Sự tiếp biến Nho giáo ở Việt Nam qua tục ngữ, ca dao – Dân ca người Việt - 13


diễn đạt của bài ca dao mà chúng tôi đã dẫn khi mở đầu phần này, cùng với vị trí là một trong những nội dung của tư tưởng chính thống được chính quyền phong kiến thúc đẩy thâm nhập nên nó đã chi phối những tư tưởng khác. Nguyễn Du cũng đã thoáng nghĩ đến khả năng cải số, biến đổi định mệnh của con người khi đặt lời cho Kim Trọng an ủi Thuý Kiều: “Xưa nay nhân định thắng thiên cũng nhiều” [42, tr. 40], nhưng ông cũng không thể thoát khỏi sự chi phối của thuyết “thiên mệnh” Nho giáo và triết lý “nhân duyên” nhà Phật, con người mang thân phận thấp bé, cuộc sống hoàn toàn phụ thuộc vào sự sắp xếp của Trời, Phật.

Đối với người dân, họ đã thu nhận những nội dung tiêu cực mang ý nghĩa phụ thuộc, bất lực trước những hiện tượng ngẫu nhiên khách quan và cả những diễn biến mang tính tiền định của xã hội, được biểu đạt qua các khái niệm Mệnh, Số, Phận.

Tiếp nhận tiêu cực, thể hiện sự phụ thuộc vào đấng siêu nhiên, tỏ ý ỷ lại thiếu ý chí phấn đấu của con người thường được hàm nghĩa trong những câu: “Tử sinh hữu mạng”, “Giàu sang tại số”, ca dao có câu: “Chữ rằng: phú quý tại thiên/ Giàu sang tại số hiển nhiên tại Trời” [74, tr. 589]. Người dân coi Trời là trung tâm của mọi sự biến dời cuộc sống vật chất của con người. “Khó giàu muôn sự tại Trời/ Nhân sinh ai cũng kiếp người mà thôi” [74, tr. 1292]. Sự lý giải những biến thiên tuần hoàn của vạn vật theo cách của dịch lý cũng được người dân tin vào. Trong một lần trắc ẩn cho sự thất thời của người quân tử, cô gái ngỏ lời an ủi anh: “Xưa nay tạo hóa xoay vần/ Hết bần lại phú chẳng cần chi đâu” [74, tr. 352].

Dùng Mệnh số, Trời định để giải thích cho sự tồn tại mặc nhiên của các hiện tượng xã hội, khởi đầu Nho giáo muốn tạo một niềm tin mơ hồ nhưng vững chắc cho người dân để thiết lập và giữ gìn sự ổn định xã hội, nhưng về sau nó trở thành một sự cuồng tin, dồn người dân vào thế thụ động, ỷ lại, tạo ra tác dụng hai mặt. Mặt tích cực, nó giúp an ủi tinh thần trước những biến cố của cuộc sống, con người có thể an nhiên trước những hậu quả và tin rằng “hết bần lại phú”, không cần phải truy cứu nguyên nhân, tìm cách khắc phục. Nhưng cũng từ đây nảy sinh mặt tiêu cực, nhiều phần nó tạo cho con người một sự buông xuôi, thiếu ý chí phấn đấu theo


cách họ triết lý: “Bôn ba không qua thời vận”. Hạn chế này thể hiện rò nét và tập trung qua khái niệm Phận.

Phận

Phận là cách lý giải cụ thể, thực tế và đơn giản danh vị của một người trong kết cấu xã hội mà Trời đã định cho cùng với trách nhiệm được quy định xứng hợp với cái “danh” đó. Mọi người phải có bổn phận thực hiện theo Đạo để cho “danh” hợp với “thực”, thuận theo sự xếp đặt của Trời. Tính chất thiêng liêng của Phận đã khung chặt người dân vào từng vị trí, trách nhiệm mà Trời đã định, theo cách thể hiện: “Phận đành chịu số phong trần” [75, tr. 1616], khiến cho không ít lần người dân chấp nhận buông xuôi. Trong 34 câu tục ngữ nói về Phận thì có đến 32 câu với nghĩa chấp nhận hiện tại, nhận lấy thua thiệt, thu mình trước những bất công, kiểu như “Bôn ba chẳng qua số phận”, “Khó đành phận khó, bèo đã biết thân bèo, bèo đâu dám chơi trèo”, “Nghèo an phận nghèo”… (Phụ lục, tr. 47); hai câu còn lại cho rằng Phận là một sự sắp xếp mang tính tiền định trong quan hệ lứa đôi. Trong khi đó thái độ phản ứng, không đồng ý với quan niệm thiếu “biện chứng” phủ định năng lực của con người thì chỉ có hai câu: “Khó chẳng tha, giàu ra số phận” [76, tr. 1428]. Khi người ta nghèo thì cho là không có khả năng, chê bai nhưng khi người ta giàu có thì bảo là vì Số phận, tự bản thân người đó không thể đạt được. Quan niệm này xuất phát từ triết lý tiêu cực: “Vô vận bất năng tự đạt”. Chỉ với hai câu, nó cho thấy phản ứng này mang tính cá biệt. Ca dao – dân ca cũng vậy, không xuất hiện một suy nghĩ hay một lập luận tích cực nào trong 225 bài bàn về Phận. Tuy có 3 bài Phận xuất hiện trong nội dung tổng thể đề cập đến “phận con”, “phận đàn bà” mang ý nghĩa tích cực (Phụ lục, tr. 47 – 66), nhưng riêng nó vẫn cho thấy tình trạng chấp nhận, bị động, như cách xuất hiện trong bài ca dao sau:

Ơn hoài thai như biển Ngãi dưỡng dục tựa sông

Có thể bạn quan tâm!

Xem toàn bộ 232 trang tài liệu này.

Em nguyền ở vậy phòng không

Lo đàng cha mẹ cho hết lòng phận con.

Sự tiếp biến Nho giáo ở Việt Nam qua tục ngữ, ca dao – Dân ca người Việt - 13

[75, tr. 1880]


Phận là vị trí của một người đã được Trời sắp xếp một cách cụ thể, gắn với trách nhiệm vì người khác, vì cộng đồng. Tuy nhiên, qua những dẫn chứng mà chúng tôi đưa ra cũng như tình hình xuất hiện của Phận trong văn bản tục ngữ, ca dao – dân ca thì hầu như Phận chỉ áp dụng cho những kẻ chịu lệ thuộc, thấp bé như “phận làm tôi”, “phận làm con”, “phận đàn bà”, “phận hồng nhan”, “phận nghèo”, “phận hèn”… Nội hàm của Phận không chỉ mang nghĩa là vị trí, trách nhiệm mà còn chuyển tải một tình thái chấp nhận, cam chịu sự thua thiệt của những người mà nó định danh, theo như lời trần tình của một cô gái: “Lời đen bạc thiếp thưa qua chàng rò/ Đoái phận hèn liễu yếu đào tơ” [74, tr. 1412] hay: “Mặc ai ép nghĩa nài tình/ Phận mình là gái chữ trinh làm đầu” [74, tr. 1437]. Ngay cả theo sau nó là một đấng nam nhi thì nội dung cần đề cập vẫn âm tính: “Phận anh mẹ góa con côi…” [75, tr. 1673], “Phận anh đây là rể gọi chút là trả ơn…” [75, tr. 2056]…

Gọi là xác định vị trí nhưng qua cách xuất hiện của từ Phận cho thấy những nhân vật theo sau không dự vào đâu trong tôn ti trật tự mà xã hội phong kiến sắp xếp. Sự thật, nó chỉ áp dụng cho những con người vốn bị xem thường trong xã hội phong kiến và một trong số đó là phụ nữ. Ngay cả trong gia đình họ cũng không có được chút danh phận nào. Trong dân gian vẫn thường có lời than: “Đã sinh làm phận nữ nhi/ Nữ sinh ngoại tộc bỏ phần mẹ cha” [74, tr. 789]. Đã là con, nhu cầu tình cảm yêu thương cha mẹ và được cha mẹ yêu thương là điều hết sức tự nhiên, nhưng một số hủ tục đã nhẫn tâm đẩy người con gái ra khỏi vòng tay yêu thương của cha mẹ, tước bỏ quyền được chăm sóc cha mẹ, để rồi các cô gái phải ngậm ngùi đứng xa trông về hai đấng sinh thành với một nỗi ao ước hết sức bình thường. Cô gái bộc lộ nỗi lòng:

Ngồi buồn thương mẹ nhớ cha Gối loan ai đỡ, kỉ trà ai nưng (dâng)

Mẹ già trao lại anh trai

Phận em là gái một hai theo chồng.

[75, tr. 1683]


Bước chân theo chồng các cô nhắm mắt buông theo số phận: “Phận gái bến nước mười hai, gặp nơi trong đục may ai nấy nhờ” [77, tr. 2230]. Cách đặt câu khi tự giới thiệu về bản thân hay bắt đầu lời răn dạy của cha mẹ với con gái luôn là: “Phận em”, “Phận gái”, “Phận đàn bà”… đã mặc định cho người phụ nữ một sự thấp kém và tạo nên mặc cảm tự ti nơi họ. Xã hội phong kiến đã “thu vén” cho họ một vị trí hết sức khiêm nhường là luôn phục tùng người khác. Thế nhưng, người phụ nữ Việt đã tự giác tuân thủ, không một lời oán thán. Các cô tự nhủ:

Phận gái bến nước mười hai

Gặp nơi trong đục may ai nấy nhờ Chiều chồng lặng lẽ như tờ

Khỏi bề sỉ nhục như (?) thờ mẹ cha.

[75, tr. 1892]

Vì vốn xã hội phong kiến đã dày công gây dựng nên phong tục và quan niệm hủ bại, trọng nam khinh nữ nhằm biến xã hội thành khu vực cấm đối với người phụ nữ [161, tr. 229], nên người phụ nữ từ tấm bé đã phải tiếp thu một hệ thống giáo điều tiết hạnh, thuận tùng, hướng tới ý thức chịu đựng, hy sinh cho chồng, con, gia đình. Đỗ Thị Hảo khi tìm hiểu về kho sách gia huấn đã tổng kết: “Chiếm phần quan trọng trong nội dung sách “gia huấn” là vấn đề giáo dục phụ nữ” [161, tr. 229]. Chúng ta không thể phủ nhận những giáo điều đó đã nuôi dưỡng và bồi đắp cho người phụ nữ Việt đức tính chịu thương, chịu khó, chấp nhận hy sinh, dù về thể chất họ là những người yếu đuối, về vị trí xã hội họ là những người thua kém hơn đàn ông, như họ từng thừa nhận: “Chàng ơi! Phận thiếp đàn bà/ Lấy gì nuôi nấng mẹ già đàn em” [75, tr. 1910]. Tuy nhiên, họ lại luôn hiểu rò vai trò và vị trí của mình trong gia đình và xã hội. Các chị cảm thấy việc rút lui, đứng phía sau, âm thầm đóng góp cho những thành công của người đàn ông hay chèo chống giữ vững sự no ấm, hạnh phúc cho cả gia đình là một điều tự nhiên và đáng hãnh diện. Chúng tôi sẽ nói rò hơn trong phần Tam tòng, ở đây chỉ xin dẫn chứng để minh họa cho ý thức thuận tùng sự xếp đặt mà xã hội dành cho các chị: “…Trước là có nghĩa với chồng/ Sau nữa phận gái lắm công nhiều bề…” [75, tr. 2410].


Bỏ qua ý nghĩa tiêu cực ban đầu của chữ Phận dành cho người phụ nữ, dựa vào kết quả và sự tri ân của xã hội đối với những người mẹ, người vợ, chúng ta thấy xã hội đã giao phó cho người phụ nữ những công việc phù hợp, đặt họ vào vị trí đúng theo tâm sinh lý. Vấn đề trở nên khách quan hơn khi chúng ta thử xem đây là sự phân công xã hội. Theo chúng tôi, sở dĩ chính người phụ nữ xưa chấp nhận “phận mình” có lẽ cũng theo cách hiểu như vậy thì họ mới đạt đến ý thức tự giác cao như chúng ta thấy (ở phần Tam tòng chúng tôi sẽ có những phân tích bổ sung cho nhận định này). Vì như chúng ta biết, vốn phụ nữ Việt là những người không dễ bị khuất phục, đặc biệt là trước sự áp bức, bất công như các tấm gương Hai Bà Trưng, Bà Triệu,... còn lưu lại. Tính cách mạnh mẽ ấy đôi khi ẩn chứa ngay trong trong ngoại hình thanh thoát, thái độ cư xử dịu dàng của các chị.

Trở lại ca dao, chúng ta thấy Mệnh số, Thiên định cũng tập trung vào nội dung tình cảm lứa đôi. Thiên định kết hợp với triết lý nhân duyên nhà Phật làm cầu nối dẫn dắt tình cảm trai gái. Trong ca dao – dân ca, tình yêu lứa đôi bị phụ thuộc rất nhiều vào sự sắp đặt của Trời. Trời định cho hai người gặp nhau thì họ mới được gặp nhau: “Trời định đất đưa, duyên vừa mới gặp/ Thiếp dặn cùng chàng xin chớ sai ngoa…” [75, tr. 2451]. Sự kết hợp này làm tăng “sự linh diệu của trời đất mà con người không hiểu được”, khi tác động trực tiếp đến sự tương phùng của đôi bên nam nữ, nó làm cho sự gặp gỡ mang tính thiêng liêng, vì thế cô gái dặn chàng trai không được “sai ngoa”. Bên cạnh đó, Thiên định còn là sự sắp đặt của tạo hóa, con người không kiểm soát được. Đối với tình duyên trai gái, nó tạo nên nhiều điều bất ngờ: Trời cho hai người thành vợ chồng thì ắt họ sẽ đến được với nhau dù cho cách trở, có những lúc tưởng chừng như tuyệt vọng: “Mấy năm trời qua tưởng xa em/ Hay đâu Trời định em với anh lại cang thường…” [74, tr. 1454]; ngược lại, Trời không thuận ý thì họ khó có thể vượt qua rào cản của định Số. Họ phải chấp nhận: “Chẳng qua duyên phận số phần/ Căn duyên Trời định chẳng gần thì thôi” [75, tr. 2342]. Cách vận dụng kết hợp “căn duyên” của nhà Phật với “định số” của Nho giáo mà chúng ta thấy ở đây có một sự “sáng tạo” trong tiếp biến các yếu tố ngoại sinh. Người dân đã cho ra đời một quan niệm “mới” mang cả hai tính chất “ngẫu


nhiên” và “tất nhiên”, vừa cho thấy sự chắc chắn vừa thể hiện tính phụ thuộc của mối quan hệ lứa đôi. Từ đây họ đã khai thác khái niệm này rất linh động.

Tính chất “tất nhiên” của “thiên định nhân duyên” buộc người trong cuộc phải chấp nhận tình huống dù rất bất bình vì không thể “vượt quyền Trời định”:

Phàn Lê Huê say mê Thái tử Oán thù dữ còn đổi ra hiền Huống chi phận thuyền quyên

Chẳng qua căn số định, giận phiền uổng công.

[75, tr. 1890]

Tuy nhiên, đôi khi “thiên định nhân duyên” lại là chất keo gắn kết làm cho mối tình lứa đôi càng thêm bền chặt trước những thử thách, cám dỗ của vật chất. Cô gái bảo rằng:

Em đây không thiếu chi nơi màn loan chiếu sạch Nỏ thiếu chi nơi kẹp sách vào ra

Trời kia đã định đôi ta

Khó thời chịu khó, khiến xa sao đành.

[74, tr. 1070]

Trong khi đó tính “ngẫu nhiên” của “duyên Trời định” ám chỉ sự phụ thuộc, tính bị động của cuộc tình vào nhiều yếu tố khác: “Lời cha mẹ, nghĩa vợ chồng/ Nhân duyên Trời định chữ đồng mới in…” [75, tr. 1621]. “Duyên Trời định” có khi trở thành lá chắn che cho ngọn lửa tình đang hừng hực bất chấp tất cả nhưng không được phép thổ lộ thẳng thừng, theo cách cô gái bày tỏ:

Miếng trầu là miếng trầu xanh

Có đôi con rối chạy quanh miếng trầu Lẽ ra chẳng dám thế đâu

Xin anh nhận lấy kẻo sầu lòng em Chữ nhân duyên trên Trời đã định Một mình em biết tính làm sao?

[74, tr. 1480]


Trai gái “đổ lỗi” cho duyên phận là một cách né tránh khôn khéo, vừa thuyết phục, vừa kín đáo ra vẻ chừng mực trong tình huống trao gởi tình cảm. Cô gái dùng “nhân duyên Trời định” bao biện cho hành động tỏ tình táo bạo của mình. Hơn nữa, khi đi sâu vào đối đáp nam nữ, chúng tôi nhận thấy việc viện dẫn “nhân duyên Trời định” thật ra là một cách bộc lộ tình cảm yêu thương kín đáo của đôi bên, họ không hoàn toàn tin vào duyên phận. Họ lên tiếng bông đùa:

Tay cầm quyển sách bìa xanh Xem trong số mệnh, tuổi anh hợp nàng

Tay cầm quyển sách bìa vàng Xem trong số mệnh, tuổi nàng hợp anh.

[75, tr. 2070]

Thái độ giễu cợt đã nói lên quan niệm của các chàng trai cô gái về “duyên phận lứa đôi”. Theo họ, tình duyên đôi lứa phụ thuộc vào những diễn biến thực tế, trong đó những nhân vật có liên quan quyết định tất cả. Họ quả quyết rằng: “Không nên đôi vừa lứa, không phải tại hoàng thiên/ Mà chỉ vì thầy ngăn mẹ đón cho phiền dạ em” [75, tr. 2522]. Số mệnh chẳng qua là sự nguỵ biện, kết quả thực tế là do chính con người quyết định: “Xưa nay duyên nợ lứa đôi/ Khi nên chẳng lựa cầu Trời mới nên” [75, tr. 2609].

Triết lý Thiên mệnh là cách giải thích vừa khái quát vừa trừu tượng về các nguyên lý tự nhiên trong sự chi phối đời sống con người và vạn vật. Gắn với mục đích chính trị, Nho giáo đã biến Thiên mệnh thành một học thuyết duy tâm, áp đặt, biện giải cho các mối quan hệ xã hội nhằm kêu gọi mọi người giữ gìn hệ thống tôn ti trật tự, giai cấp đã được Nho giáo mặc định, trong đó vị trí cao nhất dành cho một người là vua vì người ấy là “con Trời” (Thiên tử). Người đó thay Trời cai quản thiên hạ nên có quyền hành cao nhất, uy nghi, không một ai được phép xâm phạm nếu chưa nhận được sự ủy thác của Trời. Lập luận này đã tạo nên tính linh thiêng của ngôi vua, bổn phận người dân phải tôn thờ hết mực. Vua trở thành một đấng chủ tế, theo quan điểm của thuyết trung quân Hậu Nho. Ý nghĩa này trở nên đắc dụng, được các chế độ phong kiến quân chủ tập quyền khai thác triệt để.


Không chỉ riêng về ngôi vua, Thiên mệnh còn chỉ định vị trí, bổn phận của từng người dân trong xã hội theo trật tự: tôi phải thuận theo vua, con phải thuận theo cha, vợ phải thuận theo chồng, tương ứng với những quy định về đạo đức: Trung, Hiếu, Tiết hạnh. Vị trí đó là định số Trời ban cho từng người, có tính chất bất biến. Mọi người phải ý thức đầy đủ về vị trí của mình để thực thi đúng bổn phận, làm cho “danh” hợp với “thực”, giữ gìn cho các mối quan hệ luôn bền chặt và xem đó là lẽ sống. Cứ hành xử đúng với thân phận Trời đã định là “thuận theo Trời” thì được yên ổn, ấm no; ngược lại, “nghịch với Trời” thì mất tất cả.

Thiên mệnh theo Nho giáo vào Việt Nam, có ảnh hưởng rất lớn đến đời sống tâm linh cũng như quan niệm nhân sinh của người dân Việt. Kết hợp với tín ngưỡng vốn có trong dân gian, thuyết Thiên mệnh đã mở rộng ảnh hưởng của ông Trời đến mọi lĩnh vực. Không đơn giản chỉ là sự điều tiết thiên nhiên hay những hoạt động vượt khả năng của con người, Thiên mệnh can thiệp vào sự sinh tử, được mất, giàu nghèo, duyên phận gái trai… Tuy nhiên, trong sự tương thông với Trời, người dân Việt không hoàn toàn tin tưởng vào sự linh thiêng, mầu nhiệm của uy Trời, họ vẫn tin vào sức mình. Đây là nội dung tích cực mang tính “vượt gộp” trong quá trình tiếp nhận tư tưởng ngoại sinh của dân tộc Việt. Riêng Thiên mệnh được cụ thể hóa bằng trách nhiệm của mỗi người gắn với vị trí bất biến, trong kết cấu trên dưới của xã hội phân chia giai cấp, được cô đọng bằng một từ Hán – Việt: Phận, thì người dân có xu hướng chấp nhận, buông xuôi. Tuy nhiên, về mặt ứng xử xã hội, Phận có những giá trị nhất định nếu chúng ta biết vận dụng linh động. Đối với cá nhân, nó giúp xây nên ý thức trách nhiệm trước tiên là vì danh dự bản thân như người dân từng triết lý: “Người đời hữu tử hữu sinh/ Sống cho xứng phận, thác dành tiếng thơm” [75, tr. 1701]. Tuy nó không thúc đẩy sự hăng hái của cá nhân nhưng lại buộc người đó thực hiện tốt nghĩa vụ của mình mà không quan tâm đến quyền lợi. Chí ít, nó giúp cho một tổ chức hoàn thành được các mục tiêu cơ bản, đây là ý nghĩa xã hội của Phận mà cho đến ngày nay vẫn còn nguyên giá trị.

Mệnh số, Thiên định, Phận trong ca dao – dân ca được các chàng trai, cô gái vận dụng để giải thích cho mối quan hệ tình cảm nảy sinh trong tình huống chịu quá

Xem tất cả 232 trang.

Ngày đăng: 21/07/2022
Trang chủ Tài liệu miễn phí