Sự tiếp biến Nho giáo ở Việt Nam qua tục ngữ, ca dao – Dân ca người Việt - 3


gian, đôi điều suy nghĩ”, theo cách giới thiệu và tái khẳng định sự có mặt của Tam giáo trong tục ngữ, đã điểm lược một số câu mang nội dung Tam giáo, cũng như điển tích Bắc sử… được các thầy đồ dẫn dụng vào tục ngữ, trong đó có một số câu “thể hiện tư tưởng Khổng giáo” [161, tr. 723].

Năm 2007, với đề tài luận văn thạc sĩ: Ảnh hưởng của văn hóa bác học trong ca dao dân ca người Việt, chúng tôi đã tiến hành khảo sát, thống kê sơ bộ về sự có mặt của các yếu tố Nho giáo trong ca dao – dân ca người Việt cùng với các yếu tố khác: Phật, Đạo, văn học viết… Ở góc nhìn văn hóa, xem sự ảnh hưởng của Nho giáo vào ca dao – dân ca vào hệ thống giá trị đạo đức người Việt là kết quả của sự tiếp xúc, giao lưu văn hóa, chúng tôi đã chỉ ra những ảnh hưởng tích cực và tiêu cực của Nho giáo vào đời sống tinh thần người dân Việt thông qua ca dao – dân ca. Tuy nhiên, chúng tôi nhận thấy những phân tích, kiến giải về Nho giáo trong luận văn chưa đủ độ sâu vì phải chia sẻ dung lượng với những nội dung khác để đáp ứng yêu cầu của đề tài. Hơn nữa, khảo sát chỉ giới hạn trong thể loại ca dao, chưa bao hàm cả tục ngữ, nên vấn đề còn nhiều khía cạnh cần bổ sung. Quan trọng hơn là trong quá trình phân tích, chúng tôi chưa tiến hành truy nguyên nguồn gốc của các biểu tượng đạo đức Nho giáo trong ca dao – dân ca người Việt, nhằm đối chiếu, làm rò những giá trị đạo đức cốt lòi mà Nho giáo đóng góp vào tâm thức, vào truyền thống dân tộc Việt, cũng như phân tích nguyên nhân dẫn đến những ảnh hưởng tiêu cực của Nho giáo đối với hệ tư tưởng bình dân. Kết quả của sự so sánh, đối chiếu còn có thể làm nổi bật tinh thần chủ động, sự tinh nhạy, khả năng sáng tạo tuyệt vời của bao thế hệ người Việt xưa trong quá trình tiếp nhận và biến đổi văn hóa ngoại sinh, làm nên bản sắc người Việt hôm nay nhưng chúng tôi chưa có đủ điều kiện để tiến hành. Giải quyết những gì còn tồn tại ở luận văn thạc sĩ là mục tiêu mà luận án tiến sĩ chúng tôi đặt ra.

Như vậy, dấu ấn của Nho giáo trong tục ngữ, ca dao – dân ca người Việt đã được nhận diện từ rất lâu. Tuy nhiên, vấn đề chỉ được điểm qua để nội dung nghiên cứu có tính khái quát và toàn vẹn hay nhằm phục vụ cho nội dung nghiên cứu khác. Trong khi tìm hiểu sự ra đời của tục ngữ, ca dao – dân ca, các nhà nghiên cứu đã


khẳng định sự tham gia sáng tác của các bậc túc nho, tầng lớp sĩ dân hoặc những người được tiếp nhận hệ thống giáo dục Nho giáo. Các nhà nghiên cứu đi trước có xu hướng xem đó là nguyên nhân, là cái gốc để lý giải sự xuất hiện của các yếu tố có liên quan đến Nho giáo nên hầu hết các công trình chỉ dừng lại ở việc chỉ ra sự có mặt và nguyên nhân xuất hiện của Nho giáo trong tục ngữ, ca dao – dân ca. Thậm chí nếu được khẳng định là nội dung tư tưởng nền tảng của tục ngữ, ca dao – dân ca thì đạo đức Nho giáo, các yếu tố liên quan đến Nho giáo cũng chỉ là một phần trong nghiên cứu chung về những ảnh hưởng của văn hóa bác học trong tục ngữ, ca dao – dân ca. Đồng thời, theo quan điểm giai cấp, các nhà nghiên cứu thường cho rằng Nho giáo mang đến cho đời sống tinh thần người Việt những quan niệm đạo đức phong kiến hủ bại. Một số công trình thể hiện sự khách quan trong những đánh giá tích cực về hệ thống giá trị đạo đức Nho giáo thì lại nghiêng về sự tiếp biến chủ động và sáng tạo của chủ thể văn hóa bình dân, không quan tâm đến giá trị cốt lòi mang tính nhân văn của Nho giáo, mà chính yếu tố này là một trong những nguyên nhân quan trọng để Nho giáo được chào đón trong ngôi nhà văn hóa chung của người Việt. Nhiệm vụ chúng tôi đặt ra cho công trình này là giải quyết thấu đáo những vấn đề trên. Đối chiếu với tư tưởng bản địa, chúng tôi muốn phác họa một bức tranh tổng thể về thực tế biến đổi diện mạo văn hoá của dân tộc Việt do những đường nét tiếp biến Nho giáo khắc họa trên nền tư liệu tục ngữ, ca dao – dân ca.

3. ĐỐI TƯỢNG VÀ PHẠM VI NGHIÊN CỨU

Trong công trình này chúng tôi tập trung vào các phạm trù Nho giáo, những biểu tượng văn học có nguồn gốc Nho giáo trong tục ngữ, ca dao – dân ca và tiến hành khảo sát, nhận dạng chúng để làm rò đâu là yếu tố bản địa, đâu là yếu tố tiếp nhận và biến đổi từ Nho giáo trong nội dung “đạo làm người” của tục ngữ, ca dao – dân ca. Đồng thời qua đó xác định vị trí của đạo đức Nho giáo trong quan niệm truyền thống của người dân Việt, chứng minh tính hiện đại của đạo đức Nho giáo đối với xã hội hiện nay.


Hiện nay có rất nhiều công trình sưu tập tục ngữ, ca dao – dân ca người Việt, bên cạnh những phần tinh tuyển tục ngữ, ca dao – dân ca trong các bộ tổng tập văn học, các nhà nghiên cứu đã tiến hành thu thập, tổng hợp tục ngữ, ca dao – dân ca đầy đủ, bao quát hơn trong những bộ sách riêng, trong đó nổi bật nhất là hai bộ sưu tập ca dao và tục ngữ riêng biệt của nhóm tác giả, do Nguyễn Xuân Kính chủ biên. Bộ ca dao có tên Kho tàng ca dao người Việt, gồm hai tập với 12.487 câu, nhà xuất bản Văn hóa – Thông tin ấn hành năm 2001 và bộ Kho tàng tục ngữ người Việt, nhà xuất bản Văn hóa – Thông tin ấn hành năm 2002. Trong bộ Kho tàng tục ngữ người Việt có một số câu đã được đưa vào Kho tàng ca dao người Việt, vì vậy, khi chọn hai bộ sách làm tài liệu khảo cứu cơ bản, chúng tôi phải kiểm đếm lại, loại bỏ những câu trùng lặp (có hình thức là một bài ca dao, một câu 6 và một câu 8), xác định con số thực tế, để có những kết quả thống kê chính xác.

Có thể bạn quan tâm!

Xem toàn bộ 232 trang tài liệu này.

Có thể nói cho đến nay, đây là hai công trình có số lượng sưu tập về tục ngữ, ca dao lớn nhất, dựa vào nguồn tư liệu đa dạng và bao quát nhất so với một công trình khác là Tuyển tập văn học dân gian Việt Nam của Trung tâm Khoa học Xã hội và Nhân văn thuộc Viện Văn học. Tập IV của công trình này được chia làm hai quyển: quyển 1 về tục ngữ, ca dao; quyển 2 về dân ca. Vì đặc tính tuyển chọn nên số lượng tục ngữ, ca dao trong công trình này hạn chế hơn so với công trình của nhóm tác giả Nguyễn Xuân Kính. Trong lời nói đầu, nhóm tác giả Nguyễn Xuân Kính đã cho thấy một khối lượng tài liệu được tập hợp rất lớn, gồm 40 cuốn (với 49 tập) đã được biên soạn từ cuối thế kỷ XVIII đến năm 1975. Công trình được chỉnh lý bổ sung liên tục trong suốt 25 năm (từ 1974 đến 1999), cuối cùng nhóm tác giả đã cho ra đời một tổng tập ca dao đồ sộ với mục đích “đem đến cho bạn đọc một công cụ giúp cho việc tìm hiểu, thưởng thức ca dao, dân ca ở nhiều góc độ, với nhiều yêu cầu khác nhau” [74, tr. 49]. Cũng với tinh thần, phương pháp và mục đích như vậy, nhóm cũng đã hoàn chỉnh bộ tổng tập về tục ngữ, được Hội đồng khoa học Viện Nghiên cứu văn hóa dân gian xếp loại xuất sắc. Công trình đã lập nhiều kỷ lục:

Lần đầu tiên có một công trình giới thiệu với số câu tục ngữ nhiều nhất (16. 098 câu, số liệu tác giả đưa ra. Sau khi chúng tôi loại bỏ một số câu

Sự tiếp biến Nho giáo ở Việt Nam qua tục ngữ, ca dao – Dân ca người Việt - 3


đã được giới thiệu trong Kho tàng ca dao người Việt, con số còn lại phục vụ cho việc thống kê của chúng tôi là 15.331).

Lần đầu tiên có một công trình chú giải được nhiều câu tục ngữ nhất.

Lần đầu tiên có một công trình giới thiệu tục ngữ theo nhiều hệ thống [76, tr. 7].

Vì những lý do trên, chúng tôi chọn hai công trình này làm tài liệu khảo sát chính, kết hợp đối chiếu bổ sung với một số tài liệu khác có liên quan.

4. PHƯƠNG PHÁP NGHIÊN CỨU

- Phương pháp liên ngành là phương pháp nổi bật trong công trình này vì đối tượng, phạm vi nghiên cứu và cách tiếp cận vấn đề đòi hỏi phải có sự hỗ trợ tư liệu từ nhiều lĩnh vực: triết học, lịch sử, văn hóa, văn học, văn hóa dân gian, pháp luật… Phương pháp này giúp chúng tôi tiếp cận đối tượng ở nhiều góc độ, để có vái nhìn toàn diện và khách quan, đồng thời có đủ cơ sở để cọ sát, đối chiếu và cả tổng hợp kiến thức nền nhằm phục vụ cho việc phân tích, chứng minh, kiến giải đưa đến kết luận trong công trình.

- Phân tích là phương pháp được ưu tiên để phục vụ cho việc tìm và lý giải các phạm trù Nho giáo trong tục ngữ, ca dao – dân ca người Việt, xác định đâu là Nho giáo trong nội dung tư tưởng chung của mảng văn vần. Phương pháp này cũng nhằm mục đích chỉ ra những giá trị về nội dung mà Nho giáo mang đến cho tục ngữ, ca dao – dân ca người Việt. Trong quá trình phân tích, chúng tôi phải vận dụng phương pháp so sánh.

- So sánh đối chiếu là phương pháp quan trọng trong công trình của chúng tôi, được thực hiện để xem xét, đối chiếu nghĩa gốc các phạm trù Nho giáo và sự xuất hiện của chúng trong văn bản tục ngữ, ca dao – dân ca người Việt. Từ cơ sở này sẽ làm rò đâu là yếu tố tiếp nhận, đâu là thành quả của sự tiếp nhận, đồng thời có thể chứng minh sự vận dụng biến chuyển linh hoạt và đầy sáng tạo của các tác giả dân gian khi khai thác những yếu tố phi dân gian.

- Để minh chứng xác thực cho những nhận định, chúng tôi tiến hành thống kê đối tượng, đưa ra những con số cụ thể, chính xác, tiến tới quy nạp, cho thấy mức độ


và khả năng ảnh hưởng của từng phạm trù Nho giáo. Từ đó rút ra những kết luận mang tính khái quát, đảm bảo tính chính xác và khách quan.

- Phương pháp lịch sử cũng được chúng tôi vận dụng trong công trình nhưng chủ yếu là để xác định nguyên nhân thâm nhập của Nho giáo vào đời sống người dân và sự xuất hiện của các biểu tượng đạo đức Nho giáo trong văn bản tục ngữ, ca dao – dân ca. Vận dụng phương pháp này vào việc tìm hiểu, phân tích các câu tục ngữ, ca dao – dân ca để nắm bắt ý nghĩa là một điều rất khó vì hầu hết hoàn cảnh ra đời của các câu tục ngữ, ca dao – dân ca đã bị lu mờ.

5. NHỮNG ĐÓNG GÓP MỚI CỦA LUẬN ÁN

Luận án của chúng tôi là công trình nghiên cứu bao quát, hệ thống đầu tiên về Nho giáo trong tục ngữ, ca dao – dân ca người Việt. Tập trung vào các phạm trù Nho giáo xuất hiện nổi bật trong mảng văn vần dân gian, công trình xác định nội hàm Nho giáo của từng phạm trù, chỉ ra đâu là tiếp, đâu là biến qua đó xác định cụ thể giá trị tích cực và tiêu cực mà tư tưởng Nho giáo tác động vào đời sống văn hóa người Việt, đồng thời làm rò thái độ của người Việt đối với tư tưởng Nho giáo nói riêng, văn hóa ngoại lai nói chung. Mặt khác, những phân tích và đối chiếu với văn hóa bản địa trong công trình sẽ làm rò tính bền vững của những giá trị tinh thần truyền thống của dân tộc, từ đó có thể tham khảo để làm cơ sở xây dựng khung chuẩn mực đạo đức ở thời hiện đại. Qua công trình này, chúng tôi hy vọng mang lại một cái nhìn khách quan và công bằng về vai trò của tư tưởng Nho giáo khi giữ vị trí chủ đạo, chi phối hệ tư tưởng dân tộc Việt.

Mặt khác, với phạm vi nghiên cứu mảng văn vần dân gian của người Việt, luận án đưa ra cái nhìn tổng quan về sự ảnh hưởng của Nho giáo trong tục ngữ, ca dao – dân ca người Việt, góp phần vào việc nghiên cứu nội dung tư tưởng của tục ngữ, ca dao – dân ca nói riêng và văn học dân gian nói chung.

6. CẤU TRÚC CỦA LUẬN ÁN

Xem Nho giáo thuộc hệ thống giá trị tư tưởng, đạo đức văn hóa, chúng tôi vận dụng các nguyên lý tiếp nhận văn hóa để xác định mối tương quan nhiều mặt giữa Nho giáo và đời sống tư tưởng bình dân Việt Nam. Đồng thời để thấy được nguyên


nhân và mối quan hệ giữa hai hệ tư tưởng, chúng tôi giới thiệu một cách tập trung những lý do khách quan thúc đẩy sự thâm nhập của học thuyết Nho giáo vào đời sống tư tưởng người dân và sự có mặt của các phạm trù Nho giáo trong lời ăn tiếng nói của họ.

Chương 1

NHỮNG VẤN ĐỀ CHUNG

Chúng tôi đưa ra những vấn đề mang tính tiền đề làm cơ sở cho những luận điểm trong phân tích, kiến giải sự tiếp nhận và biến đổi các phạm trù Nho giáo ở những chương sau.

Chương 2

SỰ TIẾP BIẾN CÁC PHẠM TRÙ ĐẠO VÀ THIÊN MỆNH TRONG TỤC NGỮ, CA DAO – DÂN CA NGƯỜI VIỆT

Sau những nội dung mang tính đề dẫn, chúng tôi đi vào phân tích sự tiếp biến cụ thể của từng phạm trù Nho giáo. Các phạm trù ở đây được chia theo từng mục với nội dung hướng đến từng lĩnh vực khác nhau của Nho giáo. Về vũ trụ, chúng tôi khảo sát hai phạm trù Đạo và Thiên mệnh. Đây là hai phạm trù được vận dụng phổ biến, xuất hiện một cách rò nét trong tục ngữ, ca dao – dân ca người Việt.

Chương 3

SỰ TIẾP BIẾN CÁC PHẠM TRÙ TRUNG – HIẾU, NHÂN – NGHĨA TRONG TỤC NGỮ, CA DAO – DÂN CA NGƯỜI VIỆT

Về đạo đức nhân văn, chúng tôi đi sâu vào các triết lý làm người đặc trưng Nho giáo: tam cương, ngũ thường nhưng chỉ tập trung vào những biểu tượng nổi bật, xuất hiện tần suất cao trong tục ngữ, ca dao – dân ca người Việt như Trung, Hiếu, Nhân, Nghĩa. Những biểu tượng khác như Lễ, Tín… xuất hiện với tầng xuất thấp hoặc đã được lồng ghép, hòa tan vào các biểu tượng trên khi xuất hiện trong mảng văn vần của người Việt (Phụ lục, tr.194 – 195), vì vậy, chúng tôi không phân tích sâu nhưng sẽ được đề cập khi có liên quan.

Chương 4

SỰ TIẾP BIẾN CÁC PHẠM TRÙ TIẾT TRINH, TAM TÒNG


TRONG TỤC NGỮ, CA DAO – DÂN CA NGƯỜI VIỆT

Người phụ nữ Việt có những chuẩn mực đạo đức riêng, đó là phẩm hạnh Tiết trinh, đạo Tam tòng, vì thế chúng tôi tách thành một mục riêng để khảo sát. Tứ đức là bốn phẩm hạnh cơ bản Nho giáo tập trung giáo dục người phụ nữ nhưng lại xuất hiện rất ít trong tục ngữ, ca dao – dân ca người Việt (Phụ lục, tr.194) nên không đủ điều kiện để chúng tôi tách riêng thành một mục, nhưng sẽ đề cập trong phần Tam tòng vì có liên quan.


NỘI DUNG


Chương 1

NHỮNG VẤN ĐỀ CHUNG

1.1. Vấn đề tiếp biến văn hóa

“Tiếp biến văn hóa” là cụm từ chỉ sự tiếp nhận và biến đổi đối tượng văn hóa được tiếp nhận thành những biểu tượng văn hóa của chủ thể tiếp nhận. Đây là quá trình được tiến hành theo một trình tự nhất định, biểu hiện qua các hiện tượng: “tiếp xúc”, “giao lưu”, “trao đổi”, “biến đổi”… Theo Trần Quốc Vượng, những thuật ngữ này được các nhà nghiên cứu Việt Nam dịch từ tiếng nước ngoài: Cultural contacts, cultural exchanges, acculturation. Riêng acculturation mang sắc thái bao quát được hiểu theo nghĩa “tiếp biến văn hóa” như cách hiểu của Giáo sư Hà Văn Tấn từ định nghĩa của các nhà nghiên cứu nước ngoài. Giáo sư viết trong Giao lưu văn hóa ở người Việt cổ: “Dưới từ acculturation, ta hiểu là hiện tượng xảy ra khi những nhóm người có văn hóa khác nhau, tiếp xúc lâu dài và trực tiếp, gây ra sự biến đổi mô thức (pattern) văn hóa ban đầu của một hay hai nhóm” [dẫn lại 165, tr. 50]. Sự diễn dịch này đã hàm ý tiến trình của “tiếp biến văn hóa” qua hai giai đoạn: tiếp xúc và biến đổi. “Tiếp xúc” chỉ sự gặp gỡ giữa các nền văn hóa khác nhau của các nhóm người khác nhau, tạo điều kiện cho sự giao lưu, trao đổi và hòa hợp giữa các nền văn hóa để tạo nên những biểu tượng văn hóa mới. Quá trình tạo ra biểu tượng văn hóa mới thông qua sự tiếp xúc, giao lưu chính là quá trình biến đổi theo xu hướng “Những nét lạc hậu, lỗi thời mất dần đi để thay thế bằng những gì được khẳng định là văn minh, hiện đại” [165, tr. 51]. Vì mục đích vươn tới sự văn minh, hiện đại, nhu cầu tiếp xúc, giao lưu, biến đổi văn hóa luôn thường trực, mang tính tự nhiên tất yếu của mỗi nền văn hóa.

Phan Ngọc cho rằng: “Không có văn hóa tự túc, văn hóa nào cũng cần đến sự giao tiếp để phát triển” [108, tr. 16]. Trần Quốc Vượng khẳng định: “Cần phải nói ngay là không có một nền văn hóa nào gọi là “thuần túy”, “trinh nguyên vẹn sạch”; trên một ý nghĩa nào đó, nền văn hóa nào cũng “lai” (métise), nghĩa là đã vay mượn

..... Xem trang tiếp theo?
⇦ Trang trước - Trang tiếp theo ⇨

Ngày đăng: 21/07/2022