CHƯƠNG 1
PHƯƠNG PHÁP BỒI DƯỠNG HỌC SINH GIỎI TRONG QUÁ TRÌNH DẠY HỌC LỊCH SỬ LỚP 12 Ở TRƯỜNG TRUNG HỌC PHỔTHÔNG. LÝ LUẬN VÀ THỰC TIỄN
1.1. Cơ sở lý luận
Phương pháp bồi dưỡng HSG trong quá trình dạy học Lịch sử lớp 12 là một trong những nhân tố quyết định chất lượng dạy học Lịch sử ở trường THPT. Vì vậy việc tiến hành bồi dưỡng HSG cần dựa trên các nguyên tắc sư phạm nói chung về phương pháp dạy học LS nói riêng.
1.1.1. Quan niệm về phương pháp bồi dưỡng HSG trong quá trình dạy học lịch sử ở trường THPT
Theo từ điển Tiếng Việt “ Phương pháp là hệ thống các cách sử dụng để tiến hành một hoạt động nào đó”[31.tr.1].
Bồi dưỡng “là quá trình làm tăng thêm năng lực hoặc phẩm chất”(của người được bồi dưỡng).[31.tr.1].
Học sinh “là trẻ em học tập ở nhà trường” [31.tr.1].
Giỏi “là có trình độ cao, đáng được khâm phục hoặc khen ngợi”. [31.tr.1].
Như vậy học sinh giỏi là học sinh có trình độ cao (so với HS bình thường).
Môn Lịch sử “là môn khoa học nghiên cứu quá trình phát triển của xã hội loài người, hay của quốc gia, dân tộc” [31.tr.1].
Học sinh giỏi môn Lịch sử là học sinh có trình độ cao về môn Lịch sử (so với HS bình thường).
Ngoài khái niệm trên chúng tôi xin trích dẫn một số quan điểm về
HSG:
“HSG là học sinh chứng minh được trí tuệ ở trình độ cao và có khả
năng sáng tạo, thể hiện một động cơ học tập mãnh liệt và đạt xuất sắc trong lĩnh vực lý thuyết khoa học; người cần một sự giáo dục đặc biệt và sự phục
vụ đặc biệt để đạt được trình độ tương ứng với năng lực của người đó” (Georgia Law)[27.tr.2].
Cơ quan Giáo dục Hoa Kỳ miêu tả khái niệm “HS giỏi” như sau: Đó là những học sinh có khả năng thể hiện xuất sắc hoặc năng lực nổi trội trong các lĩnh vực trí tuệ, sự sáng tạo, khả năng lãnh đạo, nghệ thuật, hoặc các lĩnh vực lí thuyết chuyên biệt. Những học sinh này thể hiện tài năng đặc biệt của mình từ tất cả các bình diện xã hội, văn hóa và kinh tế” [27.tr.2].
Từ những quan niệm trên có thể kết luận: Phương pháp bồi dưỡng học sinh giỏi trong quá trình dạy học LS là một yếu tố của quá trình dạy học Lịch sử. Đó là việc GV sử dụng các con đường, hình thức, biện pháp tổ chức các hoạt động học tập trong quá trình tương tác với học sinh nhằm phát triển cao hơn phẩm chất, năng lực của những học sinh có năng khiếu và khả năng học tốt môn LS.
1.1.2. Những phẩm chất và năng lực đối với học sinh giỏi môn Lịch sử ở trường THPT.
Để quá trình bồi dưỡng học sinh giỏi trong quá trình dạy học Lịch sử đạt hiệu quả tốt, một trong những điều kiện tiên quyết là người dạy phải xác định được các tiêu chí làm căn cứ để xếp loại học sinh, từ đó khoanh vùng chính xác được đâu là học sinh giỏi Lịch sử. Nhằm xây dựng chính xác các tiêu chí của một học sinh giỏi Lịch sử, chúng tôi căn cứ vào những tài liệu khoa học có liên quan đến lĩnh vực giáo dục, tham khảo những quan điểm về HSG.
Căn cứ vào mục tiêu về phẩm chất và năng lực cần đạt của HS bậc THPT, chúng tôi những phẩm chất và năng lực cần đạt của một HSG Lịch sử, đó là:
Bảng 1.1. Các phẩm chất, khả năng, năng lực cần thiết của HSG
Khả năng, năng lực | |
- Có tình cảm, động cơ, mục đích học tập đúng đắn | - Ghi nhớ nhanh, bền vững, chính xác. |
- Tính chuyên cần, tích cực cao | . - Biết cách hình thành kiến thức LS khoa học. |
- Giàu ý chí, niềm tin, kiên trì, cầu thị trong học tập. | - Tự học tốt |
- Tự chủ, trung thực, thực hiện tốt kỷ luật trong mọi hoạt động. | - Phát hiện kịp thời và giải quyết hợp lí các vấn đề. |
- Có tính phê phán, hoài nghi khoa học. | - Thành thạo các thao tác tư duy |
- Có thế giới quan đúng đắn. | - Sáng tạo, linh hoạt trong học tập |
Có thể bạn quan tâm!
- Phương pháp bồi dưỡng học sinh giỏi trong quá trình dạy học Lịch sử lớp 12 ở trường trung học phổ thông Giao Thủy tỉnh Nam Định - 1
- Phương pháp bồi dưỡng học sinh giỏi trong quá trình dạy học Lịch sử lớp 12 ở trường trung học phổ thông Giao Thủy tỉnh Nam Định - 2
- Cơ Sở Thực Tiễn Của Công Tác Bồi Dưỡng Học Sinh Giỏi Lịch Sử Ở Trường Thpt
- Các Hình Thức Bồi Dưỡng Học Sinh Giỏi Môn Lịch Sử Ở Trường Thpt Giao Thủy
- Bồi Dưỡng Học Sinh Giỏi Trong Quá Trình Tự Học
Xem toàn bộ 155 trang tài liệu này.
1.1.3. Các cách phân loại đối tượng bồi dưỡng HSG môn LS ở trường phổ thông
Có nhiều cách tiếp cận và phân loại học sinh giỏi trong quá trình dạy học môn LS ở trường phổ thông. Dưới góc độ của GV bộ môn nhiều năm thực hiện công tác dạy học và bồi dưỡng HSG, chúng tôi đưa ra cách phân loại là căn cứ vào đối tượng nhiệm vụ, mục tiêu của quá trình bồi dưỡng.
Về đối tượng HSG lịch sử ở trường THPT Giao Thủy, chúng tôi căn cứ vào mức độ đạt được về phẩm chất và năng lực của HS để phân chia thành: HSG lịch sử nói chung: các em có khả năng, tư chất khá tốt để học tập bộ môn lịch sử, với đối tượng này chúng tôi sẽ tiến hành bồi dưỡng HSG cấp trường gắn với mục tiêu của kì thi THPT quốc gia là chủ yếu.
Đối với các em có tố chất nổi trội nhất trong số các em HSG trên chúng tôi gọi là các em HSG xuất sắc. Với đối tượng này chúng tôi lựa chọn và bồi dưỡng các em để thành lập đội tuyển dự thi kì thi HSG cấp tỉnh. Với đối tượng này mục tiêu chúng tôi đặt ta là giành giải cao trong kì thi HSG cấp tỉnh và điểm cao xuất sắc trong kì thi THPT quốc gia.
Ngoài ra trong quá trình bồi dưỡng nếu phát hiện HS có năng lực học LS xuất sắc chúng tôi sẽ bồi dưỡng để các em tham gia kì thi chọn đội tuyển HSG cấp tỉnh đi thi cấp khu vực và quốc gia.
1.1.4. Những yêu cầu đối với bồi dưỡng học sinh giỏi môn Lịch sử
1.1.4.1. Đặc điểm của tri thức Lịch sử
+ Kiến thức LS có tính quá khứ: LS loài người bao gồm những sự kiện đã xảy ra trong quá khứ vì vậy khi HS học LS tức là các em không thể trực tiếp quan sát mà chỉ nhận thức LS một cách gián tiếp thông qua các nguồn sử liệu hoặc trên cơ sở phân tích, suy luận từ những sự kiện hiện tượng tương tự. Nhận thức đúng đặc điểm này của kiến thức LS sẽ giúp GV và HS tránh được việc hiện đại hóa LS trong quá trình dạy và học.
+ Tính không lặp lại: các sự kiện, hiện tượng LS đều gắn với bối cảnh cụ thể về thời gian, không gian, nhân vật, điều kiện kinh tế, xã hội, tư tưởng… và chỉ xảy ra một lần, không bao giờ lặp lại nguyên xi. Mặc dù có nhiều sự kiện LS có những điểm tương đồng trong khi chúng xảy ra ở các nước, các thời kỳ khác nhau, đôi khi có vẻ như lặp lại nhưng đó là sự lặp lại trên cơ sở sự kế thừa và phát triển.
+ Tính cụ thể: LS xã hội loài người là chuỗi các sự kiện LS có mối liên hệ lô-gích vì vậy học LS chính là học về các sự kiện LS. Tuy nhiên mỗi sự kiện LS bao giờ cũng mang tính cụ thể tức là nó xảy ra phải gắn liền với mốc thời gian, không gian và nhân vật cụ thể. Như vậy khi học LS, HS cần học cụ thể các sự kiện LS của mỗi quốc gia, dân tộc theo quá trình từ hoàn cảnh, điều kiện đến diễn biến, kết quả, ý nghĩa của sự kiện đó.
+ Tính hệ thống: Tuy nội dung kiến thức LS rất phong phú và diễn ra trong những không gian, thời gian khác nhau song chúng lại có mối liên hệ lo gic chặt chẽ với nhau. Mối liên hệ đó không chỉ diễn ra ở các sự kiện xảy ra trong cùng thời điểm mà còn ở các sự kiện diễn ra trước và sau nó.
+ Tính thống nhất giữa “sử” và “luận”: Kiến thức LS được ghi chép lại bao gồm hai phần: phần “sử” và phần “luận”. Phần “sử” là các sự kiện, hiện
tượng đã xảy ra. Phần “luận” là cách viết, cách giải thích, bình luận, đánh giá, nhận xét của tác giả. Hai phần này có mối quan hệ chặt chẽ, không tách rời nhau
1.1.4.2. Những yêu cầu đối với bồi dưỡng học sinh giỏi môn Lịch sử
- Nhận thức đúng đắn đặc điểm của kiến thức LS và vận dụng chính xác các đặc điểm đó trong các hoạt động dạy và học:
+ GV và HS tránh việc hiện đại hóa LS.
+ Thường xuyên kết hợp giữa việc dạy và học kiến thức mới với việc củng cố, ôn tập kiến thức đã học nhằm khắc sâu vững chắc kiến thức.
+ Khi học tập và trình bày một vấn đề LS luôn tuân theo quy trình :xuất phát từ bối cảnh, quá trình phát triển, kết quả và ý nghĩa của nó.
+ Khi xem xét, đánh giá sự kiện LS, hiện tượng, nhân vật LS cần căn cứ vào điều kiện LS cụ thể, phân tích, so sánh dưới các góc nhìn khác nhau để đưa ra kết luận khoa học.
- Xác định đúng đắn mục tiêu của quá trình dạy và học từ đó gắn mục tiêu bồi dưỡng với mục tiêu của quá trình dạy và học đồng thời tìm ra con đường chung để đạt được mục tiêu đó.
- Quá trình bồi dưỡng phải bám sát chương trình, nội dung môn học. Chỉ bồi dưỡng những đơn vị kiến thức cơ bản.
- Việc bồi dưỡng phải nhằm phát triển các phẩm chất, năng lực chung và năng lực chuyên biệt cho HS.
- Việc bồi dưỡng phải đảm bảo tính vừa sức đối với HS.
- Việc bồi dưỡng phải đảm bảo tính liên tục, hệ thống và kế thừa.
- Gắn bồi dưỡng với nhu cầu của xã hội.
Ngoài yêu cầu cơ bản trên, đối với GV, chúng tôi xác định:
+ Có quan điểm đúng đắn về vấn đề bồi dưỡng HSG trong quá trình dạy học LS.
+ Chủ động xây dựng kế hoạch bồi dưỡng. Kế hoạch được xây dựng khoa học trên cơ sở nhiệm vụ, mục tiêu, nội dung chương trình môn học và những điều kiện dạy học cụ thể khác.
+ Chuẩn bị mọi điều kiện về tâm lý, tri thức, phương pháp, phương tiện và các điều kiện khác phục vụ tốt nhất cho việc bồi dưỡng.
+ Luôn đánh giá, rút kinh nghiệm, sẵn sàng lắng nghe và kịp thời điều chỉnh việc bồi dưỡng cho phù hợp với đối tượng, tính chất, yêu cầu về mức độ của các kì thi.
+ Kiến nghị với các cấp có thẩm quyền để giải quyết những vấn đề có liên quan đến việc bồi dưỡng.
Đối với HS:
+ Chủ động, tự giác, tích cực trong quá trình học.
+ Thực hiện một cách có trách nhiệm, linh hoạt sáng tạo nhiệm vụ học tập được giao.
+ Luôn có ý thức phấn đấu nhằm đạt tới sự phát triển không ngừng về phẩm chất, năng lực tức là đạt được sự tiến bộ trong học tập.
1.1.5. Vai trò, ý nghĩa của công tác bồi dưỡng học sinh giỏi Lịch sử ở trường THPT
Một trong những điều kiện quyết định thành công của quá trình bồi dưỡng học sinh giỏi Lịch sử ở trường phổ thông là vấn đề nhận thức đúng đắn mục đích, ý nghĩa của công việc này tức là ta cần trả lời câu hỏi: Việc bồi dưỡng HSG trong quá trình dạy học LS có tác dụng như thế nào?
Việc bồi dưỡng HSG không chỉ góp phần hoàn thành tốt mục tiêu giáo dục bộ môn LS nói riêng mà còn góp phần hoàn thành mục tiêu giáo dục của bậc học, cấp học nói chung, đặc biệt là việc hướng tới mục tiêu phát triển con người Việt Nam toàn diện bởi thiên chức cao quý của người giáo viên trong trường phổ thông là đào tạo ra các thế hệ học trò phát triển toàn diện về phẩm chất và năng lực.
Bồi dưỡng HSG môn LS ở trường THPT là góp phần thực hiện chiến lược đào tạo nhân lực, bồi dưỡng nhân tài của Đảng và Nhà nước, bởi HSG nếu được bồi dưỡng thì có nhiều khả năng sẽ trở thành những nhà chuyên môn, nhà khoa học xuất sắc của bộ môn hoặc người lao động lành nghề trong lĩnh vực nghề nghiệp mà họ công tác. HSG như những viên ngọc quý, nhưng ngọc có mài mới sáng, đó là triết lí của ông cha từ bao đời. Như vậy việc bồi dưỡng HSG môn LS ở trường THPT còn góp phần làm tốt công tác phân hóa, định hướng nghề nghiệp chính xác cho HS, từ đó đóng góp cho xã hội nguồn nhân lực có chất lượng cao.
Làm tốt công tác bồi dưỡng HSG môn LS ở trường phổ thông sẽ làm tăng vị thế, vai trò của bộ môn LS từ đó thu hút được sự yêu thích và đam mê học tập của HS đối với môn học này. Điều đó đặc biệt có ý nghĩa quan trọng trong bối cảnh đa số học sinh chưa chọn LS là môn học có tính định hướng nghề nghiệp và coi LS là “môn phụ” nên việc học LS chủ yếu chỉ mang tính đối phó với kiểm tra, thi cử. Rõ ràng trong bối cảnh không nhiều học sinh chọn LS là “môn chính” thì việc tạo cho học sinh niềm yêu thích LS tức là góp phần tạo ra thế hệ công dân tương lai am hiểu sâu sắc, “tường gốc tích nước nhà Việt Nam” như lời dạy của Bác Hồ “ Dân ta phải biết sử ta”.
Làm tốt công tác bồi dưỡng HSG tức là làm tốt công tác giáo dục LS dân tộc, giáo dục truyền thống ý thức, là giáo dục khát vọng vươn lên của người Việt đối với HS, nhất là HS có năng khiếu bộ môn theo tinh thần “ôn cố tri tân”. Đặc điểm nổi bật của LS Việt Nam là quá trình dựng nước đi đôi với giữ nước và yêu nước trở thành truyền thống cao quý nhất của người Việt Nam. Truyền thống đó luôn được nuôi dưỡng trong lòng dân tộc, được phát huy trong các thời đại LS và đến với HS qua cuộc sống thường ngày, qua nhiều môn học, song LS là môn học có ưu thế nhất. Những HS sẽ trở thành những công dân tương lai giàu lòng yêu nước và tiếp lửa yêu nước cho các thế hệ sau. Mặt khác những bài học, kinh nghiệm LS được đúc rút từ mấy nghìn năm dựng và giữ nước của ông cha là hành trang cho các thế hệ học trò
bước vào cuộc sống tương lai. Những tấm gương vươn lên thần kì từ khắp các dân tộc, quốc gia trên thế giới sẽ trở thành động lực thúc đẩy sự cố gắng phấn đấu hết mình của các thế hệ HS. Như vậy công tác bồi dưỡng HSG môn LS trong trường phổ thông còn góp phần quan trọng trong việc giáo dục truyền thống, ý thức dân tộc từ đó bồi dưỡng tinh thần giữ gìn độc lập, chủ quyền quốc gia, khát vọng ý chí vươn lên xây dựng quốc gia hùng cường sánh vai cùng các cường quốc năm châu cho các thế hệ học sinh. LS là bộ môn có vai trò quan trọng đối với việc phát triển năng lực, đặc biệt là các phẩm chất: yêu gia đình, yêu Tổ quốc, yêu đồng bào của người học.
Đối với HS nhất là với HSG lớp 12, công tác bồi dưỡng các em càng có vai trò quan trọng. Việc các em được bồi dưỡng sẽ góp phần phát triển các phẩm chất và năng lực chung cũng như năng lực riêng biệt của bộ môn LS lên một tầm cao mới. Điều này trực tiếp quyết định đến việc học tập tiếp theo và tương lai nghề nghiệp của HS, nhất là những HS chọn môn LS để xét tuyển Đại học cao đẳng. Rõ ràng việc bồi dưỡng HSG trong quá trình dạy học LS ở trường THPT nhất là với HS khối 12 đã góp phần kiến tạo tương lai tốt đẹp cho các em, góp phần vào sự phồn vinh của đất nước.
Đối với GV môn LS việc thực hiện nhiệm vụ bồi dưỡng HSG sẽ giúp giáo viên nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ, tạo dựng uy tín đối với HS và đồng nghiệp từ đó có thể hướng tới việc đạt các danh hiệu thi đua cao quý trong quá trình công tác. Từ việc tạo dựng được uy tín trong nghề nghiệp GV có thể có cơ hội thăng tiến trong nghề nghiệp, có khả năng tăng thêm nguồn thu nhập từ đó cải thiện và nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của bản thân và gia đình, điều đó góp phần làm tăng thêm tình yêu nghề và khát vọng cống hiến cho xã hội nhiều hơn của GV.
Đối với các nhà trường bồi dưỡng HSG là một trong những nhiệm vụ mũi nhọn và là sứ mệnh của các trường vì vậy nếu việc bồi dưỡng HSG môn LS đạt kết quả tốt sẽ góp phần quan trọng trong việc hoàn thành nhiệm vụ chính trị của nhà trường.