Sự tiếp biến Nho giáo ở Việt Nam qua tục ngữ, ca dao – Dân ca người Việt - 6


thế, vai trò xã hội của pháp luật, bản thân các nhà cầm quyền cũng phải tham chiếu nguyện vọng của người dân. Việc này đã được các nhà làm luật tiến hành một cách tinh tế, cẩn trọng. Nhờ vậy, học thuyết Nho giáo đã được điển hóa một cách hệ thống, dựa trên nền tảng ý thức hệ dân tộc nhằm thống nhất tuyệt đối về mặt tư tưởng. Các nhà nghiên cứu, khi tìm hiểu về Luật Hồng Đức đã có những đánh giá chung, phần nào giải thích tại sao Nho giáo, dưới hình thức điển lệ, có thể tìm được sự đồng thuận của đông đảo người dân.

Phạm Xuân Nam cho rằng:

Trong quá trình xây dựng những bộ luật đó, các nhà làm luật nước ta… đều nhiều lần tham khảo các bộ luật Trung Quốc vốn được xây dựng theo định hướng giá trị quan cơ bản của Nho giáo là tam cương nhằm bảo vệ địa vị và quyền lợi của giai cấp phong kiến thống trị. Song mặt khác, việc biến ý chí của giai cấp thống trị thành luật pháp ở nước ta trong điều kiện chế độ phong kiến đang ở vào giai đoạn phát triển đi lên, thì các nhà làm luật không thể không chịu sự chi phối ở những mức độ khác nhau của những giá trị văn hóa tinh thần ưu tú của dân tộc” [106, tr. 279].

Điều đó có nghĩa là các nhà làm luật đã biết dựa vào tâm thức chung của dân tộc để có sự chọn lựa tiếp biến phù hợp, giành được sự đồng thuận của dân chúng. Vì lẽ đó, nên mặc dù dựa vào các bộ luật Trung Quốc, “định hướng theo giá trị quan của Nho giáo” nhưng Luật Hồng Đức có nhiều điểm khác với các bộ luật Trung Quốc. Insun Yu, một nhà nghiên cứu Hàn Quốc, trong Luật và xã hội Việt Nam thế kỷ XVII – XVIII đã đưa ra một bảng thống kê có so sánh với những công trình đi trước bằng các con số cụ thể: trong tổng số 722 điều luật thì có 261 điều vay mượn từ luật nhà Đường, 53 điều theo luật nhà Minh và 1 hoặc 2 điều vay mượn từ các luật khác [62, tr. 73]. Con số của ông có chênh lệch so với những nhà nghiên cứu đi trước nhưng không đáng kể (họ đưa ra con số 318 điều vay mượn). Từ hai nguồn tư liệu cho thấy tỉ lệ có hơn 50% là sáng tạo, chưa nói là trong 261 điều vay mượn từ luật nhà Đường có một số chỉ vay mượn một phần. Trong tình hình thực tế lúc bấy giờ, ý


thức hệ Nho giáo bao trùm nhiều nước phương Đông, nhưng những nhà lãnh đạo Việt Nam đã thoát ra khỏi bóng cả của nó để vươn cao đứng thẳng, đến nỗi một nhà nghiên cứu nước ngoài là Oliver Oldman – Chủ nhiệm khoa Luật Đông Á, trường Đại học Harvard – phải tỏ lời thán phục: “Bộ luật nhà Lê Việt Nam truyền thống là một công trình bất hủ của vùng Đại Đông Á truyền thống… vào những thế kỷ đặc biệt của mình đã nỗ lực xây dựng một quốc gia dân tộc vững mạnh như thế nào để bảo vệ lợi ích hợp pháp của con người thông qua hệ thống pháp luật tiến bộ” [dẫn lại 106, tr. 313]. Những nhận xét của các nhà nghiên cứu trong và ngoài nước cho thấy giá trị tinh thần mà bộ luật mang lại. Nó chứng minh cho tinh thần tự chủ, óc sáng tạo và tâm hồn biết trân trọng những giá trị nhân văn nhân loại của dân tộc Việt mà đại diện là tầng lớp quan lại phong kiến thời Lê Sơ. Đây là kết quả của sự lựa chọn thông minh, linh hoạt trong tiếp nhận văn hóa. Thao tác rất quan trọng, nó biến những cái của người thành cái của riêng mình một cách hòa hợp, tạo cho dân tộc Việt một diện mạo văn hóa khác hẳn các dân tộc trong vùng Đông Nam Á, nhưng lại không hề bị đồng hóa, rập khuôn theo văn hóa Hán, làm nên một bản sắc riêng. Theo Phan Ngọc: “Như vậy, khi đi vào quỹ đạo của văn hóa Hán, Việt Nam đã thực hiện một sự lựa chọn làm thành bản sắc của nó” [108, tr. 126]. Đó chính là công sức của những nhà “văn hóa lớn” như vua Lê Thái Tổ, Lê Thánh Tông..., các nhà nho cấp tiến: Nguyễn Trãi, Phan Phu Tiên, Thân Nhân Trung... Họ là những người đã tiến hành “vượt gộp” và hoàn thành quá trình giao lưu tiếp biến văn hóa “tạo nên một sự hoán cải mới trong đó cả nội dung lẫn hình thức đều khác trước, có sự tiếp thu cái mới nhưng kết quả lại nói lên tinh thần dân tộc ở giai đoạn mới của lịch sử” [108, tr.147]. Bước cuối cùng của quá trình “vượt gộp” không dễ dàng hoàn tất nếu không có sự hỗ trợ của các hoạt động mang tính thực tiễn khác. Một trong những hoạt động tiếp biến Nho giáo có tác động trực tiếp đến phong tục, tập quán địa phương, đó là việc các nho sĩ ở địa phương vận dụng Nho giáo để lập ra các hương ước, một dạng “văn bản dưới luật” để xúc tiến việc phổ biến đạo đức Nho giáo vào làng xã, âm thầm hỗ trợ cho việc biến các điều luật cứng nhắc thành Đạo lý.


Với trách nhiệm của một kẻ sĩ, theo chủ trương của nhà nước phong kiến, các nho sĩ đã tích cực phổ biến đạo đức Nho giáo. Nguyễn Bỉnh Khiêm theo đuổi mục tiêu “chấn hưng đạo đức và cảnh tỉnh lòng người”, Nguyễn Trinh Hằng thời Nguyễn thì quyết tâm “cải cách phong tục hương xã”... Tầng lớp nho sĩ tích cực tham gia vào việc soạn thảo những bản hương ước, định lệ của làng. Vì thế, Vũ Duy Mền khi tìm hiểu về hương ước đã kết luận: “Hương ước còn là sản phẩm của văn hóa Nho giáo” [102, tr. 799]. Nhận định này tuy ngắn gọn nhưng đã cho thấy nhiều mặt, nó phản ánh nguồn gốc ra đời, mục đích hướng tới và nội dung của các bản hương ước từ khi Nho giáo giữ vị trí chủ đạo trong hệ tư tưởng dân tộc.

Theo nhận định của Vũ Duy Mền, chúng ta hiểu nhân sự chủ lực để tạo ra những sản phẩm Nho giáo đó không ai khác ngoài tầng lớp sĩ dân sống tại địa phương. Họ có chủ đích phổ biến đạo đức Nho giáo đến từng người dân thông qua những văn bản cụ thể để lập thành phong tục Nho phong ở chốn làng xã. Trong bài ký khoán ước của hội Tư văn thôn Nhân Ái, xã Vân Canh, huyện Hoài Đức, Hà Tây soạn năm Vĩnh Thịnh 11 (1715) với sự đồng lòng của tập thể chức sắc và các nhà nho địa phương, họ đã ra một bản tuyên bố chung: “Tiên thánh đời xa, tiên triết là thầy, mà lẽ trời là ở lòng người cả, đều không thể để mai một được. Huống hồ bọn chúng ta là những người được bơi lội trong Hàn Mặc và tắm gội trong nguồn đạo (Nho),... tất nhiên sẽ hấp thụ được một nền chân Nho, đạo đức, nhân nghĩa đều quy về nơi Thánh vực, mà lại không biết để tôn sùng thì lòng chúng ta làm sao mà yên được...” [102, tr. 804]. Ở một địa phương khác, xã Hòa Tranh, huyện Ứng Hòa, Hà Tây cũng có chủ trương và mục đích tương tự: “Các điều trên đây, toàn thể quan viên lão Trùm, Xã, Thôn trưởng đều đã tham khảo, cân nhắc kỹ lưỡng nhằm ban bố cho ai nấy trong hương thôn được biết để vươn tới điều thiện, tránh xa điều ác, cùng với các bậc hiền nhân quân tử quay về phong tục tốt đẹp của Thi, Thư, lễ nghĩa. Từ đó mà gợi mở đường khoa mục, tạo dựng nên sự nghiệp. Bậc vua sáng như Nghiêu, Thuấn đời thịnh trị như Đường, Ngu hẳn cũng nhờ đó mà có nơi gửi gắm vậy, vạn đời thực không suy chuyển...” [102, tr. 804]. Vào đến miền Trung, bản hương ước của xã Quỳnh Đôi, huyện Quỳnh Lưu, Nghệ An lại xoáy vào ngũ luân: “Người ta

Có thể bạn quan tâm!

Xem toàn bộ 232 trang tài liệu này.


lấy luân lý làm trọng, nghĩa là làm cha tính nết hiền lành, làm con thờ cha mẹ cho có hiếu. Làm anh thì ở với em cho thuận hòa, làm em thì ở với anh cho cung kính. Chồng nói thì vợ nghe, làm người thì cư xử là thế. Nếu mà không được thế thì chẳng khác loài cầm thú...” [102, tr. 804]. Nội dung của các bản hương ước tập trung vào “đạo thánh hiền”, mục đích những văn bản mang tính định lệ này là hướng tất cả cư dân ở địa phương theo con đường luân lý Nho giáo. Để việc thi hành các quy định một cách chặt chẽ và nhất quán, ở mỗi làng xã đều đưa ra những hình phạt khắc nghiệt theo sau các bản hương ước, mục đích cuối cùng là đảm bảo sự tuân thủ tuyệt đối, lập thành tục lệ đến phép vua cũng không qua được. Tính nghiêm khắc của lệ làng, một mặt, thúc đẩy Nho giáo thấm sâu vào cộng đồng; mặt khác, nó biến các bài học luân lý thành những giáo điều bất khả tranh luận.

Sự tiếp biến Nho giáo ở Việt Nam qua tục ngữ, ca dao – Dân ca người Việt - 6

Những dẫn chứng trên cho thấy Nho giáo dưới danh nghĩa là “đạo làm người” theo các bản hương ước phổ biến khắp làng quê, đặc biệt là miền Bắc và Bắc Trung bộ, những nơi có tổ chức làng xã chặt chẽ. Với tính chất cơ sở, đơn vị làng xã, các bản hương ước làm cho sự tuân thủ đạo đức Nho giáo trở nên nghiêm ngặt, đều khắp, không một ai, một gia đình nào được phép lơ là, sống vượt ra ngoài vòng tục lệ, sai lệch với nề nếp do triết lý Nho giáo gây dựng. Cùng với công cụ luật pháp, hương ước đã góp phần vào công cuộc “Nho giáo hóa” xã hội Việt Nam của triều đình phong kiến từ thời Hậu Lê đến Nguyễn. Vũ Duy Mền kết luận: “Nhà nước quân chủ phổ biến đạo lý Nho gia về tam cương, ngũ thường đến tận làng xã; hướng người dân theo giáo hóa phong kiến; đồng thời đặt ra luật pháp để ngăn chặn và trừng phạt tính tự quản, tự trị quá mức của làng xã. Mặt khác, dựa vào tư tưởng Nho gia và phong tục, tập quán ở làng, một số Nho gia đã lập ra hương ước (bản quy ước của thôn – làng) nhằm phổ biến giáo hóa của triều đình làm giàu phong tục vừa khống chế làng xã theo quỹ đạo quân chủ [102, tr. 779]. Nếu như luật pháp có khả năng thống nhất tư tưởng dân tộc, nhưng lại khó thâm nhập vào các hương thôn Việt Nam vì tính tự trị cố hữu thì chính các nho sĩ là những người đã “tiếp tay” cho triều đình phong kiến mang Nho giáo về phổ biến nơi hương thôn bằng nhiều hình thức. Họ biến triết lý Nho giáo thành những chuẩn mực đạo đức cụ thể, vận dụng


một cách uyển chuyển để đạo đức Nho giáo hòa hợp với phong tục, tập quán, nếp nghĩ ở địa phương mình, tạo nên những phong tục theo định hướng Nho giáo nhưng vẫn giữ nét văn hóa đặc trưng bản địa. Có thể nói nho sĩ Việt Nam (cả bình dân lẫn bác học) là lực lượng tiên phong và nòng cốt trong việc truyền bá Nho giáo vào đời sống người dân Việt. Họ đã chọn lựa, tiến hành “vượt gộp” một cách thành công để qua họ, Nho giáo từ một học thuyết đạo đức chính trị trở thành đạo đức luân lý, thâm nhập vào đời sống người dân với những chuẩn mực làm người mực thước, chính thống. Tuy nhiên, thực tế để có được thành quả như vậy, việc chỉnh đốn phong tục mang tính bắt buộc được các nho sĩ tiến hành song song với việc từng bước uốn nắn nhận thức cá nhân và tạo ra môi trường Nho giáo thông qua phương tiện giáo dục. Giáo dục làm cho Nho giáo dễ dàng thấm sâu vào đời sống tinh thần, chiếm lấy tình cảm của số đông, tạo điều kiện cho đạo đức Nho giáo trở thành đạo lý, đạo làm người đối với người dân Việt.

1.2.3. Giáo dục

Theo Nguyễn Công Lý, vào thời Lý Thánh Tông (1054 – 1072) việc học bắt đầu được mở rộng ra ngoài dân gian, cùng lúc với việc Nho học được coi trọng trong giáo dục [97, tr. 64] (trước đó chỉ tập trung trong các chùa). Thời nhà Trần, Hồ việc mở rộng giáo dục Nho học trong dân được xúc tiến mạnh mẽ, kèm theo những quyền lợi kinh tế để khuyến khích người học, nhằm thực hiện chủ trương giáo hóa, giữ gìn phong tục nước nhà, như lời dụ của vua Trần Thuận Tông: “Đời xưa, nước có nhà học, đảng có nhà tự, toại có nhà tường, là để tỏ rò giáo hóa, gìn giữ phong tục, ý trẫm rất mộ… Hạ lệnh các lộ phủ đều đặt một nhà học cho ruộng công theo thứ bậc…” [89, tr. 717]. Nhà Hậu Lê khi tiếp ngôi thiên tử, ngoài việc tiếp tục công cuộc giáo dục Nho học đời Trần, Hồ, còn có những chính sách cụ thể, quyết đoán để phổ biến tinh thần Nho học khắp trong nước bằng phương tiện giáo dục. Năm 1434, đích thân vua Lê Thái Tông “chỉ huy cho các lộ huyện trong nước phải soạn danh sách học trò đi thi của bản lộ, hạn đến ngày 25 tháng này đến bản đạo họp điểm danh, đến ngày 1 tháng 2 thi. Ai đỗ thì được miễn lao dịch, bổ vào Quốc tử giám. Người học ở nhà lộ đến 25 tuổi trở lên mà thi không đỗ thì về làm


dân” [90, tr.117]. Kết quả là “Kỳ thi học sinh năm đó lấy đỗ hơn 1.000 người, chia làm ba bậc, hạng nhất, nhì đưa vào Quốc tử giám, hạng 3 thì về học ở nhà lộ học, đều miễn lao dịch” [90, tr.118]. Chính sách ưu ái cho người học đến đời Lê Thánh Tông còn dành cho những người chỉ cần có chút ít học vấn là được miễn sung quân, áp dụng từ con quan đến con dân [90, tr. 404]. Ngoài những chính sách ưu ái cho người học để khuyến khích dân chúng theo đuổi nghiệp khoa cử, các nhà cầm quyền còn chú tâm chỉnh đốn giáo dục đến từng địa phương. Từ thời Hậu Lê, hệ thống trường học được mở rộng cả trường công lẫn tư.

Ở cấp trung ương có các trường được tổ chức quy củ, những người quản lý, chịu trách nhiệm về việc dạy và học ở đó thường là những tiến sĩ, chẳng hạn như Quốc tử giám, trường chịu trách nhiệm đào tạo cho một số đối tượng đặc biệt. Đồng thời, trường còn có nhiệm vụ “luyện thi” cho những ai đã qua các kỳ thi hương, chuẩn bị thi hội và thi đình. Đây cũng là nơi truyền dạy sách thánh hiền cho con vua và một số con quan đại thần được chọn theo học cùng với hoàng tử, Thái tử. Ngoài ra, con các quan lại còn có thể theo học ở trường dành riêng cho họ như Chiêu văn quán, Tú lâm cục, Sùng văn quán. Một số trường như Ngự tiền cận thị cục, Trung thư giám cũng ở kinh đô, với mục đích mở rộng cho nhiều đối tượng theo học. Thời Nguyễn, kinh đô được dời vào Huế, ngoài một số trường như chúng tôi có dịp giới thiệu được lập cho hoàng tử và con cháu hoàng thân, đến thời Tự Đức vì số lượng hoàng tử tăng lên nên một số nhà học dành riêng cho hoàng tử được dựng thêm.

Ở các phủ huyện thì có hệ thống trường công lập cũng được nhà nước chú trọng phát triển và được giao cho các giáo thụ và huấn đạo phụ trách. Loại hình giáo dục này có cơ sở từ thời Trần, năm 1281 vua Trần Nhân Tông cho lập một nhà học ở ngay quê hương họ Trần, nhưng chỉ dành cho con cháu họ Trần. Đến thời nhà Hồ bắt đầu chú trọng đến việc mở mang trường học ở phủ, huyện [95, tr. 97]. Thời Hậu Lê, ngay từ những ngày đầu Lê Thái Tổ đã chú trọng “mở mang nhà học”, nhưng chưa thành hệ thống quy củ. Đến đời Lê Thái Tông, “bản đạo” ở phủ, huyện trở thành trường học. Theo lời Nguyễn Thế Long thì các trường này được mở ngay trong văn chỉ của phủ, huyện hoặc ở ngay công đường [95, tr. 97]. Trường không


mở cửa thường nhật mà chỉ tập hợp học sinh vào những ngày mồng một và mười lăm âm lịch mỗi tháng để giảng thêm về kinh, sử, làm văn, chấm bài và bình văn hay, trường cũng là nơi để tập trung ôn thi trước các kỳ thi hương. Từ đây, các quan chức ở phủ huyện sẽ khảo hạch chọn người đi thi hương và lập danh sách gửi lên trên. Sang đến thời Nguyễn hệ thống trường này phát triển mạnh mẽ. Những con số mà Nguyễn Thế Long thu thập được vào thời Tự Đức khá lớn: 158 trường trên tổng số 321 phủ, huyện. Số trường được thành lập dựa theo suất đinh của một số phủ huyện, bình quân hai huyện có một trường, kinh phí để duy trì hoạt động từ nguồn hoa lợi trên phần ruộng công do triều đình cấp.

Song song với hệ thống trường công lập, ngay ở các địa phương, “từ phố thị đến thôn xóm” [97, tr. 17] đều có những lớp học tự phát. Hệ thống “trường học” này đóng vai trò rất lớn trong việc truyền bá “đạo thánh hiền” bởi không những nhiều về số lượng mà còn nặng về hướng “tu thân”. Trẻ em được cho vào các trường này rất sớm. Theo như lời huấn dụ trong Huấn Địch thập điều: “Trẻ con sinh ra 8 tuổi cho vào nhà học, dạy cho những điều rưới quét, đối đáp, lui tới và những điều hiếu hữu, trung tín, kính nhượng, rồi sau mới cho học chữ, đến lúc 16 tuổi, học đã hơi thành, theo thứ tự tăng lên các nhà học huyện, phủ và trấn” [105, tr. 30]. Nhà Nguyễn một mặt tiếp tục cách thức giáo dục của nhà Hậu Lê, mặt khác chú tâm đến việc răn dạy đạo đức Nho giáo cho từng người dân ngay từ thiếu thời và xem đó là nhiệm vụ trọng tâm của cả xã hội, không riêng gì gia đình, đáp ứng mục tiêu cấp bách mà trước đây vua Lê Thánh Tông đã đề ra.

Thành phần thầy dạy, những người trực tiếp chịu trách nhiệm về việc giáo dục cũng như truyền dạy Đạo lý, kiến thức thánh hiền đều là nho sĩ, không như trước đây là do tăng sĩ đảm nhiệm. Nếu như ở các trường thuộc nhà nước, trách nhiệm quản lý và dạy học được giao cho các danh nho đỗ đạt cao thì ở địa phương, các trường tư thục thành phần thầy dạy được mở rộng cả về khả năng lẫn số lượng. Theo Nguyễn Công Lý, ở những trường tư thục thành phần thầy dạy rất đa dạng:

Thầy giáo là những thầy đồ am hiểu, không có điều kiện học cao hơn; cũng có thể những vị này đã từng đi thi nhưng chưa đỗ đạt, hoặc chỉ đỗ


tú tài; cũng có thể là ông Cử, ông Nghè đã từng làm quan rồi vì lý do nào đó từ bỏ chốn quan trường lui về vườn, mở trường dạy học, sống cảnh an bần lạc đạo, hoặc những vị này đỗ đạt nhưng không muốn làm quan, ở chốn quê nhà lấy nghề gò đầu trẻ như một nghĩa vụ nhằm truyền thụ tri thức thánh hiền cho hậu thế, lấy đó làm thú vui tinh thần [97, tr. 17].

Bàn về số lượng thì khá lớn, chúng ta có thể nhìn vào số đi thi, người đạt, không đạt ở mỗi kỳ thi hội để rút ra kết luận. Kỳ thi hội năm 1499 số ứng thí là 5.000, số đỗ chỉ 55 (hơn 1%); kỳ thi năm 1502, số người ứng thí vẫn 5.000, nhưng số đỗ là 61 (1,2%); kỳ thi năm 1514 số người dự thi là 5.700, đỗ 43 (chưa đến 1%). Sau loạn nhà Mạc, thời Lê Trung hưng số người chọn đỗ còn ít hơn, nhiều năm liền chỉ được vài ba người. Từ năm Quang Hưng thứ 18 (1595) đến năm Đức Long thứ 6 (1634) tổ chức 13 kỳ thi, chỉ có hai kỳ lấy đỗ 10 người (1602) và 18 người (1628), còn lại mỗi kỳ lấy đỗ chưa đến mười người [20, tr. 206]. Lại thêm định kỳ ba năm tổ chức thi một lần, số nho sĩ không đỗ đạt lên đến hàng chục vạn người. Hơn nữa, nghề dạy học là một trong những nghề không những không bị bó buộc mà còn được khuyến khích bởi nhà nước và sự trọng thị của người dân nên với lực lượng hùng hậu như vậy, việc các nhà nho về quê mở trường cho phép chúng ta phỏng đoán một lượng “trường làng” không nhỏ, tạo nên không khí học chữ, học Đạo lý thánh hiền sôi nổi ở làng quê, đóng góp mang tính quyết định trong việc nâng cao trình độ học vấn của cả dân tộc theo như lời của Phan Ngọc: “đến mức so với các nước châu Âu trước Cách mạng tư sản tỉ lệ người biết chữ ở Việt Nam vẫn đông hơn” [108, tr. 250]. Kết quả này đồng nghĩa với việc tư tưởng Nho giáo cũng được nhân rộng, thấm sâu theo số lượng và thời gian theo học chữ thánh hiền của người học, vì từ khi việc học tập được lập thành quy củ và chú tâm mở rộng đến từng địa phương thì kinh sách Nho giáo cũng là giáo trình cơ bản, bắt buộc trong mọi hình thức đào tạo và được chia theo trình độ cấp, lớp.

Tuy lý do để tìm đến nghề dạy học có khác nhau nhưng các thầy lúc bấy giờ đều có chung mục đích: giúp người học rèn đức trước khi học chữ. Đây cũng chính là mục tiêu giáo dục trọng yếu của Nho giáo mà nghĩa vụ của những người đã bước

Xem tất cả 232 trang.

Ngày đăng: 21/07/2022
Trang chủ Tài liệu miễn phí