- Đưa ra định nghĩa pháp lý của khái niệm miễn trách nhiệm hình sự là gì và khẳng định bản chất pháp lý chung của chế định này.
- Phân định rõ những trường hợp miễn trách nhiệm hình sự bắt buộc và những trường hợp miễn trách nhiệm hình sự tùy nghi (lựa chọn).
- Trên cơ sở nghiên cứu thực tiễn xét xử và đã thể hiện trong văn bản hướng dẫn thống nhất có tính chất chỉ đạo của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao tại Nghị quyết số 02/HĐTP ngày 05/01/1986 về việc Hướng dẫn áp dụng một số quy định của Bộ luật hình sự đã khẳng định người được miễn trách nhiệm hình sự vẫn có thể phải chịu một hay nhiều biện pháp cưỡng chế về tố tụng hình sự, hành chính, dân sự hoặc lao động hay biện pháp kỷ luật.
- Quy định rõ tùy từng trường hợp, nếu thấy cần thiết việc giao người phạm tội được miễn trách nhiệm hình sự cho gia đình hoặc cơ quan tổ chức tương ứng giám sát, giáo dục, qua đó thể hiện sự kết hợp giữa biện pháp cưỡng chế về hình sự với các biện pháp tác động xã hội khác trong việc giáo dục, cải tạo người phạm tội.
- Ghi nhận trường hợp miễn trách nhiệm hình sự do tự ý nửa chừng chấm dứt tội phạm (Điều 19) đối với tất cả các loại người đồng phạm (người thực hành, người tổ chức, người xúi giục và người giúp sức). Đồng thời, thay cụm từ "việc phạm tội" bằng cụm từ "tội phạm" để đảm bảo tính chính xác và phù hợp với thực tiễn áp dụng.
- Thay cụm từ "hoặc" bằng cụm từ "và" trong trường hợp miễn trách nhiệm hình sự quy định tại khoản 1 Điều 25 Bộ luật hình sự năm 1999 - "do sự chuyển biến của tình hình mà người phạm tội không còn nguy hiểm cho xã hội hoặc hành vi phạm tội không còn nguy hiểm cho xã hội nữa". Bởi lẽ, có như vậy mới phù hợp với thực tiễn và hơn nữa, dấu hiệu về nhân thân của người phạm tội thường gắn liền với dấu hiệu hành vi phạm tội và ngược lại, hành vi phạm tội phần nào đã phản ánh chính xác về nhân thân của người phạm tội đó.
- Bổ sung các trường hợp miễn trách nhiệm hình sự chưa được Bộ luật hình sự năm 1999 hiện hành ghi nhận mà thực tiễn xét xử nước ta đã thừa nhận, áp dụng và một số trường hợp đã được ghi nhận trong các văn bản pháp luật, cũng như để phù hợp với pháp luật hình sự các nước và xu hướng nhân đạo hóa trong pháp luật hình sự Việt Nam. Cụ thể, đó là miễn trách nhiệm hình sự cho người phạm tội trốn khỏi nơi giam, miễn trách nhiệm hình sự do sự hòa hoãn giữa người bị hại và người phạm tội, miễn trách nhiệm do hết thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự, miễn trách nhiệm hình sự cho người phạm tội là người già hoặc đang bị bệnh nặng, có nhiều tình tiết giảm nhẹ...
- Sửa đổi câu chữ, thêm bớt cụm từ trong từng trường hợp miễn trách nhiệm hình sự trong Bộ luật hình sự (và trong mô hình lý luận) cho chặt chẽ, chính xác, đầy đủ và phù hợp với thực tiễn áp dụng các quy định này.
Thứ hai, các quy định tại mô hình lý luận trên đều thể hiện tính chính xác về mặt khoa học vì dựa trên cơ sở lý luận đúng đắn và các nguyên tắc của luật hình sự (như: dân chủ, công bằng, nhân đạo...) trong giai đoạn xây dựng Nhà nước pháp quyền Việt Nam xã hội chủ nghĩa của dân, do dân và vì dân, đồng thời đảm bảo tính nhất quán về mặt logic pháp lý. Bởi lẽ, tên gọi của Chương mới "Về miễn trách nhiệm hình sự" hoàn toàn phản ánh đúng đắn bản chất pháp lý chung, đầy đủ và toàn diện của tất cả những trường hợp miễn trách nhiệm hình sự quy định trong Chương ấy. Bản chất pháp lý này được khẳng định dứt khoát tại điều luật ghi nhận về khái niệm miễn trách nhiệm hình sự.
Thứ ba, việc xây dựng một chương độc lập về miễn trách nhiệm hình sự với đầy đủ những trường hợp miễn trách nhiệm hình sự có nội dung chặt chẽ và chính xác sẽ góp phần rất quan trọng giúp cho các cơ quan và người có thẩm quyền trong các cơ quan tiến hành tố tụng (như điều tra viên, kiểm sát
Có thể bạn quan tâm!
- Sự Cần Thiết Phải Hoàn Thiện Các Quy Định Của Pháp Luật Hình Sự Việt Nam Về Miễn Trách Nhiệm Hình Sự
- Phương Hướng Cơ Bản Thứ Ba - Hoàn Thiện Các Quy Định Của Pháp Luật Hình Sự Về Miễn Trách Nhiệm Hình Sự Phải Thể Hiện Nguyên Tắc Nhân Đạo Của
- Chế định miễn trách nhiệm hình sự trong luật hình sự Việt Nam - 15
- Chế định miễn trách nhiệm hình sự trong luật hình sự Việt Nam - 17
- Chế định miễn trách nhiệm hình sự trong luật hình sự Việt Nam - 18
Xem toàn bộ 153 trang tài liệu này.
viên, thẩm phán...) áp dụng các quy định tương ứng này được đúng đắn và chính xác trên thực tế.
Ngoài ra, bên cạnh giải pháp hoàn thiện pháp luật hình sự, để các quy định về miễn trách nhiệm hình sự này được áp dụng khả thi trên thực tế, đòi hỏi cần có một số giải pháp khác nâng cao hơn nữa hiệu quả thực thi các quy định này, đồng thời thực hiện mục đích cao hơn là góp phần giáo dục và phòng ngừa chung, đảm bảo tất cả mọi quyết định áp dụng miễn trách nhiệm hình sự đều có căn cứ, hợp pháp và đúng pháp luật, cũng như không bỏ lọt tội phạm và người phạm tội, tránh khả năng tái phạm hoặc vi phạm pháp luật của người phạm tội sau khi được miễn trách nhiệm hình sự.
3.3.2. Giải pháp về sự tham gia của các cơ quan, tổ chức và gia đình người được miễn trách nhiệm hình sự để giám sát, quản lý và giáo dục
Trong Bộ luật hình sự năm 1999 hiện hành, nhà làm luật Việt Nam mới chỉ quy định riêng trường hợp miễn trách nhiệm hình sự đối với người chưa thành niên phạm tội (khoản 2 Điều 69) là "giao người phạm tội cho gia đình hoặc cơ quan, tổ chức nơi người đó cư trú, công tác giám sát, giáo dục". Ngoài ra, trong Bộ luật tố tụng hình sự năm 1988 trước đây cũng đã quy định: "Trong trường hợp được quy định tại khoản 1 và khoản 3 Điều 25 Bộ luật hình sự, thì cơ quan Điều tra ra quyết định đình chỉ điều tra vụ án và có thể chuyển giao hồ sơ cho cơ quan Nhà nước có thẩm quyền" (khoản 3 Điều 139)...
Như vậy, hiện nay việc chuyển giao người phạm tội được miễn trách nhiệm hình sự cho gia đình, cơ quan, tổ chức mới chỉ được áp dụng đối với người chưa thành niên phạm tội (khoản 2 Điều 69) là bắt buộc, còn lại chưa áp dụng đối với những trường hợp miễn trách nhiệm hình sự khác trong Bộ luật hình sự. Tuy nhiên, theo chúng tôi, biện pháp quản lý này nên áp dụng bắt buộc đối với trường hợp miễn trách nhiệm hình sự cho người chưa thành niên và là lựa chọn đối với những trường hợp miễn trách nhiệm hình sự
khác. Bởi lẽ, như chúng ta đã biết miễn trách nhiệm hình sự là một biện pháp pháp lý cần sự tham gia rộng rãi của quần chúng nhân dân, của các cơ quan, tổ chức và nhất là gia đình người được miễn trách nhiệm hình sự để giám sát, giáo dục họ.
Việc giao cho gia đình, cơ quan hoặc tổ chức tương ứng giám sát và giáo dục người phạm tội nói chung, người phạm tội được miễn trách nhiệm hình sự nói riêng chính là thể hiện sự vận dụng đúng đắn các biện pháp cưỡng chế của Nhà nước, sức mạnh tổng hợp của các tổ chức quần chúng, cũng như của gia đình và chính quyền địa phương nhằm xóa bỏ những điều kiện, khả năng tiếp tục tái vi phạm hoặc phạm tội, làm cho người phạm tội được miễn trách nhiệm hình sự chủ động tích cực cải tạo trở thành người lao động lương thiện và có ích cho xã hội.
Trong nội dung cải tạo, giáo dục và giám sát người phạm tội được miễn trách nhiệm hình sự, gia đình hoặc cơ quan, tổ chức cần phải có những biện pháp tích cực tác động làm cho người được miễn trách nhiệm hình sự thấy được hành vi phạm tội của mình trước đó, hậu quả tác hại mà mình đã gây ra cho gia đình và cho xã hội, thấy được chính sách khoan hồng, độ lượng của Đảng và Nhà nước, sự quan tâm của gia đình, cơ quan tổ chức đối với họ, để họ ý thức được trách nhiệm của mình trước gia đình, trước chính quyền địa phương và trước xã hội, quên đi quá khứ sai lầm, phấn đấu lao động và làm việc để trở thành người có ích cho gia đình và cho xã hội. Chính vì vậy, về giải pháp này, chúng tôi đã cụ thể hóa bằng việc ghi nhận nó trong nội dung khoản 3 điều luật đầu tiên về khái niệm miễn trách nhiệm hình sự trong mô hình lý luận của chế định miễn trách nhiệm hình sự.
3.3.3. Giải pháp nâng cao ý thức pháp luật, trình độ chuyên môn, nghiệp vụ của người có thẩm quyền quyết định việc áp dụng miễn trách nhiệm hình sự
Nghị quyết số 08-NQ/TW ngày 02/01/2002 của Bộ Chính trị về một số nhiệm vụ trọng tâm công tác tư pháp trong thời gian tới đã chỉ rõ "Công tác cán bộ của các cơ quan tư pháp chưa đáp ứng được yêu cầu của tình hình hiện nay. Đội ngũ cán bộ tư pháp còn thiếu về số lượng, yếu về trình độ và năng lực nghiệp vụ, một bộ phận tiêu cực, thiếu trách nhiệm, thiếu bản lĩnh, sa sút về phẩm chất đạo đức. Đây là một vấn đề nghiêm trọng, làm ảnh hưởng đến kỷ cương, pháp luật, giảm hiệu lực của bộ máy Nhà nước...". Trong việc áp dụng pháp luật liên quan đến đình chỉ điều tra, đình chỉ vụ án nói chung, đình chỉ điều tra, đình chỉ vụ án do miễn trách nhiệm hình sự nói riêng cho thấy việc các cơ quan và người có thẩm quyền áp dụng chưa đúng pháp luật dẫn đến bỏ lọt tội phạm và người phạm tội một phần do tinh thần trách nhiệm, năng lực trình độ và kinh nghiệm công tác của một số kiểm sát viên, cán bộ nghiệp vụ (nhất là cấp huyện) làm công tác kiểm sát điều tra còn hạn chế, dẫn đến việc nghiên cứu không đầy đủ, đề xuất không chính xác trong việc phê chuẩn các lệnh, quyết định ở một số vụ án không đúng pháp luật. Hơn nữa, cũng phải nói đến một nguyên nhân nữa là do lãnh đạo Viện kiểm sát, các đơn vị nghiệp vụ có nơi chưa quan tâm nhiều đến các thông tin, chứng cứ, tài liệu dẫn đến quyết định đình chỉ điều tra, đình chỉ vụ án trái pháp luật... [80], [86]. Chính vì vậy, yêu cầu cấp thiết ở đây đòi hỏi phải nâng cao tiêu chuẩn về chính trị, đạo đức, ý thức pháp luật và nghề nghiệp chuyên môn của cán bộ tư pháp nói chung, người có thẩm quyền áp dụng miễn trách nhiệm hình sự trong cơ quan tiến hành tố tụng nói riêng. Cụ thể bồi dưỡng chính trị và đạo đức, đặc biệt là học tập kiến thức để nâng cao nhận thức của cán bộ, điều tra viên, kiểm sát viên, thẩm phán... về các quy định của pháp luật hình sự, pháp luật tố tụng hình sự để vận dụng pháp luật chính xác vào những trường hợp cụ thể trên thực tế. Để làm được việc đó, đòi hỏi hàng quý, hàng năm các cơ quan tư pháp phải nghiêm túc tiến hành nhận xét, đánh giá về trách nhiệm, phẩm chất đạo đức, năng lực trình độ ý thức pháp luật của từng cán bộ, chiến sĩ của đơn vị mình.
Trong lĩnh vực áp dụng các quy định pháp luật về đình chỉ điều tra, đình chỉ vụ án, đình chỉ điều tra, đình chỉ vụ án do miễn trách nhiệm hình sự cũng đòi hỏi cán bộ thực thi pháp luật trong công tác này phải nắm vững các căn cứ (lý do) đình chỉ điều tra, đình chỉ vụ án, căn cứ và những điều kiện miễn trách nhiệm hình sự, thẩm quyền quyết định, trình tự thủ tục trong pháp luật hình sự và pháp luật tố tụng hình sự để việc áp dụng được công minh, chính xác và đúng pháp luật. Đặc biệt, tất cả cán bộ, điều tra viên, kiểm sát viên, thẩm phán... cũng cần nắm vững các quy định mới trong Bộ luật tố tụng hình sự vừa được Quốc hội nước ta thông qua ngày 26/11/2003, nhất là các quy định liên quan đến đình chỉ điều tra, đình chỉ vụ án do miễn trách nhiệm hình sự.
3.3.4. Giải pháp tăng cường vai trò của Viện kiểm sát trong việc kiểm tra, giám sát án đình chỉ điều tra, đình chỉ vụ án do miễn trách nhiệm hình sự
Hiện nay, trong việc đình chỉ điều tra, đình chỉ vụ án nói chung, đình chỉ điều tra, đình chỉ vụ án do miễn trách nhiệm hình sự nói riêng cũng còn nhiều vi phạm, thực hiện chưa đúng và chưa đầy đủ các quy định pháp luật hình sự về miễn trách nhiệm hình sự dẫn đến bỏ lọt tội phạm và người phạm tội, nhiều bị can, bị cáo lẽ ra phải bị truy cứu trách nhiệm hình sự nhưng lại được miễn trách nhiệm hình sự, hoặc việc đánh giá tính chất và mức độ nguy hiểm cho người phạm tội còn chưa đầy đủ và chính xác. Có người rõ ràng là phạm tội, phạm tội có tình tiết tăng nặng định khung hoặc phạm tội nghiêm trọng, có mức hình phạt cao hoặc người phạm tội đã có tiền án, tiền sự, có đồng phạm, tái phạm, đã bị xử lý hành chính... nhưng vẫn được đình chỉ do miễn trách nhiệm hình sự. Do đó, để việc áp dụng miễn trách nhiệm hình sự có căn cứ và đúng pháp luật, một giải pháp cũng rất quan trọng là phải tăng cường vai trò của Viện kiểm sát trong việc kiểm tra, giám sát án đình chỉ điều tra, đình chỉ vụ án nói chung, đình chỉ điều tra, đình chỉ vụ án do miễn trách
nhiệm hình sự nói riêng. Để làm tốt công tác này Viện kiểm sát phải thực hiện nghiêm chỉnh một số nội dung sau:
- Phải tiến hành kiểm tra thường xuyên, liên tục và chặt chẽ việc quản lý tin báo tội phạm và phân loại xử lý chính xác. Công tác này phải được phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan hữu quan thực hiện chính xác, kịp thời ngay từ giai đoạn đầu, có quan điểm rõ ràng và dứt khoát với cơ quan Điều tra về các vụ, bị can mà cơ quan Điều tra đình chỉ điều tra do miễn trách nhiệm hình sự mà điều kiện chưa chính xác, chưa rõ ràng hoặc chưa đúng pháp luật.
- Phân công cán bộ kiểm sát và theo dõi các quyết định đình chỉ điều tra của cơ quan Điều tra, nếu phát hiện vi phạm phải kịp thời có biện pháp khắc phục, đảm bảo quyền lợi cho người bị áp dụng tố tụng oan, sai, đồng thời kiểm điểm làm rõ trách nhiệm để rút kinh nghiệm, chấn chỉnh, nếu có vi phạm thì có biện pháp xử lý hoặc bồi thường thiệt hại theo quy định của pháp luật.
- Thực hiện chế độ báo cáo về án đình chỉ. Về các trường hợp đình chỉ điều tra do miễn trách nhiệm hình sự của cơ quan Điều tra phải có sự báo cáo với Viện kiểm sát cùng cấp để tiện theo dõi và kiểm tra vi phạm, những trường hợp có nghi ngờ về quyết định đình chỉ điều tra của cơ quan Điều tra do miễn trách nhiệm hình sự, Viện kiểm sát cần yêu cầu cơ quan Điều tra báo cáo và cùng phối hợp để có quyết định chính xác về từng trường hợp.
- Việc phân loại những trường hợp đình chỉ điều tra, đình chỉ vụ án và bị can do miễn trách nhiệm hình sự cần được cơ quan Điều tra và Viện kiểm sát lập bảng chi tiết và rõ ràng. Hiện nay, các cơ quan này mới chỉ báo cáo liệt kê các số liệu đình chỉ điều tra, đình chỉ vụ án về miễn trách nhiệm hình sự theo Điều 19, Điều 25 và khoản 2 Điều 69 Bộ luật hình sự năm 1999 là bao nhiêu, với loại án gì chứ chưa thống kê số lượng miễn trách nhiệm cụ thể về từng trường hợp tương ứng (vì ngoài những trường hợp này, trong Bộ luật hình sự còn nhiều trường hợp miễn trách nhiệm hình sự khác chưa được
thống kê chi tiết và đầy đủ, hoặc ngay trong Điều 25 cũng đã có đến ba trường hợp miễn trách nhiệm hình sự). Làm tốt điều này, không những góp phần hạn chế các vụ án, bị can đình chỉ điều tra, đình chỉ vụ án do miễn trách nhiệm hình sự không chính xác và đúng pháp luật, mà còn tạo điều kiện thuận lợi cho Viện kiểm sát kiểm sát chặt chẽ việc áp dụng từng trường hợp miễn trách nhiệm hình sự, cũng như kịp thời khắc phục sai phạm để xác định trách nhiệm của từng cán bộ.
3.3.5. Giải pháp tăng cường sự hợp tác quốc tế và trao đổi về kinh nghiệm lập pháp hình sự về miễn trách nhiệm hình sự
Trong xu thế mở rộng hội nhập khu vực và quốc tế hiện nay, thì hợp tác giữa nước ta với các nước khác trên thế giới về lĩnh vực tư pháp là rất cần thiết. Trên cơ sở đảm bảo độc lập, chủ quyền và an ninh quốc gia, đòi hỏi cần nghiên cứu, tham khảo, học tập có chọn lọc kinh nghiệm quốc tế về tổ chức và hoạt động của các cơ quan tư pháp, về đào tạo cán bộ tư pháp, về đấu tranh phòng và chống tội phạm, về kỹ thuật lập pháp các Bộ luật, các chế định hay quy phạm pháp luật... Do đó, việc tăng cường sự hợp tác quốc tế và trao đổi về kinh nghiệm lập pháp hình sự nói chung, các quy định của pháp luật hình sự về miễn trách nhiệm hình sự nói riêng có ý nghĩa quan trọng và là tất yếu. Tuy nhiên, trong lĩnh vực nghiên cứu, tham khảo, học tập có chọn lọc kinh nghiệm quốc tế về chế định này đòi hỏi chúng ta phải tham khảo trước hết pháp luật hình sự các nước có kinh nghiệm lập pháp, các nước khu vực và các nước có quan hệ truyền thống. Ví dụ: miễn trách nhiệm hình sự do hết thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự (Liên Bang Nga, Vương quốc Anh); miễn trách nhiệm hình sự do hòa hoãn giữa người bị hại và người phạm tội (Liên bang Nga, Thụy Điển)...[18], [96], [97]. Những quy định này có thể tham khảo để hoàn thiện pháp luật hình sự Việt Nam. Tuy nhiên, khi tham khảo chúng ta phải có sự sửa đổi, bổ sung cho phù hợp với điều kiện kinh tế-xã hội, phù hợp với thực tiễn xét xử và có tính đến sự đồng bộ với các văn bản và đạo luật khác liên quan trong hệ thống pháp luật.