Sự tiếp biến Nho giáo ở Việt Nam qua tục ngữ, ca dao – Dân ca người Việt - 5


nhà học và văn miếu thì chưa từng thấy có đâu. Do đấy ta rất lấy làm xấu hổ với tín đồ đạo Phật. Bèn viết ra đây để tỏ lòng ta [89, tr. 662].

Trương Hán Siêu cũng có tâm trạng tương tự trong bài Văn bia chùa Khai Nghiêm, nhưng lời lẽ phê phán của ông nhằm vào sự tha hóa biến chất của những kẻ tu hành, lợi dụng Phật giáo để trục lợi, hưởng thụ [16, tr. 748]. Lời của các Nho gia qua các bài văn bia phản ánh đầy đủ và toàn diện về đời sống tinh thần của người dân Việt. Chúng cho thấy đến cuối đời Trần, Nho giáo cũng chỉ quẩn quanh trong cung điện hay kinh đô và một số vùng lân cận. Đối với người dân, nó vẫn còn là một sản phẩm “ngoại quốc” xa lạ. Phải chờ đến thời Hậu Lê, sau những nỗ lực làm thay đổi nhận thức xã hội trên mọi phương diện của triều đình, Nho giáo mới bước qua lũy tre, thâm nhập vào làng quê Việt Nam.

Như vậy, về mặt tư tưởng, chỉ đến thời Hậu Lê, Nho giáo mới đủ điều kiện để thâm nhập vào đời sống văn hóa tầng lớp bình dân. Chúng tôi sẽ đi sâu vào từng lĩnh vực được nhà Hậu Lê vận dụng như những phương tiện để truyền bá Nho giáo, chỉnh đốn phong tục nước nhà: Tổ chức nhà nước, luật pháp, giáo dục, văn học – nghệ thuật, để làm rò nguyên nhân tư tưởng Nho giáo thâm nhập đời sống người dân Việt.

1.2.1. Tổ chức nhà nước

Mục tiêu “Nho giáo hóa” xã hội của triều đình phong kiến Hậu Lê thể hiện một cách chủ động, quyết liệt qua chủ trương thay đổi nhân sự trong bộ máy nhà nước từ trung ương đến địa phương. Lực lượng trí thức nho sĩ đã từng bước thay thế sư tăng và đạo sĩ ngay trong giai đoạn hậu Trần do mục tiêu trí thức hóa đội ngũ quan lại của triều đình. Phần nhiều trong số họ được nhà Hậu Lê trọng dụng. Đồng thời triều Hậu Lê còn thúc đẩy quá trình “nho sĩ hóa” bộ máy quan lại tiến nhanh cả về lượng lẫn về chất.

Từ năm 1443 đến 1454, nho thần Trình Bá Cung, Đào Phục Lễ được cử làm Giám sát ngự sử, một chức vụ có trách nhiệm tâu hặc về chính sự hoặc thiếu sót của các quan. Nguyễn Trực, Lương Nhữ Hộc được cử giữ chức Hàn lâm học sĩ, Thị giảng – chức vụ thay vua khởi thảo chế biểu, thơ ca, văn thư… Đỗ Nhạc làm Lại bộ


thượng thư Đông các đại học sĩ, giữ chức Thiếu bảo; Nguyễn Dự làm Ngự sử đài; Vũ Duệ – tiến sĩ thời Hồng Đức làm Thượng thư, giữ chức Thiếu bảo… Cũng ở vào thời Hồng Đức, các danh nho được chọn giữ các chức đứng đầu lục bộ. Nguyễn Như Đỗ làm Thượng thư bộ Lại; Nguyễn Cư Pháp làm Thượng thư bộ Hộ; Nguyễn Đình Mỹ làm Thượng thư bộ Lễ; Nguyễn Vĩnh Tích làm Thượng thư bộ Hình… và được ban cho phẩm trật tòng nhị phẩm [19, tr. 21]. Về sau, cả những người trúng trường (đã qua được các kỳ thi hội) cũng được cử giữ chức như những người đỗ đại khoa (tiến sĩ), trừ chức Ngự sử và Sứ thần ngoại giao, hai chức này có can hệ đến phong hóa, pháp điển, quốc thể nên cần người xuất sắc trong mọi lĩnh vực: văn, triết, pháp luật, phép trị nước… Vì thế, chỉ có những người đã đỗ tiến sĩ mới đủ khả năng đảm đương nhiệm vụ đó.

Đàm Công Hiệu đời Bảo Thái, Nguyễn Quý Cảnh đời Cảnh Hưng chỉ trúng trường nhưng được cử làm Tham tụng thượng thư; Đỗ Thế Giai làm đến Tự phủ tư mã [19, tr. 70]; Nguyễn Nghiễm được phong đến chức Tư đồ… Những bộ phận khác ở các cấp bậc thấp hơn triều đình cũng chú trọng chọn những người đã lĩnh hội Nho học. Triều đình đặt ra định lệ dùng lực lượng nho sĩ để phủ kín các cấp quản lý. Nếu những ai đã qua các kỳ thi hương, được sung vào Quốc tử giám học để chuẩn bị thi hội và thi đình nhưng sau nhiều lần không đỗ thì cũng được bổ dụng. Năm 1449, bổ giám sinh (những người đang học ở Quốc tử giám) làm chuyển vận phó sứ các lộ. Đây là chức quan mà vào đời Trần chuyên coi giữ tiền thóc và việc kiện cáo trong huyện, đến thời này kiêm cả việc khảo hạch học trò trước khi lập danh sách gửi đi thi hương và được xếp vào hạng chánh lục phẩm [19, tr. 31]. Năm 1467, vua Lê Thánh Tông theo lời tâu của Lại bộ thượng thư Nguyễn Như Đỗ cho những người thi hội đỗ kỳ thi thứ hai và kỳ thi thứ ba, đã được sung bổ lại viên các nha môn, nay thi đỗ giáo chức, nên bổ các chức kinh lịch [92, tr. 449]. Năm 1496, vua lại có chiếu nhắc nhở việc chọn dùng nho sĩ vào các chức vụ ở hiến ty, phủ, huyện, châu: “Hiến ty giữ chức trách tâu hặc, nếu có khuyến viên nào thì chọn người đỗ tiến sĩ, quan văn vò các nha môn, chỉ huy các vệ, ty đã trúng các kỳ thi hội…, quan phủ, huyện, châu phải thống nhiếp các chức thủ lĩnh chăn dân, nếu các hạng giám

Có thể bạn quan tâm!

Xem toàn bộ 232 trang tài liệu này.


sinh, nho sinh, học sinh, án lại, lại viên các nha môn thi hội đã trúng nhiều kỳ làm việc lâu năm biết việc, siêng năng và có quân công thì ban đầu được trao các chức Tri huyện, Tri châu, Huyện thừa, Đồng tri châu, Thủ lĩnh, Tự ban…” [92, tr. 546]. Năm 1509, thời Lê Uy Mục cơ bản vẫn theo như những lệ trên nhưng kèm theo quy định cụ thể về thời gian theo học, số kỳ trúng trường. Đến sau thời Trung hưng, nho sinh, sinh đồ được bổ vào các vị trí quan lại ở cấp xã [19, tr. 32]. Như vậy, ngoài những người đỗ đại khoa, triều đình vẫn tin tưởng nhiều người dù không thể đỗ đạt cao, họ vẫn là những người có tài, có khả năng phụ giúp triều đình điều hành đất nước tùy vào sở học. Triều đình bổ khuyết các vị trí từ địa phương đến trung ương bằng lực lượng nho sĩ nếu có điều kiện. Các cấp quản lý cần phải “nho sĩ hóa” để đảm bảo tư tưởng của nhà cầm quyền được thống nhất từ trên xuống, từ từng cá nhân đến toàn xã hội. Một mặt, triều đình tin tưởng vào tài, trí, đức hạnh của các nho sĩ; mặt khác, đối với triều đình, Nho học là một tư tưởng quan phương, biểu hiện cụ thể qua những con người xuất chúng đó. Từ đây, Nho giáo sẽ định hướng cho hệ tư tưởng quốc gia, từng bước điều chỉnh mọi hoạt động xã hội theo hướng mà nhà cầm quyền mong muốn.

Sự tiếp biến Nho giáo ở Việt Nam qua tục ngữ, ca dao – Dân ca người Việt - 5

Cũng cần nói thêm về hình thức “nhiệm tử”, việc con tiếp nối sự nghiệp của cha xem như là một sự tất yếu. Tuy nhiên, vào thời Lê đặc quyền này có sự cân nhắc kỹ lưỡng. Hậu thế tiếp nối sự nghiệp của cha phải là những người đủ tài đức, không chấp nhận sự mặc nhiên nhận lãnh trách nhiệm của cha trong điều kiện người con không đáp ứng tiêu chuẩn chung, đặc biệt là nếu chưa từng được tôi luyện trong môi trường Nho học thì càng không thể. Vì vậy, để chuẩn bị con đường chính trị của thế hệ sau, những người đứng đầu nhà nước và các viên quan có trách nhiệm đưa ra những chính sách nhằm tạo điều kiện cho con cái họ tiếp thu Nho học một cách tập trung và quy củ. Từ nhỏ các “cậu ấm” được đưa vào Quốc tử giám hay các trường riêng dành cho họ, tạo điều kiện để họ lĩnh hội Nho học như Chiêu văn quán, Tú lâm cục, Sùng văn quán… Tài liệu sử dụng để giảng dạy ở những nơi đó luôn là Tứ Thư, Ngũ Kinh, Bắc sử…, đồng thời người học cũng phải học cách viết chế, chiếu, biểu, văn sách. Vào thời Nguyễn, ngoài nhà học của vua còn có các trường:


Thập thiên đường, nhà học dành riêng cho các hoàng tử. Lúc còn nhỏ, họ được học các sách Tiểu học, Minh tâm bảo giám, khi lớn hơn một chút thì bắt đầu tiếp cận với các sách chuyên biệt của Nho gia: Tứ Thư, Ngũ Kinh. Sau này số hoàng tử tăng lên nên một số nhà học dành riêng cho họ được mở thêm. Tôn học đường là một trường dành cho con cháu hoàng thân, có quy định tuổi và được sát hạch để phân hạng. Khi cần bổ dụng họ được chọn để tiến cử, đảm trách một số chức vụ trọng yếu cùng với các quan đã đỗ đại khoa.

Cách chọn người để bổ dụng vào các chức quan, mặc dù bằng nhiều hình thức nhưng tiêu chí quan trọng nhất để chọn lựa phải là những người đã qua đào tạo Nho học (trừ một số công thần khai quốc ở thời kỳ đầu) và được kiểm tra, sát hạch về kiến thức, hạnh kiểm một cách nghiêm túc, bất cứ một sự nhầm lẫn cố ý hay vô tình, gián tiếp hoặc trực tiếp đều bị xử tội. Các nhân sự Phật, Đạo trước đây vốn được các tiền triều sủng ái, nay đã phải lui ra khỏi cung đình, nhường chỗ cho kẻ sĩ. Xu hướng thanh lọc, chọn lấy tinh Nho trong bộ máy nhà nước được tiến hành đồng bộ và nhất quán. Đại quan nếu tin theo tín ngưỡng khác cũng bị biếm phạt. Đại đô đốc Lê Ngân từng bị nhắc nhở việc trong nhà thờ Phật. Bản thân con gái ông thờ cúng, tin dùng đạo sĩ cũng bị giáng từ Huệ phi xuống làm Tư dung. Vua Lê Thái Tông từng cho chém đầu Quốc tử giám sinh Lê Tứ Dục vì lý do “không chịu học tập, chỉ chuyên nghề bói toán, bùa chú…” [92, tr. 348]. Thánh Tông theo lời tâu của nho thần Lương Thế Vinh xử tội tướng quân Bùi Huấn vì vi phạm luân thường. Theo Lương Thế Vinh, Bùi Huấn là kẻ “tệ bạc trong ân ái vợ chồng, khinh miệt đạo cương thường đến thế (đang có tang vợ mà đi cưới thiếp). Việc này quan hệ đến phong hóa, làm rối loạn nhân luân…” [92, tr. 445]. Những người nhận lấy trách nhiệm phò tá vua, đưa xã tắc đến chỗ thái bình thịnh trị, nếu không phải là người đã được tu rèn theo đạo đức Nho giáo như các nho sĩ, nho sinh… thì cũng phải là những người sống theo “chính đạo”. Người Nho học, đạo đức Nho giáo đã chi phối bộ máy nhà nước và mọi mặt đời sống sinh hoạt trong cung cũng như từng cá nhân vua, quan, tầng lớp quý tộc phong kiến. Từ đây lực lượng nho sĩ trở thành nòng cốt, tiên phong trong công cuộc đưa “chính đạo” thấm nhuần đến người dân, hướng một


số tập quán, phong tục dân tộc theo triết lý Nho giáo. Phương tiện hữu hiệu nhất, đóng vai trò thống nhất tư tưởng xã hội có sự tham gia lèo lái của tầng lớp nho sĩ là luật pháp.

1.2.2. Luật pháp

Vua Lê Thái Tổ khi vừa mới lên ngôi đã xuống chiếu: “Từ xưa đến nay, trị nước phải có luật pháp, người mà không có phép để trị thì loạn. Cho nên bắt chước đời xưa đặt ra pháp luật, để dạy các quan, dưới đến nhân dân, cho biết thế nào là thiện ác, điều thiện thì làm, điều ác thì tránh chớ có phạm pháp” [90, tr. 88]. Tuy nhiên, với khoảng thời gian sáu năm trị vì còn quá nhiều việc phải tu chỉnh, vua chưa thể tập trung vào việc xây dựng một hệ thống luật pháp hoàn bị, chỉ ban ra những lời huấn dụ mang tính tức thời. Phải đến đời vua Lê Thánh Tông mọi việc mới được tu chỉnh, sắp xếp, quy định một cách quy củ và hệ thống, trong đó có luật pháp. Vua Lê Thánh Tông cho biên soạn bộ luật Lê triều hình luật (Luật Hồng Đức), nội dung bộ luật được tập hợp chỉnh sửa từ một số điều luật ở các đời trước có bổ sung thêm, còn lưu lại nguyên vẹn đến ngày nay. Chúng tôi sẽ nói kỹ hơn về bộ luật này ở phần sau. Ngoài ra, vua còn cho biên soạn Thiên Nam dư hạ tập, Hồng Đức thiện chính thư là những bộ sách còn lưu lại một số điều luật được ban hành vào thời Lê Sơ. Năm 1511, vua Tương Dự ban Trị bình bảo phạm, gồm 50 điều. Thời Lê Trịnh, các vua chúa hầu hết kế thừa nguyên vẹn hệ thống luật pháp của tiền triều. Những người đứng đầu nhà nước trong giai đoạn này không những không ban hành luật lệ mới mà còn chủ trương bảo giữ, phát huy những quy định đã được ban bố từ các bộ luật trước. Đến thời nhà Nguyễn, vua Gia Long kế tục, tham khảo thêm luật nhà Thanh, cho ra bộ Hoàng Việt luật lệ (Luật Gia Long).

Đây là thời kỳ Nho giáo được chọn làm tư tưởng chủ đạo, vì thế, một phương tiện có khả năng định hướng và thống nhất tư tưởng quốc gia như luật pháp tất phải được các nhà cầm quyền sử dụng vào việc phổ biến Nho giáo. Hơn nữa, việc chỉnh sửa phong tục, tập quán, tu rèn đạo đức để mọi người theo về với điều thiện là một trong hai nhiệm vụ trị an mang tính cấp bách của các triều đại từ Hậu Lê đến Nguyễn. Vua Lê Thánh Tông khẳng định: “Lễ nghĩa để sửa tốt lòng dân, nông tang


để có đủ cơm áo. Hai điều đó là việc cần kíp của chính sự, là chức trách của các quan nuôi giữ dân” [92, tr. 526]. Pháp luật của hai triều Hậu Lê, Nguyễn đã cụ thể hóa ý chí, chủ trương của các nhà cầm quyền bằng cách tập trung vào giáo hóa người dân theo chuẩn mực đạo đức do Nho giáo xuất xướng: Trung, Hiếu, Nhân, Lễ, Nghĩa, Đễ, Tiết trinh… Thông qua các điều luật, triết lý “tu thân hành đạo” của Nho giáo đã trở thành những quy phạm về đạo đức nhằm bảo vệ lợi ích của giai cấp cầm quyền và ngăn cấm những hành vi tổn hại đến luân thường Nho giáo. Các vi phạm thuộc về những chuẩn mực trên được xếp vào hàng thập ác, có thể bị xử chém. Trật tự xã hội được quy định đứng đầu là vua, đến thầy, sau đến cha. Ở vị trí là một người con, bổn phận một công dân phải tuân thủ nghiêm ngặt các quy chuẩn đạo đức: Trung với vua, Nghĩa với thầy và Hiếu với cha mẹ. Chỉ xét trong mười điều ác của Luật Hồng Đức đã có bốn điều (1, 2, 3, 4) tập trung vào răn trị lễ quân thần, mưu phản, chống đối nhà nước, đập phá tông miếu sơn lăng, lấy trộm đồ dùng của vua, vạch bày và chỉ trích mạnh tình lý của vua… là những điều đại ác. Hai điều quy về tội bất hiếu, còn những điều khác thuộc nội dung: bất đạo (giết ba người trong một nhà), bất nghĩa (giết thầy học), bất mục, loạn luân… Ngoài ra, trong các điều mục luôn có những ngoặc mở đóng đề cập đến bổn phận và tiết hạnh của người phụ nữ: khi là tố cáo chồng, khi là chồng chết mà không khóc, gian dâm… đều bị xem là phạm trọng tội. Điều đó cho thấy sự đặc biệt nghiêm khắc đối với phẩm hạnh của người phụ nữ, trói buộc họ phụ thuộc cả đời vào người đàn ông. Đạo đức Nho giáo giờ đây không giới hạn trong phạm vi luân lý mà đã trở thành luật định bắt buộc, áp dụng cho toàn xã hội.

Song song với hệ thống pháp luật nghiêm minh, quy định chặt chẽ các hình thức thưởng phạt rò ràng, các vua luôn chủ trương “Lấy pháp luật mà trị tội, sao bằng lấy lễ phép mà bảo trước, để cho họ nhà vua ngày một nhiều thêm có đủ chỗ mà nương mình. Nay định giới hạn, người nào còn dám tái phạm thì như luật trị tội” [90, tr. 277]. Các vua thường ban hành sắc chỉ, huấn dụ… để cho dân hiểu rò ý chí, nguyện vọng của mình trước, cốt là giáo trước trị sau, tránh sự hà khắc không cần thiết hoặc oan sai cho người không đáng phải tội. Khi mới lên ngôi, vua Lê Thái Tổ


đã ban sáu điều dụ quân nhân để nhắc nhở về bổn phận, nghĩa vụ với vua, với dân của quân nhân. Vua Lê Thánh Tông từng bày tỏ: “Trẫm từ khi lên ngôi đến giờ, phàm những phép dạy dân nên phong tục tốt, những việc dấy thiện trừ hại, không cái gì là không nói ra trong lời huấn dụ để bọn các ngươi theo thế mà làm… Hoặc là có việc gì hại giáo hóa, tổn phong tục, tất phải để ý trị răn; có người nào trung tín hiếu đễ, tất phải để lòng khen thưởng. Nếu thế thì dân đều theo về trung hậu, đổi bỏ hết thói điêu bạc gian dối” [90, tr. 401]. Đích thân vua soạn và cho ban bố 24 điều giáo huấn. Sau này, vua Lê Huyền Tông (1662 – 1671) tu chỉnh lại 24 điều của vua Lê Thánh Tông và mở rộng thêm thành 47 điều, trong đó điều thứ 30 nhấn mạnh: “Làm người phải lấy tam cương ngũ thường làm đường lối mà theo” (Vi nhân hữu tam cương ngũ thường chi đạo) [dẫn lại 101, tr. 165]. Đến nhà Nguyễn, vua Minh Mệnh kế thừa phương pháp giáo hóa của các vua nhà Lê, ra Huấn Địch thập điều kèm theo thánh dụ nói rò mục đích: “Từ xưa, thánh đế minh vương lấy chính đạo cai trị thiên hạ, tất lấy việc giáo hóa dân chúng, tập thành phong tục làm nhiệm vụ đầu tiên” (Tự cổ, thánh đế minh vương dĩ chính đạo lý thiên hạ, tất dĩ hóa dân thành tục vi tiến vụ) [105, tr. 113]. Vua Minh Mệnh tái khẳng định đường lối ổn định và phát triển đất nước không gì quan trọng bằng việc giáo hóa dân chúng đi theo con đường mà thánh nhân xưa đã vạch ra. Vì thế, nội dung của các huấn dụ, chỉ dụ tập trung vào việc chỉnh đốn các mối quan hệ thuộc về nhân luân trong gia đình và xã hội (cha con, anh em, vợ chồng, hàng xóm láng giềng…) nhằm xây dựng gia đình hòa hiếu, hướng nề nếp sinh hoạt làng xã theo một phép tắc nhất định làm nền tảng để ổn định và phát triển đất nước.

Trong 24 điều giáo huấn của vua Lê Thánh Tông có bốn điều đầu tiên tập trung vào mối quan hệ gia đình, nhắc nhở cách cư xử, bổn phận của từng thành viên trong gia đình, đảm bảo sự yêu thương và tôn trọng lẫn nhau; có năm điều dành răn phẩm hạnh, tiết trinh của người phụ nữ. Tính tập trung này một lần nữa cho thấy sự phân biệt, nghiêm khắc với đức hạnh của phụ nữ. Ngoài ra, còn có một số điều ngăn cấm sự gần gũi trai gái theo quan niệm “nam nữ thọ thọ bất thân” của Nho giáo. Trong 47 điều huấn dụ, 10 điều đầu tiên chú ý đến gia phong “nói rò về bổn phận


của mọi thành phần trong gia đình” [105, tr. 87]; 16 điều tiếp theo đề cập đến quan hệ làng xã, hương thôn với mục đích khuyến khích tinh thần đoàn kết tương trợ lẫn nhau giữa các thành viên trong cộng đồng. Điều đầu tiên có chín tiểu mục trong Huấn Địch thập điều là “đôn đốc nhân luân”, vua dụ: “Trong đạo làm người, không có việc gì đi trước việc làm sáng đạo; quân thần có tình nghĩa, phụ tử có tình thân, phu phụ có cách biệt, huynh đệ có thứ tự, bằng hữu có thành tín, đó là đại luân của nhân loại, nhân luân sáng tỏ thì sau đấy nhân đạo mới đứng vững (Phù nhân đạo mạc tiên ư minh luân, quân thần hữu nghĩa, phụ tử hữu thân, phu phụ hữu biệt, huynh đệ hữu tự, bằng hữu hữu tín, thử nhân chi đại luân dã, nhân luân minh nhi hậu nhân đạo lập) [105, tr. 113]. Điều thứ hai có bảy tiểu mục, đề cập đến việc tu chỉnh nhân cách theo Nhân, Lễ, Nghĩa, Tín. Đó là bản thiện, tính vốn có của con người, mong mọi người giữ gìn và phát huy... Nhất nhất các huấn dụ, chỉ dụ trước sau vẫn tập trung vào truyền dạy lễ nghi, đạo hạnh của Nho giáo đến từng người dân, lập thành phong tục nơi làng xã từ đời này sang đời khác, chúng trở thành một truyền thống văn hóa theo định hướng Nho giáo.

Để tăng thêm hiệu quả cho việc giáo hóa, các vua luôn quan tâm đến việc khuyến khích, khen thưởng cho những ai sống theo đúng những chuẩn mực đạo đức ấy. Vua Lê Thái Tổ khi vừa mới dẹp giặc xong đã xuống chiếu: “… những người con hiếu, đàn bà góa giữ tiết thì cho các quan lộ tâu lên để khen thưởng” [90, tr. 90]. Thời gian sau, vua cho treo biển khen thưởng cho liệt nữ Lê Thị vì là người đẹp giữ tiết, không con nhưng ở nhà chồng thờ chồng cho đến chết [90, tr. 160]… Theo đó, Trung, Hiếu, Tiết, Nghĩa không còn là những phẩm hạnh đạo đức cá nhân mà đã trở thành quy chuẩn đạo đức của xã hội, mang ý nghĩa thiêng liêng, liên quan đến danh dự cá nhân, gia tộc và ảnh hưởng nghiêm trọng đến sự thịnh trị của một quốc gia.

Luật pháp thể hiện ý chí và là công cụ điều hành đất nước của nhà cầm quyền. Nó đảm bảo tính thống nhất về mặt tư tưởng của cả quốc gia, trong khi Nho giáo là một ý thức hệ của tầng lớp quý tộc thống trị, trước hết nó bảo vệ cho quyền lợi của giai cấp sinh ra nó, đôi khi nó đối lập với quyền lợi của giai cấp bình dân, bị trị. Vì vậy, để đạo đức Nho giáo thâm nhập vào đời sống người dân, ngoài việc dựa vào uy

..... Xem trang tiếp theo?
⇦ Trang trước - Trang tiếp theo ⇨

Ngày đăng: 21/07/2022