Tác động của luật đầu tư năm 2005 vào đầu tư trực tiếp nước ngoài tại Việt Nam - 7


hoạt động này tại Khoản 2 và 3 Điều 15. Theo đó, nhà đầu tư nước ngoài được quảng cáo, tiếp thị sản phẩm, dịch vụ của mình và trực tiếp ký hợp đồng quảng cáo với tổ chức được quyền hoạt động quảng cáo; được quyền thực hiện hoạt động gia công, gia công lại sản phẩm; đặt gia công và gia công lại trong nước, đặt gia công ở nước ngoài theo quy định của pháp luật về thương mại.

d. Quyền mở tài khoản và mua ngoại tệ


- Về quyền mua ngoại tệ:


Tại Điều 33 Luật sửa đổi bổ sung một số điều Luật Đầu tư nước ngoài tại Việt Nam năm 2000, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài và các bên tham gia hợp đồng hợp tác kinh doanh được mua ngoại tệ tại ngân hàng thương mại để đáp ứng cho các giao dịch vãng lai và các giao dịch được phép khác theo quy định của pháp luật về quản lý ngoại hối. Chính phủ cũng bảo đảm cân đối ngoại tệ cho những dự án đặc biệt quan trọng đầu tư theo chương trình của Chính phủ trong từng thời kỳ và bảo đảm hỗ trợ cân đối ngoại tệ cho các dự án xây dựng công trình kết cấu hạ tầng và một số dự án quan trọng khác.

LĐT mở rộng quyền cho nhà đầu tư nước ngoài về mua ngoại tệ. Theo đó, ngoài mục đích đáp ứng các giao dịch vãng lai, nhà đầu tư có quyền mua ngoại tệ để đáp ứng giao dịch vốn và các giao dịch khác theo quy định của pháp luật về quản lý ngoại hối. Ngoài ra, LĐT cũng quy định rõ các dự án được Chính phủ bảo đảm cân đối hoặc hỗ trợ cân đối ngoại tệ (một số dự án quan trọng trong lĩnh vực năng lượng, kết cấu hạ tầng giao thông, xử lý chất thải).

- Về quyền mở tài khoản:


Có thể bạn quan tâm!

Xem toàn bộ 129 trang tài liệu này.

Theo điều 35 luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật ĐTNN tại Việt Nam năm 2000, doanh nghiệp có vốn ĐTNN được mở tài khoản bằng tiền Việt Nam và tiền nước ngoài tại Ngân hàng Việt Nam, hoặc tại ngân hàng liên doanh, hoặc tại ngân hàng nước ngoài ở Việt Nam; trong trường hợp đặc biệt, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài có thể được mở tài khoản ở nước ngoài khi được Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chấp nhận.


Tác động của luật đầu tư năm 2005 vào đầu tư trực tiếp nước ngoài tại Việt Nam - 7

LĐT chỉ quy định các nhà đầu tư trong và ngoài nước được bình đẳng trong việc tiếp cận sử dụng các nguồn vốn tín dụng, quỹ hỗ trợ chứ không quy định gì về việc mở tài khoản của nhà đầu tư nước ngoài. Tuy nhiên, theo Điều 16 của Nghị định 108/2006/NĐ-CP ngày 22/9/2006 quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của LĐT, nhà đầu tư được mở tài khoản đồng Việt Nam và tài khoản ngoại tệ tại tổ chức tín dụng ở Việt Nam theo quy định của pháp luật về quản lý ngoại hối, trường hợp được Ngân hàng Nhà nước chấp thuận, nhà đầu tư được mở tài khoản tại ngân hàng ở nước ngoài.

Như vậy, theo LĐT, nhà đầu tư có thể mở tài khoản, mua ngoại tệ tại bất kỳ tổ chức tín dụng nào hoạt động ở Việt Nam theo quy định của pháp lệnh ngoại hối chứ không bị giới hạn ở các ngân hàng như quy định trong các văn bản luật trước đó.

e. Quyền chuyển nhượng, điều chỉnh vốn hoặc dự án đầu tư


Theo Điều 34 Luật ĐTNN tại Việt Nam năm 1996 và Luật sửa đổi bổ sung một số điều của Luật ĐTNN tại Việt Nam năm 2000, các bên trong doanh nghiệp liên doanh bao gồm cả nhà đầu tư nước ngoài có quyền chuyển nhượng giá trị phần vốn của mình trong doanh nghiệp liên doanh, nhưng phải ưu tiên chuyển nhượng cho các bên trong doanh nghiệp liên doanh. Trong trường hợp chuyển nhượng cho doanh nghiệp ngoài liên doanh thì điều kiện chuyển nhượng không được thuận lợi hơn so với điều kiện đã đặt ra cho các bên trong doanh nghiệp liên doanh. Việc chuyển nhượng vốn phải được các bên trong doanh nghiệp liên doanh thỏa thuận. Các quy định này cũng được áp dụng với việc chuyển nhượng quyền và nghĩa vụ của các bên trong hợp đồng hợp tác kinh doanh. Đối với doanh nghiệp 100% vốn đầu tư nước ngoài, nhà đầu tư có quyền chuyển nhượng vốn của mình. Luật cũng quy định nếu chuyển nhượng vốn có phát sinh lợi nhuận thì bên chuyển nhượng nộp thuế thu nhập doanh nghiệp với thuế suất là 25%. Rõ ràng việc quy định nhà đầu tư nước ngoài trong doanh nghiệp liên doanh có thể chuyển nhượng vốn cho “doanh nghiệp ngoài liên doanh” và bên chuyển nhượng phải nộp thuế thu nhập doanh nghiệp trong trường hợp chuyển nhượng phát sinh lợi nhuận là không chính xác và gây hiểu lầm cho các nhà đầu tư.


LĐT chỉ quy định tất cả các nhà đầu tư trong đó có nhà đầu tư nước ngoài được quyền chuyển nhượng, điều chỉnh vốn của dự án đầu tư, không quy định cụ thể về thủ tục và quy trình chuyển nhượng vốn như thế nào. Những điểm này được quy định cụ thể tại các luật có liên quan tùy theo hình thức đầu tư mà nhà đầu tư lựa chọn như Luật Doanh nghiệp, Luật các tổ chức tín dụng,…

LĐT cũng quy định trong trường hợp chuyển nhượng có phát sinh lợi nhuận thì bên chuyển nhượng phải nộp thuế thu nhập theo quy định của pháp luật về thuế.

LĐT bổ sung một điểm về điều kiện chuyển nhượng, điều chỉnh vốn, dự án đầu tư trong những trường hợp phải quy định có điều kiện tại Khoản 2 điều 17. Theo đó, việc chuyển nhượng, điều chỉnh này sẽ được Chính phủ quy định cụ thể.

f. Quyền thế chấp, sử dụng đất, quyền gắn liền với đất


Theo Điều 46 Luật Đầu tư nước ngoài năm 2000 và Điều 92 Nghị định 27/2003/NĐ-CP quy định doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài chỉ được thế chấp quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền với đất trong thời hạn thuê đất, thuê lại đất để đảm bảo vay vốn tại tổ chức tín dụng được phép hoạt động tại Việt Nam theo quy định của pháp luật trong các trường hợp sau:

- Doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài đã trả tiền thuê đất nhiều năm, nếu thời hạn thuê đất trả tiền còn lại ít nhất 05 năm.

- Doanh nghiệp liên doanh bên Việt Nam góp vốn bằng quyền sử dụng đất, nếu thời hạn góp vốn bằng quyền sử dụng đất còn lại ít nhất 05 năm.

LĐT và Nghị định 108/2006/NĐ-CP chỉ quy định nhà đầu tư nước ngoài có dự án đầu tư được thế chấp quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền với đất tại tổ chức tín dụng được phép hoạt động tại Việt Nam để vay vốn thực hiện dự án theo quy định của pháp luật, không quy định cụ thể từng trường hợp mà nhà đầu tư được phép thế chấp quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền với đất như quy định ở nghị định 27/2003/NĐ-CP.

g. Nghĩa vụ của nhà đầu tư nước ngoài


Trong LĐT có các điểm mới về nghĩa vụ của nhà đầu tư nước ngoài như sau:


- Nhà đầu tư phải thực hiện đầy đủ các quy định về tài chính theo quy định của pháp luật. Rõ ràng đây là một quy định tiến bộ hơn hẳn so với Luật Đầu tư nước ngoài năm 1996 (Luật ĐTNN năm 1996 chỉ đề cập đến nghĩa vụ nộp thuế của nhà đầu tư). Quy định này tổng quát hơn, hạn chế việc phải sửa đổi, bổ sung luật trong trường hợp nhà nước phải quy định thêm những nghĩa vụ tài chính khác để phù hợp với những thay đổi trong thể chế pháp luật và tình hình kinh tế, chính trị - xã hội sau này.

- Bổ sung nghĩa vụ thực hiện các quy định của pháp luật về thống kê.

- Bổ sung nghĩa vụ tạo điều kiện thuận lợi để người lao động thành lập, tham gia tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội.

- Bổ sung việc phải thực hiện quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường.

- Thực hiện các nghĩa vụ khác theo quy định của pháp luật.


3.2. Hình thức đầu tư


Theo Điều 4 Luật Đầu tư nước ngoài năm 1996 và Luật sửa đổi bổ sung một số điều của Luật Đầu tư nước ngoài năm 2000 thì các nhà đầu tư nước ngoài chỉ được phép đầu tư vào Việt Nam dưới các hình thức sau đây:

- Hợp tác kinh doanh trên cơ sở hợp đồng hợp tác kinh doanh;

- Doanh nghiệp liên doanh;

- Doanh nghiệp 100% vốn đầu tư nước ngoài.


Tuy nhiên, theo Điều 21, Luật Đầu tư năm 2005, hình thức đầu tư trực tiếp cho các nhà đầu tư nước ngoài được mở rộng đáng kể. Theo đó, nhà đầu tư nước ngoài được phép đầu tư trực tiếp vào Việt Nam dưới các hình thức sau:

- Thành lập tổ chức kinh tế 100% vốn của nhà đầu tư nước ngoài;

- Thành lập tổ chức kinh tế liên doanh giữa các nhà đầu tư trong nước và nhà đầu tư nước ngoài;

- Đầu tư theo hình thức hợp đồng BCC, hợp đồng BOT, hợp đồng BTO, hợp đồng BT;

- Đầu tư phát triển kinh doanh;

- Mua cổ phần hoặc góp vốn để tham gia quản lý hoạt động đầu tư;


- Đầu tư thực hiện việc sáp nhập và mua lại doanh nghiệp;

- Các hình thức đầu tư trực tiếp khác.


a. Về hình thức đầu tư thành lập tổ chức kinh tế 100% vốn nước ngoài và thành lậptổ chức kinh tế liên doanh giữa các nhà đầu tư trong nước và nhà đầu tư nướcngoài:

- Về hình thức và cơ cấu tổ chức


Theo Điều 4 Luật ĐTNN năm 1996 và Luật sửa đổi bổ sung một số điều của Luật ĐTNN năm 2000, khi đầu tư trực tiếp vào Việt Nam có gắn với thành lập tổ chức kinh tế, nhà đầu tư nước ngoài chỉ được phép thành lập doanh nghiệp liên doanh và doanh nghiệp 100% vốn đầu tư nước ngoài.

Luật Đầu tư năm 2005 đã thay từ “doanh nghiệp” thành một từ có nghĩa rộng hơn là “tổ chức kinh tế”. Theo đó, nhà đầu tư nước ngoài được phép thành lập tổ chức kinh tế 100% vốn của nhà đầu tư nước ngoài hoặc thành lập tổ chức kinh tế liên doanh giữa các nhà đầu tư trong nước và nhà đầu tư nước ngoài.

Cũng theo luật này, tại điều 22 quy định, nhà đầu tư được đầu tư để thành lập các tổ chức kinh tế sau:

- Doanh nghiệp tổ chức hoặc hoạt động theo Luật doanh nghiệp.

- Tổ chức tín dụng, doanh nghiệp kinh doanh bảo hiểm, quỹ đầu tư và các tổ chức tài chính khác theo quy định của pháp luật.

- Cơ sở dịch vụ y tế, giáo dục, khoa học, văn hóa, thể thao và các cơ sở dịch vụ khác hoạt động đầu tư sinh lợi.

- Các tổ chức kinh tế khác theo quy định của pháp luật.


Hơn thế, LĐT cũng xoá bỏ quy định doanh nghiệp liên doanh hoặc doanh nghiệp 100% vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài chỉ được thành lập dưới hình thức công ty trách nhiệm hữu hạn (Theo điều 6 và Điều 15 Luật ĐTNN năm 1996). Thay vào đó, nhà đầu tư được quyền tự do lựa chọn hình thức doanh nghiệp theo quy định tại Luật Doanh nghiệp, đó là công ty cổ phần, công ty trách nhiệm hữu hạn, công ty hợp danh, và doanh nghiệp tư nhân.


- Về vốn góp


Trong Luật ĐTNN năm 1996, tại Điều 7 có quy định: “ Bên nước ngoài tham gia doanh nghiệp liên doanh góp vốn pháp định bằng:

- Tiền nước ngoài, tiền Việt Nam có nguồn gốc từ đầu tư tại Việt Nam.

- Thiết bị máy móc, nhà xưởng, công trình xây dựng khác.

- Giá trị quyền sở hữu công nghiệp, bí quyết kỹ thuật, quy trình công nghệ, dịch vụ kỹ thuật.”

Theo LĐT, vốn đầu tư được hiểu là vốn bằng tiền và các tài sản hợp pháp khác của nhà đầu tư, do đó, nhà đầu tư nước ngoài có quyền dùng tiền và các tài sản hợp pháp khác của mình để góp vốn và liên doanh chứ không bị bó gọn vào một số loại hình tài sản như trong Luật Đầu tư nước ngoài năm 1996.

- Về vốn pháp định


LĐT đã xoá bỏ quy định về mức vốn pháp định tối thiểu mà nhà đầu tư nước ngoài phải góp vào trong liên doanh (30%) theo Điều 8 Luật ĐTNN năm 1996. Thay vào đó, các quy định về tổ chức, hoạt động của doanh nghiệp được dẫn chiếu tới các quy định của Luật Doanh nghiệp.

- Về tổ chức hoạt động


Luật ĐTNN năm 1996 quy định nhà đầu tư nước ngoài chỉ được thành lập doanh nghiệp dưới hình thức công ty trách nhiệm hữu hạn, nên luật cũng quy định cụ thể về cơ cấu tổ chức của doanh nghiệp liên doanh. Luật cũng quy định Tổng Giám đốc hoặc Phó Tổng Giám đốc thứ nhất phải là công dân Việt Nam.

LĐT đã mở rộng các hình thức tổ chức kinh tế nhà đầu tư nước ngoài được phép thành lập khi thực hiện dự án đầu tư tại Việt Nam, tổ chức hoạt động của các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài được dẫn chiếu đến các văn bản luật có liên quan như Luật doanh nghiệp năm 2005, Luật các tổ chức tín dụng,…


b. Về hình thức đầu tư theo hợp đồng hợp tác kinh doanh (BCC), hợp đồng xâydựng - kinh doanh - chuyển giao (BOT), hợp đồng xây dựng - chuyển giao – kinhdoanh (BTO), hợp đồng xây dựng - chuyển giao (BT)

Điểm thay đổi đầu tiên của LĐT đến các hình thức đầu tư theo hợp đồng đó là, hiện nay BCC, BOT, BTO, BT không chỉ còn là một văn bản ký kết giữa các nhà đầu tư hoặc giữa nhà đầu tư với cơ quan nhà nước có thẩm quyền mà đã trở thành một hình thức đầu tư trong đó có sự tham gia của các nhà đầu tư trong nước, nhà đầu tư nước ngoài và cơ quan nhà nước.

Theo Khoản 6 Điều 3 LĐT, hợp đồng hợp tác kinh doanh BCC được định nghĩa là hình thức đầu tư được ký kết giữa các nhà đầu tư nhằm hợp tác kinh doanh phân chia lợi nhuận, phân chia sản phẩm mà không thành lập pháp nhân. Tuy nhiên, theo Điều 23 Khoản 1, LĐT lại quy định ngoài hình thức hợp tác sản xuất phân chia lợi nhuận, phân chia sản phẩm, BCC còn bao gồm các hình thức hợp tác kinh doanh khác. Như vậy, các hình thức của BCC thì không thay đổi, vẫn bao gồm hình thức sản xuất phân chia lợi nhuận, phân chia sản phẩm và các hình thức hợp tác kinh doanh khác.

Về nội dung của hợp đồng BCC, LĐT bổ sung thêm điều khoản về tổ chức quản lý và thay cụm từ “quan hệ giữa các bên” thành “quan hệ hợp tác giữa các bên” để làm rõ nội dung điều chỉnh của hợp đồng và tránh các tranh chấp phát sinh trong quá trình thực hiện hợp đồng.

LĐT cũng cụ thể hóa các lĩnh vực mà nhà đầu tư nước ngoài có thể đầu tư dưới các hình thức BOT, BTO, BT đó là các dự án xây dựng mới, mở rộng, hiện đại hóa giao thông, sản xuất và kinh doanh điện, cấp thoát nước, xử lý chất thải và các lĩnh vực khác do chính phủ quy định.

Trong quy định về hợp đồng xây dựng – chuyển giao (BT), LĐT bổ sung thêm một hình thức mới để nhà đầu tư thu hồi vốn và lợi nhuận, đó là Chính phủ có thể thanh toán cho nhà đầu tư theo thỏa thuận trong hợp đồng BT.


c. Đầu tư phát triển kinh doanh và góp vốn, mua cổ phần và sáp nhập, mua lại


Đây là hình thức đầu tư hoàn toàn mới, chỉ được quy định trong LĐT năm 2005, theo đó, nhà đầu tư nước ngoài được phép đầu tư phát triển kinh doanh thông qua hai hình thức:

- Mở rộng quy mô, nâng cao công suất, năng lực kinh doanh;

- Đổi mới công nghệ, nâng cao chất lượng sản phẩm, giảm ô nhiễm môi trường.

Hình thức đầu tư góp vốn, mua cổ phần và sáp nhập, mua lại được quy định tại Điều 25 LĐT. Theo đó, nhà đầu tư đươc góp vốn, mua cổ phần của các công ty, chi nhánh tại Việt Nam hoặc mua lại, sáp nhập công ty chi nhánh theo các quy định của Chính phủ và các quy định của pháp luật có liên quan.

3.3. Đảm bảo đầu tư


a. Bảo đảm về vốn và tài sản


Theo điều 21 Luật sửa đổi bổ sung một số điều Luật ĐTNN năm 2000, trong quá trình đầu tư vào Việt Nam, vốn và tài sản hợp pháp khác của nhà đầu tư nước ngoài không bị trưng dụng hoặc bị tịch thu bằng biện pháp hành chính, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài không bị quốc hữu hóa.

LĐT quy định tài sản của nhà đầu tư nước ngoài có thể được trưng mua, trưng dụng, tuy nhiên chỉ trong những trường hợp thật cần thiết vì lý do quốc phòng, an ninh và lợi ích quốc gia. Thể thức, điều kiện trưng mua, trưng dụng theo quy định của pháp luật. LĐT cũng bảo đảm quyền lợi hợp pháp của các nhà đầu tư trong cũng như ngoài nước, khi tiến hành trưng thu, trưng dụng tài sản của nhà đầu tư, Nhà nước sẽ tiến hành thanh toán hoặc bồi thường cho nhà đầu tư theo giá thị trường tại thời điểm công bố việc trưng mua, trưng dụng bằng đồng tiền tự do chuyển đổi, và các nhà đầu tư nước ngoài được quyền chuyển ra nước ngoài các khoản thanh toán, bồi thường đó.

Xem tất cả 129 trang.

Ngày đăng: 10/09/2022
Trang chủ Tài liệu miễn phí