Thời Gian Nghệ Thuật Trong Tiểu Thuyết Của Vi Hồng

Chương 3

THỜI GIAN NGHỆ THUẬT TRONG TIỂU THUYẾT CỦA VI HỒNG


3. 1. Khái niệm “ thời gian nghệ thuật”.

Thời gian nghệ thuật là phạm trù đặc trưng của văn học, bởi văn học là nghệ thuật thời gian” [25, 63]. Văn học là một bộ môn nghệ thuật chủ yếu tái hiện và diễn ra trong thời gian, nghĩa là mọi hoạt động của con người luôn gắn liền với chuỗi cảm thụ trong thời gian về suy nghĩ, hành vi, sự kiện... Như vậy: “thời gian nghệ thuật là thời gian người ta có thể trắc nghiệm được trong tác phẩm nghệ thuật với độ dài của nó, với nhịp điệu nhanh hay chậm, với chiều dài là quá khứ, hiện tại hay tương lai” [Hoàng Trung thông – “Nhà văn trên dòng Tô Lịch” – Báo Văn Nghệ số 5]

Văn học là hình thức biểu hiện đời sống tâm hồn của con người và nó tái hiện quá trình đời sống qua các dạng thức thời gian. Như vậy thời gian là đối tượng, là chủ thể, nhưng đồng thời cũng là công cụ miêu tả của người nghệ sĩ để xây dựng tác phẩm nghệ thuật. Tuy nhiên, thời gian trong văn học không đơn thuần là thời gian hiện thực (Thời gian tuyến tính một chiều từ quá khứ đến tương lai không đảo ngược) mà thời gian trong văn học phụ thuộc rất nhiều vào tâm trạng, quan niệm, nhìn nhận, đánh giá đời sống của các nhà văn. “Người nghệ sĩ có thể chọn điểm bắt đầu hoặc kết thúc, có thể kể nhanh hay chậm, nhìn từ quá khứ hiện tại hay tương lai, có thể chọn độ dài một khoảnh khắc hay nhiều thế hệ, nhiều cuộc đời” [25, 62]. Tất cả những điều đó phụ thuộc vào ý đồ sáng tạo của người nghệ sĩ. Thời gian nghệ thuật gắn liền với tổ chức bên trong của hình tượng nghệ thuật. Khi nào ngòi bút nghệ sĩ chạy theo diễn biến sự kiện thì thời gian trôi nhanh, khi nào dừng lại thì thời gian trôi chậm lại.

Có thể phân chia thời gian nghệ thuật thành nhiều loại khác nhau dựa trên những tiêu chí khác nhau.

Nhà nghiên cứu văn học Nga Bakhtin đã phân chia thời gian nghệ thuật thành 4 loại: thời gian phiêu lưu, thời gian cổ tích, thời gian tiểu sử, thời gian lịch sử. [Tiểu thuyết giáo dục và ý nghĩa của nó trong lịch sử chủ nghĩa hiện thực – tạp chí văn học số 4 - 1999]

Giáo sư Trần Đình Sử trong Dẫn luận thi pháp học lại chia thời gian nghệ thuật thành hai loại: thời gian trần thuật và thời gian được trần thuật.

Trong đó thời gian trần thuật bao gồm thời gian sự kiện và thời gian nhân vật. Thời gian trần thuật là thời gian vận động tuyến tính một chiều của văn bản ngôn từ (Diễn đạt các sự vật hiện tượng theo trình tự thời gian của lời nói liên tục từ câu đầu cho đến câu cuối không đảo ngược). Thời gian trần thuật là thời gian của người kể, của sự kể có mở đầu, có kết thúc, có nhịp độ, tốc độ riêng. Có thể sắp xếp trật tự thời gian của sự việc đem cái xẩy ra sau kể trước và ngược lại.

Có thể bạn quan tâm!

Xem toàn bộ 131 trang tài liệu này.

Thời gian được trần thuật là thời gian của sự kiện được nói tới bao gồm thời gian sự kiện (hay còn gọi là thời gian lịch sử hay thời gian truyện) và thời gian nhân vật.

Thời gian nghệ thuật vô cùng đa dạng, mỗi nhà nghiên cứu lại có cách lí giải và phân loại riêng. Căn cứ trên thực tế tiểu thuyết Vi Hồng, chúng tôi nghiên cứu thời gian nghệ thuật ở hai bình diện: thời gian sự kiện và thời gian tâm lí.

Thế giới nghệ thuật trong tiểu thuyết của Vi Hồng - 12

3.2. Thời gian nghệ thuật trong tiểu thuyết của Vi Hồng

3.2.1. Thời gian sự kiện

Thời gian sự kiện là chuỗi liên tục của các sự kiện trong mối quan hệ trước sau nhân quả. Thời gian sự kiện được tác giả tổ chức, thiết kế theo dụng ý riêng nhằm thể hiện ý đồ nghệ thuật của mình. Sự kiện ở đây vừa có tính chất lí giải, thuyết minh lại vừa tạo cảm giác vận động cho tác phẩm. Tìm hiểu thời gian sự kiện trong tiểu thuyết của Vi Hồng, chúng tôi thấy tác giả tập trung vào hai loại sự kiện, đó là: thời gian sự kiện lịch sử thời gian sự kiện đời tư.

3.2.1.1. Thời gian sự kiện lịch sử.

Thời gian sự kiện lịch sử là mốc lịch sử được tác giả lựa chọn tổ chức và kết hợp trong tác phẩm để thể hiện sự sáng tạo chủ quan của mình.

Nhà bác học Bakhtin đã nêu lên vấn đề về sự thay đổi cơ bản của bức tranh không gian, thời gian của văn học thế giới, trong đó khái niệm thời gian lịch sử được Bakhtin đưa ra với nội dung cụ thể như sau: “Sự hình thành con người diễn ra trong thời gian lịch sử hiện thực với tính tất yếu của nó, với sự đầy đủ của nó, với tương lai của nó, với tính không gian, thời gian sâu sắc của nó” [Tiểu thuyết giáo dục và ý nghĩa của nó trong lịch sử chủ nghĩa hiện thực – tạp chí văn học số 4- 1999].

Giáo sư Trần Đình Sử cũng xác định nội dung khái niệm thời gian lịch sử: “được đánh dấu bằng các sự kiện lên ngôi, niên hiệu, chiến tranh, nội chiến, ngày giải phóng, ngày hoà bình, ngày cách mạng, các đổi thay trong chính sách làm đổi thay cuộc sống và số phận của nhiều người” [25, 67].

Quan niệm của Bakhtin và của giáo sư Trần Đình sử về thời gian lịch sử trong văn học là cơ sở khoa học để chúng tôi tiến hành khảo sát thời gian lịch sử trong tiểu thuyết của Vi Hồng.

Vi Hồng gần gũi với Tô Hoài ở cảm hứng nhân văn đời thường, vì thế trong sáng tác của ông ít thấy âm hưởng hào hùng mang phong cách sử thi. Cũng viết về đề tài miền núi, nhưng ông luôn có một cái nhìn riêng, cách cảm và cách thể hiện riêng không trùng với bất kì ai. Trong một số tiểu thuyết của mình, Vi Hồng đã sử dụng những mốc lịch sử cụ thể tạo cho truyện có không khí chân thực, qua đó ta thấy được dấu ấn của hiện thực khách quan.

Để thấy được sự thay đổi của cuộc sống con người, nhất là của những người dân miền núi, trong tiểu thuyết Vào hang, Vi Hồng đã lấy mốc lịch sử là Cách mạng tháng Tám năm 1945. Trước cách mạng: “Đất Ba Mái hồi ấy là của hổ gấu, lợn lòi, của dã thú chim muông. Rừng già lợp mái lá trăm lớp, đất rừng không bao giờ biết mầu của nắng”. Ngày ấy con người còn rất ít: “Đất Ba Mái có hai dòng họ, họ Đàm của On và họ Lương của ông giám đốc Đoác”.

Cách mạng tháng Tám thành công, mở ra một trang sử mới của dân tộc. Người dân Việt Nam từ nô lệ trở thành người dân của một nước tự do, độc lập, làm chủ cuộc đời, làm chủ xã hội. Cuộc sống của họ đã thực sự đổi thay: “cuộc

sống ấm no cứ mỗi ngày một nhích dần lên. Trẻ nhỏ chưa bụ bẫm nhưng đã có những cặp má hồng, những cặp môi hồng, những trai nụ, gái hoa tươi roi rói... Tiếng cười, tiếng hát, tiếng lượn đầy ắp các thung, lan đồng ruộng”. Không chỉ có đời sống vật chất mà đời sống tinh thần cũng thay đổi: “Đất Ba mái đã khá đông, có trường học, có trụ sở uỷ ban cách mạng”. Như vậy, Cách mạng tháng Tám đã thực sự tác động đến cuộc sống của những người dân nơi đây. Họ không chỉ biết làm ruộng, làm nương, chăn nuôi gia súc mà họ còn đang vươn đến ánh sáng của văn hoá, của tri thức mà cách mạng đã đem đến cho họ. Vì vậy mà đã “có người làm cán bộ trên tỉnh, trên trung ương, có người làm việc ở cả nhà cụ Hồ”. Văn hoá, tri thức đã giúp họ mở mang tầm hiểu biết: “Những người có học làm ăn, đối đãi với nhau thật đẹp, được cả mường kính nể”.

Năm 1947, Cách mạng tháng Tám đã thành công hai năm, nhưng vẫn còn một số nơi dường như “cuộc cách mạng” thực sự vẫn chưa đến được với họ. Vì vậy những tay sai của thực dân pháp, độc ác, nham hiểm như Châu Đoàn Pàng trong Tháng năm biết nói vẫn được trọng dụng, thậm chí giữ những chức vụ quan trọng: “Châu Đoàn vẫn được làm trưởng ban mặt trận Việt minh xã, có kém thì chỉ kém ông chủ tịch xã và ông lãnh đạo Đảng ở xã thôi”. Hắn vẫn làm quan, làm mưa, làm gió ở bản Chín Thoong.

Thực dân Pháp trở lại xâm lược nước ta. Những năm tháng đau khổ ấy, đã để lại dấu ấn không thể phai trong tiểu thuyết của Vi Hồng. Mặc dù thời gian không được Vi Hồng nói đến một cách cụ thể nhưng những việc làm độc ác của những tên tay sai thực dân như quan phủ Trần Hồi trong Dòng sông nước mắt, quan tuần đinh Thịnh Thác trong Phụ tình, Tổng Nhự, Tổng Vọi trong Vãi Đàng... đã làm cho đời sống người dân miền núi rơi vào thảm cảnh đau lòng.

Trong tiểu thuyết Mùa hoa Bioóc Loỏng, vì nghèo đói, bố mẹ Mạnh Kha đã phải đem cho hai cô con gái xinh đẹp với dấu hình xăm chỗ kín, để hi vọng sau ngày giải phóng nếu có điều kiện sẽ đi tìm con. Biết bao nhiêu gia cảnh rơi vào nỗi đau li tán như thế. Nỗi đau ấy chỉ có trong thời kì thực dân Pháp đô hộ trên đất nước ta.

Trong tiểu thuyết Đất bằng, Vi Hồng còn ghi lại phong trào hoạt động cách mạng của nhân dân ta trong thời kì ấy, mặc dù chỉ là những hoạt động bí mật của những chiến sĩ cộng sản. Đàng thường xuyên lấy tin tức từ Tổng Nhự và bọn thực dân Pháp rồi bí mật chôn dưới gốc cây mận liên lạc với cộng sản. Những đóng góp của Đàng tuy nhỏ, nhưng đã lập được những chiến công lớn khiến cho “ba lần Tây đánh đồn Năm Cáp , chỉ huy lính khố xanh đi lùng bắt cộng sản nhưng cả ba đều thất bại”.

Sau giải phóng miền Bắc (từ 1954 – 1958), là những năm người dân miền núi “thừa gạo và đủ thịt ăn, bắt đầu người dân ăn ngon, mặc đẹp thực sự, ốm đau đã có thuốc thang” [32, 194]. Trước kia, khó khăn lớn nhất của người dân miền núi là đói nghèo và đau ốm. Vì nghèo đói, lạc hậu mà bệnh tật xẩy ra liên miên. Nó như những tai hoạ treo lơ lửng trên đầu của mỗi người. Mỗi khi ốm đau, họ chỉ biết cúng ma mong khỏi bệnh, nhưng bệnh vẫn hoàn bệnh mà cuộc sống thì ngày một khó khăn đi. Cách mạng đến đem theo tri thức, văn hoá cho người dân miền núi, họ đã thực sự thoát khỏi cái tai hoạ khủng khiếp đó.

Trong tiểu thuyết Vào hang, tác giả đã ghi lại mốc sự kiện hợp tác hoá nông nghiệp (1958 – 1960): chính sách hợp tác xã được ban hành nhưng vẫn chưa hoàn toàn công hữu hoá thì “đời sống nhân dân còn tàm tạm”. Nghĩa là thời kì đó, họ vẫn còn một phần đất đai, của cải, tư liệu sản xuất riêng. Với một phần nhỏ ấy, họ vẫn đảm bảo được cuộc sống, chưa đến nỗi nghèo đói. Nhưng ngay từ những năm đầu của phong trào hợp tác xã đã dự báo một tương lai không tốt đẹp. Quả đúng như vậy, “từ những năm 1962 về sau này, tiến lên hợp tác xã cao cấp, nghĩa là toàn bộ tư liệu đều hợp tác hoá, đều là của chung thì đời sống nhân dân mỗi năm một đi xuống”, đến nỗi “sau ba năm hợp tác thành lập, bản làng tàn tạ, người thiếu ăn, gầy gò xanh xao. Trâu bò chỉ còn da bọc xương...”. Thiếu ăn con người trở nên gian trá, ích kỉ, hẹp hòi. Không chỉ có “đất Ba Mái bước vào những năm tăm tối cả trời đất” mà đó cũng là những năm khó khăn nhất của đất nước ta. Với khẩu hiệu “dựa hẳn vào bần cố nông, liên minh với trung nông”, những kẻ lười nhác, có lòng ích kỉ, hẹp hòi đã lợi dụng tố oan nhiều gia đình giầu có (do

chăm chỉ làm ăn) khiến họ đã bị liệt vào thành phần phú nông, mà “đã là phú nông thì nhà nước không quan tâm đến nữa: không được làm cán bộ cấp cao, con cháu không được đi học các trường chuyên nghiệp”. Tác giả gọi cái thời kì ấy là “giai đoạn đen tối... ở đất Ba Mái”.

Mốc lịch sử trọng đại tiếp theo đáng ghi nhớ của dân tộc đã được Vi Hồng ghi lại trong tiểu thuyết Vào hang là khi đất nước được hoàn toàn giải phóng (30/4/1975). Cùng với nhân dân cả nước, người dân miền núi cũng mừng vui khôn xiết. “Họ sung sướng ngây ngất trước một tin mừng lớn lao, mới mẻ... Mọi người ở vùng Pác Nặm được hưởng khúc ca hạnh phúc, hoà bình”. Niềm vui lại được nhân lên gấp bội bởi quê hương được chào đón những người con đi đánh giặc trở về. Mười năm trở lại quê hương, trung uý Thoong hết sức buồn đau trước sự thay đổi của gia đình, của bản mường: “Mẹ đã mất, bố cũng hom hem, vợ thì mất tích vì những con người độc ác ở quê hương... Bản làng tiêu điều, nhà nhà đói khát”. Qua ban quản trị hợp tác xã anh được biết: “bọn gian ác tham lam lộng quyền, che dấu tội ác... Chúng là một lũ những con cáo, con hổ chỉ rình rập ăn cướp, hút máu người. Còn những người tâm huyết với bản mường thì quá ít”. Trước cảnh gia đình và bản làng như vậy, Thoong đau đớn vô cùng. Anh đã cùng với ông Nghiệp, Nọi, Thảnh, Lạ đứng lên tố cáo bọn ác thú đó trước những ông quan Bộ, vạch ra bộ mặt thật dã man tàn bạo mà chúng khéo che đậy bấy nay, trả lại cuộc sống bình yên cho bản làng.

Có một sự kiện lịch sử ít người biết đến, hoặc đã lãng quên đã được Vi Hồng ghi lại trong tiểu thuyết Thung lũng Đá Rơi với thời gian, địa điểm hết sức cụ thể, chính xác “Năm 1979 gặc bành trướng đục trộm núi Nguyên Bình, chúng tấn công vào thung lũng Thin Tốc. Lập tức ban giám đốc thành ban chỉ huy tiểu đoàn mà Bèn làm tiểu đoàn trưởng, ông Lót ra làm cố vấn cho tiểu đoàn. Bên ta bị hi sinh 21 công nhân nhưng địch xung phong nhiều lần mà không vào được thung lũng”.

Thời gian sự kiện lịch sử qua những trang viết của Vi Hồng đã đem đến cho người đọc sự hình dung cụ thể về cuộc sống của người dân miền núi, qua các

chặng đường lịch sử của đất nước. Yếu tố thời gian lịch sử đã trở thành phương tiện để nhà văn khái quát các vấn đề của đời sống miền núi trong những thăng trầm của dòng chảy lịch sử dân tộc. Thời gian sự kiện lịch sử – một yếu tố không thể thiếu đã làm tăng sức hấp dẫn cho tiểu thuyết của Vi Hồng.

3.2.1.2. Thời gian sự kiện đời tư.

Thời gian sự kiện đời tư là một tiểu loại của thời gian nghệ thuật. Thời gian sự kiện đời tư, là thời gian được tác giả biểu hiện thông qua việc tổ chức diễn biến các sự kiện trong cuộc đời nhân vật và được sắp xếp theo một trình tự thời gian tuyến tính. Đối với những tiểu thuyết mang tính tự truyện, tác giả thường kể theo thời gian một chiều, tạo cái nhìn toàn diện cho cuộc đời nhân vật. Nhưng cũng có lúc tác giả tổ chức theo kiểu thời gian gấp khúc, có sự giãn cách của thời gian.

Trong tiểu thuyết Tháng năm biết nói thời gian sự kiện đời tư của nhân vật Hoàng là dòng thời gian một chiều, các sự kiện trong cuộc đời nhân vật được miêu tả theo trật tự thời gian xuôi chảy, theo diễn biến của cuộc đời nhân vật.

Cuộc đời của nhân vật Hoàng được tái hiện qua lời kể của người kể chuyện. Hoàng xuất hiện khi mới mười hai tuổi và cũng là lúc Hoàng bị mẹ ép phải lấy vợ khi chính Hoàng cũng chưa biết vợ là gì. Ngày cưới, mọi người xem cô dâu, “Hoàng cũng chui qua gầm giường trước bàn thờ... Thò đầu lên một khe hở ở đầu giường, sát vách bàn thờ ngắm người con gái đẹp – Con người đẹp mà nó chưa từng nhìn thấy bao giờ”.

Mười hai tuổi, Hoàng lấy vợ và đó cũng là cái mốc thời gian Hoàng bước vào bể khổ của cuộc đời mình. Người con gái đẹp mà Hoàng say sưa ngắm nhìn hôm cưới không phải là vợ Hoàng. Vợ Hoàng thực ra là người đàn bà mặt đỏ, hơn Hoàng những tám tuổi, có một ngoại hình gần như dị dạng khiến anh vô cùng khiếp sợ mỗi khi phải gần gũi. Nhưng cưới vợ cũng là cái mốc thời gian mà Hoàng thực hiện được mơ ước của mình.“Được đi học, nỗi vui sướng của Hoàng lớn lên bồng bồng như thổi bong bóng”. Nhưng nỗi khổ cũng lớn nhanh như nỗi vui sướng. Đã khổ vì mẹ, nay lại khổ vì một người đàn bà gọi là vợ Hoàng.

Mười ba tuổi, “Hoàng nghĩ được nhiều hơn, nhưng cái buồn khổ sao mà cứ lớn nhanh quá. Nó lớn lên, dồn nén, lèn chặt xung quanh cuộc đời Hoàng. Hoàng như nghẹt thở” bởi bài tập, bài học ngày càng nhiều hơn, công việc cũng ngày càng nhiều hơn. “Hoàng vẫn phải làm tất cả, cày bừa gánh nước, chăn trâu...”. May mắn thay, Hoàng được Băng giúp đỡ, anh đã tìm thấy niềm vui khi đi học.

Cứ thế thời gian trôi đi, “Hoàng đã đến cái tuổi cất tiếng, cất thanh”. Hoàng vốn là người có giọng lượn nên được nhiều người mời đến nhà đọc Phong slư.

Cuối cấp hai, cùng với hơn mười người, Hoàng thi vào cấp ba ở Xử Thải. “Ăn đói, mặc phong phanh, đêm đông chiếc chăn bông đắp đầu hở chân... Hoàng vẫn vui vẻ chịu đựng”. Để bớt đi khó khăn, Hoàng tranh thủ làm thuê, làm mướn lấy tiền ăn học.

Sau bốn năm học cấp ba trở về quê hương, trong khi bạn bè vui niềm vui trở về thì anh lại “héo hắt, nặng nề. Mỗi bước đi như có cục chì đeo ở cổ chân”. Nhưng cũng chính thời gian này, anh đã cứu giúp được người con gái mà anh yêu quý đang bị gia đình ép gả cho người mà cô không yêu. Tuyệt vọng, cô đang tìm đến cái chết thì Hoàng trở về. Nhờ Hoàng mà Băng đã thoát khỏi tục ép duyên để đến với bầu trời tự do. Vượt qua nỗi đau khổ của mình, Hoàng cố gắng học tập. Anh thi đỗ vào khoa Văn Đại học Sư phạm Hà Nội.

Hè năm thứ hai của đời sinh viên, nhớ quê, nhớ mẹ, Hoàng trở về. Xa quê đã lâu, nỗi đắng cay trong Hoàng dường như đã nhạt dần, nay trở về “nỗi đắng cay lại như đậm đặc trong lòng Hoàng” bởi về quê anh phải đối mặt với những kẻ lòng dạ hẹp hòi, ích kỉ như thằng Bùng, đối mặt với những người vô học tối tăm như vợ Hoàng, thằng Thìm, đối mặt với những đứa con không phải mình đẻ ra và chỉ biết nói toàn tiếng súc vật. “Hoàng lại buồn bã ngoi ngóp trong cái bể khổ đau của cuộc đời mình”.

Cuối năm thứ tư đại học, Hoàng gặp lại Băng. Sự xuất hiện của người con gái mà anh yêu quý đã khiến cho: “căn buồng nhỏ bé của Hoàng cũng bừng sáng

Xem tất cả 131 trang.

Ngày đăng: 08/12/2023
Trang chủ Tài liệu miễn phí