Song tinh bất dạ - dấu mốc của sự chuyển đổi tư duy nghệ thuật trong văn học trung đại Việt Nam - 1


TRƯỜNG ĐẠI HỌC SƯ PHẠM HÀ NỘI 2 KHOA NGỮ VĂN

---------------


NGUYỄN THỊ THU


SONG TINH BẤT DẠ - DẤU MỐC CỦA SỰ CHUYỂN ĐỔI TƯ DUY NGHỆ THUẬT

TRONG VĂN HỌC TRUNG ĐẠI VIỆT NAM


KHÓA LUẬN TỐT NGHIỆP ĐẠI HỌC

Có thể bạn quan tâm!

Xem toàn bộ 51 trang tài liệu này.

Chuyên ngành: Văn học Việt Nam


Song tinh bất dạ - dấu mốc của sự chuyển đổi tư duy nghệ thuật trong văn học trung đại Việt Nam - 1

Người hướng dẫn khoa học

TS. NGUYỄN THỊ VIỆT HẰNG

LỜI CẢM ƠN


Để hoàn thành đề tài khóa luận tốt nghiệp em xin chân thành cảm ơn các thầy cô giáo đã tận tình giảng dạy trong suốt quá trình học tập nghiên cứu và rèn luyện tại Trường Đại học Sư Phạm Hà Nội 2. Đặc biệt em xin gửi lời cảm ơn sâu sắc nhất tới TS. Nguyễn Thị Việt Hằng đã tận tình giúp đỡ và hướng dẫn em thực hiện khóa luận này.

Em xin chân thành cảm ơn!


Hà Nội, ngày 10 tháng 4 năm 2018

Sinh viên


Nguyễn Thị Thu

LỜI CAM ĐOAN


Em xin cam đoan những nội dung trình bày trong khóa luận là kết quả nghiên cứu của bản thân dưới sự hướng dẫn của TS. Nguyễn Thị Việt Hằng. Kết quả thu được hoàn toàn trung thực và không trùng khớp với các công trình nghiên cứu khác. Nếu sai sót, em xin hoàn toàn chịu trách nhiệm.


Hà Nội, ngày 10 tháng 4 năm 2018

Sinh viên


Nguyễn Thị Thu

MỤC LỤC

MỞ ĐẦU 1

1. Lí do chọn đề tài 1

2. Lịch sử nghiên cứu 2

3. Mục đích và nhiệm vụ nghiên cứu 5

4. Đối tượng và phạm vi nghiên cứu 6

5. Phương pháp nghiên cứu 6

6. Đóng góp của khóa luận 7

7. Bố cục của khóa luận 7

Chương 1. NHỮNG VẤN ĐỀ CHUNG 8

1.1. Thể loại truyện Nôm trong văn học trung đại Việt Nam 8

1.1.1. Thuật ngữ - khái niệm 8

1.1.2. Quá trình hình thành và phát triển 9

1.2. Tác giả và tác phẩm 12

1.2.1. Thân thế tác giả 12

1.2.2. Tác phẩm 14

1.2.3. Tình trạng văn bản 16

Tiểu kết chương 1 17

Chương 2. SONG TINH BẤT DẠ - DẤU MỐC CỦA BƯỚC CHUYỂN ĐỔI TỪ PHẠM TRÙ CHỮ “TÂM” SANG CHỮ “THÂN” 18

2.1. Sự chuyển đổi tư duy từ phạm trù chữ “tâm” sang chữ “thân” trong văn học trung đại Việt Nam 18

2.2. Sự chuyển đổi tư duy nghệ thuật của Song Tinh Bất Dạ 26

2.2.1. Thể hiện qua khát vọng tình yêu vượt qua lễ giáo phong kiến 26

2.2.2. Thể hiện qua khát vọng lứa đôi vượt qua các thế lực đen tối 35

Tiểu kết chương 2 40

Chương 3. NHỮNG PHƯƠNG DIỆN NGHỆ THUẬT 41

3.1. Cốt truyện – Kết cấu 41

3.2. Nghệ thuật xây dựng nhân vật 44

3.3. Ngôn ngữ 48

Tiểu kết chương 3 58

KẾT LUẬN 59

TÀI LIỆU THAM KHẢO 61

MỞ ĐẦU

1. Lí do chọn đề tài

Trong văn học Việt Nam trung đại, truyện Nôm giữ vị trí khá quan trọng không chỉ bởi số lượng tác phẩm còn lại đến ngày nay mà còn bởi chất lượng và sức hấp dẫn của nó đối với nhiều thế hệ độc giả. Cùng với thơ Nôm Đường luật, ngâm khúc, hát nói,... truyện Nôm là một trong những thể loại văn học đặc biệt đã làm nên bản sắc riêng, diện mạo riêng của văn học trung đại Việt Nam. Truyện Nôm (hay còn gọi truyện thơ Nôm) là di sản văn hóa tinh thần riêng của người Việt, được hình thành trên cơ sở văn tự chữ Nôm, sử dụng thể thơ lục bát của người Việt và thể hiện xu hướng dân tộc hóa, dân chủ hóa. Nhận thấy, truyện Nôm giữ một vị trí quan trọng và là niềm tự hào của văn hóa, văn học nước nhà cho nên nghiên cứu một tác phẩm truyện Nôm là đề tài hấp dẫn. Theo những nguồn tư liệu hiện có, Song Tinh Bất Dạ của tác giả Nguyễn

Hữu Hào được coi là truyện Nôm bác học đầu tiên xuất hiện ở Đàng Trong, và cũng là truyện Nôm bác học có tên tác giả đầu tiên trong nền văn học Việt Nam. Sự phát triển của truyện Nôm bác học được đánh dấu bằng những dấu mốc cụ thể như sau: Truyện Song Tinh Bất Dạ (ở Đàng Trong) và Truyện Hoa tiên (Đàng Ngoài) được xem là bước khởi đầu cho sự hình thành thể loại; Truyện Kiều là đỉnh cao, là kết tinh, đem lại niềm tự hào cho nghệ thuật nước nhà; còn Truyện Lục Vân Tiên là dấu chấm, khép lại một thời vàng son mà thể loại truyện Nôm từng ngự trị trên văn đàn dân tộc trong thế kỷ XVIII - XIX.

Đến thời điểm này, mặc dù Song Tinh Bất Dạ được đánh giá là giữ vị trí quan trọng, là dấu mốc khởi đầu của dòng truyện Nôm bác học song trên thực tế vẫn có rất ít người biết đến sự tồn tại của tác phẩm. Trong chương trình phổ thông tên truyện Song Tinh Bất Dạ cũng chỉ được nhắc đến là ví dụ minh chứng cho thể loại truyện Nôm trong sách giáo khoa Ngữ văn lớp 10 tập 2 Nâng cao, còn sách giáo khoa cơ bản không đề cập đến. Ngay cả trong các chương trình

giảng dạy ở bậc đại học, truyện này hầu như ít có cơ hội được nhắc đến, hoặc nếu có thì cũng chỉ là điểm qua một cách sơ sài. Vì vậy lựa chọn truyện Song Tinh Bất Dạ để nghiên cứu là một cách để người viết bổ sung kiến thức về truyện Nôm nói riêng và văn học trung đại nói chung.

Là một sinh viên khoa Ngữ văn và một giáo viên tương lai, việc nắm được một cách sâu rộng giá trị nội dung và nghệ thuật của truyện Song Tinh Bất Dạ nói riêng và thể loại truyện Nôm nói chung có ý nghĩa quan trọng trong công việc và góp phần bổ sung kiến thức cá nhân.

Từ những lý do trên, chúng tôi lựa chọn đề tài “Song Tinh Bất Dạ - dấu mốc của sự chuyển đổi tư duy nghệ thuật trong văn học trung đại” làm hướng nghiên cứu chính trong luận văn tốt nghiệp này.

2. Lịch sử nghiên cứu

Mặc dù là một truyện Nôm có vị trí đặc biệt là khởi đầu, nhưng hiện nay không có nhiều công trình nghiên cứu về Song Tinh Bất Dạ. Chủ yếu là một số những bài giới thiệu về quá trình định danh cho tác phẩm trên tạp chí, lời dẫn đầu sách, hoặc nhắc đến trong một tiểu mục nghiên cứu về thể loại.

Vào năm 1943, ông Trần Văn Giáp là người đầu tiên thấy ghi trong Đại Nam thực lục tiền biên chép Nguyễn Hữu Hào là tác giả của Song Tinh Bất Dạ [8; 220]. Nhưng Đông Hồ Lâm Tấn Phát (1906 - 1969) ở Hà Tiên (nay tỉnh Kiên Giang) mới là người đầu tiên có công lao to lớn. Ông đã kiên trì suốt 50 năm để tìm nguồn cội cho quyển truyện Nôm này. Vào năm 1942, Đông Hồ có viết một thiên khảo luận dài về Song Tinh Bất Dạ, gửi đăng nguyệt san của Hội Khai Trí Tiến Đức ở Hà Nội, số 7 - 8, kể lại quá trình tìm thấy bản truyện, với mục đích thu hút sự quan tâm của các nhà nghiên cứu đối với việc tìm tác giả cho truyện. Sau đó, Đông Hồ lại đăng một vài đoạn khảo cứu về Truyện Song Tinh trên Tuần báo Nhân loại, từ số 15 năm 1953 đến số 22 năm 1954. Nhưng mãi năm 1962, sau khi trải qua chín năm nghiên cứu, Đông Hồ mới cho công

bố toàn bộ văn bản lần đầu tiên. Mặc dù đây chỉ là một bản phiên âm quốc ngữ, và nội dung sao chép còn có một số nhầm lẫn, sửa chữa nhiều, văn bản không được chú thích nhưng Đông Hồ đã chứng minh khá thuyết phục rằng Truyện Song Tinh chính là văn bản truyện Nôm đầu tiên của văn học viết Việt Nam.

Năm 1979, nhà nghiên cứu Đặng Thanh Lê với cuốn sách “Truyện Kiều” và thể loại truyện Nôm, trong một tiểu mục “Truyện Song Tinh (Đường Trong) và Truyện Hoa tiên (Đường Ngoài) - Những truyện Nôm có tên tác giả đầu tiên trong văn học thế kỷ XVIII” cũng đã giới thiệu sơ lược về tác giả, tác phẩm, cốt truyện của Song Tinh Bất Dạ. Sau đó, tác giả đưa ra kết luận: “Có lẽ đây là một trong những truyện Nôm đầu tiên trong văn học viết thế kỷ XVIII đã lấy tình yêu tuổi trẻ làm chủ đề tác phẩm. Gắn liền vào đó là một tinh thần tự do yêu đương có ý nghĩa chống lễ giáo phong kiến và một nội dung đề cao phẩm chất tốt đẹp của con người, chống lại thói cưỡng bức hôn nhân của cường quyền phong kiến” [11; 58 - 59]. Không những thế, tác giả còn nhận định: “với cốt truyện như trên, ta có thể thấy rõ tiếng nói báo hiệu cho các truyện Nôm sau này qua Truyện Song Tinh” [11; 60].

Năm 1984, tác giả Nguyễn Thị Thanh Xuân một lần nữa giới thiệu Truyện Song Tinh đến độc giả và giới học thuật. GS. Lê Trí Viễn đã viết phần “Cùng bạn đọc”, và một lời “Dẫn”, trình bày về tiểu sử tác giả và tình hình văn bản tác phẩm, cùng mục đích và phương pháp hiệu đính văn bản. Dù ngắn gọn nhưng GS. Lê Trí Viễn đã chỉ cho ta thấy được những nét tiêu biểu của: “Song Tinh là truyện tình yêu tự do”, “là truyện bác học mà khí vị lại rất dân gian”, rồi cốt truyện của Truyện Song Tinh là công thức chung “muôn thuở” của các truyện thơ Nôm [4; 8-9].

Sau đó, năm 1987, ông Hoàng Xuân Hãn đã biên khảo, giới thiệu và cho ấn hành lại Truyện Song Tinh. Ông viết lời “Tựa”, “Dẫn” trình bày công phu về tác giả, thời điểm sáng tác, lai lịch văn bản, tên truyện, nội dung, nguồn gốc,

cách hiệu đính và diễn nghĩa nội dung truyện… Với công trình này, ông là người đầu tiên đề cập đến bản nguyên tác mà Nguyễn Hữu Hào dựa theo để viết Truyện Song Tinh là tác phẩm Định tình nhân, ra đời trong khoảng cuối Minh – đầu Thanh ở Trung Quốc. Trong lời “Tựa”, Hoàng Xuân Hãn đã đưa ra vài lời so sánh với kiệt tác Truyện Kiều của Nguyễn Du. Ông viết: “Về cách diễn ca, Nguyễn Hữu Hào cũng như Nguyễn Du, đều theo mạch lạc nguyên tác, không thêm nhân vật hay hành động gì. Trái lại, cả hai đều bỏ những tiết đoạn rườm rà không cần cho cốt truyện. Về sắc thái từ chương, hai truyện Nôm khác nhau nhiều. Khi tả cảnh, Nguyễn Du chỉ phác họa để gợi ý tình; và khi tả tình thì lời sâu sắc, đằm thắm. Còn Nguyễn Hữu Hào thì tả cảnh một cách tỉ mỉ, cốt để xúc động tai mắt người đọc, chứ không khêu gợi được tình sâu xa; và hầu như chỉ chú ý đến phần kể chuyện, đối thoại, chứ không phân tích tình cảm…” [5; 6-7].

Tiếp tục, Kiều Thu Hoạch trong Truyện Nôm - lịch sử phát triển và thi pháp thể loại (Nxb Giáo dục, năm 2007), Trần Đình Sử trong Mấy vấn đề thi pháp văn học trung đại Việt Nam (Nxb Giáo dục, năm 1999),… đều nhắc tên Truyện Song Tinh là một tác phẩm có giá trị khởi đầu của thể loại truyện Nôm. Tuy nhiên, truyện này gần như chưa được khảo cứu kỹ lưỡng với tư cách là một đối tượng nghiên cứu độc lập.

Mãi đến năm 2006, TS. Lê Thị Hồng Minh mới cho công bố một công trình nghiên cứu về Ngôn ngữ nghệ thuật “Truyện Song Tinh”. Lần đầu tiên, Song Tinh Bất Dạ được nghiên cứu một cách công phu, tỉ mỉ về yếu tố ngôn ngữ nghệ thuật. Bà nghiên cứu khá kỹ về ngôn ngữ của truyện như: ngôn ngữ ước lệ tượng trưng, ngôn ngữ bình dân, ngôn ngữ hài hước, ngôn ngữ pha màu sắc “sắc dục”, ngôn ngữ đối thoại, độc thoại “giàu giọng điệu”,… Tác giả coi Song Tinh Bất Dạ là “viên ngọc quý” [13; 165] trong kho tàng văn học trung đại và đưa ra kết luận đây “không chỉ là một trong những tác phẩm đi đầu, mở

ra một trào lưu sáng tác truyện thơ Nôm trên văn đàn văn học viết (…) mà bản thân nó còn là một đóng góp lớn, một thành công đáng kể về mặt ngôn ngữ nghệ thuật trong nền văn học dân tộc” [13; 164].

Kế đó, năm 2009, Trần Thanh Thủy cũng là một trong số những học giả dành nhiều công sức nghiên cứu và đưa ra một công trình luận văn thạc sĩ Song Tinh Bất Dạ và bước khởi đầu của truyện Nôm bác học đã góp phần vào lí giải sự xuất hiện và vai trò của truyện Song Tinh Bất Dạ trong dòng chảy của truyện Nôm bác học Việt Nam, một lần nữa khẳng định truyện Song Tinh là một trong số những tác phẩm có vai trò đi đầu trong việc hình thành thể loại. Bên cạnh đó, công trình còn tìm hiểu lý do vì sao sau Song Tinh Bất Dạ, truyện Nôm tài tử - giai nhân không tiếp tục phát triển ở Đàng Trong mà lại bị gián đoạn một thời gian, rồi sau đó phát triển ở Đàng Ngoài và những tác phẩm đạt đỉnh cao, có thành tựu lại là sáng tác của tác giả Đàng Ngoài chứ không phải Đàng Trong [24; 5].

Với việc điểm qua quá trình công bố, giới thiệu và nghiên cứu Song Tinh Bất Dạ như trên, chúng tôi mong muốn làm rõ tính chất dấu mốc chuyển đổi tư duy nghệ thuật của tác phẩm này trong dòng truyện Nôm bác học và trong văn học trung đại Việt Nam. Tất cả những công trình, những bài viết, những ý kiến, nhận định, đánh giá của các nhà nghiên cứu trên đây là những gợi ý quý báu trong việc đi sâu khai thác tác phẩm về mặt nội dung và nghệ thuật.

3. Mục đích và nhiệm vụ nghiên cứu

3.1. Mục đích nghiên cứu

Mục đích của khóa luận là hoàn thành một công trình nghiên cứu về vai trò là dấu mốc của sự chuyển đổi tư duy nghệ thuật trong văn học trung đại Việt Nam của truyện Song Tinh Bất Dạ.

3.2. Nhiệm vụ nghiên cứu

- Nghiên cứu về thuật ngữ - khái niệm, quá trình hình thành và phát triển của truyện Nôm trong văn học trung đại Việt Nam

- Tìm hiểu cuộc đời và sự nghiệp Nguyễn Hữu Hào cùng những vấn đề liên quan đến tác phẩm.

- Làm rõ tính chất dấu mốc, bước chuyển đổi tư duy nghệ thuật của truyện Song Tinh Bất Dạ dựa trên cơ sở những khía cạnh về nội dung và nghệ thuật của tác phẩm Song Tinh Bất Dạ.

4. Đối tượng và phạm vi nghiên cứu

4.1. Đối tượng nghiên cứu

Đối tượng nghiên cứu của khóa luận là truyện Song Tinh Bất Dạ. Ở đây chúng tôi sử dụng văn bản trong cuốn Nguyễn Hữu Hào, Truyện Song Tinh, Hoàng Xuân Hãn biên khảo – giới thiệu, Nhà xuất bản Văn Học, 1987.

4.2. Phạm vi nghiên cứu

Trong khuôn khổ của đề tài, chúng tôi tiến hành nghiên cứu giá trị nội dung và nghệ thuật của tác phẩm truyện Song Tinh Bất Dạ để làm sáng tỏ vai trò là dấu mốc quan trọng trong bước chuyển đổi tư duy nghệ thuật trong văn học trung đại Việt Nam.

Trong quá trình đó, với chừng mực có thể, chúng tôi sẽ cố gắng so sánh, đối chiếu cùng một số truyện Nôm bác học giai đoạn sau (như Truyện Kiều, Truyện Hoa tiên…) và một số tác phẩm khác để thấy được sự giao thoa, sự kế thừa, phát triển của tác phẩm trong dòng chảy chung của thể loại.

5. Phương pháp nghiên cứu

Khóa luận sử dụng một số phương pháp sau:

– Phương pháp nghiên cứu văn học Sử.

– Phương pháp nghiên cứu liên ngành.

– Phương pháp so sánh.

– Các thao tác phân tích chứng minh, lập luận, phân tích tổng hợp.

6. Đóng góp của khóa luận

Đưa ra một công trình nghiên cứu khái quát về giá trị nội dung và nghệ thuật của truyện Song Tinh Bất Dạ, từ đó khẳng định được vai trò “dấu mốc” trong sự chuyển đổi tư duy nghệ thuật từ chữ “tâm” sang chữ “thân” trong văn học trung đại Việt Nam.

7. Bố cục của khóa luận

Khóa luận được triển khai theo ba phần: Mở đầu, Nội dung và Kết luận. Ngoài phần Mở đầu, Kết luận, phần Nội dung được chia thành ba chương:

– Chương 1: Những vấn đề chung

– Chương 2: Song Tinh Bất Dạ - dấu mốc của bước chuyển từ phạm trù chữ “tâm” sang chữ “thân”

– Chương 3: Những phương diện nghệ thuật

Xem tất cả 51 trang.

Ngày đăng: 23/04/2022
Trang chủ Tài liệu miễn phí