Quy Định Về Quản Trị Doanh Nghiệp, Giám Sát Và Công Bố Thông Tin

(i) Thành viên hội đồng quản trị, hội đồng thành viên, ban kiểm soát, tổng giám đốc, phó tổng giám đốc của TCTD, pháp nhân là cổ đông có người đại diện phần vốn góp là thành viên hội đồng quản trị, ban kiểm soát của TCTD cổ phần, pháp nhân là thành viên góp vốn, chủ sở hữu của TCTD; (ii) Bố, mẹ, vợ, chồng, con của thành viên hội đồng quản trị, hội đồng thành viên, ban kiểm soát, tổng giám đốc, phó tổng giám đốc của TCTD. Ngoài ra, Luật còn cấm TCTD không được cấp tín dụng cho doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực kinh doanh chứng khoán mà TCTD nắm quyền kiểm soát; không được cấp tín dụng trên cơ sở cầm cố bằng cổ phiếu của chính TCTD hoặc công ty con của TCTD; không được cho vay để góp vốn vào một TCTD khác trên cơ sở nhận tài sản bảo đảm bằng cổ phiếu của chính TCTD nhận vốn góp. Để đảm bảo an toàn trong hoạt động ngân hàng của TCTD, chi nhánh ngân hàng nước ngoài và nhằm tránh xung đột lợi ích, Điều 127 quy định về những trường hợp hạn chế cấp tín dụng. Theo đó, TCTD là chi nhánh ngân hàng nước ngoài không được cấp tín dụng không có bảo đảm, cấp tín dụng với điều kiện ưu đãi đối với tổ chức kiểm toán, kiểm toán viên đang kiểm toán tại TCTD, chi nhánh ngân hàng nước ngoài; thanh tra viên đang thanh tra tại TCTD, chi nhánh ngân hàng nước ngoài; kế toán trưởng của TCTD, chi nhánh ngân hàng nước ngoài; cổ đông lớn, cổ đông sáng lập, thành viên góp vốn; doanh nghiệp có một trong những đối tượng bị cấm cấp tín dụng theo quy định tại khoản 1 Điều 126 sở hữu trên 10% vốn điều lệ của doanh nghiệp đó; người thẩm định, xét duyệt cấp tín dụng; công ty con, công ty liên kết của TCTD hoặc doanh nghiệp mà TCTD nắm quyền kiểm soát. Luật cũng quy định các giới hạn về tổng mức dư nợ cấp tín dụng đối với các đối tượng nêu trên nhằm bảo đảm an toàn cho TCTD, tránh trường hợp TCTD bị ảnh hưởng khi công ty con, công ty liên kết của TCTD hoặc doanh nghiệp mà TCTD nắm quyền kiểm soát gặp rủi ro hoặc sự cố [15].

2.1.1.2. Quy định về quản trị doanh nghiệp, giám sát và công bố thông tin

- Quy định minh bạch hóa các thông tin trong ngân hàng thương mại: Trong các yếu tố quyết định mức độ minh bạch và hiệu quả của thị trường tài chính, thông tin luôn đóng một vai trò quan trọng. Khi có thông tin chính xác, cơ quan quản lý nhà nước và cổ đông có thể giám sát hoạt động của NHTM dễ dàng và chính xác hơn, từ đó phát hiện sớm những vấn đề trong quản trị và điểu hành của các ngân hàng. Các ngân hàng thương mại phải thực hiện các báo cáo hàng quý, bán niên, và thường niên về tình hình hoạt động của ngân hàng đồng thời công bố các thông tin trọng yếu trên các thông tin thông tin đại chúng và gửi tới cơ quan quản lý của Nhà nước có vai trò thu thập, kiểm tra, và xây dựng cơ sở dữ liệu cho toàn hệ thống. Đây sẽ là nguồn thông tin quan trọng, có tính chính xác cao dành cho các nhà đầu tư cũng như các đối tượng khác có liên quan tới ngân hàng thương mại mà mình sử dụng [4]. Ở Đức, Luật quản lý và minh bạch trong doanh nghiệp phê chuẩn năm 1998 nhằm mục đích cải thiện vị trí của nhà đầu tư bằng cách yêu cầu các doanh nghiệp phải cung cấp cho các nhà đầu tư nhiều thông tin hơn so với trước đó.

Cụ thể, Luật đã hạn chế “hiệu ứng depotsimmrecht” (hiệu ứng phiếu bầu ủy quyền: là quyền biểu quyết trong một công ty mà khách hàng gửi tiền tại ngân hàng ủy quyền cho ngân hàng đó sử dụng. Ngân hàng có thể sử dụng số phiếu bầu này cùng với số phiếu bầu của mình để tăng cường mức độ ảnh hưởng đối với công ty mà ngân hàng nắm giữ cổ phiếu, đặc biệt là công ty đại chúng. Ngân hàng đóng nhiều vai trò cùng một lúc: họ đồng thời là chủ nợ, cổ đông, người được ủy quyền và thậm chí là cố vấn, mà nguy cơ xảy ra khi ngân hàng ưu tiên vai trò nào đó trong những vai trò kể trên. Ví dụ như khi một ngân hàng đề cao vai trò là người cung cấp vốn, họ sẽ muốn áp dụng một chính sách đầu tư ít rủi ro bằng cách cấp vốn với lãi suất cao. Điều này dĩ nhiên là bất lợi với các cổ đông khác và với doanh nghiệp mà ngân hàng nắm giữ cổ phiếu) bằng cách yêu cầu các ngân hàng sở hữu trên 5% cổ phiếu biểu quyết của doanh nghiệp niêm yết hoặc tham gia tổ chức phát hành cổ phiếu cho các doanh nghiệp niêm yết này phải công bố cho khách hàng rằng ngân hàng sẽ sử dụng quyền biểu quyết đó như thế nào [6].

Cơ quan quản lý Nhà nước quy định các NHTM phải tiến hành công bố các thông tin về các giao dịch bất thường trong một khoảng thời gian nhất định khi NHTM tiến hành thành lập, mua, bán hoặc giải thể các công ty con, đầu tư vào các công ty liên kết trên các phương tiện thông tin đại chúng. Ngoài ra, các cổ đông sở hữu trực tiếp hoặc gián tiếp với lợi ích lớn hơn một mức nhất định theo quy định của pháp luật phải thông báo cho ngân hàng, sàn giao dịch chứng khoán trong thời gian nhất định. Hướng dẫn về tính minh bạch của EU năm 2004 cung cấp một khuôn khổ cho việc công bố thông tin về sở hữu của cổ đông lớn. Ngoài ra, điều 10 của Hướng dẫn thâu tóm quyền kiểm soát của EU quy định công ty niêm yết phải công bố những nội dung trong báo cáo thường niên, trong đó có nội dung liên quan đến các sở hữu lớn, trực tiếp và gián tiếp (bao gồm cả sở hữu hình chóp và sở hữu chéo) [20].

- Quy định về thành phần của ban quản trị và ban điều hành: Cơ quan quản lý Nhà nước quy định số lượng thành viên ban quản trị của NHTM trong trường hợp điều lệ của của NHTM không có quy định.

Theo thông lệ quốc tế, ban quản trị phải có tối thiểu 5 thành viên và tối đa 11 thành viên; đồng thời, phải có xấp xỉ 1/3 số thành viên là các thành viên độc lập và không thuộc ban điều hành của ngân hàng. Sau cuộc khủng hoảng 1997, Sở Giao dịch Chứng khoán Hàn Quốc đã buộc các công ty muốn niêm yết phải có tối thiểu là 1/4 thành viên của ban quản trị là các thành viên độc lập từ bên ngoài [18].

Thành viên độc lập phải có những tiêu chí khắt khe như là cá nhân không đang làm việc cho ngân hàng, hoặc công ty trực thuộc ngân hàng, hoặc đã làm việc cho ngân hàng hoặc công ty trực thuộc ngân hàng trong một thời gian nhất định; không có mối quan hệ với những người có liên quan mà người đó sở hữu một lượng cổ phần nhất định của ngân hàng…v.v. Các thành viên độc lập có vai trò đưa ra các quyết định có tính khách quan và hạn chế những ảnh hưởng tiêu cực tới các cổ đông nhỏ lẻ do các cổ đông lớn, cổ đông có quyền kiểm soát NHTM thông qua sở hữu chéo gây ra.

Hơn nữa, việc xác định rõ một pháp nhân không thể là thành viên ban quản trị cho dù một cá nhân đại diện cho pháp nhân đó có thể được bầu vào ban quản trị là hết sức cần thiết. Như vậy, cá nhân được bầu vào ban quản trị của NHTM chỉ có thể hành động với tư cách là một thành viên ban quản trị chứ không phải với tư cách là đại diện của pháp nhân, tức là cá nhân đó phải hành động vì lợi ích của tất cả các cổ đông chứ không phải chỉ vì riêng lợi ích của pháp nhân được cá nhân đó đại diện.

Cơ quan quản lý Nhà nước cũng đã có quy định về ban điều hành của NHTM nhằm hạn chế tình trạng sở hữu chéo có thể xảy ra như tổng giám đốc/giám đốc không được đồng thời là tổng giám đốc/giám đốc của một doanh nghiệp khác. Theo thông lệ quốc tế, tổng giám đốc/giám đốc không nên tham gia vào bất cứ hoạt động kinh doanh nào ngoài những việc liên quan tới vai trò quản lý, điều hành doanh nghiệp và việc quản trị các công ty con của ngân hàng. Luật các Tổ chức tín dụng 2010 đã có các quy định về tiêu chuẩn, điều kiện đối với người quản lý, người điều hành, thành viên ban kiểm soát, các quy định về tiêu chuẩn đối với thành viên độc lập của hội đồng quản trị [15, Điều 50]... Theo đó, hội đồng quản trị của TCTD là công ty cổ phần, công ty trách nhiệm hữu hạn phải có ít nhất một thành viên độc lập. Thành viên độc lập của hội đồng quản trị phải bảo đảm tính độc lập (không là nhân viên, người quản lý, thành viên ban kiểm soát, không nhận lợi ích khác, bản thân không sở hữu quá 1% vốn điều lệ hoặc vốn cổ phần có quyền biểu quyết của TCTD, bản thân và người có liên quan không sở hữu quá 5% vốn điều lệ hoặc vốn cổ phần có quyền biểu quyết của TCTD, không có người liên quan tham gia quản trị, điều hành TCTD). Hội đồng quản trị của TCTD tối thiểu phải có một nửa tổng số thành viên hội đồng quản trị là thành viên độc lập và thành viên không phải là người điều hành TCTD. Đồng thời Luật 2010 bổ sung quy định về các trường hợp không cùng đảm nhiệm chức vụ nhằm tránh xung đột lợi ích, lạm dụng quyền ảnh hưởng của mình để ra những quyết định xung đột với lợi ích của TCTD [15, Điều 34]. Ngoài ra, Luật 2010 cũng quy định cụ thể về quyền, nghĩa vụ của người quản lý, điều hành TCTD, trách nhiệm công khai các lợi ích liên quan [15, Điều 38, 39].

- Quy định về quyền biểu quyết của cổ đông: Một khuôn khổ quản trị ngân

hàng tốt cần phải bảo vệ quyền lợi của cổ đông, cho dù các cổ đông này có đưa ra các quyền biểu quyết trực tiếp, hay thông qua người đại diện. Đối với trường hợp người đại diện được ủy quyền thay cho cổ đông, người đại diện ủy quyền phải biểu quyết theo đúng hướng dẫn của cổ đông. Trong trường hợp người đại diện ủy quyền được phép biểu quyết không cần hướng dẫn của cổ đông thì cách thức tiến hành cần phải được công bố công khai.

Điều 135, phần 3 Luật Công ty chứng khoán Đức sửa đổi quy định ngân hàng không được phép biểu quyết thay mặt khách hàng gửi tiền khi họ sở hữu trên 5% cổ phiếu của doanh nghiệp, trừ trường hợp ngân hàng nhận được yêu cầu biểu quyết cụ thể của khách hàng hoặc chấp nhận từ bỏ quyền biểu quyết của mình. Điều luật này đã hạn chế đáng kể quyền biểu quyết của ngân hàng theo hướng có lợi cho ngân hàng hoặc một số cổ đông với lợi ích nhóm. Từ tháng 2/2002, Luật Quản trị doanh nghiệp Đức có hiệu lực đã quy định về hạn chế đối với doanh nghiệp trong việc bổ nhiệm đại diện của mình trong ban giám sát của công ty mà họ nắm giữ cổ phiếu. Theo đó, số vị trí thuộc ban giám sát ngoài mà một người có thể nắm giữ ở các công ty niêm yết tối đa chỉ là 5.

2.1.1.3. Quy định về kiểm soát tình trạng sở hữu chéo trong hệ thống ngân hàng thương mại

Sở hữu chéo tại hệ thống NHTM với mức độ lớn có thể gây ra những ảnh hưởng tiêu cực cho sự an toàn và ổn định của hệ thống. Ba giải pháp chính để kiểm soát tình trạng sở hữu chéo trong hệ thống ngân hàng thương mại bao gồm: không cho phép các NHTM tiếp tục hoạt động đầu tư, cấp tín dụng nắm giữ cổ phần hoặc quyền kiểm soát tại các NHTM hay các doanh nghiệp khác; yêu cầu các NHTM thanh lý cổ phần để tiến tới giảm tỷ lệ sở hữu chéo về mức độ cho phép do cơ quan quản lý Nhà nước quy định; và yêu cầu NHTM từ bỏ quyền biểu quyết của mình trong liên minh sở hữu chéo. Trong đó, giải pháp yêu cầu các NHTM thanh lý cổ phần thông qua thị trường chứng khoán là biện pháp thiết thực nhất để hệ thống các ngân hàng và doanh nghiệp giảm thiểu rủi ro và những ảnh hưởng tiêu cực mà sở hữu chéo gây ra. Tuy nhiên, biện pháp này gặp một số trở ngại như tính thanh

khoản thấp của cổ phiếu, nguy cơ giảm giá cổ phiếu và tác động tiêu cực tới thị trường chứng khoán, cũng như ảnh hưởng tới mối quan hệ kinh doanh lâu dài giữa các thành viên trong liên minh sở hữu chéo. Trong trường hợp này, cơ quan quản lý Nhà nước cần có các biện pháp hỗ trợ và định hướng, giúp NHTM và doanh nghiệp giảm được tỉ lệ cổ phiếu sở hữu nhưng vẫn đảm bảo được sự ổn định của thị trường. Tại Nhật Bản, các công ty được cho phép mua lại cổ phiếu của chính mình.

Điều này vẫn chưa được phép cho đến khi một loạt các văn bản của Luật Thương mại Nhật Bản bắt đầu có hiệu lực từ tháng 10/1994, cho phép khởi động chương trình mua lại cổ phiếu vào tháng 3/1998. Tính đến năm 1998, 644 công ty niêm yết trên thị trường chứng khoán Tokyo đã công bố chương trình mua lại và được hưởng giá cổ phiếu tốt hơn so với phần còn lại của thị trường. Dần dần, giao dịch tài chính trên thị trường dường như càng ít tuân theo các mối quan hệ ngân hàng - công ty sở hữu cổ phần chéo lúc đầu. Tháng 11/2001, Chính phủ Nhật ban hành một đạo luật yêu cầu các ngân hàng phải giảm lượng cổ phiếu nắm giữ đến 100% vốn Tier I của họ vào năm 2004. Để ngăn chặn việc bán tháo cổ phần của các ngân hàng đặt áp lực giảm thêm của giá cổ phiếu, Công ty mua bán cổ phiếu ngân hàng (BSPC) được thành lập vào tháng 1/2002 để thực hiện việc mua tự nguyện và trực tiếp cổ phiếu ngân hàng [30].

Đối với các trường hợp việc thoái vốn hay bán cổ phần là tương đối khó khăn, các NHTM và doanh nghiệp có thể sử dụng biện pháp mua bán, sáp nhập các đơn vị liên quan nhằm giải quyết triệt để vấn đề sở hữu chéo.

2.1.2. Về giới hạn góp vốn, mua cổ phần

Năm 1997, Luật Ngân hàng Nhà nước và Luật các tổ chức tín dụng ra đời thay thế cho Pháp lệnh Ngân hàng, Hợp tác xã tín dụng và Công ty tài chính 1990 tạo cơ sở cho việc cải cách hệ thống ngân hàng thương mại. Mặc dù đã có nhiều điểm mới và hoàn thiện hơn so với Pháp lệnh Ngân hàng 1990, tuy nhiên các quy định về góp vốn và sở hữu của các TCTD được nêu ra trong Luật Các tổ chức tín dụng năm 1997 này vẫn chưa chặt chẽ. Cụ thể, Điều 69 Luật Các Tổ chức tín dụng 1997 quy định:“Tổ chức tín dụng được dùng vốn điều lệ và quỹ dự trữ để góp vốn

mua cổ phần của doanh nghiệp và các tổ chức tín dụng khác theo quy định của pháp luật”, Điều 80 của Luật này quy định:

Mức góp vốn, mua cổ phần của tổ chức tín dụng trong một doanh nghiệp, tổng mức góp vốn, mua cổ phần của tổ chức tín dụng trong tất cả các doanh nghiệp không được vượt quá mức tối đa do Thống đốc Ngân hàng Nhà nước quy định đối với từng loại hình tổ chức tín dụng [14, Điều 69, 80].

Luật Các tổ chức tín dụng 1997 sửa đổi bổ sung quy định “Tổ chức tín dụng nước ngoài góp vốn, mua cổ phần của tổ chức tín dụng hoạt động tại Việt Nam theo quy định của Chính phủ”. Về cơ bản, những quy định này đã cho phép hình thành đa dạng hơn các thành phần sở hữu tại các TCTD ở Việt Nam, tuy nhiên cũng tạo điều kiện cho các ngân hàng mua cổ phần của ngân hàng và TCTD khác qua nhiều hình thức từ đó mang lại nhiều rủi ro tiềm ẩn.

Tính đến năm 1997, Việt Nam có 84 ngân hàng trong đó có 05 Ngân hàng thương mại nhà nước, 51 Ngân hàng thương mại cổ phần, 4 ngân hàng liên doanh, 24 chi nhánh Ngân hàng nước ngoài tuy nhiên quy mô ngân hàng còn nhỏ bé nên sức cạnh tranh không cao. Do đó, một số NHTM cổ phần đã sáp nhập lại làm giảm số NHTM cổ phần xuống còn 39 ngân hàng. Việc thành lập đề án cơ cấu lại các NHTM nhà nước với Vietcombank là ngân hàng cổ phần hóa đầu tiên vào năm 2005 đã làm giảm tỷ lệ sở hữu nhà nước, tăng tỷ lệ sở hữu tư nhân trong hệ thống ngân hàng. Tuy nhiên đề án mới chỉ nhằm mục đích gia tăng vốn chủ sở hữu chứ chưa đề cập tới việc nâng cao năng lực điều hành, quản trị. Thêm vào đó việc chuyển đổi quá nhanh các NHTM cổ phần nông thôn theo Quyết định 1577/QĐ-NHNN năm 2006 và Nghị định 141/NĐ-CP/2006 yêu cầu các ngân hàng này tăng vốn điều lệ lên gấp vài lần thậm chí vài chục lần trong khi thị trường vốn còn hạn chế cũng là nguyên nhân thúc đẩy các ngân hàng lách quy định về góp vốn, mua cổ phần [20].

Bảng 2.1: Danh mục vốn pháp định của TCTD theo Nghị định 141/2006/NĐ-CP ngày 22 tháng 11 năm 2006

STT

Loại hình TCTD

Mức vốn pháp định áp dụng đến Năm

2008

2010

I

Ngân hàng

1

Ngân hàng thương mại



a

Ngân hàng thương mại nhà nước

3000 tỷ đồng

3000 tỷ đồng

b

Ngân hàng thương mại cổ phần

1000 tỷ đồng

3000 tỷ đồng

c

Ngân hàng liên doanh

1000 tỷ đồng

3000 tỷ đồng

d

Ngân hàng 100% vốn nước ngoài

1000 tỷ đồng

3000 tỷ đồng

đ

Chi nhánh ngân hàng nước ngoài

15 triệu USD

15 triệu USD

2

Ngân hàng chính sách

5000 tỷ đồng

5000 tỷ đồng

3

Ngân hàng đầu tư

3000 tỷ đồng

3000 tỷ đồng

4

Ngân hàng phát triển

5000 tỷ đồng

5000 tỷ đồng

5

Ngân hàng hợp tác

1000 tỷ đồng

3000 tỷ đồng

6

Quỹ tín dụng nhân dân



a

Quỹ tín dụng nhân dân TW

1000 tỷ đồng

3000 tỷ đồng

b

Quỹ tín dụng nhân dân cơ sở

0,1 tỷ đồng

0,1 tỷ đồng

II

Tổ chức tín dụng phi ngân hàng

1

Công ty tài chính

300 tỷ đồng

500 tỷ đồng

2

Công ty cho thuê tài chính

100 tỷ đồng

150 tỷ đồng

Có thể bạn quan tâm!

Xem toàn bộ 116 trang tài liệu này.

Sở hữu chéo trong lĩnh vực ngân hàng theo pháp luật Việt Nam hiện nay - 6

Nguồn: Nghị định 141/2006/NĐ-CP

..... Xem trang tiếp theo?
⇦ Trang trước - Trang tiếp theo ⇨

Ngày đăng: 01/12/2023