Thế giới nghệ thuật trong tiểu thuyết của Vi Hồng - 13

lên”. Anh trở về quê, li dị vợ với niềm mơ ước tìm lại hạnh phúc cho cuộc đời mình, nhưng thất bại. Anh “ngao ngán thực sự. Nỗi buồn nó chạy ra bốn chân, bốn tay trĩu nặng như đeo bốn cục đá”.

Một mùa xuân nữa lại đến, “mùa xuân mà Hoàng đang ở cái tuổi hai mươi tám” mọi người khóc thương cho Hoàng, bởi “anh là người chưa có vợ nhưng có lẽ mãi mãi sẽ không lấy được vợ”. Từ Hà Nội anh trở về quê, nhưng không phải để ăn tết mà để đi tìm tờ Phong slư, “mảnh hồn tuyệt vời của người cha kính yêu”. Và cũng trong mùa xuân ấy anh gặp lại Băng - người con gái mà anh yêu quý. Họ gắn bó với nhau, hoà tan trong nhau và họ “yêu nhau giữa đất và trời, giữa sắc mầu của xuân xanh”. Có thể nói, ngay cái nhan đề của cuốn tiểu thuyết đã phần nào khái quát được nỗi khổ vô tận mà Hoàng phải chịu đựng trong suốt thời kì tuổi thơ đến khi trưởng thành. Đó là những mốc thời gian “biết nói”.

Những sự kiện trong đời tư của nhân vật Hoàng được tính đếm theo dòng chảy thời gian tuyến tính cứ điểm từng nhịp, nặng nề: năm Hoàng 12 tuổi, 13 tuổi, cuối cấp hai, sau bốn năm học cấp ba, hè năm thứ hai, cuối năm thứ tư, một mùa xuân nữa lại đến... Quả thực tháng năm biết nói - thời gian biết nói – nó nói về nỗi khổ triền miên, bất tận của nhân vật Hoàng...

Cũng kể theo thời gian một chiều, Thu Khoan trong Dòng sông nước mắt xuất hiện từ khi mười tuổi: “Cô bé Thu Khoan lên mười tuổi... nghe chuyện đau thương thì dễ rơi nước mắt, yêu những con vật, yêu cả cái cây ngọn cỏ”. Cô thường ra vực Vằng Nám chơi và gặp Kim Công trên chiếc thuyền độc mộc. Từ đó “Thu Khoan và Kim Công gắn bó với nhau như hình với bóng”.

Đến năm mười bốn tuổi, Thu Khoan đã lớn, bố mẹ cấm không cho cô chơi với Kim Công nữa. Họ đành tạm biệt nhau và “trao cho nhau cái ánh mắt đầy ắp thần sắc nồng nàn yêu đương”.

Mười chín tuổi Thu Khoan bị ép gả cho Kin Xa. Làm vợ chồng được vài ngày, Kin Xa ngả bàn đèn ra hút thuốc phiện. Bao nhiêu của cải gia tài chui hết vào lỗ tẩu trong vòng hai năm. Hết tiền, Kin Xa đi ăn mày, được gần một năm thì hắn đem Thu Khoan đi bán. Người mua Thu Khoan lại chính là Kim Công.

Hai mốt tuổi, Thu Khoan trở thành vợ của Kim Công, họ có một gia đình hạnh phúc và một đứa con gái xinh xắn. Gia đình nàng sẽ được yên ấm nếu Kin Xa không trở lại. Mười một năm sau, Kin Xa trở về, khi ấy con gái Hoa Nước của họ đã mười bốn tuổi. Nhờ có cái vòng mắt cua bằng vàng của Thu Khoan mà Kin Xa trở nên giầu có. Sự giầu có của hắn đã trở thành tai hoạ cho gia đình Thu Khoan. Bị Kin Xa rủ rê, Kim Công sa đà vào cờ bạc, trai gái đến nỗi chết khi đang hành lạc. Con gái Hoa nước hư hỏng chạy theo Kin Xa, bỏ lại một mình Thu Khoan với dòng sông nước mắt. Đau đớn và tuyệt vọng cô đã nhẩy xuống sông Nặm Đáo tự tử.

Với Thu Khoan, dòng thời gian xuôi chảy một chiều cũng mênh mang dằng dặc như dòng sông nước mắt mà mỗi nhịp đếm của thời gian là thác với ghềnh rồi lại nối tiếp thác với ghềnh, mà thác ghềnh sau thì lại càng khủng khiếp và ghê gớm hơn thác ghềnh trước. Miêu tả sự kiện đời tư nhân vật như thế, nhà văn giúp người đọc có cái nhìn toàn diện về cuộc đời đau khổ của nhân vật. Do ảnh hưởng của văn học dân gian, kết thúc tác phẩm của vi Hồng, dù muộn mằn, các nhân vật đều tìm lại được hạnh phúc cho mình. Điều này thể hiện khát vọng của nhà văn về sự chiến thắng của cái thiện, cái tốt. Nhưng mặt khác lại làm giảm đi giá trị hiện thực của tác phẩm.

Ở một số tiểu thuyết khác như Người trong ống, Thung lũng đá rơi, Vãi Đàng... Vi Hồng lại thiết kế tác phẩm theo kiểu thời gian giãn cách, đảo ngược.

Thời gian sự kiện đời tư của Tú trong tiểu thuyết Người trong ống là thời gian giãn cách, có sự đảo ngược về thời gian. Xuất hiện ở đầu tác phẩm, Tú đã là viện trưởng bệnh viện Lục Khê với cái tên là Toàn và một ngoại hình thay đổi bởi những vết tích của chiến tranh.

Có thể bạn quan tâm!

Xem toàn bộ 131 trang tài liệu này.

Sau đó nhà văn kể lại quãng đời tuổi thơ của Tú. Vốn thông minh, Tú đi học từ rất sớm. Nỗi đau mất mẹ khiến Tú quyết tâm thi vào trường Đại học Y. Nhưng vì mang tiếng là “con của một kẻ phá hoại hợp tác” nên Tú không thể thực hiện được mơ ước của mình. Anh đành từ biệt người bố thân yêu và quê

hương đến một nơi xa xôi không ai biết, thay tên đổi họ để thi vào trường Y như mong ước.

Thế giới nghệ thuật trong tiểu thuyết của Vi Hồng - 13

Tiếp sau đó, nhà văn kể về quãng thời gian Tú ở bản sát biên giới làm con nuôi một gia đình HMông và mang một cái tên hoàn toàn mới – Ngô Mí Toàn. Ở đây anh được gia đình bố nuôi yêu quý, đặc biệt là Ai Hoa. Mặc dù hết lời từ chối nhưng do phong tục, Tú vẫn phải thực hiện lễ “Xăm Ràng” nhưng rồi anh đã vượt qua được để thực hiện mơ ước của mình.

Những năm Tú học ở Đại học Y được nhà văn kể lại thật tỉ mỉ và cảm động. Với kinh nghiệm và những bài thuốc Tú học được từ bố nuôi ở mường Hai Nước, anh đã góp ý kiến cho các giảng viên trong các bài giảng. Đối với giáo viên thực sự tâm huyết với nghề thì những kiến thức do Tú bổ sung khiến họ “mừng như bắt được vàng”. Nhưng đối với bác sĩ không có trình độ như Ba, thì đó là một điều xỉ nhục. Ba ngấm ngầm đẩy Tú đi bộ đội., Ba đã cố tình gán cho Tú tội chống đối tuyển quân khi phát hiện ra Tú bị mất một đốt ngón tay. Và đó cũng chính là lí do nhà văn quay trở lại kể về thời gian Tú học lớp mười và những năm đầu học đại học.

Mười tám tuổi, đang học năm thứ nhất, Tú phải trở về làm lễ “ Xăm Ràng” như đã hứa. Lễ “ Xăm Ràng” thông thường diễn ra ba ngày, ba đêm nhưng ở đây Tú đã phải trải qua sáu ngày, sáu đêm. Cuối cùng thì anh đã vượt qua để thực hiện mơ ước của mình. Tiễn đưa người con gái xinh đẹp đã vì anh mà bỏ cả cuộc đời khiến Tú đau đớn vô cùng. Anh đã để lại đốt ngón tay trỏ trong năm ngón tay của nàng khi nàng từ giã cõi đời.

Tiếp đó tác giả kể lại quãng thời gian Tú đi bộ đội. Trong thời gian ấy, anh vừa chiến đấu vừa tìm cây thuốc nam để chữa bệnh. Vị trung đoàn trưởng mến tài năng của Tú đã cử anh đi học ở Đại học Quân y. Với thành tích xuất sắc trong học tập, Tú được giữ lại trường làm cán bộ giảng dạy nhưng anh xin về đơn vị cũ để chữa bệnh cho đồng đội. Cũng tại nơi đây, vì cứu thương binh mà Tú đã bị thương. Hồi phục anh được trở về làm giám đốc bệnh viện Lục Khê như tác giả đã kể ban đầu.

Khác với những nhân vật trên, các sự kiện trong cuộc đời Ba (Người trong ống) cũng được tác giả kể theo thời gian giãn cách, từ hiện tại đến quá khứ rồi lại trở về hiện tại. Ba xuất hiện khi đã là một thủ trưởng và lần đầu tiên Ba gặp Slam- cô gái Ba đang say mê và quyết tâm chinh phục cho bằng được mà không hề biết đó chính là con gái của mình.

Bắt đầu bằng thời gian hiện tại, từ đó mở dần ra từng trang quá khứ. Với Ba mỗi trang đời là một trang của tội ác và thủ đoạn. Để lí giải vì sao Ba lên đến được chức viện trưởng, tác giả đã kể lại những năm Ba học ở trường Đại học Y. Bằng những thủ đoạn kể cả độc ác, Ba đã được giữ lại làm giảng viên một trường Đại học. Và cứ thế Ba leo lên những nấc thang danh vọng: Giảng viên- hiệu phó, giám đốc bệnh viện Lục Khê rồi hiệu trưởng. Mỗi nấc thang đều nhuốm đầy tội ác của một con người tham lam, xảo quyệt.

Sau đó tác giả kể lại thời gian Ba học cấp hai, cấp ba rồi thi vào Đại học Ba đều dùng những thủ đoạn xảo quyệt của y để tiến thân bởi “sức học của anh chỉ trung bình khá, chưa bao giờ là học sinh giỏi hay học sinh tiên tiến”.

Tiếp sau tác giả kể về quãng thời gian Ba làm viện trưởng bệnh viện Lục Khê. Trong thời gian “chưa đầy ba năm (còn thiếu ba tháng) Ba đã dụ dỗ và quan hệ với Hoa như vợ chồng. Làm hại đời Hánh – một thương binh trở về sau chiến tranh, gán cho Hánh một căn bệnh Siđa, căn bệnh truyền nhiễm nguy hiểm khiến bao nhiêu năm Hánh phải ở trong nhà xác”.

Từ vị trí viện trưởng viện Lục Khê, tác giả lại quay trở về kể lại thời gian cuối năm thứ sáu – năm học cuối cùng của Ba, “thấy mình chưa có công lớn với Hoàng nên việc ông ta định giữ mình lại làm cán bộ giảng dạy chưa có gì chắc chắn. Ba quyết định làm một việc để lập công với Hoàng”. Việc làm mà Ba định lập công với Hoàng là: “ẩy con gái Hoàng đổ nhào xuống vực” song lại nhanh chóng “cứu được con gái Hoàng lên”. Từ chiến công đó Ba nghiễm nhiên ngồi lên ghế lãnh đạo mặc dù những bác sĩ giỏi khác đã nói thẳng: “chuyên môn anh kém, lãnh đạo làm sao được”.

Tiếp đó là chuyến Ba trở về thăm gia đình vợ con. Đối lập với căn nhà rách nát, “Ba ăn diện từ trên xe bước xuống như một hoàng tử”. Rời gia đình trở về bệnh viện, “Ba say sưa với chức vụ mới”, không những thế Ba còn được ông Hoàng cử đi nghiên cứu sinh ở nước ngoài. Trong suốt thời gian đó, Ba đã dùng cuốn sổ tay ghi chép những cây thuốc nam bằng cả tiếng Kinh và tiếng Tày để làm đề tài nghiên cứu cho mình. Cuốn sổ tay đó Ba có được là do “một thời gian anh là thành viên chính thức trong bọn cướp”. Nhờ có cuốn sổ đó mà Ba bảo vệ thành công luận án phó tiến sĩ, thậm chí hội đồng khoa học còn đề nghị: “ở lại ba năm nữa để nâng cao thành luận án tiến sĩ” nhưng Ba từ chối, vì: “cái chức phó hiệu trưởng đang treo lơ lửng ở nhà”.

Gần bốn mươi tuổi, “Ba càng đẹp trai, thân thể thật đầy đặn, cân đối” Ba trở thành niềm say mê của rất nhiều bác sĩ, y tá. Hắn thoả sức vẫy vùng mà không hề bị phát giác. Cũng trong thời gian này, Ba lại leo lên chức hiệu trưởng trường Đại Học Y, hắn càng thoả sức quan hệ mà không có ai dám lên tiếng, duy chỉ có vợ Ba. Để thoả mãn dục vọng của mình, Ba ra tay giết vợ một cách khéo léo đến nỗi không ai nghi ngờ. Với cái mác anh nuôi, Ba dùng mọi cách giúp đỡ Slam. Khi Slam học đến năm thứ tư Đại học Y thì “Ba thúc phải cưới thì mới có điều kiện chính thức để giúp nhau”. Không còn cách nào khác Slam đành phải đồng ý làm vợ Ba.

Cuối cùng là cảnh Li – người mà Ba đã bỏ rơi hơn hai mươi năm về trước, đến thăm con gái. Sự thật mới được sáng tỏ. Lời nói của Li như một lời kết tội đanh thép “Ba – Slam! Slam , Ba, thằng Ba, mày đã ăn sống nuốt tươi bao đàn bà con gái, mày đã lấy chính con gái của mày! Slam là con đẻ của mày. Mày đã lấy con mày”.

Cũng là thời gian dãn cách, Lăng Thị Thu Lả trong Lòng dạ đàn bà, Đàng trong tiểu thuyết Vãi Đàng cũng được tác giả kể theo thời gian như thế. Cách kể đó vừa tạo được sự hấp dẫn cho câu chuyện, vừa thể hiện sự sáng tạo trong tiểu thuyết của Vi Hồng.

Cùng với thời gian sự kiện lịch sử, thời gian sự kiện đời tư được tác giả thể hiện trong một số tiểu thuyết, Vi Hồng đã giúp người đọc có cái nhìn tương đối đầy đủ về hoàn cảnh xã hội, về con người trong những giai đoạn lịch sử cụ thể đồng thời tạo được điểm nhấn, tạo được sự lôi cuốn, hấp dẫn và mang tính hiện đại.

Trong tiểu thuyết của Vi Hồng, có thể thấy tác giả thường gắn thời gian sự kiện đời tư của nhân vật với thời gian sự kiện lịch sử. Tiểu thuyết Thung lũng Đá Rơi là một ví dụ. “Cái thủa già Đội còn là trai trẻ, nói chưa vỡ tiếng thì cái thung lũng Đá Rơi cũng mới có được hai ba năm gì đó”.

Mười sáu tuổi, Đội lần lượt chứng kiến sự ra đi của người thân, còn lại một mình, Đội tìm đến làm Cu li ở mỏ thiếc Bắc Kì trong thung lũng đá Rơi.

Khi chiến thắng Điện Biên Phủ, Đội đã bị đem đi giết cùng bốn mươi Cu li nữa. May mắn thay Đội thoát chết.

Năm 1954 sau chiến thắng điện Biên Phủ, mỏ thiếc lại trở lại hoạt động nhưng do Lót - con nuôi của Già Đội làm giám đốc. Ông trở về mỏ thiếc và gắn bó đến cuối đời.

Như vậy sự kiện lịch sử đã có tác động tới từng số phận con người. Trước cách mạng, Đội là một cu li đội đá đến trọc đầu, bị đánh đập, bị đối xử tàn nhẫn thì giờ đây sau cách mạng, Đội trở thành một công nhân, hăng hái tham gia lao động làm giầu cho đất nước.

Thời gian sự kiện đời tư của nhân vật Phàn trong tiểu thuyết Tháng năm biết nói gắn liền với thời gian lịch sử. Năm 18 tuổi, đang học lớp bốn nhưng ông đã “hoạt động cách mạng rất tích cực... Ông Phàn đứng lên tổ chức cả lớp, cả trường phản đối dưới hình thức biểu tình". Trước sự việc đó, bọn mật thám vô cùng tức giận. Chúng bắt ông giải về bản. Đến thác Chín Thoong, “ông nhẩy ầm xuống thác như một tảng đá rơi”. Tất cả mọi người tưởng ông đã chết, “gia đình làm mả cho ông theo tục lệ bấy nay khá to”. Ông Phàn đã thoát khỏi tay bọn mật thám, tiếp tục hoạt động bí mật.

Cách mạng tháng Tám thành công, đến tháng 9 năm 1945, sau khi hoạt động bí mật, ông trở về trong niềm sung sướng của tất cả mọi người: “ông Phàn đánh thắng Nhật tây trở về anh em ơi!... Họ đón bác bằng những tiếng cười như thác Chín Thoong reo, họ khóc nắm lấy tay, lấy áo bác Phàn vì sung sướng, vì kính phục”, bởi ông “là một con người có tài năng, con người tốt đẹp đến mẫu mực”.

Sau Cách mạng tháng Tám, cụ thể “năm 1947 ông làm Trung đoàn trưởng, chỉ huy quân đội cả một tỉnh. Tháng 9 năm 1947, Tây nhảy dù xuống thị xã, ông chỉ huy đánh giặc quyết liệt nhưng vì lệnh cấp trên ông cho quân rút lui an toàn”. Ấy thế mà khi trở về ông lại có đơn tố cáo “nửa đêm mò vào dưới buồng vợ cháu thằng Thìm”. Vì nhiệm vụ cách mạng mà ông không một lời thanh minh. ông chỉ “buồn vô hạn và làm đơn xin nghỉ công tác về quê Chín thoong làm công dân bình thường”.

Mỗi một cuộc đời nhân vật lại ứng với một chuỗi các sự kiện khác nhau. Đối với những nhân vật chính diện như Tú, Hoàng, Đàng, Lả, Già Đội... thì những chuỗi sự kiện ấy phải chăng là sự thử thách khả năng chịu đựng, đồng thời khẳng định bản chất tốt đẹp của con người. Còn đối với những nhân vật phản diện như Ba, thì chuỗi sự kiện ấy đã khẳng định bản chất dâm ô, tàn bạo và những thủ đoạn độc ác của chúng. Nhân vật của Vi Hồng đã được xây dựng theo đúng mô típ của văn học dân gian. Những người lương thiện, nhân hậu vị tha thì sẽ tìm lại được hạnh phúc của mình như một sự đền bù xứng đáng. Còn những nhân vật phản diện thì “ác giả, ác báo”. Tất cả đều có một kết cục hết sức bi thảm.

3.2.2. Thời gian tâm lí.

Thời gian tâm lí là thời gian qua sự cảm nhận của nhân vật theo hoàn cảnh. Đây là loại thời gian được nếm trải theo tâm hồn nhân vật. Thời gian tâm lí có ý nghĩa trong việc thể hiện diễn biến tâm lí nhân vật. Thời gian tâm lí trong tiểu thuyết của Vi hồng được thể hiện qua các bình diện sau: thời gian hiện tại, thời gian quá khứ, thời gian tương lai.

3.2.2.1. Thời gian hiện tại.

Thời gian hiện tại là thời gian “đang diễn ra” của các sự kiện hoặc những suy nghĩ, hành động đang xảy ra của nhân vật.

Thời gian hiện tại là thời gian của sự sống nhân vật, thời gian được cảm nhận với hiện tại của phát ngôn, hiện tại của người đọc. Ta có thể thấy rất rõ thời gian hiện tại trong các tiểu thuyết của Vi Hồng thông qua nhân vật khi họ xuất hiện suy nghĩ và hành động.

Trong tiểu thuyết Đoạ đầy, Ki Nọi và La Bội Hoan là hai nhân vật được tác giả kể lại qua một cuộc tình duyên hết sức éo le. Từ một người con của Chẩu mường, Ki Nọi trở thành một “tua khỏi” (nô lệ) còn La Bội Hoan từ một “tua khỏi” trở thành con gái của Chẩu mường quyền quý. Mặc dù bị cấm đoán nhưng La Bội Hoan vẫn đi theo Ki Nọi. Thời gian hiện tại của họ là những buổi trò chuyện, thề nguyền. Thế rồi Bội Hoan bị nhốt vào phòng và bị ép gả cho một người “nhiều tuổi và xấu xí”. Buồn đau, Ki Nọi bỏ nhà ra đi, La Bội Hoan cũng trốn theo. Lúc này thời gian hiện tại của họ gắn với cuộc sống đầy khó khăn, vất vả nơi rừng sâu, núi tận. Nhờ có tình yêu và sự thông minh trong cách tính toán làm ăn, họ trở nên giàu có. Thời gian hiện tại của họ còn được đánh dấu bằng sự ra đời của một cô con gái xinh xắn. Nhưng loài Tó Hống đã ăn thịt cô bé khi cả Ki Nọi và Bội Hoan không có nhà. “Nàng rú lên một tiếng kinh hoàng rồi nàng ngất cạnh chồng”. Cuối cùng họ đã vượt lên nỗi đau ấy để xây dựng cuộc sống và “trở thành người giàu có vào bậc nhất mường Nặm Khao”.

Như vậy thời gian hiện tại của Ki Nọi và La Bội Hoan đã cho thấy tình yêu và nghị lực phi thường của họ. Họ đã vượt qua tất cả để tự xây dựng cho mình một cuộc sống giàu có, hạnh phúc.

Thời gian hiện tại của Hà Thế Quản trong Gã ngược đời luôn luôn gắn liền với niềm say mê nghiên cứu khoa học. Ngay trong cuộc họp phê bình mình mà anh cũng vẫn nghiên cứu để rối thốt lên: “rõ ràng là một sự thối nát, thối tha, không phải là lên men” khiến mọi người hiểu lầm và rồi anh trở thành “người ở ngoài dòng đời”. Anh luôn khát khao tìm đến chân lí của khoa học đến nỗi quên cả tình yêu. Những cô gái đến với anh rồi lại tự ra đi vì: “anh yêu khoa học hơn

Xem tất cả 131 trang.

Ngày đăng: 08/12/2023
Trang chủ Tài liệu miễn phí