Phân Loại Tài Nguyên, Sản Phẩm, Loại Hình Du Lịch Biển - Đảo


nói riêng là “ngành kinh tế tổng hợp có tính xã hội hoá cao” có khả năng tạo nhiều công ăn việc làm cho xã hội trong quá trình phát triển. Đặc biệt, trong bối cảnh hiện nay, khi số lao động cần bố trí việc làm ở vùng ven biển nước ta đã lên đến khoảng trên 15 triệu người, chiếm khoảng 80% dân số trong độ tuổi lao động ở 28 tỉnh, thành ven biển (Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch, Đề án phát triển du lịch biển - đảo và vùng ven biển Việt Nam đến năm 2020, 2013).

Ở một số khu vực, các hoạt động DLBĐ chính là sinh kế quan trọng của người dân địa phương, đặc biệt là các dịch vụ lưu trú, ăn uống, cung cấp hải sản phục vụ du khách, góp phần làm thay đổi bộ mặt KT - XH ở những vùng ven biển và hải đảo, giảm thiểu sự chênh lệch về trình độ phát triển KT - XH giữa dải ven biển với các khu vực khác, giữa hải đảo và đất liền. Bên cạnh đó, DLBĐ cũng góp phần quan trọng trong việc giữ gìn, bảo tồn và khôi phục bản sắc văn hóa cư dân vùng biển với những tập tụng thờ cúng, lễ hội, tín ngưỡng đặc trưng vùng biển - đảo.

c. Đối với lĩnh vực an ninh - quốc phòng:

Phát triển DLBĐ có vai trò to lớn trong việc đảm bảo an ninh - quốc phòng, giữ vững chủ quyền biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc thông qua các tác động: hoạt động DL biển sẽ kéo theo sự phát triển nhanh chóng hệ thống CSHT, tạo điều kiện củng cố quốc phòng vùng ven biển; sự tham gia của các nhà đầu tư nước ngoài, của khách DL quốc tế ở vùng biển và hải đảo nơi có hoạt động DL là sự khẳng định chủ quyền của đất nước, góp phần tích cực tạo dựng và củng cố thế trận quốc phòng toàn dân, phát triển hậu phương vững chắc ở tuyến phòng thủ trên biển. Chính vì thế, sự phát triển của DLBĐ sẽ là kênh thông tin quan trọng để quảng bá hình ảnh và giữ vững chủ quyền biển - đảo nước chủ nhà (Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch, Đề án phát triển du lịch biển - đảo và vùng ven biển Việt Nam đến năm 2020, 2013).

1.1.3. Các nguyên tắc phát triển du lịch biển - đảo

- Phát triển DLBĐ phải được thực hiện trong mối quan hệ tổng hòa với các ngành kinh tế khác. Điều này cho phép phát huy tốt nhất đầu tư về hạ tầng xã hội của lãnh thổ.

- Gắn liền với việc khai thác lợi thế của TNDL tự nhiên vùng biển - đảo, kết hợp với khai thác các TNDL nhân văn biển - đảo cũng như việc bảo tồn chúng. Việc


kết hợp một cách khéo léo giữa khai thác TNDL tự nhiên và TNDL nhân văn sẽ cho phép đa dạng hóa các SPDL và tạo sự hấp dẫn đối với các hoạt động DL này.

Có thể bạn quan tâm!

Xem toàn bộ 196 trang tài liệu này.

- Phù hợp với sức chứa của khu vực biển - đảo. Môi trường tự nhiên và văn hóa xã hội của khu vực biển - đảo thường rất nhạy cảm với những tác động của hoạt động kinh tế. Năng lực “cung” cho sự phát triển du lịch của khu vực này có giới hạn mà không phải là vô tận. Vì vậy, khi sự cân bằng giữa “cung” và “cầu” trong du lịch bị phá vỡ sẽ tạo ra các xung đột và sự suy thoái tài nguyên DLBĐ, dẫn đến không đảm bảo phát triển du lịch bền vững.

- Gắn liền với công tác đảm bảo an ninh - quốc phòng. Đối với các quốc gia giáp biển, vùng biển nói chung và các hệ thống đảo nói riêng luôn được xem là “áo giáp” bảo vệ đất nước, là “cầu nối” để vươn xa hơn ra đại dương. Mọi phương án phát triển DL cần có những tính toán và định hướng sao cho không làm ảnh hưởng đến hoạt động phòng thủ trong điều kiện thời bình mà còn góp phần hỗ trợ hoạt động an ninh quốc phòng khi xảy ra chiến tranh xâm lược của các thế lực thù địch.

1.1.4. Phân loại tài nguyên, sản phẩm, loại hình du lịch biển - đảo

1.1.4.1. Phân loại tài nguyên du lịch biển - đảo

Theo Luật du lịch Việt Nam (2007), tài nguyên DL tự nhiên bao gồm cảnh quan thiên nhiên, các yếu tố địa chất, địa mạo, khí hậu, thủy văn, hệ sinh thái và các yếu tố tự nhiên khác có thể được sử dụng cho mục đích du lịch. TNDL văn hóa bao gồm di tích lịch sử - văn hóa, di tích cách mạng, khảo cổ, kiến trúc; giá trị văn hóa truyền thống, lễ hội, văn nghệ dân gian và các giá trị văn hóa khác; công trình lao động sáng tạo của con người có thể được sử dụng cho mục đích du lịch.

Đối với DLBĐ, ngoài các dạng tài nguyên đã đề cập nhóm tác giả Trần Đức Thạnh và cs (2010) cho rằng, ở Việt Nam vị thế đang được coi là một dạng tài nguyên đặc biệt và quan trọng và có giá trị trong phát triển DL. Tài nguyên vị thế biển là các lợi ích có được từ một khu vực, một nơi ở biển hoặc ven bờ biển, được đặt trong mối quan hệ không gian của khu vực đó. Chúng bao hàm cả các hợp phần tài nguyên sinh vật và phi sinh vật, nhưng chủ đạo là các lợi ích có được từ giá trị hình thể và vị trí không gian. Giá trị của tài nguyên vị thế biển được đánh giá theo ba tiêu chí: giá trị vị thế (địa) tự nhiên; giá trị vị thế (địa) kinh tế và giá trị vị thế (địa) chính trị.


1.1.4.2. Loại hình du lịch biển - đảo

Theo tác giả Nguyễn Văn Đính, Trần Thị Minh Hòa (2006): Loại hình du lịch là “một tập hợp các SPDL có những đặc điểm giống nhau, hoặc vì chúng thỏa mãn những nhu cầu, động cơ du lịch tương tự, hoặc được bán cho cùng một nhóm khách hàng, hoặc vì chúng có cùng một cách phân phối, một cách tổ chức như nhau, hoặc được xếp chung theo một mức giá bán nào đó”. Theo tác giả Phạm Trung Lương (2003), trên cơ sở mục đích chuyến đi, DLBĐ gồm 2 loại hình chính là du lịch theo sở thích ý muốn và du lịch theo nghĩa vụ, trách nhiệm.

Hình 1 1 Sơ đồ phân loại các loại hình du lịch biển Nguồn Phạm Trung Lương 1

Hình 1.1. Sơ đồ phân loại các loại hình du lịch biển

Nguồn: Phạm Trung Lương (2003)

Dựa theo cách phân loại trên, luận án kế thừa và bổ sung vào đặc trưng của các loại hình du lịch biển - đảo như sau:

- Nghỉ dưỡng biển - đảo: loại hình này mang lại cho mọi du khách những cảm giác thoải mái nhất thông qua một số hoạt động như tham quan, bơi, tắm nắng, nhảy sóng, đọc sách, v.v … Nước biển, bãi cát cùng các yếu tố khí hậu, thời tiết ảnh hưởng không nhỏ đến loại hình nghỉ dưỡng biển - đảo, trong đó quan trọng nhất là nhiệt độ nước, độ sạch màu nước, độ mịn, màu cát. Nhiệt độ nước thích hợp nhất cho hoạt động tắm biển từ 20-240C, diện tích dành cho bãi tắm tính theo đầu người là 10-15m2.


- Tham quan biển - đảo: các điểm đến thường là nơi có cảnh quan thiên nhiên đặc sắc như vịnh, hải đảo, các hệ sinh thái biển với đặc điểm thời tiết, khí hậu thích nghi cho sức khỏe con người, môi trường trong lành.

- Du lịch tàu biển: loại hình du lịch biển - đảo này có xu hướng phát triển mạnh mẽ trong vài năm gần đây. Du lịch bằng tàu biển vừa có thể ngắm cảnh, vừa có thể vui chơi, giải trí trên tàu với các thiết bị hiện đại, có thể tiến hành các hoạt động du lịch giải trí đa dạng hoặc có thể quan sát phong cảnh thế giới biển cả với các loại hải sản, san hô tuyệt đẹp thông qua lăng kính ở đáy tàu.

- Thể thao biển - đảo: là loại hình ngày càng phổ biến và phát triển tương đối nhanh, với các hoạt động thể thao trên biển như thi đấu bóng đá, bóng chuyền bãi biển, tennis, đua xe trên cát, đi thuyền buồm, lướt sóng, lướt ván, chạy bộ vượt đồi cát, canô, thả diều ở bãi biển, khinh khí cầu tổ chức ở ven biển, v.v…

- DL mạo hiểm biển (lặn biển): loại hình cho phép du khách chiêm ngưỡng tận mắt thế giới đáy biển phong phú, đa dạng. Hiện nay có 3 loại DL lặn biển được phát triển: lặn ven bờ có bình oxy với độ sâu khoảng 4 - 5m, ở khu vực gần bờ biển hoặc vùng nước xung quanh đảo; lặn có tàu và bình oxy với độ sâu khoảng 10m để nhìn thấy thế giới sinh vật biển phong phú và đa dạng hơn; lặn tay không (không trang bị bình khí, chỉ có mặt nạ, ống thở, giày chân nhái, áo cứu sinh) với độ sâu khoảng 10m.

- Sinh thái biển - đảo: điểm tham quan và nghiên cứu của du khách chủ yếu là các hệ sinh thái biển, ven biển và trên các đảo như hệ sinh thái san hô, hệ sinh thái rừng ngập mặn, hệ sinh thái rừng trên núi đá vôi ở các đảo, …

- Tìm hiểu lối sống cộng đồng ven biển và hải đảo: du khách tìm đến cộng đồng dân cư sinh sống ven biển và hải đảo để tìm hiểu, nghiên cứu về lối sống, tập quán của họ, tìm hiểu đặc trưng trong lối sống mang nét văn hóa miền biển - đảo để nâng cao nhận thức, hoặc để phục vụ cho việc học tập và nghiên cứu khoa học.

- Lễ hội biển - đảo: Tham quan những lễ hội gắn liền với văn hóa biển - đảo như lễ cầu ngư, lễ hội đua thuyền, đua ghe, lễ thờ cúng Ông Nam Hải (cá voi), v.v… nhằm thưởng thức những nét đặc trưng trong văn hóa mang đậm chất biển - đảo.

- Tìm hiểu văn hóa - nghệ thuật vùng biển - đảo: Tham quan các di tích văn hóa, lịch sử có nguồn gốc biển - đảo, gắn liền với nét văn hóa và các lễ hội mang đậm chất văn hóa cư dân vùng biển và hải đảo như lăng Ông Nam Hải với các kiến trúc đặc


trưng vùng biển - đảo cùng với những nét tín ngưỡng, những sự tích về các vị thần gắn với đời sống tâm linh của cư dân vùng biển - đảo.

- Tìm hiểu các làng nghề vùng biển - đảo: đến các làng nghề làm nước mắm, làng nghề hải sản khô, làng nghề đan lưới và các ngư cụ, các làng chài; tham quan quá trình chế biến nước mắm, làm hải sản khô, các thao tác đan lưới, đan thúng hoặc có thể tham gia vào quá trình kéo lưới của ngư dân ở các làng chài. Bên cạnh đó, du khách cũng sẽ có cơ hội để mua chính những sản phẩm đó làm quà.

Ngoài ra còn có loại hình du lịch theo nghĩa vụ, trách nhiệm: du lịch chữa bệnh; thương mại, công vụ; hội nghị, hội thảo, hội chợ.

1.1.4.3. Sản phẩm du lịch biển - đảo

Luật DL Việt Nam 2017 quy định: “Sản phẩm du lịch là tập hợp các dịch vụ trên cơ sở khai thác giá trị TNDL để thỏa mãn nhu cầu của du khách”. Khái niệm này cho thấy, SPDL là tổng thể các dịch vụ tạo nên từ các yếu tố tài nguyên du lịch, cơ sở vật chất, hạ tầng kỹ thuật, con người, ... tại khu vực biển - đảo nhằm cung cấp cho du khách, đáp ứng một hoặc một số nhu cầu chính đáng của khách du lịch trong chuyến đi.

Theo Viện nghiên cứu và Phát triển Du lịch (2005), các yếu tố cấu thành sản phẩm du lịch biển - đảo có thể chia ra làm 3 nhóm yếu tố chính: Nhóm các yếu tố tài nguyên: bao gồm TNDL tự nhiên (cảnh quan vịnh - đảo, bãi cát, hang động, các hệ sinh thái, ...) và TNDL văn hóa (di tích, lễ hội, truyền thuyết, ...); nhóm các yếu tố dịch vụ bao gồm: dịch vụ tham quan, dịch vụ vui chơi giải trí, dịch vụ lưu trú, dịch vụ mua bán, dịch vụ ăn uống, dịch vụ vận chuyển, ...); nhóm các yếu tố môi trường bao gồm: môi trường tự nhiên và môi trường kinh tế xã hội. Các yếu tố cấu thành SPDL biển - đảo tổng thể có mối quan hệ với nhau trong quá trình phát triển. Sản phẩm du lịch tổng thể chỉ có thể tạo nên sức hấp dẫn đối với du khách nếu các yếu tố cấu thành của nó được phát triển trong một hệ thống và có sự điều tiết, kiểm soát theo một mục tiêu chiến lược nhất định để đảm bảo sự phát triển hài hoà.

Theo Tổ chức du lịch thế giới (2011) xác định: “SPDL của điểm đến là tổng hợp 3 nhóm yếu tố cấu thành là tài nguyên du lịch, CSHT - CSVCKT du lịch, môi trường tự nhiên - văn hóa và dịch vụ du lịch”. Với góc nhìn này thì khái niệm SPDL được hiểu rộng hơn, không chỉ giới hạn ở “tập hợp các dịch vụ” mà còn là tập hợp


những yếu tố vật chất và phi vật chất như các yếu tố hấp dẫn du lịch mà trước hết đó là tài nguyên du lịch, có khả năng đáp ứng nhu cầu đa dạng của du khách.

Sản phẩm du lịch bao gồm hàng hóa và dịch vụ kết hợp nhau, bất kỳ sản phẩm du lịch nào cũng nhằm thỏa mãn nhu cầu của khách du lịch. Để đáp ứng nhu cầu đa dạng, phong phú của khách, sản phẩm du lịch có thể là sản phẩm đơn lẻ, có thể là sản phẩm tổng hợp do một đơn vị cung ứng trọn gói hay do nhiều đơn vị kinh doanh cùng tham gia cung ứng (Ngô Thị Diệu An & Nguyễn Thị Kiều Oanh, 2015).

Từ cách hiểu SPDL là tập hợp các dịch vụ cần thiết để thoả mãn nhu cầu của khách DL trong chuyến đi du lịch, trong luận án tiến sĩ nghiên cứu về tổ chức lãnh thổ du lịch tỉnh Sơn La (Đỗ Thị Mùi, 2010), ta có thể hiểu rộng hơn về SPDL khu vực biển - đảo là tổng thể các dịch vụ tạo nên từ các yếu tố TNDL, cơ sở vật chất, hạ tầng kỹ thuật, con người, ... tại khu vực biển - đảo nhằm cung cấp cho du khách, đáp ứng một hoặc một số nhu cầu chính đáng của khách du lịch trong chuyến đi.

1.1.5. Các yếu tố ảnh hưởng đến phát triển du lịch biển - đảo

Luận án xem xét các yếu tố ảnh hưởng tới phát triển DLBĐ dưới góc độ ảnh hưởng trực tiếp tới nội dung phát triển du lịch, ảnh hưởng tới cung và cầu du lịch

1.1.5.1. Tài nguyên vị thế

Tài nguyên vị thế được đánh giá là rất quan trọng, đó là những tiềm năng và giá trị về vị trí địa lý và các thuộc tính không gian liên quan đến cấu trúc, hình thể sơn văn và cảnh quan sinh thái có thể sử dụng cho các mục đích phát triển KT - XH, đảm bảo an ninh quốc phòng và chủ quyền quốc gia. Tài nguyên vị thế biển - đảo cũng bao hàm các giá trị sử dụng trực tiếp, gián tiếp, giá trị để dành và các giá trị phi sử dụng.

Hiện nay, tài nguyên biển - đảo nói chung, vị thế biển - đảo nói riêng chủ yếu tập trung quan tâm đến các giá trị sử dụng trực tiếp, mà quên đi giá trị lưu tồn. Điều kiện tiên quyết để phát triển DLBĐ là vị trí địa lý của lãnh thổ đó phải giáp biển, có vùng đất ven biển, vùng biển và hải đảo. Bên cạnh đó còn phụ thuộc vào việc phát huy vị thế của khu vực biển - đảo đó trong mối quan hệ không gian kinh tế với các vùng phụ cận. Vì thế, khi xây dựng chiến lược, quy hoạch phát triển DLBĐ của lãnh thổ cần gắn chặt với việc phân tích những thuận lợi và khó khăn về vị trí địa lý của lãnh thổ đó.


Đa phần TNDL đều gắn chặt với không gian địa lý, không thể tách rời. Do đó, điểm khác biệt trong kinh doanh ngành DL với các ngành kinh tế khác là SPDL được bán tại chỗ, khách hàng tìm đến và được đưa đến nơi có tài nguyên. Vì thế, vị trí địa lý của khu vực biển - đảo càng có nhiều lợi thế sẽ giúp việc phát triển DLBĐ càng thuận lợi, đa dạng hóa các hình thức và phương tiện vận chuyển (đường thủy, hàng không, đường bộ) sẽ là điều kiện thuận lợi để phát triển DLBĐ.

Đối với các đảo, khoảng cách từ đất liền ra đảo cũng là một yếu tố quan trọng trong phát triển DLBĐ. Nếu quá xa so với đất liền, việc đưa khách du lịch ra các đảo gặp nhiều khó khăn, chủ yếu là tăng thêm chi phí vận chuyển, khó khăn trong việc cung cấp các mặt hàng thiết yếu từ đất liền, gây mệt mỏi cho du khách trong quá trình di chuyển đến đảo. Tầm quan trọng của các đảo không phải chỉ là vốn tài nguyên du lịch của chúng mà còn là vị thế vị trí chiến lược vô cùng quan trọng về nhiều mặt, trong đó có phát triển du lịch biển - đảo (Viện địa lý, Cơ sở lý luận, phương pháp luận đánh giá điều kiện tự nhiên, tài nguyên cho mục đích phát triển kinh tế xã hội các huyện đảo ven bờ Việt Nam. Chương trình nghiên cứu KC.09, 2006).

1.1.5.2. Tài nguyên du lịch

Luật Du lịch Việt Nam, “Tài nguyên du lịch là cảnh quan thiên nhiên, yếu tố tự nhiên, di tích lịch sử - văn hóa, công trình lao động sáng tạo của con người và các giá trị nhân văn khác có thể được sử dụng nhằm đáp ứng nhu cầu du lịch là yếu tố cơ bản để hình thành các khu du lịch, điểm du lịch, tuyến du lịch, đô thị du lịch”. Vai trò của tài nguyên du lịch là cơ sở thiết yếu tạo nên SPDL và phát triển các loại hình du lịch; và cũng là bộ phận cấu thành quan trọng của hệ thống lãnh thổ du lịch.

a. Tài nguyên du lịch tự nhiên:

+ Địa chất, địa hình, địa mạo: địa hình là yếu tố hình khối phong phú, ổn định trong bố cục không gian cảnh quan (Nguyễn Thu Hạnh, 2004); địa hình khu vực biển

- đảo là một trong những yếu tố quan trọng góp phần tạo nên phong cảnh và sự đa dạng, đặc trưng của một vùng biển - đảo. Các dạng địa hình ở khu vực biển - đảo gồm: địa hình bãi biển, vũng- vịnh, gành, … các dạng địa hình, địa mạo này là tài nguyên giá trị tạo ấn tượng mạnh và sự hấp dẫn lớn cho du khách.

+ Khí hậu: là thành phần tự nhiên, khí hậu bao gồm các yếu tố như nắng, gió, nhiệt độ, độ ẩm, ánh nắng mặt trời thích hợp nhất với sức khỏe con người, tạo cho


con người điều kiện sống thoải mái dễ chịu (Vũ Thị Hạnh, 2011). Khí hậu có ảnh hưởng đến mọi hoạt động DLBĐ. Vì vậy, để loại hình DLBĐ phát triển thuận lợi thì khí hậu ít mưa, nhiều nắng nhưng không gắt, nước mát, gió vừa phải. Do đó, cần phải chú ý đến những hiện tượng thời tiết đặc biệt làm cản trở đến kế hoạch du lịch, đó là bão trên các vùng biển, duyên hải, hải đảo, lũ, … Tính mùa của khí hậu ảnh hưởng rất rò rệt đến tính mùa vụ của hoạt động DLBĐ.

+ Tài nguyên nước và hải văn: là một dạng tài nguyên được xem là quan trọng trong hoạt động DLBĐ. Theo Vũ Thị Hạnh (2011) để triển khai thuận lợi hoạt động DLBĐ các yếu tố hải văn của vùng biển là nhiệt độ nước biển từ 240C và độ mặn từ 20%0 trở lên; sóng cấp 3 và dòng chảy 0,2 m/s trở xuống. Tài nguyên thủy văn không chỉ có tác dụng hồi phục trực tiếp mà còn ảnh hưởng nhiều đến thành phần khác của môi trường sống, đặc biệt nó làm dịu đi khí hậu ven bờ.

+ Sinh vật: các khu bảo tồn thiên nhiên, các hệ sinh thái động thực vật ở khu vực biển - đảo có giá trị tạo nên phong cảnh và làm cho thiên nhiên thêm đẹp và sống động hơn, góp phần tạo nên tính hấp dẫn của tài nguyên DLBĐ (Vũ Thị Hạnh, 2011). Một số loại tài nguyên sinh vật khu vực biển - đảo của Việt Nam hiện nay bao gồm: các rạn san hô; rừng ngập mặn; thảm cỏ biển, hệ sinh thái tùng, áng; hệ sinh thái biển bao gồm thực vật phù du, động vật phù du, động vật đáy biển, … Đây là nguồn tài nguyên sinh vật vô cùng phong phú và quan trọng, tạo nên sức hút của hoạt động DLBĐ.

b. Tài nguyên du lịch văn hóa:

Là các đối tượng và hiện tượng do con người tạo ra có giá trị văn hóa, tinh thần được đưa vào khai thác và phục vụ DL, bao gồm: TNDL văn hóa vật thể: các danh thắng, các di tích lịch sử - văn hóa, …; và TNDL văn hóa phi vật thể: lễ hội, phong tục tập quán, ẩm thực và làng nghề.

+ Tài nguyên du lịch văn hóa vật thể: Bao gồm các di tích lịch sử - văn hóa: là loại TNDL phổ biến, chiếm vị trí quan trọng hoạt động du lịch nói chung và du lịch biển - đảo nói riêng Theo Nguyễn Minh Tuệ (2011), “Di tích lịch sử văn hóa là những không gian vật chất cụ thể, khách quan, trong đó chứa đựng các giá trị nhiều mặt điển hình, do tập thể hoặc cá nhân con người sáng tạo ra trong lịch sử để lại “Đó là các di tích lịch sử; di tích; di tích kiến trúc nghệ thuật; danh lam thắng cảnh”.

Xem tất cả 196 trang.

Ngày đăng: 13/07/2022
Trang chủ Tài liệu miễn phí