Tài Nguyên Du Lịch Văn Hóa Khác Biệt


• Vịnh Xuân Đài

Vịnh Xuân Đài thuộc địa phận của huyện Tuy An và thị xã Sông Cầu, tỉnh Phú Yên, cách trung tâm thành phố Tuy Hòa khoảng 45km về phía Bắc.

Vịnh có diện tích mặt nước 13.000ha, bờ vịnh dài 50km, cửa rộng 4,5km và độ sâu từ 5-20m; là di tích - danh thắng tiêu biểu ở Phú Yên, kết hợp hài hòa các yếu tố tự nhiên và lịch sử - văn hóa, đang qui hoạch thành khu du lịch của quốc gia. Giá trị tự nhiên - văn hóa nổi bật của vịnh Xuân Đài là tiềm năng to lớn phát triển sản phẩm du lịch đặc thù địa phương.

Vịnh Xuân Đài gắn liền với nhiều sự kiện lịch sử quan trọng liên quan đến vùng đất Phú Yên và cả nước. Cuối thế kỉ XVI, những lưu dân người Việt đầu tiên theo Lương Văn Chánh định cư tại Phú Yên, chọn vùng đất rộng lớn thuộc hạ lưu Sông Cái là Bà Đài làm địa bàn sinh sống. Cuối thế kỉ XIX, tên Xuân Đài thay thế Bà Đài, về sau địa danh này chỉ dùng gọi tên vịnh Xuân Đài.

Trong thời kì giao tranh giữa nhà Tây Sơn và nhà Nguyễn, vịnh Xuân Đài là một chiến trường khốc liệt với các trận thủy chiến lớn, nhỏ. Đây cũng là nơi diễn ra hoạt động ngoại giao đầu tiên giữa Việt Nam và Hoa Kì vào năm 1832. Khởi nghĩa do Lê Thành Phương hưởng ứng phong trào Cần Vương lãnh đạo nhân dân cũng bị trấn áp tại đây. Năm 1945, tàu hải quân Nhật Hoàng tiến vào vịnh đánh chiếm làm bàn đạp tấn công đất liền bị đồng minh bắn chìm giữa vịnh. Vũng Lắm thuộc vịnh Xuân Đài với vai trò người Hoa, từng là thương cảng bậc nhất của Phú Yên trong quá khứ và là cửa ngõ thông thương ra bên ngoài; có một thời, vịnh Xuân Đài cũng là trung tâm hành chính của tỉnh Phú Yên.

Vịnh Xuân Đài có nhiều núi lan ra mặt nước tạo thành nhiều vũng nhỏ: phía Tây có vũng Lắm; phía Bắc có vũng La, vũng Sứ, vũng Chào; phía Đông nằm dọc bán đảo Xuân Thịnh có vũng Mắm, vũng Me, vũng Chua, vũng Dông. Bờ vịnh có nhiều đảo và bãi ngầm bao gồm Cù lao Ông Xá, đảo Nhất Tự Sơn, đảo Núi Con, Hòn Yến và Đám Cả. Lòng vịnh có hệ sinh vật đa dạng gồm nhiều loại tảo phù du, cỏ thủy sinh, cỏ biển, thực vật ngập mặn, động vật phù du, động vật thân mềm 2 mảnh vỏ, cá và san hô. Người dân địa phương nơi đây sống chủ yếu bằng nghề đánh bắt hải sản nên gần khu vực này có rất nhiều Lăng Ông và hoạt động lễ hội Cầu Ngư diễn ra quanh năm.


• Núi Đá Bia

Núi Đá Bia thuộc xã Hòa Xuân Nam, huyện Đông Hòa, tỉnh Phú Yên, cách trung tâm thành phố Tuy Hòa khoảng 35km về phía Nam.

Có thể bạn quan tâm!

Xem toàn bộ 229 trang tài liệu này.

Núi Đá Bia có tên chữ là Thạch Bi Sơn và rất nhiều các tên gọi khác như: Le Doigt de Dieu (Pháp), Đồng Trụ Sơn (Trung Quốc), Núi Ông Bia (Phú Yên), Kut Bhih/Kut Hbia Kmhêng (Êđê), Hơ Đoang Ktor (Chăm); thuộc dãy núi Đèo Cả (Đại Lãnh/Đại Lĩnh), nằm cách mũi Điện 12km về phía Tây; núi cao 706m, khối đá trên đỉnh (Lingaparvata) 76m, có đường đá lên núi dài 2,5km. Địa danh gắn liền với danh nhân và sự kiện lịch sử quan trọng của Phú Yên cũng như Việt Nam.

Đỉnh Đá Bia gắn liền với truyền thuyết vua Lê Thánh Tông sau chiến thắng Chà Bàn (Bình Định ngày nay) cho khắc chữ vào khối đá trên đỉnh núi mục đích phân định ranh giới giữa Đại Việt - Chiêm Thành năm 1471; đến năm 1771, bút tích bị xóa sạch bởi sự kiện sét đánh núi Đá Bia đã được ghi chép trong các sử sách của Việt Nam: Phủ biên tạp lục - Lê Quý Đôn, Hoàng Việt dư địa chí - Phan Huy Chú, Đại Nam nhất thống chí - Quốc sử quán triều Nguyễn; có mô tả: sắc đá màu đen, sau khi bị sét đánh đã bóc vỡ lớp mặt ngoài chuyển qua màu trắng, nên vết tích không còn nữa.

Phát triển sản phẩm du lịch đặc thù tỉnh Phú Yên - 9

Năm 1578, Lương Văn Chánh đem lưu dân mở mang vùng đất nằm giữa Đèo Cù Mông và Đèo Cả đã dẫn đến sự ra đời đơn vị hành chính phủ Phú Yên; vào năm 1611, núi Đá Bia trở thành biên giới phía Nam của Đại Việt, lúc đó thuộc xứ Đàng Trong dưới quyền quản lí trực tiếp của chúa Nguyễn; năm 1653, khi 2 phủ Thái Khang và Diên Ninh (Khánh Hòa ngày nay) thành lập thì Đá Bia trở thành ranh giới giữa Phú Yên và Khánh Hòa.

Năm 1836, vua Minh Mạng đã cho thể hiện biểu tượng dãy Đại Lãnh (cả núi Đá Bia) vào Tuyên đỉnh, 1 trong 9 chiếc đỉnh đồng đặt ở Thế miếu trong Đại nội kinh thành Huế; năm 1840, triều Nguyễn qui định luật tế thần danh sơn đại xuyên trong nước, lễ vật núi Đại Lãnh và sông Đà Diễn (Đà Rằng) ở Phú Yên gồm trâu và lợn; năm 1853, núi Đại Lãnh liệt kê vào tự điển thờ cúng.

Ở Phú Yên còn đền thờ vua Lê Thánh Tông tại xã An Dân, huyện Tuy An, nguyên là trung tâm thủ phủ Phú Yên thế kỉ XIX. Ngôi đền hiện nay đã bị đổ nát, chỉ còn lại những mảng tường bằng gạch đá và bức bình phong phía trước.


2.3.2. Tài nguyên du lịch văn hóa khác biệt

Tài nguyên du lịch văn hóa Phú Yên đặc sắc và độc đáo, là cơ sở phát triển sản phẩm du lịch.

- Di tích - danh thắng: Phú Yên hiện có 22 di tích - danh thắng xếp hạng cấp quốc gia (trong đó có 01 di tích quốc gia đặc biệt) và 50 di tích - danh thắng cấp tỉnh (Phụ lục 2). Trong đó, nhiều di tích có giá trị và khả năng khai thác phục vụ hoạt động du lịch văn hóa địa phương như Tháp Nhạn, Đền thờ Lương Văn Chánh, Nhà thờ Mằng Lăng, Chùa Đá Trắng, Địa đạo Gò Thì Thùng, Đập Đồng Cam...

- Làng nghề: Những làng nghề thủ công truyền thống là những địa điểm để du khách tham quan và mua sắm quà lưu niệm. Tỉnh Phú Yên có một số làng nghề nổi tiếng: làng nghề bánh tráng Hòa Đa, làng nghề nước mắm Gành Đỏ, làng nghề gốm sứ Quảng Đức, làng nghề rau và hoa Bình Ngọc, làng nghề hoa và cây cảnh Bình Kiến... (Phụ lục 1.8).

- Lễ hội - văn hóa dân gian: Phú Yên có nhiều hoạt động lễ hội trong năm với nhiều sắc thái khác nhau. Tùy vào nội dung hoạt động, lễ hội phân thành lễ hội lịch sử, lễ hội tôn giáo - tín ngưỡng, lễ hội dân gian... như lễ dâng hương Đền thờ Lương Văn Chánh, Đền thờ Lê Thành Phương và Đập Đồng Cam; lễ hội Cầu ngư (Việt), lễ hội cồng chiêng (Êđê), lễ hội đâm trâu (Bana)…; hội thơ Nguyên Tiêu, hội đua thuyền sông Đà Rằng, hội đua ngựa Gò Thì Thùng... (Phụ lục 1.9).

- Ẩm thực: Phú Yên có 500 loài cá, 38 loài tôm, 15 loài mực, 6 loài hải sâm và nhiều thủy hải sản có giá trị khác như cầu gai, cua huỳnh đế, sò điệp, sò huyết, hàu, ghẹ… trong đó 35 loài cá và nhiều loài tôm có giá trị kinh tế - xuất khẩu cao, đặc biệt cá ngừ đại dương. Địa phương có nhiều món ăn được du khách đánh giá ngon, rẻ: sò mồng và ghẹ đầm Cù Mông, ốc nhảy và gà nướng Sông Cầu, sò huyết và hàu sữa đầm Ô Loan, gỏi và lẩu sứa, cá ngừ đại dương, tôm hấp và nướng, cua huỳnh đế, mực và bò một nắng, chả Dông, vịt cỏ Đông Hòa, bánh tráng Hòa Đa…; một số thức uống rất được du khách yêu thích như cà phê Tuy Hòa, rượu cá ngựa... (Phụ lục 1.10).

Tài nguyên du lịch văn hóa Phú Yên không chỉ đặc sắc và độc đáo mà còn chứa đựng bên trong tài nguyên du lịch văn hóa khác biệt, là tiền đề để phát triển sản phẩm du lịch đặc thù.


• Đền thờ Lương Văn Chánh

Đền thờ Lương Văn Chánh nằm ở xã Hòa Trị, huyện Phú Hòa, tỉnh Phú Yên, cách trung tâm thành phố Tuy Hòa khoảng 10km về phía Tây Bắc.

Lương Văn Chánh quê ở Thanh Hóa, khởi nghiệp theo chúa Trịnh Tùng lập nhiều chiến công, được phong chức “Thiên võ vệ Đô chỉ huy sứ”. Năm 1597, Lương Văn Chánh theo lệnh Chúa Nguyễn Hoàng chiêu mộ lưu dân từ các vùng Thanh Nghệ Tĩnh và Thuận Quảng vô vùng đất nằm giữa đèo Cù Mông và Đèo Cả khẩn hoang tạo làng, lập ấp dọc ven biển và hạ lưu các con sông Cù Mông, Bà Đài (Sông Cái), Bà Diễn (sông Ba) và Bà Nông (sông Bàn Thạch), tạo nên vùng đất biên viễn phía Nam Đại Việt, gọi là Trấn Biên.

Năm 1611, chúa Nguyễn lập đơn vị hành chính mới là phủ Phú Yên với 2 huyện Đồng Xuân và Tuy Hòa. Do lập nhiều công lớn, ông được thăng chức làm “Đặc tiến phụ quốc Thượng quốc quân” tức Phù Nghĩa Hầu, sau đó được thăng làm An Biên trấn quan, huyện Tuy Viễn (Bình Định ngày nay) coi giữ đất. Năm 1596, ông được phong chức “Phụ quốc Thượng tướng quân”. Lương Văn Chánh mất ngày 19/9 (âm lịch) năm 1611, được tôn vinh là thành hoàng của vùng đất Phú Yên.

Đền thờ Lương Văn Chánh được xây dựng vào những năm 30 của thế kỉ

XVII. Năm 1822, dưới thời vua Minh Mạng được xây dựng lớn hơn và cử người trông coi. Đền xây dựng trên vùng đất cao, mặt quay về hướng Nam, sau lưng là Núi Cấm, trước mặt là sông Bến Lội. Đền thờ ngày xưa, nay đã trở thành phế tích, chỉ còn đoạn tường thành và mặt tường trước. Đoạn tường thành có 3 cửa ra vào; cổng chính rộng 3m, cao 3m; 2 bên 2 cổng phụ, mỗi cổng rộng 2m, cao 2,5m và xây theo kiểu vòm cuốn; bên trong cửa chính có bức bình phong chạm khắc hoa văn và tứ linh; mặt ngoài: “Vãng lai khuynh cái vọng/Xuất nhập hạ xa hành”; mặt trong: “Huân danh thiên cổ ngưỡng/Chính khí vạn niên phong”. Mặt tường trước có 1 cây bồ đề với 3 thân mọc bên trên tỏa rễ xuống níu giữ; có 200 năm tuổi, chu vi 12m, bán kính 3,8m, chiều cao 21m được Hội bảo vệ thiên nhiên - môi trường Việt Nam (VACNE) xét duyệt và công nhận cây di sản.


• Nhà thờ Mằng Lăng

Nhà thờ Mằng Lăng nằm ở xã An Thạch, huyện Tuy An, tỉnh Phú Yên, cách trung tâm thành phố Tuy Hòa khoảng 30km về phía Bắc.

Mằng Lăng là một trong các nhà thờ cổ nhất Việt Nam (trên 125 năm tuổi), nơi lưu giữ cuốn sách in chữ quốc ngữ đầu tiên của nước ta năm 1651 tại Italia. Mằng Lăng là tên gọi một loài cây tán rộng, lá hình bầu dục, hoa kết từng chùm màu hồng tím, cùng họ với cây bằng lăng, có nhiều ở vùng này. Trong nhà thờ còn giữa một bàn gỗ mằng lăng mặt tròn có đường kính 1,5m được làm từ thuở vừa mới xây dựng nhà thờ.

Nhà thờ được vị linh mục đầu tiên giáo xứ Mằng Lăng, cha Cố Xuân (Joseph de La Cassagne - người Pháp) phụ trách xây dựng năm 1892. Nhà thờ làm bằng đá nằm trong khuôn viên rộng 5.000m², ban đầu sơn màu trắng nhưng vết thời gian đã ngả màu xanh xám giống bức tranh thủy mặc. Mặt tiền nhà thờ có kiểu kiến trúc Gothique phương Tây, hoa văn trang trí Á Đông. Hai bên 2 lầu chuông, thập tự giá ở giữa bố trí hài hòa, giản dị, tôn nghiêm. Hành lang thiết kế như hình búp măng cách điệu. Không gian thánh đường thoáng đãng và khi ánh nắng mặt trời chiếu xuyên qua các vòm cửa tạo nên cảnh sắc rực rỡ.

Trước sân nhà thờ có khu hầm nhỏ, xây dựng kì công trong lòng quả đồi nhân tạo, phía bên trên có tượng thánh An-rê Phú Yên - vị thánh tử nạn khi 19 tuổi; bên trong lưu giữ chứng tích về nhà thờ Mằng Lăng, linh mục Cố Xuân, giáo sĩ Alexandre de Rhodes (Đắc Lộ) và thánh An-rê Phú Yên. Trong khuôn viên nhà thờ trước đây có trường trung học tư thục Trương Vĩnh Ký, hiện nay còn cô nhi viện bảo trợ và nuôi dưỡng trẻ em mồ côi.

Cuốn sách in bằng chữ quốc ngữ đầu tiên của Việt Nam được trưng bày trong hộp kính dưới hầm đồi nhân tạo. Đó là quyển giáo lí “Phép giảng tám ngày” (Catechismus) của giáo sĩ Đắc Lộ, người có công khai sinh chữ quốc ngữ. Đây là tác phẩm văn xuôi, phản ảnh văn ngữ và ghi lại cách phát âm tiếng Việt vào thế kỉ

XVII. Cuốn sách còn nguyên vẹn, du khách có thể đọc trang đầu tiên của quyển giáo lí, thể hiện dạng song ngữ gồm tiếng La-tinh bên trái và tiếng Việt bên phải. Nếu du khách có nhu cầu nghiên cứu sâu hơn lịch sử chữ quốc ngữ có thể liên hệ với cha cố nhà thờ để xem thêm.


• Chùa Đá Trắng

Chùa Đá Trắng nằm ở xã An Dân, huyện Tuy An, tỉnh Phú Yên, cách trung tâm thành phố Tuy Hòa khoảng 35km về phía Bắc.

Chùa tạo lập vào năm Đinh Tỵ (1797) dưới triều vua Quang Toản - Tây Sơn. Sau khi nhà Tây Sơn mất, nhiều quân và tướng Tây Sơn đã xuống tóc qui y tại chùa để tránh sự truy sát của nhà Nguyễn - Gia Long. Tổ khai sơn là Thiền sư Thích Diệu Nghiêm, phái Lâm Tế đời thứ 36. Kế theo, 9 vị sư tổ khác nối nhau trụ trì. Năm Nhâm Dần (1842), dưới thời vua Thiệu Trị, chùa được tu sửa lại qui mô, có bia ghi chép tích. Năm Kỷ Sửu (1889), chùa được vua Thành Thái ban sắc tứ.

Tên chữ chùa Đá Trắng là Bạch Thạch tự (Từ Quang tự, Linh Quang tự). Đường lên chùa được lát các phiến đá lớn kéo dài hơn 1km; khuôn viên chùa có nhiều khối đá trắng, khu mộ tháp cổ và quần thể 20 cây xoài “tiến Vua” được Hội bảo vệ thiên nhiên - môi trường Việt Nam (VACNE) xét duyệt và công nhận là cây di sản. Vườn xoài ở đây có trước khi dựng chùa, hiện giống xoài Đá Trắng chỉ còn 4 cây nằm ở 4 góc chùa; 2 cây không ra hoa trái, 1 cây chỉ ra hoa mà không ra trái, 1 cây năm ra trái năm không; số xoài còn lại trong vườn chùa mới trồng sau này ươm từ nơi khác bởi xoài Đá Trắng trồng mãi không sống.

Tương truyền, những lần dừng chiến thuyền tại vịnh Xuân Đài trên đường hành quân đánh nhau với Tây Sơn, chúa Nguyễn Ánh có dịp thưởng thức đặc sản vùng này và rất ưa thích xoài Đá Trắng. Dưới triều Gia Long, cùng với lòn bon Quảng Nam, xoài Đá Trắng Phú Yên trở thành “Nhị bảo ngự thiện”, đại diện cho cống phẩm khu vực phía Nam. Dịp Tết Đoan ngọ hàng năm, Phú Yên hái dâng vua 1.000-2.000 trái xoài. Nếu các giống xoài khác ra hoa màu vàng thì xoài Đá Trắng ra hoa màu trắng, trái nhỏ, vỏ mỏng, cùi bé, vị ngọt thanh mà không có xoài ở đâu có được, hương thơm bay xa, chín để được rất lâu.

Vì xoài Đá Trắng rất quí hiếm nên quan huyện lệnh phải cử sai nha canh giữ vườn xoài và ghi chép tỉ mỉ quá trình ra hoa, kết trái và thu hoạch. Ngoài ra, quan còn cử một đội quân chuyên lo vận chuyển xoài ra kinh đô Huế. Xoài được ủ xếp cẩn thận vào giỏ tre lót lá sầu đông, làm sao đến lúc ngựa chở về tới Huế thì cũng vừa chín vàng da. Nhà vua sẽ mở tiệc ngự thiện, thưởng thức xoài và chia lộc cho các quan đại thần.


• Chùa Thanh Lương

Chùa Thanh Lương nằm ở xã An Chấn, huyện Tuy An, tỉnh Phú Yên, cách trung tâm thành phố Tuy Hòa khoảng 10km về phía Bắc. Đây là ngôi chùa có giá trị kiến trúc và giá trị tâm linh khá đặc biệt.

- Giá trị kiến trúc: Chùa Thanh Lương độc đáo và tuyệt đẹp xây dựng từ các sản vật vùng biển của miền đất trùng dương cát trắng là san hô và gáo dừa. Ngôi chính điện cùng gian thờ Tổ với tổng diện tích gần nghìn mét vuông được ốp mái, trang trí toàn bộ bằng đá san hô và gáo dừa. Từng khối san hô bao đời bị bỏ phế nơi đầu bờ cuối bãi được nhặt nhạnh mang về phân loại, kì công đẽo gọt và mài nhẵn, sau đó ốp trang trí mái, lam, đầu rường, mặt tiền hình chữ vạn hay kỉ hà. Nội thất bên trong sử dụng muôn vạn mảnh gáo dừa lắp ghép ốp tường tạo hình thay gỗ với những sắc màu nâu, đen và trắng xen lẫn hài hòa. Có đặc tính bền nhẹ, tản nhiệt mùa hè, giữ ấm mùa đông, nhiều nhà ở địa phương đã sử dụng gáo dừa làm mái hoặc đá san hô ốp tường trang trí nhưng phối hợp cả hai chất liệu trên thì chùa Thanh Lương là nơi làm đầu tiên. Chùa có công trình có kiến trúc độc đáo/duy nhất và thân thiện với môi trường.

- Giá trị tâm linh: Chùa Thanh Lương có bức tượng Phật Bà Quan Âm làm bằng gỗ hóa thạch, được ngư dân làng chài phát hiện khi đang trôi dạt ngoài biển Hòn Dứa cách đây 15 năm; sau khi sư trụ trì thỉnh cầu, tượng Phật Bà đang trôi nổi mới dạt vào thuyền; được vớt lên đưa vào chùa thờ phụng. Bức tượng Phật Bà không có đôi tay với dáng đứng uy nghi trên con rồng cao 2,2m và nặng 74kg, chiều ngang 0,6m và tỏa ra mùi hương thơm ngát. Các nhà nghiên cứu vẫn không xác định được loại gỗ làm nên bức tượng cũng như mùi thơm đặc trưng đó. Phật tử gọi tượng Phật Bà là tượng Mẹ, biểu trưng cho người Mẹ của phương Đông. Từ khi có Mẹ, phật tử, người dân địa phương và du khách thập phương hay đến chùa để cầu phúc, cầu an, cầu tự… Nơi đây dần trở thành điểm du lịch tâm linh hấp dẫn.

Dân gian xưa nay truyền tụng: “Tu Phật Phú Yên - Tu tiên Bảy Núi”; có lẽ không phải ngẫu nhiên mà bức tượng Phật Bà Quan Âm trôi dạt đến vùng biển này. Đây là điều cực kì hi hữu và có thể xem như một tín hiệu tốt cho việc hình thành ý tưởng phát triển sản phẩm du lịch tâm linh đặc thù của tỉnh Phú Yên.


• Đàn đá

Đàn đá hiện đang lưu giữ tại Bảo tàng Phú Yên, thuộc phường 7, thành phố Tuy Hòa; thỉnh thoảng được đem lên Tháp Nhạn hòa tấu cùng kèn đá trong các buổi sinh hoạt văn hóa - văn nghệ dân gian của người dân địa phương.

Đàn đá là loại nhạc cụ gõ cổ nhất Việt Nam, được phát hiện tại địa bàn các tỉnh Tây Nguyên, Nam Trung Bộ và Đông Nam Bộ. Bộ đàn đá đầu tiên tìm thấy vào năm 1949 tại Đắk Lắk. Đến nay, trên đất nước ta đã phát hiện 23 bộ với hơn 200 thanh đàn đá. Từ khi tìm thấy bộ đàn đá tại di chỉ Bình Đa (Đồng Nai), bằng phương pháp nghiên cứu khảo cổ, các nhà khoa học đã xác định khung niên đại cho đàn đá và thời kì lịch sử thịnh hành loại nhạc cụ này.

Nằm trong phạm vi phân bố loại hình di sản nhạc cụ đá, bộ đàn đá Tuy An (Phú Yên) được phát hiện đã đóng góp quan trọng vào kho tàng di sản đàn đá và làm phong phú loại hình di sản văn hóa dân tộc. Bộ đàn đá Tuy An là hiện vật gốc độc bản và duy nhất tìm thấy trên địa bàn tỉnh Phú Yên cho đến thời điểm hiện tại và chưa nơi nào ở Việt Nam có bộ đàn đá cùng các đặc điểm với bộ đàn đá Tuy An. So với các bộ đàn đá được tìm thấy ở Việt Nam, bộ đàn đá Tuy An có các đặc điểm riêng biệt về chất liệu, số lượng thanh, kích thước, trọng lượng, hình dạng, kĩ thuật chế tác, tính năng âm nhạc...

Trên cơ sở phân tích vị trí địa lí và trường hợp phát hiện cũng như các chỉ số kĩ thuật (chỉ số đo, hình dạng, dấu vết ghè đẽo và sử dụng) và đặc điểm bộ đàn đá Tuy An, nhà khảo cổ học Quang Văn Cậy đã xác định: “8 thanh đàn đá Tuy An đều được chọn lọc, được gia công tu chỉnh (trên cơ bản của những thang âm thích hợp) để tạo nên các “nhạc cụ” thích ứng đời sống con người đã tác tạo ra nó. Nghiên cứu hình dạng, kĩ thuật cho phép kết luận chắc chắn rằng bộ đàn đá Tuy An là sản phẩm có ý thức của bàn tay con người”.

Bộ đàn đá Tuy An có khả năng độc tấu hoặc hòa tấu với các nhạc cụ dân tộc truyền thống và hiện đại. Bộ đàn đá Tuy An đã góp phần làm sáng tỏ một lĩnh vực âm nhạc học, đó là hình dung lại diện mạo văn hóa âm nhạc ở thời kì xa xưa trên vùng đất Phú Yên nói riêng và trên phần phía Nam đất nước Việt Nam nói chung. Hàng năm, bộ đàn đá Tuy An được Bộ Văn hóa Thể thao Du lịch chọn đi biểu diễn và giao lưu văn hóa nghệ thuật với nước bạn.

..... Xem trang tiếp theo?
⇦ Trang trước - Trang tiếp theo ⇨

Ngày đăng: 16/03/2023