người mẹ trăm ngàn lần kính yêu của mình”. Khám phá chiều sâu tâm lí nhân vật là cái tài của mỗi nhà văn. Vi Hồng gần như khẳng định được cái tài của mình qua những nhân vật này.

Không gian tâm lí trong tiểu thuyết của Vi Hồng ít được sử dụng. Mặc dù vậy mỗi lần sử dụng Vi Hồng đều tạo được hiệu quả nghệ thuật cho tác phẩm. Xuất hiện ở bên trong nhân vật, không gian tâm lí làm cho đời sống nội tâm của nhân vật phong phú, sinh động hơn.

Xem tất cả 131 trang.

Ngày đăng: 08/12/2023
Trang chủ Tài liệu miễn phí