Giáo Dục Thẩm Mỹ Cho Trẻ Mẫu Giáo 5-6 Tuổi Ở Trường Mầm Non.

1.3. Giáo dục thẩm mỹ cho trẻ mẫu giáo 5-6 tuổi ở trường Mầm non.

1.3.1. Trường mầm non và đặc điểm của trẻ mẫu giáo 5-6 tuổi ở trường mầm non.

Các trường có công trình được xây dựng kiên cố. Nhà trường có môi trường sư phạm xanh - sạch - đẹp, an toàn, thân thiện, phù hợp với trẻ mầm non. Các phòng học có công trình vệ sinh khép kín hoặc liền kề đảm bảo yêu cầu và thuận tiện cho sử dụng.

Trang thiết bị phòng, nhóm lớp: Có đủ thiết bị theo danh mục đồ dùng, đồ chơi, thiết bị dạy học tối thiểu dùng cho giáo dục mầm non do Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành và đảm bảo yêu cầu về thẩm mỹ, hiện đại. Nhà bếp có trang thiết bị đầy đủ, đồng bộ, đảm bảo vệ sinh, an toàn phục vụ công tác chăm sóc nuôi dưỡng trong nhà trường.

Học tập ở mẫu giáo lớn là “Học mà chơi, chơi mà học”. Nội dung học vừa nhẹ nhàng, vừa hấp dẫn trẻ, đối tượng của tiết học là những kiến thức rất cụ thể, trực quan sinh động. Các tiết học tạo hình hay âm nhạc đã khơi dậy hứng thú học tập thật sự đối với trẻ. Qua các tiết học này mà trẻ ý thức rõ nét về cái đẹp, cái xấu theo chuẩn, xúc cảm thẩm mỹ và óc thẩm mỹ phát triển.

Trẻ có khả năng chú ý có chủ định từ 35-45 phút, đối tượng chú ý hấp dẫn, nhiều thay đổi, kích thích được sự tò mò, ham hiểu biết của trẻ. Trẻ có thể phân phối được chú ý vào 2,3 đối tượng cùng một lúc, tuy nhiên thời gian phân phối chú ý chưa bền vững, dễ dao động.

Giai đoạn 5-6 tuổi là một bước ngoặt quan trọng của trẻ em. Thời điểm này, hoạt động vui chơi vốn giữ vị trí chủ đạo trong trong suốt thời kỳ, nhưng vào cuối giai đoạn này không còn giữ nguyên dạng hoàn chỉnh của nó, những yếu tố của hoạt động học tập bắt đầu nảy sinh. Cuối giai đoạn mẫu giáo lớn, trẻ đã có những tiền đề cần thiết của sự chín muồi đến trường về các mặt tâm sinh lý, nhận thức, trí tuệ ngôn ngữ và tâm thế để trẻ có thể thích nghi bước đầu với điều kiện học tập ở lớp 1.

Việc chuẩn bị cho trẻ vào học lớp 1 là chuẩn bị những tiền đề, những yếu tố của hoạt động học tập để có thể thích ứng tốt nhất, nhanh nhất đối với việc học ở lớp 1. Chuẩn bị về thể lực: bảo đảm cho trẻ khoẻ về thể xác và tinh thần, dẻo dai và linh hoạt, năng lực phối hợp các vận động cơ bản. Chuẩn bị về trí tuệ: óc tò mò ham hiểu biết, óc tưởng tượng, chú ý, trí nhớ, tư duy... Chuẩn bị về một số nét nhân cách: một số nét ý chí của nhân cách (Tính chủ định, tự lập, kiên trì...), một số nét nhân cách biểu hiện thái độ đối với xã hội và bản thân (lòng tự trọng, tự đánh giá, tinh thần hợp tác...) Chuẩn bị chuyên biệt: là sự chuẩn bị những năng lực và phẩm chất chuyên biệt, trực tiếp giúp trẻ dễ dàng và nhanh chóng thích ứng với việc tham gia vào các tiết học, môn học ở lớp 1.

1.3.2. Những vấn đề về hoạt động giáo dục thẩm mỹ cho trẻ mẫu giáo 5-6 tuổi.

1.3.2.1. Mục tiêu giáo dục thẩm mỹ cho trẻ mẫu giáo 5-6 tuổi.

Có thể bạn quan tâm!

Xem toàn bộ 104 trang tài liệu này.

Mục tiêu của giáo dục mầm non cho trẻ mẫu giáo 5-6 tuổi là giúp trẻ em phát triển toàn diện về thể chất, ngôn ngữ, tình cảm, nhận thức, thẩm mỹ, hình thành những yếu tố đầu tiên của nhân cách, chuẩn bị cho trẻ em vào lớp 1; hình thành và phát triển ở trẻ em những chức năng tâm sinh lí, năng lực và phẩm chất mang tính nền tảng, những kĩ năng sống cần thiết phù hợp với lứa tuổi, khơi dậy và phát triển tối đa những khả năng tiềm ẩn, đặt nền tảng cho việc học ở các cấp học tiếp theo và cho việc học tập suốt đời.

Mục tiêu giáo dục thẩm mĩ cho trẻ mẫu giáo 5-6 tuổi: bồi dưỡng cảm xúc thẩm mỹ, phát triển kĩ năng cơ bản trong hoạt động nghệ thuật (âm nhạc, tạo hình) cũng như năng lực hoạt động thẩm mỹ và sáng tạo cái đẹp trong tự nhiên, trong cuộc sống và trong nghệ thuật, chuẩn bị cho trẻ hành trang sẵn sàng bước vào các cấp học tiếp theo và cuộc sống trong tương lai.

Quản lý hoạt động giáo dục thẩm mỹ cho trẻ 5-6 tuổi ở các trường mầm non huyện Kim Sơn, tỉnh Ninh Bình - 4

1.3.2.2. Nội dung giáo dục thẩm mỹ cho trẻ mẫu giáo 5-6 tuổi.

Nội dung giáo dục thẩm mỹ cho trẻ mẫu giáo 5-6 tuổi cần đảm bảo tính khoa học, tính vừa sức và nguyên tắc đồng tâm phát triển từ gần đến xa, từ dễ

đến khó, từ đơn giản đến phức tạp; đảm bảo tính liên thông giữa các độ tuổi, giữa nhà trẻ, mẫu giáo và cấp tiểu học; thống nhất giữa nội dung giáo dục với cuộc sống hiện thực, gắn với cuộc sống và kinh nghiệm của trẻ, chuẩn bị cho trẻ từng bước hoà nhập vào cuộc sống.

Nội dung giáo dục thẩm mỹ cho trẻ mẫu giáo 5-6 tuổi cần phù hợp với sự phát triển tâm sinh lý của trẻ em, hài hoà giữa nuôi dưỡng, chăm sóc và giáo dục; giúp trẻ em phát triển cơ thể cân đối, khoẻ mạnh, nhanh nhẹn; hình thành cho trẻ cảm xúc thẩm mỹ trong quá trình cảm thụ và lĩnh hội cái đẹp trong nghệ thuật, trong cuộc sống hàng ngày; hình thành kỹ năng sống, giá trị sống phù hợp với lứa tuổi; giáo dục trẻ em biết yêu cái đẹp, thích tạo ra cái đẹp trong cuộc sống, biết yêu thương, kính trọng, lễ phép với ông bà, cha mẹ, thầy giáo, cô giáo, anh, chị, em, bạn bè; trung thực, mạnh dạn, tự tin, sáng tạo và hồn nhiên, yêu thích cái đẹp; ham hiểu biết, thích đi học.

Xây dựng nội dung chương trình giáo dục thẩm mỹ cho trẻ mẫu giáo 5- 6 tuổi là việc tập hợp các chuyên gia và giáo viên xây dựng chương trình giáo dục thẩm mỹ cho trẻ dựa trên chương trình khung do Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành. Chương trình giáo dục thẩm mỹ phản ánh mục tiêu giáo dục cụ thể của nhà trường đối với trẻ em, đồng thời hướng đến đáp ứng các yêu cầu về chân – thiện – mỹ đối với học sinh.

Nội dung chương trình dạy học các môn giáo dục thẩm mỹ cho trẻ mẫu giáo 5-6 tuổi trong trường mầm non phải đảm bảo tính mềm dẻo, được cập nhật thường xuyên và phù hợp với tâm sinh lý từng lứa tuổi.

1.3.2.3. Phương pháp giáo dục thẩm mỹ cho trẻ mẫu giáo 5-6 tuổi.

Đối với giáo dục mầm non, phương pháp giáo dục phải tạo điều kiện cho trẻ được trải nghiệm, tìm tòi, khám phá môi trường xung quanh dưới nhiều hình thức đa dạng, đáp ứng nhu cầu, hứng thú của trẻ theo phương châm “chơi mà học, học mà chơi”. Chú trọng đổi mới tổ chức môi trường giáo dục nhằm kích thích và tạo cơ hội cho trẻ tích cực khám phá, thử nghiệm và sáng tạo ở

các khu vực hoạt động một cách hứng thú. Kết hợp hài hoà giữa giáo dục trẻ trong nhóm bạn với giáo dục cá nhân, chú ý đặc điểm riêng của từng trẻ để có phương pháp giáo dục phù hợp. Tổ chức hợp lí các hình thức hoạt động cá nhân, theo nhóm nhỏ và cả lớp, phù hợp với độ tuổi của nhóm /lớp, với khả năng của từng trẻ, với nhu cầu và hứng thú của trẻ và với điều kiện thực tế.

- Nhóm phương pháp thực hành, trải nghiệm, trò chơi: Nhóm phương pháp này bao gồm các phương pháp thực hành, trải nghiệm, trò chơi. Đây là nhóm phương pháp cần đặc biệt chú trọng để tổ chức các hoạt động giáo dục phát triển thẩm mĩ cho trẻ.

+ Phương pháp thực hành nghệ thuật (luyện tập): Tạo điều kiện cho trẻ trực tiếp tham gia, trải nghiệm khả năng hát, vận động, trong các dạng hoạt động âm nhạc, trò chơi âm nhạc và khả năng sử dụng đường nét, màu sắc, tô, nặn, gắn, nối… trong các dạng hoạt động tạo hình. Trong các hoạt động âm nhạc, việc cho trẻ thực hành cần được tiến hành ở mọi lúc, mọi nơi, hoặc kết hợp trong khi tổ chức các dạng hoạt động khác để giúp trẻ mạnh dạn, tự tin. Trong các hoạt động tạo hình, giáo viên cần hạn chế sự sao chép, sự hình thành khuôn mẫu. Giáo viên cần thường xuyên động viên, khuyến khích trẻ suy nghĩ, liên hệ, thay đổi phương thức, vật liệu, cách thể hiện mang tính tìm tòi, sáng tạo. Có thế tổ chức cho trẻ quan sát bổ sung và đa dạng hóa mẫu đối tượng miêu tả, phát triển mở rộng nội dung các đề tài.

+ Phương pháp trải nghiệm: Để hình thành, phát triển cảm xúc, tình cảm thẩm mỹ một cách bền vững trẻ cần được tạo các cơ hội để được trải nghiệm, tiếp xúc thường xuyên với cái đẹp trong thiên nhiên và trong các hoạt động đa dạng của cuộc sống hàng ngày: giáo viên cần tạo môi trường hấp dẫn (môi trường vật chất, môi trường xã hội), tạo nhiều cơ hội để kích thích trẻ tập thử và rèn luyện các kĩ năng.

+ Phương pháp trò chơi: Phương pháp trò chơi được sử dụng để củng cố kiến thức, kĩ năng, đồng thời vận dụng những giá trị thẩm mỹ mà trẻ tiếp

thu được trong giải quyết nhiệm vụ chơi. Giáo viên nên tạo nên những tình huống chơi phong phú có thể xẩy ra trong cuộc sống thực để trẻ có cơ hội thể hiện, thử nghiệm và tích lũy kĩ năng theo nhiều cách khác nhau.

- Nhóm phương pháp trực quan (quan sát, chỉ dẫn, làm mẫu):

+ Phương pháp quan sát: Giáo viên cho trẻ quan sát vẻ đẹp đa dạng, phong phú của các sự vật, hiện tượng trong thiên nhiên, cuộc sống và tác phẩm nghệ thuật. Trong quá trình quan sát, giáo viên cần hướng dẫn trẻ biết quan sát toàn vẹn sự vật hiện tượng đến những dấu hiệu, đặc điểm đặc trưng, nổi bật (từ tổng thể đến chi tiết) và khuyến khích trẻ nói lên vẻ đẹp của sự vật, hiện tượng; cho trẻ tích cực so sánh, đồi chiếu, tìm mối quan hệ giữa các tính chất, đặc điểm của sự vật với các chuẩn cảm giác mà trẻ biết, giúp trẻ tích lũy được các ấn tượng một cách sâu sắc, phong phú, phát huy cao độ trí tưởng tượng.

Việc tổ chức quan sát các hiện tượng, khung cảnh thiên nhiên, các sự kiện, cảnh sinh hoạt trong xã hội giáo viên cần: Lựa chọn đối tượng; lựa chọn thời điểm, góc độ quan sát cho trẻ thấy rõ mọi chi tiết nổi bật, đặc trưng nhất; Suy nghĩ các câu hỏi hướng sự chú ý của trẻ vào những nét cơ bản của đối tượng, vào những đặc điểm cần thiết cho quá trình miêu tả của trẻ sau này.

+ Phương pháp chỉ dẫn trực quan: Phương pháp này sử dụng khi trẻ mới được làm quen hoặc khi trẻ chưa nắm vững kĩ năng hoạt động. Chẳng hạn: Khi bắt đầu làm quen với hoạt động tạo hình, giáo viên hướng dẫn trẻ học cách sử dụng các dụng cụ và vật liệu: bút chì, bút sáp, giấy, kéo, hồ dán, đất nặn, các khối gỗ…Hướng dẫn cách vẽ, nặn, cắt, dán, xếp. Đối với hoạt động âm nhạc, giáo viên chú trọng đến chỉ dẫn cách hát (cách lấy hơi, hát đúng cao độ, trường độ, bắt đầu /kết thúc…), các kỹ năng vận động theo nhạc, cách sử dụng các nhạc cụ âm nhạc và cách thể hiện tình cảm phù hợp với tính chất sắc thái của bài hát.

+ Phương pháp làm mẫu:

Đối với hoạt động âm nhạc: Giáo viên trực tiếp thể hiện tác phẩm bằng

giọng hát kết hợp cử chỉ, điệu bộ nét mặt để gợi lên những tâm trạng, cảm xúc, tình cảm đa dạng, thu hút sự chú ý của trẻ tới hình tượng nghệ thuật của bài hát, bản nhạc. Các động tác mẫu, tư thế, nét mặt, cử chỉ của giáo viên chính xác, trọn vẹn, thể hiện đúng tình cảm, sắc thái bài hát bản nhạc giúp trẻ cảm thụ, hình dung được hình tượng âm nhạc một cách đầy đủ, hấp dẫn. giáo viên có thể tận dụng mọi cơ hội, mọi phương tiện để phần mẫu gây cho trẻ nhiều ấn tượng, cảm xúc nhất như: dùng đàn/nhạc cụ đệm theo bài hát hoặc kết hợp với trang phục, cử chỉ, điệu bộ minh họa.

Đối với hoạt động tạo hình: Giáo viên làm mẫu, vừa kết hợp phân tích các kỹ năng tạo hình cho trẻ hướng vào bố cục, màu sắc, đường nét, hình khối để trẻ cảm thụ được giá trị thẩm mỹ của tác phẩm đó. Với những kỹ năng tạo hình mới, giáo viên chuẩn bị sẵn các mẫu có hình đơn giản. Khi hướng dẫn, giáo viên cho trẻ quan sát, sờ vật mẫu. Mẫu có thể để từ đầu đến cuối hoạt động khi trẻ chưa làm được, ngược lại nếu trẻ đã làm được không nhất thiết để mẫu từ đầu đến cuối hoạt động của trẻ. Khi trẻ thực hiện, giáo viên có thể hướng dẫn lại những trẻ chưa thực hiện được hoặc thực hiện còn khó khăn.

- Nhóm phương pháp tìm tòi – sáng tạo: Khi hướng dẫn hoạt động tạo hình giáo viên xác định một số con đường cơ bản để kích thích quá trình hình thành ý định tạo hình, khuyến khích hoạt động sáng tạo của trẻ, đó là:

+ Giúp trẻ tích lũy làm giàu vốn hiểu biết, vốn biểu tượng phong phú và xúc cảm tình cảm về các sự vật, hiện tượng xung quanh. Đây là quá trình cần tổ chức liên tục, có hệ thống với mức độ mở rộng, phong phú dần các hoạt động và sự trải nghiệm.

+ Tổ chức thực tiễn tạo ra sản phẩm tạo hình. Đây là quá trình trẻ được trải nghiệm lại những cảm xúc, ấn tượng làm sống lại các biểu tượng, hình tượng được lưu giữ trong trí nhớ và thể hiện lại những hình ảnh mà trẻ nhớ được và tưởng tượng ra.

+ Hướng dẫn, dẫn dắt trẻ tới hoạt động tìm kiếm, khám phá, đưa vào

sản phẩm tạo hình những nét mới lạ, những suy nghĩ của trẻ, khuyến khích và phổ biến những sáng kiến trong việc giải quyết các nhiệm vụ tạo hình.

+ Tổ chức và tạo mối liên hệ mật thiết giữa hoạt động tạo hình với các hoạt động thẩm mỹ khác. Các tác phẩm văn học, âm nhạc… các hình tượng nghệ thuật được trẻ lực chọn và thể hiện trong các hoạt động tạo hình phong phú về sắc thái.

- Nhóm phương pháp dùng lời nói: Nhóm phương pháp dùng lời bao gồm phương pháp trò chuyện, giảng giải, đàm thoại. Những phương pháp này giúp trẻ phát triển tình cảm thẩm mỹ phù hợp, hình thành các kĩ năng hoạt động cần thiết trong hoạt động âm nhạc và tạo hình.

+ Đối với hoạt động âm nhạc: giáo viên dùng lời nói để giới thiệu hoặc giảng giải về bài hát, bản nhạc (tên bài hát, bản nhạc, tên tác giả, nội dung, ý nghĩa, tính chất của bài hát bản nhạc hoặc trích dẫn, giải thích một hình ảnh đẹp, một nét nhạc hay…). Lời nói của giáo viên ngắn gọn, rõ ràng, dễ hiểu, không quá lạm dụng thuật ngữ âm nhạc khó hiểu đối với trẻ. Sử dụng phương pháp dùng lời, giáo viên cần phát huy tính sáng tạo và trí tưởng tượng trong quá trình nghe nhạc, nghe hát. Tùy theo độ tuổi của trẻ, giáo viên có thể dùng câu hỏi có tính chất gợi mở, kích thích sự chú ý, suy nghĩ và khuyến khích trẻ mạnh dạn trả lời. Giáo viên có thể cùng trao đổi và tạo cơ hội cho nhiều trẻ được phát biểu ý kiến của mình.

+ Đối với hoạt động tạo hình: Giáo viên có thể dùng câu hỏi có tính chất gợi mở, kích thích sự chú ý, suy nghĩ và khuyến khích trẻ mạnh dạn trả lời nhằm khơi gợi ở trẻ cảm xúc thẩm mỹ trước một cảnh quan đẹp, một bức tranh đẹp. Giáo viên có thể cùng trao đổi và tạo cơ hội cho nhiều trẻ được phát biểu ý kiến của mình, nói lên cảm nhận, mong muốn tạo ra cái đẹp trong sản phẩm của mình. Phương pháp này có thể sử dụng trong quá trình miêu tả (xác định lại trình tự hành động, nhắc nhở, hỏi lại những gì mà trẻ quên, gợi cho trẻ nhớ lại, bổ sung làm phong phú cho hình ảnh được miêu tả). Giáo viên

cần sử dụng tích cực ngôn ngữ biểu cảm, giàu tính hình tượng để khơi gợi tính sáng tạo, bồi dưỡng cảm xúc và củng cố những kĩ năng tạo hình của trẻ.

- Nhóm phương pháp giáo dục bằng tình cảm và khích lệ: Tăng cường sử dụng cử chỉ, điệu bộ kết hợp với lời nói nhẹ nhàng, thích hợp để khuyến khích và động viên kịp thời trẻ trong khi tham gia các hoạt động âm nhạc, tạo hình nhằm khơi gợi niềm vui, tạo niềm tin, cổ vũ sự cố gắng của trẻ và khuyến khích trẻ cảm nhận được vẻ đẹp trong thiên nhiên, trong cuộc sống, trong tác phẩm nghệ thuật và trong chính quá trình hoạt động tạo ra sản phẩm của trẻ.

- Nhóm phương pháp nêu gương - đánh giá: Sử dụng các hình thức khen, chê phù hợp, đúng lúc, đúng chỗ khi trẻ có biểu hiện hành vi đẹp. Biểu dương những sản phẩm mà trẻ đã tạo nên, nêu gương những trẻ có cử chỉ, hành vi đẹp trong sinh hoạt hàng ngày, biểu dương trẻ biết làm các động tác đẹp, biết vận động theo nhạc có tính sáng tạo, phù hợp với bài hát, bản nhạc, biết nhận ra và tạo ra cái đẹp ở trong các tác phẩm tạo hình, trong sản phẩm của trẻ và trong việc biết cùng cô trang trí, làm đẹp ở lớp học.

1.3.2.4. Hình thức tổ chức giáo dục thẩm mỹ cho trẻ mẫu giáo 5-6 tuổi.

Chương trình giáo dục sử dụng phối kết hợp các hình thức giáo dục theo chương trình giáo dục mầm non cho trẻ mẫu giáo. Nhà trường chú trọng:

- Tăng cường hình thức tổ chức các hoạt động giáo dục dưới hình thức cá nhân và nhóm nhỏ (có thể có các nhóm không cùng độ tuổi) để phát triển thẩm mĩ cho trẻ. Chú ý đến khả năng, năng lực, sự hứng thú của từng trẻ để có biện pháp điều chỉnh mục tiêu, nội dung, phương pháp phù hợp nhằm phát huy tối đa năng lực cá nhân của trẻ.

- Tăng cường tổ chức các hoạt động phát triển cảm xúc, tình cảm thẩm mỹ cho trẻ thông qua hoạt động học (âm nhạc, tạo hình, phát triển ngôn ngữ...) và các hoạt động trong chế độ sinh hoạt hằng ngày theo hình thức cả lớp, nhóm nhỏ, quan tâm bồi dưỡng năng khiếu cá nhân về các hoạt động âm nhạc, tạo hình, thơ truyện… phù hợp theo khả năng của trẻ.

Xem tất cả 104 trang.

Ngày đăng: 22/07/2023
Trang chủ Tài liệu miễn phí