Quản Lý Hoạt Động Dạy Học Môn Ngữ Văn Tích Hợp Với Giáo Dục Nếp Sống Thanh Lịch , Văn Minh

Trong công cuộc đổi mới và hội nhập của đất nước hiện nay, nhiệm vụ cơ bản của giáo dục phổ thông là đào tạo những con người mới, những người lao động có tri thức, có năng lực thực hành, tự chủ, năng động, sáng tạo, sẵn sàng tham gia vào lao động sản xuất, Để thực hiện nhiệm vụ đó, Bộ GD&ĐT chủ trương đổi mới đồng bộ mục tiêu, nội dung, phương pháp, hình thức tổ chức dạy học và kiểm tra, đánh giá; gắn liền giáo dục trong nhà trường với thực tiễn cuộc sống; góp phần hình thành năng lực giải quyết vấn đề thực tiễn của học sinh. Đó chính là nhiệm vụ dạy học tích hợp trong nhà trường.

Từ lịch sử xa xưa của loài người, ông cha ta đã nói “Tiên học lễ hậu học văn” làm nền móng giáo dục đạo đức HS, con người. Thực tế cho thấy thầy giáo Chu Văn An đã cảm hóa được học trò bằng chính đạo đức của mình và người học trò đã vì chữ “nghĩa” với thầy mà làm việc nghĩa cho đến muôn đời sau vẫn còn lưu truyền mãi mãi. Thế nhưng, để giữ được chữ “nghĩaquả là điều trăn trở. Ngày nay, phần lớn các bậc phụ huynh vẫn có tư tưởng là làm thế nào con em mình có nhiều kiến thức, cho đi học thêm đủ thứ cốt để được vào trường danh tiếng, sau này vào được đại học, có một việc làm ổn định, chứ ít chú ý đến đạo đức, nếp sống văn hóa của các em. Vì thế HS đến trường còn vi phạm nội quy, mọi hành động, việc làm, cách nói năng, ứng xử nhiều lúc chưa đúng mực, còn thiếu văn hóa. Trách nhiệm này thuộc về ai? Gia đình, nhà trường hay xã hội? Rõ ràng trách nhiệm thuộc về tất cả. Nhưng trách nhiệm lớn nhất thuộc về nhà trường mà trách nhiệm lớn lao của việc lồng ghép giáo dục nếp sống văn hóa cho học sinh qua các bài học Ngữ văn mà các môn học khác ít có được. Vì “Văn học là nhân học”, học văn là học cách làm người. Thật vậy, mỗi chúng ta, ai ai cũng phải học để tiếp thu tri thức và để làm người. Văn học lại chính là chiếc chìa khóa vàng mở rộng lòng nhân ái trong tâm hồn, phát triển nhân cách tốt đẹp. Do đó một giáo viên dạy Ngữ văn không chỉ dạy kiến thức văn chương, cảm thụ các giá trị về chân - thiện - mĩ, mà qua đó còn dạy cách làm người, đặc biệt là làm người có văn hóa. Tuy nhiên nói về nếp sống văn hóa của HS hiện nay còn nhiều vấn đề phải trăn trở.

Vì vậy, việc lồng ghép giáo dục nếp sống văn hóa trong dạy học nói chung và trong dạy học môn Ngữ văn nói riêng là vô cùng cần thiết và thường xuyên, nhưng cũng không thể một sớm một chiều mà chúng ta phải xác định việc làm này theo phương châm “mưa dầm thấm lâu”. Tuy nhiên khi giáo viên lồng ghép phải đảm bảo được tính tự nhiên, tránh sự giáo điều, giáo huấn khô khan sẽ không phát huy được hiệu quả của tính giáo dục.

Bác Hồ đã từng nói: “Có đức mà không có tài thì làm việc gì cũng khó nhưng có tài mà không có đức thì chẳng làm được gì cả”. Vì mục tiêu là để đào tạo ra những chủ nhân tương lai của đất nước vừa có tài lại vừa có đức, vừa có tri thức lại vừa có nếp sống văn hóa, góp phần xây dựng đất nước ngày càng phát triển văn minh, hiện đại hơn. Điều đó một phần lớn phụ thuộc vào chính mỗi thầy cô giáo chúng ta.

1.5.2. Quản lý hoạt động dạy học môn Ngữ văn tích hợp với giáo dục nếp sống thanh lịch, văn minh

1.5.2.1. Quản lý dạy học tích hợp trong môn Ngữ văn ở trường trung học cơ sở

Có thể hiểu QL HĐDH môn Ngữ văn là tổ chức một cách hợp lý hoạt động (HĐ) của GV và HS trong dạy học, là tác động đến GV và HS sao cho đạt được yêu cầu đề ra của môn Ngữ văn. Đồng thời, QL HĐDH môn Ngữ văn cũng mang tính đặc thù xuất phát từ môn Ngữ văn như đã trình bày là môn học đặc biệt trong nhà trường. QL GV thực hiện mục tiêu, nội dung môn học không chỉ là việc QL GV thực hiện phân phối chương trình mà còn phải tiến đến kiểm soát được sự tác động của GV Ngữ văn trong quá trình hình thành nhân cách HS. Do đó, người hiệu trưởng không chỉ dừng ở các biện pháp QL hành chính mà còn cần sử dụng các biện pháp QL khác, giúp GV Ngữ văn thực hiện được mục tiêu, nội dung môn học.

Quản lý nội dung chương trình và PPDH là QL GV thực hiện nội dung chương trình theo quy định của Bộ GD&ĐT, áp dụng những phương pháp dạy học trong giảng dạy. Hiện nay, CBQL thường được tập trung ở việc chỉ đạo GV thực hiện một số phương pháp mới trong giảng dạy. Với đặc trưng môn học Ngữ văn, việc chỉ đạo thực hiện những phương pháp mới trong giảng dạy không thể tách rời việc nâng cao năng lực QL của chính nhà QL và năng lực chuyên môn của đội ngũ GV; không chỉ là QL giờ dạy trên lớp mà còn cả QL hoạt động tự bồi dưỡng của GV Ngữ văn; không đơn thuần là việc QL GV áp dụng một số phương pháp mới vào DH Ngữ văn mà còn là việc QL để GV có khả năng kết hợp linh hoạt các PPDH mới với các PPDH truyền thống; trong đó có những PPDH truyền thống đã bị phủ nhận gần như hoàn toàn ở các môn học khác thì vẫn được coi là đặc trưng của PPDH văn (phương pháp thuyết trình).

Quản lý sử dụng các phương tiện, thiết bị phục vụ cho HĐDH môn Ngữ văn vừa bao gồm các HĐ QL phương tiện thiết bị dạy học (DH) nói chung, vừa coi trọng các biện pháp QL để việc sử dụng các phương tiện, thiết bị trong HĐDH Ngữ văn là phù hợp và hiệu quả nhất. QL việc sử dụng phương tiện, thiết bị dạy học bao gồm QL việc sử dụng sách giáo khoa, tài liệu tham khảo và các thiết bị DH hiện đại. Tuy nhiên, nếu như ở một số môn học khác, việc đưa các thiết bị trình chiếu hoặc các phương tiện DH vào giờ dạy thường không bị hạn chế về tần suất sử dụng thì đặc trưng DH Ngữ văn khiến cho việc sử dụng thiết bị quá nhiều hay quá ít trong giờ Ngữ văn đều ảnh hưởng đến hiệu quả giờ Ngữ văn. Bên cạnh đó việc ứng dụng CNTT cũng mang lại hiệu quả đặc biệt trong giờ văn vốn là giờ học giàu tính hình tượng nên QL việc ứng dụng công nghệ thông tin vào DH văn có một ý nghĩa rất quan trọng.

Quản lý HĐ đổi mới kiểm tra đánh giá trong DH Ngữ văn thể hiện rõ nét tính đặc thù của QL HĐDH môn văn trong nhà trường. Việc kiểm tra đánh giá trong khá nhiều môn học, đặc biệt là các môn khoa học tự nhiên dễ đạt đến tính chính xác, khách quan, công bằng nên việc đổi mới các hình thức kiểm tra đánh giá cũng dễ được áp dụng và việc QL các HĐ đổi mới kiểm tra đánh giá trong nhiều môn học do đó cũng dễ thực hiện, không chỉ đơn thuần QL được về hình thức mà còn QL được cả nội dung và chất lượng của việc đổi mới. Trong khi đó, với tư cách là môn khoa học xã hội nhân văn, lại mang đặc trưng về tính hình tượng và tính biểu cảm cao, việc kiểm tra đánh giá trong DH Ngữ văn nặng về chủ quan; khó đạt đến tính chính xác, khách quan, công bằng. Việc đổi mới kiểm tra đánh giá cần được cân nhắc trong từng nội dung cụ thể (ví dụ: phần lớn các môn học có thể chuyển sang kiểm tra hoàn toàn bằng trắc nghiệm khách quan thì môn văn lại không thể). Rõ ràng, QL HĐ đổi mới kiểm tra đánh giá trong HĐDH Ngữ văn gặp nhiều khó khăn hơn.

Có thể bạn quan tâm!

Xem toàn bộ 161 trang tài liệu này.

Quản lý HĐ tự bồi dưỡng của GV và HĐ tự học của HS trong DH Ngữ văn là một trong những yếu tố quan trọng để nâng cao hiệu quả DH văn. QL HĐ tự bồi dưỡng của GV và HĐ tự học của HS cần có kế hoạch, sao cho việc bồi dưỡng của GV Ngữ văn trở thành việc tự bồi dưỡng và HĐ tự học của HS đạt đến đích HS là trung tâm của quá trình DH.

Như vậy, QL HĐDH môn Ngữ văn trong nhà trường vừa mang đặc điểm chung của QL HĐDH, vừa mang đặc điểm riêng của QL môn Ngữ văn.

Quản lý dạy học môn Ngữ văn tích hợp với giáo dục nếp sống thanh lịch, văn minh tại trường trung học cơ sở Vân Hà, Đông Anh, Hà Nội - 6

1.5.2.2. Quản lý hoạt động dạy học môn Ngữ văn tích hợp với giáo dục nếp sống thanh lịch, văn minh ở trường THCS

Nhắc đến người Hà Nội là nhắc đến những nét văn minh - thanh lịch, từ cử chỉ, lời ăn tiếng nói, phong cách ứng xử... Tuy nhiên, trước những tác động của đời sống kinh tế hiện nay, nhiều nét văn hóa tinh tế của người Hà Nội đang mai một dần, nhất là trong lớp trẻ. Nhằm góp phần giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa, truyền thống Thủ đô, giáo dục cho học sinh lòng tự hào về Thăng Long - Hà Nội.

Giáo dục nếp sống văn hóa thanh lịch, văn minh của người Hà Nội không phải là một bộ môn riêng biệt mà chỉ là cách tiếp cận bộ môn. Do đó, khi tích hợp, lồng ghép nội dung giáo dục nếp sống thanh lịch, văn minh của người Hà Nội trong giảng dạy môn Ngữ văn phải luôn tuân thủ những nguyên tắc sau:

- Chỉ tích hợp với những bài có nội dung thật sự liên quan đến nếp sống thanh lịch, văn minh của người Hà Nội. Nội dung tích hợp phải đảm bảo tính chính xác.‌

- Đảm bảo đặc trưng của môn học, không biến giờ học Ngữ văn thành giờ học thuần tuý giáo dục nếp sống thanh lịch, văn minh. Điều này có nghĩa là giờ Văn phải là giờ Văn, giờ Tiếng Việt phải là giờ Tiếng Việt, giờ Làm văn phải là giờ Làm văn theo đúng nghĩa của nó.

- Đảm bảo kiến thức cơ bản, tính lôgic của nội dung bài học, không làm quá tải lượng kiến thức và tăng thời gian của bài học. Các ví dụ, nội dung giáo dục nếp sống thanh lịch, văn minh GV đưa ra cần ngắn gọn, hấp dẫn, lôi cuốn được sự chú ý của HS.

- Gây được sự hứng thú ở HS khi tích hợp nếp sống thanh lịch, văn minh của người Hà Nội.

Việc tích hợp nội dung giáo dục nếp sống văn hóa thanh lịch, văn minh của người Hà Nội thể hiện ở ba mức độ gồm:

Mức độ toàn phần: Mục tiêu và nội dung của bài học phù hợp hoàn toàn với mục tiêu và nội dung của giáo dục nếp sống văn hóa thanh lịch, văn minh của người Hà Nội

Mức độ bộ phận: Chỉ có một phần bài học có mục tiêu và nội dung giáo dục nếp sống văn hóa thanh lịch, văn minh của người Hà Nội.

Mức độ liên hệ: Có điều kiện liên hệ một cách logic, trực tiếp như đi tham quan lễ hội hoặc Viện Bảo tàng Dân tộc học, Bảo tàng Lịch sử, Bảo tàng Hà Nội.

Quản lý hoạt động dạy học môn Ngữ văn tích hợp với giáo dục nếp sống TLVM, nhà QL cần QL hoạt động dạy của giáo viên bao gồm: QL kế hoạch và thực hiện kế hoạch công tác; QL nhiệm vụ soạn bài và chuẩn bị bài lên lớp; QL việc thực hiện nội dung, phương pháp, hình thức tổ chức dạy học; QL việc kiểm tra đánh giá kết quả của học sinh; QL việc thực hiện quy định về hồ sơ chuyên môn. Bên cạnh đó nhà QL cũng cần QL hoạt động học của học sinh.

1.5.3. Các yếu tố tác động đến việc quản lý dạy học môn Ngữ văn tích hợp với giáo dục nếp sống thanh lịch, văn minh trong trường trung học cơ sở

Hoàn cảnh xã hội tác động đến việc QL DH môn Ngữ văn trong trường THCS theo cả chiều hướng tích cực và tiêu cực. Vị trí của môn khoa học xã hội ngày càng cần thiết trong đời sống xã hội hiện đại. Tuy nhiên, trong điều kiện nền kinh tế của một nước đang bắt đầu phát triển, những người lao động trong lĩnh vực xã hội thường khó tìm được việc làm và phải nhận mức lương thấp hơn nhiều so với những người lao động trong lĩnh vực sản xuất và dịch vụ dẫn đến việc HS xa rời các môn khoa học xã hội trong đó có môn Ngữ văn. Bên cạnh đó, khi đời sống kinh tế xã hội có nhiều thay đổi, thanh niên, học sinh đang trải qua nhiều biến động tích cực lẫn tiêu cực, mặt trái của kinh tế thị trường và sự bùng nổ thông tin, với nhiều thông tin thiếu lành mạnh đang tác động mạnh đến đời sống làm cho thế hệ trẻ có nhiều biểu hiện nhận thức lệch lạc và sống xa rời các giá trị đạo đức truyền thống.

Đặc điểm tâm lý lứa tuổi của HS THCS mang những nét đặc biệt khiến cho thời kỳ này được gọi là: “tuổi khó bảo”, “tuổi khủng hoảng”… HS THCS bắt đầu phát triển mạnh mẽ về thể chất nhưng lại chưa có đủ điều kiện để phát triển toàn diện về trí tuệ, đạo đức. Trong khi đó bậc học THCS bắt đầu đòi hỏi HS học tập với một cường độ cao. Điều đó dẫn đến những mâu thuẫn trong thái độ, hứng thú học tập của HS. Để khắc phục được mâu thuẫn đó, đòi hỏi các môn học trong nhà trường THCS phải gắn với cuộc sống và tạo được hứng thú cho HS. Đây là một trong những yếu tố chi phối mạnh mẽ việc DH văn và QL HĐDH văn trong nhà trường THCS.

Đội ngũ GV dạy Ngữ văn có ảnh hưởng lớn đến chất lượng DH Ngữ văn. GV Ngữ văn trong nhà trường THCS là những người được đào tạo về chuyên môn và nghiệp vụ sư phạm. Tuy nhiên, dù bằng cấp tương đương nhau nhưng trình độ chuyên môn nghiệp vụ của GV là không đồng đều. Điều này ảnh hưởng lớn đến HĐDH Ngữ văn vốn là một môn học đòi hỏi hứng thú của cả GV và HS. Dạy Ngữ văn không chỉ dạy kiến thức mà GV còn có nhiệm vụ định hướng cảm xúc, tình cảm, sự rung động; cần đến chất văn của cả GV và HS. Người GV không chỉ là người thầy mà còn là nhà phê bình văn học. Người GV Ngữ văn là sợi dây liên kết giữa tác phẩm và HS, là người tạo điều kiện cho HS chủ động tiếp thu tác phẩm chứ không phải là người áp đặt kiến thức cho HS. Cùng với đó, mỗi thầy cô giáo trước hết phải là những tấm gương về thanh lịch văn minh. Những bài giảng cần đa dạng, hấp dẫn và cung cấp nhiều hơn các câu chuyện, tư liệu hình ảnh Hà Nội xưa cũng như cập nhật các tư liệu hình ảnh về thực trạng Hà Nội ngày nay để học sinh dễ dàng so sánh, nhận xét. Vì vậy, hoạt động này cũng đòi hỏi sự chuyển biến tích cực về nề nếp, tác phong làm việc của cán bộ - giáo viên trong trường. QL DH Ngữ văn trong nhà trường cần phải quan tâm đến nhân tố đặc biệt là người thầy.


Tiểu kết chương 1

Quản lý dạy học Ngữ văn tích hợp với giáo dục nếp sống thanh lịch, văn minh là rất cần thiết, đặc biệt là trong xã hội hiện nay khi mà HS bị ảnh hưởng nhiều mặt trái của kinh tế thị trường và sự bùng nổ thông tin. Để làm rõ cơ sở lý luận về quản lý dạy học Ngữ văn tích hợp với giáo dục nếp sống thanh lịch, văn minh, đề tài đã nêu ra và phân tích một số khái niệm liên quan như: Quản lý, quản lý giáo dục, chức năng quản lý giáo dục, quản lý nhà trường, hoạt động dạy học và quản lý hoạt động dạy học. Đề tài cũng phân tích một số vấn đề về quản lý dạy học tích hợp trong môn Ngữ văn: khái niệm tích hợp, dạy học tích hợp, Quản lý hoạt động dạy học nội dung giáo dục nếp sống thanh lịch, văn minh của ngành Giáo dục đào tạo Hà nội và quản lý hoạt động dạy học môn Ngữ văn tích hợp với giáo dục nếp sống thanh lịch, văn minh ở trường THCS.

Có nhiều nhân tố ảnh hưởng đến công tác quản lý dạy học Ngữ văn tích hợp với giáo dục nếp sống thanh lịch, văn minh: hoàn cảnh xã hội, đặc điểm tâm sinh lý lứa tuổi; chất lượng đội ngũ giáo viên; Sự quan tâm của cha mẹ trẻ và năng lực quản lý của Hiệu trưởng.

Đó chính là những cơ sở lý luận quan trọng để khảo sát thực trạng công tác quản lý dạy học Ngữ văn tích hợp với giáo dục nếp sống thanh lịch, văn minh tại trường THCS Vân Hà, Đông Anh, Hà Nội và đề xuất những giải pháp quản lý nhằm nâng cao chất lượng dạy học Ngữ văn tích hợp với giáo dục nếp sống thanh lịch, văn minh tại trường THCS Vân Hà.

Ngày đăng: 17/05/2022