Phát triển doanh nghiệp vừa và nhỏ để đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế - 2

CHƯƠNG I‌‌

TỔNG QUAN VỀ DOANH NGHIỆP VỪA VÀ NHỎ VÀ VAI TRÒ CỦA DOANH NGHIỆP VỪA VÀ NHỎ ĐỐI VỚI PHÁT TRIỂN KINH TẾ


I. TỔNG QUAN VỀ DOANH NGHIỆP VỪA VÀ NHỎ


1. Tính tất yếu khách quan của sự xuất hiện, tồn tại và phát triển của DNV&N trong nền kinh tế

Lịch sử ra đời và phát triển nền sản xuất hàng hoá gắn liền với sự hình thành và phát triển của các doanh nghiệp. Giai đoạn tiền sử (C.Mác gọi là sản xuất hàng hoá giản đơn) không có sự phân biệt giữa giới chủ và người thợ. Người sản xuất hàng hoá là người sở hữu tư liệu sản xuất, vừa là người lao động trực tiếp vừa là người quản lý và tiêu thụ sản phẩm làm ra. Đó là loại hình doanh nghiệp cá thể, doanh nghiệp gia đình, hay còn gọi là doanh nghiệp cực nhỏ.

Trong quá trình sản xuất kinh doanh, một số người nhờ vào tài năng và vận may đã thành đạt, mở rộng được quy mô sản xuất kinh doanh, đến một giai đoạn nào đó lực lượng lao động của gia đình không đảm đương được hết công việc họ sẽ thuê người làm và trở thành ông chủ. Ngược lại, một bộ phận lớn người sản xuất hàng hoá khác do không may mắn hoặc kém cỏi dẫn đến thua lỗ triền miên, buộc phải bán tư liệu sản xuất và trở thành người làm thuê. Trong giai đoạn đầu, các ông chủ và người thợ cùng trực tiếp lao động với nhau và người làm thuê thường là bà con họ hàng và láng giềng của ông chủ. Về sau mở rộng ra đến những người ở xa đến. Các nhà nghiên cứu thường xếp các doanh nghiệp này vào phạm trù DNV&N.

Trong quá trình sản xuất kinh doanh, những doanh nghiệp thành đạt tiếp tục phát triển về quy mô, mở rộng hoạt động sản xuất kinh doanh. Nhu

cầu về vốn và nhân lực ngày càng tăng thôi thúc các doanh nhân thuê thêm nhân lực, góp vốn thành lập xí nghiệp liên doanh hoặc phát hành cổ phiếu thành lập công ty cổ phần. Bằng nhiều hình thức liên kết ngang, dọc hoặc hỗn hợp nhiều tập đoàn kinh tế, doanh nghiệp lớn hình thành và phát triển.

Có thể bạn quan tâm!

Xem toàn bộ 116 trang tài liệu này.

Nền kinh tế quốc gia là do tổng thể các doanh nghiệp lớn, bé tạo thành. Phần đông các doanh nghiệp lớn trưởng thành và phát triển từ các DNV&N. Quy luật đi từ nhỏ đến lớn là con đường tất yếu của sự phát triển bền vững mang tính phổ biến của đại đa số các doanh nghiệp trong nền kinh tế thị trường và trong quá trình công nghiệp hoá. Đồng thời, sự tồn tại đan xen và kết hợp các loại quy mô doanh nghiệp làm cho nền kinh tế khắc phục được tính đơn điệu, sơ cứng, tạo nên tính phong phú, linh hoạt, đáp ứng được các xu hướng phát triển đi lên và những biến đổi nhanh chóng của thị trường trong điều kiện của cuộc các mạng kkoa học - công nghệ hiện đại, đảm bảo tính hiệu quả chung của toàn nền kinh tế.

Để phát triển nền kinh tế theo hướng công nghiệp hoá, hiện đại hoá không thể không có các doanh nghiệp lớn, vốn nhiều, kỹ thuật hiện đại. Tuy nhiên, ngoài việc xây dựng các doanh nghiệp quy mô lớn cần thiết chúng ta cũng phải thực hiện các biện pháp tăng khả năng tích tụ và tập trung của các DNV&N, tạo điều kiện cho chúng nhanh chóng vươn lên trở thành các doanh nghiệp lớn. Hơn nữa, việc duy trì và phát triển một số lượng lớn các DNV&N trong nền kinh tế cũng là một trong những yếu tố cần thiết để đạt được sự phát triển bền vững. DNV&N có phạm vi phân bố rộng khắp, có khả năng đáp ứng các nhu cầu nhỏ lẻ và năng động nhạy bén hơn trước những thay đổi của thị trường. Do đó, các doanh nghiệp này thường chuyển hướng nhanh trong thời kỳ suy thoái kinh tế, làm nên bước đệm vững chắc cho sự phát triển kinh tế… Như vậy, trong một nền kinh tế có sự liên kết hợp lý giữa doanh nghiệp nhỏ và doanh nghiệp lớn thì DNV&N còn là chỗ dựa vững chắc cho

Phát triển doanh nghiệp vừa và nhỏ để đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế - 2

các doanh nghiệp lớn. Sự kết hợp các loại quy mô doanh nghiệp trong từng ngàng cũng như trong toàn nền kinh tế, trong đó nhấn mạnh đến phát triển DNV&N là phù hợp với xu thế chung và thích hợp với điều kiện phát triển kinh tế xã hội ở nước ta hiện nay.

2. Khái niệm doanh nghiệp vừa và nhỏ

Khái niệm DNV&N đã được biết đến trên thế giới từ những năm đầu của thế kỷ 20 và khu vực các DNV&N được các nước quan tâm phát triển từ những năm 50 của thế kỷ 20. Nhìn chung, khái niệm này được sử dụng như là một định nghĩa bởi các con số thống kê. Ranh giới giữa DNV&N và các doanh nghiệp lớn thường được xác định bằng các chỉ tiêu về vốn, lao động, doanh thu, lợi nhuận…Những chỉ số này có thể khác nhau giữa các nước và các khu vực khác nhau.

Ở Đức, DNV&N là các doanh nghiệp có số lượng lao động không quá 500 người hoặc số vốn không quá 50 triệu Euro, trong khi theo quy định của Liên Minh Châu Âu (EU) thì các doanh nghiệp có số vốn không quá 43 triệu euro hoặc sử dụng không quá 250 lao động sẽ nằm trong khối các DNV&N.

Ở Việt Nam, khái niệm DNV&N mới được biết đến từ năm 1990. Trong cơ chế bao cấp, các doanh nghiệp được chia thành doanh nghiệp loại 1, doanh nghiệp loại 2, doanh nghiệp loại 3 với tiêu chí phân loại chủ yếu là số lao động trong biên chế và phân theo cấp trung ương - địa phương. Trong đó DNV&N gần như tương ứng với doanh nghiệp loại 2 và loại 3.

Ngày 20/6/1998, Chính phủ đã có công văn số 681/CP-KCN về định hướng chiến lược và chính sách phát triển DNV&N. Theo công văn này thì “DNV&N là những doanh nghiệp có vốn đăng ký dưới 5 tỷ đồng và lao động thường xuyên dưới 200 người”. Việc áp dụng một trong hai tiêu chí hoặc cả hai tiêu chí này tuỳ thuộc vào điều kiện cụ thể của từng địa phương, ngành, lĩnh vực. Đây có thể được coi là văn bản đầu tiên đưa ra tiêu chí xác

định DNV&N, là cơ sở cho phép thực hiện các biện pháp hỗ trợ cho khu vực này.

Ngày 23/11/2001, Chính phủ đã ban hành nghị định số 90/2001/NĐ- CP về trợ giúp phát triển DNV&N. Theo quy định của Nghị định này “ DNV&N là đơn vị kinh doanh độc lập theo luật hiện hành, có số vốn đăng ký không quá 10 tỉ đồng và/hoặc sử dụng lao động trung bình hằng năm không quá 300 người”. Tất cả các doanh nghiệp tư nhân, nhà nước, hộ gia đình đều thuộc đối tượng điều chỉnh của luật này nếu họ đáp ứng đầy đủ các điều kiện nêu trên. Đây là văn bản pháp luật đầu tiên chính thức quy định về DNV&N, là cơ sở để thực hiện các chính sách và các biện pháp hỗ trợ cho các DNV&N. Từ đó đến nay khái niệm DNV&N được hiểu và áp dụng thống nhất trong cả nước.

3. Đặc điểm và tính chất của DNV&N

Từ các khái niệm DNV&N ở trên chúng ta thấy hầu hết các nước coi DNV&N là một loại hình doanh nghiệp không được phân biệt theo hình thức sở hữu mà được phân biệt trên khía cạnh quy mô nhiều hơn. Các DNV&N là các doanh nghiệp có qui mô về vốn nhỏ, do đó, doanh thu và lợi nhuận không lớn và hầu hết hoạt động trong các ngành sử dụng nhiều lao động. Cũng như các loại hình doanh nghiệp khác, DNV&N có những đặt tính nhất định trong quá trình hình thành và phát triển. Hầu hết các học giả nhất trí rằng loại hình DNV&N có các ưu điểm và nhược điểm sau đây:

Ưu điểm:

So sánh với các loại hình doanh nghiệp khác đang tồn tại và hoạt động trong nền kinh tế như các doanh nghiệp lớn, các tập đoàn kinh tế, các tổng công ty, các công ty đa quốc gia thì DNV&N có các ưu điểm như:

- Dễ khởi nghiệp, hầu hết các DNV&N đều có thể bắt đầu hoạt động ngay sau khi có ý tưởng kinh doanh và một số ít vốn cũng như lao động nhất

định. Loại hình doanh nghiệp này gần như không đòi hỏi một lượng vốn đầu tư lớn ngay trong giai đoạn đầu. Rất nhiều doanh nghiệp lớn, các công ty đa quốc gia trên thế giới đi lên từ những DNV&N.

- Linh hoạt, vì hoạt động với qui mô nhỏ nên hầu hết các DNV&N đều rất năng động và dễ thích ứng với sự thay đổi nhanh chóng của môi trường. Trong một số trường hợp các DNV&N còn năng động trong việc đón đầu những biến động đột ngột của thể chế, chính sách quản lý kinh tế xã hội, hay các dao động đột biến trên thị trường. Trên giác độ thương mại, nhờ tính năng động này mà các DNV&N dễ dàng tìm kiếm những thị trường ngách và gia nhập thị trường này khi thấy việc kinh doanh trở lên khó khăn và kém hiệu quả hơn. Điều này đặc biệt quan trọng đối với các nền kinh tế đang phát triển hoặc chuyển đổi.

- Lợi thế so sánh trong cạnh tranh, so với các doanh nghiệp lớn, DNV&N có lợi thế so sánh trong cạnh tranh đó là khả năng phát huy những nguồn lực đầu vào như lao động hay tài nguyên hoặc nguồn vốn tại chỗ khi khai thác và phát huy các ngành nghề truyền thống của từng địa phương. Rất nhiều DNV&N của Việt Nam và thế giới đã từng bước trưởng thành và lớn mạnh khi khai thác các nguồn sẵn có của địa phương. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp nhỏ còn có nhiều lợi thế hơn các doanh nghiệp lớn trong việc theo sát nhu cầu và thị hiếu của người tiêu dùng, qua đó sáng tạo ra nhiều loại hàng hoá và dịch vụ mới, đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu của người tiêu dùng.

- Tạo ra các tác động ngoại lai. Trên giác độ kinh tế thì DNV&N tạo ra các tác động ngoại lai rất mạnh cả tích cực và tiêu cực. Với lợi thế trong việc khai thác các nguồn lực sẵn có của địa phương, đặc biệt là ngành có sử dụng nhiều lao động, DNV&N góp phần tạo công ăn việc làm cũng như nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho dân cư tại địa phương hoặc duy trì, bảo vệ các nét văn hoá truyền thống của dân tộc. Bên cạnh đó, việc phát triển các DNV&N còn có các lợi ích như giảm khoảng cách giữa người giàu và người nghèo, giảm sự

cách biệt giữa thành thị và nông thôn qua đó góp phần làm giảm các tệ nạn xã hội và giúp chính phủ giải quyết tốt hơn các vấn đề xã hội khác.

Nhược điểm:

Bên cạnh các ưu điểm được kể ra ở trên, các DNV&N còn có các điểm yếu nhất định như:

- Thiếu các nguồn lực để tiến hành các công trình hoặc các dự án đầu tư lớn, các dự án đầu tư công cộng.

- Các DNV&N không có các lợi thế kinh tế theo qui mô và ở một số nước nhất định loại hình doanh nghiệp này thường yếu thế hơn trong các quan hệ với ngân hàng, với Chính phủ và giới báo chí cũng như thiếu sự ủng hộ của công chúng. Nhiều DNV&N bị phụ thuộc rất nhiều vào các doanh nghiệp lớn trong quá trình phát triển.

- Đứng ở giác độ nhất định thì các DNV&N vì rất rễ khởi nghiệp nên chịu nhiều rủi ro trong kinh doanh. Kinh nghiệm ở nhiều nước cho thấy càng nhiều DNV&N ra đời thì cũng có nhiều DNV&N bị phá sản. Theo kết quả nghiên cứu thực nghiệm của nhiều nhà kinh tế thì các DNV&N có tỷ lệ phá sản và thất bại cao trong năm hoạt động thứ tư. Và các doanh nghiệp do nam giới quản lý thường có tỷ lệ thất bại cao hơn các doanh nghiệp được quản lý và điều hành bởi các chủ doanh nghiệp nữ. Bên cạnh các tác động ngoại lai tích cực thì các DNV&N cũng gây ra không ít các ảnh hưởng ngoại lai tiêu cực trong nền kinh tế như do ít vốn, hầu hết các doanh nghiệp không quan tâm đầy đủ tới việc bảo vệ môi trường.‌

II. VAI TRÒ CỦA DNV&N ĐỐI VỚI PHÁT TRIỂN KINH TẾ

1. Vai trò của DNV&N trong nền kinh tế các nước

Có một trường phái tại một số Viện phát triển kinh tế quốc tế cho rằng về phát triển kinh tế thì “nhỏ là đẹp”. Nền kinh tế thế giới càng lớn và rộng

mở hơn, thì các công ty nhỏ và trung bình sẽ càng thống trị nhiều hơn1. Chính vì vậy, DNV&N cần phải được phát huy vì chúng nhỏ. Nhưng trường phái đó không được các tác giả bây giờ ủng hộ. Cần ủng hộ sự làm ăn có hiệu quả hơn là bất kỳ một hình thức tổ chức công nghiệp nào. Cho nên tầm quan trọng của DNV&N không phải bởi quy mô của nó, mà ở chỗ nó tận dụng tính quy mô đó để đem lại những lợi ích gì cho xã hội.

Trên thế giới, người ta đã thừa nhận rằng DNV&N đóng một vai trò rất quan trọng trong sự phát triển kinh tế xã hội của mỗi nước. Tuy nhiên, tuỳ theo trình độ phát triển kinh tế của mỗi nước mà vai trò của DNV&N cũng thể hiện khác nhau.

Ở các nước công nghiệp phát triển cao như CHLB Đức, Nhật bản, Mỹ... mặc dù có nhiều công ty lớn, đa hay xuyên quốc gia nhưng vai trò của DNV&N trong nền kinh tế quốc dân của những nước này là không thể phủ nhận được. CHLB Đức là một quốc gia hùng mạnh nhưng DNV&N có vai trò quan trọng trong việc bảo vệ và phát huy các ngành nghề truyền thống, là vốn quý và niềm tự hào của dân tộc Đức. Ở Nhật bản, DNV&N được coi là nguồn lực đảm bảo cho sức sống của nền kinh tế, là bộ phận quan trọng trong cơ cấu quy mô nhiều tầng của các doanh nghiệp.

Đối với các nước đang và chậm phát triển, ngoài vai trò tạo công ăn việc làm, góp phần tăng trưởng kinh tế, DNV&N còn đóng vai trò quan trọng trong việc chuyển dịch cơ cấu kinh tế, tiến hành công nghiệp hoá đất nước, xoá đói giảm nghèo, giải quyết những vấn đề xã hội...

Đặc biệt với các nước Châu Á như: Hàn Quốc, Thái Lan, Philippin, Inđônêxia, DNV&N còn có vai trò tích cực trong việc chống đỡ các tiêu cực của cuộc khủng hoảng tài chính - tiền tệ, góp phần đáng kể vào sự ổn định kinh tế, xã hội và từng bước khôi phục kinh tế.


1 John Naisbitt - Nghịch lý toàn cầu Nxb Thế giới, tr. 27-28

Vai trò của DNV&N trong nền kinh tế quốc dân được thể hiện ở các mặt sau:

1.1. Đóng góp vào tăng trưởng và phát triển kinh tế

DNV&N chiếm tỉ lệ tuyệt đối về số lượng trong tổng số các doanh nghiệp sản xuất kinh doanh của các nước. Theo tiêu chí xác định DNV&N, số doanh nghiệp này ở các nước chiếm tỉ lệ từ 90-99% trong tổng số các loại hình doanh nghiệp. Cụ thể: Nhật bản: 99,1%; các nước Tây Âu: 99%, Singapore: 90%, Thái Lan, Malaysia, Indonesia: 95-98% và ở các nước thành viên của APEC là 98%2.

Với tỷ lệ tuyệt đối về số lượng cộng thêm sự năng động và nhạy bén trong các cơ hội kinh doanh, các DNV&N có đóng góp rất lớn vào kết quả hoạt động của nền kinh tế, tạo nên sự tăng trưởng và phát triển kinh tế. Ở Mỹ, hiện nay 24 triệu DNV&N đóng góp hơn một nửa GDP của toàn bộ nền kinh tế (khoảng 51% theo U.S. Small Business Administration). Con số này ở CHLB Đức là 53%; Indonesia là 38,9%; Philippines là 28%; và Malaysia là 50,5%. Tại các quốc gia phát triển trong tổ chức hợp tác và phát triển kinh tế (OECD), khoảng 60% tổng thu nhập quốc nội là do đóng góp của các doanh

nghiệp nhỏ, nghĩa là các doanh nghiệp có nhiều nhất là 50 nhân công3.

1.2. Tạo sự ra năng động và hiệu quả cho nền kinh tế

Sự ra đời của các DNV&N làm cho số lượng các doanh nghiệp tăng lên rất nhanh do đó làm tăng tính cạnh tranh, giảm bớt mức độ rủi ro, đồng thời làm tăng số lượng và chủng loại hàng hoá, dịch vụ trong nền kinh tế. Các DNV&N có khả năng thay đổi mặt hàng và công nghệ, chuyển hướng kinh doanh nhanh chóng khi có những bất lợi ảnh hưởng tới quá trình kinh doanh. Các yếu tố này góp phần làm cho nền kinh tế được nhạy bén hơn trước những thay đổi bất lợi.



2 Viện Khoa Học- Xã hội và nhân văn (2005), vai trò của DNV&Ntrong nền kinh tế các nước. Tr. 60-64

3 Viện Khoa Học- Xã hội và nhân văn (2005), vai trò của DNV&Ntrong nền kinh tế các nước. Tr. 60-64.

..... Xem trang tiếp theo?
⇦ Trang trước - Trang tiếp theo ⇨

Ngày đăng: 07/09/2022