Sử Dụng Tài Liệu Văn Học Kết Hợp Với Đồ Dùng Trực Quan Giúp Học Sinh Hiểu Sâu Sắc Nội Dung Lịch Sử

2.4.1.3. Sử dụng tài liệu văn học kết hợp với đồ dùng trực quan giúp học sinh hiểu sâu sắc nội dung lịch sử

Do đặc điểm của việc học lịch sử là HS không thể quan sát trực tiếp các sự kiện, hiện tượng đã xảy ra nên phương pháp trực quan có ý nghĩa rất quan trọng. ĐDTQ là một trong những yếu tố đóng vai trò tích cực trong quá trình cung cấp kiến thức cho HS. Đặc biệt, với HS THPT thành phố Thái Nguyên, việc sử dụng ĐDTQ trong DHLS sẽ khắc phục được những hạn chế về nhận thức của các em.

Trong DHLS, sử dụng TLVH kết hợp với ĐDTQ mang lại những hiệu quả cao trong dạy học. Nó khắc phục một phần nào đó tình trạng “hiện đại hóa” lịch sử, là công cụ để HS hiểu sâu sắc hơn bản chất của lịch sử, là cơ sở để hình thành các khái niệm và quan trọng nhất, giúp cho HS nắm vững các quy luật phát triển của xã hội loài người.

Việc sử dụng TLVH kết hợp với ĐDTQ sẽ giúp HS hiểu sâu, nhớ kĩ những quan niệm, những hiện tượng, nhân vật, kiến thức lịch sử mà các em tiếp thu được, từ đó phát triển khả năng quan sát, trí tưởng tượng ,tư duy và ngôn ngữ của các em.

Có rất nhiều loại đồ dùng trực quan khác nhau, cách sử dụng và hiệu quả cũng khác nhau song đều có tác dụng chung là nâng cao chất lượng DHLS. Việc sử dụng TLVH kết hợp với ĐDTQ trong dạy học lịch sử Việt Nam có thể thực hiện như sau:

Thứ nhất, sử dụng TLVH kết hợp với tranh ảnh.

Ví dụ: khi dạy bài 22: “Tình hình kinh tế ở các thế kỉ XVI - XVIII (SGK Lịch sử 10), GV có thể sử dụng hình ảnh: thương cảng Hội An cuối thế kỉ XVIII (SGK Lịch sử 10 - tr.113) kết hợp với một số câu ca dao để thấy tình hình thương nghiệp nước ta thời điểm đó.

“Ngày dài thuyền chở xe dong

Bán buôn lũ lượt trập trùng chen đua…”.[40; tr.380]

Thứ hai, sử dụng TLVH kết hợp với lược đồ. Lược đồ thuộc nhóm đồ dùng trực quan quy ước có tác dụng tạo cho các em những hình ảnh tượng trưng khi GV phản ánh những mặt chất lượng và số lượng của tiến trình lịch sử, đặc trưng khuynh hướng phát triển của một hiện tượng kinh tế - chính trị - xã hội trong đời sống. Nó không chỉ là phương tiện để cụ thể hóa các sự kiện, hiện tượng lịch sử, kích thích sự hứng thú học tập mà còn là cơ sở để hình thành khái niệm cho các em.

Có thể bạn quan tâm!

Xem toàn bộ 128 trang tài liệu này.

Ví dụ: khi dạy bài 19: “Những cuộc kháng chiến chống ngoại xâm ở các thế kỉ X-XV”, mục II “Các cuộc kháng chiến chống xâm lược Mông - Nguyên ở thế kỉ XIII” (SGK Lịch sử 10) GV có thể sử dụng lược đồ trận địa sông Bạch Đằng trong cuộc kháng chiến chống quân Mông - Nguyên lần ba của nhà Trần (1288-1289) kết hợp với đoạn trích tác phẩm “Phú Sông Bạch Đằng” của Trương Hán Siêu để lí giải tại sao nhà Trần tổ chức chặn đánh quân Mông - Nguyên ở khu vực này thì vừa có thể kết hợp với nội dung tài liệu lịch sử, vừa kết hợp với TLVH.

Qua cửa Đại Than, ngược bến Đông Triều, Đến sông Bạch Đằng, thuyền bơi một chiều.

Sử dụng tài liệu văn học trong dạy học Lịch sử Việt Nam lớp 10 ở trường Trung học phổ thông thành phố Thái Nguyên - 8

Bát ngát sóng kình muôn dặm, Thước tha đuôi trĩ một màu.

Nước trời một sắc, phong cảnh ba thu.

Bờ lau san sát, bến nước đìu hiu”[42; tr.36]

Như vậy, khi sử dụng TLVH trên cơ sở kết hợp với ĐDTQ sẽ giúp HS hiểu sâu nội dụng lịch sử qua việc trực tiếp quan sát, phân thích các ĐDTQ được sử dụng trong bài. Từ đó, HS không những tự rút ra được bài học lịch sử thông qua sự hướng dẫn của GV mà vô hình chung sẽ giúp các em hình thành, phát triển năng lực học tập, đáp ứng được yêu cầu lấy người học làm trung tâm.

2.4.1.4. Sử dụng tài liệu văn học để tổ chức cho học sinh trao đổi, đàm thoại

Trao đổi, đàm thoại là “công việc mà GV nêu ra câu hỏi để HS trả lời. Đồng thời các em có thể trao đổi với nhau dười sự chỉ đạo của GV. Qua đó đạt được mục đích dạy học” [38, tr.168]. Tùy vào nội dung cụ thể của từng bài học, GV có thể vận dụng nhiều dạng trao đổi đàm thoại khác nhau.

Trên thực tế, DHLS ở các trường THPT thành phố Thái Nguyên hiện nay, GV đã có sự đổi mới về PPDH, tuy nhiên một số GV vẫn sử dụng phương pháp thuyết trình là chủ yếu. HS nghe giảng một cách thụ động, thiếu tự duy. Trong khi đó, đa phần các em vẫn gặp khó khăn trong việc diễn đạt để thể hiện ý kiến của bản thân. Vì vậy, để HS tích cực, chủ động trong học tập, GV cần tổ chức trao đổi đàm thoại với HS kết hợp với các nguồn TLVH.

Muốn sử dụng TLVH để tổ chức trao đổi, đàm thoại cho các em đạt hiệu quả cao thì yêu cầu GV phải có khả năng tổ chức lớp học. GV có thể tổ chức thảo luận bằng cách chia lớp thành các nhóm, cung cấp cho HS một số TLVH và câu hỏi thảo luận. Từ đó, dựa vào tài liệu GV cung cấp, các thành viên trong các nhóm tiến hành thảo luận để thống nhất, đưa ra ý kiến chung, ghi vào giấy nộp cho GV hoặc trình bày trước lớp.

Ví dụ: khi dạy bài 20: “Xây dựng và phát triển văn hóa dân tộc trong các thế kỉ X - XV” (SGK Lịch sử 10), GV có thể cung cấp một câu ca dao sau đây:

Tướng võ quan hầu đều biết chữ

Thợ thuyền, thư lại cũng hay thơ” [6; tr.103].

Sau đó, GV yêu cầu HS tiến hành thảo luận nhóm để trả lời câu hỏi sau: “Tình hình văn học Việt Nam trong các thế kỉ X - XV phát triển như thế nào?”

Sau khi HS thảo luận và cử đại diện nhóm lên trình bày sản phẩm của nhóm mình, GV nhận xét, bổ sung:

- Sự phát triển của giáo dục góp phần phát triển văn học.

+ Ban đầu, văn học mang nặng tư tưởng Phật giáo

+ Thế kỉ XV, văn học chữ Hán và chữ Nôm đều phát triển.

+ Có nhiều tác giả nổi tiếng: Nguyễn Trãi, Lê Thánh Tông, Lý Tử Tấn…

+ Nhiều tác phẩm kinh điển: Hịch tướng sĩ, Bình Ngô đại cáo, Xương giang phú… Như vậy, trong quá trình trao đổi, đàm thoại, GV kết hợp với TLVH một mặt sẽ

giúp các em cụ thể hoá lịch sử dân tộc, mặt khác sẽ rèn luyện cho các em những phương pháp tiếp cận tài liệu, rèn luyện khả năng tư duy, phát triển ngôn ngữ, tạo được sự tự tin, dám bày tỏ ý kiến cá nhân trước tập thể.

2.4.1.5. Sử dụng tài liệu văn học để xây dựng các bài tập nhận thức

Để phát huy tính tích cực, sáng tạo của HS trong giờ học, người GV cần phải xây dựng hệ thống bài tập cụ thể theo đúng đặc trưng của bộ môn. Việc xây dựng hệ thống bài tâp trên cơ sở đặc trưng bộ môn buộc các em phải tự làm việc dưới sự hướng dẫn của thầy cô giáo mới có thể đạt được hiệu quả tốt, góp phần hình thành tri thức cho HS, bồi dưỡng tư tưởng, tình cảm, tạo hứng thú học tập và rèn luyện kĩ năng thực hành.

Bài học nội khóa là bài học chủ yếu nghiên cứu kiến thức mới, cho nên việc đặt ra câu hỏi, bài tập thông qua TLVH góp phần không nhỏ giúp HS phát triển các năng

lực nhận thức. Tuy nhiên cần chú ý, những câu hỏi được nêu phải mang tính chất là một bài tập nhận thức nhưng phải tập trung khai thác vào những nội dung cơ bản của bài học.

Ví dụ: khi học bài 26: “Tình hình xã hội ở nửa đầu thế kỉ XIX và phong trào đấu tranh của nhân dân” (SGK Lịch sử 10), mục 1 “Tình hình xã hội và đời sống nhân dân”, GV có thể đọc cho HS nghe câu ca dao sau:

Con ơi, mẹ bảo con này

Cướp đêm là giặc, cướp ngày là quan” [39; tr.130]

+ GV yêu cầu HS trả lời câu hỏi: “Qua câu ca dao, em có nhận xét gì về tình hình của xã hội nước ta nửa đầu thế kỉ XIX?”

+ Sau khi HS trả lời. GV nhận xét, bổ sung: “Xã hội nước ta nửa đầu thế kỉ XIX bị khủng hoảng sâu sắc. Tệ tham quan diễn ra phổ biến, cường hào địa phương ra sức hiếp, xã hội loạn lạc, lầm than khiến cho cuộc sống nhân dân vô cùng cực khổ. ”.

Như vậy, việc sử dụng TLVH để xây dựng các bài tập nhận thức yêu cầu HS phải tích cực tư duy, phải đọc hiểu nội dung kiến thức bài học và TLVH minh họa để thực hiện được yêu cầu GV đưa ra. Từ đó, khắc sâu hơn kiến thức, kích thích năng lực tự học, hướng các em phát triển các năng lực nhận thức khác.

2.4.1.6. Sử dụng tài liệu văn học để kiểm tra, đánh giá kết quả học tập của học sinh

Trong DHLS, việc kiểm tra, đánh giá kết quả học tập của HS là khâu quan trọng cuối cùng và đồng thời cũng khâu là khởi đầu cho một chu trình khép kín tiếp theo của quá trình giáo dục. Việc kiểm tra, đánh giá có một vị trí, ý nghĩa quan trọng, đó là khâu không thể tách rời trong dạy học. Kiểm tra đánh giá nhằm cung cấp thông tin để đánh giá chất lượng dạy và học. Trong lộ trình đổi mới căn bản, toàn diện chương trình giáo dục PT hiện nay, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã xác định đổi mới kiểm tra đánh giá là khâu đột phá nhằm thúc đẩy các quá trình khác nhau như: đổi mới các hình thức tổ chức dạy học, đổi mới PPDH…Cho nên, phương pháp kiểm tra, đánh giá hiện nay rất đa dạng, phong phú, mang lại rất ý nghĩa tích cực cho giáo dục và một số trong số là phương pháp kiểm tra đánh giá thông qua TLVH.

Việc sử dụng TLVH trong kiểm tra - đánh giá kết quả học tập có vai trò lớn trong việc đánh giá năng lực học tập của các em. Đây là biện pháp giúp các em tái hiện, hoàn thiện được những tri thức lịch sử đã tiếp nhận, giúp các em hình thành các thói

quen tốt trong học tập cũng như ý thức tự giác học tập, ý chí quyết tâm vươn lên vượt qua khó khăn, có tinh thần trách nhiệm, khả năng làm việc độc lập, tự chủ, sáng tạo; góp phần hoàn thiện năng lực nhận thức của các em, nhất là các thao tác tư duy. Không những vậy, việc sử dụng TLVH còn giúp các em biết vận dụng những kiến thức được học để tiếp thu bài mới dễ hiểu hơn và nâng cao hiểu biết thực tiễn hơn.

Kiểm tra, đánh giá thường được tiến hành dưới dạng các câu hỏi tự luận hoặc trắc nghiệm khách quan. Ở mỗi hình thức kiểm tra đều có những mặt tích cực và hạn chế riêng do vậy đòi hỏi người GV cần phải kết hợp chúng sao cho hợp lý trong bài kiểm tra, đặc biệt là việc kiểm tra một tiết và kiểm tra học kì để phát huy tối đa những ưu điểm của phương pháp được áp dụng. Việc sử dụng TLVH để thiết kế câu hỏi trắc nghiệm khách quan thường có một số dạng sau: dạng câu hỏi đúng-sai, dạng câu hỏi điền khuyết, dạng câu hỏi nhiều lựa chọn, câu hỏi dạng ghép đôi ....

Trong quá trình sử dụng TLVH để kiểm tra, đánh giá kiến thức lịch sử, chúng ta có thể tiến hành bằng hai hình thức:

- Kiểm tra miệng:

Hình thức kiểm tra miệng là hình thức kiểm tra phổ biến, được tiến hành vào đầu giờ, trong hoặc cuối giờ học nhằm kiểm tra kết quả thu nhận được từ phía HS.

Ví dụ: khi học bài 19: “Những cuộc kháng chiến chống ngoại xâm ở các thế kỉ X-XV”, mục III “Phong trào đấu tranh chống quân xâm lược Minh và khởi nghĩa Lam Sơn”(SGK Lịch sử 10), GV yêu cầu HS đọc đoạn trích tác phẩm “Bình Ngô đại cáo” của Nguyễn Trãi:

“Đem đại nghĩa để thắng hung tàn Lấy trí nhân để thay cường bạo”[11; tr19]

+ GV yêu cầu HS trả lời câu hỏi: “Đoạn thơ trên nói về sự kiện lịch sử nào? Em có suy nghĩ gì về hành động của nhân vật trong sự kiện đó?”

+ Sau khi HS trả lời, GV nhận xét, bổ bung: “Đoạn thơ trên nói về sự kiện sau khi nghĩa quân Lam Sơn đánh bại quân Minh đã không “đuổi cùng giết tận” kẻ địch, đã “thể đức hiếu sinh” cấp ngựa, thuyền cho chúng rút về nước. Hành động này vừa chứng minh lòng nhân đạo, thương người của nghĩa quân Lam Sơn, vừa chứng tỏ sự khôn khéo trong quân sự, ngoại giao nước ta thời điểm đó”.

- Kiểm tra viết:

Bài kiểm tra viết trong DHLS bao gồm các bài kiểm tra 15 phút, bài 1 tiết và bài kiểm tra học kỳ. Bài kiểm tra viết có thể tiến hành bằng câu hỏi tự luận và trắc nghiệm khách quan.

Thứ nhất, đối với bài kiểm tra 15 phút: GV có thể lựa chọn một trong hai hình thức kiểm tra bằng câu hỏi tự luận hoặc thiết kế một số câu hỏi trắc nghiệm để tiến hành đánh giá HS.

Thứ hai, với bài kiểm tra một tiết hay bài kiểm tra học kì: Phụ thuộc vào mục đích kiểm tra, người GV nên kết hợp giữa các câu hỏi trắc nghiệm khách quan với các câu hỏi tự luận, tùy thuộc thời gian kiểm tra để có số câu hỏi thích hợp, thời gian HS làm bài một cách hợp lí.

Ví dụ: sau khi dạy bài 23: “Phong trào Tây Sơn và sự nghiệp thống nhất đất nước, bảo vệ tổ quốc cuối thế kỉ XVIII” (SGK - Lịch sử 10): GV yêu cầu HS làm bài kiểm tra 10 phút có sử dụng TLVH để kiểm tra - đánh giá.

+ Đề bài:

Đọc câu ca dao sau sau:

“Lạy trời cho cả gió lên

Cho cờ Bình Định bay trên kinh thành” [39; tr.205].

+ Câu hỏi: Câu ca dao trên nhắc tới sự kiện gì? Trình bày diễn biến sự kiện đó?”

Như vậy, việc kiểm tra - đánh giá trong quá trình dạy học có vai trò rất quan trọng, đó là khâu không thể tách rời trong dạy học, nhằm cung cấp thông tin để đánh giá chất lượng giờ học. Việc sử dụng TLVH trong kiểm tra - đánh giá là biện pháp giúp HS tái hiện tri thức lịch sử đã tiếp nhận, hình thành các thói quen tốt trong học tập, đồng thời phát triển năng lực nhận thức và thực hành của các em.

2.4.2. Sử dụng tài liệu văn học trong hoạt động ngoại khóa.

2.4.2.1. Sử dụng tài liệu văn học trong hình thức ngoại khóa kể chuyện

Hoạt động kể chuyện là hình thức ngoại khóa vô cùng hấp dẫn, dễ thực hiện và có kết quả giáo dục cao. Có nhiều cách kể chuyện như kể lại nội dung của một cuốn sách hay đã đọc, một câu chuyện tìm được qua các tài liệu tham khảo hay chính những câu chuyện mà người tham gia chứng kiến, trải nghiệm. Kể chuyện không những thu hút sự chú ý của người nghe mà còn có sự hấp dẫn đối với chính người tham gia kể chuyện.

Sử dụng TLVH trong hình thức ngoại khóa kể chuyện là phương pháp kết hợp linh hoạt giữa kiến thức văn học và lịch sử với hoạt động kể chuyện. Biện pháp này sẽ góp phần không nhỏ giúp các em khắc sâu hơn nội dung kiến thức lịch sử có trong bài. Tuy nhiên, để tiến hành được hoạt động, yêu cầu HS phải có vốn hiểu biết, có năng lực nhận thức, biết làm việc với các TPVH. Qua đó, HS một lần nữa củng cố cho mình những tri thức đã được lĩnh hội. Từ những yêu cầu trên, vô hình chung sẽ là động lực cho HS rèn luyện những kĩ năng cần thiết cho bản thân.

Để việc kể chuyện đạt hiệu quả, người kể phải diễn đạt bằng ngôn ngữ súc tích, giàu hình ảnh, sinh động, lôi cuốn,thu hút được người nghe. Cách diễn đạt, âm lượng cũng như tốc độ, sắc thái biểu cảm, ngữ điệu cũng phải phù hợp, bởi đó là những tác động không nhỏ đối với HS. Người kể phải làm cho người nghe xúc động, phải làm cho họ như đang được sống, đang được chứng kiến, được tham gia vào sự kiện cụ thể. Nội dung kể chuyện không chỉ giới hạn ở trong khối lượng sự kiện, tri thức cung cấp cho HS mà còn phải biết đi sâu phân tích tình tiết, diễn biến để các em thấy được các mối liên hệ bản chất, các mối ràng buộc bên trong tính chất của các sự kiện.

Ví dụ: Trong hoạt động ngoại khóa tham quan bảo tàng Bảo tàng lịch sử Việt Nam (Hà Nội), khi giới thiệu đến các cuộc kháng chiến quân Mông - Nguyên ở thế kỉ XIII, GV kể cho HS nghe câu chuyện “Bóp nát quả cam” để HS có thêm những góc nhìn chân thực hơn về sự kiện này thông qua con mắt người trong cuộc.

“Trần Quốc Toản sinh năm 1267, được phong Hoài Văn hầu khi mới 15 tuổi. Thuộc dòng dõi hoàng tộc, Trần Quốc Toản lớn lên trong cảnh đất nước chuẩn bị chống quân Nguyên sang cướp phá và xâm lược nước ta lần thứ hai.

Tương truyền thuở nhỏ, Trần Quốc Toản rất ham mê cung kiếm, thao luyện võ nghệ, học tập binh thư và được Hưng Đạo vương rất khen ngợi. Khi mới 15 tuổi, thiếu niên này đã hừng hực chí lớn muốn diệt giặc, bảo vệ sự toàn vẹn cho non sông đất nước.

Trước khi Hoài Văn hầu chào đời 10 năm, quân dân Đại Việt đã khiến giặc Nguyên Mông thua tan tác. Biết rằng giặc Nguyên Mông không bao giờ từ bỏ giấc mộng thôn tính Đại Việt, triều đình nhà Trần một mặt giảng hòa với nhà Nguyên, một mặt tích cực chuẩn

bị lực lượng sẵn sàng ứng phó. Suốt từ năm 1258 trở đi, trong khoảng 1/4 thế kỷ, nhà Trần áp dụng phương sách đối ngoại mềm dẻo, linh hoạt nhưng cũng không kém phần cương quyết. Không ít lần vua Trần khéo léo từ chối những yêu sách quá quắt của Hốt Tất Liệt, hoàng đế Nguyên Mông.Tuy nhiên, khi chúng ta càng nhân nhượng, nhà Nguyên càng tỏ rõ ý đồ và chuẩn bị cho cuộc tấn công xuống nước ta. Trước nguy cơ đó, tháng 10/1282, vua Trần Nhân Tông triệu tập Hội nghị Bình Than để bàn phương hướng kháng chiến và quyết định lực lượng. Do mới 16 tuổi, Hoài Vương hầu không được mời dự hội nghị. Chàng thiếu niên này vẫn tới bến Bình Than, đòi được vào. Bị lính canh chặn cửa, Quốc Toản vặn hỏi: “Ta là Hoài Văn hầu, quan gia truyền gọi tất cả vương, hầu tới họp. Ta là hầu, cớ sao không cho vào?”. Thấy chuyện ầm ĩ bên ngoài, Trần Nhân Tông hỏi ra mới biết chuyện, bèn cho người mang ban cho Hoài Văn hầu một quả cam và khuyên lui bước vì chưa đến tuổi bàn việc nước.Vua thấy Hoài Văn hầu Trần Quốc Toản còn trẻ tuổi, không cho dự bàn. Quốc Toản trong lòng hổ thẹn, tay cầm quả cam, bóp nát lúc nào không biết. Sau đó, Quốc Toản lui về, huy động hơn nghìn gia nô và người dân, sắm vũ khí, đóng chiến thuyền, thêu lên cờ sáu chữ: “Phá cường địch, báo hoàng ân” (phá giặc mạnh, báo ơn vua. Năm 1285, vua Trần Nhân Tông sai Chiêu Thành Vương, Hoài Văn hầu Trần Quốc Toản và tướng quân Nguyễn Khoái đem một nhóm binh lính đón đánh quân Nguyên ở bến Tây Kết. Chỉ sau 1 tháng, quân Nguyên bị đánh bại ở Kinh Thành và Chương Dương. Tướng Nguyên là Thoát Hoan, Bình Chương A Lạt phải bỏ chạy qua sông Lô.” [43]

Như vậy, hoạt động ngoại khóa kể chuyện là hoạt động có tính hấp dẫn cao, thu hút đông đảo HS tham gia. Sử dụng TLVH trong hình thức kể chuyện không những giúp HS hứng thú với học tập mà còn giúp các em hình thành năng lực tự học, năng lực liên hệ thực tiễn. Qua đó cũng rèn luyện cho các em kĩ năng thuyết trình, tự tin trước đám đông, hiểu sâu sắc các sự kiện lịch sử.

2.4.2.2. Sử dụng tài liệu văn học trong hình thức ngoại khóa tổ chức trò chơi

Trò chơi lịch sử là hoạt động ngoại khóa thu hút đông đảo HS tham gia, nó tạo ra những hấp dẫn, kịch tính, kích thích tinh thần đoàn kết, phát huy được năng lực tư duy, sáng tạo của các em. Qua hoạt động này sẽ giúp tình cảm giữa thầy trò thêm gắn bó. Trong thực tế, để tổ chức trò chơi đạt chất lượng tốt đòi hỏi người GV phải đa dạng hóa các loại hình trò chơi.

..... Xem trang tiếp theo?
⇦ Trang trước - Trang tiếp theo ⇨

Ngày đăng: 05/11/2023