Thực Trạng Phát Triển Sản Phẩm Du Lịch Đặc Thù Tỉnh Phú Yên


Chương 3. THỰC TRẠNG PHÁT TRIỂN SẢN PHẨM DU LỊCH ĐẶC THÙ TỈNH PHÚ YÊN

3.1. Sản phẩm du lịch hiện có

3.1.1. Sản phẩm du lịch trải nghiệm

• Đón bình minh

Danh thắng Mũi Đại Lãnh là sự kết hợp hài hòa giữa cảnh quan thiên nhiên núi, biển và công trình kiến trúc ngọn hải đăng. Mũi Đại Lãnh còn là điểm cực Đông và cũng là nơi đón ánh bình minh đầu tiên trên đất liền Việt Nam.

Danh thắng nằm cách trung tâm thành phố Tuy Hòa khoảng 30km về phía Nam, bao gồm 2 điểm liền kề nhau là Mũi Đại Lãnh và Bãi Môn; du khách dễ dàng tiếp cận điểm đến này bằng đường hàng không, đường sắt, đường bộ hay đường biển; sau đó di chuyển bằng ô tô, xe máy hoặc tàu thuyền. Xung quanh nơi này có nhiều quán ăn, nhà nghỉ phục vụ cơ bản nhu cầu ăn ở của du khách.

Mũi Đại Lãnh là mỏm núi nối liền với dãy Đèo Cả, chạy dài ra phía Đông, nhô thẳng ra biển, kết thúc bởi khối đá dựng đứng trước đại dương mênh mông, tạo bức tranh phong cảnh non xanh nước biếc kì vĩ. Bãi Môn là một bãi biển nhỏ nằm lọt giữa 2 mũi đất là mũi Nạy ở phía Bắc và mũi Điện ở phía Nam, dưới chân các mũi đất và sát mép nước là các bãi đá chồng lên nhau tạo ra nhiều cảnh quan kì thú. Phía Tây Bãi Môn là rừng nguyên sinh, tạo nên sự che chắn ở cả 3 mặt cho bãi biển, phía trước là vịnh nhỏ mở ra biển Đông.

Qua khảo sát sơ bộ, bãi Môn tuy đẹp nhưng có nhiều dòng RIP nguy hiểm đối với du khách, nơi này chỉ có thể tổ chức các trò chơi thể thao biển mạo hiểm. Danh thắng còn khá hoang sơ, ngoài cảnh quan đẹp thì dịch vụ du lịch dường như chưa có, không có lều trại cố định bên bờ biển, du khách nếu muốn ngủ qua đêm để đón bình minh phải thuê lều trại phía trên gần mũi Đại Lãnh hoặc lều vải phía dưới gần bãi Môn không đảm bảo an toàn và sức khỏe, đặc biệt là khi trời gió.

Ngoài ra, khu vực này còn nằm gần với rừng nguyên sinh Bắc Đèo Cả và có dòng suối nước ngọt chảy ra bãi Môn nên muỗi ở đây khá nhiều; chưa có trò chơi thể thao trên biển như ca nô, nhảy dù, lướt sóng, lướt ván…; dịch vụ khác như teambuiding, cắm trại, lửa trại, câu cá… cũng rất hạn chế.

Có thể bạn quan tâm!

Xem toàn bộ 229 trang tài liệu này.


• Di sản đá

Phát triển sản phẩm du lịch đặc thù tỉnh Phú Yên - 12

Gành Đá Đĩa là loại tài nguyên độc nhất vô nhị của Việt Nam, có bề mặt đá bazan hình thành do hoạt động núi lửa của cao nguyên Vân Hòa kết hợp với bề mặt đá granit của Gành Đèn tạo nên một quần thể tham quan lí tưởng, ở đó có rất nhiều loại đá đa sắc màu nằm tập trung và rải rác ven bờ biển.

Di tích nằm cách trung tâm thành phố Tuy Hòa khoảng 40km về phía Bắc nên du khách dễ dàng tiếp cận điểm đến này bằng đường hàng không, đường sắt, đường bộ hay đường thủy; sau đó di chuyển bằng ô tô, xe máy hoặc tàu thuyền. Xung quanh khu vực này có nhiều quán ăn, nhà nghỉ phục vụ cơ bản nhu cầu ăn ở của du khách.

Gành Đá Đĩa nằm trong quần thể thiên nhiên lí tưởng. Phía Đông là vịnh Xuân Đài, một trong những vịnh biển đẹp nhất Việt Nam. Phía Nam là bãi biển dài khoảng 3km với dải cát trắng mịn, sạch, nước biển trong xanh và bãi cuội sắc màu nằm sát bờ biển. Phía Bắc là ngọn hải đăng sừng sững trên đỉnh cao của gành Đèn, làm nhiệm vụ soi sáng tàu bè ra vào vịnh Xuân Đài. Phía Tây là xóm làng trù phú với những di sản đá nổi tiếng khắp vùng.

Mặc dù nơi đây là điểm du lịch nổi tiếng ở địa phương nhưng dịch vụ du lịch bổ sung cho sản phẩm chính chưa thật đa dạng. Ngoài các gian hàng bán vật phẩm, đặc sản địa phương và một nhà hàng giới thiệu ẩm thực Phú Yên thì các dịch vụ khác như tàu thuyền tham quan xung quanh khu vực gành Đá Đĩa và gành Đèn chưa có, chỉ có số ít thuyền thúng không đảm bảo an toàn và không đủ số lượng chuyên chở du khách tham quan, chưa có dịch vụ mở cửa tham quan ngọn hải đăng gành Đèn, khu vực bãi tắm gần bên tuy khá đẹp nhưng chưa có lều trại và dịch vụ tắm biển, phơi nắng, thể thao trên biển, chưa bổ sung các hoạt động trải nghiệm thực tế cho du khách thử nghiệm cuộc sống gắn với đá của người dân bản địa…

Thêm nữa, công tác bảo tồn các di sản đá chưa được chú trọng, mỗi ngày có số lượng lớn du khách tham quan ảnh hưởng không nhỏ đến việc bảo tồn đặc trưng bề mặt dạng tổ ong của đá, lâu dần sẽ bị bào mòn và không còn giữ nguyên trạng như lúc ban đầu. Nhiều khu vực tham quan rất trơn và dễ trượt do bề mặt trở nên nhẵn bóng, tính nguyên bản bị phá vỡ đi khá nhiều.


• Đi bộ vượt biển

Nhất Tự Sơn là một hòn đảo nhỏ và được khu rừng nguyên sinh bao phủ xung quanh với thảm thực vật quí hiếm, vách núi dựng đứng và có nhiều hang động bí ẩn. Bên cạnh đó là con đường vượt biển ra đảo, thoạt nhìn không khác gì so với đảo Điệp Sơn (Khánh Hòa) nhưng đường đi ngắn hơn, mực nước thấp hơn nên có độ an toàn cao hơn đối với du khách.

Đảo chỉ nằm cách trung tâm thành phố Tuy Hòa khoảng 45km về phía Bắc nên du khách thuận lợi tiếp cận điểm đến này bằng đường hàng không, đường sắt, đường bộ hay đường thủy; sau đó di chuyển bằng ô tô, xe máy hoặc tàu thuyền, cuối cùng có thể đi ghe xuồng hoặc lội bộ để qua. Xung quanh nơi này và trên đảo có nhiều quán ăn, nhà nghỉ phục vụ cơ bản nhu cầu ăn ở của du khách.

Đảo Nhất Tự Sơn chỉ cách đất liền khoảng chừng 300m bởi con đường bộ vượt biển và cho dù nước có ngập hay không thì du khách vẫn hoàn toàn yên tâm lội nước qua đảo để trải nghiệm sự bao la của biển cả, sự hùng vĩ của núi non và sự bí ẩn của hang động… Đó là điều thu hút du khách thanh niên thích sự phiêu lưu mạo hiểm và tự do tự tại.

Có thể nói đây là tổ hợp những điểm du lịch vô cùng hấp dẫn ở địa phương. Tuy nhiên, nơi này thiếu rất nhiều thuyền bè chuyên chở du khách tham quan, chưa trang bị trò chơi thể thao trên biển như nhảy dù, lướt sóng, ca nô…; chưa thiết kế và tổ chức teambuilding vượt biển, leo núi, khám phá hang động…; bãi biển thì thiếu lều trại, núi non thì chưa bổ sung các dịch vụ hỗ trợ leo núi, trượt cát… Nhà hàng trên đảo chỉ mở cửa ban ngày, ban đêm không cung cấp bát kì dịch vụ ăn uống nào cho du khách, điều đó làm chất lượng sản phẩm giảm sút đáng kể, doanh thu du lịch cũng giảm bội phần.

Các doanh nghiệp du lịch chỉ mới sử dụng tài nguyên du lịch sẵn có mà chưa thực sự đầu tư đúng mức để khai thác sản phẩm này hiệu quả, lâu dài và đảm bảo tính bền vững. Các nhà quản lí chưa có chính sách kịp thời nhằm nâng cao giá trị cho sản phẩm du lịch này. Do vậy, địa phương cần có chính sách kịp thời để hỗ trợ các doanh nghiệp du lịch đầu tư thỏa đáng vào điểm đến này, đặc biệt tập trung nguồn vốn đáng kể để khai thác tối đa tiềm năng của đảo Nhất Tự Sơn.


3.1.2. Sản phẩm du lịch chuyên đề

• Theo dòng lịch sử

Núi Đá Bia nằm cách trung tâm thành phố Tuy Hòa khoảng 35km về phía Nam, du khách thuận lợi tiếp cận điểm đến này bằng đường không, đường sắt, đường bộ hay đường thủy; sau đó di chuyển bằng ô tô, xe máy hoặc tàu thuyền. Xung quanh nơi này có nhiều quán ăn, nhà nghỉ phục vụ cơ bản nhu cầu ăn ở của du khách.

Núi Đá Bia gắn với nhiều sự kiện lịch sử của dân tộc Việt Nam và từ lâu là điểm du lịch thể thao mạo hiểm của tỉnh Phú Yên; vào cuối tháng 3 hàng năm, tỉnh Phú Yên tổ chức Giải leo núi chinh phục đỉnh Đá Bia cho mọi đối tượng tham gia, góp phần quảng bá du lịch địa phương, nâng cao sức khỏe người dân. Hoạt động này thu hút đông đảo du khách gần xa, người đầu tiên lên đỉnh núi sẽ được trao tặng kỉ niệm chương và tiền thưởng để khích lệ tinh thần thể thao.

Hoạt động du lịch thể thao mạo hiểm leo núi chinh phục đỉnh núi Đá Bia tuy thú vị nhưng mỗi năm chỉ tổ chức một mùa giải duy nhất là điều đáng tiếc; dịch vụ du lịch thiết yếu quanh khu vực Đá Bia không có, du khách phải tự trang bị nhu yếu phẩm cho chuyến leo núi của mình. Hơn nữa, chưa có hoạt động tìm hiểu lịch sử nước nhà gắn với biểu tượng núi Đá Bia để nâng cao giá trị của sản phẩm du lịch.

Vũng Rô là cảng biển nước sâu dưới chân núi Đá Bia, có sóng êm, gió lặng, lòng biển chứa nhiều hải sản, dưới đáy biển là rạn san hô màu hấp dẫn cho những hoạt động du lịch thể thao biển, câu cá, bơi lặn... đồng thời gắn liền với huyền thoại về những chuyến Tàu Không số và đường Hồ Chí Minh trên biển rất vẻ vang trong lịch sử đấu tranh chống ngoại xâm của dân tộc Việt Nam; vào dịp cuối tuần, các hoạt động du lịch ở Vũng Rô diễn ra rất sôi nổi.

Hoạt động câu cá và lặn biển ở Vũng Rô rất thú vị, vừa có thể ngắm cảnh vừa có thể lặn biển, câu cá và thưởng thức sản vật biển câu được. Du khách có thể câu cá và ăn uống trên lồng bè hải sản của ngư dân làng chài. Tuy nhiên, điểm này chưa có các trò chơi thể thao trên biển, hoạt động câu cá còn sơ sài, chưa trang bị các phương tiện đi câu, lặn biển, thiếu đồ bảo hộ... rất không đảm bảo an toàn cho du khách.


Hoa vàng cỏ xanh

Bãi Xép là nơi có cảnh quan tự nhiên đẹp và thoáng đãng, được chọn làm phim trường “Hoa vàng cỏ xanh”. Từ yêu thích các cảnh đẹp trong phim, khán giả nảy sinh nhu cầu khám phá, trải nghiệm những nơi mà bộ phim được quay.

Tranh thủ hiệu ứng tích cực của bộ phim, các công ty du lịch địa phương đã thiết kế tour về với xứ sở “hoa vàng cỏ xanh”, khai thác một số cảnh phim để làm phim trường, thế là tour “hoa vàng cỏ xanh” ngẫu nhiên trở thành sản phẩm du lịch chuyên đề hấp dẫn, độc đáo. Khu vực tham quan thuộc huyện Tuy An, chỉ nằm cách trung tâm thành phố Tuy Hòa khoảng 15km về phía Bắc nên du khách dễ dàng tiếp cận điểm đến bằng đường hàng không, đường sắt hay đường bộ; sau đó có thể di chuyển bằng ô tô, xe máy hoặc xe đạp để tới đây. Xung quanh nơi này có nhiều nhà hàng, khách sạn phục vụ tối đa nhu cầu ăn ở của du khách.

Sản phẩm du lịch “hoa vàng cỏ xanh” đã khai thác tốt vẻ đẹp “xanh” của tỉnh Phú Yên với đồi cỏ xanh ngát trên gành Ông và biển nước xanh trong dưới Bãi Xép. Du khách đến đây không khỏi ngỡ ngàng trước vẻ đẹp xanh bất tận của vùng quê thanh bình, tươi đẹp. Tuy nhiên, tour “hoa vàng cỏ xanh” vẫn chưa khai thác tối đa, hiệu quả vẻ đẹp “xanh” của Phú Yên với cánh đồng mía xanh mướt ở Sông Hinh, đồi cỏ xanh bao la ở đầm Ô Loan, dòng nước xanh mát ở Đập Đồng Cam, bãi Môn với nước biển xanh ngăn ngắt và cát trắng mịn màng, chiếc cầu tre nho nhỏ bắt qua dòng sông xanh, con đường đất uốn lượn quanh co trên đồng lúa xanh mơn mởn... Cảnh sắc và tuổi thơ đẹp đến nao lòng với đêm rằm Trung thu dưới ánh trăng sáng, cảnh đồng quê nước ngập mênh mông mùa lũ, trò chơi dân gian đá cỏ gà, thả diều, nhảy dây, tắm biển, câu cá... chưa được khai thác.

Nguyện vọng của nhiều du khách khi du lịch Phú Yên là được trải nghiệm và tận hưởng không gian xanh bất tận của làng quê xứ Nẫu. Thế nhưng, cảnh đẹp của địa phương trong phim “Hoa vàng cỏ xanh” nằm cách xa nhau và không phải bất kì mùa nào cũng xanh như thế làm không ít du khách đến đây cảm thấy thất vọng. Cảnh quay tại Bãi Xép là cảnh nền của bộ phim được khai thác phục vụ du khách tham quan, ngoài vẻ đẹp hoang sơ thì không có bất kì một dịch vụ du lịch nào giúp du khách trải nghiệm các cảnh quay trong phim như thả diều, nhảy dây, đá cỏ gà…


Ẩm thực địa phương

Phú Yên có hệ sinh vật khá đa dạng với nhiều loài thực động vật phong phú. Các sản vật tự nhiên được người dân khai thác phục vụ du lịch thưởng thức ẩm thực đặc sản địa phương. Như miền biển vùng Duyên hải Nam Trung Bộ, Phú Yên có nhiều món ăn và thức uống lấy nguồn nguyên liệu từ sản vật tự nhiên. Để được thưởng thức ẩm thực đặc sản địa phương, du khách có thể đến Phú Yên vào bất cứ mùa nào trong năm bằng đường hàng không, đường sắt, đường bộ hay đường biển. Hệ thống nhà hàng, quán ăn phân bố rộng khắp toàn tỉnh, đảm bảo phục vụ tối đa cho mọi đối tượng du khách, từ bình dân đến cao cấp.

So với các tỉnh thành ven biển khác, thủy hải sản của Phú Yên vừa ngon lại vừa rẻ, đặc biệt là cá ngừ đại dương với các cách chế biến độc đáo đã làm nên thương hiệu ẩm thực cho du lịch Phú Yên. Cũng cần nói thêm rằng, tuy sản lượng đánh bắt cá ngừ đại dương mỗi năm của Bình Định cao hơn Phú Yên nhưng với cách chế biến và thưởng thức độc đáo, cá ngừ đại dương Phú Yên được du khách trong và ngoài nước biết đến nhiều hơn. Điều này cho thấy chất lượng sản phẩm quyết định khả năng khai thác, sử dụng lâu dài sản phẩm đó chứ không hoàn toàn phụ thuộc vào số lượng (khả năng cung ứng). Nếu Khánh Hòa nổi tiếng bởi “mực một nắng” thì Phú Yên được biết đến với “bò một nắng”. Món ăn này đã góp phần tạo nên nét đặc sắc tinh hoa ẩm thực và tôn vinh sự lao động sáng tạo của đồng bào miền núi phía Tây tỉnh Phú Yên.

Tuy nhiên, sản phẩm ẩm thực đặc sản địa phương chưa được tiêu chuẩn hóa chất lượng cũng như giá cả nên rất nhiều đơn vị kinh doanh ăn uống còn tùy tiện trong cách chế biến cũng như định giá gây ảnh hưởng không nhỏ đến hình ảnh và chất lượng sản phẩm. Cơ sở kinh doanh ăn uống qua kiểm định và cấp chứng nhận đủ chất lượng phục vụ du khách chưa nhiều. Quán ăn bày bán ẩm thực địa phương phát triển tự phát chưa đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm và chất lượng có nhiều khác biệt. Du khách đến đây sẽ so sánh về chất lượng, giá cả, vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm. Bên cạnh đó, nguồn cung ứng các đặc sản ở địa phương chưa đồng đều, số lượng hạn chế theo mùa, đặc biệt mùa mưa bão dẫn đến khai thác sản phẩm này từng thời điểm trong năm tương đối bị động.


3.1.3. Sản phẩm du lịch khác

Một số sản phẩm du lịch khác như: tham quan Đền thờ Lương Văn Chánh, Nhà thờ Mằng Lăng, Chùa Đá Trắng, Chùa Thanh Lương; thưởng thức biểu diễn văn hóa nghệ thuật dân gian với đàn đá, kèn đá dưới chân Tháp Nhạn; tham quan Làng gốm Quảng Đức; tham gia Hội đua ngựa Gò Thì Thùng hạn chế nhiều mặt. Du khách đến Phú Yên có xu hướng sử dụng các sản phẩm du lịch kết hợp tự nhiên

- văn hóa và thường yếu tố tự nhiên trội hơn. Do vậy, sản phẩm du lịch gắn với các yếu tố văn hóa chưa được quan tâm đúng mức. Vì thế, địa phương cần chú trọng đầu tư phát triển thêm. Hơn nữa, tiềm năng về sản phẩm du lịch gắn với tài nguyên du lịch văn hóa của Phú Yên rất lớn và nên có sự nghiên cứu phát triển đồng bộ cả hai loại hình sản phẩm du lịch nói trên, góp phần xây dựng thương hiệu du lịch “Phú Yên: điểm đến hấp dẫn và thân thiện”.

3.2. Phát triển sản phẩm du lịch đặc thù

3.2.1. Kết quả phân tích SWOT

3.2.1.1. Thế mạnh (Strengths)

• S1. Phú Yên có vị trí địa lí thuận lợi

Phú Yên là một tỉnh thuộc khu vực Duyên hải Nam Trung bộ, nằm gần như trung tâm của vùng; từ địa phương trở ra theo hướng Bắc lần lượt là Bình Định, Quảng Ngãi, Quảng Nam và Đà Nẵng; trở vô theo hướng Nam sẽ là Khánh Hòa, Ninh Thuận và Bình Thuận; phía Tây tiếp giáp tỉnh Gia Lai và Đắk Lắk; phía Đông mở rộng ra biển Đông. Có thể nói, vị trí địa lí đó vô cùng chiến lược, có ý nghĩa về mặt chính trị - kinh tế và văn hóa - xã hội.

Địa phương nằm trên trục giao thông chính Bắc - Nam cả về đường bộ, đường sắt, đường thủy và đường hàng không, có vai trò quan trọng trong liên kết phát triển du lịch Bắc - Nam, Đông - Tây với Tây Nguyên, Nam Lào, Đông Bắc Campuchia và Đông Bắc Thái Lan; là cửa ngõ ra biển Đông của tuyến hành lang Đông - Tây nối với đường hàng hải quốc tế.

• S2. Phú Yên có tiềm năng du lịch rất lớn

Tiềm năng du lịch Phú Yên chủ yếu dựa vào hệ thống tài nguyên du lịch phong phú và đa dạng; trong đó, các tài nguyên du lịch tự nhiên khác biệt độc đáo


và ấn tượng, các tài nguyên du lịch văn hóa khác biệt nổi trội và đặc sắc; là cơ sở xây dựng, phát triển loại hình du lịch đặc trưng và sản phẩm du lịch đặc thù.

Tận dụng các lợi thế đó, địa phương đã xây dựng hệ thống sản phẩm du lịch cơ bản, bước đầu hình thành những loại hình, sản phẩm du lịch gắn với tài nguyên du lịch tự nhiên, văn hóa của tỉnh. Tuy các sản phẩm du lịch của tỉnh Phú Yên chưa hoàn thiện nhưng có thể phát triển tính đặc thù của sản phẩm du lịch và tạo nên thương hiệu du lịch điểm đến.

Tiềm năng du lịch Phú Yên còn dựa vào cơ sở hạ tầng, cơ sở vật chất kĩ thuật du lịch và môi trường tự nhiên - văn hóa đảm bảo, đặc biệt là chính sách phát triển du lịch địa phương thuận lợi cho việc xây dựng/phát triển và khai thác/sử dụng các sản phẩm du lịch đặc thù.

• S3. Phú Yên có quĩ đất du lịch rộng mở

Du lịch Phú Yên chỉ mới bắt đầu và đang trên đà phát triển; khu vực núi đồi, ven biển, đầm vịnh… còn hoang sơ, là nguồn lực thu hút các dự án lớn và không chịu nhiều áp lực về giải phóng mặt bằng. Xu hướng du lịch hiện đại là tập trung phát triển những khu du lịch tổng hợp cung cấp đa dịch vụ, từ ăn ở đến vui chơi, giải trí và tham quan, mua sắm… rất cần quĩ đất rộng.

Địa phương tạo cơ chế đặc thù và thủ tục thông thoáng cho các nhà đầu tư có vốn mạnh và thực sự có tâm với quê hương Phú Yên theo tiêu chí phát triển du lịch một cách đồng bộ, toàn diện, qui mô và hiệu quả. Dự án sau khi phê duyệt sẽ phải triển khai nhanh chóng, kịp thời đáp ứng kịp yêu cầu phát triển du lịch địa phương trong thì kì mới.

• S4. Phú Yên là điểm đến an toàn, thân thiện

Con người xứ Nẫu - Phú Yên chân chất, hiền hòa; nét “quê mùa” gắn với sự nhiệt tình, lòng hiếu khách, tính thân thiện… phù hợp tiêu chí “văn hóa cộng đồng địa phương” trong xây dựng/phát triển và khai thác/sử dụng các sản phẩm du lịch đặc thù.

Nguồn nhân lực du lịch dồi dào, tuy có các hạn chế nhất định về trình độ chuyên môn cũng như kĩ năng nghề nghiệp nhưng chịu khó học hỏi, dễ đào tạo và bồi dưỡng; giá cả dịch vụ không cao đi kèm với chất lượng và không “chặt chém” du khách; mùa du lịch cao điểm tăng phí dịch vụ theo qui định nhà nước.

Xem tất cả 229 trang.

Ngày đăng: 16/03/2023
Trang chủ Tài liệu miễn phí