trình ký kết giữa Bộ với các kênh truyền thông chủ lực như VTV, VOV, THQH,...
- Năng lực truyền thông của công chúng trong truyền thông về văn hóa vẫn còn hạn chế. Qua thực tiễn khảo sát, cho thấy người dân tiếp nhận thông tin về văn bản, chính sách văn hóa và thông tin về sự kiện, hoạt động của Bộ VHTTDL khá thụ động, không có sự tìm tòi, nghiên cứu, khám phá. Bên cạnh đó, công tác truyền thông đang hoàn toàn thiếu vắng những nghiên cứu công chúng của ngành văn hóa nói chung và của từng lĩnh vực nói riêng. Vì vậy, rất cần những nghiên cứu công chúng bài bản, quy mô để từ đó góp phần xây dựng những thông điệp, nội dung thông tin phù hợp với từng đối tượng, từng lứa tuổi và theo đặc điểm vùng miền. Bên cạnh đó, cũng cần chú trọng nâng cao năng lực truyền thông của công chúng, đó là việc tiếp nhận, sàng lọc thông tin liên quan chính sách văn hóa trong bối cảnh thông tin trên các nền tảng mạng xã hội, các nguồn tin không chính thống, chưa được kiểm chứng đang có dấu hiệu “lấn át” các thông tin chính thống. Cũng theo Thuyết thiết lập chương trình nghị sự thì rõ ràng việc tiếp nhận thông tin của người dân mang tính “bị động”, phụ thuộc và các nguồn tin, nội dung thông tin do các cơ quan đơn vị QLNN cung cấp mà chưa có sự quan tâm, chủ động tìm hiểu về các hoạt động QLNN.
Tiểu kết
Công tác truyền thông về văn hóa của Bộ VHTTDL đang có những thuận lợi nhất định trong một môi trường có đầy đủ căn cứ pháp lý, các quy định về việc người dân được quyền tiếp cận thông tin cũng như đồng hành cùng các cơ quan công quyền trong chu trình chính sách. Hệ thống cơ quan báo chí, truyền thông phát triển nhanh về số lượng và đa dạng hóa về hoạt động, đặc biệt với sự phát triển mạnh mẽ của công nghệ số, hệ thống kênh thông tin về văn hóa cũng được tăng cường.
Trong giai đoạn 2016-2021, truyền thông về văn hóa thông qua công tác phát ngôn và cung cấp thông tin cho báo chí đã được chú trọng, vấn đề xử lý
thông tin về những “điểm nóng” dư luận báo chí quan tâm cũng được phản ứng nhanh, xử lý kịp thời. Truyền thông về văn bản, chính sách cũng được thực hiện theo nhiều phương thức khá đa dạng, phong phú, nhưng chủ yếu là thực hiện theo góc độ tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật, chưa có sự trao đổi, đối thoại chính sách với người dân cũng như báo giới. Truyền thông về sự kiện văn hóa cũng có một số điểm sáng, tuy nhiên, phần lớn các sự kiện chưa có kế hoạch truyền thông một cách bài bản, hiệu quả.
Các lĩnh vực: quản lý di sản văn hóa, quản lý lễ hội và quản lý điện ảnh cũng đã có những dấu hiệu tích cực trong truyền thông và có sự khác biệt trong quan điểm tiếp cận cũng như cách thức triển khai truyền thông. Nếu như công tác quản lý lễ hội tương đối có sự cân bằng trong truyền thông văn bản, chính sách với truyền thông các sự kiện thì quản lý di sản văn hóa và quản lý điện ảnh mới chỉ tập trung truyền thông ở các sự kiện và việc truyền thông văn bản, chính sách còn mờ nhạt, chưa rõ nét, các chủ thể chính sách chưa thực sự chủ động triển khai các giải pháp truyền thông để nâng cao hiệu quả, hiệu lực thực thi công vụ trong lĩnh vực của mình. Do vậy, các chủ thể chính sách cần tích cực, chủ động thực hiện đầy đủ vai trò của chủ thể truyền thông vì đây là những người hiểu rõ và sâu sắc những nội dung của chính sách, cần trao đổi, thảo luận và có trách nhiệm giải trình về những vấn đề liên quan đến chính sách trước công luận. Thay vì chỉ trông chờ việc truyền thông là nhiệm vụ của những người làm công tác báo chí, truyền thông của Bộ VHTTDL, mỗi chù thể khi tham gia quá trình dự thảo, ban hành, hướng dẫn thực thi, kiểm tra, đánh giá chính sách cần phát huy vai trò đồng thời là chủ thể truyền thông.
Các nguồn lực truyền thông (gồm tài lực, vật lực trong đó có các kênh thông tin và điều kiện vận hành các kênh thông tin) làm truyền thông của Bộ VHTTDL đều đối mặt với những khó khăn, thiếu hụt và cần sự thay đổi “vượt bậc” thông qua sự quan tâm, đầu tư thỏa đáng để đảm bảo đội ngũ nhân lực tinh nhuệ, hạ tầng,
Có thể bạn quan tâm!
- Truyền Thông Trong Quản Lý Nhà Nước Về Điện Ảnh
- Tiếp Nhận Thông Tin Về Sự Kiện, Hoạt Động Do Bộ Văn Hoá, Thể Thao Và Du Lịch Thực Hiện
- Những Tồn Tại, Hạn Chế Cần Khắc Phục Và Nguyên Nhân
- Công Tác Truyền Thông Về Văn Hóa Đối Mặt Với Nhiều Khó Khăn Trong Bối Cảnh Thời Đại Số
- Giải Pháp Nâng Cao Hiệu Quả Truyền Thông Của Bộ Văn Hoá, Thể Thao Và Du Lịch Phục Vụ Quản Lý Nhà Nước Về Văn Hoá
- Nghiên Cứu, Xây Dựng Chiến Lược Truyền Thông Về Văn Hóa Phù Hợp Với Từng Lĩnh Vực Trong Bối Cảnh Hiện Nay
Xem toàn bộ 256 trang tài liệu này.
trang thiết bị hiện đại, đáp ứng nhu cầu của công tác truyền thông trong thời đại công nghệ số. Môi trường truyền thông đa phương tiện đã làm thay đổi cơ bản không chỉ thói quen tiếp nhận và phản hồi thông tin của công chúng mà còn là cách thức, phương thức thông tin của báo chí và truyền thông, trong đó có xu thế sử dụng mạnh XH của số đông trong cộng đồng. Vì vậy, cũng rất cần có những nghiên cứu chuyên sâu, đánh giá tiền khả thi để đưa mạng xã hội trở thành một phương thức truyền thông về văn hóa hữu hiệu.
Truyền thông về văn hóa có vai trò rất lớn trong công tác QLNN về văn hóa, từ việc tác động ở tất cả các giai đoạn của chu trình chính sách văn hóa từ hoạch định chính sách, thực thi chính sách cho đến đánh giá chính sách nhằm xây dựng đồng thuận xã hội, điều tiết dư luận xã hội theo hướng nâng cao hiệu quả, hiệu lực trong QLNN về văn hóa, góp phần vào sự phát triển bền vững đất nước. Công tác truyền thông được triển khai bài bản, chuyên nghiệp, hiệu quả sẽ làm cho công tác QLNN về văn hóa, trong đó đặc biệt là các CSVH được thực hiện minh bạch, rõ ràng, thông qua đó, người dân đã thực hiện được quyền làm chủ của mình trong việc xây dựng và ban hành chính sách văn hóa nói riêng và quyền làm chủ đất nước nói chung, góp phần đắc lực nâng cao hiệu quả hiệu lực thực thi QLNN về văn hóa. Đây cũng là những giá trị phù hợp với bản chất Nhà nước của dân, do dân và vì dân, chính sách văn hóa đều phải xuất phát từ lợi ích của dân và coi việc hướng tới nâng cao đời sống tinh thần cho nhân dân là mục tiêu cơ bản của mọi chính sách văn hóa. Trước những thực trạng có cả những kết quả bước đầu đạt được và song song là những thách thức, khó khăn trong công tác truyền thông về, rất cần nhìn lại những vấn đề đặt ra và từ đó đề xuất giải pháp nâng cao hiệu quả truyền thông về văn hóa ở Việt Nam hiện nay.
Chương 3
NHỮNG VẤN ĐỀ ĐẶT RA, PHƯƠNG HƯỚNG VÀ GIẢI PHÁP NÂNG CAO HIỆU QUẢ TRUYỀN THÔNG PHỤC VỤ
QUẢN LÝ NHÀ NƯỚC VỀ VĂN HÓA
3.1. Những vấn đề đặt ra về công tác truyền thông phục vụ quản lý nhà nước về văn hóa hiện nay
Nhìn lại lịch sử qua các kỳ họp Quốc hội, có thể thấy, nếu như năm 1993
- báo chí được chính thức tham dự đưa tin về kỳ họp Quốc hội (gắn liền với sự thành lập Trung tâm báo chí) với trên 400 phóng viên, kỹ thuật viên đại diện cho 50 cơ quan thông tấn, báo chí thì đến năm 2017, số phóng viên được tham gia các kỳ hop Quốc hội lên tới hơn 600, đại diện cho gần 100 cơ quan thông tấn, báo chí [26]. Và hiện nay, các phiên họp của Quốc hội cũng được truyền hình trực tiếp trên các phương tiện truyền thông đại chúng, người dân được theo dõi chương trình nghị sự của đất nước. Điều đó cũng là một minh chứng sinh động cho môi trường truyền thông của các CQNN ở Việt Nam đang có rất nhiều cơ hội tiến tới chuyên nghiệp.
Trong hoạt động QLNN của các Bộ, ngành, quyền tham gia của người dân được thực hiện bằng nhiều hình thức, có thể là quyền được thảo luận, góp ý, hay quyền kiểm tra, giám sát… Thực tiễn cho thấy sự tham gia của người dân vào các quá trình hoạch định đường lối, chính sách, đảm bảo phương châm “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra” là nguyên tắc quan trọng hạn chế các ảnh hưởng tiêu cực đến đường lối, chính sách. Để làm tốt công tác QLNN vể văn hóa, các cơ quan, đơn vị thuộc Bộ cần phải có cơ chế phát huy tính tích cực, chủ động, sáng tạo của người dân bằng việc tạo ra môi trường thuận lợi, cơ chế minh bạch, tránh hiện tượng tham gia để trục lợi, vì động cơ cá nhân. Việc tăng cường sự tham gia của người dân vào chu trình xây dựng chính sách sẽ làm cho cơ quan nhà nước gần hơn với người dân, hay nói cách khác, góp
phần đưa chính sách vào cuộc sống bằng cách đưa cuộc sống vào quá trình làm chính sách.
Tuy nhiên, bên cạnh những thuận lợi, còn không ít khó khăn, thách thức trong truyền thông về văn hóa mà qua kết quả khảo sát, nghiên cứu và trao đổi, phỏng vấn sâu các chuyên gia, có thể tổng hợp một số vấn đề đặt ra trong công tác truyền thông ở Việt Nam nói chung hiện nay, khi soi chiếu trong công tác QLNN về văn hóa, NCS nhận thấy có một số vấn đề cơ bản như sau:
3.1.1. Vai trò của truyền thông gắn với quản lý nhà nước về văn hóa chưa được nhìn nhận đúng tầm
Vai trò của truyền thông trong công tác QLNN về văn hóa chưa được nhìn nhận đúng tầm, vì vậy, trong công tác tổ chức thông tin về chính sách, các sự kiện, hoạt động, cơ quan, đơn vị QLNN vẫn bị ràng buộc bởi những quan niệm cũ kĩ và cứng nhắc, hình thức và kém hiệu quả.
Thực tế tại Bộ VHTTDL, công tác phát ngôn và cung cấp thông tin cho báo chí mới chỉ tập trung ở Văn phòng Bộ và một số cơ quan, đơn vị chức năng liên quan khi có vấn đề phát sinh. Qua kết quả khảo sát, cho thấy kênh thông tin hiệu quả nhất được đánh giá chung là truyền hình, tuy nhiên, các cơ quan, đơn vị QLNN vẫn chỉ cung cấp thông tin ban đầu về văn bản, chính sách hoặc sự kiện, hoạt động trên kênh thông tin thuộc Bộ như Báo Văn hóa, Báo Điện tử Tổ quốc. Việc các cơ quan đơn vị chưa chủ động, tích cực trong đối thoại chính sách, trong quan hệ báo chí với các kênh thông tin ngoài bộ, cũng như chưa phát huy được tối đa hiệu quả của các các phương tiện truyền thông mới cũng làm hạn chế nhiều công tác truyền thông.
Sự thiếu hụt, không mang tính chuyên nghiệp của tổ chức thông tin truyền thông, trong giao tiếp với người dân của các chủ thể truyền thông khiến cho có những việc chính quyền làm tốt mà người dân không hiểu được... từ đó gây nên những xung đột, tạo ra những điểm nóng xã hội, mất niềm tin của một
bộ phận dân cư mà lẽ ra có thể tránh được nếu tổ chức truyền thông tốt hơn”. Về cơ sở pháp lý, các quy định làm tiền đề cho người dân được tiếp cận thông tin, đối thoại chính sách,… đã được ban hành tương đối đầy đủ, xong quá trình thực thi vẫn mang tính hình thức. Thực tại khách quan này đã làm cho công tác truyền thông về văn hóa rất khó có hiệu quả vì thiếu tính hệ thống, thiếu yếu tố nền tảng để củng cố niềm tin.
Trong khi đó, đối với một số cơ quan QLNN, khi lãnh đạo cấp cao nhất coi trọng truyền thông, quan tâm đầu tư cho các hoạt động truyền thông thì hiệu quả đóng góp của truyền thông vào công tác QLNN cũng rất khác biệt. Và ngược lại, nếu truyền thông không được quan tâm, đầu tư đúng mức mà chỉ dừng ở chủ trương hoặc những cam kết chung chung thì hiệu quả đến từ thực tiễn là rất mong manh, thậm chí ở chiều ngược lại, những sai lầm trong công tác truyền thông, xử lý khủng hoảng không tốt sẽ tác dụng tiêu cực đến quá trình thực thi công vụ của các cơ quan QLNN. Soi chiếu vào Bộ VHTTDL, sự quan tâm đến truyền thông chưa thực sự là đồng đều giữa các cấp quản lý, lãnh đạo, vì vậy, trong hiệu quả truyền thông giữa các lĩnh vực cũng có sự khác biệt.
3.1.2. Môi trường chính sách có nhiều bất cập
Môi trường chính sách ở Việt Nam hiện nay còn tồn tại nhiều vấn đề khiến cho công tác truyền thông gặp nhiều khó khăn, có những trường hợp dư luận xã hội bất bình, sự đồng thuận xã hội ở mức thấp. Vẫn còn hiện tượng có sự trùng chéo trong quy định giữa các chính sách, dẫn đến sự lúng túng trong triển khai thực hiện. Việc trao đổi, tương tác giữa các chủ thể chính sách ở cấp cao, ở đây được hiểu là các Bộ, ngành gần đây cũng đã được chú trọng, tuy nhiên, vẫn còn mang tính hình thức nên chưa thực sự hiệu quả. Có thể thấy một trong những vấn đề nổi cộm nhất hiện nay trong công tác QLNN về văn hóa và các ngành liên quan, đó là xử lý những sai phạm trên không gian mạng: vấn đề phát ngôn lệch chuẩn, ứng xử thiếu văn hóa trên mạng xã hội, hiện tượng trục lợi lòng tin, có dấu hiệu lừa đảo, chiếm đoạt tài sản xuất phát từ các trao đổi, tương tác trên
mạng xã hội, việc phát hành phim không qua kiểm duyệt có hình ảnh “đường lưỡi bò” tràn lan trên mạng xã hội,… Đó là những khoảng trống trong chính sách quản lý không gian mạng, đòi hỏi các cơ quan QLNN trong đó có Bộ VHTTDL trong thời gian tới phải bàn thảo, đưa ra những giải pháp trước mắt và lâu dài.
Việc xây dựng chính sách luôn tác động luôn tác động mạnh mẽ và rất khác nhau trong xã hội, thực tế đã có những đối tượng tìm cách tác động truyền thông nhằm vận động, “lobby” theo hướng có lợi ích cho riêng họ. Đồng thời, cũng có cơ quan báo chí vì chút lợi ích trước mắt tiếp tay cho những nhóm lợi ích muốn tác động tới chính sách. Như câu chuyện “cơn sốt ảo” của giá đất đến từ việc phân tích chính sách đất đai, quy hoạch tại một số khu vực trong thời gian qua cũng là hồi chuông cảnh tỉnh cho người dân, cần có năng lực truyền thông để tiếp nhận, chọn lọc thông tin chuẩn xác hơn.
Bên cạnh đó, bản chất của báo chí, truyền thông Việt Nam vừa có tính dân chủ vừa có tính định hướng và sự can thiệp của Nhà nước trong công tác báo chí, truyền thông là một tất yếu. Tuy nhiên, thực tế đó cũng đặt ra vấn đề, đôi khi sự tham gia vào quá trình thực hiện TT theo kiểu sa vào chi tiết nhưng thiếu một kế hoạch tổng thể và tầm nhìn dài hạn, vô tình sẽ làm “lực cản” cho TT.
Truyền thông một chiều, mang tính áp đặt của các cơ quan nhà nước về chính sách cũng sẽ không có tác dụng, đặc biệt trong bối cảnh dân chủ hóa đời sống xã hội hiện nay. Việc đưa thông tin về chính sách mang tính chủ quan của chủ thể chính sách, đặc biệt trong giai đoạn xây dựng dự thảo, không chỉ hạn chế quyền tiếp cận thông tin của người dân mà còn thúc đẩy việc tìm kiếm thông tin ở những nguồn tin không chính thống, tiềm ẩn nguy cơ dẫn đến những động thái phản ứng tiêu cực từ dư luận xã hội đối với chính sách, cũng là mầm mống gây nên sự khủng hoảng niềm tin vào hệ thống công quyền.
3.1.3. Khoảng cách giữa chính sách văn hóa và thực tiễn cuộc sống chưa được “lấp đầy”
Xu thế vận động, biến đổi không ngừng của mọi mặt đời sống xã hội đã
đặt ra thách thức đôi lúc thể chế quản lý văn hóa chưa đáp ứng được yêu cầu phát triển. Thực tế đã cho thấy khoảng cách giữa chính sách văn hóa và thực tiễn cuộc sống chưa được “lấp đầy”.
Việc ban hành luật vẫn còn có những tồn tại, hạn chế, một số văn bản quản lý vừa được ban hành đã phát sinh những bất cập, đòi hỏi phải điều chỉnh, bổ sung, việc tổ chức thực hiện một số văn bản pháp luật về văn hoá còn chưa đồng bộ, thiếu thống nhất giữa các địa phương nên nhiều quy phạm pháp luật chưa thực sự đi vào cuộc sống. Việc thực thi một số quy định của pháp luật liên quan đến văn hóa còn lúng túng (như Luật Sở hữu trí tuệ, Nghị định Nghệ thuật biểu diễn). Bên cạnh đó, vẫn còn những “khoảng trống chính sách” chưa đáp ứng được đầy đủ nhu cầu trong thực tiễn, chưa bắt kịp được những biến động trong đời sống xã hội, đặc biệt trong bối cạnh phát triển mạnh mẽ của “thế giới số”, nhiều hiện tượng văn hoá lệch chuẩn không có chế tài để xử phạt hoặc bị chồng chéo khi bị chi phối bởi các điều luật khác nhau (vấn đề phát ngôn trên mạng xã hội khi lạm dụng quyền tự do ngôn luận…). Một số đơn vị quản lý nhà nước vừa thực hiện chức năng quản lý vừa trực tiếp triển khai các hoạt động mang tính chất sự nghiệp, dẫn đến tính trạng chồng chéo, chạy theo sự vụ, quá trình chuyển đổi các đơn vị nhà nước, đặc biệt là các đơn vị hoạt động nghệ thuật, dịch vụ văn hóa theo hướng xã hội hóa còn chậm.
Thực tiễn đó cũng chính là áp lực lớn cho truyền thông về văn hóa, bởi khi chính sách bị “hụt hơi” trong đời sống thì truyền thông cần phải phản ánh trung thực và sát đúng để những người làm QLNN có thể lắng nghe và kịp thời điều chỉnh.
3.1.4. Chưa có chiến lược phát triển truyền thông về văn hóa và thiếu tầm nhìn dài hạn, tính chuyên nghiệp chưa cao
Ở Việt Nam hiện nay, công tác truyền thông của các Bộ, ngành nói chung còn có những khoảng cách nhất định giữa nhu cầu và mục tiêu truyền thông, giữa khả năng truyền thông chính sách với đòi hỏi thực tế của quản trị đất nước.