nhiều áp lực: đạo Hiếu với đấng sinh thành, hủ tục làng xã, triết lý Nhân, Nghĩa với người…, Mệnh số là chỗ dựa cuối cùng, thuyết phục nhất để các chàng trai, cô gái biện giải cho những trắc trở trong quan hệ lứa đôi. “Căn duyên Trời định” có thể là duyên cớ hoặc là điều kiện và cũng có thể là rào cản ảnh hưởng đến kết cục của mối tình. Mượn yếu tố duy tâm để làm chỗ dựa tinh thần, thực chất các chàng trai cô gái cũng như người dân Việt lúc bấy giờ vẫn xem sự tương hợp về tính tình, thông hiểu, hy sinh cho nhau… là những nhân tố quyết định đối với quan hệ lứa đôi. Những nhân tố đó được đối chiếu với những chuẩn mực: Trung, Hiếu, Nhân, Nghĩa, Trinh tiết... thuộc hệ thống đạo đức Nho giáo nhưng đã trở thành “đạo làm người” của người Việt. Hai câu thơ của Cụ đồ Chiểu: “Trai thời trung hiếu làm đầu/ Gái thời tiết hạnh làm câu trau mình” đã nêu lên quan niệm đạo đức cơ bản của người dân lúc bấy giờ. Người con trai khi có đủ nhận thức phải biết rằng: “Làm trai giữ trọn ba giềng/ Thảo thân, ngay chúa, vợ hiền chớ vong” [74, tr. 1354]. Còn các cô gái thì tự nhủ: “Mặc ai ép nghĩa nài tình/ Phận mình là gái chữ trinh làm đầu” [74, tr. 1437].
“Ba giềng” trong bài ca dao chính là triết lý “tam cương” của Nho giáo được người dân Việt hóa, biến chúng thành phép tắc ứng xử xoay quanh một người đàn ông. Người đàn ông kẹt giữa ba mối quan hệ: với chúa (vua), với cha mẹ và với vợ. Anh ấy sẽ xoay xở như thế nào để không bị “chết nghẹt” trong sự ràng buộc chồng chéo, phức tạp của nhiều bổn phận, đó là những gì chúng tôi sẽ bàn đến trong chương sau.
Chương 3
SỰ TIẾP BIẾN CÁC PHẠM TRÙ TRUNG – HIẾU, NHÂN – NGHĨA TRONG TỤC NGỮ, CA DAO – DÂN CA NGƯỜI VIỆT
3.1. Cặp phạm trù Trung – Hiếu
3.1.1. Trung 忠
Triết lý sống dân gian đã đề cập đến lòng ngay thẳng trong kết cấu đối lập nhân quả giữa hai phẩm hạnh ngay thật và gian tà: “Trời nào có dung kẻ gian, có oan người ngay”. Đặt đối lập hai phẩm chất tương ứng với hai kết quả trái ngược, tác giả dân gian muốn làm nổi bật nội dung “Đạo lý” của lòng ngay thật. Mượn uy danh Trời để thể hiện ý chí và quan niệm chung của cộng đồng gia tăng tính bắt buộc, xác lập tính nguyên lý và quy luật cho lòng ngay thật. Ngữ kết cấu “Trời nào có…” cho thấy tính quy luật về nhân quả mà hai phẩm chất ngay thật và gian tà tạo ra, tạo nên giá trị giáo dục cao. Quan niệm này tương đồng với ý nghĩa nguyên thủy của lòng Trung Nho giáo mà trước đây Khổng Tử đã nêu ra. Khổng Tử bảo rằng: “Cư xử luôn tỏ ra chừng mực; làm việc thì kính cẩn; đối với người thì ngay thẳng. Dù có đi với người Di Địch mình cũng chẳng bỏ cung cách ấy” (Cư xử cung, chấp sự kính, dữ nhân trung. Tuy chi Di Địch, bất khả khí dã) [29, tr. 206]. Cả hai quan niệm đều gặp nhau ở một nội dung: xem tính ngay thật là phẩm hạnh cơ bản trong cư xử với người. Tuy nhiên, Trung Nho giáo xác định “người” mà lòng Trung hướng đến một cách cụ thể và Trung chi phối cách hành xử của mỗi cá nhân, là tiêu chí đánh giá của xã hội đối với nhân cách và sự xứng hợp địa vị của một người. Thu nhận ý nghĩa này, triết lý ngay thật của người dân đã trở nên có chủ đích là đạo “tu thân”, là một trong những phẩm hạnh làm nên nhân cách của một người. Chính nhân cách này có khả năng thu phục uốn nắn người khác, trước hết là những người thân trong gia đình: “Tu thân, rồi mới tề gia, lòng ngay nói thật gian tà mặc ai” [77, tr. 2801].
Xưa kia Khổng Tử bảo rằng: “Vua sai khiến bầy tôi theo Lễ; bầy tôi phụng sự vua thì phải ngay thật” (Quân sử thần dĩ lễ, thần sự quân dĩ trung) [29, tr. 42]. Vua sống hết lòng vì dân, tôi thành thật, ngay thẳng với vua tạo nên một bộ máy chính
Có thể bạn quan tâm!
- Sự tiếp biến Nho giáo ở Việt Nam qua tục ngữ, ca dao – Dân ca người Việt - 11
- Thiên Mệnh Trong Tục Ngữ , Ca Dao – Dân Ca Người Việt
- Sự tiếp biến Nho giáo ở Việt Nam qua tục ngữ, ca dao – Dân ca người Việt - 13
- Sự tiếp biến Nho giáo ở Việt Nam qua tục ngữ, ca dao – Dân ca người Việt - 15
- Sự tiếp biến Nho giáo ở Việt Nam qua tục ngữ, ca dao – Dân ca người Việt - 16
- Sự Kết Hợp Trung Hiếu (Hiếu Trung)
Xem toàn bộ 232 trang tài liệu này.
quyền đoàn kết, vững mạnh. Đối với mối quan hệ cha con, chữ Hiếu được đặt hàng đầu, nhưng muốn đạt được đại Hiếu, người con phải hết lòng thành kính phụng dưỡng cha mẹ lúc sinh thời, cư tang nghiêm cẩn lúc họ qua đời. Cha nhân từ, thẳng thắn với con thì được sự kính trọng của con, con thì giữ được đạo Hiếu. Anh em hay bằng hữu đều lấy sự ngay thẳng, chân thành để đối đãi, có như vậy nhà mới hòa, xã hội mới yên. Riêng mối quan hệ vợ chồng, ngoài sự thành thật trong cư xử, cách biểu hiện lòng ngay thật nơi người vợ chính là việc giữ gìn sự thủy chung son sắt đối với chồng khi chồng còn, cũng như khi đã mất, đó là phẩm hạnh quý giá nhất. Thông qua năm mối quan hệ nhân luân, đức Trung thể hiện vai trò chính trị của mình khi giúp cho các mối quan hệ tương hỗ nhịp nhàng, thuận theo sự xếp đặt của tạo hóa, tạo nên sự hòa mục, ổn định cho xã hội.
Không hướng đến mục đích chính trị, lòng ngay thật của người dân tập trung vào luân lý, xem đó là phẩm hạnh cơ bản của nhân cách, người con trai bộc lộ nhận thức của mình qua câu dẫn khi đối đáp với cô gái: “Anh cũng biết rằng: Tôi ngay phò chúa thánh”. “Chúa thánh” của họ phải là người đặt quyền lợi quốc gia dân tộc làm trọng. Quan niệm đó được bộc lộ thẳng thắn trong sự so sánh giữa hành vi của hai vua nhà Nguyễn:
Trời ơi trông xuống mà coi
Nước Nam cơ khổ, “con trời” hai ông Hàm Nghi chính thực vua trung
Còn như Đồng Khánh là ông vua xằng.
[75, tr. 2468]
Hàm Nghi là vua đã vì nước, đối đầu với thực dân Pháp, dù biết rằng bản thân vua có thể nguy khốn vì thế quân yếu hơn Pháp, được người dân cho là “vua trung”. Còn vua Đồng Khánh thì hèn, theo Pháp chiêu dụ Hàm Nghi ra hàng, phản bội lợi ích dân tộc. Quan niệm này tương đồng với triết lý Trung của Nho giáo nguyên thủy mà trước đây Khổng Tử và Mạnh Tử đề cập. Theo Khổng – Mạnh: từ kẻ làm tôi cho đến quan lại, vua chúa trước hết phải biết sống ngay thật với mọi người, luôn lấy quyền lợi quốc gia, dân tộc làm mục đích hành đạo, không được phép vì cái lợi
riêng mà thất tín, đó là Trung. Dựa trên tiêu chí công lợi, Nho giáo đánh giá cách hành xử của một người như thế nào là Trung. Tử Văn Ba không tỏ vẻ hân hoan hay buồn rầu vì được cất nhắc hay bị phế bỏ, trước khi thôi chức ông đem việc nơi mình đang cai trị chuyển giao, chỉ bảo cho người kế nhiệm, không một chút oán giận, tư thù. Người biết đặt quyền lợi của dân chúng lên trên hết như vậy được Khổng Tử khen là người có lòng Trung với nước [29, tr. 74]. Nếu là vua thì càng phải có được tính bao dung khẳng khái ấy, vì khởi đầu vua cũng là người bình thường nhưng với đức hạnh cao cả và tài trí hơn người, vua thu phục được lòng dân, “khiến bầy tôi phải giữ lễ phép”, tạo dựng được lòng tin nơi dân. Một khi dân đã gửi trọn lòng tin nơi vua thì sẽ cư xử trung thực, thật lòng, đó là đức Trung quân. Như thế, đức Trung quân cũng phải tuân thủ theo quy tắc chung là tương tác hai chiều. Khổng Tử cho rằng: “Trung với vua mà không can gián vua sao?” (Trung yên, năng vật hối hồ?) [29, tr. 216]. Lần khác, khi Tử Lộ hỏi về việc phụng sự vua, Khổng Tử đáp: “Làm tôi, vua lầm lạc thì phải can gián, không sợ phạm tội” (Vật khi dã, nhi phạm chi) [29, tr. 226]. Mạnh Tử thẳng thắn hơn khi cho rằng:
Vua mà coi bề tôi như tay chân, ắt tôi sẽ coi vua như bụng dạ. Vua mà coi tôi như chó ngựa, ắt tôi sẽ coi vua như kẻ qua đường. Vua mà coi tôi như bùn rác, ắt tôi coi vua như kẻ cướp người thù (Quân chi thị thần như thủ túc, tắc thần thị quân như phúc tâm. Quân chi thị thần như khuyển mã, tắc thần thị quân như quốc nhân. Quân chi thị thần như thổ giái, tắc thần thị quân như khấu thù) [31, tr. 40].
Trung của Khổng – Mạnh thể hiện tính dân chủ rất cao trong nguyên tắc ứng xử, đây là một điểm tiến bộ của Nho giáo nguyên thủy, nhưng về sau nó bị khỏa lấp, không được vận dụng vào thực tiễn. Tuy nhiên, người dân Việt vẫn kiên định với nguyên tắc đối nhân xử thế của mình, họ không ngần ngại lên tiếng chỉ trích những ông vua đã phản bội dân tộc, không có khả năng đảm đương được trọng trách lo cho dân cho nước, đẩy họ rơi vào cuộc sống lầm than:
Từ ngày Tự Đức lên ngôi
Cơm chẳng đầy nồi, trẻ khóc như ri
Bao giờ Tự Đức chết đi
Thiên hạ bình thì, lại dễ làm ăn.
[75, tr. 2495]
Thái độ tôn sùng cũng như chỉ trích vua bộc lộ thống nhất tiêu chí đánh giá đức Trung của một ông vua mà người dân đặt ra. Từ tiêu chí ấy, họ cho phép mình chọn vua xứng đáng để thờ: “Chim khôn lựa cành mà đậu, lựa chúa mà thờ”. Khi đã chọn được đấng minh quân, họ một lòng trung thành. Họ khuyên bảo nhau: “Làm tôi cứ ở cho trung/ Đừng ở hai lòng sau hóa dở dang” [74, tr. 1350]. Từ “cứ” trong câu biểu đạt ý nghĩa duy nhất và thống nhất về nhận thức trong sự chọn lựa lý tưởng của người dân. Trung quân là mục đích, là lẽ sống của một công dân. Phẩm hạnh Trung quân có tính quyết định cho tương lai của một cá nhân. Tính kiên định trong đức Trung quân được hình thành một phần từ nhận thức cá nhân nhưng phần khác do sự tác động của nhiều nhân tố khách quan.
Trung quân của Nho giáo đến đời Hán – Tống đã chuyển biến theo hướng cực đoan. Danh nho Đổng Trọng Thư dựa theo sự vận hành của trời đất, Kim Mộc Thủy Hỏa Thổ cho rằng: “Đất thuận theo trời, giống như vợ thuận theo chồng và bầy tôi thuận theo vua. Địa vị của đất thấp thỏi, cái thấp thỏi tự nó trông thấy sự việc, cho nên nó tự đồng nhất với một (tức là hành thổ) và tôn kính trời”. Cách lý giải này có ý khẳng định vị trí đứng đầu thiên hạ của vua là sự sắp đặt tự nhiên mang tính quy luật, con người không tự ý thay đổi được. Thêm nữa, vì sự ảnh hưởng của thuyết Âm – Dương, ông quy các mối quan hệ xã hội thành ba giềng mối mang tính rường cột: “Vua là giềng mối của bề tôi, cha là giềng mối của con, chồng là giềng mối của vợ” [80, tr.43]. “Âm là cái hợp với Dương. Vợ là cái hợp với chồng. Con là cái hợp với cha. Bầy tôi là cái hợp với vua” [80, tr. 42]. Trong đó vua là Dương, bầy tôi là Âm; cha là Dương, con là Âm; chồng là Dương, vợ là Âm. Âm – Dương hòa hợp là bản chất của tự nhiên. Đến đây, Đổng Trọng Thư đã mang màu sắc duy tâm khoác lên vai trò của vua. Vua trở thành nhân vật thần thánh với uy quyền tuyệt đối, chi phối đến cả tâm linh của người dân. Vì thế, đức Trung quân không còn là phẩm hạnh của nhân luân mà nó dường như trở thành hành động “sùng bái tín ngưỡng”.
Đổng Trọng Thư đã đưa ý nghĩa của chữ Trung quân đến chỗ cực đoan, xuyên tạc giá trị nhân văn của chữ Trung nguyên thủy. Nó đáp ứng tuyệt đối hình thức cai trị quân chủ chuyên chế của chế độ phong kiến lúc bấy giờ.
Khi trở thành tư tưởng chính thống ở Việt Nam, Nho giáo đã được vận dụng uyển chuyển cho phù hợp với tình hình thực tế. Riêng đức Trung quân đã được triều đình phong kiến Việt Nam tập trung khai thác, lập ra những chuẩn mực đạo đức cứng nhắc, khiên cưỡng phục vụ cho mục đích chính trị, bỏ qua những giá trị luân lý của Trung. Điều đó được thể hiện cụ thể qua các điều khoản luật pháp.
Từ thời Lý cho đến thời Nguyễn, luật hình xếp tội lật đổ nền cai trị của vua đứng đầu trong thập ác. Bên cạnh đó, còn có những quy định xử phạt nặng cho những hành vi ảnh hưởng đến sự tôn nghiêm và ngôi báu của vua. Khi nghiên cứu cổ luật Việt Nam, các nhà nghiên cứu đều thống nhất nhận xét: cổ luật Việt Nam được các nhà cầm quyền phong kiến xây dựng với mục tiêu ưu tiên là bảo vệ vua và ngai vàng của vua cùng chế độ quân chủ đang được duy trì. Về hình thức đi kèm với Trung, Hiếu cũng được luật pháp đặt làm nội dung cơ bản, nhưng mục đích cuối cùng cũng là nhằm duy trì trật tự xã hội, lập thành tính khiêm nhường và ý thức bổn phận, phục tùng của mỗi cá nhân để triều đình dễ quản lý, hạn chế tối đa sự loạn nghịch ảnh hưởng đến quyền lợi của giai cấp cầm quyền. Cụ thể, trong một số tình huống có sự xung đột giữa Trung và Hiếu thì Hiếu phải nhường một bước cho Trung [106, tr. 88]. Điều 504 Luật Hồng Đức không cho phép con cái tố cáo ông bà, cha mẹ, nô tì tố cáo chủ. Nếu vi phạm thì bị xử lưu châu xa. Tuy nhiên, nếu là tội mưu phản, đại nghịch … thì cho phép tố cáo [130, tr. 273]. Hai chữ “Trung quân” được đặt lên hàng đầu bằng phương tiện luật pháp nhằm triệt tiêu từ mầm mống những hành vi có thể xâm hại đến sự an nguy, làm giảm uy quyền của vua và tạo nguy cơ bất ổn cho xã hội. Đức Trung đã được khai thác triệt để vào mục đích chính trị chuyển biến theo hướng cực đoan hóa, tính dân chủ trong khái niệm Trung mà Khổng – Mạnh đề ra đã bị khỏa lấp.
Thêm vào đó “sự tiếp nhận đơn thuần” triết lý Trung quân tuyệt đối được một số nho sĩ bảo thủ đưa vào đời sống người dân theo cách hiểu “máy móc”. Giản Chi
và Nguyễn Hiến Lê đã phản ánh thực tế truyền bá chữ Trung, chữ Hiếu của tầng lớp nho sĩ bằng một câu nghi vấn: “Nhà Nho của ta hồi xưa khi giảng về Y Doãn, về vua Thuấn, không hiểu có ai dám đưa những hành động của hai ông đó lên làm quy tắc không; nếu có thì sao cái quan niệm về trung, về hiếu của các cụ thường hẹp hòi làm vậy” [15, tr. 482]. Kết hợp với tính chất khắt khe, “cưỡng bức” của luật pháp, Trung quân đã được người dân tiếp nhận một cách bị động, buộc họ xem trung với vua là bổn phận xã hội. Đó cũng là một trong những tiêu chuẩn đạo đức quan trọng để được xã hội thừa nhận phẩm giá của một cá nhân. Vì thế, các bậc cha mẹ luôn dạy con cái: “Làm người phải biết cương thường/ Xem trong ngũ đẳng, quân vương đứng đầu…” [74, tr. 1345]. Người dân có một lối so sánh nôm na, có vẻ khập khiễng nhưng lại lột tả được bản chất vấn đề: “Ăn trầu quên vôi, làm tôi quên chúa” [76, tr. 155]. Câu tục ngữ vừa cho thấy tính chất cơ bản của đức Trung vừa xác định bổn phận của kẻ bề tôi với danh xưng là Trung thần của thiên tử.
Vì những lý do trên mà Trung quân nổi bật hơn những nội dung khác. Điều đó thể hiện qua lời ăn tiếng nói của người dân. Tục ngữ thì số lượng câu ít ỏi (8 câu) không bộc lộ rò, nhưng ca dao – dân ca thì số lượng bài đề cập đức Trung cao hơn nhiều so với những nội dung khác (Phụ lục, tr. 69 - 70). Nhận thức về lẽ phải, cùng ý thức tuân thủ luật pháp đã củng cố vững chắc lòng trung của người dân. Tuy nhiên, chính tính kiên trung đã đẩy những Trung thần chính trực rơi vào bi kịch, khi hiện thực khách quan có sự mâu thuẫn, quyền lợi của vua và nước đối lập nhau.
Người đứng đầu nhà nước ví như lợn, quỷ, thậm chí dâng đất nước cho ngoại bang, vua không ra vua, tôi không ra tôi, thế lực phong kiến đã phụ lòng tin của người dân. Bộ máy quan liêu theo mô tả của người dân hết sức thối nát:
Văn nhân, khoa mục mở rồi
Những phường dốt nát lên ngồi làm quan… Các quan trung nghĩa trong triều
Về nhà ngồi xó liệu chiều thủ thân Những quân vô nghĩa nịnh thần
Tìm thầy, tìm cách lần lần thăng quan…
[74, tr. 287]
Bấy nhiêu đó cũng đủ để chúng ta hình dung được cơ quan công quyền đại diện cho quyền lợi của người dân giờ trở thành trụ sở của những kẻ dốt nát, bịp bợm. Những quan lại trung quân, yêu dân, vì dân, không chỉ trở thành những người thừa, “vô dụng” mà còn có thể bị thiệt thân. Cách miêu tả có vẻ dửng dưng nhưng ẩn chứa nỗi thất vọng và sự phẫn uất. Tác giả thất vọng vì hiện thực cuộc sống trái ngược với những gì họ được học từ “đạo thánh hiền”, phẫn uất vì Đạo lý đảo điên theo cách: “Người trung mắc nạn lao tù/ Để cho người nịnh vòng dù nghênh ngang” [75, tr. 1715]. Cũng chính trong hoàn cảnh đặc biệt, tình huống trớ trêu mới “kiểm định” được lòng Trung của một trung thần. Người dân đã đúc kết được kinh nghiệm và rút ra tiêu chí đánh giá lòng Trung: “Có loạn li mới biết người trung nghĩa” [76, tr. 667]. Hiện thực rối ren, nhiều ngã rẽ, thử thách lòng Trung của một cá nhân, buộc cá nhân phải bộc lộ bản chất. Nếu phải chọn cái chết để bảo toàn khí tiết, bảo vệ quyền lợi dân tộc, người đó cũng chấp nhận thì đó đích thật mới là người Trung nghĩa. Những người này được người dân ca ngợi: “Trung thần tiết rạng dường gương” dù bản thân họ phải chịu cảnh: “Kẻ ra am thú, người nương dạ đài” [75, tr. 2477]. Thiệt thân là bi kịch của những Trung thần, chính trực gặp thời loạn lạc, trật tự xã hội đảo điên nhưng danh tiếng của họ được người dân khắc ghi và lưu truyền mãi mãi. Người dân bảo rằng: “Thế gian tham của thời thua/ Của ăn thời hết, bóng thờ vua hãy còn” [74, tr. 223]. Ngay trong đời sống hàng ngày cách chọn bạn đời của các cô gái cũng thể hiện sự trân trọng đức tính Trung quân, chính trực của người dân. Các cô bảo rằng: “…Anh ở sao cho trọn đạo quân thần/ Thì em mới dám kết duyên lành với anh” [75, tr. 2079]. Họ đặt kỳ vọng vào người con trai, người chồng: “Tưởng là anh trung quân ái quốc/ Hay đâu anh bội chúa rò ràng” [75, tr. 2500]. Thế nhưng, đối tượng của họ đã không giữ được lòng trung với vua với nước, làm cho họ thất vọng. Đó cũng là thực tế khá phổ biến, xảy ra trong một giai đoạn lịch sử nhất định, nhiều người không thể giữ được lòng Trung khi gặp thử thách. Ca dao có một bài nói về sự “bất Trung”, nhưng lại được người dân đồng tình vì hoàn cảnh khách quan buộc họ phải thay lòng, đổi hướng. Đối tượng của