Phát triển công nghiệp nông thôn tỉnh Thừa Thiên Huế - 11


Song song với đào tạo nghề cho người lao động là chuyển giao kỹ thuật công nghệ tương ứng với tay nghề cho công nghiệp nông thôn.

Hiện nay, trong lĩnh vực công nghiệp nông thôn kỹ thuật, máy móc còn thô sơ, công nghệ lạc hậu làm giảm hiệu quả sản xuất kinh doanh. Kỹ thuật công nghệ hiện đại sẽ tiết kiệm chi phí sản xuất, nâng cao chất lượng sản phẩm, tăng khả năng cạnh tranh trên thị trường. Thực tế cho thấy, một số cơ sở sản xuất mới thành lập đã lựa chọn được kỹ thuật, công nghệ tiên tiến nên hiệu quả sản xuất được nâng cao, đã chiếm lĩnh được thị trường. Do đó, để phát triển công nghiệp nông thôn trong thời gian tới phải chú trọng việc đầu tư kỹ thuật, công nghệ hiện đại vào sản xuất.

Trước hết các cơ sở công nghiệp nông thôn phải nhận thức được tầm quan trọng và tự lực trong khâu đổi mới kỹ thuật, công nghệ sản xuất của mình. Họ phải mạnh dạn đầu tư đổi mới kỹ thuật tiên tiến thay cho máy móc cũ kỹ kém hiệu quả. Với năng lực vốn hạn chế, cần lựa chọn khâu quan trọng có tính đột phá để đổi mới, đồng thời trong quá trình đổi mới phải chú ý đến sự đồng bộ giữa các khâu kỹ thuật để phát huy tối đa hiệu suất của máy móc.

Tuy nhiên, đầu tư kỹ thuật mới phải đảm bảo yếu tố môi trường và phù hợp với trình độ người lao động, do đó phải luôn luôn chú ý nâng cao tay nghề cho lao động để họ làm chủ được công nghệ, có như thế quá trình sản xuất mới đạt hiệu quả cao.

Quá trình đổi mới công nghệ của các cơ sở sản xuất muốn đạt hiệu quả cần phải có sự hỗ trợ của Nhà nước. Nhà nước cần đầu tư nghiên cứu, triển khai các dự án khoa học công nghệ phục vụ cho công nghiệp nông thôn. Nâng cao trách nhiệm của các trung tâm tư vấn kỹ thuật, khuyến công trong việc tư vấn, chuyển giao kỹ thuật công nghệ cho các cơ sở sản xuất. Nhà nước cần khuyến khích và có chế độ đãi ngộ cho các cán bộ khoa học về công tác, nghiên cứu hỗ trợ kỹ thuật thúc đẩy sự phát triển của công nghiệp nông thôn, đảm bảo công bằng trong cơ hội phát triển giữa nông thôn và thành thị.


Đổi mới kỹ thuật công nghệ không có nghĩa là thay mới hoàn toàn mà cần kết hợp hài hòa giữa công nghệ hiện đại và công nghệ truyền thống trong sản xuất sao cho tiết kiệm, đảm bảo hiệu quả sản xuất kinh doanh, lấy hiệu quả sản xuất kinh doanh và môi trường làm tiêu chí để lựa chọn phương án đổi mới kỹ thuật công nghệ sản xuất cho công nghiệp nông thôn.

3.3.6. Khôi phục và phát triển các làng nghề truyền thống làm hạt nhân phát triển công nghiệp nông thôn

Làng nghề là một trong những nét tiêu biểu công nghiệp nông thôn Việt Nam. Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, tính đến tháng 6 năm 2009 ở nước ta có 2.790 làng nghề với 53 nhóm nghề thu hút gần 12 triệu lao động tham gia. Thừa Thiên Huế cũng có rất nhiều làng nghề, đây là một trong những nét đặc trưng của Huế do đã từng được nhà Nguyễn chọn làm kinh đô nên ở Thừa Thiên Huế có số lượng làng nghề rất lớn. Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tỉnh Thừa Thiên Huế, nếu không kể các làng nghề đã thất truyền thì hiện nay toàn tỉnh có khoảng 90 làng nghề, trong đó có 69 làng nghề truyền thống, 21 làng nghề mới du nhập với 30 ngành nghề khác nhau.

Có thể bạn quan tâm!

Xem toàn bộ 99 trang tài liệu này.

Sự phát triển của các làng nghề tác động mạnh mẽ đến quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông thôn. Các làng nghề truyền thống ở Thừa Thiên Huế tạo ra việc làm và thu nhập cho hơn 16.000 lao động. Chúng tạo ra nhiều sản phẩm phục vụ nhu cầu sản xuất và sinh hoạt của người dân, đồng thời duy trì, bảo tồn bản sắc văn hóa Huế.

Sự lan tỏa của các làng nghề truyền thống ở nông thôn là rất lớn, chính sự ảnh hưởng này là cơ sở để hình thành các các ngành nghề sản xuất của công nghiệp nông thôn.

Phát triển công nghiệp nông thôn tỉnh Thừa Thiên Huế - 11

Để phát triển các làng nghề trong thời gian tới ngoài những giải pháp nêu trên, cần giải quyết các vấn đề cơ bản sau:


Đa dạng hóa các sản phẩm thủ công, cải tiến mẫu mã, bao bì sao cho mỗi sản phẩm vừa thể hiện nét tài hoa của nghệ nhân vừa thể hiện đặc trưng văn hóa Huế. Sự thể hiện này không chỉ dừng lại ở từng sản phẩm mà còn trên cả bao bì. Xây dựng thương hiệu làng nghề và đăng ký bản quyền tác giả cho các sản phẩm thủ công mỹ nghệ đặc trưng của các làng nghề, tránh những tranh chấp tác quyền hay thương mại liên quan đến sản phẩm của các làng nghề truyền thống.

Cần tôn vinh các nghệ nhân và thợ thủ công lành nghề, khuyến khích để họ sẵn sàng truyền cho người khác dòng họ, vì những nghệ nhân, thợ thủ công giỏi thường giữ bí quyết nghề, chỉ truyền cho con trai, không truyền cho con gái và người ngoài dòng họ.

Tạo điều kiện về vốn kỹ thuật để các hộ sản xuất của các làng nghề tiếp tục phát triển sản xuất, thực tế cho thấy lao động trong các làng nghề Thừa Thiên Huế thường bỏ đi nơi khác làm ăn để có thu nhập cao hơn.

Đẩy mạnh hoạt động của Hiệp hội thủ công mỹ nghệ Huế và Trung tâm hàng thủ công Huế trong việc tổ chức, giới thiệu, quảng bá sản phẩm, đưa sản phẩm ra thị trường bên ngoài, đặc biệt là qua kênh bán hàng lưu niệm cho khách du lịch đến Huế. Đồng thời tạo điều kiện, hỗ trợ kinh phí để thợ thủ công giao lưu, học hỏi kinh nghiệm ở một số vùng có nghề thủ công nổi tiếng như Hà Tây cũ, Bắc Ninh, Thái Bình...

Phát triển làng nghề gắn với hoạt động du lịch, đây là hướng đi mới mẻ của các làng nghề truyền thống ở nước ta. Các làng nghề cần liên kết với các hãng lữ hành để thiết kế các tour du lịch đến các làng nghề truyền thống để du khách vừa tham quan không gian làng nghề, xem trình diễn và thử làm nghề, mua sản phẩm và lưu trú ngay tại làng nghề. Làm như vậy sẽ kéo theo sự phát triển của các dịch vụ khác, tăng thu nhập cho làng nghề và làm cho làng nghề sống động hơn. Tuy nhiên, việc này cần có sự thống nhất với chính quyền địa phương và các hộ sản xuất ở làng nghề vì đây là mô hình mới có liên quan


đến yếu tố nước ngoài cần quản lý chặt chẽ về hành chính, đảm bảo an ninh trật tự và an toàn chính trị.

Nguyễn Thị Minh Hòa (2009) và nhóm nghiên cứu đã phân tích sự kết hợp này, kết quả cho thấy hình thức này có thể áp dụng cho trường hợp của làng gốm Phước Tích, huyện Phong Điền, qua đó gợi mở vấn đề về mô hình du lịch kết hợp làng nghề, cho du khách nghỉ trọ ở nhà dân ngay tại làng nghề theo kiểu du lịch “home-stay”. Định hướng hình thức này cho một số làng nghề truyền thống khác như làng nón Mỹ Lam huyện Phú Vang, làng mây tren đan Bao La, huyện Quảng Điền [18, tr.223].

Ưu tiên vùng nguyên liệu cho các làng nghề vì hiện nay các làng nghề đang thiếu một lượng nguyên liệu khá lớn. Tỉnh cần quy hoạch vùng nguyên liệu riêng cho làng nghề sẽ thúc đẩy các làng nghề phát triển. Đồng thời với quá trình này, các làng nghề sẽ lan tỏa ra trong đời sống ở nông thôn, kéo theo sự phát triển của công nghiệp nông thôn.

3.3.7. Đổi mới cơ chế chính sách kinh tế xã hội có lợi cho phát triển công nghiệp nông thôn

Công nghiệp nông thôn là lĩnh vực sản xuất còn kém phát triển, sự phát triển của nó sẽ tác động sâu sắc đến kinh tế nông thôn, do đó các chính sách phát triển phải có vai trò như bà đỡ tức là cần có chính sách ưu tiên trong quá trình phát triển của công nghiệp nông thôn. Để giải quyết vấn đề này cần thực hiện một số nội dung sau :

Hoàn thiện và thực hiện tốt các chính sách cho công nghiệp nông thôn như chính sách hỗ trợ đầu tư, chính sách đào tạo nhân lực, chính sách chuyển giao công nghệ và hỗ trợ kinh doanh. Đẩy mạnh cải cách hành chính để các cơ sở sản xuất công nghiệp nông thôn dễ dàng tiếp cận với các cơ quan nhà nước, các trung tâm tư vấn hỗ trợ dịch vụ cho công nghiệp nông thôn, giúp quá trình thực hiện các chính sách này có hiệu quả.


Tổ chức các khóa đào tạo, tập huấn về khởi sự, quản trị doanh nghiệp nông thôn. Một trong những yếu kém của công nghiệp nông thôn Thừa Thiên Huế là trình độ quản lý. Do đó cần có sự hỗ trợ từ phía Nhà nước để tổ chức các lớp đào tạo, tập huấn về nghiệp vụ kinh doanh, quản lý cho các cơ sở sản xuất kinh doanh trong lĩnh vực công nghiệp nông thôn.

Cần khuyến khích thành lập các hội nghề nghiệp như Hội thủ công mỹ nghệ Huế, Hội áo dài Huế để tập trung nguồn nhân lực, vật lực trong việc trao đổi kinh nghiệm sản xuất như cải tiến mẫu mã, quy trình sản xuất, giới thiệu và quảng bá sản phẩm ra thị trường, bảo vệ lợi ích của hội viên.

Tỉnh Thừa Thiên Huế cần có cơ chế miễn, giảm hoặc giãn thuế một vài năm cho một số ngành nghề mới khôi phục hay du nhập từ bên ngoài để tạo đà cho các ngành nghề này phát triển.

Tóm lại, phát triển công nghiệp nông thôn là một hướng đi cần thiết ở Thừa Thiên Huế hiện nay nhằm khai thác có hiệu quả các nguồn lực sẵn có của địa phương, thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông thôn theo hướng hợp lý. Trong thời gian tới các cơ sở sản xuất công nghiệp nông thôn cũng như cơ quan chuyên môn của nhà nước ở Thừa Thiên Huế cần thực hiện đồng bộ những giải pháp nói trên nhằm đảm bảo sự phát triển bền vững của công nghiệp nông thôn.


KẾT LUẬN


Qua quá trình nghiên cứu sự phát triển của công nghiệp nông thôn có thể rút ra một số kết luận sau:

1. Công nghiệp nông thôn là một bộ phận công nghiệp cả nước được phân bố ở nông thôn bao gồm các cơ sở sản xuất công nghiệp với quy mô vừa và nhỏ là chủ yếu cùng với các ngành tiểu thủ công nghiệp thuộc nhiều thành phần kinh tế, nhiều hình thức tổ chức sản xuất khác nhau, gắn bó chặt chẽ với sự phát triển kinh tế xã hội ở nông thôn do chính quyền địa phương quản lý về mặt nhà nước. Công nghiệp nông thôn có vai trò rất quan trọng trong quá trình phát triển kinh tế xã hội, thúc đẩy sự chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông thôn theo hướng công nghiệp hóa ở các nước đang phát triển nói chung và Việt Nam nói riêng. Phát triển công nghiệp nông thôn là một yếu cầu bức thiết hiện nay nhằm góp phần đẩy nhanh và nâng cao hiệu quả tiến trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông thôn tỉnh Thừa Thiên Huế.

2. Thừa Thiên Huế là một tỉnh miền Trung, có vị trí địa lý thuận lợi cho giao lưu kinh tế, văn hóa với các vùng khác trong cả nước cũng như có những tiềm năng cho sự phát triển của công nghiệp nông thôn. Công nghiệp nông thôn Thừa Thiên Huế phát triển đa dạng với nhiều thành phần kinh tế và hình thức tổ chức sản xuất kinh doanh ở nhiều ngành nghề khác nhau, trong đó chủ yếu là kinh tế tư nhân sản xuất theo kiểu hộ gia đình. Quá trình phát triển công nghiệp nông thôn tỉnh Thừa Thiên Huế trong những năm qua đã có những thành tựu đáng kể trong vấn đề giải quyết việc làm, thu nhập cho người dân ở nông thôn. Song trong quá trình phát triển, công nghiệp nông thôn Thừa Thiên Huế vẫn còn một số hạn chế bất cập cần khắc phục. Để công nghiệp nông thôn Thừa Thiên Huế phát triển ổn định và bền vững, trong thời gian tới đòi hỏi phải có nhiều nghiên cứu của các nhà khoa học cũng như sự tác động từ phía các cơ quan quản lý nhà nước và các cơ sở sản xuất để tìm ra những


giải pháp thích hợp cho sự phát triển của công nghiệp nông thôn tỉnh Thừa Thiên Huế.

3. Để phát triển công nghiệp nông thôn tỉnh Thừa Thiên Huế cần thực hiện nhiều giải pháp mang tính đồng bộ trên cơ sở một số quan điểm và phương hướng nhất quán. Các giải pháp phát triển công nghiệp nông thôn có mối liên hệ mật thiết với nhau. Việc phát triển công nghiệp nông thôn, ngoài nỗ lực của các cơ sở sản xuất cần có sự hỗ trợ từ phía nhà nước thông qua các cơ chế chính sách thuận lợi nhằm huy động và sử dụng tiết kiệm, có hiệu quả các nguồn lực đảm bảo sự bền vững trong quá trình phát triển.


TÀI LIỆU THAM KHẢO


1. Viên Thị An (29/5/2008), “Phát triển công nghiệp nông thôn và làng nghề ở Thái Bình”, Tạp chí Cộng sản điện tử, (154). http://www.tapchicongsan.org.vn/details.asp?Object=14331554&news_ID=29551263.

2. Hà Văn Ánh (2000), Phát triển công nghiệp nông thôn ở ngoại thành thành phố Hồ Chí Minh, luận án tiến sĩ Kinh tế, Hà Nội.

3. Nguyễn Thị Phương Châm, Dương Bích Hạnh, Nguyễn Mai Hương, (2009), Tiềm năng, thực trạng và những giải pháp cho sự phát triển làng nghề thủ công ở Huế trong bối cảnh di sản, Kỷ yếu hội thảo Nghề và làng nghề truyền thống, tiềm năng và định hướng phát triển, Huế,

4. Bộ Công nghiệp (11/7/2007), Quyết định Số 29/2007/QĐ-BCN Về phê duyệt Quy hoạch phát triển công nghiệp Vùng Kinh tế trọng điểm Miền Trung đến năm 2015, có xét đến năm 2020.

5. Bộ Chính trị (25/5/2009), Kết luận số 48-KL/TW Về xây dựng, phát triển tỉnh Thừa Thiên Huế và đô thị Huế đến năm 2020.

6. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (18/12/2006), Thông tư số 116

/2006/TT- BNN Về Hướng dẫn thực hiện một số nội dung của Nghị định số 66/2006/NĐ-CP.

7. Bộ Tài chính (28/12/2006), Thông tư số Số 113/2006/TT-BTC Về Hướng dẫn một số nội dung về ngân sách nhà nước hỗ trợ phát triển ngành nghề nông thôn theo Nghị định số 66/2006/NĐ-CP.

8. Cục Thống kê Thừa Thiên Huế (2001), Niên giám thống kê 2000, Huế.

9. Cục Thống kê Thừa Thiên Huế (2006), Niên giám thống kê 2005, Huế.

10. Cục Thống kê Thừa Thiên Huế (2009), Niên giám thống kê 2008, Huế.

Xem tất cả 99 trang.

Ngày đăng: 03/10/2023
Trang chủ Tài liệu miễn phí