hòa tan những yếu tố ấy vào tâm thức dân gian. Hai nhà nghiên cứu Đinh Gia Khánh và Chu Xuân Diên đã khẳng định: “Chính cũng nhờ các hình thức sinh hoạt có tính chất dân gian ấy mà những tác phẩm như truyện Kiều, truyện Lục Vân Tiên và nhiều truyện Nôm khác đã được phổ cập trong nhân dân” [66, tr. 322]. Tuy nhiên, thực tế cho thấy để những yếu tố phi bình dân có thể nhẹ nhàng chiếm lấy tình cảm người dân cần phải có môi trường Nho giáo mà điều này đã được lĩnh vực giáo dục thiết lập. Có thể nói tất cả các phương tiện, hình thức truyền bá Nho giáo mà chúng tôi đã giới thiệu và phân tích được chủ động phối hợp chặt chẽ, đồng bộ, hỗ trợ lẫn nhau mới mang lại thành quả tiếp nhận Nho giáo như chúng ta thấy.
Khi Nho giáo được chọn làm tư tưởng chủ đạo của dân tộc, các nhà cầm quyền đã tận dụng tất cả các phương tiện và mọi lĩnh vực để thúc đẩy Nho giáo phổ biến dưới hình thức những đạo tu thân, hướng thiện thâm nhập vào đời sống tinh thần người dân, chi phối các lễ nghi phong tục khác. Nho giáo khởi đầu là một học thuyết đạo đức chính trị, qua nhiều phương tiện, triều đình phong kiến Việt Nam từ thời Hậu Lê đến Nguyễn đã biến nội dung Nho giáo thành những chuẩn mực đạo đức làm người, hướng người dân tu chỉnh theo để đạt mục tiêu “chỉnh đốn nhân luân”. Đóng góp quan trọng cho quá trình vận dụng và phổ biến Nho giáo của triều đình phong kiến phải kể đến những hoạt động thiết thực của tầng lớp nho sĩ. Mặc dù là “con đẻ” của chế độ phong kiến Việt Nam nhưng tầng lớp nho sĩ lại có cuộc sống và tâm tư tình cảm rất gần gũi với người dân lao động, chính điều này đã giúp họ cảm hóa người dân một cách dễ dàng, đưa hoạt động tinh thần của người dân nơi làng xã hướng theo quỹ đạo chung. Đồng thời, cũng chính họ là những người rất quan tâm đến sinh hoạt truyền thống dân gian của dân tộc. Họ là những người can thiệp, chi phối nhiều loại hình sinh hoạt dân gian. Đối với mảng văn vần họ là những người có ý thức lưu giữ và bảo toàn khi có đủ điều kiện.
1.3. Nho giáo và tục ngữ, ca dao – dân ca người Việt
Quá trình hình thành kho tàng tục ngữ, ca dao – dân ca cho thấy loại văn vần dân gian này ở thời kỳ đầu được lưu giữ với ba mục đích: thứ nhất, tục ngữ, ca dao
– dân ca được xem là vốn ngôn ngữ dân gian, được khai thác vận dụng vào sáng tác
của các nhà văn, nhà thơ; thứ hai, các nhà nho ý thức được sự cần thiết phải lưu giữ và bảo tồn, phổ biến những tinh hoa tinh thần dân tộc thể hiện qua các câu từ nên tiến hành thu thập nhằm phổ biến, thay đổi quan niệm thẩm mỹ văn học của xã hội; thứ ba, sự thay đổi về nhận thức đối với tục ngữ, ca dao – dân ca định hướng cho các nhà sưu tập nhìn nhận tục ngữ, ca dao như “một hiện tượng ý thức xã hội” [40, tr. 23] nên họ chủ động thu thập sắp xếp tục ngữ, ca dao – dân ca theo chủ đề nhằm làm nổi bật những giá trị lịch sử, xã hội, chính trị, đạo đức… để khẳng định vai trò phản ánh hiện thực của thể loại văn học dân gian này.
Với tư cách là vốn ngôn ngữ dân gian, tục ngữ, ca dao – dân ca sớm được các tác giả văn học khai thác, vận dụng vào quá trình hình thành tác phẩm văn học viết nhằm phục vụ cho nội dung chung của tác phẩm. Về hình thức, tục ngữ, ca dao – dân ca làm cho tác phẩm văn học viết trở nên gần gũi và mang đậm màu sắc dân tộc, đóng góp rất lớn vào sự thành công của từng tác phẩm cá nhân. Hiện tượng này được minh chứng qua các tác phẩm thơ Nôm của Nguyễn Trãi, Nguyễn Bỉnh Khiêm, Nguyễn Du, Hồ Xuân Hương… Câu tục ngữ: “Ở bầu thì tròn ở ống thì dài” xuất hiện trong Quốc âm thi tập dưới dạng một câu thơ Nôm ở vị trí kết bài “Ắt đã tròn bằng nước ở bầu” [149, tr. 29] để triết lý cho sự thích nghi với hoàn cảnh của tác giả. Câu thơ “Nếu có sâu thì bỏ canh” trong một bài thơ Nôm tám câu của Quốc âm thi tập mượn ý câu tục ngữ “Một con sâu làm rầu nồi canh” để phê phán sự hồ đồ, suy diễn của dư luận theo logic của bài. Những câu tục ngữ: “Bụt nhà không thiêng, đi cầu Thích Ca ngoài đường”, “Cờ đến tay ai người ấy phất”… được Nguyễn Bỉnh Khiêm đưa vào các bài thơ Nôm như những triết lý mang tính tổng kết cho nội dung nhằm bày tỏ quan điểm của mình về cách hành xử phổ biến của cộng đồng.
Việc vận dụng lời ăn tiếng nói của dân tộc vào sáng tác, một mặt, thể hiện ý thức bảo tồn, trân trọng ngôn ngữ dân tộc của tác giả; một mặt, làm tăng khả năng truyền đạt, phổ biến tâm tư tình cảm cá nhân đến cộng đồng vì đó “thường là một trong những biện pháp có hiệu quả góp phần nâng cao tính nhân dân và tính dân tộc của tác phẩm văn học” [55, tr. 1880]. Khía cạnh thứ hai, thuộc về chức năng giáo
Có thể bạn quan tâm!
- Sự tiếp biến Nho giáo ở Việt Nam qua tục ngữ, ca dao – Dân ca người Việt - 5
- Sự tiếp biến Nho giáo ở Việt Nam qua tục ngữ, ca dao – Dân ca người Việt - 6
- Sự tiếp biến Nho giáo ở Việt Nam qua tục ngữ, ca dao – Dân ca người Việt - 7
- Sự tiếp biến Nho giáo ở Việt Nam qua tục ngữ, ca dao – Dân ca người Việt - 9
- Đạo Trong Tục Ngữ , Ca Dao – Dân Ca Người Việt
- Sự tiếp biến Nho giáo ở Việt Nam qua tục ngữ, ca dao – Dân ca người Việt - 11
Xem toàn bộ 232 trang tài liệu này.
dục của văn học, được phát huy đến mức tối đa. Vì lý do này, trong những chùm thơ về giáo huấn hoặc các tác phẩm thiên về giáo huấn, chữ Nôm được sử dụng phổ biến kết hợp với một số câu chữ, thành ngữ Hán – Việt nhưng có khuynh hướng Việt hóa về mặt kết cấu để hòa tan yếu tố ngoại nhập vào chất liệu dân tộc. Triết lý Nho giáo được diễn đạt theo hướng Việt hóa nhằm tăng khả năng tiếp nhận. Những câu chữ đó một khi đã được số đông người dân tiếp nhận, theo thời gian chúng có thể trở thành tục ngữ, thành ngữ, câu hát dân gian. Đây cũng là một trong những lý do mà chúng ta không thể xác định được nguồn gốc của một số câu thơ xuất hiện cả trong văn học viết và văn học dân gian.
Mục đích thứ hai, tục ngữ, ca dao – dân ca được sưu tập theo cảm quan thẩm mỹ của các nhà nho (sau này có lực lượng trí thức Tây học), họ xem đây là những tài sản quý giá của dân tộc, cần thiết phải lưu giữ và phổ biến với tinh thần thưởng ngoạn là chính. Những câu tục ngữ, ca dao – dân ca chủ yếu được giới thiệu với tư cách là một chủ đề, phía sau là những lời bình giải bằng chữ Hán hay chúng là những thành phần bổ sung để làm rò ý nghĩa trong những tình huống mà chữ Hán không đảm đương được vai trò. Dưới hình thức này, tục ngữ, ca dao bắt đầu xuất hiện tập trung và nội dung được chú ý đến, như các công trình Việt Nam phong sử của Nguyễn Văn Mại, Thanh Hóa quan phong của Vương Duy Trinh...
Khi các nhà sưu tập xem tục ngữ, ca dao – dân ca phản ánh ý thức xã hội thì hầu hết họ đều chủ động sưu tập, phân loại theo chủ đề nhằm làm nổi bật giá trị tư tưởng và tính hiện thực của thể loại văn học dân gian này. Hiện thực từ sau thế kỷ XV diễn biến theo định hướng của nhà nước phong kiến. Đạo đức Nho giáo dần trở thành những yếu tố truyền thống của dân tộc do sự bảo trợ và tích cực xã hội hóa liên tục của các triều đại phong kiến. Tuy nhiên, không thể tách bạch thành một mục riêng vì bản thân các yếu tố Nho giáo cũng đã được biến chuyển để hòa tan vào phong tục tập quán, nếp nghĩ vốn có của dân tộc, nên nó được lồng chung trong các tiểu mục “đạo làm người” của các công trình sưu tập. Vấn đề là không phải tất cả nội dung triết lý, đạo đức Nho giáo đều xuất hiện đầy đủ trong tục ngữ, ca dao – dân ca. Chẳng hạn, khi nói về nhân luân, người dân hướng đến mối quan hệ phụ (mẫu)
tử, ít nói đến mối quan hệ quân thần. Trong ca dao thì phần lớn tập trung vào mối quan hệ phu phụ, trong khi các mối quan hệ khác như huynh đệ, bằng hữu không được đề cập nhiều. Đối với ngũ thường, tập trung vào Nghĩa, nói một ít về Nhân mặc dù đối với Nho giáo đây là khái niệm quan trọng nhất; người dân gần như không chú tâm nhắc đến chữ Tín (nếu có đề cập cũng mang tính gián tiếp, chỉ một lần xuất hiện rò ràng); còn Lễ thì xuất hiện dưới dạng những biến thể qua các quy định về lễ nghi, cách cư xử trong cuộc sống hàng ngày, trong tục ngữ, ca dao – dân ca nó đã hòa vào các khái niệm khác, một vài lần xuất hiện riêng lẻ (Phụ lục, tr. 194)... Đó là tình hình xuất hiện của các phạm trù đạo đức Nho giáo trong kho tàng tục ngữ, ca dao – dân ca người Việt. Thực tế văn bản này ắt phải có nhiều lý do: có thể là do chủ đích cấu trúc lại Nho giáo theo chiều hướng thiên về những giá trị thực dụng [47, tr. 5]; do phụ thuộc vào tâm thức dân gian hay có thể là vì yếu tố thể loại… Để làm rò vấn đề này, chúng tôi thiết nghĩ cần phải có một công trình nghiên cứu liên ngành (nhân học, xã hội học, văn bản học, ngôn ngữ học…) vì tính phức tạp và vì dù là một khoảng trống trong văn bản nghệ thuật nhưng lại phản ánh nội dung tư tưởng thể loại và một “hiện tượng ý thức” chung của cộng đồng, cần phải tìm hiểu sâu. Trong điều kiện cho phép, chúng tôi tập trung vào những phạm trù đạo đức Nho giáo được vận dụng nổi bật và xuất hiện với con số đáng kể trong văn bản tục ngữ, ca dao – dân ca người Việt. Đây là điều kiện giúp chúng tôi có thể so sánh, đối chiếu với những nội dung bản địa.
Đối với tục ngữ, chúng tôi xin trích các nhận định của một số nhà nghiên cứu để thấy được nội dung cốt lòi của tục ngữ. Tác giả Tục ngữ Việt Nam nhận định: “Tục ngữ được sáng tạo ra nhằm mục đích tổng kết và phổ biến những kinh nghiệm đời sống, kinh nghiệm lịch sử – xã hội của nhân dân lao động. Những kinh nghiệm ấy được rút ra từ việc quan sát hàng loạt những sự kiện đời sống, sự kiện lịch sử – xã hội cụ thể” [40, tr. 11]. Còn Cao Huy Đỉnh trong Tìm hiểu tiến trình văn học dân gian, sau khi nghiên cứu việc vận dụng tục ngữ vào sáng tác thơ Nôm của Nguyễn Trãi đã kết luận: “Về nội dung thì đây là những phán đoán, những kết luận của nhân dân rút ra từ nhân tình thế thái, có tính chất triết lý và giáo huấn. Nó khái quát cuộc
sống dưới dạng ngắn gọn, sinh động. Nó là ý niệm hình tượng, một kiểu tư duy phổ biến và truyền thống, giàu tính văn nghệ tự nhiên của nhân dân” [45, tr. 94].
Các nhận định trên dựa vào “nội dung tư tưởng” của tục ngữ để kết luận, thống nhất với nhau về mặt xã hội, tục ngữ là sản phẩm tinh thần của người lao động được sinh ra từ hoạt động lao động thực tiễn và bám sát thực tiễn, phản ánh diễn biến tâm tư, nguyện vọng của quần chúng lao động.
Những câu tục ngữ phản ánh chế độ mẫu hệ, vị trí, vai trò của người phụ nữ đối với gia đình còn lưu lại cho đến ngày nay: “Con dại cái mang”, “Đức hiền tại mẫu”, “Phúc đức tại mẫu”... Người mẹ không những mang nặng đẻ đau mà còn chịu trách nhiệm về sự trưởng thành và quá trình hình thành nên nhân cách của đứa con. Khi Nho giáo chiếm vị trí “chính thống”, làm chuyển biến nền văn hóa bản địa, diễn biến đó phần nào được ghi lại trong tục ngữ. Những quan niệm cực đoan của Nho giáo định hướng cho nguyên tắc ứng xử, quan niệm nhân sinh của người dân xa dần với thuở ban sơ. Chẳng hạn như các câu tục ngữ: “Cha truyền con nối”, “Cha nào con nấy”... phản ánh văn hóa phụ quyền gia trưởng do Nho giáo xuất xướng, đã đặt người đàn ông lên vị trí số một, còn người phụ nữ chỉ giữ vai trò phụ tá, thậm chí phục tùng tuyệt đối kiểu: “Phận gái xuất giá tòng phu phải lẽ”. Những câu tục ngữ này không những phản ánh thực tế xã hội được kiểm soát và chi phối bởi tư tưởng Nho giáo mà còn cho thấy sự tiếp nhận, lưu truyền những quan niệm sống đã được nâng lên thành Đạo lý trong dân chúng. Đặc biệt đối với những quan niệm về đạo đức, triết lý làm người mang ý nghĩa nhân văn xuất phát từ Nho giáo không những được người dân tiếp nhận, phổ biến mà còn trân trọng giữ gìn để biến nó thành những nét đẹp văn hóa mang tính truyền thống của dân tộc, thông qua phương tiện ngôn ngữ.
Kho tàng tục ngữ người Việt xuất hiện nhiều câu tổng kết kinh nghiệm dưới hình thức Hán – Việt có nguồn gốc từ kinh sách Nho giáo. Khổng Tử bảo rằng: “Nhân vô viễn lự, tất hữu cận ưu” (Người mà không lo xa tất sẽ có những điều phiền muộn ở tương lai gần), người dân cô đọng lại thành bốn từ “Cẩn tắc vô ưu” (Cẩn thận một chút thì không phải lo buồn). Câu tục ngữ trở thành phương châm
sống, được vận dụng phổ biến trong những trường hợp nhắc nhở, khuyên dạy tính cẩn trọng chu đáo. Cụm từ “Dục tốc bất đạt” (Muốn nhanh thì khó mà thành công) được rút từ câu trả lời của Khổng Tử khi Tử Hạ hỏi về chính trị: “Vô dục tốc, vô kiến tiểu lợi. Dục tốc tắc bất đạt; kiến tiểu lợi, tắc đại sự bất thành” [29, tr. 206] (Không vội vã, không chỉ thấy cái lợi nhỏ. Vội vã thì không được kết quả như ý, chỉ nhìn thấy lợi nhỏ thì sẽ không đạt được việc lớn). Cụm từ Hán – Việt “Dục tốc bất đạt” trở thành tục ngữ tổng kết kinh nghiệm xử lý công việc, định ra tiêu chí cho cách ưu tiên giải quyết công việc trong đời sống thường nhật. Và đây cũng là lời khuyên dạy cho những ai chưa từng trải nghiệm thăng trầm, thành bại trong cuộc sống, vốn vẫn còn sự háo hức, bồng bột, thiếu kiên nhẫn. Còn nhiều câu nói của thánh nhân nữa đã trở thành những câu nói mang tính chân lý được người dân xem như những lời “vàng ngọc”, vì chúng có khả năng đúc kết, khái quát cho những nhận thức, trải nghiệm chung của cộng đồng.
Đặc điểm chung nhất của tục ngữ mang hình thức Hán – Việt là ngoài nhiệm vụ chuyển tải nội dung chung và đảm bảo chức năng của một ngôn ngữ, những câu nói này còn thể hiện tính triết lý, sự uyên thâm của chính nó cũng như cá nhân người vận dụng. Vì vậy, chúng trở thành một phần quan trọng trong lời ăn tiếng nói của người dân. Tuy nhiên, tính thâm thúy không phải lúc nào cũng đạt được ý nghĩa tích cực, đôi khi nó trở nên “xa xỉ” nếu đối tượng của nó chưa đủ khả năng để lĩnh hội và không phải lúc nào cũng đạt được sự chuyển tải thâm sâu. Vì vậy, để đạt mục đích truyền đạt cao nhất, triết lý Nho giáo cần phải được Việt hóa, bình dân hóa.
Tục ngữ người Việt có những câu thuần Việt, diễn giải ý nghĩa các câu nói của thánh nhân và của kinh sách một cách gần gũi, dễ hiểu, vươn tới sự biểu đạt tư tưởng tình cảm dân tộc. Giải thích đơn giản và cụ thể cho triết lý “tam tòng” của người phụ nữ, dân gian có câu: “Bé nhờ cha, lớn nhờ chồng, già nhờ con”. Câu nói không chỉ định ra lẽ tam tòng cho người phụ nữ mà còn cho thấy sự thấp bé, yếu đuối cần có sự nâng đỡ, chở che của người đàn ông đối với người phụ nữ. Qua cách chuyển tải ý nghĩa, chúng ta hiểu được triết lý nhân văn sâu sắc bên trong, đó là sự nhắc nhở về trách nhiệm của người đàn ông đối với phụ nữ. Họ phải xứng đáng là
rường cột của gia đình, là điểm tựa cả tinh thần lẫn vật chất của người phụ nữ. Đó là ý nghĩa mà gốc nghĩa “tam tòng” Hán – Việt còn thiếu. “Tam tòng” của Nho giáo chỉ đặt ra bổn phận và phủ lên nó ý nghĩa thiêng liêng trói buộc người phụ nữ, đồng thời định hướng cư xử cho họ chỉ có cho không được nhận, chỉ có hy sinh mà không đòi hỏi sự đền đáp.
Một số câu khác được diễn Nôm từ câu chữ Hán trích trong Kinh Thi: “Chạy chẳng khỏi trời”, “Trốn không khỏi nắng”... Câu nguyên thủy trong Kinh Thi là “Thiên chi giáng vòng” (Trời đem tai họa giăng bủa xuống nhân gian) [157, tr. 744], Minh tâm bảo giám và Minh đạo gia huấn có những câu tương tự nhưng đặt trong kết cấu nhân quả: “Thiên vòng khôi khôi. Sơ nhi bất lậu” (Lưới trời lồng lộng, thưa mà không lọt). Nhiều câu khác mang hình thức thuần Việt nhưng là phiên bản của các câu trong kinh sách: “Ý dân là ý trời”, “Người không học như ngọc không mài” [77, tr. 2014]… Tuy nhiên, xét về số lượng thì số câu diễn Nôm, hay lồng ghép, chế tác thành những câu mới không nhiều lắm so với số câu chữ Hán.
Như vậy, trong một giai đoạn lịch sử xã hội Việt Nam cuốn theo vòng xoáy Nho giáo đã xảy ra hiện tượng tương tác hai chiều. Sự hình thành những quan niệm, lề thói với sự định hướng của Nho giáo, từ ngữ Nho giáo là lựa chọn đầu tiên để phản ánh chính xác tâm tư nguyện vọng của người dân lúc bấy giờ. Ngược lại, với những câu chữ đã ổn định về ý nghĩa Nho giáo được người dân tiếp nhận dưới dạng những câu châm ngôn, thành ngữ, tục ngữ dần trở thành vốn ngôn ngữ dân gian, được lưu truyền ngày càng phổ biến. Đi vào các bộ sưu tập, những câu nói này chiếm một phần quan trọng trong kho tàng tục ngữ người Việt.
Khác với tục ngữ, ca dao – dân ca mang nặng tính nghệ thuật, nghệ sĩ rất chú ý đến việc chứng tỏ tài nghệ, để bẻ bai móc méo và tranh phần thắng thua. Ca dao vừa đảm nhiệm vai trò của ngôn ngữ vừa mang trách nhiệm của một loại hình nghệ thuật là thơ ca. Chúng ta thường dùng thuật ngữ thơ ca dân gian để chỉ cho tính nguyên sơ của một thể loại thơ ca dân tộc mà đại diện là thơ lục bát. Sự ra đời của thể thơ lục bát cho đến nay chưa thể xác định được, nhưng một điều mà các nhà nghiên cứu có thể khẳng định là sự phổ biến và tính văn học của nó. Lịch sử văn
học đã cho thấy ca dao cùng với tục ngữ đã ảnh hưởng sâu sắc đến phương thức biểu đạt cũng như cảm xúc thẩm mỹ của văn thơ Nôm. Điều đó được biểu hiện qua nghệ thuật vận dụng ngôn ngữ và thể loại của tác giả văn thơ Nôm. Đinh Gia Khánh và Chu Xuân Diên nhận định: “Ngôn ngữ trong ca dao, tục ngữ đã nhập vào văn thơ Nôm, hay nói cho đúng hơn, là cơ sở chủ yếu của ngôn ngữ trong văn thơ Nôm... Chẳng những ngôn ngữ, mà thể loại thơ ca dân gian cũng là một trong những cơ sở chủ yếu để từ đó xây dựng thể loại thơ Nôm” [66, tr. 112]
Bắt đầu từ nhận thức vai trò văn học của tục ngữ, ca dao – dân ca, các nhà nho đã có những quan tâm đặc biệt đến chúng. Sở dĩ có sự nở rộ phong trào sưu tập ca dao – dân ca vào thế kỷ XVIII và XIX, song hành cùng với giai đoạn phát triển cực thịnh của truyện thơ Nôm là vì trong tư thế mẫu chuẩn thơ ca, tương tự như Kinh Thi Trung Quốc, ca dao – dân ca góp phần phát triển mạnh mẽ thể loại thơ dân tộc. Theo lời Ưng Trình: “Thơ Nhị Nam ở đầu Kinh Thi là nền tảng cho vương hóa. (Ly) Tao của họ Khuất, phú của họ Tống, văn chương dấy động phần lớn là từ nhị Nam mà ra. Lưu vực sông (Nhĩ) Hà, sông (Cửu) Long, ca dao xuống xóm ngò, há lại không có bài hay, tiếc rằng sứ giả của vua (nhà Chu) không thu nhặt lấy, lời ca không được phổ vào ống sáo tơ đàn (của nhạc nhà Chu), mà lại vì ngôn ngữ qua nhiều lần trạm dịch không thông suốt, cho nên chưa từng được Khổng phu tử san định, đến nỗi không cùng được lưu truyền với ba trăm thiên (Kinh Thi). Sử mà thiếu thì đáng bực, thi mà thiếu thì đáng giận” [dẫn lại 66, tr. 114]. Lời nói đã cho thấy tinh thần tự hào dân tộc, khẳng định thơ ca dân gian sánh ngang với thơ quốc phong của Kinh Thi. Ý thức này thể hiện rò qua cách đặt tên các sách sưu tập: Nam phong (giải trào), (Thanh Hóa) quan phong, (Việt Nam) phong sử…
Mặt khác, ngoài tinh thần tự hào dân tộc thể hiện qua cách đặt tên, chúng còn chứng tỏ quan niệm thẩm mỹ của các nhà nho. Đây chính là một trong những động cơ thúc đẩy các nhà nho tiến hành sưu tập ca dao. Cùng một tâm trạng như Vương Duy Trinh, tác giả Đại Nam quốc túy bộc lộ mục đích sưu tập ca dao – dân ca của mình là để nhắc nhở nâng cao ý thức trân trọng thể loại thơ ca dân tộc mộc mạc, bỏ thói quen quá đề cao hình thức vay mượn bên ngoài trong sáng tác. Tác giả viết: