Sự tiếp biến Nho giáo ở Việt Nam qua tục ngữ, ca dao – Dân ca người Việt - 11


gái. Điều này được minh chứng qua công lao nuôi dưỡng con cái như trời biển mà họ đã từng dành cho các con. Thế nhưng, một số bậc sinh thành vì lý do nào đó đã tỏ ý trọng con trai hơn, phận con gái phải chịu thiệt. Như vậy, những bậc sinh thành đó đã không giữ đúng phận người trên, buông lỏng giềng mối phụ – tử trong nhân luân mà bấy lâu nay họ vẫn răn dạy con cái. Theo Đạo lý, phận làm con không cho phép các cô gái phản ứng ra mặt, thường thì các cô giữ kín nỗi buồn trong lòng, còn bên ngoài thì vẫn cố gắng hành xử theo đúng với những gì mà “đạo làm con” định hướng cho họ.

“Đạo làm con” được định danh là Hiếu, chúng tôi sẽ đi sâu hơn trong phần bàn về chữ Hiếu, ở đây chúng tôi chỉ tập trung vào vai trò của Đạo, ý nghĩa của Đạo trong việc làm nên tính chuẩn tắc hằng thường của Hiếu. Điều đó được thấy rò qua cách vận dụng từ Đạo trong bài ca dao sau:

Làm trai nết đủ trăm đường

Trước tiên điều hiếu đạo thường xưa nay Công cha đức mẹ cao dày

Cưu mang trứng nước những ngày ngây thơ Nuôi con khó nhọc đến giờ

Trưởng thành con phải biết thờ hai thân Thức khuya dậy sớm cho cần

Quạt nồng ấp lạnh giữ phần đạo con.

[74, tr. 1355]

Mở đầu bài thơ khẳng định Hiếu là phẩm hạnh quan trọng nhất trong “đạo thường”, những câu sau xoáy vào tính “cao dày” của công cha nghĩa mẹ trong việc nuôi dưỡng con cái nhằm tác động vào ý thức tri ân của người con, sau đó kết lại bằng ngữ “giữ phần đạo con” đã cho thấy tính ưu tiên trong việc gây dựng phẩm chất hiếu hạnh cho một cá nhân, ở đây nhằm vào người con trai, đồng thời khẳng định vị trí số một mà xã hội xếp cho Hiếu trong hệ thống đạo đức, “đạo làm người”. Những ý nghĩa đó, ngoài cách diễn đạt còn có sự đóng góp của Đạo với hàm nghĩa nguyên lý và nguyên tắc.

Có thể bạn quan tâm!

Xem toàn bộ 232 trang tài liệu này.


Tính nguyên lý và nguyên tắc này càng nổi bật trong lời tâm tình hay đối đáp của các chàng trai, cô gái. Đạo thường được đặt trước những cụm từ chỉ quan hệ lứa đôi, vợ chồng (chiếm tỉ lệ khá cao 106 bài ca dao trên tổng số 141 bài (75,1%) làm cho ngữ đi sau bật lên nội dung chuẩn tắc mà xã hội mặc định, tạo nên sức nặng cho câu ca, lời nói.

Sự tiếp biến Nho giáo ở Việt Nam qua tục ngữ, ca dao – Dân ca người Việt - 11

Trước hết Đạo trực tiếp xác định cách hành xử trong quan hệ nam nữ:

Chim kia còn có đôi có bạn

Em hãy xem cặp nhạn vấn vương Làm người giữ đạo tào khương

Thủy chung như nhất, giữ đường ngãi nhân.

[74, tr. 532]

Vẫn cách dùng từ Đạo sau động từ “giữ” trong kết cấu mang tính mặc định “(Đã) làm người giữ đạo tào khương” một lần nữa chứng minh cho giá trị hằng thường và chuẩn mực của Đạo trong quan niệm về cách hành xử của người dân. Cách vận dụng này làm tăng thêm khả năng thuyết phục cho nội dung khuyên bảo, nhắc nhở của người con trai khi lo sợ người con gái thay lòng đổi dạ. Cũng chính sự trao gởi tâm tình bộc lộ qua đối đáp của các chàng trai cô gái không những cho thấy tính “hằng thường” bất biến và chuẩn mực của Đạo mà còn minh định ý nghĩa của Đạo trong giới hạn tình cảm lứa đôi. Đạo sâu đậm trong quan hệ vợ chồng: “Đạo nào sâu bằng đạo vợ chồng/ Đêm nằm nghĩ lại, nước mắt hồng tuôn rơi” [74, tr. 1377], rất bền chặt, không dễ đổi thay: “Đạo vợ chồng trăm năm không phải một ngày” [75, tr. 1902]. Vì một lẽ: “đạo vợ chồng” là “đạo cang thường” mà “Đạo cang thường khá dễ đổi thay/ Dầu làm nên vòng giá, rủi ăn mày cũng theo nhau” [74, tr. 807]. Câu thứ hai đã nêu lên nguyên tắc ứng xử giữa vợ – chồng, trong mọi hoàn cảnh luôn giữ vẹn thuỷ chung. Nguyên tắc đó được vận dụng để xem xét mức độ tình cảm, ý thức sẻ chia của hai vợ chồng trong tình huống cụ thể, phải đương đầu với khó khăn: “Xét ra trong đạo vợ chồng/ Cùng nhau tương cậy đề phòng nắng mưa” [75, tr. 2595]. Đây cũng chính là nội dung cơ bản của khái niệm Nghĩa. Cách “xét” như thế đã cho thấy, đối với người dân, vợ chồng sống với nhau cốt là ở


Nghĩa. Nghĩa trở thành nội dung cơ bản của Đạo phu thê: “Đạo vợ chồng nặng nghĩa phu thê/ Đòi tiền ngàn ăn cũng hết, sau về thiếp ăn chi” [74, tr. 809]. Đặt trong kết cấu điều kiện hiện kim thách cưới với kết quả chóng vánh của nó không chỉ làm nổi bật sự hằng thường của Đạo mà còn thể hiện hàm ý trọng Tình, Nghĩa hơn vật chất của cô gái. Trong từ Đạo giờ đây có cả Nhân, Nghĩa và Tình, không chỉ là phép tắc cư xử giữa hai người. Chính gia vị Tình làm cho Đạo trong quan hệ lứa đôi trở nên chặt chẽ về nguyên tắc nhưng sâu đậm về cảm xúc.

Tình trong Đạo vợ chồng sâu sắc, hằng thường: “Đạo nào thương bằng đạo cang thường/ Chồng mà xa vợ đoạn trường Trời ơi!” [74, tr. 808], cho dù “Cang thường ly biệt, đạo vợ chồng còn thương” [74, 1485]. Đây là nét khác biệt mà các chàng trai cô gái trao cho chữ Đạo của họ so với chữ Đạo của Nho giáo. Đạo vợ chồng không đơn giản chỉ là bổn phận, trách nhiệm giữa hai cá nhân với nhau mà còn xuất phát từ cái tình, từ sự tương hợp tương giao: “Đạo vợ chồng hôm ấp mai ôm/ Phải đâu cua cá với tôm/ Khi đòi mớ nọ, khi chồm mớ kia” [74, tr. 808]. Vì Tình đôi bạn đời có thể bỏ qua cho nhau mọi xung khắc, giải quyết êm thấm những xung đột. Họ bảo rằng: “Đốn cây ai nỡ dứt chồi/ Đạo nghĩa vợ chồng giận rồi lại thương” [74, tr. 971]. Chính hai nội dung Nghĩa và Tình làm cho chữ Đạo chuẩn tắc trở nên mềm dẻo như sợi dây lạt mềm buộc chặt hai nửa lại với nhau: “Vợ chồng đạo cả lẽ hằng/ Một dây một buộc ai chằng cho ra” [75, tr. 2570]. Nếu tách Nghĩa và Tình ra khỏi Đạo, Đạo chỉ thuần là trách nhiệm, bổn phận giữa hai người không cùng huyết thống thì “đạo vợ chồng” trở nên dễ mai một và thứ yếu, như tuyên bố của một nhân vật trữ tình: “Mất mẹ với cha thiệt là khó kiếm/ Chớ điệu vợ chồng không hiếm gì nơi” [74, tr. 1445].

Khác với ca dao, Đạo trong tục ngữ có ý nghĩa thực tế và cô đọng hơn. Chẳng hạn người dân hay phát biểu thẳng thắn: “Có nhân đạo mới có gạo nấu”, phải sống thiện, sống tốt thì mới mong có cái ăn. Câu tục ngữ “Gia đạo nhà ai nấy biết” chỉ nề nếp, gia phong của một gia đình... Đồng thời cũng với bản tính thẳng thắn, cương trực, người dân có câu phản biện “Có thực mới vực được đạo”, câu này được giải nghĩa rò hơn bởi câu ca dao “Khó thì hết thảo hết ngay/ Công cha cũng bỏ,


nghĩa thầy cũng quên” [74, tr. 1295]. Theo chúng tôi, đây là phản ứng đáp trả, không chấp nhận một quan niệm cứng nhắc thiếu thực tế, bất cập so với hoàn cảnh cụ thể. Có thể, những câu nói như thế này xuất hiện trong giai đoạn lịch sử mà các chuẩn mực luân lý đã lung lay, nhưng cũng có thể nó là một kiểu quan niệm cùng tồn tại với ý nghĩa tích cực của Đạo mà chúng tôi đã phân tích. Quan niệm này nảy sinh trên nền tư duy thực tế của quần chúng lao động, không chấp nhận tính chất “giáo điều”, biến những chuẩn tắc đạo đức xã hội thành sự áp đặt chủ quan. Một khi đời sống vật chất không đủ đáp ứng những nhu cầu thiết yếu của cuộc sống thì những đòi hỏi về tinh thần trở nên xa xỉ. Tuy nhiên, với số lượng ít ỏi cho thấy tính nhất thời và cá biệt. Sự thống nhất và phổ biến chi phối nội dung tục ngữ, ca dao – dân ca vẫn là Đạo với ý nghĩa là những chuẩn tắc đạo đức, chỉ rò cách thức giữ gìn các giềng mối xã hội (ngũ luân hay tam cương) và sống theo ngũ thường của Nho giáo được người dân tiếp nhận một cách tự giác, chọn lọc. Đối với người Việt, Đạo với nghĩa gốc là đường đi đơn thuần chỉ là một từ Hán – Việt, có thể dùng từ thuần Việt để thay thế, nhưng Đạo mang ý nghĩa là những giá trị luân lý thì tồn tại mặc nhiên trong vốn từ vựng của tiếng Việt mà không một từ nào khác thay thế được, nếu có thể thay thế thì chỉ diễn đạt được ý nghĩa cụ thể chứ không khái quát được ý nghĩa chuẩn mực luân lý bắt buộc phải theo mà Nho giáo đã cô đọng.

Từ thời Hậu Lê, đời sống tinh thần của người Việt chịu sự chi phối sâu sắc của tư tưởng Nho giáo, tình cảm con người không được quan tâm, trách nhiệm với người, với cộng đồng được đề cao thành đạo đức xã hội, trói buộc con người về nhận thức cũng như hành vi, làm cho họ không được phép nghĩ đến “cái tôi”. Tất cả những việc làm, suy nghĩ của từng cá nhân phải hướng tới cộng đồng nên trong nhận thức, tình cảm của mỗi người dân sự ràng buộc bổn phận luôn tồn tại. Ý thức sống vì bổn phận là trên hết, nếu không làm tròn bổn phận sẽ ảnh hưởng đến danh dự của mình, của gia đình, thậm chí của cả dòng tộc. Vì thế, Đạo là kim chỉ nam cho mọi hành động của họ theo kết cấu biểu đạt: “đạo làm người”, “đạo làm con”, “đạo vợ chồng”…, những con đường ấy đã được lập thành và củng cố bởi cả xã hội và từ rất lâu đời, người dân không thể đi chệch. Đạo là phép tu thân, là cách xử thế


đúng đắn nhất đối với người dân – Đạo lý. Những phân tích khác của chúng tôi sẽ bổ sung thêm cho nhận định này.

2.2. Phạm trù Thiên mệnh

2.2.1. Thiên mệnh trong kinh điển

“Thiên mệnh” là một cặp từ ghép: Thiên và Mệnh (mạng). Thiên là Trời. Thuở sơ khai, khi con người chưa đủ khả năng nhận thức về bản thân và thế giới, họ phải gửi niềm tin vào những đấng siêu nhiên. Họ tin có một đấng tạo hóa siêu hình nhưng uy quyền tối thượng đã tạo dựng, chi phối các hiện tượng tự nhiên và xã hội. Người Trung Quốc cổ xưa cho đó là Thiên (Trời). Trời sinh ra người và vạn vật, là ông tổ của người. Trời và người có sự thông giao với nhau (thiên nhân tương thông, thiên nhân tương dữ) theo cách Trời ban mệnh, con người thừa hành và thừa hành một cách tận lực. Điều này đã chi phối mạnh mẽ thế giới quan triết học cổ đại Trung Quốc, trong đó có Nho giáo.

Còn Mệnh (mạng), Giản Chi và Nguyễn Hiến Lê phân ra thành ba nghĩa:

(1) Cái lẽ vô hình, linh diệu của trời đất mà con người có khi hiểu được, có khi không hiểu được; theo nghĩa đó thì mệnh (mạng) gần như luật tự nhiên của hóa công.

(2) Những nguyên do nào đó ta không rò, ảnh hưởng một cách bất ngờ tới những hoạt động của ta, khiến cho có kẻ tận lực mà không thành việc, lại có kẻ không làm mà thành việc.

(3) Một sự tiền định, sức người không thể đổi được, như có người sinh ra vốn thông minh, có kẻ vốn ngu độn, quốc gia có thời thịnh, thời suy, theo nghĩa này, mạng thường được gọi là định mạng, số mạng [15, tr. 37].

Nho giáo vẫn xem Trời là bậc chí tôn, sinh dưỡng, chi phối mọi sự thịnh suy của tự nhiên và xã hội. Mạnh Tử khi phân biệt thái độ cư xử của con người đã xác định: “Trời sinh ra muôn vật từ một gốc” (Thiên chi sinh vật dã, sử chi nhất bản) [30, tr. 178]. Trời quyết định cho sự thành bại của con người (Nhược phù thành công tắc thiên dã) [30, tr. 72]. Trời trở thành nhân vật đại diện cho “cái lẽ vô hình”, “nguyên nhân” chi phối và kiểm soát cuộc sống của con người và đó được xem là


Thiên mệnh. Sống dưới Trời, con người chỉ biết tận lực làm theo ý chỉ của Trời, được hiện thực hóa bằng những phép tắc đạo đức gọi là Đạo người: Trung, Hiếu, Nhân, Nghĩa, Đễ, Tín, Dũng. Những phép tắc đạo đức ấy ứng với từng mối quan hệ nhất định giữa người với người. Mọi người hành xử theo đúng với Đạo người là thuận theo ý Trời và sẽ được sự ưu ái của Trời, được phúc; ngược lại thì chuốc lấy họa. Sự tuân thủ thống nhất trong toàn xã hội từ vua tới dân sẽ tạo nên sự ổn định, thịnh trị của xã hội vì thuận theo ý Trời. Nho giáo đã biến triết lý Thiên mệnh thành cơ sở lý luận chính trị phục vụ cho lý tưởng hành đạo của mình, không còn là niềm tin tín ngưỡng thuần túy.

Nho giáo đã thiêng liêng hóa khái niệm “thiên mệnh” khi cho rằng ý Trời là tối thượng, con người chỉ biết tuân theo; uy lực của trời là vô biên; đức của Trời thấm đến mọi nơi… Khổng Tử đã phải thốt lên: “Duy thiên vi đại!” (Duy chỉ có Trời là to lớn nhất!) [29, tr. 128]. Định tính “to lớn” trong lời của Khổng Tử không nhằm miêu tả hình dạng, kích cỡ của Trời mà muốn ám chỉ sự tồn tại siêu hình, uy lực vô biên của Trời. Nó vượt khỏi khả năng nhận thức của con người, bất định lượng, bất định tính. Mặt khác, câu nói cũng thừa nhận sự thấp bé, quy phục của con người trước Trời, trước những biến thiên của tự nhiên và xã hội, đặc biệt là những vấn đề liên quan đến sự được mất, thịnh suy của đời người như cách nói của Khổng Tử: “Tử sinh hữu mạng, phú quý tại thiên” (Chết sống đã được Trời định sẵn, giàu sang do Trời quyết) [29, tr. 182]. Sự huyền vi đó buộc con người phải khiếp sợ. Trong ba nỗi lo sợ của người quân tử thì sợ Mệnh Trời được xếp ở vị trí thứ nhất (Úy thiên mệnh…) [29, tr. 262]. Thiên mệnh dù huyền vi nhưng quyết đoán và công bằng, nếu biết quy phục theo Mệnh Trời thì tất sẽ được toại ý (Úy thiên chi oai, vu thì bảo chi – Kính sợ Trời bảo tồn được mình) [30, tr. 48]. Tin tưởng vào sự công bằng của Trời nên Nho giáo khuyên con người cứ tận lực theo đúng con đường mà Trời đã hướng con người theo – Thiên đạo – vì đó là lẽ đúng, sự thành bại, thắng thua đã có Trời phân xử: “Cầu chi hữu đạo, đắc chi hữu mạng” [31, tr. 218]. Với quan niệm như vậy, nên Mệnh Trời trở thành “cơ sở lý luận” biện giải cho sự tồn vong của vạn vật, được Nho giáo vận dụng vào giải thích khiên


cưỡng nhưng chặt chẽ, đầy thuyết phục cho các sự kiện quan trọng. Khổng Tử khi kẹt lại đất Khuông vẫn tin chắc một điều: Trời sẽ cho Người con đường thoát vì Trời chưa muốn Người chết. Lần khác, khóc than cho cái chết của Nhan Uyên – một học trò được Khổng Tử tin yêu, Người phải thốt lên: “Trời hại ta!”. Cách giải thích mặc dù duy tâm huyễn hoặc nhưng phù hợp với nhận thức của xã hội trong một giai đoạn lịch sử nhất định. Nó mang đến cho con người sự an ủi tinh thần, an nhiên với họa phúc. Nho giáo vận dụng tính chất duy tâm này kết hợp với triết lý tôn ti lập nên một hệ thống lý luận chính trị chặt chẽ, trói buộc mọi người vào vị trí nhất định nhằm giữ cho xã hội ổn định trong sự hòa mục trên dưới.

Mạnh Tử dẫn lời vua Vò Vương: “Trời sinh ra dân, sinh ra vua và sinh ra thầy để giúp vua” (Thiên giáng hạ dân, tác chi quân, tác chi sư, duy viết kỳ trợ) [30, tr. 48]. Sự sắp xếp ngôi thứ của vua tôi, thầy trò và mỗi người nhận lãnh một trách nhiệm khác nhau là do sự phân công của Trời. Mọi sự hoán đổi, truyền thừa cũng đều do nơi Trời quyết định. Vua Nghiêu khi truyền ngôi cho vua Thuấn dặn dò rằng: “Thuấn nghe đây! Số Trời đã định cho ngươi nối ngôi ta. Vì thế nên thi hành một cách trung chính, không được để dân bốn bể khốn cùng. Nếu không thì Trời sẽ dứt lộc” (Tư! Nhĩ Thuấn, Thiên chi lịch số tại nhĩ cung. Doãn chấp kỳ trung, tứ hải khốn cùng. Thiên lộc vĩnh chung) [29, tr. 310]. Những lời này sau được vua Thuấn truyền lại cho vua Vũ. Lời dặn dò của các vua đã thiêng liêng hóa ngôi vị của vua trong hệ thống tôn ti của xã hội. Tuy chỉ là những lời nhắn gửi, ủy thác nhưng đó là lệnh Trời, các vua chỉ thay mặt Trời truyền lại. Điều này có tác dụng làm tăng thêm sự huyền bí và uy lực cho ngôi thiên tử, tạo được nỗi sợ hãi, sự quy phục tuyệt đối trong dân chúng, người dân tin tưởng một cách ngây thơ rằng: chỉ có thừa hành đúng với vị trí, bổn phận mà Trời đã định thì họ mới mong có cuộc sống an lạc, thịnh vượng. Điều đó dường như đã trở thành quy luật theo lời Mạnh Tử:

Khi thiên hạ bình yên, kẻ ít đức phục vụ người đức lớn, kẻ kém tài phục vụ cho người có tài cao hơn. Khi thiên hạ loạn lạc, nước nhỏ phục vụ nước lớn, cả hai phải phục dịch cho nước mạnh. Hai cảnh ấy thuộc về lẽ Trời. Ai thuận theo Trời thì còn, ai nghịch với Trời thì mất” (Thiên hạ


hữu đạo, tiểu đức dịch đại đức, tiểu hiền dịch đại hiền. Thiên hạ vô đạo, tiểu dịch đại nhược dịch cường. Tự nhị giả Thiên dã. Thuận Thiên giả tồn, nghịch Thiên giả vong) [31, tr. 14].

Trong lời khuyên giảng cho Tề Tuyên Vương, Mạnh Tử bổ sung: “Nước lớn giúp nước nhỏ là vui với sự sắp đặt của Trời. Nước nhỏ phụng sự nước lớn là sợ uy Trời. Vui với sự sắp đặt của Trời thì bảo tồn được thiên hạ. Sợ uy Trời thì bảo tồn được quốc gia (Dĩ đại sự tiểu giả, lạc thiên giả dã. Dĩ tiểu sự đại giả, úy thiên giả dã. Lạc thiên giả bảo thiên hạ, úy thiên giả bảo kỳ quốc) [30, tr. 46]. Trong tình hình lịch sử tồn tại trật tự xã hội: vua, vương, công, hầu…, sự tranh quyền xưng bá, thâu tóm thiên hạ xảy ra liên miên, tạo nên sự bất ổn loạn lạc. Để khắc phục tình trạng này, Nho giáo cho rằng cần phải củng cố lại trật tự xã hội theo kết cấu: trên – dưới, vua – tôi, cha – con, chồng – vợ,… Trong mỗi mối quan hệ, từng cá nhân phải ý thức rò vị trí, bổn phận của mình từ đó hành xử theo đúng đức hạnh được Nho giáo quy định cho mỗi vị trí, để “danh” hợp với “thực”. Thuyết Thiên mệnh với tính chất thần bí đã trở thành chỗ dựa vững chắc lôi kéo mọi người về với trật tự ấy. Tính chất này tiếp tục được củng cố và phát huy vào thời Hậu Nho (Nho giáo sau thời Tần) bằng cách áp dụng nhiều học thuyết phi Nho để giải thích sự tồn tại của vạn vật, đặc biệt là các giềng mối trong xã hội.

Thuyết Thiên mệnh sơ khai chứa đựng nhiều yếu tố tiến bộ khi cho rằng: thứ nhất, Trời đại diện cho những điều Thiện, những điều mà người dân mong ước, người có đức, sống nhân ái, chân thành, trung tín sẽ được Trời ủng hộ, ban lộc. Thứ hai, lòng dân là ý Trời, vì vậy, nhà cầm quyền, thông nối giữa Trời và dân cần xem xét điều gì dân cần, dân muốn thì nên theo; ngược lại, điều gì dân ghét thì nên tránh, như thế sẽ thu phục được nhân tâm, thuận ý Trời. Vua Vò Vương theo ý dân nên đánh đuổi vua Trụ. Vua Kiệt, Trụ mất ngôi là bởi làm mất lòng dân nên bị Trời truất phế [31, tr. 18]. Đồng thời, Mạnh Tử cũng thẳng thắn khẳng định ngôi vua không thuộc sở hữu của bất cứ ai, vì vậy, không có sự tự ý truyền ngôi cho nhau giữa các đời vua. Chỉ có Trời, xét thấy đức hạnh của ai xứng hợp thì Trời cho tiếp ngôi. Một khi Trời đã chọn thì dân cũng hài lòng (Nghiêu tiến Thuấn ư thiên, nhi thiên thọ chi;

..... Xem trang tiếp theo?
⇦ Trang trước - Trang tiếp theo ⇨

Ngày đăng: 21/07/2022