tất cả các thành phần kinh tế và cộng đồng xã hội cho phát triển du lịch bền vững. Đẩy mạnh xã hội hóa, thu hút và sử dụng có hiệu quả mọi nguồn lực cho đầu tư phát triển.
4.1.4. Mục tiêu phát triển du lịch tỉnh Phú Thọ
4.1.4.1. Mục tiêu chung
Quy hoạch phát triển du lịch của tỉnh xác định mục tiêu chung của du lịch Phú Thọ đến năm 2020, định hướng đến năm 2030 là:
Hình thành hệ thống hạ tầng then chốt, đồng bộ về du lịch - thương mại; phát triển nguồn nhân lực du lịch đảm bảo về chất lượng, đủ về số lượng, hợp lý về cơ cấu; xây dựng được sản phẩm du lịch đặc trưng của tỉnh Phú Thọ... Phấn đấu để đến năm 2020, du lịch Phú Thọ có vị trí quan trọng trong cơ cấu kinh tế địa phương, trở thành địa bàn trọng điểm phát triển du lịch của vùng và cả nước tạo tiền đề để đến năm 2030 du lịch Phú Thọ cơ bản trở thành ngành kinh tế mũi nhọn [113, tr.45].
Mục tiêu chung nói trên mới chỉ chú trọng đến khía cạnh kinh tế và cũng chưa thể hiện được rõ nét đích đến gắn với đặc trưng riêng có của du lịch Phú Thọ. Trên cơ sở vận dụng lý luận về phát triển du lịch bền vững vào thực tế, để đáp ứng yêu cầu của giai đoạn mới, tác giả đề xuất điều chỉnh mục tiêu chung của du lịch Phú Thọ thời gian tới như sau: “Huy động tổng hợp các nguồn lực, tạo bước đột phá trong đầu tư phát triển du lịch, hình thành hệ thống hạ tầng then chốt, đồng bộ về du lịch - thương mại; phát triển nguồn nhân lực du lịch đảm bảo số lượng, chất lượng và có cơ cấu phù hợp; khẳng định và phát triển bền vững thương hiệu “du lịch về cội nguồn” và đa dạng hóa sản phẩm du lịch. Phấn đấu đến năm 2020 Phú Thọ trở thành một trong các trọng điểm du lịch của vùng Tây Bắc, kinh tế du lịch có vị trí quan trọng trong cơ cấu kinh tế địa phương; đến 2030 đưa Phú Thọ thành một trong các trọng điểm du lịch của cả nước, kinh tế du lịch trở thành ngành mũi nhọn của tỉnh. Gắn kết chặt chẽ giữa tăng trưởng kinh tế bền vững ngành du lịch với đảm bảo công bằng và thúc đẩy phát triển văn hóa xã hội địa phương, bảo vệ tài nguyên du lịch tự nhiên, bảo vệ môi trường, duy trì tính đa dạng của hệ sinh thái; bảo tồn và phát huy các giá trị văn hoá, bản sắc văn hoá dân tộc vùng Đất Tổ”.
4.1.4.2. Dự báo các mục tiêu và chỉ tiêu cụ thể đến năm 2030
Quy hoạch phát triển du lịch tỉnh Phú Thọ giai đoạn 2011 - 2020 đã đưa ra mục tiêu và một số chỉ tiêu cụ thể đến năm 2015 và 2020. Trên thực tế, số liệu về kết quả kinh doanh du lịch đến nay cho thấy, một số chỉ tiêu thực hiện vượt so với mục tiêu theo giai đoạn đã đề ra trong Quy hoạch (như tổng lượng khách, số khách du lịch trong ngày, tổng doanh thu từ du lịch); nhưng đa số chỉ tiêu giai đoạn 2011 - 2015 không đạt được. Điều này sẽ ảnh hưởng đến việc thực hiện các mục tiêu và chỉ tiêu cụ thể của Quy hoạch giai đoạn 2016 - 2020. Mặt khác, sau 5 năm thực hiện Quy hoạch, xuất hiện một số yếu tố tác động mới đến du lịch Phú Thọ mà trước đây Quy hoạch không thể dự báo hết được (Do các chính sách thắt chặt đầu tư công nên lượng vốn đầu tư từ ngân sách thấp hơn dự báo; quy hoạch vùng Thủ đô được điều chỉnh trong đó Phú Thọ đóng vai trò là một trọng điểm phát triển du lịch văn hóa, sinh thái, di sản của vùng). Các văn bản mới của ngành du lịch quy định một số tiêu thức phân loại mới đối với khách du lịch, cơ sở kinh doanh du lịch... Từ các lý do nêu trên, đòi hỏi phải có sự rà soát, điều chỉnh, bổ sung một số chỉ tiêu du lịch cụ thể cho phù hợp hơn.
Có thể bạn quan tâm!
- Thực Trạng Tăng Trưởng Kinh Tế Du Lịch Gắn Với Công Tác Bảo Tồn Và Phát Huy Các Giá Trị Văn Hóa Của Địa Phương
- Đánh Giá Thực Trạng Phát Triển Du Lịch Tỉnh Phú Thọ Theo Các Nội Dung Và Tiêu Chí Đánh Giá Phát Triển Du Lịch Bền Vững
- Định Hướng Phát Triển Du Lịch Bền Vững Tỉnh Phú Thọ Đến Năm 2030
- Giải Pháp Phát Triển Du Lịch Bền Vững Ở Tỉnh Phú Thọ Thời Gian Tới
- Đào Tạo Và Phát Triển Nguồn Nhân Lực Có Chất Lượng Đáp Ứng Yêu Cầu Phát Triển Du Lịch Bền Vững
- Khuyến Khích, Hỗ Trợ Nâng Cao Năng Lực, Ý Thức Trách Nhiệm Trong Kinh Doanh Du Lịch
Xem toàn bộ 204 trang tài liệu này.
Căn cứ bộ tiêu chí đánh giá phát triển du lịch bền vững và trên cơ sở phân tích thực trạng thực hiện Quy hoạch 5 năm qua, đánh giá các yếu tố mới tác động đến việc thực hiện Quy hoạch trong thời gian tới, tác giả đề xuất mục tiêu và một số chỉ tiêu phát triển du lịch chủ yếu đến năm 2030 theo hướng đề xuất xây dựng mục tiêu và chỉ tiêu cụ thể đến năm 2020 và định hướng một số mục tiêu chung khái quát hơn đến năm 2030 như sau:
* Mục tiêu chủ yếu đến năm 2020
- Mục tiêu về kinh tế:
+ Doanh thu từ du lịch: Năm 2020 đạt khoảng 200 triệu USD, tốc độ tăng trưởng doanh thu bình quân đạt 15,5%/năm.
+ Giá trị tăng thêm du lịch: Năm 2020 đạt khoảng 60 triệu USD, chiếm tỷ trọng từ 2,4 - 2,5% GRDP toàn tỉnh, tăng trưởng trung bình đạt khoảng 19,5%/năm.
+ Củng cố, lan tỏa mạnh thương hiệu “du lịch về cội nguồn” đến các thị trường khách du lịch, mở rộng thị trường khách du lịch quốc tế và kiều bào.
+ Vốn đầu tư: Tổng vốn đầu tư giai đoạn 2015 - 2020 đạt 5.000 tỷ đồng trở lên, trong đó tỷ trọng đầu tư từ nguồn xã hội đạt trên 70%; cơ cấu đầu tư phù hợp với Đề án xây dựng và phát triển sản phẩm du lịch của tỉnh cùng thời kỳ.
+ Số lượng cơ sở lưu trú: Đến năm 2020 đạt tổng số trên 4.400 phòng lưu trú với khoảng 30% đạt tiêu chuẩn xếp hạng sao, trong đó khoảng 15% từ 3 sao trở lên. Công suất sử dụng phòng đạt 36 - 38%.
+ Đến năm 2020, tạo việc làm cho khoảng 15.000 lao động, trong đó có hơn
5.000 lao động trực tiếp, lao động là người bản địa chiếm trên 65% trong số lao động trực tiếp.
+ Trên 50% cơ sở kinh doanh du lịch thường xuyên sử dụng Internet phục vụ hoạt động quảng bá, giới thiệu hình ảnh; trên 50% dự án đầu tư mới chủ động áp dụng công nghệ thân thiện với môi trường, tiết giảm năng lượng trong xây dựng và trang bị cơ sở vật chất.
+ Khách du lịch:
Năm 2020 đón được khoảng 9 - 9,5 nghìn lượt khách du lịch quốc tế (trong đó có trên 8 nghìn lượt khách lưu trú) và trên 9 triệu lượt khách nội địa (trong đó có trên 8 triệu lượt khách du lịch trong ngày và khoảng 700 nghìn lượt khách lưu trú); đạt mức tăng trưởng bình quân của khách lưu trú nội địa 12%/năm; khách lưu trú quốc tế trên 10%/năm. Thời gian lưu trú bình quân của khách lưu trú nội địa đạt trên 1,5 ngày/khách; của khách lưu trú quốc tế đạt khoảng 1,8 ngày/khách. Chi tiêu bình quân các loại khách gấp 1,4 - 1,6 lần so với kết quả thực hiện năm 2015. Mức độ hài lòng của du khách trên 85%.
(Chỉ tiêu về khách lưu trú được xác định theo tiêu thức thống kê mới, chỉ tính đối với khách có nghỉ qua đêm, không tính đối với khách chỉ sử dụng dịch vụ lưu trú theo giờ như giai đoạn trước).
Các chỉ tiêu kinh tế nói trên cần đạt sự tăng tiến ổn định qua các năm.
- Mục tiêu xã hội:
+ 100% hộ dân trong vùng ảnh hưởng của dự án được lấy ý kiến trước khi thực hiện chủ trương đầu tư dự án mới về du lịch.
+ Phát triển du lịch tạo cơ hội bình đẳng cho cộng đồng địa phương được thụ hưởng những giá trị tài nguyên du lịch, đóng góp tích cực vào công tác giảm nghèo bền vững của tỉnh, trực tiếp là cho các địa phương có hoạt động du lịch.
+ Phát triển du lịch góp phần bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa, bản sắc văn hoá vùng đất Tổ, lan tỏa bền vững hình ảnh các di sản gắn với thời kỳ Hùng Vương dựng nước.
+ Giảm thiểu tệ nạn xã hội, tai nạn giao thông, đảm bảo an ninh quốc phòng, trật tự an toàn xã hội tại các khu, điểm du lịch.
+ Trên 85% người dân ở các vùng chịu tác động của hoạt động du lịch ghi nhận hài lòng với hoạt động du lịch.
- Mục tiêu về môi trường:
+ Nâng cao sự hiểu biết và ý thức, trách nhiệm bảo vệ môi trường du lịch cho 100% cán bộ, người lao động tại các cơ sở kinh doanh du lịch, khách du lịch, cộng đồng dân cư nơi có tài nguyên và hoạt động du lịch. Tăng cường kiểm tra, giám sát chặt chẽ việc bảo vệ tài nguyên môi trường, bảo vệ hệ sinh thái tại các điểm tài nguyên du lịch.
+ Giảm thiểu lượng chất thải vào môi trường. Quản lý chặt chẽ và xử lý đúng quy trình rác thải, nước thải sinh hoạt. 100% các dự án đầu tư mới có báo cáo đánh giá tác động môi trường và xây dựng các công trình xử lý chất thải đạt tiêu chuẩn.
+ Kiểm tra và quản lý tốt quy hoạch khai thác tài nguyên du lịch. Bảo đảm môi trường nước, không khí ở các điểm du lịch tập trung nằm trong giới hạn cho phép.
+ Đầu tư nguồn lực thỏa đáng cho bảo vệ môi trường, chống xuống cấp tài nguyên du lịch, tốc độ tăng chi bảo vệ môi trường, chống xuống cấp tài nguyên du lịch đạt bình quân không dưới 19,5%/năm.
* Mục tiêu đến năm 2030
Mục tiêu đến năm 2030 mang tính định hướng dài hạn được xác định theo hướng: Các chỉ tiêu cụ thể về kinh tế, xã hội, môi trường có thể định lượng được có sự tăng tiến từ 1,5 - 2,5 lần so với giá trị đạt được của năm 2020, các mục tiêu xã hội, môi trường khác được đặt ra với yêu cầu cao hơn so với kết quả đạt được của giai đoạn trước.
4.1.5. Một số định hướng cơ bản phát triển du lịch bền vững tỉnh Phú Thọ đến năm 2030
Để phát triển du lịch bền vững, cần thiết phải xác định một số định hướng phát triển có tính nhất quán, xuyên suốt để triển khai thực hiện. Các định hướng
chính cần xác định bao gồm: định hướng tổ chức không gian du lịch; định hướng phát triển sản phẩm du lịch; định hướng phát triển thị trường du lịch.
4.1.5.1. Định hướng tổ chức không gian du lịch
- Định hướng phát triển các trung tâm du lịch
Định hướng phát triển các trung tâm du lịch Phú Thọ cần được xác định trong mối quan hệ về vị trí và chức năng du lịch của tỉnh trong khu vực; đồng thời phù hợp với định hướng không gian phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh và gắn bó chặt chẽ trong mối quan hệ liên tỉnh theo các quy hoạch: phát triển du lịch Việt Nam, phát triển du lịch vùng trung du và miền núi Bắc Bộ, vùng Thủ đô.
Căn cứ thực tế tài nguyên du lịch, sự phát triển của du lịch Phú Thọ cần được xác định theo hướng tập trung vào 4 trung tâm: Tiếp tục phát triển thành phố Việt Trì trở thành thành phố du lịch lễ hội về với cội nguồn của dân tộc, trong đó hạt nhân của không gian du lịch lễ hội Việt Trì là Khu di tích lịch sử Đền Hùng; Phát triển du lịch tại 3 điểm nhấn khác là Đền Mẫu Âu Cơ và đầm Ao Châu; vườn Quốc gia Xuân Sơn; Đền Lăng Sương và khu nước khoáng nóng Thanh Thuỷ.
- Định hướng phát triển các tuyến du lịch
Căn cứ thực tế phân bố tài nguyên du lịch và giao thông trên địa bàn, tác giả đề xuất tiếp tục duy trì, củng cố các tuyến du lịch mà Quy hoạch phát triển du lịch của tỉnh giai đoạn 2011 -2020 đã xác định. Đây là các tuyến du lịch có thể tạo kết nối cao các tài nguyên du lịch, mở rộng tính đa dạng của sản phẩm du lịch và phù hợp với điều kiện hạ tầng giao thông hiện tại cũng như quy hoạch phát triển giao thông những năm tới, cụ thể:
+ Các tuyến du lịch nội tỉnh:
(1) Tuyến Việt Trì - thị xã Phú Thọ - Hạ Hoà: Đây là tuyến du lịch tổng hợp sinh thái và văn hóa nối trung tâm du lịch tỉnh với địa bàn du lịch phía Bắc.
(2) Tuyến Việt Trì - Thanh Sơn - Xuân Sơn: Đây là tuyến du lịch sinh thái kết hợp văn hóa, nối trung tâm du lịch tỉnh với địa bàn du lịch phía Tây Nam tỉnh.
(3) Tuyến thành phố Việt Trì - Thanh Thủy: Đây là tuyến du lịch nghỉ dưỡng chữa bệnh kết hợp văn hóa, nối trung tâm du lịch tỉnh với địa bàn du lịch phía Tây Nam tỉnh.
(4) Tuyến thành phố Việt Trì - Đoan Hùng: Đây là tuyến du lịch nối trung tâm du lịch tỉnh với địa bàn du lịch phía Đông Bắc tỉnh.
+ Các tuyến du lịch liên tỉnh:
Tiếp tục duy trì, mở rộng không gian phát triển trong mối quan hệ kết nối với vùng Tây Bắc, Đông Bắc, kết nối trong vùng Thủ đô, liên kết với các tỉnh khác trong cả nước qua hệ thống giao thông đường bộ, đường sắt và đường sông. Hình thành được các tour, tuyến du lịch dài ngày, chú trọng phát triển các tour, tuyến gắn với hành trình du lịch di sản, du lịch sinh thái trong đó Phú Thọ là một trong các trọng điểm, là điểm đến quan trọng với các sản phẩm du lịch độc đáo thu hút du khách trong và ngoài nước.
(1) Tuyến du lịch đường bộ: Dựa trên hệ thống quốc lộ 2, cao tốc Nội Bài - Lào Cai nối với thủ đô Hà Nội, các tỉnh vùng đồng bằng sông Hồng, các tỉnh vùng Trung du miền núi Bắc Bộ, tiếp tục kết nối với các tỉnh miền Trung, miền Nam theo hệ thống tuyến du lịch quốc gia.
(2) Tuyến du lịch đường sắt: Tuyến du lịch đường sắt Hà Nội - Việt Trì - Yên Bái - Lào Cai - Côn Minh trong hành lang du lịch xuyên Á.
(3) Tuyến du lịch đường sông: Theo sông Hồng, sông Đà, sông Lô trên cơ sở phát triển các tuyến nội tỉnh.
+ Các tuyến du lịch quốc tế:
Tuyến du lịch quốc tế của Phú Thọ có thể được xác định theo tuyến giao thông đường sắt Vân Nam - Lào Cai - Phú Thọ - Hà Nội - Hải Phòng và đường cao tốc Lào Cai - Hà Nội; theo tuyến giao thông đường bộ Phú Thọ - Sơn La - Điện Biên - Lào; kết nối với các tuyến du lịch quốc tế khác qua sân bay Nội Bài, theo các trục giao thông đường bộ đến tỉnh.
4.1.5.2. Định hướng phát triển các sản phẩm du lịch
- Phát triển các sản phẩm đặc trưng
Căn cứ vào tiềm năng, lợi thế so sánh về tài nguyên du lịch của tỉnh như đã phân tích, đánh giá, có thể xác định sản phẩm du lịch đặc trưng của tỉnh Phú Thọ là du lịch gắn với văn hóa truyền thống (du lịch lễ hội, tâm linh, tham quan nghiên cứu di sản, tìm hiểu văn hóa truyền thống) và du lịch sinh thái (tham quan hang động và hệ sinh thái trung du, nghỉ dưỡng, chữa bệnh).
+ Du lịch gắn với văn hóa truyền thống: Đây là sản phẩm du lịch đặc trưng nhất của du lịch Phú Thọ. Các tài nguyên du lịch sau có thể được lựa chọn để xây dựng nên sản phẩm du lịch này bao gồm:
Các di tích lịch sử và di sản văn hóa vật thể gắn với thời kỳ dựng nước và giữ nước của dân tộc, trong đó hội tụ tiêu biểu và tập trung nhất là quần thể di tích lịch sử Đền Hùng, Đền Mẫu Âu Cơ, Đền Lạc Long Quân.
Các giá trị văn hoá phi vật thể từ thời Hùng Vương như lễ hội truyền thống; tập tục, bản sắc văn hoá truyền thống của người Việt cổ và các dân tộc thiểu số; nghệ thuật kiến trúc cổ; các trò chơi, diễn xướng dân gian nhất là hát Xoan.
Các di tích lịch sử cách mạng trong thời kỳ kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ cứu nước.
+ Du lịch gắn với tham quan hệ sinh thái trung du, nghỉ dưỡng, chữa bệnh: Tuy nhiều tỉnh vùng trung du và miền núi phía Bắc cũng có thế mạnh về du lịch sinh thái, nhưng Phú Thọ có những điểm tài nguyên du lịch tự nhiên với hệ sinh thái có nét riêng, cùng vị trí địa lý và giao thông ngày càng thuận lợi, đã được quy hoạch vùng Thủ đô xác định lợi thế và trách nhiệm phát triển du lịch sinh thái cùng với du lịch văn hóa, di sản, nên có thể xác định du lịch tham quan hệ sinh thái trung du, nghỉ dưỡng, chữa bệnh là sản phẩm du lịch đặc trưng của tỉnh. Các tài nguyên tiêu biểu để xây dựng nên sản phẩm du lịch này là vườn Quốc gia Xuân Sơn, đầm Ao Châu, Ao Giời - Suối Tiên, vùng nước khoáng nóng Thanh Thuỷ...
- Phát triển các sản phẩm du lịch khác
Phú Thọ cũng còn có thể phát triển một số sản phẩm du lịch khác:
+ Một số loại hình du lịch gắn với sinh thái khác như vui chơi giải trí, dã ngoại, thể thao cuối tuần, du lịch trang trại, làng nghề, nông thôn...
+ Du lịch công vụ, gắn với sự kiện (MICE) như thể thao, hội nghị, hội thảo, hội chợ v.v...
Các sản phẩm, loại hình du lịch trên là những sản phẩm du lịch bổ trợ, góp phần làm đa dạng hóa sản phẩm du lịch và kéo dài thời gian lưu trú của khách du lịch.
4.1.5.3. Định hướng phát triển thị trường du lịch
Qua nghiên cứu, phân tích, đánh giá thực tế thực hiện Quy hoạch phát triển du lịch Phú Thọ giai đoạn 2011 - 2020, định hướng đến 2030 cho thấy các nội dung định hướng lớn về thị trường du lịch cơ bản vẫn phù hợp, song cũng cần điều chỉnh một số nội dung cụ thể, do có sự thay đổi trong xu thế thực tế của các dòng khách đến Phú Thọ 5 năm vừa qua. Đề xuất của tác giả về định hướng phát triển thị trường khách du lịch thời gian tới cụ thể như sau:
- Thị trường khách quốc tế
+ Thị trường Đông Bắc Á: Đây là thị trường khách quốc tế lớn nhất đến Phú Thọ những năm qua và vẫn sẽ là thị trường trọng điểm hàng đầu những năm tới, bao gồm khách đến từ các nước như Trung Quốc, Hàn Quốc, Đài Loan và Nhật Bản...
+ Thị trường ASEAN: Theo dự báo của Tổng cục du lịch, trong những năm tới, cộng đồng kinh tế ASEAN phát triển và các mối quan hệ nội khối ngày càng gia tăng thì khách từ thị trường này cũng sẽ tăng nhanh hơn. Do đó thị trường khách ASEAN cũng được coi là thị trường tiềm năng khá lớn cho du lịch Phú Thọ.
+ Thị trường Châu Âu, Bắc Mỹ: Khách từ các thị trường này đến Phú Thọ còn rất ít, nhưng sau khi 2 di sản của Phú Thọ liên tiếp được UNESCO công nhận là di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại thì du lịch Phú Thọ đã được đón nhiều hơn số khách Châu Âu và Bắc Mỹ. Trong dài hạn, du lịch Phú Thọ cần quan tâm hơn đến việc mở rộng và thu hút khách du lịch từ thị trường tiềm năng có chất lượng cao này.
- Thị trường khách du lịch nội địa và kiều bào Việt Nam ở các nước
+ Thị trường khách nội địa: Khách nội địa đến với Phú Thọ gia tăng khá nhanh, nhưng chủ yếu là khách tham quan trong ngày và điểm đến chính là Đền Hùng, khách lưu trú và lựa chọn các điểm đến khác ít. Trong những năm tới, Phú Thọ cần chú trọng các đối tượng khách nội địa sau: (1) Khách du lịch văn hoá tâm linh, lễ hội, hành hương về cội nguồn; (2) Khách du lịch thương mại, công vụ; (3) Khách du lịch cuối tuần kết hợp giải trí: (4) Khách du lịch sinh thái; (5) Khách tham quan thắng cảnh; (6) Khách du lịch nghỉ dưỡng, chữa bệnh; (7) Khách tham gia các hoạt động thể thao, văn hoá kết hợp du lịch.
Tập trung phát triển nguồn khách đến từ mọi địa phương trong cả nước gắn với nhu cầu du lịch văn hoá tâm linh, lễ hội, hành hương về cội nguồn; thu hút nguồn khách từ vùng thủ đô và các thành phố lớn gắn với nhu cầu du lịch sinh thái, du lịch cuối tuần kết hợp giải trí, du lịch nghỉ dưỡng, chữa bệnh. Mở rộng thị trường đến các nguồn khách nội địa khác.
+ Thị trường khách Việt kiều: Do nhu cầu tâm linh, tâm lý và mong muốn hướng về cội nguồn của Việt người xa xứ, lượng khách Việt kiều đến Phú Thọ đã và sẽ tiếp tục ngày càng gia tăng. Du lịch Phú Thọ cần tăng cường quảng bá, tạo ấn tượng tốt đẹp và sâu sắc về vùng đất Tổ cội nguồn của dân tộc trong lòng kiều bào