KẾT LUẬN CHƯƠNG 2
Khái niệm “Hộ gia đình” là khái niệm ghép của hai khái niệm “Hộ” và “Gia đình”. Hộ gia đình với tư cách là chủ thể của quan hệ pháp luật dân sự, chủ thể của quan hệ pháp luật đất đai là vấn đề có nguồn gốc lịch sử và mang tính đặc thù của Việt Nam. Chỉ thị số 100/CT-TU của Ban Bí thư năm 1981, Nghị quyết 10/NQ-TU của Bộ Chính trị năm 1988 về đổi mới cơ chế quản lý kinh tế trong nông nghiệp, xác định hộ gia đình, cá nhân là đơn vị kinh tế tự chủ trong sản xuất nông nghiệp; thực hiện việc giao đất cho hộ gia đình, cá nhân sử dụng ổn định lâu dài. Bộ luật Dân sự năm 1995 và các văn bản pháp luật khác, quy định hộ gia đình là một chủ thể pháp lý tham gia quan hệ pháp luật dân sự. Luật Đất đai năm 1987, Luật Đất đai năm 1993, Luật Đất đai năm 2003 và Luật Đất đai năm 2013 quy định về giao đất, cho thuê đất cho hộ gia đình, cá nhân. Việc công nhận hộ gia đình là một chủ thể trong quan hệ pháp luật dân sự và hưởng các quyền như các chủ thể khác, đặc biệt là quyền sử dụng đất đã mang lại những ý nghĩa thực tiễn về kinh tế, xã hội, hộ gia đình được trao quyền sử dụng đất đã trở thành đơn vị kinh tế chủ yếu của xã hội nông thôn Việt Nam
Kế thừa kết quả của những nghiên cứu trước đó, đồng thời tiếp tục phát triển những vấn đề lý luận về quyền và nghĩa vụ của hộ gia đình, cá nhân sử dụng đất và pháp luật về quyền và nghĩa vụ của hộ gia đình, cá nhân sử dụng đất, chương này đã xây dựng hệ thống lý luận riêng biệt cho quyền và nghĩa vụ của hộ gia đình, cá nhân sử dụng đất và pháp luật về quyền và nghĩa vụ của hộ gia đình, cá nhân sử dụng đất. Chương này của Luận án đã phân tích làm rõ khái niệm, đặc điểm cơ bản của quyền và nghĩa vụ của hộ gia đình, cá nhân sử dụng đất và pháp luật về quyền và nghĩa vụ của hộ gia đình, cá nhân sử dụng đất, có so sánh với chế định hộ gia đình ở một số nước trên thế giới. Nội dung của Chương 2 hình thành cơ sở lý luận cho việc nghiên cứu thực tiễn và xây dựng giải pháp hoàn thiện pháp luật về quyền và nghĩa vụ của hộ gia đình, cá nhân sử dụng đất.
Chương 3
THỰC TRẠNG CÁC QUY ĐỊNH PHÁP LUẬT VÀ THỰC TIỄN THỰC HIỆN PHÁP LUẬT VỀ QUYỀN VÀ NGHĨA VỤ CỦA HỘ GIA ĐÌNH, CÁ NHÂN SỬ DỤNG ĐẤT TẠI VIỆT NAM
3.1. Thực trạng quy định pháp luật và thực hiện các quy định pháp luật đó về quyền và nghĩa vụ của hộ gia đình, cá nhân sử dụng đất.
3.1.1. Thực trạng các quy định pháp luật về quyền và nghĩa vụ của hộ gia đình và cá nhân xác nhận tư cách pháp lý của hộ gia đình, cá nhân sử dụng đất và bảo hộ các quyền của họ.
Từ Chỉ thị 100, năm 1981 của Ban Bí thư hay còn gọi là “Khoán 100” đến “Khoán 10” theo Nghị quyết 10/1988 của Bộ Chính trị đã thừa nhận các hộ gia đình là đơn vị kinh tế tự chủ và thực thi trên thực tế. Nghị định số 64/NĐ-CP ngày 27 tháng 9 năm 1993 của Chính phủ về giao đất nông nghiệp cho hộ gia đình và cá nhân quy định: Hộ gia đình, cá nhân được Nhà nước giao đất nông nghiệp để sử dụng ổn định lâu dài vào mục đích sản xuất nông nghiệp. Điều 2 của Nghị định quy định: Đối với những loại đất nông nghiệp không thể giao cho từng hộ gia đình và cá nhân thì cho tổ chức, hộ gia đình, cá nhân thuê để sử dụng vào mục đích sản xuất nông nghiệp. Từ việc thực hiện các quy định trên, Việt Nam trở thành nước xuất khẩu nông sản đứng thứ hạng cao trên thế giới. Đối với giao đất ở cho hộ gia đình, Luật Đất đai năm 1987 quy định: Việc sử dụng đất khu dân cư ở nông thôn phải theo quy hoạch thuận tiện cho sản xuất, đời sống của nhân dân và quản lý xã hội. Phải tận dụng những khu dân cư sẵn có, hạn chế việc mở rộng khu dân cư trên đất nông nghiệp. Chỉ được giao đất ở trong khu dân cư cho những hộ chưa có nhà ở. Việc giao đất, cho thuê đất đối với hộ gia đình và cá nhân được quy định trong Luật Đất đai năm 1993, năm 2003, Luật Đất đai năm 2013. Trong chế độ đất đai thuộc sở hữu toàn dân do nhà nước là đại diện chủ sở hữu, thì quyền và nghĩa vụ của hộ gia đình và cá nhân trong sử dụng đất không mặc nhiên xuất hiện nếu không có sự can thiệp của nhà nước bằng các quyết định hành chính. Quyền của nhà nước được thực hiện thông qua thẩm quyền của các cơ quan nhà nước. Thẩm quyền giao đất được quy định cụ thể tại Luật Đất đai năm 2013 như sau: Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quyết định giao đất, cho thuê đất, cho phép chuyển mục đích sử dụng đất đối với tổ chức; Ủy ban nhân dân cấp huyện quyết định giao đất, cho thuê đất, cho phép chuyển mục đích
Có thể bạn quan tâm!
- Khái Niệm Nghĩa Vụ Của Hộ Gia Đình, Cá Nhân Sử Dụng Đất
- Nguyên Tắc Của Pháp Luật Về Quyền Và Nghĩa Vụ Của Hộ Gia Đình, Cá Nhân Sử Dụng Đất
- Nội Dung Các Quy Định Pháp Luật Về Chấm Dứt Quyền Và Nghĩa Vụ Của Hộ Gia Đình, Cá Nhân Do Nhà Nước Thu Hồi Đất
- Thực Trạng Quy Định Pháp Luật Và Thực Hiện Các Quy Định Pháp Luật Về Quyền Và Nghĩa Vụ Của Hộ Gia Đình, Cá Nhân Sử Dụng Đất Trong Các Giao Dịch
- Thực Tiễn Quy Định Pháp Luật Và Thực Hiện Pháp Luật Về Quyền Và Nghĩa Vụ Của Hộ Gia Đình, Cá Nhân Sử Dụng Đất Trong Nhóm Đất Nông Nghiệp.
- Bất Cập, Hạn Chế Quy Định Pháp Luật Và Thực Hiện Quyền Và Nghĩa Vụ Của Hộ Gia Đình, Cá Nhân Sử Dụng Đất Và Nguyên Nhân Của Nó.
Xem toàn bộ 178 trang tài liệu này.
sử dụng đất đối với hộ gia đình, cá nhân; Ủy ban nhân dân cấp xã cho thuê đất thuộc quỹ đất nông nghiệp sử dụng vào mục đích công ích của xã, phường, thị trấn.
Luật Đất đai năm 2013 cũng đưa ra các quy định hỗ trợ, bảo vệ quyền và nghĩa vụ của hộ gia đình, cá nhân sử dụng đất như quyền được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất; quyền được hưởng thành quả lao động, kết quả đầu tư trên đất; quyền hưởng các lợi ích do công trình của Nhà nước phục vụ việc bảo vệ, cải tạo đất nông nghiệp; quyền được Nhà nước hướng dẫn và giúp đỡ trong việc cải tạo, bồi bổ đất nông nghiệp; quyền được Nhà nước bảo hộ khi người khác xâm phạm quyền, lợi ích hợp pháp về đất đai của mình; quyền được bồi thường khi Nhà nước thu hồi đất theo quy định của Luật này; quyền khiếu nại, tố cáo, khởi kiện về những hành vi vi phạm quyền sử dụng đất hợp pháp của mình và những hành vi khác vi phạm pháp luật về đất đai. Nhà nước cũng quy định những bảo đảm đối với người sử dụng đất như bảo hộ quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền với đất hợp pháp của người sử dụng đất; cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất cho người sử dụng đất khi có đủ điều kiện theo quy định của pháp luật; được Nhà nước bồi thường, hỗ trợ, tái định cư theo quy định của pháp luật khi Nhà nước thu hồi đất vì mục đích quốc phòng, an ninh; phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng cho người sử dụng đất; có chính sách tạo điều kiện cho người trực tiếp sản xuất nông nghiệp, lâm nghiệp, nuôi trồng thủy sản.
3.1.2. Thực trạng các quy định pháp luật và thực hiện về quyền và nghĩa vụ của hộ gia đình, cá nhân đăng ký đất đai và cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, gồm cả cá nhân là người nước ngoài.
Theo quy định của Luật Đất đai năm 2013, đăng ký đất đai là bắt buộc đối với người sử dụng đất và người được giao đất để quản lý; đăng ký quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất thực hiện theo yêu cầu của chủ sở hữu. Đăng ký đất đai, nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất gồm đăng ký lần đầu và đăng ký biến động, được thực hiện tại tổ chức đăng ký đất đai thuộc cơ quan quản lý đất đai, bằng hình thức đăng ký trên giấy hoặc đăng ký điện tử và có giá trị pháp lý như nhau.
Thời hạn quyền sử dụng đất được mở rộng, quyền sở hữu và quyền chuyển giao được tăng cường. Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, thường được biết đến là sổ đỏ, là một giấy tờ chứng nhận chính thức quyền sử dụng đất hợp pháp. Quyền này bảo đảm sự bảo vệ về mặt pháp luật, thêm vào đó người có quyền sử dụng đất có các quyền năng như bán, trao đổi, cho thuê, thừa kế và thế chấp quyền sử dụng đất.
Theo Luật Đất đai năm 2013, Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất được cấp cho người có quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở, quyền sở hữu tài sản khác gắn liền với đất theo một loại mẫu thống nhất trong cả nước. Việc cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất được cấp dựa trên các nguyên tắc sau:
- Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất được cấp theo từng thửa đất. Trường hợp người sử dụng đất đang sử dụng nhiều thửa đất nông nghiệp tại cùng một xã, phường, thị trấn mà có yêu cầu thì được cấp một Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất chung cho các thửa đất đó.
- Thửa đất có nhiều người chung quyền sử dụng đất, nhiều người sở hữu chung nhà ở, tài sản khác gắn liền với đất thì Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất phải ghi đầy đủ tên của những người có chung quyền sử dụng đất, người sở hữu chung nhà ở, tài sản khác gắn liền với đất và cấp cho mỗi người 01 Giấy chứng nhận; trường hợp các chủ sử dụng, chủ sở hữu có yêu cầu thì cấp chung một Giấy chứng nhận và trao cho người đại diện.
- Người sử dụng đất, chủ sở hữu nhà ở, tài sản khác gắn liền với đất được nhận Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất sau khi đã hoàn thành nghĩa vụ tài chính theo quy định của pháp luật.
- Trường hợp người sử dụng đất, chủ sở hữu nhà ở, tài sản khác gắn liền với đất không thuộc đối tượng phải thực hiện nghĩa vụ tài chính hoặc được miễn, được ghi nợ nghĩa vụ tài chính và trường hợp thuê đất trả tiền thuê đất hàng năm thì được nhận Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất ngay sau khi cơ quan có thẩm quyền cấp. Trường hợp quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất hoặc quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất là tài sản chung của vợ và chồng thì phải ghi cả họ, tên vợ và họ, tên chồng vào Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất, trừ trường hợp vợ và chồng có thỏa thuận ghi tên một người.
Người nước ngoài, người Việt Nam định cư ở nước ngoài khi mua nhà ở Việt Nam cần thực hiện đầy đủ các thủ tục pháp lý cần thiết để được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Các vấn đề liên quan đến thủ tục pháp lý cho người nước ngoài, người Việt Nam định cư ở nước ngoài mua nhà đều được quy định Luật Nhà ở năm 2014, Nghị định số 43/2014/NĐ-CP của Chính phủ, Nghị định số 99/2015/NĐ-CP của Chính phủ, Thông tư số 24/2014/TT-BTNMT của Bộ Tài nguyên và Môi trường.
Luật Nhà ở năm 2014 quy định rõ người nước ngoài được phép mua nhà tại Việt Nam. Theo đó, người nước ngoài sau khi mua nhà tại Việt Nam được sở hữu nhà với thời gian tối đa là 50 năm và có thể gia hạn tiếp tục sau khi đã hết hạn. Đặc biệt, trường hợp cá nhân nước ngoài kết hôn với công dân Việt Nam, hoặc kết hôn với người Việt Nam định cư ở nước ngoài thì được toàn quyền sở hữu. Pháp luật đã quy định cụ thể 4 bước để người nước ngoài làm thủ tục đề nghị cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất.
Tuy nhiên, vẫn còn tồn tại một số vướng mắc khi cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà và tài sản khác gắn liền với đất cho người nước ngoài như trường hợp người nước ngoài mua căn hộ đã có giấy hồng từ một chủ nhà người Việt Nam, đã trả tiền mua nhà, đóng phí trước bạ nhà đất nhưng Văn phòng đăng ký đất đai thành phố cho biết chưa có cơ sở để chuyển quyền sở hữu căn hộ, đăng ký sở hữu cho người đó vì hiện chưa có danh mục các dự án nhà ở cho phép tổ chức, cá nhân nước ngoài sở hữu nhà ở; hay người nước ngoài mua căn hộ tại một dự án và đã đến ở 3 năm. Chủ đầu tư của dự án cho biết toàn bộ cư dân người Việt mua nhà tại dự án này đã được cấp giấy hồng, chỉ riêng người này chưa được cấp vì là người nước ngoài.
Về việc đăng ký quyền sử dụng đất của hộ gia đình, cá nhân trong trường hợp: đăng ký lần đầu đối với quyền sử dụng đất; đăng ký lần đầu đối với tài sản gắn liền với đất; đăng ký các giao dịch liên quan đến bất động sản (bao gồm cả đăng ký giao dịch bảo đảm). Ở các địa phương kiểm tra vẫn còn một số quy định về đăng ký đất đai, cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất chưa được địa phương triển khai thực hiện (chưa thực hiện đăng ký bắt buộc đối với các trường hợp chưa đăng ký; chưa lập sổ địa chính điện tử; Giấy chứng nhận thu hồi để lưu không chứng nhận lý do thu hồi…). Ngoài ra, về việc chậm trễ trong việc cấp Giấy chứng nhận, nhiều trường hợp do các cơ quan chuyên môn tham mưu không đúng; nhiều trường hợp người sử dụng đất phản ánh không đúng hoặc lỗi do người sử đụng đất (48).
Khi đăng ký quyền sử dụng đất, pháp luật về đất đai hướng dẫn chỉ ghi đại diện của hộ gia đình sử dụng đất trên Giấy chứng nhận, cụ thể, Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cấp cho hộ gia đình chỉ ghi nhận thông tin của chủ hộ gia đình; nếu chủ hộ gia đình có vợ hoặc chồng cùng có quyền sử dụng đất chung của hộ gia đình thì ghi cả họ tên, năm sinh của người vợ hoặc chồng đó (Điểm c, khoản 1, điều
48 Gỡ vướng mắc trong cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. http://www.tnmtnd.hanoi.gov.vn/index.php?option=com_content&view=article&id=11509&catid=12&Itemid=130.
5 Thông tư số 23/2014/TT-BTNMT ngày 19 tháng 5 năm 2014 quy định về Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất); còn các thành viên khác trong hộ gia đình thì không được đề cập đến.
Trước đây, trong Bộ luật Dân sự năm 2005 có quy định: “Hộ gia đình mà các thành viên có tài sản chung, cùng đóng góp công sức để hoạt động kinh tế chung trong sản xuất nông, lâm, ngư nghiệp hoặc một số lĩnh vực sản xuất, kinh doanh khác do pháp luật quy định là chủ thể khi tham gia quan hệ dân sự thuộc các lĩnh vực này”.
Tuy nhiên, đến Bộ luật Dân sự 2015, định nghĩa hộ gia đình đã không còn tồn tại, thay vào đó là quy định: Việc xác định chủ thể của quan hệ dân sự có sự tham gia của hộ gia đình sử dụng đất được thực hiện theo quy định của Luật Đất đai. Như vậy, Bộ luật Dân sự hiện nay đã trao toàn bộ quyền xác định tư cách pháp lý của hộ gia đình trong các giao dịch liên quan đến quyền sử dụng đất cho Luật Đất đai.
Dẫn chiếu tới luật này, tại Khoản 29 Điều 3 Luật Đất đai năm 2013 quy định: “Hộ gia đình sử dụng đất là những người có quan hệ hôn nhân, huyết thống, nuôi dưỡng theo quy định của pháp luật về hôn nhân và gia đình, đang sống chung và có quyền sử dụng đất chung tại thời điểm được Nhà nước giao đất, cho thuê đất, công nhận quyền sử dụng đất; nhận chuyển quyền sử dụng đất”.Với quy định trên thì có thể hiểu, để được xác định tư cách thành viên trong hộ gia đình và có chung quyền sử dụng đất thì các thành viên của hộ cần thỏa mãn đủ 02 dấu hiệu nhận biết là: Thành viên phải có quan hệ hôn nhân, huyết thống, nuôi dưỡng theo quy định của pháp luật về hôn nhân và gia đình; Thành viên phải đang sống chung và có quyền sử dụng đất chung tại thời điểm được Nhà nước giao đất, cho thuê đất, công nhận quyền sử dụng đất; nhận chuyển quyền sử dụng đất.
Tuy nhiên, có ý kiến cho rằng: quy định “thành viên … có quyền sử dụng đất chung tại thời điểm Nhà nước giao đất, cho thuê đất, công nhận quyền sử dụng đất; nhận chuyển quyền sử dụng đất” cũng chưa rõ ràng. Quy định này thực sự sẽ gây vướng mắc trong quá trình xác định các thành viên của hộ gia đình có quyền sử dụng đất bởi thời điểm để xác định tư cách thành viên có quyền sử dụng đất là thời điểm hộ được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất hay thời điểm hộ được Nhà nước giao đất, cho thuê đất…Mặt khác, nếu quan niệm quyền sử dụng đất là tài sản thuộc sở hữu chung của hộ gia đình thì về nguyên tắc, tài sản thuộc sở hữu chung phải được đăng ký quyền sở hữu/quyền sử dụng cho tất cả các đồng chủ sở hữu chung, trừ trường hợp các thành viên có thỏa thuận khác.
Trên thực tế, trước đây, pháp luật về đất đai hướng dẫn chỉ ghi đại diện của hộ gia đình sử dụng đất trên Giấy chứng nhận, cụ thể, Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cấp cho hộ gia đình chỉ ghi nhận thông tin (họ tên, năm sinh) của chủ hộ gia đình; nếu chủ hộ gia đình có vợ hoặc chồng cùng có quyền sử dụng đất chung của hộ gia đình thì ghi cả họ tên, năm sinh của người vợ hoặc chồng đó; còn các thành viên khác trong hộ gia đình thì không được đề cập đến. Vậy nên, khi hộ gia đình thực hiện các giao dịch về quyền sử dụng đất, Nhà nước thường gặp khó khăn trong việc bảo hộ quyền sử dụng đất hợp pháp của các thành viên hộ gia đình do quyền sử dụng đất của từng thành viên trong hộ gia đình không được xác lập cụ thể; phát sinh mâu thuẫn, tranh chấp về quyền sử dụng đất của các thành viên trong hộ gia đình khi thực hiện các giao dịch về quyền sử dụng đất, trong khi việc giải quyết các mâu thuẫn, tranh chấp lại rất khó khăn do thiếu cơ sở pháp lý và thường kéo dài.
Để giải quyết bất cập này, gần đây, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã ban hành Thông tư số 33/2017/TT-BTNMT ngày 29/9/2017 quy định việc ghi tên các thành viên có chung quyền sử dụng đất vào Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (sổ đỏ) hộ gia đình, trong đó đưa ra quy định mới về việc bổ sung tên các thành viên trong gia đình trên Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở (gọi chung là Giấy chứng nhận). Cụ thể, đối với hộ gia đình sử dụng đất thì ghi “Hộ gia đình, gồm ông” (hoặc “Hộ gia đình, gồm bà”), sau đó ghi họ tên, năm sinh, tên và số giấy tờ nhân thân của chủ hộ gia đình; địa chỉ thường trú của hộ gia đình. Dòng tiếp theo ghi “Cùng sử dụng đất, cùng sở hữu tài sản gắn liền với đất (hoặc Cùng sử dụng đất hoặc Cùng sở hữu tài sản) với… (ghi lần lượt họ tên, năm sinh, tên và số giấy tờ nhân thân của những thành viên còn lại trong hộ gia đình có chung quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất)”. Như vậy, nếu nhà, đất đó là tài sản riêng của cá nhân hoặc là tài sản chung của cá nhân với vợ/chồng của mình thì Giấy chứng nhận không ghi tên những người khác trong gia đình (như cha, mẹ, anh, chị, em, các con). Cha, mẹ, anh, chị, em, các con ở trong gia đình chỉ được ghi tên trên giấy chứng nhận khi họ có quyền sử dụng đất chung. Theo Thông tư 33, để trở thành thành viên hộ gia đình sử dụng đất phải đảm bảo ba yếu tố: (1) Là những người trong hộ gia đình có quan hệ hôn nhân, huyết thống, nuôi dưỡng theo quy định của pháp luật về hôn nhân và gia đình; (2) Đang sống chung trong hộ gia đình; (3) Có quyền sử dụng đất chung tại thời điểm được Nhà nước giao đất, cho thuê đất, công nhận quyền sử dụng đất; nhận chuyển quyền sử dụng đất. Như vậy, về cơ bản các yếu tố này vẫn đồng nhất với hai dấu hiệu để xác định tư cách thành viên hộ gia đình sử
dụng đất quy định tại Luật Đất đai năm 2013. Có thể thấy, việc ban hành Thông tư 33/2017 của Bộ Tài nguyên và Môi trường nhằm đảm bảo việc quản lý nhà nước trong lĩnh vực đất đai được minh bạch hơn, rõ ràng hơn, từ đó nhằm hạn chế những tranh chấp phát sinh trong các giao dịch về quyền sử dụng đất của hộ gia đình. Tuy nhiên, quy định bổ sung tên của tất cả các thành viên trong hộ gia đình vào trong giấy chứng nhận quyền sử dụng đất như quy định của Thông tư 33 thì có thể phát sinh ra nhiều vấn đề phức tạp khác, bởi lẽ:
Thứ nhất, đất đai là một loại tài sản đặc biệt, có giá trị lớn. Nhà nước giao quyền sử dụng đất cho người dân và người có quyền sử dụng đất được quyền chuyển nhượng và thực hiện các quyền khác trên đất theo quy định của pháp luật. Yêu cầu viết tên các thành viên trong gia đình vào sổ đỏ sẽ làm phát sinh những rắc rối trong việc xác định ai là chủ sở hữu thực sự của tài sản này. Căn cứ theo Điều 212 Bộ luật Dân sự 2015 quy định về sở hữu chung của các thành viên gia đình thì “Tài sản của các thành viên gia đình cùng sống chung gồm tài sản do các thành viên đóng góp, cùng nhau tạo lập nên và những tài sản khác được xác lập quyền sở hữu theo quy định của bộ luật này và luật khác có liên quan. Việc chiếm hữu, sử dụng, định đoạt tài sản chung của các thành viên gia đình được thực hiện theo phương thức thỏa thuận… Trường hợp không có thỏa thuận thì áp dụng quy định về sở hữu chung theo phần…”
Như vậy, Bộ luật Dân sự 2015 đã xác định quyền sử dụng đất của hộ gia đình thuộc hình thức sở hữu chung theo phần và việc xác định phần giá trị sử dụng của từng thành viên đối với đất chung sẽ dựa theo nguồn gốc tài sản, công sức đóng góp, tạo lập tài sản của mỗi thành viên trong hộ gia đình đó. Tuy nhiên, trong thực tế, việc xác định công sức đóng góp của các thành viên trong hộ gia đình là rất khó khăn. Trường hợp vợ chồng nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất hoặc được Nhà nước công nhận quyền sử dụng đất khi đã có con chung và con dưới 18 tuổi, còn sống phụ thuộc vào bố mẹ thì xác định sự đóng góp của người con đối với quyền sử dụng đất của hộ gia đình trong tình huống này như thế nào? Theo quy định của pháp luật hiện hành thì người con cũng là một thành viên của hộ gia đình, là đồng sở hữu chung quyền sử dụng đất của hộ gia đình. Trường hợp không xác định được phần giá trị tài sản thuộc quyền sử dụng của mỗi thành viên thì điều này lại mâu thuẫn với quy định của Bộ luật Dân sự khi xác định quyền sử dụng đất của hộ gia đình là tài sản thuộc sở hữu chung theo phần chứ không phải sở hữu chung hợp nhất để tất cả các thành viên có phần bằng nhau và quyền quyết định ngang nhau đối với tài sản chung đó.