Những Nội Dung Quản Lý Đất Đai Ảnh Hưởng Đến Hiệu Quả Quản Lý Nhà Nước Về Giá Đất

quản lý hành chính sau: phương pháp thuyết phục, phương pháp cưỡng chế, phương pháp hành chính và phương pháp kinh tế.178 Các phương pháp được áp dụng linh hoạt, sáng tạo, có sự kết hợp, bảo đảm khả thi và phù hợp với đặc điểm của lĩnh vực, đối tượng quản lý.

QLNN về giá đất ở Việt Nam với đối tượng quản lý là giá đất nhà nước, do Nhà nước quyết định nên phương pháp hành chính giữ vai trò chủ đạo. Tuy nhiên, với định hướng quản lý theo cơ chế thị trường và nguồn dữ liệu giá đất thị trường là cơ sở triển khai các nội dung QLNN về giá đất thì Nhà nước sử dụng các phương pháp kinh tế để can thiệp, điều tiết đối với giá đất thị trường, bảo đảm tính toàn diện và hiệu quả quản lý. Vì vậy, có thể nói phương pháp hành chính chi phối toàn bộ quá trình quản lý giá đất ở Việt Nam đồng thời có sự kết hợp chặt chẽ, phù hợp với phương pháp kinh tế, cụ thể việc vận dụng hai phương pháp trong quản lý giá đất như sau:

Thứ nhất, phương pháp hành chính là những phương thức tác động trực tiếp đến hoạt động của đối tượng bị quản lý thông qua việc quy định trực tiếp nghĩa vụ của họ, những mệnh lệnh dựa trên quyền lực nhà nước và sự phục tùng.179 Đối với giá đất - một phạm trù kinh tế, hình thành từ thị trường và tuân thủ các quy luật thị trường thì việc áp dụng biện pháp hành chính cần có một giới hạn nhất định, linh hoạt và không

trái với các quy luật thị trường. Mệnh lệnh trong phương pháp hành chính phải bảo đảm đặc điểm của giá đất, dựa trên các quy luật khách quan, hạn chế tối thiểu ý chí chủ quan của chủ thể quản lý. Phương pháp hành chính trong QLNN về giá đất phải là sự dung hòa của tính chất định hướng, khuôn khổ của hành chính với bản chất kinh tế, linh hoạt của giá đất. Nhằm đảm bảo hiệu lực thi hành của các phương pháp quản lý thì phải quy định những hình thức cưỡng chế tương xứng. Cưỡng chế là biện pháp bắt buộc đối với các cá nhân, tổ chức nhất định phải thực hiện hoặc không được thực hiện những hành vi nhất định bằng sức mạnh cưỡng chế của Nhà nước về mặt vật chất hay tinh thần. Có bốn loại cưỡng chế trong QLNN: cưỡng chế hình sự - đối với những hành vi phạm tội, vi phạm các quy định pháp luật hình sự trong quá trình quản lý giá đất; cưỡng chế dân sự - đối với các hành vi vi phạm dân sự; cưỡng chế kỷ luật - đối với những vi phạm trong kỷ luật quản lý, đây là biện pháp cưỡng chế đặc thù đối với chủ thể quản lý nhằm đảm bảo sự tuân thủ thẩm quyền trong quản lý; cưỡng chế hành chính - đối với cá nhân, tổ chức có hành vi vi phạm hành chính trong quá trình thực hiện các quy định về giá đất.

Thứ hai, phương pháp kinh tế là phương thức tác động gián tiếp đến đối tượng bị quản lý thông qua việc sử dụng những đòn bẩy kinh tế tác động đến lợi ích của con người, nhờ đó mà đạt được mục đích của quản lý. Những đòn bẩy kinh tế như: tiền lương, tiền thưởng, chính sách thuế, lãi suất ngân hàng, tín dụng…180 Những công cụ


178 Trường Đại học Luật Hà Nội (2019), sđd (39), tr.136.

179 Nguyễn Cửu Việt (2013), Giáo trình Luật hành chính Việt Nam, NXB Chính trị quốc gia, Hà Nội, tr.381.

180 Nguyễn Cửu Việt (2013), Giáo trình Luật hành chính Việt Nam, NXB Chính trị quốc gia, Hà Nội, tr.382.

quản lý trên tác động trực tiếp đến sự hấp dẫn của thị trường bất động sản, thực hiện điều tiết giá đất thông qua quy luật cung, cầu và giá cả để tạo nên những tác động đến giá đất thị trường, qua mối quan hệ tác động của cơ chế hai giá đất để thực hiện các mục tiêu quản lý. Trong quản lý giá đất, phương pháp kinh tế giữ vai trò tạo nền tảng thị trường ổn định để triển khai các nội dung QLNN về giá đất. Bên cạnh đó, để phát huy hiệu quả của các phương pháp kinh tế thì quá trình tổ chức thực hiện phải tổ chức tuyên truyền và vận động thuyết phục phù hợp. Việc phổ biến, tuyên truyền và thuyết phục tạo sự đồng thuận cao trong quản lý, sự ủng hộ rộng rãi của các chủ thể trong xã

Có thể bạn quan tâm!

Xem toàn bộ 219 trang tài liệu này.

hội trước các quyết định quản lý.181 Với ưu điểm của sự linh hoạt và dựa trên các quy

luật thị trường nên phương pháp kinh tế giữ vai trò quyết định trong việc thiết lập cơ chế quản lý giá đất theo thị trường.

Quản lý nhà nước về giá đất - 12

2.4. Những nội dung quản lý đất đai ảnh hưởng đến hiệu quả quản lý nhà nước về giá đất

Với 15 nội dung quản lý đất đai được quy định tại Điều 22 LĐĐ năm 2013 sẽ ảnh hưởng ít nhiều đến giá đất và công tác quản lý giá đất. Trên cơ sở đặc điểm của giá đất và các yếu tố tác động đến QLNN về giá đất, tác giả nhận thấy có ba nhóm nội dung cơ bản ảnh hưởng trực tiếp đến hiệu quả QLNN về giá đất, gồm: công tác đăng ký đất đai và CSDL địa chính; công tác quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất; hiệu quả quản lý thị trường bất động sản. Những nội dung trên tác động trực tiếp đến giá đất thị trường tạo những hiệu ứng tích cực trong quản lý giá đất theo cơ chế thị trường; thông qua những nội dung này Nhà nước tác động đến giá đất thị trường để đạt được các mục tiêu trong QLNN về giá đất, thiết lập nền tảng thị trường vững chắc trong quản lý giá đất.

Một là, tính chính xác và đầy đủ của công tác đăng ký đất đai, bảo đảm nền tảng dữ liệu địa chính trong quản lý. CSDL đất đai là một trong những CSDL nền tảng, quan trọng trong CSDL quốc gia, mang tính quyết định đến mục tiêu xây dựng Chính phủ điện tử. Việc hoàn thiện CSDL địa chính là nguyên liệu nền cho việc ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật trong quản lý đất đai, trong đó có quản lý giá đất. Cụ thể, nội dung thông tin giá đất, quyết định giá đất và dự báo giá đất phải dựa hoàn toàn trên nền tảng dữ liệu địa chính; chỉ có thể xây dựng và sử dụng hiệu quả bản đồ giá đất khi dữ liệu của bản đồ địa chính được thiết lập đầy đủ, chuẩn xác. Nền tảng cơ bản để hình thành CSDL đất đai là thông qua hoạt động đăng ký đất đai. Theo Ủy ban kinh tế về Châu Âu của Liên hợp quốc (UN-ECE): “đăng ký đất đai là thành phần của quản trị tốt, sự phát triển thịnh vượng của quốc gia đòi hỏi hiệu quả của hệ thống đăng ký đất đai. Hệ thống đăng ký tốt sẽ kích thích thị trường đất đai năng động và hiệu quả sử dụng đất. Nó có thể đảm bảo quyền sở hữu và sự phát triển của thị trường


181 Trường Đại học Luật Hà Nội (2019), sđd (39), tr.136.

vốn, là những nguồn lực của nền kinh tế”.182 Chính vì vậy, đăng ký đất đai sẽ ảnh hưởng đến giá trị đất đai trong giao dịch, khắc phục thị trường ngầm gây nhiều hệ lụy trong phát triển thị trường bất động sản; góp phần xây dựng CSDL về giá đất gắn với đặc điểm của từng thửa đất. Một hệ thống đăng ký đất đai tốt là cơ sở quyết định giá đất nhà nước và tạo những tác động tích cực đến giá đất thị trường; là tiền đề xây dựng, khai thác hiệu quả dữ liệu giá đất.

Hai là, hiệu quả của quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất. Tầm quan trọng của quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất đã được Tổ chức hợp tác và phát triển kinh tế - OECD khẳng định: “mặc dù quy hoạch sử dụng đất là nhiệm vụ của địa phương, liên quan đến vấn đề địa phương nhưng ảnh hưởng đến những vấn đề quan trọng của quốc gia và thế giới”. 183 Đối với giá đất, thông qua quy luật cung cầu và giá cả thì công tác quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất sẽ thông qua cung - cầu để điều tiết giá đất thị trường. Tính hiệu quả, khả thi của quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất và các thông tin về quy

hoạch được công khai, dễ tiếp cận góp phần minh bạch thị trường. Đồng thời, thông tin về quy hoạch sử dụng đất là căn cứ đánh giá tiềm năng kinh tế đất đai, một trong những cơ sở quyết định giá đất. Vì vậy, chất lượng quy hoạch và công khai thông tin quy hoạch mang lại hiệu quả trực tiếp cho công tác quyết định giá đất nhà nước và tạo những hiệu ứng tích cực trong quản lý giá đất theo cơ chế thị trường.

Ba là, hiệu quả quản lý thị trường bất động sản. Thị trường bất động sản là nơi quyết định giá bất động sản, trong đó gồm giá đất thị trường và thông qua mối quan hệ giữa giá nhà nước và giá thị trường sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến quá trình quyết định giá đất của nhà nước. Bên cạnh đó, sự quản lý chặt chẽ thị trường góp phần ngăn ngừa hiện tượng “bong bóng giá”, hoàn thiện chính xác CSDL giá đất thị trường phục vụ hoạt động quản lý giá đất. Chiến lược, kế hoạch quản lý và các quyết định quản lý giá đất được ban hành trên cơ sở thông tin từ thị trường nên việc quản lý hiệu quả thị trường bất động sản sẽ quyết định tính chính xác, hiệu quả của nguồn thông tin trong công tác quản lý giá đất, bảo đảm sự phát triển ổn định, bền vững của thị trường trong quản lý giá đất theo cơ chế thị trường.

Có thể khẳng định, QLNN về giá đất chỉ đạt hiệu quả cao nhất khi những nội dung quản lý giá đất được triển khai trên CSDL địa chính hoàn chỉnh, minh bạch và dễ tiếp cận; hệ thống đăng ký hiện đại, hiệu quả; quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất chất lượng, khả thi và thị trường bất động sản được quản lý khoa học, chặt chẽ.


182 United nations (2004), Guideline on Real Property Units and Identifiers, New York & Geneva, ECE/HBP/135, p.2, http://www.unece.org/fileadmin/DAM/hlm/documents/Publications/guidelines.real.property.e.pdf [truy cập ngày 17/7/2019]: “For nations to unlock that wealth requires effective systems of land registration. Good land registration promotes an active land market and productive land use. It makes possible the security of tenure and the development of a mortgage market on which a functioning economy depends”.

183 OECD (2017), The governance of land use, p.6, https://www.oecd.org/cfe/regional-policy/governance-of-

land-use-policy-highlights.pdf [truy cập ngày 19/9/2019]: “Even though land use planning is primarily a local task and concerns local issues, it has consequences for issues of national and global importance”.

2.5. Những yêu cầu bảo đảm hiệu quả quản lý nhà nước về giá đất

Trên cơ sở nhận định của các chuyên gia tại Hội thảo “2018 World bank conference on land and poverty”: “hệ thống quản lý đất đai ở nhiều quốc gia kém hiệu quả là vì không có quản trị tốt”.184 Ứng dụng quản trị tốt trong quản lý đất đai luôn dành được sự quan tâm của các Chính phủ, tổ chức phi Chính phủ, được xác định là nền tảng thực hiện các mục tiêu thiên niên kỷ.185 Trong nghiên cứu xây dựng mô hình quản lý đất đai hiện đại - “Building modern land administration systems in developed economic”186, các tác giả S. Enemark, I. Williamson và J. Wallace đã thể hiện xu hướng phát triển của việc vận dụng quản trị tốt trong thiết lập mô hình quản lý đất đai hiện đại. Với mục đích xây dựng cơ chế QLNN về giá đất hiện đại, khoa học và hiệu quả, tác giả xây dựng những yêu cầu cụ thể bảo đảm hiệu quả quản lý giá đất trên nền tảng khoa học luật hành chính, tiếp thu những giá trị đặc trưng của quản trị tốt và đặc điểm của giá đất ở Việt Nam. Các yêu cầu là nền tảng xây dựng cơ sở lý luận, ban hành các quy định và thực thi quản lý giá đất, xây dựng những tiêu chí cụ thể đánh giá hiệu quả QLNN về giá đất ở Việt Nam.

2.5.1. Công khai, minh bạch trong quản lý nhà nước về giá đất

Công khai, minh bạch về quản lý giá đất không chỉ là nội dung về thông tin mà đó là sự bảo đảm công khai, minh bạch quá trình quản lý. Công khai, minh bạch là trụ cột của quản trị tốt trong kết quả nghiên cứu của Liên hợp quốc, Ngân hàng thế giới, Ngân hàng phát triển Châu Á, Hội đồng Châu Âu, Quỹ tiền tệ quốc tế, Tổ chức hợp tác và phát triển kinh tế (OECD). Công khai tức là mọi hoạt động của Nhà nước phải công bố hoặc phổ biến, truyền tải trên các phương tiện thông tin đại chúng, làm cho mọi người dân được tiếp cận với các quyết định của Nhà nước một cách dễ dàng. Sự minh bạch có nghĩa là sự công khai đó phải trong sáng, không khuất tất, không rắc rối,

không gây khó khăn cho người dân, có thể cho những chủ thể khác trong xã hội lường trước được những định hướng trong tương lai của mình.187 Theo đó, sự công khai, minh bạch không chỉ là yêu cầu bắt buộc đối với kết quả của quyết định quản lý mà phải được thực hiện đối với các hoạt động quản lý trong toàn bộ quá trình quản lý ở một mức độ nhất định, trên nguyên tắc bảo đảm dân chủ nhưng không cản trở hoạt



184 Mahashe Chaka, Ntsebo Putsoa, Mankuebe Mohafa, “Good land governance is essential to effective administration of land”, Paper prepared for presentation at the “2018 World bank conference on land and poverty”, March 19 - 23, 2018, p.6: “in many countries land administration systems have failed due to poor management and lack of good governance”.

185 Keith Clifford Bell, “Good governance in land administration”, Plenary Session III - Responding to the Global Agenda - Policies and Technical Aspects, Hong Kong, China SAR, May 13-17, 2007,

https://www.fig.net/resources/proceedings/fig_proceedings/fig2007/papers/ps_03/ps03_01_bell_2219.pdf , [truy cập ngày 15/11/2019]: “Although good governance in land administration is not a new issue, it is importantly an issue that will always remain of concern to donors, governments, NGOs and civil society. It is not a subject that will become unfashionable or redundant. Good governance in land administration is fundamental to the achievement of the Millennium Development Goals”.

186 S Enemark, I Williamson và J Wallace (2005), “Building modern land administration systems in developed economic”, Journal of Spatial Science, 50 (2), pages.51-68.

187 Nguyễn Đăng Dung (2014), Sự hạn chế quyền lực nhà nước, NXB Đại học quốc gia Hà Nội, Hà Nội, tr.482.

động quản lý. Điển hình là sự công khai, minh bạch các thông tin về chiến lược, kế hoạch quản lý giá đất, quá trình quyết định giá đất… Công khai, minh bạch là điều kiện bảo đảm sự tham gia của Nhân dân vào hoạt động quản lý, đồng thời đặt ra trách nhiệm giải trình của chủ thể quản lý. Bên cạnh đó, thông qua hoạt động công khai minh bạch, các cá nhân, tổ chức thực hiện quyền giám sát đối với hoạt động quản lý, góp phần phòng chống tham nhũng trong lĩnh vực đất đai. Nhận xét về vấn đề này, Ông Đặng Hùng Võ - nguyên Thứ trưởng Bộ TN&MT đã đánh giá: “công khai minh bạch thông tin trong quản lý đất đai là công cụ quan trọng để người dân đủ điều kiện

tham gia vào quản lý đất đai, phòng ngừa tham nhũng trong lĩnh vực đất đai”.188 Giá

đất là một nội dung gắn liền với thị trường, có tính khu vực và thường xuyên biến động nên việc công khai, minh bạch trong quản lý giá đất sẽ góp phần giảm thiểu sự bất ổn do chính sách quản lý đã được dự đoán trước. Đồng thời, minh bạch đầy đủ các thông tin trong quản lý giá đất sẽ góp phần nâng cao sự đồng thuận trong cộng đồng đối với các quyết định quản lý.

Công khai, minh bạch phải thể hiện xuyên suốt và gắn liền với từng nội dung quản lý giá đất. Bảo đảm công khai, minh bạch tạo nên tác động tích cực cho cả hai chiều trong quan hệ quản lý, nâng cao hiệu quả quản lý giá đất.

2.5.2. Sự tham gia của Nhân dân trong quản lý nhà nước về giá đất

Mở rộng sự tham gia của Nhân dân trong quá trình QLNN về giá đất là bảo đảm quyền tham gia điều hành các công việc xã hội được quy định tại Điều 25 Công ước về các quyền dân sự và chính trị năm 1966. Người dân tham gia vào hoạt động quản lý của Nhà nước hoàn toàn phù hợp với bản chất dân chủ được thể hiện tại Điều 2 Hiến pháp năm 2013: “Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của Nhân dân, do Nhân dân và vì Nhân dân”. Đồng thời, Điều 28 Hiến pháp năm 2013 cụ thể hóa quyền tham gia của Nhân dân trong hoạt động QLNN như sau: “công dân có quyền tham gia QLNN và xã hội, tham gia thảo luận và kiến nghị với cơ quan nhà nước về các vấn đề của cơ sở, địa phương và cả nước”. Sự tham gia của Nhân dân vào QLNN thông qua hai hình thức cơ bản là tham gia trực tiếp và gián tiếp thông qua đại diện. Về mức độ tham gia của người dân, có quan điểm chia thành các cấp độ sau: (i) cung cấp thông tin cho công chúng, (ii) lắng nghe ý kiến công chúng, (iii) cùng tham gia lập kế hoạch và cùng ra quyết định, (iv)

nâng cao năng lực tham gia.189 Sự tham gia của Nhân dân trong QLNN về giá đất phải

được bảo đảm trong suốt quá trình quản lý, trên cơ sở kết hợp cả sự tham gia trực tiếp và gián tiếp. Trực tiếp tham gia các nội dung quản lý như: đóng góp ý kiến vào quá trình xây dựng chủ trương, chiến lược quản lý, các văn bản quy phạm pháp luật về giá


188 Đặng Hùng Võ, “Quản lý đất đai: quy định rõ trách nhiệm công khai thông tin”, Tạp chí tài chính điện tử, http://tapchitaichinh.vn/nghien-cuu--trao-doi/trao-doi-binh-luan/quan-ly-dat-dai-quy-dinh-ro-trach-nhiem-cong- khai-thong-tin-64480.html [truy cập ngày 09/11/2019].

189 Vũ Công Giao, Nguyễn Hoàng Anh, Đặng Minh Tuấn, Nguyễn Minh Tuấn (2017), Quản trị tốt - Lý luận và thực tiễn, NXB Chính trị quốc gia sự thật, Hà Nội, tr.283.

đất, tham gia quá trình quyết định giá đất nhà nước, tham gia cung cấp thông tin xây dựng CSDL về giá đất, trực tiếp giám sát quá trình quản lý giá đất. Gián tiếp thông qua người đại diện để thực hiện các nội dung quản lý giá đất, thông qua các tổ chức đại diện để giám sát, phản biện hoạt động quản lý. Bảo đảm sự tham gia của người dân xuyên suốt quá trình quản lý giá đất với những phương pháp và mức độ phù hợp trong từng giai đoạn, từng hoạt động phản ánh giá trị thiết thực và hiệu quả quản lý.

Tóm lại, sự tham gia của Nhân dân trong QLNN về giá đất không chỉ phát huy dân chủ, bảo đảm quyền lợi của người dân trong nhà nước pháp quyền mà còn tác động tích cực đến sự đồng thuận, lòng tin của Nhân dân vào quá trình quản lý.

2.5.3. Trách nhiệm giải trình trong quản lý nhà nước về giá đất

Trách nhiệm giải trình là khả năng yêu cầu quan chức nhà nước phải chịu trách nhiệm về hành động của mình, gồm hai yếu tố: khả năng giải đáp và chịu trách nhiệm về hậu quả xảy ra.190 Trách nhiệm giải trình là công cụ kiểm soát quyền lực và minh bạch quá trình quản lý; là sự ràng buộc, kiểm soát quá trình thực hiện quyền lực trong quản lý. Ở Việt Nam, đất đai ở nước ta thuộc sở hữu toàn dân nên quyền quyết định giá đất thuộc về Nhà nước, do một nhóm chủ thể có thẩm quyền thực hiện. Nhận xét về vấn đề này, tác giả Phạm Duy Nghĩa cho rằng: “chủ sở hữu đích thực của tài sản công không phải là tất cả công chúng, mà là một nhóm các nhà hoạch định và thực thi chính sách sử dụng các tài sản công đó”.191 Chính vì vậy, việc quy định trách nhiệm giải trình của các cá nhân có thẩm quyền là rất cần thiết trong QLNN về giá đất bởi

đây là một lĩnh vực rất nhạy cảm, liên quan trực tiếp đến lợi ích kinh tế. Trách nhiệm giải trình được phân loại khá đa dạng theo chủ thể, hoạt động, thứ bậc… điển hình, Bruce Stone, O.P. Dwivedi, and Joseph G. Jabbra chia ra 08 loại trách nhiệm giải trình: trách nhiệm giải trình về đạo đức, trách nhiệm giải trình hành chính, trách nhiệm giải trình chính trị, trách nhiệm giải trình quản lý, trách nhiệm giải trình thị trường, trách nhiệm giải trình tư pháp, trách nhiệm giải trình trước cử tri, trách nhiệm giải trình nghề nghiệp.192 Theo tác giả Phạm Duy Nghĩa thì có 04 loại trách nhiệm giải

trình: trách nhiệm giải trình về chính trị, trách nhiệm giải trình về hành chính, trách nhiệm giải trình về nghề nghiệp, trách nhiệm giải trình trước xã hội.193

Trong QLNN về giá đất, tác giả cho rằng trách nhiệm giải trình hành chính sẽ đặt ra với chủ thể quản lý theo hai hướng: theo chiều dọc (trung ương - địa phương;

190 S. Chiavo - Campo, P. S. A. Sundaram (2003), Phục vụ và duy trì cải thiện hành chính công trong một thế giới cạnh tranh, NXB Chính trị quốc gia, Hà Nội, tr.12, 13.

191 Phạm Duy Nghĩa (2002), “Quyền tài sản trong cải cách kinh tế: quan niệm, một vài bài học nước ngoài và kiến nghị”, Tạp chí nghiên cứu lập pháp, (11), tr.45.

192 Jabbra, J. G. Dwivedi (1989), Public survice Accountability: A Comparative Perpective, Kumarian Press, Hartford [Vũ Công Giao, Nguyễn Hoàng Anh, Đặng Minh Tuấn, Nguyễn Minh Tuấn (2017), Quản trị tốt - Lý

luận và thực tiễn, NXB Chính trị quốc gia sự thật, Hà Nội, tr.187].

193 Phạm Duy Nghĩa, “Trách nhiệm giải trình: vươn tới những chuẩn mực của một nền hành chính phục vụ phát triển”,https://fsppm.fuv.edu.vn/cache/MPP7-542-R06V Trach%20nhiem%20giai%20trinh_Vuon%20toi%20nhung%20chuan%20muc%20cua%20mot%20nen%20hanh

%20chinh%20phuc%20vu%20phat%20trien--Pham%20Duy%20Nghia-2015-06-19-16071213.pdf [truy cập ngày 15/10/2019].

cơ quan cấp trên - cấp dưới) về thực hiện nhiệm vụ quản lý; theo chiều ngang - trong phối hợp thực hiện các nhiệm vụ quản lý giá đất giữa các cơ quan, tổ chức cùng cấp. Bên cạnh đó, để bảo đảm dân chủ và trách nhiệm với hoạt động công khai, minh bạch trong quản lý giá đất, các chủ thể quản lý và tham gia thực hiện quản lý phải có trách nhiệm giải trình trước xã hội (với Nhân dân). Trong trách nhiệm giải trình này, bao gồm cả trách nhiệm của các chủ thể ngoài nhà nước tham gia quá trình quản lý, cụ thể như trách nhiệm giải trình của tổ chức tư vấn giá đất khi tham gia tư vấn thẩm định giá đất. Ngoài ra, các bên liên quan trong QLNN về giá đất còn chịu trách nhiệm giải trình tư pháp - với Tòa án, khi giải quyết các tranh chấp liên quan đến giá đất. Trong từng nội dung, quy trình quản lý làm rõ chủ thể chịu trách nhiệm trước các quyết định quản lý, vì thế cần thiết lập cụ thể trong tổ chức hệ thống quản lý sự liền mạch của chức năng - nhiệm vụ - quyền hạn - trách nhiệm giải trình; trong đó, phát huy sức mạnh tập thể và cá thể hóa trách nhiệm.

Việc xây dựng và thực hiện chặt chẽ trách nhiệm giải trình trong quản lý giá đất là hoàn thiện cơ chế kiểm soát từ bên trong lẫn bên ngoài về quản lý giá đất, góp phần bảo đảm hiệu quả quản lý.

2.5.4. Cân bằng lợi ích trong quản lý nhà nước về giá đất

Quản lý với bản chất là sự tác động của chủ thể quản lý để đạt được các mục tiêu nhất định. Mục tiêu đó được thiết lập trên nhiều cơ sở nhưng một trong những cơ sở chính đó là vấn đề lợi ích trong quản lý. Quản lý vì lợi ích của ai, những lợi ích nào được mang lại khi thực hiện công tác quản lý, đây cũng là nội dung được xem xét của quá trình ra quyết định trong quản lý. QLNN về giá đất cũng vậy, cần xác định rõ các lợi ích được xem xét trong quá trình quản lý. Quản lý giá đất ở Việt Nam là vì những lợi ích nào? Lợi ích của những ai cần được bảo đảm trong quá trình quản lý giá đất. Lời giải của những câu hỏi về lợi ích sẽ phần nào lý giải tại sao Nhà nước phải làm như vậy trong quá trình quản lý. Với bản chất dân chủ của nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, tác giả cho rằng vấn đề lợi ích trong QLNN về giá đất phải được giải quyết trên cơ sở cân bằng lợi ích. Các quyết định trong quá trình quản lý cần xem xét hài hòa giữa lợi ích công - tư trong các mặt chính trị - kinh tế - xã hội để cùng hướng đến mục đích phát triển bền vững.

Về lợi ích công - tư cần nhận định rõ: “trong một xã hội dân chủ, không chỉ quyền lợi công cộng được nhấn mạnh mà quyền lợi tư nhân cũng phải được tính đến”.194 Ở Việt Nam, khi Nhà nước đại diện chủ sở hữu thực hiện quyền quyết định giá đất phải bảo đảm cân bằng lợi ích của Nhà nước và cá nhân, tổ chức liên quan;

không thiêng về lợi ích của bất kỳ ai vì khi đó sẽ phá vỡ sự cân bằng và dẫn đến những xung đột, bất đồng. Cân bằng lợi ích công - tư được biểu hiện rõ nhất trong các quyết


194 Phan Trung Hien (2009), The law of compulsory acquisition of land - public & private interest. The law of compulsory acquisition of land - Striking a balance between public and private interest in the United Kingdom and Viet Nam, VDM Verlag Dr. Muller, Germany, p.31.

định cá biệt về giá đất liên quan trực tiếp đến một hoặc một số chủ thể nhất định, điển hình là quyết định giá đất tính tiền bồi thường khi Nhà nước thu hồi đất.

Lợi ích chính trị - kinh tế - xã hội là ba trụ cột chính về lợi ích trong hoạt động quản lý, chi phối và bảo đảm sự bền vững của quản lý. Vì vậy, những lợi ích đó phải bảo đảm cân bằng, không triệt tiêu nhau mà gắn kết và hài hòa cùng hướng đến thực hiện mục tiêu chung. Cân bằng lợi ích của ba phương diện trên là cơ sở kết hợp hài hòa vị trí của Nhà nước trong sở hữu toàn dân về đất đai và phát triển kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa trong quản lý giá đất.

Cân bằng lợi ích là tư tưởng chủ đạo trong quá trình tổ chức và thực hiện QLNN về giá đất. Từ tầm vĩ mô, chiến lược đến các quyết định cá biệt đều phải hài hòa lợi ích trên các phương diện, lợi ích các chủ thể liên quan trong quá trình quản lý.

2.5.5. Nền tảng thị trường trong quản lý nhà nước về giá đất

Trên cơ sở đặc điểm của đối tượng quản lý sẽ tác động nhất định đến việc hình thành nền tảng trong công tác quản lý. Nền tảng quản lý là căn cứ chi phối toàn bộ quá trình quản lý mà các hoạt động quản lý đều dựa trên cơ sở đó. Bảo đảm yếu tố nền tảng trong quản lý là hướng đến sự phù hợp của công tác quản lý với đối tượng quản lý, chỉ có sự phù hợp này mới mang đến hiệu quả cao nhất trong hoạt động quản lý. Vì thế, các quy định của pháp luật và quá trình thực hiện các phương pháp quản lý phải bảo đảm sự phù hợp với đặc điểm của giá đất, nhất là những nét đặc thù của giá đất ở Việt Nam. Giá đất là giá cả hàng hóa trên thị trường, được hình thành từ thị trường, chịu sự chi phối của thị trường và tác động ngược lại thị trường. Như vậy, chính vì bản chất kinh tế và cơ sở hình thành, tương tác giữa giá đất và thị trường nên quản lý giá đất phải dựa trên nền tảng thị trường. Các quy luật thị trường là cơ sở thiết lập toàn bộ các nội dung quản lý, từ xác định chiến lược, mục tiêu quản lý đến các hình thức và phương pháp thực hiện. Tác giả cho rằng, nền tảng thị trường trong QLNN về giá đất thể hiện qua hai nội dung cụ thể: một là, các quyết định quản lý phải dựa trên CSDL giá đất thị trường - dữ liệu quan trọng chính yếu trong quản lý giá đất. Bởi yếu tố cơ bản để quản lý giá đất theo cơ chế thị trường là phải nắm được thông tin và diễn biến của thị trường để có những biện pháp quản lý phù hợp. Nhất là đặc thù quyền quyết định giá đất nhà nước phải dựa trên dữ liệu giá đất thị trường, không thể quyết định giá đất xa rời thị trường, chủ quan duy ý chí. Hai là, các hình thức, phương pháp quản lý được xây dựng dựa trên các quy luật thị trường và đặc điểm của giá đất. Các phương pháp quản lý, các quyết định quản lý phải tuân thủ quy luật cung cầu và giá cả; bảo đảm quy luật giá trị, quy luật cạnh tranh. Mặc dù giá đất nhà nước do Nhà nước quyết định nhưng phải dựa trên đặc điểm của giá đất, các quy luật trên thị trường và thiết lập cơ chế quản lý theo thị trường mới bảo đảm hiệu quả của giá đất trong thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội. Sự phát triển ổn định, bền vững của thị trường là điều kiện cơ bản bảo đảm hiệu quả của yêu cầu này trong QLNN về giá đất.

Xem toàn bộ nội dung bài viết ᛨ

..... Xem trang tiếp theo?
⇦ Trang trước - Trang tiếp theo ⇨

Ngày đăng: 22/02/2023