Sự tiếp biến Nho giáo ở Việt Nam qua tục ngữ, ca dao – Dân ca người Việt - 2


2. LỊCH SỬ VẤN ĐỀ

Tìm hiểu về Nho giáo trong mảng văn vần dân gian từ trước đến nay đã có một số công trình đề cập trực tiếp hoặc gián tiếp trong nội dung nghiên cứu chung về tục ngữ, ca dao – dân ca người Việt, đặc biệt là những công trình sưu tầm tục ngữ, ca dao – dân ca sau năm 1945. Theo xu hướng vừa sưu tập vừa tiến hành khảo lược lịch sử, nguồn gốc, nội dung… của tục ngữ, ca dao – dân ca người Việt, các tác giả chia công trình thành hai phần: tiểu luận và sưu tập. Phần tiểu luận luôn có những kiến giải, nhận định liên quan đến Nho giáo, chúng tôi xin giới thiệu một số công trình tiêu biểu.

Cuối thế kỷ XIX đầu thế kỷ XX, Vương Duy Trinh trong bài tựa của tập sách Thanh Hóa quan phong có lời: “Hoặc có khi người ta tiếp xúc với cảnh vật mà sinh tình có khi nhân sự việc xảy ra mà người ta cảm hứng; hoặc người ta truy niệm luân thường mà nảy sinh lòng hiếu hữu; người ta khen ngợi Thần Phật quá đáng mà tấu thành chương” [152, tr. 9]. Lời này cho chúng ta một định nghĩa về ca dao – dân ca, đồng thời cho thấy mục đích sáng tác cũng như đã giới thiệu khái quát nội dung phản ánh của ca dao – dân ca. Trong đó hé mở một vấn đề: cùng với mục đích phục vụ cho tín ngưỡng Phật giáo, dân ca còn là tâm tình của những trắc ẩn về thế sự, về cách hành xử ở đời mà triết lý Nho giáo được lấy làm chuẩn mực. Bước đầu công trình đã xác định sự tiếp biến đạo đức Nho giáo trong ca dao – dân ca.

Năm 1914, Nguyễn Văn Mại với Việt Nam phong sử đã sưu tập và lý giải ca dao theo tinh thần: “Lấy phong dao làm gương sáng mà chiếu tinh thần quốc sửvà “lấy quốc sử làm căn bản” [100, tr.115 ]. Ông đã phân tích, lý giải một số sự kiện lịch sử thông qua ca dao. Nói cách khác, theo ông, ca dao – dân ca đã phản ánh, ghi lại nhiều sự kiện lịch sử. Tuy trong quá trình lý giải, ông đã chủ quan suy diễn một số bài ca dao không liên quan gì đến lịch sử gắn với sự kiện lịch sử, nhưng việc làm của ông đã cho thấy ca dao – dân ca là văn bản phản ánh lịch sử. Lịch sử nước nhà, xét về lĩnh vực tư tưởng, hẳn không thể không có dấu ấn Nho giáo.

Năm 1941, Dương Quảng Hàm trong Việt Nam văn học sử yếu, khi chia tục ngữ ra làm bốn loại, ông đã dùng cụm từ “Những câu tục ngữ thuộc về luân lý” đặt


tên cho nhóm một. Trong nhóm đó, ông lại tiếp tục chia thành hai tiểu mục a và b, tiểu mục a là những câu tục ngữ “dạy đạo làm người” được hình thành từ triết lý sống của Nho giáo. Không đi sâu phân tích ví dụ được dẫn nhưng qua cách nêu vấn đề của Dương Quảng Hàm, chúng ta thấy ông đã thừa nhận người dân Việt từng tiếp nhận nội dung đạo đức Nho giáo, biến chúng thành phương châm sống và phổ biến rộng rãi trong cộng đồng dưới hình thức những câu từ cô đọng, dễ nhớ, dễ thuộc. Còn về ca dao, ông cũng tiến hành phân nhóm tương tự, trong đó có những bài đề cập đến luân lý truyền thống. Tuy nhiên, do giới hạn dung lượng nên vấn đề chỉ mang tính điểm lược.

Năm 1956, Vũ Ngọc Phan cho ra đời công trình Tục ngữ và dân ca Việt Nam, sau đó được tái bản nhiều lần, đến lần thứ bảy (năm 1971) đổi tên thành Tục ngữ, ca dao, dân ca Việt Nam. Ở phần tiểu luận của công trình, ông đã xác định: tục ngữ, ca dao, dân ca là sản phẩm tinh thần của tầng lớp bình dân nhưng có sự can thiệp của tầng lớp trí thức nho sĩ. Họ là những người tuy không thuộc tầng lớp bình dân nhưng có cuộc sống, tâm tư gần gũi với người dân lao động nên những sáng tác của họ phần lớn được người dân trân trọng. Tuy nhiên, bên cạnh những yếu tố tích cực, các yếu tố tiêu cực cũng len lỏi vào đời sống người dân, chúng bị xem là những tàn dư của tư tưởng phong kiến hủ bại và ông đã có lời phê phán gay gắt. Thái độ khen, chê một cách khách quan của ông không chỉ cho thấy tính khoa học của công trình mà còn bước đầu xác định tính đa dạng, nhiều mặt của các yếu tố Nho giáo trong văn bản tục ngữ, ca dao – dân ca, qua đó phản ánh tình hình tiếp nhận tư tưởng Nho giáo của tầng lớp bình dân khá phức tạp.

Năm 1962, tập thể tác giả công trình Dân ca quan họ Bắc Ninh đã có hướng tiếp cận nhiều mặt. Trước khi giới thiệu phần sưu tập, các tác giả đã phân tích một cách tỉ mỉ, toàn diện về những vấn đề có liên quan đến quá trình hình thành cũng như phát triển của dân ca quan họ Bắc Ninh, đi từ việc tìm hiểu cơ sở hạ tầng, vị trí địa lý đến những phong tục tập quán, lề lối hát quan họ, giọng hát đến nội dung, quá trình hình thành và phát triển của dân ca quan họ… Trong quá trình tìm hiểu, phân tích những yếu tố có liên quan, nhóm tác giả đã đưa ra nhận định về hình thức cho

Có thể bạn quan tâm!

Xem toàn bộ 232 trang tài liệu này.


thấy sự ảnh hưởng của phép tắc, lễ nghi Nho giáo qua các hành vi giao tế của người dân quan họ. Các tác giả công trình viết: “Trong xã giao của những quan họ bạn, ta thấy nổi bật khía cạnh quý mến kính trọng nhau, nhưng cũng không sao tránh khỏi ảnh hưởng lối phép tắc xã giao của luân lý đạo đức phong kiến” [159, tr. 26]. Thông qua nhận định mang tính cục bộ của nhóm tác giả, chúng ta thấy đạo đức, lễ nghi Nho giáo không những ảnh hưởng trên bình diện chung về chuẩn mực hành vi xã hội mà còn chi phối đến cả loại hình ca hát dân gian, một sinh hoạt mang tính văn hóa bản địa của riêng tầng lớp lao động. Sự ảnh hưởng đó không dừng ở hình thức ứng xử mà đi vào cả tâm hồn người nghệ sĩ, thể hiện qua nội dung lời hát của các liền anh, liền chị. Tuy nhiên, theo nhóm tác giả, những ảnh hưởng này mang tính tiêu cực, do đó là sản phẩm của giai cấp phong kiến thống trị. Họ đưa ra nhận định: “Như ở trên đã trình bày, cũng như mọi hình thức văn học nghệ thuật dân gian khác, ngoài những phần tiến bộ, còn có những mặt hạn chế của nó, tức là những ảnh hưởng về luân lý, đạo đức, luật lệ phong kiến…” [159, tr. 109]. Trên quan điểm giai cấp, nhóm tác giả đã chỉ ra những khía cạnh tiêu cực do sự ảnh hưởng từ đạo đức luân lý Nho giáo, cả về hình thức ứng xử lẫn quan niệm sống của người dân quan họ, thể hiện qua loại hình dân ca quan họ. Đây là hiện tượng tương tác giữa các biểu tượng văn hóa (interculturality) xảy ra trong một cộng đồng có sự tồn tại đa dạng văn hóa (cultural diversity) vì thế, vấn đề không thể nhận xét theo một khía cạnh.

Sự tiếp biến Nho giáo ở Việt Nam qua tục ngữ, ca dao – Dân ca người Việt - 2

Nguyễn Đăng Thục, trong bộ sách Lịch sử tư tưởng Việt Nam (xuất bản lần đầu từ những năm 1967 đến 1973), tập 1 (1967), đã vận dụng ca dao – dân ca để chứng minh cho hệ tư tưởng dân gian Việt Nam. Ông ghi nhận lịch sử tư tưởng Việt Nam có sự tiếp thu hệ thống tư tưởng Nho, Phật, Đạo, điều đó được phản ánh trong ca dao – dân ca. Ông trích ca dao để chứng minh: “Tam tùng tích hãy còn ghi/ Bé nương cha mẹ, già thì theo con” [134, tr. 450] và ông kết luận: “Trên đây là tư tưởng Nho giáo đã phổ cập xuống bình dân một cách đầy đủ…” [134, tr. 451]. Tuy nhiên, với mục đích nghiên cứu lịch sử tư tưởng, căn cứ vào ca dao – dân ca để tìm hiểu nội dung tư tưởng của tầng lớp bình dân Việt Nam nên ca dao – dân ca chỉ là tài liệu dùng làm dẫn chứng, minh họa, không phải là đối tượng nghiên cứu.


Nguyễn Thị Huế (1986), khi tiến hành tìm hiểu vai trò của người phụ nữ trong ca dao – dân ca cũng ghi nhận: “Những chữ, những câu, những điển tích, những ý nghĩa của kinh truyện, những lời giáo huấn của thánh hiền, sau này lúc đi ví đi hát đã được cô vận dụng vào câu ví, câu hát của mình khá tài tình” [60, tr. 129]. Thông qua sự khẳng định tài năng của cô Nhẫn cũng như những cô gái khác, tác giả đã gián tiếp chứng minh tính bác học mà các yếu tố văn hóa phi bình dân, trong đó có các điển, các biểu tượng văn học có nguồn gốc từ Nho giáo, được đưa vào ca dao – dân ca. Bài viết đã phản ánh phần nào tình hình tiếp nhận Nho giáo của tầng lớp bình dân, đặc biệt là phụ nữ – những người không được trực tiếp tiếp xúc với kinh sách thánh hiền.

Năm 1987, Nguyễn Đức Dân, trong bài viết “Đạo lý trong tục ngữ” đăng trên Tạp chí Nghiên cứu Văn học, theo hướng tiếp cận cấu trúc câu để đi vào nội dung đạo lý của các câu tục ngữ. Cùng với khái niệm “biểu trưng”, hướng tiếp cận này nhằm đưa ra một cách nắm bắt ý nghĩa thâm sâu của các câu tục ngữ, giới hạn trong bài viết là triết lý đối nhân xử thế giữa người với người, giữa người với các hiện tượng tự nhiên và xã hội. Qua quá trình phân tích và kiến giải tác giả đã gợi mở hướng tiếp cận nội dung tục ngữ theo phạm trù.

Đinh Gia Khánh và Chu Xuân Diên trong tổng tập lịch sử văn học Việt Nam, tập 1, phần giới thiệu Văn học dân gian (1991) đã đi sâu hơn trong việc tìm hiểu từng bước quá trình hình thành và phát triển cũng như tình hình nghiên cứu văn học dân gian. Khi khẳng định vai trò của tầng lớp nho sĩ, đặc biệt là nho sĩ bình dân, trong sáng tác văn học dân gian, hai ông đã kết luận: “Nếu như những người này (nho sĩ bình dân) có đem vào nội dung và hình thức của tác phẩm dân gian ảnh hưởng của Hán học thì đó là lẽ tự nhiên” [66, tr. 293]. Hai tác giả đã khách quan khẳng định sự có mặt của các yếu tố Hán học, văn hóa bác học trong ca dao – dân ca là điều tất yếu, bởi vì một phần các sáng tác dân gian nói chung là tác phẩm của các bậc túc nho. Riêng đối với ca dao – dân ca, nếu không sáng tác trực tiếp thì họ cũng can thiệp bằng hình thức mớm lời trong các cuộc hát đối đáp. Dưới cái nhìn khách quan và cởi mở, hai nhà nghiên cứu đã khẳng định một số nội dung Nho giáo


có mặt trong văn học dân gian: “... Họ đã đem vào nội dung của văn học dân gian những quan niệm trung, hiếu, tiết, nghĩa... ”; còn về hình thức thì: “... Họ đã đem vào hình thức văn học dân gian, đặc biệt là vào các loại dân ca, những từ ngữ và điển cố, Nho học, Phật học...” [66, tr. 293]. Sau đó, hai tác giả đã dẫn chứng, phân tích một số tư liệu về sự tham gia sinh hoạt, sáng tác ca dao – dân ca của các bậc túc nho để cho thấy sự xuất hiện tất yếu của các yếu tố phi bình dân trong ca dao – dân ca. Như vậy, hai tác giả một lần nữa khẳng định nguồn gốc của các yếu tố Nho giáo trong ca dao – dân ca và xem ca dao – dân ca như là một phương tiện phổ biến Nho giáo đến người dân.

Năm 1996, Ninh Viết Giao trong phần tiểu luận của bộ sách Kho tàng ca dao xứ Nghệ và phần tiểu luận của tập sách Hát phường vải – dân ca Nghệ Tĩnh xuất bản năm 2001, cũng với mục đích tìm hiểu quá trình hình thành và phát triển của ca dao – dân ca, tác giả đã nhấn mạnh thành phần sáng tác ca dao – dân ca có tầng lớp nho sĩ hoặc những người chịu ảnh hưởng nền học vấn Nho gia. Ninh Viết Giao đã đưa ra những dẫn chứng cụ thể về việc tham gia sáng tác ca dao – dân ca của các học trò cửa Khổng sân Trình. Thành phần nghệ nhân này rất đa dạng: người còn đang tại vị, người đang hoạt động vì dân vì nước hoặc người đã vãng thời và có cả những người học lóm chữ Nho… Ông đã cất công đi tìm, sưu tập những bài ca dao

– dân ca còn tên tác giả để chứng minh cho sự can thiệp sâu sắc của các nhà nho vào sự “thay đổi chất” của hát phường vải. Ông kết luận: “Nhìn chung, loại nghệ nhân dân gian có bước qua “cửa Khổng sân Trình” ở Nghệ Tĩnh đã từng tham gia sinh họat hát phường vải với nhân dân có thể được xem là cái cầu sống nối liền giữa văn học dân gian và văn học bác học” [49, tr.132]. Tuy kết luận giới hạn trong mối quan hệ giữa văn học dân gian và văn học viết nhưng trong quá trình phân tích về nội dung, cách thức trau dồi kiến thức để đi hát của các nghệ nhân, ông đã gián tiếp cho biết sự ảnh hưởng của văn học Trung Quốc, văn học Việt Nam qua việc xuất hiện của các điển cố, điển tích từ văn học Trung Quốc, văn học Việt Nam trong Hát phường vải – dân ca Nghệ Tĩnh và cả những bài ca dao người Việt trong Kho tàng ca dao xứ Nghệ. Ông cũng đã tập trung phân tích những dẫn chứng để chứng minh


nền tảng kiến thức phục vụ cho việc sáng tác câu hát của các nghệ nhân xứ Nghệ là từ sách vở Nho gia. Qua phân tích, tác giả đã xác lập con đường cơ bản và trực tiếp đưa các yếu tố Nho giáo vào ca dao – dân ca. Đó cũng chính là một trong số những phương tiện hữu hiệu mang đạo đức, luân lý Nho giáo vào đời sống người dân lao động. Những phương tiện khác sẽ được chúng tôi giới thiệu trong phần nội dung của luận án.

Năm 1998, Huỳnh Ngọc Trảng trong Ca dao dân ca Nam kỳ lục tỉnh, phần tiểu luận, sau những kiến giải, phân tích, chứng minh quá trình hình thành và biến đổi về hình thức của các câu hò, câu hát Nam bộ, ông dùng kết cấu nghịch nhân quả để khẳng định tính cố hữu của những nội dung có liên quan đến đạo đức Nho giáo. Ông viết: “Tuy nhiên, mặc dù những biến đổi có phần mới mẻ như vậy, song nội dung của câu hò, lời hát huê tình ấy vẫn còn đặt cơ sở trên căn bản đạo lý truyền thống Khổng Mạnh” [151, tr. 13]. Cách lập luận của tác giả cho thấy nội dung mang tính chi phối câu hò, câu hát của người dân Nam bộ là đạo lý Nho giáo, mà ở đây tác giả cho là Nho giáo Khổng Mạnh. Chính cách xác định “loại” Nho giáo của tác giả đã thể hiện sự chủ động chọn lọc, tiếp nhận Nho giáo của người dân Nam bộ. Tuy nhiên, vấn đề chỉ được gợi mở trong một nhận định tổng quan, còn nhiều khía cạnh khá phức tạp cần làm rò để nhận định này mang tính thuyết phục hơn.

Nguyễn Nghĩa Dân trong công trình Đạo làm người trong tục ngữ, ca dao Việt Nam, xuất bản năm 2000, theo phương pháp nghiên cứu lịch sử đã tìm thấy sự ảnh hưởng của các tư tưởng Nho, Phật, Đạo trong tiến trình phát triển của ca dao – dân ca. Nguyễn Nghĩa Dân cho rằng: “Những nhân tố tích cực tiến bộ của tư tưởng Nho giáo, Phật giáo có thể do từng tầng lớp nho sĩ, sư tăng gián tiếp tác động hoặc trực tiếp tiếp nhận, được phản ánh khá nhiều với số lượng lớn trong tục ngữ, ca dao Việt Nam về đạo làm người” [37, tr. 10]. Điều đặc biệt là tác giả đã khách quan nhìn nhận những ảnh hưởng tích cực của các hệ tư tưởng trên đối với những chuẩn mực đạo đức của người dân thông qua tục ngữ, ca dao. Nói cách khác, các tư tưởng này đã ảnh hưởng lớn đến nội dung về “đạo làm người” trong tục ngữ, ca dao. Những quan niệm về đạo đức của các hệ tư tưởng trên đã hòa vào những chuẩn mực đạo


đức dân gian và trở thành những nội dung riêng có của người dân Việt Nam. Tác giả cũng có những ý kiến đánh giá cao sự tiếp thu linh hoạt, chủ động, khả năng sáng tạo của người dân. Ngược lại, hầu như bỏ qua những giá trị nhân bản mà tự thân các tư tưởng trên hàm chứa, nên cũng không thể thấy được những đóng góp thực sự của các tư tưởng trên trong nội dung “đạo làm người” của tục ngữ, ca dao cũng như hệ thống đạo đức tốt đẹp của người Việt.

Lê Huy Thực đã khẳng định tinh thần trọng Đạo của người dân Việt thông qua bài viết “Đạo đức – một giá trị được tôn vinh trong kho tàng tục ngữ, thơ ca dân gian Việt Nam” đăng trên Tạp chí Khoa học chính trị, số 6, năm 2003. Tác giả đi vào một khía cạnh nội dung của tục ngữ, ca dao – dân ca người Việt bằng cách xoáy sâu vào quan niệm đạo đức của ông cha ta qua các tình huống biểu đạt. Điểm nổi bật của bài viết là tác giả đã cho thấy mối quan hệ giữa đạo đức và lợi ích vật chất. Theo tác giả, đây là một trong những lý do tại sao đạo đức được “tôn vinh” trong tục ngữ và thơ ca dân gian. Qua bài viết chúng tôi nhận thấy một sự tâm huyết, say mê đeo đuổi mục đích khẳng định giá trị cổ điển thuộc về nhân cách mà ông cha ta đã để lại cho chúng ta qua kho tàng tục ngữ, ca dao của tác giả. Chính sự nhiệt huyết và say mê ấy đã thúc đẩy tác giả tiến thêm một bước trong việc tìm hiểu về quan niệm đạo đức của ông cha ta qua bài viết với tiêu đề rất hiện đại: “Tiêu chí kiểm định đạo đức con người qua tục ngữ, thơ ca dân gian Việt Nam” đăng trên Tạp chí Triết học, số 09, năm 2005. Theo tác giả, ông cha ta xưa đã dựa vào một số tiêu chí cụ thể để đánh giá đạo đức của một cá nhân như “hiện thực khác quan”, “cảm nhận trực quan”. Tuy nhiên, tác giả cũng phải thừa nhận trong nhiều trường hợp không thể đo lường được phẩm chất, đạo đức của một người khi sự thể hiện quá khôn khéo, vượt khỏi khả năng đoán định của mọi người. Mặc dù không trực tiếp đề cập đến Nho giáo, “đạo làm người” nhưng trong quá trình phân tích, dẫn chứng nhiều lần tác giả căn cứ vào những biểu tượng đạo đức Nho giáo như Trung, Hiếu, Nhân, Nghĩa… để luận giải vấn đề và đưa ra quan điểm của mình. Vì vậy, có thể nói bài viết đã gián tiếp xác định tính chuẩn mực của các phạm trù đạo đức Nho


giáo và sự đóng góp mang tính “cơ sở lý thuyết” của chúng trong quy chuẩn đạo đức của người dân Việt.

Trên Tạp chí Văn hóa dân gian số 04 năm 2006 có đăng một bài viết ngắn của tác giả Phan Hoa Lý đề cập đến “Quan hệ thầy – trò qua tục ngữ người Việt”. Tìm hiểu về mối quan hệ thầy trò nghĩa là tác giả đã chạm tới một đề tài quan trọng mà người dân Việt đã tiếp nhận từ học thuyết Nho giáo. Tác giả đã tiến hành một cách công phu khi khảo sát 16.098 câu tục ngữ trong Kho tàng ca dao người Việt do Nguyễn Xuân Kính chủ biên để rút ra con số 0,12% là tỉ lệ có mặt của những câu tục ngữ đề cập đến mối quan hệ thầy – trò. Qua con số tác giả đã đặt vấn đề: có sự mâu thuẫn giữa một dân tộc vốn coi trọng đạo lý nhưng lại rất ít quan tâm đến giáo dục thông qua sự thể hiện “quá kiệm lời”. Đặt ra một vấn đề thâm sâu nhưng ở phần cuối tác giả đã kết luận một cách suy diễn, thiếu cơ sở khoa học khi cho rằng: “Dưới thời phong kiến, số người được đi học rất ít. Việc học hành là mối quan tâm của thiểu số, bởi vậy, tục ngữ ít đề cập đến đề tài này” [98, tr. 67]. Với kết luận như vậy, cho thấy tác giả chưa thật sự tìm hiểu thấu đáo ngọn ngành vấn đề. Trong phần xác định những nguyên nhân dẫn đến sự thâm nhập của Nho giáo vào đời sống văn hóa người dân, chúng tôi sẽ giới thiệu những con số cụ thể về tình hình học tập thi cử của nước ta trong thời kỳ phong kiến làm cơ sở để đối chiếu với nhận định của tác giả.

Gần đây, hai tham luận của Nguyễn Xuân Diện và Nguyễn Duy Hinh tại hội thảo quốc tế do Viện nghiên cứu Hán - Nôm Việt Nam và Viện Harvard – Yenching Hoa Kỳ tổ chức năm 2007 cũng đã đặt ra một số vấn đề liên quan đến mối quan hệ của Nho giáo và văn hóa dân gian. Cả hai một lần nữa khẳng định sự can thiệp của tầng lớp trí thức nho sĩ Việt Nam vào quá trình hình thành nên những công trình sưu tầm tục ngữ, ca dao. Tham luận của Nguyễn Xuân Diện với nhan đề “Trí thức Nho giáo với việc Nho giáo hóa xã hội (làng xã: từ góc nhìn tư liệu học - foklore)” cho thấy những hoạt động cụ thể của nho sĩ trong việc truyền bá Nho giáo, trong đó có hoạt động sưu tập, lưu giữ và sáng tác văn học dân gian cũng như nghệ thuật sân khấu dân gian. Còn Nguyễn Duy Hinh trong tham luận “Nho giáo với văn hóa dân

Xem tất cả 232 trang.

Ngày đăng: 21/07/2022
Trang chủ Tài liệu miễn phí