Giá Trị Văn Hóa, Văn Học Từ Những Sáng Tác Của Nguyễn Khải

chuyển tiếp thời đại. Còn về mặt không gian, khi một địa bàn trở thành ngã ba đường của sự giao lưu văn hoá, thì văn học có thể là nơi hoà giải của những xung đột tinh thần, nhằm tìm một tiếng nói cho sự chung sống giữa các nhóm người.

Ở xa, văn học thừa hưởng và hấp thụ những yếu tố của một không gian văn hoá rộng: văn hoá phương Đông, văn hoá dân tộc. Ở gần, văn học thừa hưởng và hấp thụ những yếu tố của một không gian văn hoá hẹp: văn hoá tộc người, văn hoá vùng. Những vùng văn hoá giao nhau sẽ tạo ra những nét chung trong văn học của từng vùng, đồng thời nó vẫn giữ lại những nét riêng làm căn cước giúp ta nhận diện bộ mặt của từng vùng văn hoá, từ đó phân biệt “lãnh thổ” trên bản đồ văn học.

Trong một bối cảnh văn hoá như vậy, chúng ta sẽ thấy sự nối tiếp và gần gũi giữa Sơn Nam, Bình Nguyên Lộc, Phi Vân ở nửa cuối thế kỷ XX với Hồ Biểu Chánh, Nguyễn Bửu Mộc, Nguyễn Chánh Sắt… ở nửa đầu thế kỷ đó. Và mặc dù không thiếu những nét chung với những nhà văn cùng cộng đồng vận mệnh trong thế kỷ đầy biến động này, ngay trong đề tài về cuộc sống ở nông thôn, sáng tác của họ cũng có một khoảng cách nhất định với sáng tác của Vò Hồng, Nguyễn Văn Xuân, Vò Phiến… ở miền Trung và Trần Tiêu, Bùi Hiển, Nguyễn Đình Lạp, Mạnh Phú Tư… ở miền Bắc.

Nằm trong cấu trúc văn hoá, đạo đức là những quy luật tinh thần hướng con người vươn đến điều Thiện, bao gồm những nguyên tắc ứng xử, những chuẩn mực và quy phạm trong đời sống xã hội. Nói đến quan hệ giữa văn học và đạo đức chính là nói đến quan hệ giữa cái đẹp và cái Thiện. Mỹ học truyền thống phương Đông cũng như phương Tây luôn nhấn mạnh sự thống nhất của hai phạm trù này và khẳng định văn học góp phần củng cố bầu không khí đạo đức của xã hội, trong đó tình người, lương tâm, bổn phận, sự trung thực, lòng nhân ái, lẽ công bằng… được đề cao. Ngược lại, khi xã hội vững chãi về

phong hoá, đạo đức, thì văn học sẽ tiếp nhận nguồn động lực để nói lên sự thật về cuộc đời và về lòng người.

Văn học gắn liền với ý thức đạo đức đó là tiếng nói của bổn phận và lương tâm ngay cả khi không có áp lực của xã hội và dư luận. Văn học khơi dậy sự ăn năn, cắn rứt của lương tâm con người về những tội lỗi mà có thể không một toà án nào xử phạt được. Đó là sự sám hối, xưng tội của con người với chính bản thân mình: con người tự kết án, tự biện hộ, tự phán quyết và tự hoà giải với lương tâm mình. Có thể nói, ở nơi mà luật pháp, dư luận xã hội không can thiệp được, thì văn học có khả năng khơi dậy và tỉnh thức lương tri của con người.

Từ xưa đến nay, từ Đông sang Tây, không có một nền giáo dục chân chính nào xem nhẹ văn học. Văn học giữ một vị trí then chốt trong hệ thống các môn khoa học nhân văn ở nhà trường tiểu học, trung học và đại học. Trên những chặng đường đời người ta có thể quên đi những định lý toán học, định luật vật lý hay công thức hoá học; nhưng người ta sẽ nhớ mãi những bài văn hay được học từ thời thơ ấu.

Cùng chia sẻ những giá trị đạo đức chung, nhưng mỗi dân tộc, mỗi tộc người, thậm chí mỗi vùng đất có thể có những phong tục, tập quán riêng. Tôn trọng bản sắc văn hoá cũng là tôn trọng những phong tục, tập quán đó và không lấy phong tục nơi này làm chuẩn mực đánh giá phong tục nơi khác.

Ở Việt Nam đã hình thành cả một dòng văn xuôi phong tục với những tác gia am hiểu sâu sắc đời sống nông thôn: Ngô Tất Tố với Việc làng Lều chòng, Trần Tiêu với Con trâu Chồng con, Mạnh Phú Tư với Làm lẽ Sống nhờ, Bùi Hiển với Nằm vạ, Nguyễn Đình Lạp với Ngoại ô… Tất nhiên, tác phẩm có sức ám ảnh là nhờ trên cái nền của sự miêu tả phong tục đó, nhà văn tái hiện những tình huống bi kịch của kiếp người. Viết về phong tục, các nhà văn không chỉ làm công việc miêu tả đơn thuần, mà còn bày tỏ

một thái độ trước những phong tục tập quán đã lỗi thời, không còn phù hợp với thời đại mới vì ngăn trở con người đi tìm tự do và hạnh phúc.

Có thể bạn quan tâm!

Xem toàn bộ 67 trang tài liệu này.

Tóm lại, văn học luôn có mối quan hệ chặt chẽ với các lĩnh vực khác nhau của văn hoá. Có thể nói nhà văn đích thực là một nhà hoạt động văn hoá, tác phẩm văn học là một sản phẩm văn hoá và người đọc là một người thụ hưởng văn hoá. Trong thời đại ngày nay, đa số quốc gia đều là xã hội đa văn hoá, văn học vì vậy cũng đa dạng như văn hoá. Chính sách đối với văn học là một phần của chính sách văn hoá mà tiêu điểm là con người với những nhu cầu tinh thần ngày càng phát triển, và nói theo Jacques Rigaud, nó hướng đến việc tìm kiếm “một ngôn ngữ chung giữ cho chúng ta không quay trở lại thời kỳ man rợ”

1.2. Tác giả Nguyễn Khải

Tập truyện ngắn Hà Nội trong mắt tôi của Nguyễn Khải dưới góc nhìn văn hóa - 3

1.2.1. Tiểu sử

Nguyễn Khải tên thật là Nguyễn Mạnh Khải, sinh ngày 3 tháng 12 năm 1930 tại Hà Nội. Quê nội ở thành phố Nam Định nhưng tuổi nhỏ sống ở nhiều nơi. Khi Nguyễn Khải đang học trung học thì gặp Cách mạng tháng Tám. Trong kháng chiến chống Pháp, Nguyễn Khải gia nhập tự vệ chiến đấu ở thị xã Hưng Yên, sau đó vào bộ đội, làm y tá rồi làm báo. Bắt đầu viết văn từ những năm 1950, được chú ý từ tiểu thuyết Xung đột (phần I năm 1959, phần II năm 1962).

Sau năm 1975, Nguyễn Khải chuyển vào sinh sống tại thành phố Hồ Chí Minh. Ông rời quân đội năm 1988 với quân hàm đại tá để về làm việc tại Hội Nhà văn Việt Nam. Nguyễn Khải từng là Ủy viên Ban chấp hành Hội Nhà văn Việt Nam các khóa 2, 3 và là Phó tổng thư ký khóa 3. Ông là Đại biểu Quốc hội khóa VII. Ông mất ngày 15 tháng 1 năm 2008 tại thành phố Hồ Chí Minh do bệnh tim.

Chủ đề các tác phẩm của Nguyễn Khải khá phong phú: về nông thôn trong quá trình xây dựng cuộc sống mới, về bộ đội trong những năm chiến

tranh chống Mỹ, về những vấn đề xã hội - chính trị có tính thời sự và đời sống tư tưởng, tinh thần của con người hiện nay trước những biến động phức tạp của đời sống.

Sáng tác của Nguyễn Khải thể hiện sự nhạy bén và cách khám phá riêng của nhà văn với các vấn đề xã hội, năng lực phân tích tâm lý sắc sảo, sức mạnh của lý trí tỉnh táo. Năm 1982, Nguyễn Khải nhận Giải thưởng Hội Nhà văn Việt Nam với tiểu thuyết Gặp gỡ cuối năm. Năm 2000, nhà văn được phong tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh đợt II về Văn học nghệ thuật.

Các tác phẩm nổi bật của Nguyễn Khải có thể kể đến như: Mùa xuân ở Chương Mỹ (1954), Người con gái quang vinh (1956), Xung đột (truyện, 1959), Mùa lạc (tập truyện ngắn, 1960), Hãy đi xa hơn nữa (truyện vừa, 1963), Người trở về (tập truyện vừa, 1964), Họ sống và chiến đấu (ký sự, 1966), Hoà Vang (bút ký, 1967), Đường trong mây (tiểu thuyết, 1970), Ra đảo (1970), Chủ tịch huyện (truyện, 1972), Chiến sĩ (tiểu thuyết, 1973), Tháng ba Tây nguyên (ký, 1976), Cách mạng (kịch, 1978), Gặp gỡ cuối năm (tiểu thuyết, 1982), Thời gian của người (1985), Điều tra về một cái chết (tiểu thuyết, 1986), Vòng sống đến vô cùng (truyện, 1987), Một còi nhân gian bé tí (tiểu thuyết, 1989), Một người Hà Nội (tập truyện ngắn, 1990), Sư già chùa Thắm, và Ông đại tá về hưu (tập truyện vừa, 1993,) Một thời gió bụi (truyện ngắn, 1993), Hà Nội trong mắt tôi(tập truyện ngắn, 1995), Chút phấn của đời (truyện ngắn và kịch, 1999), Chuyện nghề (1999), Nắng chiều (tập truyện ngắn, 2001), Hãy đi xa hơn nữa (tập truyện ngắn thiếu nhi, 2002), Mẹ và các con (tập truyện ngắn thiếu nhi, 2002), Sống ở đời (tập truyện, 2003), Ký sự & Kịch (2003), Thượng đế thì cười (tiểu thuyết, 2003), Nghề văn cũng lắm công phu (truyện - tạp văn, 2003), Vòng tròn trống rỗng (kịch, 2003), Một chặng đường (tiểu thuyết, 2005, Đi tìm cái tôi đã mất (tùy bút, 2006)…

Có thể thấy Nguyễn Khải là một cây bút trí tuệ, luôn luôn suy nghĩ sâu lắng về những vấn đề mà cuộc sống đặt ra và cố gắng tìm một lời giải đáp

thuyết phục theo cách riêng của mình. Cho nên trong các tác phẩm của nhà văn, thông qua sự kiện xã hội, chính trị có tính thời sự nóng hổi, bao giờ cũng nổi lên những vấn đề khái quát có ý nghĩa triết học và đạo đức nhân sinh…".

1.2.2 Giá trị văn hóa, văn học từ những sáng tác của Nguyễn Khải

Hơn nửa thế kỷ lao động không ngưng nghỉ, thành công ở hầu khắp các thể loại tiểu thuyết, truyện ngắn, bút ký, kịch... Mỗi tác phẩm của Nguyễn Khải ra đời, dù ở vào thời điểm nào, đều gây được sự chú ý của độc giả, của giới nghiên cứu phê bình và các đồng nghiệp. Các tác phẩm của ông không chỉ đánh dấu bước đi của đời sống hiện thực mà còn của cả những tìm tòi trăn trở của nhà văn trên con đường sáng tạo. Qua các tác phẩm tiêu biểu: Xung đột, Mùa lạc, Tầm nhìn xa (thời kỳ xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc những năm hoà bình mới lập lại); Họ sống và chiến đấu, Chiến sỹ, Tháng ba ở Tây Nguyên, Cha và con và... (thời kỳ kháng chiến chống Mỹ cứu nước); Cách mạng, Gặp gỡ cuối năm, Thời gian của Người, Vòng sóng đến vô cùng, Ðiều tra về một cái chết (thời kỳ thống nhất đất nước); Nắng chiều, Một người Hà Nội, Chúng tôi và bọn hắn, Lạc thời, Đời khổ, Anh hùng bĩ vận (thời kỳ đổi mới),… Nguyễn Khải đã phản ánh sinh động hiện thực cách mạng cũng như đời sống tinh thần của con người thời đại.

Vì lý tưởng của cách mạng, vì một cái đẹp chân chính, tích cực, ở bất cứ một giai đoạn sáng tác nào Nguyễn Khải cũng cố gắng xông vào những lĩnh vực phức tạp của đời sống, dùng ngòi bút của mình phản ánh những vấn đề nóng bỏng, sâu sắc của xã hội; những biểu hiện thầm kín, tinh vi trong nhận thức, tư tưởng con người thời đại và trở thành một trong những ngòi bút giàu tính chiến đấu của nền văn học.

Cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp đã làm thay đổi cuộc đời ông. Trong tiểu thuyết Thượng đế thì cười, ông viết “Không có cách mạng thì đến làm người tầm thường cũng khó, nói gì làm một nhà văn”. Cho nên, khi tiếp xúc với những cái mới mẻ của cách mạng, con người trẻ tuổi đó đã tự nguyện

đứng trong đội ngũ với tất cả tấm lòng nhiệt thành, sôi nổi đóng góp sức mình cho cuộc kháng chiến. Khi đến với nghề văn, Nguyễn Khải là nhà văn sớm có ý thức dùng văn học để phục vụ sự nghiệp cách mạng, để góp phần làm cho cuộc sống của con người ngày một tốt đẹp hơn, hạnh phúc hơn. Năm 1957, sau một số sáng tác đầu tay ít nhiều gây được ấn tượng như: Ra ngoài (1951), Xây dựng (1951), Nằm vạ (1956), Nguyễn Khải cho ra đời tác phẩm Xung đột, thể hiện sự quan tâm của nhà văn đến một vấn đề nóng bỏng của đời sống

- vấn đề của cuộc đấu tranh giai cấp gay gắt đang diễn ra ở nông thôn ngay trong điều kiện hoà bình, vấn đề mâu thuẫn giữa đức tin tôn giáo và niềm tin mới ở lý tưởng cách mạng trong lòng người có đạo. Tác phẩm ra đời là một sự kiện đáng chú ý, được dư luận sôi nổi đón nhận và bước đầu khẳng định tài năng của tác giả văn xuôi Nguyễn Khải. Vũ Tú Nam nhận xét: “Xung đột là một tác phẩm có nhiều sáng tạo và tác giả thật sự có phong thái của một người viết tiểu thuyết. Với những trang viết còn nóng hổi hơi thở của cuộc sống bộn bề và sôi động; với những nhận xét sắc sảo, tinh tế, Xung đột đã đem đến cho nền văn học cách mạng nước ta một cái nhìn nghệ thuật mới mẻ, độc đáo về nông thôn, một “phong cách văn xuôi hiện thực tỉnh táo”. Ngay nay đọc lại Xung đột, chúng ta vẫn thấy đó là một đỉnh cao trong sáng tác của Nguyễn Khải.

Năm 1960, trong phong trào xây dựng quê hương mới và hàn gắn vết thương chiến tranh, Nguyễn Khải có mặt ở nông trường Điện Biên, một nơi tiêu biểu thuộc miền rừng núi Tây Bắc xa xôi của Tổ quốc. Và chính ở nơi trước đây từng là bãi chiến trường đẫm máu, ngòi bút nhạy cảm với cái mới của nhà văn đã viết những tác phẩm: Mùa lạc, Đứa con nuôi, Chuyện người tổ trưởng máy kéo, Hãy đi xa hơn nữa, … Đó là những trang viết xúc động, sôi nổi mà ấm áp về một cuộc sống mới đang được dựng xây, về tình yêu và sự đổi thay của số phận con người, về những quan hệ đạo đức mới xã hội chủ nghĩa đầy tình thương và trách nhiệm giữa con người với con người.

Những trang viết về Điện Biên có thể nói là những trang viết đầy cảm hứng về cuộc sống lao động, chan chứa tình người thể hiện chủ nghĩa nhân đạo sâu sắc và phẩm chất lãng mạn của cây bút Nguyễn Khải. Ông đã “đến với nhân vật bằng tình cảm yêu thương và thái độ trân trọng”, vừa ca ngợi con người nhưng cũng lại khám phá cái thế giới tinh thần vốn đa dạng và phức tạp để cải hóa con người. Những trang viết về lao động đầy cảm hứng trong sáng tác của Nguyễn Khải giai đoạn này đã để lại hình ảnh đẹp đẽ của những con người đang hăng say lao động cùng những nét đẹp diệu kỳ của cuộc sống mới. Đó là điều mà văn học trước Cách mạng không thể có.

Khi đế quốc Mỹ leo thang đánh phá miền Bắc, Nguyễn Khải đã có mặt ở những nơi nóng bỏng của cuộc chiến đấu. Đến với các chiến sĩ ở đảo Cồn Cỏ - vị trí đầu sóng ngọn gió canh giữ biển trời của Tổ quốc, Nguyễn Khải cho ra đời thiên ký sự Họ sống và chiến đấu, một trong những cuốn sách tràn đầy chủ nghĩa anh hùng cách mạng của quân đội ta. Đến với những chiến sĩ công binh đang trấn giữ một địa điểm cực kỳ ác liệt ở Trường Sơn, ông viết Đường trong mây; vào đất lửa Vĩnh Linh, đến với những con người xông pha vượt mọi nguy hiểm để đưa hàng tiếp tế ra Cồn Cỏ, viết Ra đảo; đi chiến dịch đường Chín - Nam Lào, viết Chiến sĩ; tham gia chiến dịch giải phóng miền Nam, viết Tháng Ba ở Tây Nguyên.

Trong cuộc chiến đấu anh dũng của quân dân ta, ngòi bút Nguyễn Khải hào hứng viết về những con người anh hùng không tiếc sức mình cho cuộc kháng chiến của dân tộc. Và ở đây, ông đặc biệt đi sâu vào vẻ đẹp tâm hồn của người chiến sĩ. Đó là những người lính trẻ, những Thái Văn A, Đinh Kinh, bác sĩ Lê, … Những con người với tất cả tâm hồn trong sáng, hồn nhiên, vô tư, thanh thản. “Nó là đôi cánh của cuộc sống, có nó cái sự nghiệp nặng nề mà chúng ta đang gánh vác sẽ nhẹ nhòm hơn, nên thơ hơn và vui vẻ hơn rất nhiều” (Họ sống và chiến đấu).

Mặt khác, chính từ hoàn cảnh cuộc sống chiến đấu gian khổ, ngòi bút Nguyễn Khải lại sắc sảo đi vào phân tích mọi vấn đề và lý giải sức mạnh của con người trong chiến đấu. Với Chiến sĩ, ông phát hiện những nét tưởng như đơn giản mà ẩn chứa cả sức mạnh của con người - “Tình cảm con người ta ghê gớm thật, nó nghiêng về phía nào, toàn bộ sức mạnh trút về phía ấy” (lời Thịnh trong Chiến sĩ).

Bằng những tác phẩm viết về cuộc chiến tranh cách mạng, Nguyễn Khải đã thể hiện một cách đặc sắc hiện thực sôi động của cuộc sống chiến đấu của quân dân ta. Cái hiện thực theo ông “tự nó đã là một thiên anh hùng ca cảm động nhất, giàu màu sắc lãng mạn nhất. Và chính cái chất lãng mạn ấy là khía cạnh tích cực của bản thân hiện thực, là đôi cánh hiện thực”. Đời văn ông gắn liền với những yêu cầu lớn của cuộc cách mạng giải phóng dân tộc và xã hội chủ nghĩa. Ông luôn khao khát có mặt trong cuộc sống, tranh biện với người đương thời, đưa ra những vấn đề thiết cốt và đóng góp cho những quá trình đấu tranh xã hội.

Từ sau chiến thắng vĩ đại mùa Xuân năm 1975, đất nước thống nhất, Nguyễn Khải đến với một hiện thực hoàn toàn mới mẻ - hiện thực cuộc sống ở miền Nam sau giải phóng. Đối với các tầng lớp nhân dân và các giai cấp ở miền Nam, đây sẽ là một cuộc thay đổi lớn trong suy nghĩ và tình cảm của mỗi người. Đặc biệt đối với những người từng gắn bó sâu sắc với chế độ cũ tất sẽ không tránh khỏi một cuộc đấu tranh tư tưởng gay gắt và quyết liệt. Trước hiện thực đa dạng và phức tạp đó, nhà văn của chúng ta vốn đã trải qua những năm tháng xây dựng và cải tạo xã hội chủ nghĩa ở nông thôn miền Bắc, qua cuộc kháng chiến cứu nước gian khổ, giờ đây lại phát hiện thêm một khía cạnh mới của hiện thực: thắng lợi của cuộc cách mạng trong nhận thức của những con người vốn gắn bó sâu sắc với chế độ Sài Gòn cũ; ý nghĩa thâm trầm của nó. Các tác phẩm Cách mạng, Gặp gỡ cuối năm, Thời gian của người, … đã ra đời trong khung cảnh đó.

Ngày đăng: 20/07/2022