khác trên cùng địa bàn cư trú, bởi vậy nàng trở thành người anh hùng của nhiều dân tộc ở nhiều vùng. Trong tâm linh của 16 xứ Thái, xứ Mường Tây Bắc, nàng Han được tôn thờ như Bà Trưng, Bà Triệu đối với người Kinh vậy.
Ngoài truyện nàng Han, chùm truyền thuyết về Lê Lợi và cuộc khởi nghĩa Lam Sơn cũng tương đối phong phú. Giai đoạn đầu của khởi nghĩa (1418 – 1423), Lê Lợi lãnh đạo nghĩa quân hoạt động ở vùng rừng núi Thanh Hóa. Trong giai đoạn này, nghĩa quân còn gặp rất nhiều khó khăn. Truyền thuyết ghi lại, có lần “Lê Lợi bị giặc đuổi, ông đã chạy qua đây, vượt qua dốc suối. Dân làng đã che chở ông bằng cách ông vừa đi khuất thì họ ùa ra, xô đổ thân cây và đá tảng xuống giữa lòng suối làm cho nước thác chảy ào ào. Lũ giặc đuổi tới nơi, thấy thác đổ dữ quá, chịu phép không làm sao lên được. Đàn chó săn đứng sủa vang. Tiếng thác gầm, chó sủa lẫn với tiếng quát tháo tức tối của giặc tạo thành một âm thanh hỗn loạn, nhân đó người ta đặt là thác Ma Ngao (ma ngao nghĩa là chó sủa)” (truyện Thác Ma Ngao).
Có thể nói, trong những truyền thuyết này, lịch sử và thái độ của nhân dân đều được tái hiện rõ nét. Truyện Con suối Láu và hòn đá Khao kể lại rằng: “có lần Lê Lợi và những người tả hữu ra ngồi bên suối để bàn việc lui binh hay tiến quân. Lần đó, các bô lão trong vùng tới dâng Lê Lợi vò rượu quý. Trước ba quân Lê Lợi cảm ơn lòng tốt của bà con và nói với mọi người: - đây là rượu quý của bà con khao quân, ta xin mọi người cùng hưởng, xin tất cả cạn chén để lấy nhuệ khí giết giặc Minh, thu lại cõi bờ. Quân sĩ phục trọng Lê Lợi, nhưng cũng ngạc nhiên vì rượu ít người nhiều làm sao uống đủ. Lê Lợi đã thong thả đứng lên trút vò rượu xuống dòng suối, tự tay mình múc một chén uống trước. Cả đoàn quân và bà con trong bản náo nhiệt làm theo chủ tướng và reo hò vang động. Từ đó, dòng suối được đặt tên Thái là Huổi Láu (suối rượu), hòn đá được đặt là hòn đá Khao (khao quân) ». Trong Bình Ngô đại cáo, Nguyễn Trãi từng
viết : “Tướng sĩ một lòng phụ tử - hoà nước sông chén rượu ngọt ngào”, câu văn ấy hẳn xuất phát từ hiện thực, từ sự kiện đã được ghi lại bằng sự hiện diện của những địa danh trong truyền thuyết nói trên.
Khi bản làng đang ấm no, hạnh phúc, sự tấn công của kẻ thù xâm lược luôn là điều kinh hoàng nhất. Song song với truyện kể về những anh hùng có công với bản mường, truyện về chiến tranh giữ đất còn ghi lại những tội ác tày đình của giặc qua những địa danh lịch sử in đầy dấu ấn đau thương. Truyền thuyết Tông Khao và khe Khoong Ma Nao là một chuỗi truyện kể về nguồn gốc tên gọi những địa danh nằm trên cánh đồng Mường Thanh. Tên gọi Tông Khao (Cánh Đồng Trắng) được đặt để ghi nhớ mối thù với giặc Phẻ. Khi đến đây, «bọn giặc dồn trẻ con xuống đồng rồi tháo nước vào cho chết. Lúc nước rút cạn, xương phơi trắng đồng, cánh đồng có tên gọi Tông Khao từ đó”. Địa danh Hồng Cúm đã đi vào huyền thoại từ sau chiến thắng Điện Biên cũng ra đời vào thời kỳ này. “Khi giặc Phẻ tới Hoong Cúm (cúm là những cái hòm đan bằng mây đựng đồ dùng; hoong cúm nghĩa là rãnh cúm)), chúng cướp của, giết người, dân sợ quá quẳng những chiếc cúm xuống rãnh chỉ lấy của bên trong và chạy ngược lên mạn trên. Nơi ném cúm gọi là Hoong Cúm. Giặc vẫn tiếp tục đuổi để cướp của, dân bản lại ném của đi chạy người không mới thoát chết. Nơi ném của ấy gọi là Hoong Khoong (Rãnh Của). Vậy là một cái rãnh có hai tên gọi, đầu rãnh gọi là Hoong Khoong, cuối rãnh gọi là Hoong Cúm (người Kinh từ sau 1954 viết thành Hồng Cúm)”. Những tên gọi đã trở thành quen thuộc với người Thái, bằng cách đặt tên như vậy, họ nhắc nhở con cháu đời đời kiếp kiếp ghi nhớ mối thù với kẻ đã gây ra tội ác, nhắc nhở nhau về nỗi đau chung để củng cố tinh thần yêu thương, gắn bó với bản mường.
Những truyền thuyết địa danh xung quanh chủ đề chiến tranh giữ đất một mặt phản ánh hiện thực lịch sử, thể hiện lòng căm thù sâu sắc, không đội trời
chung với quân giặc, mặt khác phản ánh niềm tự hào, sự tin yêu, kính trọng của người dân với những người có công với cộng đồng. Bằng việc định danh cho vùng lãnh thổ hoặc địa điểm có liên quan đến sự kiện, nhân vật lịch sử, tác giả dân gian đã làm cho vị anh hùng của mình trở nên bất tử, tên tuổi của họ được nhắc nhở hàng ngày cùng tên của bản làng, tên núi, tên sông.
Có thể bạn quan tâm!
- Truyện Kể Địa Danh Của Người Thái – Thể Loại Thần Thoại
- Truyện kể địa danh của người Thái ở Việt Nam - 6
- Truyện kể địa danh của người Thái ở Việt Nam - 7
- Thời Gian Và Không Gian Nghệ Thuật Trong Truyện Kể Địa Danh Của Người Thái
- Thời Gian Và Không Gian Nghệ Thuật Trong Những Truyền Thuyết Mang Nội Dung Phản Ánh Lịch Sử
- Nhân Vật Trong Những Truyện Phản Ánh Các Vấn Đề Xã Hội
Xem toàn bộ 129 trang tài liệu này.
Bên cạnh những truyền thuyết xung quanh hai chủ đề giành đất và giữ đất, có một số ít truyền thuyết thiên về việc chỉ nhằm giải thích nguồn gốc địa danh như Mường Phăng, Thành Sam Mứn, truyện Nà Noong Chạng và Pu Chạng Hảy… Những truyện kể này dù vẫn gắn với lịch sử, với những sự kiện diễn ra trong cộng đồng người Thái và hoàn toàn có thể kiểm nghiệm, nhưng mục đích chủ yếu không phải là phản ánh lịch sử mà là giải thích địa danh. Điều này biểu hiện một thực tế là không chỉ trong quá trình thiên di hay trong chiến tranh giữ đất mà ngay cả trong cuộc sống đời thường, người Thái luôn có ý thức khẳng định dấu ấn, sự tồn tại của mình bằng cách đặt tên cho làng bản, dốc đèo, núi sông, khe vực... Những đối tượng có ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống văn hóa, tinh thần, đến việc sản xuất… đều được đặt tên. Việc làm đó dần dần làm đầy lên những sự tích và tên gọi trong ký ức dân gian.
Với 18 câu chuyện tập trung quanh ba chủ đề chính, truyền thuyết địa danh đã phác thảo được nhiều nét trong lịch sử dân tộc Thái. Truyền thuyết về những cuộc chiến tranh mở đất đầy gian lao phản ánh thực tế thiên di và giải thích sự phân bố của tộc người trên nhiều địa bàn lãnh thổ. Khi những cuộc thiên di lớn gần như đã dừng lại nhường chỗ cho công cuộc xây dựng và bảo vệ bản mường, truyền thuyết về chiến tranh giữ đất ra đời. Truyền thuyết mang dấu ấn của lịch sử nhưng lịch sử trong truyền thuyết địa danh không phải là nội dung chính yếu. Dù là truyện thuần túy giải thích địa danh, truyện về chiến tranh giữ đất hay mở đất thì sự khẳng định bản lĩnh tộc người vẫn là điều mà tác giả dân gian hướng
tới. Những sự kiện mang tính chất lịch sử xảy ra trong truyện luôn là « cớ » để đặt tên cho đất đai, sông núi. Thông qua hệ thống tên gọi, người Thái vừa khẳng định niềm tự hào của cộng đồng dân tộc đối với truyền thống của ông cha vừa khẳng định chủ quyền lãnh thổ của dân tộc mình. Vượt qua thời gian, mỗi tên gọi đã trở thành cột mốc đánh dấu chủ quyền và khẳng định bản lĩnh tộc người trong sự vận động không ngừng của xã hội, của tự nhiên.
2.2.3. Nội dung phản ánh các vấn đề xã hội
Cùng với sự phát triển của xã hội, truyện cổ Thái nói chung và truyện kể địa danh Thái nói riêng vận động, phát triển từ thần thoại, truyền thuyết tới cổ tích. Trong tập hợp truyện kể địa danh Thái, truyện cổ tích có số lượng phong phú nhất (31 truyện). Nội dung truyện nổi lên mấy chủ đề lớn, đó là chủ đề đấu tranh cải tạo thiên nhiên, bảo vệ và xây dựng bản mường; chủ đề tình yêu và hôn nhân; chủ đề phản ánh mâu thuẫn xã hội. Những nội dung trên đan cài trong các câu chuyện, qua đó ta cũng thấy được phần nào bộ mặt xã hội Thái, những tư tưởng, tình cảm, quan điểm và cả những phong tục, luật tục… của người Thái trong thời đại cổ tích.
Chủ đề đấu tranh cải tạo thiên nhiên, bảo vệ và xây dựng bản mường là nội dung lớn thể hiện trong nhiều câu chuyện. Trước hết là những truyện phản ánh quá trình cải tạo, khai phá thiên nhiên để phục vụ sản xuất như Sự tích Bù Hôm, Pú Luống, Mường Quài, Núi Quảy sông Cày, Bản Ná Ca…
Người Thái là cư dân nông nghiệp, vì vậy đối với họ hạn hán và lũ lụt là hai mối đe dọa thường xuyên và kinh hoàng nhất. Mang đậm không khí của thần thoại, truyện Pú Luống phản ánh nạn lụt ở vùng lòng chảo Điện Biên: “một năm kia trời mưa nhiều nước, nước rơi suốt ngày đêm không ngớt, nước ở các con sông Nậm Rốm, Nậm Núa, Nậm U dâng ngập đất đai, ruộng vườn, cả một vùng Pák Nặm mênh mông biển nước”. Còn truyện Núi Quảy sông Cày lại phản ánh
nạn hạn hán: “Ngày xưa ở vùng giáp ranh giữa hai huyện Đông Sơn và Nông Cống (Thanh Hóa) (…) có hai quả núi cao sừng sững chắn cả hai phía Đông và Tây làm cho đất đai khô hạn, ngày ngắn đêm dài, dân làng khổ cực”. Tuy thiên nhiên khắc nghiệt nhưng người Thái chưa bao giờ chịu khuất phục. Trước nạn lũ lụt, họ biết khơi dòng, nắn dòng để chống ngập úng, biến những chỗ có dòng chảy trước kia thành ao nuôi cá. “Nước theo vết nứt chảy cuồn cuộn, sủi bọt đục ngầu, rút cạn nhanh chóng. Người dân vẫn bảo đấy là thần rồng vùng vẫy để mở đất, thoát nước cứu dân. Ngày nay vùng này là những ao hồ nối tiếp, người dân thường thả cá. Sông Nặm U cũng mở rộng hơn, mỗi mùa lũ nước không còn dâng cao như trước”. Trước nạn hạn hán, họ xẻ núi, đào sông, dẫn thủy nhập điền. Người Thái vùng Thanh Hóa từng “ao ước rời được hai quả núi này ra xa để dễ làm ăn”. Họ đã hợp sức nhau lại, sức mạnh của cộng đồng trong những câu chuyện cổ tích được nhân dân thần thánh hóa bằng sức mạnh của Phi Luống (thần Rồng – truyện Pú Luống) hoặc một chàng trai có sức khỏe phi thường sau được suy tôn là thần núi (truyện Núi Quảy sông Cày).
Bên cạnh những hiểm họa từ thiên nhiên, thú dữ cũng là mối đe dọa đối với người dân. Truyện Núi Bù Hôm, Sự tích đám ruộng Xam Bỉa, Mường Quài… đều phản ánh thực tế đó. Tên Mường Quài nghĩa là Mường Trâu xuất phát từ câu chuyện về một con trâu dữ xuất hiện và tàn phá mùa màng. “Cứ đến mùa lúa làm đòng trâu lại xuất hiện và ăn hết các cánh đồng lúa non. Dân mường đã tìm mọi cách để giết chết con trâu nhưng chưa giết được vì lạ thay cứ sau khi ăn hết lúa non trên đồng nó lại biến mất tăm”. Cho đến khi có hai chàng trai dũng cảm xuất hiện. Cuộc chiến đấu của họ với con trâu dữ giúp dân bảo vệ mùa màng hết sức vất vả. “Hai chàng ra sức tiêu diệt con trâu ác độc, hung dữ bằng tay kiếm, tay nỏ. Hai bên quần nhau từ sáng đến tối, lợi dụng lúc tối trời, chàng bắn nỏ đã bắn một mũi tên trúng mắt trâu, con trâu xoay quanh vài vòng
rồi bỏ chạy. Chạy được một quãng dài, con trâu mệt và khát nước bèn dừng lại một bên một cái vũng để uống. Đúng lúc ấy, mũi tên làm cho mắt trâu lồi ra và rơi xuống. Người ta thấy mắt trâu to đến một cân nên gọi là “ta cân” - bản Ta Cân cũng có từ ngày ấy. Và cũng từ đó, vũng trâu uống nước được gọi là Ta Quái (Bến Mắt Trâu - ở dưới chân đèo Pha Đin ngày nay). Nhưng con trâu vẫn chưa chịu chết, nó vẫn tiếp tục chạy. Đến ngã ba đường từ Thuận Châu đi Lai Châu và Điện Biên bây giờ, con trâu mới ngã gục xuống chết. Vì thế dân gian gọi nơi đây là Mường Quài (tức Mường Trâu - huyện Tuần Giáo ngày nay). Để nhớ ơn hai chàng trai đã đánh đuổi được con trâu dữ, chỗ hai chàng đánh nhau với trâu người ta gọi là mường Húa (tiếng Thái húa có nghĩa là đuổi)”. Cuộc chiến của hai chàng trai chống lại con trâu dữ một mặt là sự tái hiện công cuộc thuần hóa vật hoang phục vụ cho sản xuất, mặt khác thể hiện sự biết ơn của cộng đồng đối với những người có công với bản làng. Chủ đề này cũng được thể hiện trong nhiều câu truyện khác như Sự tích đám ruộng Xam Bỉa, Sự tích Bù Hôm… Để có được cuộc sống ấm no, ngoài việc chinh phục tự nhiên, trong lịch sử
cư trú gần 1000 năm người Thái còn phải đấu tranh với rất nhiều kẻ thù để bảo vệ đất đai, mường bản. Kẻ thù của họ có khi từ miền biển lên cướp của cải, bạc vàng vùng Thái (truyện Hòn đá voi), có khi được trừu tượng hóa thành hình ảnh con quỷ độc ác, ăn thịt người và phá phách bản làng (truyện Tạo Xãng), cũng có khi là kẻ thù phương Bắc mà người Thái gọi là giặc Hán, giặc Hỏ hay giặc Phẻ ( truyện Sự tích hồ Mường Muổi, Xứ Đáng…). Đứng đầu các cuộc chiến đấu là những chàng trai ưu tú được nhân dân yêu mến, tôn thờ như Xứ Đáng, Tạo Xãng (Xin Xây), Chương Nọi… hoặc hình ảnh tượng trưng cho cộng đồng như thần Núi, thần Rồng… Đặc biệt, trong những câu chuyện phản ánh cuộc đấu tranh bảo vệ bản làng, tinh thần đoàn kết và sức mạnh cộng đồng luôn là điều được tác giả dân gian Thái đề cao. Tạo Xãng và Xứ Đáng đều là những chàng
trai tài giỏi, những người con ưu tú của bản làng. Tuy vậy để chiến thắng được con quỷ Nhạ Hạng, Tạo Xãng phải nhờ đến sưc mạnh của chàng Kéo Tre và chàng Kéo Thuyền. Và để chiến thắng được giặc Hán, Xứ Đáng cũng phải đi tìm những người bạn đồng tâm nhất trí. Sức mạnh tập thể, tình đoàn kết được tác giả dân gian thể hiện rất giản dị mà sâu sắc trong đoạn kể Xứ Đáng đi tìm bạn. “Được tin giặc Hán kéo đến cướp phá bản mường, Xứ Đáng đến tâu với tạo Mường Chiên xin được đi dẹp giặc. Tạo thấy chàng khỏe mạnh, lanh lợi nên nhận lời ngay. Tạo hỏi :
- Xứ Đáng cần bao nhiêu lính đi theo ?
- Lính con không cần, con chỉ cần hai người bạn đồng lòng chung ý ! – Xứ Đáng đáp.
- Việc chọn bạn thì tùy Xứ Đáng – Tạo đáp.
Xứ Đáng tìm chọn được hai bạn rồi đến trình Tạo. Tạo giao cho ba chàng trai một chiếc thuyền đuôi én. Ba chàng rời bến ngược sông Đà lên Mường Lay. Đi được khoảng một chục tầm ném đá thì tự dưng Xứ Đáng bảo ghé thuyền vào bờ nghỉ ăn cơm. Chàng lấy một đùm rau cải đồ xôi cả cây mở ra trước mặt hai bạn. Chàng lấy đũa tước, gẩy từng cây rau cải ra trước khi ăn, nhưng hai bạn của chàng chỉ ngồi nhìn. Chàng lại gắp cây rau cải to nhất lên định ăn nhưng hai bạn của chàng vẫn ngồi ngây ra, không can ngăn. Ăn xong bữa cơm, Xứ Đáng cho thuyền xuôi dòng quay trở về và dặn hai bạn :
- Suy nghĩ của hai bạn còn nông cạn, chưa đánh nổi giặc đâu. Hai bạn hãy trở về học thêm cách làm người đã.
Ba ngày sau Xứ Đáng gặp được hai bạn mới. Hai người này có vẻ khỏe mạnh, lanh lợi hơn hai người trước. Đến chỗ hôm nọ, Xứ Đáng bảo hai bạn ghé thuyền lại ăn cơm. Chàng lại giở đùm cải đồ xôi cả cây ra, hai bạn chàng cũng
lấy đũa làm theo. Khi Xứ Đáng gắp nhúm rau to định đưa lên miệng thì hai người bạn kia can ngay :
- Ăn thế sẽ bị hóc, lại không đẹp nữa ! Xứ Đáng gật đầu cười ha hả :
- Đây mới thật là những người biết lo sâu, nghĩ xa.
Nói rồi Xứ Đáng lại lấy chiếc đũa đưa ra phía trước mặt, lập tức hai người bạn cũng cầm đũa làm theo. Ba chiếc đũa chạm gài vào nhau thành ba chân kiềng vững chắc. Xứ đáng ôm chầm lấy hai bạn mà nói :
Sức ta sẽ mạnh gấp trăm nghìn lần giặc Hỏ, giặc Hán »
Với hành trang là sức mạnh tập thể, Xứ Đáng và hai người bạn đã đánh tan kẻ thù xâm lược, đem lại bình yên cho bản mường.
Cuộc sống của người Thái gắn bó chặt chẽ với thiên nhiên, sự hài hòa giữa sức mạnh thiên nhiên và sức mạnh cộng đồng là điều được họ quan tâm và đề cao. Truyện Sự tích hồ Mường Muổi và Hòn đá voi kể lại cuộc đấu tranh với kẻ thù miền biển (đội quân của thần biển) và kẻ thù phương Bắc. Chúng đều là những kẻ tham lam, muốn cướp vàng bạc, của cải của người Thái hoặc muốn ngăn chặn sự hùng mạnh của người Thái để giữ ngôi vị của mình. Tham gia vào cuộc đấu tranh chống lại những kẻ thù này không chỉ có con người mà còn có sức mạnh của đội quân voi (truyện Hòn đá voi) và thậm chí là sức mạnh của đội quân « núi gần núi xa » (truyện Sự tích hồ Mường Muổi). Voi giúp dân làng đánh chìm thuyền của giặc, núi giúp Rồng (linh vật của Mường) ẩn nấp, che chở khi Rồng bị kẻ thù nham hiểm lập mưu làm hại. Sức mạnh thiên nhiên và sức mạnh của con người hòa làm một trong những cuộc đấu tranh chống kẻ thù, đó là nhân tố quan trọng giúp làm nên chiến thắng.
Trong những truyện phản ánh quá trình chinh phục thiên nhiên, bảo vệ và xây dựng bản mường còn có một nội dung không thể không kể đến, đó là sự