Trong khi đó, sau vài thập kỷ xây dựng chủ nghĩa xã hội, đến đầu những năm 1980, các nước trong hệ thống xã hội chủ nghĩa đều rơi vào tình trạng khủng hoảng kinh tế – xã hội tương đối nghiêm trọng. Đó là hệ quả tất yếu của việc duy trì một mô hình kinh tế của chủ nghĩa xã hội không phù hợp, bộc lộ nhiều khuyết điểm và không đáp ứng được nhu cầu phát triển khách quan của kinh tế – xã hội. Thực trạng đó đã buộc các nước xã hội chủ nghĩa phải có sự điều chỉnh về đường lối, tiến hành đổi mới, cải tổ, cải cách nhằm đưa đất nước thoát khỏi tình trạng khủng hoảng kinh tế – xã hội.
Là một thành viên trong hệ thống xã hội chủ nghĩa, công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội của Việt Nam trên phạm vi cả nước trong suốt 10 năm qua (1975 – 1985) đã khắc phục được những hậu quả nặng nề do chiến tranh để lại đồng thời đưa lại một số thành tựu nhất định cho nền kinh tế – xã hội Việt Nam. Tuy nhiên, về cơ bản, trong 15 năm đó, chúng ta vẫn xây dựng chủ nghĩa xã hội theo mô hình cũ của lối tư duy cũ, cho nên, giống như các nước xã hội chủ nghĩa khác, Việt Nam cũng vấp phải những vấn đề có tính nguyên tắc trong xây dựng chủ nghĩa xã hội và không tránh khỏi tình trạng đất nước rơi vào khủng hoảng kinh tế – xã hội. Vì vậy, đổi mới đã trở thành vấn đề bức thiết, thậm chí là sống còn đối với Việt Nam.
Trước yêu cầu bức thiết mà lịch sử đặt ra, dưới tác động của tình hình thế giới, Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VI họp tại Hà Nội (12 – 1986) đã đề ra đường lối đổi mới toàn diện nhằm đưa đất nước ra khỏi khủng hoảng, đi vào thế ổn định và phát triển. Đại hội VI, vì vậy, đã trở thành đại hội mở đầu cho công cuộc Đổi mới toàn diện đất nước của Việt Nam. Từ đây, trải qua các Đại hội Đảng lần thứ VII (1991), lần thứ VIII (1996), lần thứ IX (2001) và lần thứ X (2006),
Đảng ta vẫn nhất quán chủ trương tiếp tục công cuộc Đổi mới đất nước, thực hiện mục tiêu xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.
Ngay từ Đại hội VI, trên cơ sở nhận thức lại về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội, Đảng Cộng sản Việt Nam đã có sự thay đổi về tư duy phát triển kinh tế. Theo đó, Đảng xác định rằng, để có thể thực hiện được mục tiêu lâu dài là chủ nghĩa xã hội thì trong thời kỳ này (thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội) phát triển kinh tế phải được xem là vấn đề trọng tâm. Từ đó, Đại hội VI chủ trương chuyển nền kinh tế Việt Nam từ một nền kinh tế kế hoạch hoá quan liêu bao cấp sang hình thành dần dần một nền kinh tế thị trường, mà về sau được các Đại hội Đảng phát triển thành quan điểm: xây dựng một nền kinh tế hàng hoá nhiều thành phần vận động theo cơ chế thị trường có sự quản lý của Nhà nước theo định hướng xã hội chủ nghĩa.
Trong việc xây dựng một nền kinh tế mới, do nền kinh tế của Việt Nam chưa có tích luỹ lớn đủ đáp ứng yêu cầu phát triển của đất nước, cho nên bên cạnh việc phát huy tối đa các nguồn lực trong nước, Đảng cũng nhấn mạnh phải tranh thủ các nguồn ngoại lực, đặc biệt là nguồn vốn đầu tư từ bên ngoài cho phát triển kinh tế. Vì vậy, trong suốt thời kỳ Đổi mới, Đảng luôn khẳng định tư tưởng đa dạng hoá, đa phương hoá quan hệ đối ngoại nói chung, quan hệ kinh tế đối ngoại nói riêng và tích cực, chủ động hội nhập kinh tế quốc tế. Đồng thời Đảng cũng khẳng định sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho các quốc gia, các tổ chức và cá nhân nước ngoài vào Việt Nam đầu tư, hợp tác, kinh doanh.
Nhìn lại lịch sử, trong 10 năm xây dựng chủ nghĩa xã hội trên phạm vi cả nước (1975 – 1985), nền kinh tế Việt Nam gần như bị tách khỏi dòng chảy chung của nền kinh tế thế giới. Các quan hệ kinh tế của Việt Nam chủ yếu diễn ra với các nước xã hội chủ nghĩa và các nước bạn bè truyền thống. Việt Nam
Có thể bạn quan tâm!
- Biến đổi cơ cấu vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài và tác động của nó đến kinh tế – xã hội Việt Nam từ năm 1988 đến nay - 2
- Xu Hướng Vận Động Của Dòng Fdi Trong Những Thập Niên Gần Đây
- Thực Trạng Vốn Đầu Tư Ở Việt Nam Trước Đổi Mới Và Sự Cần Thiết Trong Việc Thu Hút Nguồn Vốn Fdi Cho Phát Triển Kinh Tế – Xã Hội Việt Nam
- Biến Đổi Cơ Cấu Vốn Fdi Trong Thời Gian Khởi Động Và Từng Bước Tăng Trưởng Mạnh Của Fdi Ở Việt Nam (1988 – 1996)
- Đầu Tư Trực Tiếp Nước Ngoài Phân Theo Ngành Kinh Tế 1988 – 1996
- Biến Đổi Cơ Cấu Vốn Fdi Phân Theo Vùng Lãnh Thổ
Xem toàn bộ 179 trang tài liệu này.
mới chỉ tiếp nhận nguồn vốn viện trợ phát triển (có thể xem là vốn ODA) từ các nước xã hội chủ nghĩa ở Đông Âu và Liên Xô mà chưa thu hút được nguồn vốn từ các quốc gia khác. Điều này, trong một chừng mực nào đó, đã làm hạn chế khả năng phát triển của nền kinh tế Việt Nam.
Tuy nhiên, với đường lối Đổi mới toàn diện nói chung, đổi mới kinh tế nói riêng được mở ra từ Đại hội VI thì những cơ sở cho hoạt động thu hút đầu tư nước ngoài (bao gồm cả đầu tư trực tiếp nước ngoài và đầu tư gián tiếp) đã được khẳng định. Cơ hội mới cho Việt Nam có thể thu hút nguồn vốn từ bên ngoài vốn rất dồi dào và có chất lượng đã được mở ra.
Bên cạnh đó, trong suốt thời kỳ Đổi mới, tại các Đại hội đại biểu toàn quốc của Đảng, Đảng Cộng sản Việt Nam luôn nhấn mạnh phải quan tâm đến hoạt động thu hút đầu tư nước ngoài và xem đó là một trong những nhân tố quan trọng thúc đẩy và đưa sự nghiệp công nghiệp hoá hiện đại hoá đất nước đi đến thành công. Đặc biệt, tại Đại hội Đảng lần thứ IX (2001), lần đầu tiên Đảng đã chính thức công nhận khu vực đầu tư nước ngoài là một thành phần kinh tế trong nền kinh tế nhiều thành phần của Việt Nam4 với vai trò “hướng vào xuất khẩu, xây dựng kết cấu hạ tầng kinh tế – xã hội, gắn với thu hút công nghệ hiện đại, tạo thêm nhiều việc làm” [8, tr 147]. Điều đó cho thấy Đảng và Nhà nước ta đã ghi nhận và đánh giá cao vai trò quan trọng của khu vực có vốn đầu tư nước ngoài trong nền kinh tế nhiều thành phần của Việt Nam. Chính sự ghi nhận này
4 Trước năm 2000, khu vực có vốn đầu tư nước ngoài chưa được coi như một chủ thể độc lập, một thành phần kinh tế trong nền kinh tế Việt Nam, song các Đại hội VII (1991) và Đại hội VIII (1996) của Đảng đã ghi nhận sự hợp tác liên doanh giữa kinh tế nhà nước và tư bản nước ngoài, khẳng định khu vực đầu tư nước ngoài có vai trò to lớn trong động viên về vốn, công nghệ, khả năng tổ chức quản lý,… Vì vậy, chính sách của Đảng và Nhà nước Việt Nam đối với khu vực FDI là khuyến khích nhà đầu tư liên doanh với doanh nghiệp nhà nước của Việt Nam hoạt động trong nhiều lĩnh vực kinh tế, trừ những lĩnh vực có tầm quan trọng đặc biệt đối với kinh tế quốc dân và an ninh quốc phòng.
đã trở thành cơ sở và động lực quan trọng thúc đẩy quá trình thu hút FDI của Việt Nam.
Như vậy, có thể nói, công cuộc Đổi mới đất nước thực sự là bước ngoặt lịch sử to lớn, nó đã tạo ra cơ sở tư tưởng để qua đó mở ra cơ hội lớn cho Việt Nam thu hút nguồn vốn đầu tư nước ngoài nói chung và vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài nói riêng để phục vụ cho các mục tiêu phát triển kinh tế – xã hội của đất nước.
1.4.2. Sự hình thành và hoàn thiện từng bước của Luật Đầu tư nước ngoài – cơ sở pháp lý cho hoạt động thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài vào Việt Nam
Nhà nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam thực hiện quản lý mọi mặt xã hội Việt Nam bằng pháp luật. Là một hoạt động kinh tế, hoạt động đầu tư nước ngoài diễn ra trên lãnh thổ Việt Nam phải đặt dưới sự quản lý của Nhà nước Việt Nam và được thực hiện thông qua pháp luật và bằng pháp luật nhằm đảm bảo cho hoạt động đó diễn ra theo đúng chủ trương, định hướng của Nhà nước Việt Nam và phù hợp với tập quán Việt Nam.
Thực hiện tư tưởng đa dạng hoá, đa phương hoá quan hệ kinh tế đối ngoại, tích cực, chủ động hội nhập kinh tế quốc tế, tạo điều kiện thuận lợi cho các quốc gia, các tổ chức và cá nhân nước ngoài vào Việt Nam đầu tư, hợp tác, kinh doanh được Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VI (1986) của Đảng Cộng sản Việt Nam đề ra, Việt Nam đã bắt tay vào xây dựng một hệ thống luật pháp làm cơ sở điều chỉnh các hoạt động đầu tư nước ngoài ở Việt Nam. Luật pháp về đầu tư nước ngoài có thể hiểu là tổng thể các quy tắc xử sự có tính bắt buộc chung, do Nhà
nước đặt ra hoặc thừa nhận, thể hiện ý chí của Nhà nước về vấn đề đầu tư nước ngoài, được Nhà nước đảm bảo thực hiện bằng các biện pháp nhất định.
Đạo luật đầu tiên được xây dựng trong hệ thống pháp luật về đầu tư nước ngoài từ sau thời điểm 1986 là Luật Đầu tư nước ngoài. Sau một thời gian chuẩn bị, Luật Đầu tư nước ngoài đã được đưa ra thảo luận tại Quốc hội và được Quốc hội Việt Nam thông qua vào ngày 29–7–1987 đồng thời bắt đầu cho áp dụng chính thức từ ngày 1–1–19885. Luật Đầu tư nước ngoài tại Việt Nam có cấu trúc tương đối đơn giản và ngắn gọn, bao gồm 6 chương 42 điều quy định các vấn đề pháp lý liên quan đến hoạt động đầu tư nước ngoài ở Việt Nam như: Những quy định chung; Hình thức đầu tư; Biện pháp bảo đảm đầu tư; Quyền lợi và nghĩa vụ của tổ chức, cá nhân đầu tư nước ngoài; Cơ quan nhà nước quản lý đầu tư nước ngoài; Điều khoản cuối cùng. Luật Đầu tư nước ngoài tại Việt Nam được xây dựng trên cơ sở thực tiễn Việt Nam kết hợp với tham khảo kinh nghiệm của các nước trên thế giới, do đó đạo luật này về căn bản vừa phù hợp với điều kiện Việt Nam vừa phù hợp với tập quán luật pháp quốc tế nên đã đáp ứng được phần nào mong mỏi có một môi trường pháp lý có tính hiệu lực cao của các nhà đầu tư nước ngoài, qua đó khuyến khích họ đầu tư trực tiếp vào Việt Nam.
Sự ra đời của Luật Đầu tư nước ngoài là sự thể chế hoá về mặt pháp lý đường lối, chủ trương, chính sách thu hút đầu tư nước ngoài của Đảng Cộng sản Việt Nam và Nhà nước Việt Nam xã hội chủ nghĩa. Thời điểm chính thức có hiệu lực của Luật Đầu tư nước ngoài cũng là thời điểm đánh dấu quá trình thu hút đầu tư nước ngoài, trong đó đầu tư trực tiếp nước ngoài là một bộ phận quan trọng, bắt đầu diễn ra. Những dòng vốn FDI đầu tiên từ các quốc gia và vùng lãnh thổ, nhờ hiệu ứng của Luật, đã chảy vào Việt Nam ngay trong năm 1988
5 Luật này thường được gọi là Luật Đầu tư nước ngoài năm 1987.
khơi dòng cho một dòng chảy mới dần dần hội nhập và trở thành một bộ phận quan trọng trong dòng chảy kinh tế Việt Nam. Là đạo luật đầu tiên về đầu tư nước ngoài, Luật Đầu tư nước ngoài năm 1987 không tránh khỏi nhiều hạn chế, song sự ra đời của Luật Đầu tư nước ngoài thực sự là bước ngoặt lớn về tư tưởng phát triển kinh tế trong lịch sử Việt Nam thời hiện đại bởi nó đã tạo ra nền tảng, cơ sở pháp lý cho việc hợp tác kinh tế giữa Việt Nam với đối tác nước ngoài.
Không thể phủ nhận sự thật là không bao giờ tồn tại một bộ luật nào là hoàn hảo, hoàn thiện tuyệt đối. Luật Đầu tư nước ngoài tại Việt Nam năm 1987 tất nhiên cũng không phải là một ngoại lệ. Một mặt, bản thân Luật Đầu tư nước ngoài từ văn bản trên giấy khi đi vào thực tiễn đời sống, được kiểm nghiệm qua thực tiễn mới bộc lộ hết những điểm tích cực cũng như những hạn chế, thiếu sót của nó. Mặt khác, sự biến chuyển không ngừng của thực tiễn phát triển kinh tế nói chung, hoạt động đầu tư trực tiếp nước ngoài nói riêng luôn làm nảy sinh những vấn đề mới mà không ít trong số đó nằm ngoài phạm vi điều chỉnh của Luật, nằm ngoài sự hình dung và tính toán của các nhà làm luật. Do đó để đáp ứng yêu cầu của thực tiễn phát triển và đảm bảo hiệu lực quản lý của Nhà nước, Luật Đầu tư nước ngoài tất yếu phải trải qua một quá trình bổ sung, điều chỉnh thường xuyên. Nhìn lại lịch sử phát triển của pháp luật về đầu tư nước ngoài, có thể thấy Luật Đầu tư nước ngoài ở Việt Nam đã trải qua nhiều lần sửa đổi, điều chỉnh, bổ sung và ban hành mới. Cụ thể là, Luật Đầu tư nước ngoài tại Việt Nam năm 1987 đã trải qua 2 lần sửa đổi, điều chỉnh, bổ sung vào các năm 1990, 1992. Năm 1996, Luật Đầu tư nước ngoài được ban hành mới trên cơ sở Luật Đầu tư nước ngoài năm 1987 và các lần sửa đổi, bổ sung năm 1990, 1992. Tiếp đó, Luật Đầu tư nước ngoài ban hành năm 1996 tiếp tục được sửa đổi, bổ sung vào năm 2000. Năm 2005, Quốc hội nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam thông qua
và ban hành Luật Đầu tư thay thế cho Luật sửa đổi, bổ sung Luật Đầu tư nước ngoài năm 1996 và áp dụng chung cho cả hai bộ phận đầu tư trong nước và đầu tư nước ngoài. Rò ràng, quá trình điều chỉnh, sửa đổi, bổ sung và ban hành mới Luật Đầu tư nước ngoài khá thường xuyên đó đã cho thấy những nỗ lực không ngừng của Chính phủ Việt Nam trong việc tạo lập một hành lang pháp lý có sức hấp dẫn nhằm thu hút các nhà đầu tư nước ngoài tiến hành các hoạt động sản xuất, kinh doanh ở Việt Nam.
Nhìn chung, trải qua các lần sửa đổi, bổ sung và ban hành mới, Luật Đầu tư nước ngoài (hay từ năm 2005 là Luật Đầu tư) ở Việt Nam về cơ bản được cộng đồng quốc tế đánh giá là một đạo luật tương đối thông thoáng, hấp dẫn và phù hợp với thông lệ quốc tế. Vì vậy trải qua chặng đường 20 năm, Luật Đầu tư nước ngoài thực sự đã trở thành một yếu tố đóng vai trò quan trọng trong việc mở đường và thu hút dòng vốn FDI chảy vào Việt Nam.
1.5. Tiểu kết
– Đầu tư nước ngoài nói chung, đầu tư trực tiếp nước ngoài nói riêng đã và đang là những hình thức đầu tư rất phổ biến và đóng vai trò quan trọng trong các quan hệ kinh tế quốc tế. Đầu tư trực tiếp nước ngoài là loại hình di chuyển vốn giữa các quốc gia thông qua việc nhà đầu tư đưa vốn đầu tư vào một quốc gia nhằm thu về lợi nhuận và trong quá trình đó người chủ sở hữu vốn đồng thời là người trực tiếp quản lý, điều hành hoạt động sử dụng vốn và phải chịu trách nhiệm trực tiếp trước kết quả sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp.
– Trong vài thập niên trở lại đây, dòng FDI đang có những sự vận động nhanh chóng, mạnh mẽ và theo chiều hướng của nền kinh tế hiện đại hoá. Sự vận động đó đã và đang tạo ra cho tất cả các quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới,
trong đó có Việt Nam, cơ hội tiếp nhận một lượng vốn FDI để phục vụ cho các mục tiêu phát triển kinh tế – xã hội đất nước. Song vấn đề là liệu Việt Nam có tận dụng được cơ hội đó để biến nó thành chìa khoá vàng cho sự phát triển kinh tế – xã hội đất nước như nhiều quốc gia đã từng làm được trong lịch sử phát triển của mình hay không.
– Những hệ quả nặng nề từ mấy cuộc chiến tranh liên tiếp kéo dài hàng thập kỷ cùng với việc duy trì một mô hình chủ nghĩa xã hội cũ, một lối tư duy kinh tế cũ, lạc hậu tất yếu đã dẫn đến tình trạng khủng hoảng kinh tế – xã hội trầm trọng của Việt Nam thời hậu chiến. Nền kinh tế Việt Nam luôn ở trong tình trạng trì trệ, kém phát triển, nhưng điều khó khăn là nước ta bấy giờ lại vô cùng thiếu vốn đầu tư cho phát triển kinh tế – xã hội. Vì vậy yêu cầu cấp thiết đặt ra là phải huy động và tranh thủ mọi nguồn vốn có thể nhằm đưa nền kinh tế – xã hội đất nước vượt thoát khỏi tình trạng khủng hoảng, trì trệ và đạt được những bước phát triển nhanh chóng, tạo tiền đề cho toàn Đảng, toàn dân ta tiếp tục tiến lên xây dựng Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa giàu đẹp, vững mạnh. Công cuộc Đổi mới toàn diện đất nước, trọng tâm là đổi mới kinh tế, với điểm đột phá là đổi mới tư duy phát triển kinh tế, đã trở thành “chìa khoá” để Việt Nam từng bước “mở cửa” thu hút và tiếp nhận dòng vốn FDI dồi dào và có chất lượng từ bên ngoài nhằm phục vụ cho các mục tiêu phát triển của đất nước.