Song tinh bất dạ - dấu mốc của sự chuyển đổi tư duy nghệ thuật trong văn học trung đại Việt Nam - 6

Lương Phương Sinh là một mối tình rất thuần khiết, trong sáng, thanh cao, không gợn dục vọng có phần tuân theo chuẩn mực của lễ giáo phong kiến. Hoặc như Truyện Kiều, Thúy Kiều trong suốt mười lăm năm có tới hai lần lưu lạc chốn thanh lâu, vậy mà tác giả cũng chỉ dùng những điển tích hàm ẩn kín đáo để miêu tả cảnh “phượng chạ loan chung”, “sống làm vợ khắp người ta”,“ong qua bướm lại”, “mưa Sở mây Tần”,“lá gió cành chim”… chứ không trực tiếp miêu tả chuyện ân ái, phòng the. Như vậy, có thể thấy sự táo bạo, tiên phong trong việc thể hiện những chuyện ái ân trần tục của Song Tinh Bất Dạtrong văn học trung đại Việt Nam, một diện mạo hoàn toàn mới so với văn học chữ Hán trước đó.

Thứ tư, là một tác phẩm của văn học xứ Đàng Trong, Song Tinh Bất Dạ không thể không mang dấu ấn của ngôn ngữ con người Nam Bộ. Bởi vậy, trong truyện Nguyễn Hữu Hào đã sử dụng rất nhiều những từ đậm sắc thái Nam Bộ như: “hôn nhơn”, “đọt cây”, “lén dòm”, “qua - bậu”, “ni”, “chi”… Qua đó, thấy được tác phẩm những dấu ấn, đặc điểm riêng rất thú vị, độc đáo.

Không chỉ biểu hiện qua ngôn ngữ mang sắc thái phương ngữ Nam Bộ, tác giả còn thể hiện được đặc điểm tâm lí của con người miền trong với những nét tính cách hài hước, dí dỏm. Sự hài hước là một thú vị trong ngôn ngữ truyện Song Tinh Bất Dạ. Tiếng cười bật lên ở khắp nơi, trong mọi hoàn cảnh, rất tự nhiên tạo không khí vui tươi, dí dỏm. Đó là khi Giang Ông gặp Song Tinh, ông vui mừng khi gặp lại người con nuôi “Bội mừng rằng: cháu xa miền đến đây”, và đưa chàng về nhà thì không khí trong nhà trở nên rộn ràng, vui vẻ “Phu nhân hớn hở bội tình mừng sao”, “Giang Bà mừng rỡ biết bao mạch lòng!” rồi thì “Nói cười han hỏi đáo đon”. Khi Nhụy Châu mới gặp Song Tinh, người con gái cửa các buông khuê chưa gặp anh nuôi bao giờ không tránh khỏi sự ngượng ngùng mà mặt đỏ tía tai thì ông bà Giang lại “cười rần”, bảo rằng là anh em thì có gì mà ngại. Đặc biệt, tiếng cười còn bật ra sảng khoái, thoải mái

khi ở phần cuối gia đình hai bên đoàn viên cả nhà “hòa khen, hòa ngợi, hòa thương, hòa cười”, “Song Bà sặc sặc cả cười”. Có thể thấy, tiếng cười là một yếu tố làm nên độc đáo trong truyện Song Tinh Bất Dạ, ở đâu cũng thấy các nhân vật vui vẻ, hóm hỉnh.

Không chỉ có thế, Nguyễn Hữu Hào còn tạo ra tiếng cười ở nhiều góc độ, cung bậc khác nhau. Điều đặc biệt các nhân vật nữ trong truyện đều rất táo bạo như Nhược Hà dám trêu chọc Song Tinh, Thể Vân trêu chọc cả Song Tinh lẫn Nhụy Châu. Rồi Nhụy Châu lại trêu chọc Thể Vân và Song Tinh… Nhưng tùy theo tính cách và động cơ của mỗi người mà tính chất của việc trêu chọc có mang ý nghĩa khác nhau. Nhụy Châu chọc Song Tinh là để kiểm định lòng chung thủy của chàng. Cô hầu Nhược Hà trêu Song Tinh theo kiểu chơi khăm, xuất phát từ lòng đố kỵ, làm Song Tinh ngã bệnh nên cơn thất tình, khiến ta không thể không cười trước sự thật thà, ngốc nghếch của chàng thư sinh trước ngưỡng cửa của tình yêu. Hay khi Nhược Hà kể xấu Thể Vân mà cuối cùng cô chốt lại là không phải người “thẻo lẻo, thày lay việc người” thì người đọc lại bật cười khi nhân vật bị lật tẩy bản chất. Thể Vân trêu chọc Song Tinh theo kiểu bà mối thử lòng để giúp việc mai mối tình yêu cho cô chủ đem lại tiếng cười tinh nghịch. Nhưng khi bị đặt vào tình thế “đói ăn bánh vẽ” thì tiếng cười lại trở nên chua chát, mâu thuẫn giữa khát vọng hạnh phúc lứa đôi với thực tiễn. Có khi tiếng cười toát ra từ một tình huống nhầm lẫn ở gần cuối truyện.

Đó là lúc Giang An - người nhà của Giang Ông - tưởng nhìn thấy hồn ma Nhụy Châu đứng cạnh Song Bà nên hoảng hốt kêu la, vén áo thục mạng chạy: “Rèm treo cửa mở, tỏ nhìn/ Thấy Nàng tọa dựa một bên Song Bà/ Nó bèn cất tiếng cả la: “Thương ôi! Mẹ mẹ! Cha cha!” chạy dài/ Hòa nhà sặc sặc cả cười/ Mới sai môn hạ ba người đuổi theo”, “Nó rằng: “Sự rất nực cười/ Ấy ai tọa dựa gần nơi Song Bà/ Bay rằng chẳng quỷ chẳng ma/ Ý tao gẫm đặng thật là yêu tinh”. Tiếng cười, hay yếu tố hài hước trong Song Tinh Bất Dạ là một sự thể hiện độc

đáo về tính cách con người Nam Bộ của Nguyễn Hữu Hào. Các tác giả Đàng Ngoài thường ít cười; nếu có thì cũng là tiếng cười thâm trầm, kín đáo hơn chứ không sảng khoái, tự nhiên được như thế. Có thể các nhà nho Đàng Ngoài chịu ảnh hưởng của truyền thống của Nho gia nhiều hơn, cho nên sáng tác của họ chưa vượt qua cái khuôn khổ quy phạm. Còn các tác giả Đàng Trong ít bị gò bó bởi phép tắc luật lệ, cả về phương diện xã hội hay trong văn chương, cho nên ngôn ngữ đời sống sinh hoạt và cái cười hồn nhiên mang tính chất vui đùa hóm hỉnh nhiều hơn.

Tiểu kết chương 3

Có thể nói, là một trong những tác giả tác phẩm của truyện Nôm thời kì đầu, Nguyễn Hữu Hào cùng Song Tinh Bất Dạ đã đem đến cho văn học một diện mạo mới. Trên các khía cạnh của phương diện nghệ thuật, truyện có kết cấu chặt chẽ và hấp dẫn; nghệ thuật xây dựng nhân vật đã khắc họa nên những nhân vật sinh động, mới mẻ, táo bạo; ngôn ngữ bác học kết hợp nhuần nhuyễn với ngôn ngữ bình dân. Tác giả đã mạnh dạn thể hiện tính “dục” trong văn học trung đại là sự thành công lớn trong việc thể hiện quan niệm sống mới của con người hướng đến hạnh phúc cá nhận của bản thân, vượt lên trên lễ giáo phong kiến. Bên cạnh đó, Nguyễn Hữu Hào còn sử dụng ngôn ngữ mang tính chất phương ngữ cùng với từ ngữ thể hiện nét tính cách tâm lí hài hước, phóng khoáng của con người Nam Bộ là một nét độc đáo làm nên điểm riêng biệt của một tác phẩm xứ Đàng Trong.

KẾT LUẬN

Có thể bạn quan tâm!

Xem toàn bộ 51 trang tài liệu này.


Truyện Song Tinh Bất Dạ là một tác phẩm hiếm cho đến nay còn tồn tại mà biết gốc tích, thời đại và tác giả. Ở thời kì đầu trong quá trình hình thành thể loại, truyện đã đánh dấu sự ra đời của truyện Nôm bác học và là dấu mốc trong sự chuyển đổi tư duy nghệ thuật trong văn học trung đại Việt Nam.

Song tinh bất dạ - dấu mốc của sự chuyển đổi tư duy nghệ thuật trong văn học trung đại Việt Nam - 6

Song Tinh Bất Dạ là một câu chuyện tình duyên gắn bó kiên trì của một đôi tài tử - giai nhân trong lòng xã hội phong kiến. Nhưng đây là một trong những chuyện tình ái táo bạo hiếm có trong văn học trung đại Việt Nam, có công mở đầu trên con đường chuyển từ chữ “tâm” của lý tưởng lớn lao, siêu nghiệm sang chữ “thân” của con người khát khao tình yêu và hạnh phúc đời thường. Tác phẩm viết về mâu thuẫn giữa tình yêu và lễ giáo phong kiến xoay quanh hai nhân vật chính vượt ra ngoài khuôn khổ để yêu đương. Truyện đồng thời phản ánh nội dung khá lớn của thời đại, đó là khát vọng chiếm lĩnh hạnh phúc, tình yêu tự do, cá nhân, bảo vệ phẩm chất và giá trị của con người. Truyện Song Tinh Bất Dạ đã đánh dấu bước vươn lên vượt bức tường thành kiên cố của chế độ phong kiến giam hãm con người trong khuôn khổ cứng nhắc, trong những thiết chế hẹp hòi và khắc nghiệt. Con người chưa có sức mạnh để chống trả trước sự chi phối mạnh mẽ ấy nên còn có phần cam chịu và chấp nhận nhưng bằng sức mạnh tình yêu họ đã có tinh thần phản kháng để hướng đến tình yêu tự do và hạnh phúc cá nhân, không theo sự sắp đặt của lễ giáo.

Tác phẩm không chỉ thành công về phương diện nội dung phản ánh khát vọng tình yêu của đôi tình nhân mà còn đặc sắc ở phương diện nghệ thuật. Truyện Song Tinh Bất Dạ có cốt truyện tuy vay mượn nhưng kết cấu khá chặt chẽ, mạch lạc, ngắn gọn, tác phẩm có vai trò mở đầu trong việc hình thành kiểu kết cấu nghệ thuật truyền thống của truyện Nôm: Gặp gỡ - Tai biến – Đoàn tụ.

Truyện thành công trong việc xây dựng nhân vật, xây dựng hình tượng chính tài tử – giai nhân, đặc biệt là tác giả đã dụng công xây dựng hình tượng hai nhân vật phụ - người hầu- điểm mới mẻ, hấp dẫn trong một tác phẩm mở đầu của thể loại . Tác giả còn sử dụng thành công những điển cố, điển tích; sử dụng nhiều hình ảnh ước lệ, tượng trưng; nhiều từ cổ, thành ngữ, tục ngữ chau chuốt, nhẹ nhàng; nhiều câu thơ mang âm hưởng của ca dao, tục ngữ, thành ngữ được đan cài, lồng ghép trong tác phẩm một cách khéo léo, nhuần nhị, uyển chuyển. Và đặc biệt là tác phẩm táo bạo, mạnh dạn sử dụng ngôn ngữ sắc dục để nói về chuyện phòng the ân ái vợ chồng thể hiện được khát vọng hạnh phúc trần tục nhất của con người. Hơn nữa, ngôn ngữ địa phương thể hiện được tính cách hóm hỉnh, hài hước của con người Nam Bộ.

Qua tất cả những khía cạnh trên đã chứng tỏ được tài năng và sự sáng tạo tài tình của tác giả Nguyễn Hữu Hào và Song Tinh Bất Dạ xứng đáng là tác phẩm mở đầu trong bước chuyển về tư duy nghệ thuật trong văn học trung đại Việt Nam. Truyện Song Tinh Bất Dạ là một tác phẩm hấp dẫn và còn nhiều vấn đề ẩn chìm cần được nghiên cứu để dần trở nên hoàn thiện và được công bố rộng rãi để độc giả và những người ham mê văn học được thưởng thức.

TÀI LIỆU THAM KHẢO


1. Nguyễn Du (1984), Truyện Kiều, Đào Duy Anh khảo chứng, hiệu đính và chú giải, Nxb Văn học, Hà Nội.

2. Nguyễn Dữ (2001), Truyền kỳ mạn lục, Nxb Văn học, Hà Nội.

3. Lê Bá Hán, Trần Đình Sử, Nguyễn Khắc Phi (2004), Từ điển thuật ngữ văn học, Nxb Giáo dục.

4. Nguyễn Hữu Hào (1984), Truyện Song Tinh, Nguyễn Thị Thanh Xuân khảo đính, phiên âm và chú thích, Nxb Văn nghệ Thành phố Hồ Chí Minh.

5. Nguyễn Hữu Hào (1987), Truyện Song Tinh, Hoàng Xuân Hãn giới thiệu, Nxb Văn học, Hà Nội.

6. Nguyễn Ngọc Hiền (1998), Lễ Thành Hầu Nguyễn Hữu Cảnh 1650 - 1700 (Với công cuộc khai sáng miền Nam nước Việt cuối thế kỷ 17, trang 267). [Phần phụ lục Hào Lương Hầu Nguyễn Hữu Hào], Nxb Văn học, Hà Nội.

7. Nguyễn Văn Hoa, Thi sĩ Đông Hồ (Hà Tiên) đã có công “phục sinh” tác phẩm lục bát thế kỷ 18 (Truyện Song Tinh của Nguyễn Hữu Hào). URL: http://newvietart.com/index4.87.html,

8. Kiều Thu Hoạch (2007), Truyện Nôm - Lịch sử và thi pháp thể loại, Nxb Giáo dục, Hà Nội.

9. Trần Đình Hượu (1999), Nho giáo và văn học Việt Nam trung cận đại, Nxb Giáo dục, Hà Nội.

10. Đinh Gia Khánh, Bùi Duy Tân, Mai Cao Chương (1998), Văn học Việt Nam (thế kỷ X đến nửa đầu thế kỷ XVIII), Nxb Giáo dục, Hà Nội.

11. Đặng Thanh Lê (1979), “Truyện Kiều” và thể loại truyện Nôm, Nxb Khoa học xã hội, Hà Nội.

12. Nguyễn Lộc (2012), Văn học Việt Nam nửa cuối thế kỷ XVIII - hết thế kỷ XIX, Nxb Giáo dục Việt Nam.

13. Lê Thị Hồng Minh (2006), Ngôn ngữ nghệ thuật Truyện Song Tinh, Nxb Đại học Quốc gia, Thành phố Hồ Chí Minh.

14. Lê Thị Hồng Minh (2008), Đối thoại của nhân vật Truyện Song Tinh, URL: http://www.lucbat.com/news.php?id=1100.

15. Nguyễn Đăng Na (chủ biên), Văn học trung đại Việt Nam tập 2, Nxb ĐHSP.

16. Nguyễn Thị Nhàn (2006), Nghiên cứu mô hình kết cấu cốt truyện truyện thơ Nôm, Luận án Tiến sĩ Ngữ văn, Đại học Sư phạm, Hà Nội.

17. Nguyễn Thị Nhàn (2009), Thi pháp truyện thơ Nôm và Truyện Kiều, Nxb Đại học Sư phạm.

18. Nguyễn Văn Sâm (2013), Người đặt vấn đề đi tìm tâm phục trong đường lối đối ngoại: Nguyễn Hữu Hào, URL: http://newvietart.com/index.html

19. Nguyễn Hữu Sơn – Trần Đình Sử - Huyền Quang – Trần Ngọc Vương – Trần Nho Thìn – Đoàn Thị Thu Vân, (1998), Về con người cá nhân trong văn học cổ Việt Nam, Nxb Giáo dục.

20. Trần Đình Sử (1999), Mấy vấn đề thi pháp văn học trung đại Việt Nam, Nxb Giáo dục, Hà Nội.

21. Trần Đình Sử, (2015) Chữ Tâm trong truyện Kiều, URL: https://trandinhsu.wordpress.com/2015/10/27/chu-tam-trong-truyen-kieu/.

22. Trần Đình Sử, (2015) Chữ thân và vấn đề thân phận trong tư tưởng Truyện Kiều, URL: https://trandinhsu.wordpress.com/2015/08/03/chu-than-va-van-de-than-phan-trong-tu-tuong-truyen-kieu/.

23. Nguyễn Huy Tự - Nguyễn Thiện (1978), Truyện Hoa tiên, Đào Duy Anh khảo đính, chú thích, giới thiệu, Nxb Văn học, Hà Nội.

24. Trần Thanh Thủy (2009), Song Tinh Bất Dạ và bước khởi đầu của truyện Nôm bác học, Luận văn thạc sĩ văn học, Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Hà Nội.

Xem tất cả 51 trang.

Ngày đăng: 23/04/2022
Trang chủ Tài liệu miễn phí