Thực Trạng Tăng Trưởng Kinh Tế Du Lịch Gắn Với Công Tác Bảo Tồn Và Phát Huy Các Giá Trị Văn Hóa Của Địa Phương


du lịch thuộc sở hữu nhà nước, đến năm 2010, các cơ sở này đều đã được cổ phần hóa hoặc chuyển đổi hình thức sở hữu. Số lượng cơ sở kinh doanh thương mại, du lịch thuộc các thành phần kinh tế ngoài nhà nước tăng hàng năm. Hiện nay, trên địa bàn tỉnh đang có 271 cơ sở lưu trú; 5.154 cơ sở ăn uống vừa phục vụ du lịch, vừa đáp ứng nhu cầu sinh hoạt của người dân; 21 cơ sở kinh doanh dịch vụ lữ hành. Toàn bộ các cơ sở kinh doanh du lịch nói trên đều thuộc sở hữu của các thành phần kinh tế ngoài nhà nước, trong đó hầu hết cơ sở ăn uống do người bản địa nơi diễn ra hoạt động du lịch thành lập và tổ chức hoạt động phục vụ du lịch [12; 21; 71; 81].

Tương ứng với sự gia tăng nhanh chóng về số lượng các cơ sở kinh doanh của tư nhân và hộ cá thể trong lĩnh vực hoạt động thương mại, du lịch, vốn đầu tư và thu nhập từ các khu vực này cũng tăng nhanh. Đến năm 2015, trong tổng doanh thu du lịch 2.166 tỷ đồng, doanh thu từ kinh tế cá thể đạt hơn 1.859 tỷ đồng, chiếm gần 86% tổng doanh thu du lịch của tỉnh.

Một số hộ gia đình, cộng đồng đã trực tiếp tham gia vào các hoạt động phục vụ khách, xây dựng các trang trại, cơ sở du lịch cộng đồng (như các trang trại nông nghiệp kết hợp du lịch ở Lâm Thao, Thanh Thủy; một số điểm đón khách du lịch tại cộng đồng ở Thanh Sơn, Tân Sơn; du lịch làng nghề nón, làng nghề cá chép đỏ ở Cẩm Khê...). Các hoạt động bảo tồn văn hóa gắn với phát triển du lịch sinh thái, du lịch cộng đồng được triển khai đạt kết quả nhất định (như khôi phục, duy trì đội cồng chiêng ở một số làng bản ở các huyện Thanh Sơn, Tân Sơn, Yên Lập; khôi phục các phường hát Xoan cổ ở Việt Trì, công nhận 28 câu lạc bộ Xoan trong toàn tỉnh; phục dựng nguyên bản các lễ hội truyền thống và phát huy vai trò cộng đồng trong khâu tổ chức lễ hội như lễ hội Trò Trám ở Tứ Xã, Vật đuổi giải ở Cao Xá...). Trong các lễ hội cổ truyền của người Mường ở Thanh Sơn, Tân Sơn, khách du lịch có nhu cầu có thể ăn ở, sinh hoạt cùng gia đình (homestay) suốt thời gian lễ hội…

Tuy nhiên, việc thu hút sự tham gia của cộng đồng vào hoạt động du lịch còn những hạn chế, bất cập: Việc lấy ý kiến tham gia của cộng đồng trước khi xúc tiến dự án đầu tư chưa được chú trọng, qua khảo sát, có tới 60% số người dân được hỏi khẳng định không biết trước về chủ trương đầu tư, rất ít hoặc hầu như chưa bao giờ được tham gia ý kiến vào các quy hoạch phát triển du lịch (Phụ lục 4, mục 7.3). Một số ít dự án du lịch đã quy hoạch chi tiết hoặc triển khai mặt bằng nhưng chậm đầu tư và quá trình đầu tư ảnh hưởng đến sinh kế, môi trường sống của cộng đồng bản địa gây bức xúc cho người dân. Các hộ gia đình, các nhóm cộng đồng tham gia hoạt


động du lịch phần lớn mang tính tự phát, nhỏ lẻ, không ổn định, ít có sự hướng dẫn, tập huấn từ cơ quan chức năng nên hiệu quả kinh tế chưa cao và cũng không đóng góp nhiều cho việc đa dạng hóa, nâng cao chất lượng sản phẩm du lịch. Ý thức bảo vệ tài nguyên du lịch, bảo vệ môi trường của người dân trong quá trình tham gia hoạt động du lịch còn hạn chế, một số hoạt động gây tác động tiêu cực đến tài nguyên du lịch (làm suy giảm chất lượng nguồn nước khoáng nóng, tác động gây hại đến mỹ quan, sinh thái khu vực du lịch...). Trong các lễ hội, tại các khu du lịch, vẫn còn hiện tượng kinh doanh theo kiểu chụp giật, “chặt, chém, bắt chẹt” khách, ảnh hưởng đến hình ảnh thân thiện của điểm đến du lịch, tác động không tốt đến phát triển du lịch bền vững (16% du khách được hỏi cho rằng vẫn có hiện tượng chèo kéo, ép giá ở các mức độ khác nhau ở điểm du lịch (Phụ lục 4,mục 7.1)).

Số lượng khách du lịch đến Phú Thọ ít, cơ bản chưa làm xáo trộn nhiều đến cấu trúc xã hội truyền thống và tập tục sinh hoạt của cộng đồng ở các khu, điểm du lịch. Tình hình tội phạm, tệ nạn xã hội ở các khu, điểm du lịch không có những diễn biến quá bất thường, gây tác động đến an ninh trật tự nghiêm trọng hơn so với thực tế bình thường khi không có hoạt động du lịch. 90% người dân được khảo sát cho rằng du lịch không làm ảnh hưởng bất thường đến diễn biến an ninh ở khu, điểm du lịch (Phụ lục 4, mục 7.3); 84,5% du khách ghi nhận yên tâm về an ninh trật tự tại điểm đến du lịch (Phụ lục 4, mục 7.1).

Do điều kiện thống kê và thời gian quan sát có hạn nên luận án không đưa ra những số liệu cụ thể về tác động, ảnh hưởng của du lịch đến công bằng xã hội. Tuy nhiên theo tổng hợp từ các báo cáo kinh tế - xã hội của tỉnh và khảo sát thực tế một số điểm du lịch cho thấy hoạt động đầu tư dự án, kinh doanh du lịch có ảnh hưởng nhất định đến công bằng xã hội ở địa phương điểm đến, với các biểu hiện như: chưa công bằng thỏa đáng trong việc tính trả tiền bồi thường thu hồi đất; tình trạng chênh lệch về mức độ được hưởng lợi từ dự án phát triển du lịch trong cộng đồng (người bị thu hồi đất khó khăn về sinh kế, trong khi người không bị thu hồi đất và ở liền kề dự án thì được hưởng lợi về giá trị đất và cơ hội kinh doanh); khoảng cách giàu nghèo có xu hướng gia tăng nhanh hơn trong cộng đồng ở điểm đến du lịch.

Khảo sát chung cho thấy, mức độ hài lòng của cộng đồng địa phương đối với hoạt động du lịch khá cao (tổng số 85,5% người dân được khảo sát ghi nhận hài lòng từ mức trung bình trở lên trong đó 52% đánh giá ở các mức độ cao và khá cao (Phụ lục 4, mục 7.3)).

Có thể bạn quan tâm!

Xem toàn bộ 204 trang tài liệu này.


3.2.2.3. Thực trạng tăng trưởng kinh tế du lịch gắn với công tác bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa của địa phương

Phát triển du lịch bền vững ở tỉnh Phú Thọ - 14

Do đặc thù tài nguyên du lịch Phú Thọ, các tài nguyên du lịch nhân văn, nhất là những di tích lịch sử, giá trị văn hóa, lịch sử truyền thống gắn với thời kỳ Hùng Vương dựng nước có ý nghĩa đặc biệt quan trọng trong việc hình thành, phát triển sản phẩm du lịch đặc trưng và cũng là chủ yếu của tỉnh phục vụ phát triển du lịch cho đến nay. Bởi vậy, chủ trương chung nhất quán từ nhiều năm nay của Phú Thọ là gắn phát triển du lịch về mặt kinh tế với bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống vùng đất Tổ. Đây là chủ trương phù hợp với quan điểm phát triển du lịch bền vững và việc thực hiện đã đạt nhiều kết quả tích cực:

- Tài nguyên du lịch nhân văn được khai thác sử dụng cho phát triển du lịch Phú Thọ (tiêu biểu là hệ thống các di tích lịch sử văn hoá và một số lễ hội truyền thống, yếu tố văn hoá truyền thống gắn với lịch sử dựng nước thời Hùng Vương) đều đã được hệ thống hóa, lập hồ sơ khoa học tổng thể và theo nhóm (các di sản có giá trị cao đã được lập hồ sơ khoa học riêng, tất cả các di tích được xếp hạng đều đã có hồ sơ khoa học), xây dựng kế hoạch bảo vệ, bảo tồn gắn với phát huy giá trị sử dụng cả ở góc độ văn hóa cũng như du lịch và đã từng bước phát huy hiệu quả sử dụng.

- Nhiều hoạt động thu hút du lịch, các sự kiện phục vụ chương trình, hành trình du lịch cũng chính là các hoạt động thực hành nghi lễ, tín ngưỡng, các lễ hội truyền thống (như các nghi thức lễ hội cổ; nghi thức tín ngưỡng; các diễn xướng dân gian: hát Xoan, hát Ghẹo,...). Qua đó, các tài nguyên du lịch nhân văn nhất là các giá trị văn hóa truyền thống vừa được phát huy giá trị, vừa được phục dựng, bảo tồn, giới thiệu, lan tỏa, thu hút sự quan tâm của xã hội, tránh bị mai một (như bảo tồn hệ thống các đình, đền gắn với thời kỳ Hùng Vương; khôi phục một số lễ hội truyền thống, nghi thức truyền thống...). Cũng từ nhu cầu và quá trình phát triển du lịch, một số hoạt động bảo tồn văn hóa gắn với phát triển các loại hình du lịch được quan tâm cả từ góc độ quản lý và thực tiễn thực hiện trong cộng đồng, trong các hoạt động kinh doanh du lịch (khôi phục lễ hội, làng nghề, phường Xoan...).

- Du lịch cũng góp phần thiết thực trong quá trình lập hồ sơ, giới thiệu hình ảnh và bảo vệ thành công 2 hồ sơ di sản thế giới cho Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương ở Phú Thọ và hát Xoan Phú Thọ; lan tỏa các hoạt động thực hành nghi lễ thờ cúng Hùng Vương cổ truyền, thúc đẩy các hoạt động giữ gìn và phát triển nghệ


thuật hát Xoan, đưa di sản hát Xoan Phú Thọ ra khỏi tình trạng cần bảo vệ khẩn cấp; tạo sự gắn kết, tương tác cùng phát triển giữa thương hiệu “du lịch về cội nguồn” và hình ảnh, uy tín văn hóa của địa phương.

- Thu ngân sách từ du lịch những năm qua đã góp phần đầu tư trực tiếp trở lại cho công tác bảo vệ di sản, tu bổ, bảo tồn các di tích lịch sử, văn hóa trên địa bàn tỉnh, tập trung cho những công trình, hồ sơ di sản quan trọng như Đền Hùng, Đền Mẫu Âu Cơ, Đền Lăng Sương, các hồ sơ di sản thế giới, di sản quốc gia.

Bên cạnh mặt tích cực, hoạt động kinh doanh du lịch ở Phú Thọ cũng gây những tác động ảnh hưởng không tốt đến tài nguyên du lịch nhân văn, cụ thể:

- Tốc độ tăng trưởng lượng khách khá cao trong các năm qua, cộng với tính mùa vụ rõ rệt của du lịch Phú Thọ đã tạo sức ép rất lớn lên tài nguyên du lịch nhân văn của tỉnh trong một số thời gian của năm, biểu hiện rõ nét nhất là vào mùa lễ hội ở các di tích Đền Hùng, Đền Mẫu Âu Cơ và một số lễ hội khác. Trong thời gian cao điểm, lượng khách tham quan, hành hương về cội nguồn nhiều và tập trung rất cao, nhất là ở khu trung tâm di tích Đền Hùng, Đền Mẫu Âu Cơ và một số điểm di tích ở thành phố Việt Trì. Lượng khách trong ngày chính hội Đền Hùng lên tới gần 2 triệu lượt, sức ép lên các tài nguyên du lịch nhân văn đặc biệt ở khu vực các đền cổ có tổng diện tích chỉ khoảng gần 3ha là rất lớn, tình trạng quá tải về sức chứa thường xuyên diễn ra vào thời gian này, tác động xấu đến di tích vào thời gian lễ hội.

- Ở một số sự kiện văn hóa, du lịch, việc bảo vệ, tôn trọng giá trị văn hóa truyền thống chưa được chú ý đúng mức, có biểu hiện suy giảm hoặc xa rời giá trị nguyên bản như: dâng cúng các lễ vật “kỷ lục” tại Đền Hùng trong một số năm; cách tân trong thực hành nghi lễ ở một số lễ hội văn hóa, du lịch truyền thống; các hành vi tranh cướp có tính bạo lực, phản cảm trong hội Phết Hiền Quan vài năm gần đây...

3.2.3. Thực trạng tăng trưởng kinh tế du lịch gắn với bảo vệ tài nguyên du lịch tự nhiên, bảo vệ môi trường sinh thái

3.2.3.1. Công tác quy hoạch và đầu tư tôn tạo các vùng, khu, điểm tài nguyên du lịch

Trong những năm qua, UBND tỉnh Phú Thọ đã có sự chỉ đạo phối hợp giữa các ngành trong việc xây dựng quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh cũng như xây dựng quy hoạch, phát triển từng lĩnh vực; đồng thời đã chỉ đạo các ngành tăng cường phối hợp trong xây dựng kế hoạch quản lý, sử dụng, bảo vệ


tài nguyên. Các tài nguyên du lịch có giá trị lớn cơ bản đạt được đồng thuận chung của các ngành liên quan về quan điểm sử dụng gắn với bảo vệ, phát triển.

- Công tác quy hoạch vùng, khu, điểm tài nguyên du lịch: 6/6 vùng, khu, điểm tài nguyên du lịch tự nhiên nằm trong định hướng phân kỳ thu hút đầu tư từ năm 2005 - 2020 đều đã có quy hoạch chung hoặc chi tiết [116]. Tuy nhiên, một số quy hoạch đã phải chỉnh sửa, bổ sung nhiều lần; có quy hoạch đến nay nội dung đã không còn đồng bộ với các chủ trương, quy hoạch tổng thể về kinh tế xã hội mới ban hành hoặc đã bất cập so với thực tế nhưng chưa được rà soát, chỉnh sửa cho phù hợp (quy hoạch phát triển du lịch đầm Ao Châu được ban hành từ năm 2001, phân kỳ thu hút đầu tư không còn phù hợp với quy hoạch phát triển du lịch tỉnh Phú Thọ giai đoạn 2011 - 2020, định hướng đến năm 2030; quy hoạch khu du lịch Văn Lang- Việt Trì phải điều chỉnh nhiều lần); có sự chồng chéo hoặc giao thoa chưa hợp lý giữa quy hoạch một số điểm tài nguyên du lịch với quy hoạch các ngành, lĩnh vực khác (quy hoạch khu đô thị du lịch sinh thái nghỉ dưỡng thể thao Tam Nông không khả thi, vị trí quy hoạch giao thoa không hợp lý với định hướng bố trí khu xử lý chất thải trong quy hoạch thu gom và xử lý chất thải rắn của tỉnh đến năm 2030; một số nội dung của quy hoạch chung khu du lịch Vườn quốc gia Xuân Sơn chồng chéo với quy hoạch nông lâm nghiệp tỉnh Phú Thọ cùng thời kỳ...). 74% số doanh nghiệp được khảo sát cũng cho rằng chất lượng và mức độ phù hợp thực tế của các quy hoạch đã ban hành chỉ từ mức trung bình trở xuống (Phụ lục 4, mục 7.2).

- Công tác bố trí vốn đầu tư tôn tạo tài nguyên ở các khu, điểm du lịch đã quy hoạch: Ngân sách địa phương có bố trí kinh phí cho công tác bảo vệ, tôn tạo tài nguyên ở các khu, điểm du lịch đang tiến hành khai thác. Kinh phí đầu tư, tôn tạo, bảo vệ tài nguyên ở khu du lịch Đền Hùng được bố trí thường xuyên hàng năm, lồng ghép với các nguồn vốn đầu tư và vốn sự nghiệp kinh tế, văn hóa, đáp ứng yêu cầu phát triển du lịch bền vững ở khu du lịch này. Kinh phí cho bảo vệ, tôn tạo tài nguyên du lịch ở các khu, điểm khác rất ít, không đáp ứng yêu cầu.

3.2.3.2. Công tác bảo vệ tài nguyên, môi trường trong hoạt động du lịch

- Việc đảm bảo giới hạn sức chứa, cường độ hoạt động và áp lực lên môi trường tại các khu, điểm du lịch:

Quy mô kinh doanh du lịch Phú Thọ còn nhỏ, do vậy phần lớn thời gian trong năm không xảy ra tình trạng vượt quá sức chứa tại các điểm du lịch, cường độ


hoạt động và áp lực lên môi trường tại các khu, điểm du lịch cơ bản nằm trong giới hạn an toàn. Tuy nhiên tính thời vụ của du lịch thể hiện khá rõ, vào thời gian cao điểm du lịch (ở Phú Thọ là mùa lễ hội), khu du lịch Đền Hùng thường xuyên phải đón lượng khách vượt quá sức chứa, ảnh hưởng đến tài nguyên du lịch, ô nhiễm môi trường trong khu vực các Đền. Tình trạng vượt giới hạn về sức chứa cũng diễn ra ở các nhà nghỉ dưỡng nước khoáng nóng Thanh Thủy trong các ngày cuối tuần và các tháng mùa đông, tuy chỉ trong rất ít khoảng thời gian, nhưng cũng ảnh hưởng, làm suy giảm cục bộ đến nguồn tài nguyên nước khoáng nóng (cả về lượng nước và chất lượng nước khoáng) những thời điểm này.

- Chất lượng môi trường tại các khu, điểm du lịch; ý thức trách nhiệm của khách du lịch và cộng đồng bản địa với tài nguyên, môi trường tại khu, điểm du lịch:

Báo cáo hiện trạng môi trường tỉnh Phú Thọ giai đoạn 2005-2010 và 2010- 2015 cho thấy dù chính quyền đã có một số giải pháp tích cực bảo vệ môi trường, song môi trường ở các khu, điểm du lịch bị ảnh hưởng không nhỏ từ hoạt động du lịch (rác thải từ khách du lịch mới chỉ thu gom được 50%, các cơ sở kinh doanh hầu hết xả nước thải trực tiếp ra môi trường, ô nhiễm không khí, tiếng ồn vào thời gian cao điểm của mùa du lịch...) [111, tr.23-25; 115, tr.42-44]. Do quy mô du lịch còn nhỏ nên môi trường ở các khu, điểm du lịch chưa bị suy giảm quá mức, nhưng xu hướng diễn biến chất lượng môi trường du lịch như vậy chưa có tính bền vững lâu dài.

Theo báo cáo tổng kết công tác du lịch hàng năm của Sở VH,TT&DL, nhìn chung khách du lịch chấp hành các nội dung chính của nội quy, quy định tại các khu, điểm du lịch, không xảy ra các vụ việc du khách vi phạm quy định về bảo vệ tài nguyên, môi trường đến mức phải xử lý trách nhiệm hình sự, một số ít phải xử lý hành chính do vi phạm quy định về bảo vệ tài nguyên. Song quan sát thực tế cho thấy ý thức của một số khách du lịch không cao, tình trạng xả rác bừa bãi, bẻ cành cây, cắm trại, đốt lửa ở các khu vực nhạy cảm về môi trường diễn ra không ít và là nguyên nhân chính ảnh hưởng đến chất lượng môi trường tại các khu, điểm du lịch. Kết quả khảo sát cũng cho thấy, có tới 22,5% du khách tự đánh giá chưa hoặc ít quan tâm đến các quy định về bảo vệ tài nguyên, môi trường khi tham gia hoạt động du lịch tại địa phương; 18,5% thừa nhận ý thức chấp hành các quy định về xả rác thải đúng nơi quy định chưa cao (Phụ lục 4, mục 7.2).


Cộng đồng bản địa nhìn chung có ý thức bảo vệ tài nguyên, môi trường ở điểm đến du lịch, song còn tồn tại không ít tình trạng người dân, hộ dân kinh doanh ăn uống xả rác thải, nước thải không đúng quy định, ảnh hưởng đến môi trường du lịch. Khảo sát cũng cho thấy, còn 9,5% người dân ít hoặc chưa quan tâm đến các quy định của địa phương hoặc nội quy của khu, điểm du lịch về bảo vệ tài nguyên, môi trường (Phụ lục 4, mục 7.3).

- Ý thức trách nhiệm của cơ sở kinh doanh du lịch với tài nguyên du lịch và môi trường:

Các khu, điểm du lịch đều đã xây dựng quy chế quản lý các hoạt động khai thác tài nguyên và quy chế bảo vệ môi trường. Các dự án đầu tư du lịch đều có báo cáo đánh giá tác động môi trường (ĐTM) hoặc cam kết bảo vệ môi trường theo quy định của Luật bảo vệ môi trường [111, tr.23-25; 115, tr.42-44]. Tại một số khu, điểm, dự án du lịch, một số nội dung của quy chế bảo vệ môi trường được thực hiện có kết quả (Khu di tích Đền Hùng, du lịch đảo Ngọc Xanh, du lịch nghỉ dưỡng Vườn Vua, một số cơ sở nhỏ khác đã thực hiện khá tốt các nội dung quy chế về: Niêm yết quy định về giữ gìn vệ sinh ở nơi công cộng; đảm bảo tỷ lệ diện tích cây xanh; không hủy hoại, khai thác trái phép tài nguyên rừng ở khu, điểm du lịch; bố trí đủ công trình vệ sinh công cộng). Trong một số ít công trình, dự án du lịch lớn được xây dựng các năm gần đây (Vincom Plaza, Big C, Mường Thanh Việt Trì...), các quy chuẩn về môi trường trong xây dựng cơ bản đã được chú trọng hơn (như sử dụng các loại vật liệu gạch không nung, thực hiện các giải pháp thi công giảm thiểu ô nhiễm, lắp đặt các thiết bị sử dụng công nghệ thân thiện với môi trường...).

Tuy nhiên, ý thức trách nhiệm về bảo vệ môi trường trong hoạt động kinh doanh của các cơ sở du lịch còn khá nhiều hạn chế, vướng mắc:

+ Các quy chế, cam kết bảo vệ môi trường tuy đã được ban hành hoặc ký kết nhưng việc thực hiện ở đa phần các cơ sở kinh doanh lưu trú, ăn uống chưa tốt, một số nội dung quy chế bảo vệ môi trường trong hoạt động sản xuất kinh doanh chưa được các cơ sở du lịch quan tâm thực hiện (như các quy định về: thực hiện đầy đủ, đúng các nội dung của báo cáo đánh giá tác động môi trường đã được phê duyệt; có đầy đủ thiết bị, dụng cụ thu gom, tập trung chất thải; có hệ thống thu gom và xử lý nước thải tập trung đạt tiêu chuẩn môi trường và được vận hành thường xuyên; đáp ứng các yêu cầu bảo vệ sức khỏe cộng đồng và người lao động; có bộ phận chuyên


môn đủ năng lực để thực hiện nhiệm vụ bảo vệ môi trường). Một số cơ sở ăn uống vi phạm các quy định về bảo vệ động vật hoang dã, gây hệ lụy kích thích việc săn bắn động vật rừng, làm suy giảm hệ sinh thái rừng (Theo số liệu của Phòng Cảnh sát môi trường Phú Thọ, từ năm 2008 đến nay tỉnh đã phát hiện và xử lý 120 vụ việc vi phạm trong lĩnh vực đa dạng sinh học; tịch thu tiêu hủy nhiều loài động vật rừng đã bị giết mổ và thả về tự nhiên khoảng 200 cá thể động vật rừng còn sống).

+ Nước thải ở các khu, điểm du lịch, các cơ sở kinh doanh du lịch đều chưa được thu gom xử lý mà xả trực tiếp ra môi trường gây ô nhiễm nguồn nước mặt và suy giảm chất lượng nước ngầm, tiềm ẩn nguy cơ suy giảm đa dạng sinh học.

+ Đa số các dự án du lịch, các cơ sở lưu trú, ăn uống, trong quá trình xây dựng đều chưa tuân thủ đầy đủ các quy định cụ thể về bảo vệ môi trường liên quan đến vấn đề tiếng ồn, khói bụi, vận chuyển và tập kết vật liệu, quy chuẩn của các phương tiện thi công cơ giới. Ít cơ sở quan tâm sử dụng các thiết bị điện, điện tử thân thiện với môi trường và tiết kiệm năng lượng.

+ Rác thải phát sinh từ hoạt động du lịch (trung bình giai đoạn 2006 - 2015 khoảng 25.000 tấn/năm), tỷ lệ được thu gom tập trung để xử lý chỉ mới đạt 50%. số còn lại tồn tại ngoài môi trường ảnh hưởng tới môi trường đất, không khí và cảnh quan. Môi trường tự nhiên tại một số khu vực di tích trong mùa lễ hội bị ảnh hưởng khá rõ rệt do các loại chất thải rắn, bụi khói từ hoạt động đốt vàng mã, nước thải từ các cơ sở lưu trú, ăn uống [115, tr.42-44]. Song chưa có doanh nghiệp du lịch nào thực hiện được việc phân loại chất thải và có biện pháp giảm tiêu thụ nước, năng lượng hoặc sử dụng nước tái chế. Các doanh nghiệp chưa chủ động hỗ trợ bảo vệ, bảo tồn và quản lý đa dạng sinh học và cảnh quan (Phụ lục 4, mục 7.2).

- Đóng góp từ tăng trưởng kinh tế du lịch cho công tác bảo tồn, tôn tạo tài nguyên, bảo vệ môi trường: Đóng góp từ tăng trưởng kinh tế du lịch cho phát triển văn hóa xã hội, bảo tồn, tôn tạo tài nguyên và bảo vệ môi trường chủ yếu thông qua việc thực hiện nghĩa vụ tài chính (thuế, phí) hoặc đóng góp tự nguyện của các cơ sở kinh doanh du lịch, trên cơ sở đó ngân sách điều tiết trở lại cho bảo tồn, tôn tạo tài nguyên, bảo vệ môi trường. Theo số liệu của cơ quan thuế, nhìn chung các cơ sở kinh doanh du lịch thực hiện nghiêm túc nghĩa vụ tài chính, số ít các trường hợp chậm nộp hoặc vi phạm quy định về thuế, phí, khi phát hiện đều bị xử lý và truy thu theo quy định. Tuy nhiên, do thu nhập du lịch còn thấp nên các khoản thuế thu được

..... Xem trang tiếp theo?
⇦ Trang trước - Trang tiếp theo ⇨

Ngày đăng: 18/03/2023