Phát Triển Hệ Thống Kết Cấu Hạ Tầng Thương Mại, Đặc Biệt Là Ở Nông Thôn, Vùng Sâu, Vùng Xa


- Căn cứ vào qui hoạch phát triển sản xuất ở các địa phương, các vùng nhất là vùng sản xuất chế biến sản phẩm công nghiệp chế biến nông, lâm sản tập trung chuyên canh phục vụ xuất khẩu, vùng sản xuất nguyên liệu cho công nghiệp chế biến (lúa, mía, rau xanh, trái cây, cà phê, tiêu...) để thúc đẩy việc ký kết hợp đồng tiêu thụ cung cấp vật tư hàng hóa và thực hiện các chính sách hỗ trợ đầu tư (đất đai, giống, phân bón, thiết bị kỹ thuật, tập huấn chuyên môn ...) cho các vùng tập trung chuyên canh sản phẩm công nghiệp chế biến nông, lâm sản.

Tuyên truyền vận động để nông dân tự nguyện hợp tác liên kết sản xuất trong các tổ đội sản xuất hoặc HTX để giảm bớt đầu mối ký kết hợp đồng cho doanh nghiệp. Tùy theo điều kiện cụ thể, doanh nghiệp có thể ký kết hợp đồng với các bên đối tác là hộ nông dân sản xuất kinh doanh lớn, các hộ kinh tế trang trại (hoặc đại diện của họ là các nhóm hộ) các tổ đội sản xuất và HTX, các nông trường hoặc các thương nhân trung gian (như người buôn chuyến, thương lái, chủ vựa...).

Cụ thể hóa và áp dụng các chính sách khuyến khích cả doanh nghiệp lẫn nông dân trong việc ký kết và thực hiện hợp đồng tiêu thụ sản phẩm công nghiệp chế biến nông, lâm sản (ưu đãi đầu tư hoặc tín dụng để thực hiện hợp đồng, thưởng theo kết quả thực hiện hợp đồng, tham gia thực hiện các hợp đồng xuất khẩu sản phẩm công nghiệp chế biến nông, lâm sản của Chính phủ, hỗ trợ xúc tiến thương mại, cung cấp thông tin, tiếp cận thị trường... Các doanh nghiệp cần bảo đảm đầy đủ và kịp thời các khoản đầu tư ứng trước cho nông dân (nhất là tiền vốn, giống, phân bón...) để một mặt tạo điều kiện cho nông dân thực hiện hợp đồng, mặt khác nâng cao cơ sở kinh tế và pháp lý của quan hệ ràng buộc giữa hai bên theo hợp đồng.

Áp dụng nhiều hình thức thỏa thuận trong hợp đồng để đảm bảo chia sẻ rủi ro phân phối hài hòa lợi ích kinh tế đôi bên cả khi thuận lợi lẫn lúc khó khăn.

- Xây dựng cơ chế điều hòa bảo hiểm cho hợp đồng tiêu thụ theo nguyên tắc lấy lãi bù lỗ; dành một phần lãi khi giá lên bù cho lỗ khi giá xuống để ổn định giá cả, từ đó ổn định lợi ích kinh tế của nông dân và doanh nghiệp.


- Phát huy tác dụng dẫn dắt, định hướng thị trường và nêu cao vai trò nòng cốt của doanh nghiệp nhà nước trong việc thực hiện hợp đồng; đồng thời tăng cường giáo dục ý thức trách nhiệm pháp luật của nông dân trong việc thực hiện các nghĩa vụ đã thỏa thuận và cam kết theo hợp đồng.

Thông qua phương thức hợp đồng kinh tế hai chiều, tạo điều kiện để doanh nghiệp tham gia đầu tư vào sản xuất nông nghiệp và ngược lại, nông dân góp vốn đầu tư, mua cổ phần, liên doanh đầu tư cùng doanh nghiệp hoặc trở thành đơn vị kinh doanh vệ tinh của doanh nghiệp, từ đó dần hình thành và phát triển các tổ hợp nông - công - thương theo chế độ sở hữu hỗn hợp, thực hiện sự liên kết giữa nhà nông với nhà chế biến công nghiệp và nhà buôn, nhất thể hóa sản xuất nông nghiệp, sản xuất công nghiệp và lưu thông hàng hóa trên thị trường trong nước.

Ngoài sự liên kết kinh tế giữa những người sản xuất, chế biến và tiêu thụ sản phẩm của công nghiệp chế biến nông, lâm sản, việc hình thành liên kết các hiệp hội của những người cùng sản xuất cùng kinh doanh chế biến một mặt hàng cũng rất cần thiết để tăng cường sức mạnh thương thảo. Đối với những vùng sản xuất không tập trung, sản lượng hàng hóa phân tán, những vùng xa, vùng sâu, việc hình thành những loại hình liên kết theo nhóm hộ liền cư hay nhóm hộ sản xuất cùng ngành hàng là rất cần thiết để giảm thiểu sức ép của thương lái, sức ép của thị trường.

Có thể bạn quan tâm!

Xem toàn bộ 270 trang tài liệu này.

Các tỉnh cũng cần hỗ trợ, vận động, khuyến khích các doanh nghiệp kinh doanh sản phẩm công nghiệp chế biến nông, lâm sản, hình thành những tập đoàn công ty lớn, chuyên ngành hoặc các hiệp hội để có thể nghiên cứu nắm bắt được đầy đủ thông tin về thị trường trong và ngoài nước, những kỹ thuật sản xuất hiện đại, cùng với khả năng đầu tư máy móc thiết bị chế biến để tạo đầu ra ổn định, nâng cao hiệu quả sản xuất sản phẩm công nghiệp chế biến nông, lâm sản; đồng thời cũng tránh được kiểu tranh mua giảm bán trên thị trường trong và ngoài nước. Các tập đoàn, các công ty lớn, các hiệp hội ngành hàng còn có thể là các đầu mối quan trọng để Nhà nước điều tiết cung cầu - giá cả sản phẩm của công nghiệp chế biến nông, lâm sản khi có biến động trên thị trường, đồng thời tập trung sức mạnh thương thảo


Phát triển công nghiệp chế biến nông, lâm sản trên địa bàn các tỉnh vùng Bắc Trung Bộ - 24

trên thị trường đầy biến động và cạnh tranh gay gắt của thời đại tự do hóa thương mại hiện nay.

3.3.2.3. Phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng thương mại, đặc biệt là ở nông thôn, vùng sâu, vùng xa

Hệ thống kết cấu hạ tầng thương mại có vai trò rất quan trọng trong lưu thông hàng hóa nói chung và sản phẩm của công nghiệp chế biến nông, lâm sản nói riêng.

Chính vì vậy cần đẩy mạnh phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng thương mại, qui hoạch và thực hiện ngay qui hoạch phát triển mạng lưới trung tâm thương mại ở địa phương, đi đôi với việc hoàn thiện tổ chức và hoạt động của mô hình này. Kết hợp và vận dụng nhiều hình thức, như Nhà nước đầu tư xây dựng, sau đó tổ chức đấu thầu chuyển giao cho các doanh nghiệp quản lý và khai thác; Nhà nước hỗ trợ đầu tư (mặt bằng, hạ tầng kỹ thuật hoặc chính sách cho vay ưu đãi) đồng thời huy động nguồn vốn từ các doanh nghiệp, các cá nhân và các hộ kinh doanh cùng tham gia xây dựng.

Việc xây dựng hệ thống các chợ đầu mối sản phẩm công nghiệp chế biến nông, lâm sản là rất cần thiết và cấp bách. Ngoài chức năng liên kết giữa sản xuất và tiêu thụ, doanh nghiệp thương mại ở các chợ đầu mối phải xây dựng giá, thông tin, kiểm soát an toàn thực phẩm, bảo vệ môi trường... Ngày nay, chợ sản phẩm công nghiệp chế biến nông, lâm sản bán buôn đầu mối đã trở thành một phần không thể thiếu trong mạng lưới phân phối sản phẩm công nghiệp chế biến nông, lâm sản, thực phẩm cho các đô thị lớn tại châu Âu, Mỹ, Nhật Bản. Tại các nước đang phát triển, chợ đầu mối sản phẩm công nghiệp chế biến nông, lâm sản đang ngày càng khẳng định vai trò quan trọng của nó trong việc kết nối giữa người bán và người mua, hình thành giá cả, cung cấp các dịch vụ hỗ trợ như tái chế, đóng gói, bảo quản do người sản xuất tại các nước này thường không có điều kiện đầu tư vào các thiết bị chế biến', hệ thống kho tàng cũng như không nắm bắt được các thông tin về giá cả thị trường quốc tế...


Việc hình thành các chợ cần được thực hiện dần dần từng bước, vừa giảm chi phí đầu tư, vừa tạo điều kiện để người sản xuất cũng như các tổ chức kinh doanh thương mại có điều kiện tiếp cận, làm quen với các phương thức giao dịch hiện đại. Cần thiết lập cơ chế quản lý tốt, xây dựng các hệ thống hướng dẫn, luật lệ rõ ràng, với hiệu lực thi hành bảo đảm có thỏa thuận mang tính hợp đồng với những tổ chức, cá nhân tham gia vào chợ, đào tạo cán bộ quản lý và nhân viên có trình độ, tinh thần trách nhiệm cao.

Bên cạnh đó, cần xây dựng từng bước và phát triển các điểm thông tin thị trường, các kho bảo quản hàng hóa cho doanh nghiệp và nông dân (nông dân gửi sản phẩm công nghiệp chế biến nông, lâm sản chờ giá lên cao để bán, đồng thời căn cứ vào đó để làm thế chấp vay vốn tái sản xuất; doanh nghiệp dự trữ, phân loại bao gói vật tư nông nghiệp và hàng công nghiệp tiêu dùng để chuẩn bị bán...); xây dựng các hình thức thương mại điện tử phục vụ chủ yếu cho nhu cầu của sản xuất và lưu thông hàng hóa ở nông thôn, tạo cơ sở cho việc hình thành và phát triển các trung tâm thương mại nông thôn mà nòng cốt là chợ tập trung đầu mối, kho bảo quản hàng hóa và điểm thông tin thị trường.

3.3.3. Giải pháp về thị trường - thông tin và xúc tiến thương mại

3.3.3.1. Nghiên cứu và xây dựng chiến lược thị trường

Đây là vấn đề có ý nghĩa rất quan trọng đề phát triển thị trường trong bối cảnh tự do hóa thương mại khu vực và toàn cầu. Trong điều kiện cạnh tranh gay gắt, việc nghiên cứu và xây dựng chiến lược thị trường đúng đắn ở cả tầm vĩ mô và vi mô sẽ góp phần định hướng đúng sản xuất và mở rộng thị phần.

Việc nghiên cứu và hoạch định một chiến lược tổng thể về thị trường có tầm quan trọng hàng đầu. Để xây dựng được chiến lược này, các tỉnh cần phải nắm rõ được năng lực và hiện trạng của sản xuất trong nước, các lợi thế của từng ngành hàng, mặt hàng cũng như đặc điểm, tính chất và thể chế của từng thị trường ngoài nước, để từ đó có căn cứ trả lời cho các câu hỏi: Mặt hàng nào đi vào thị trường nào? với Số lượng bao nhiêu? Đi như thế nào? và Cần giải quyết những vấn đề gì để


khai thông thị trường? Trên cơ sở đó sẽ xác định tốc độ phát triển cho từng thị trường và cơ' cấu tổng thể về thị trường.

Cần đánh giá đúng về sản phẩm sản xuất trên địa bàn theo khả năng cạnh tranh trên cơ sở tính toán các hệ số về lợi thế cạnh tranh RCA, DRC, EPR. Nhóm có khả năng cạnh tranh thấp cần xem xét để chuyển hướng đầu tư, nếu không thực hiện được các biện pháp tăng cường khả năng cạnh tranh. Nhóm có khả năng cạnh tranh có điều kiện thì bổ sung các điều kiện trong một thời hạn cụ thể. Nhóm có khả năng cạnh tranh thì có biện pháp tiếp tục mở rộng thị trường, đầu tư mở rộng và đầu tư chiều sâu, tận dụng cơ hội tăng nhanh khả năng sản xuất, thu hồi vốn, chuẩn bị các điều kiện, khả năng tài chính để có thể đối phó với những bất thường xảy ra.

Để làm được điều này, yếu tố hàng đầu là phải có hệ thống thông tin cập nhật về thị trường để có thể nắm chắc nhu cầu thường xuyên biến động của từng mặt sản phẩm của công nghiệp chế biến nông, lâm sản. Đây cũng là khâu yếu nhất ở nước ta hiện nay: do thiếu thông tin nên không chớp được những cơ hội kinh doanh có hiệu quả. Vì vậy, cần phải tổ chức tốt hệ thống thông tin thị trường từ Bộ Thương mại đến các Sở Thương mại và doanh nghiệp; thành lập các điểm thông tin thị trường tại trung tâm các vùng kinh tế nông thôn, trung tâm của các thị trường khu vực (các chợ tập trung đầu mối) để cung cấp cho nông dân những thông tin cụ thể, thiết thực về tình hình thị trường trong nước và khu vực. Phối hợp hoạt động của các điểm thông tin thị trường này với hoạt động của các tổ chức khuyến nông, các loại hình chợ, các câu lạc bộ, các hội, hiệp hội và doanh nghiệp để cùng tạo ra “đầu vào tổng hợp" tác động tới các hộ nông dân trong quá trình định hướng đầu tư và chuyển dịch cơ cấu kinh tế.

Cùng với sự cung cấp thông tin tầm chiến lược của Nhà nước ở cấp bộ (Bộ Thương mại và Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn,…), các doanh nghiệp, hiệp hội ngành hàng cần chủ động tích cực trong khâu nghiên cứu thị trường để xây dựng chiến lược kinh doanh phù hợp với nhu cầu của thị trường. Có như vậy mới có


thể sớm khai thông được đầu ra, nhất là khi thị trường sản phẩm công nghiệp chế biến nông, lâm sản thế giới có biến động.

Trong quá trình xây dựng chiến lược thị trường cần phải tận dụng tối đa thời cơ do các cam kết quốc tế như các hiệp định thương mại song phương và đa phương đã được Nhà nước ký kết để mở rộng thị trường.

3.3.3.2. Đẩy mạnh và nâng cao hiệu quả hoạt động của các tổ chức xúc tiến thương mại trên địa bàn các tỉnh

Hoạt động xúc tiến thương mại có vai trò to lớn góp phần tích cực vào việc thực hiện chính sách mở cửa hội nhập kinh tế quốc tế, thực hiện chiến lược xuất khẩu của Nhà nước; giúp các doanh nghiệp tiếp cận những thông tin cụ thể về thị trường và khách hàng; thông qua xúc tiến thương mại các doanh nghiệp có thể nắm được luật pháp, chính sách thương mại quốc tế của các nước nhập khẩu, tăng cường quan hệ bạn hàng với các đối tác nước ngoài, biết thêm thông tin về đối thủ cạnh tranh trên thị trường từ đó có thể lựa chọn phương pháp, cách thức tiếp cận và chinh phục khách hàng.

Với việc thành lập và phát triển các tổ chức xúc tiến thương mại của Nhà nước cũng như của các ngành, các địa phương, như Cục xúc tiến thương mại của Bộ Thương mại, các tổ chức xúc tiến thương mại của các hội ngành nghề, và của cả các doanh nghiệp, thời gian qua hoạt động xúc tiến thương mại đã có tác động tích cực đến hoạt động sản xuất kinh doanh và mở rộng thị trường, tìm kiếm bạn hàng và thị trường mới cho các mặt sản phẩm của công nghiệp chế biến nông, lâm sản xuất khẩu nói riêng và hàng xuất khẩu của Việt Nam nói chung; hướng dẫn và tư vấn các doanh nghiệp áp dụng hệ thống quản lý chất lượng (ISO 9.000; ISO 14.000) để nâng cao khả năng cạnh tranh của hàng hóa trong nước...

Tuy nhiên, hoạt động xúc tiến thương mại vẫn chưa theo kịp yêu cầu phát triển kinh tế xã hội trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế, đặc biệt là trong lĩnh vực cung cấp thông tin và tư vấn cho doanh nghiệp về thị trường và mặt hàng xuất khẩu. Hoạt động của các tổ chức xúc tiến thương mại còn phân tán, không theo chiến lược, kế hoạch phát triển chung, chưa tạo lập được khuôn khổ pháp lý. Cơ sở


vật chất, kỹ thuật cho hoạt động này còn thiếu và yếu, đặc biệt là trình độ của lực lượng cán bộ xúc tiến thương mại còn thấp, chưa chuyên nghiệp, nhất là kỹ năng xúc tiến thương mại cho xuất khẩu.

Chính vì vậy, cần tạo nên một hệ thống xúc tiến thương mại mang tầm quốc gia và Cục xúc tiến thương mại phải là đầu mối hợp tác, trao đổi xử lý thông tin với các tổ chức xúc tiến thương mại khác để tạo nên một sức mạnh tổng thể trong hoạt động xúc tiến thương mại. Cần thiết lập hành lang pháp lý cho hoạt động xúc tiến thương mại, có cơ chế chính sách và cơ chế quản lý Nhà nước đối với các hoạt động này, tạo điều kiện để phát triển các tổ chức xúc tiến thương mại. Nhà nước cũng cần hỗ trợ về kinh phí và các phương tiện kỹ thuật cho các trung tâm xúc tiến thương mại, giúp đào tạo và nâng cao năng lực của cán bộ làm công tác xúc tiến thương mại để hoạt động này ngày càng có hiệu quả hơn. Bên cạnh đó, cần chú trọng đặc biệt đến hoạt động của các tham tán và đại diện thương mại của Việt Nam ở nước ngoài, có cơ chế ràng buộc về mặt pháp lý và khuyến khích lợi ích thích đáng để đội ngũ này hoạt động xúc tiến thương mại có hiệu quả hơn, thực sự trở thành cầu nối giữa doanh nghiệp trong nước và doanh nghiệp nước ngoài trong việc tìm kiếm thông tin, khách hàng, mở rộng mạng lưới đại lý hoặc các kho trung chuyển ở các thị trường đầu mối quan trọng.

3.3.3.3. Đẩy mạnh hoạt động quảng cáo và xây dựng thương hiệu cho sản phẩm của công nghiệp chế biến nông, lâm sản trên địa bàn các tỉnh

Trong nền thương mại hiện đại, quảng cáo và xây dựng thương hiệu là việc làm cần thiết và không thể thiếu của mỗi doanh nghiệp khi thâm nhập và mở rộng thị trường. Thương hiệu trong nền kinh tế thị trường chính là sự xưng danh, là biểu hiện sự tồn tại của doanh nghiệp trên thương trường. Thương hiệu của doanh nghiệp thường gắn liền với sự độc đáo, chất lượng và độ tin cậy của sản phẩm. Không có thương hiệu, người tiêu dùng không biết đến sự tồn tại của doanh nghiệp, của sản phẩm, uy tín và chất lượng của sản phẩm do doanh nghiệp sản xuất. Thương hiệu ngày nay cũng là một tài sản quý giá của doanh nghiệp: trên cơ sở thị phần của doanh nghiệp, người ta có thể xác định được giá trị của thương hiệu tính bằng tiền


khi xác định giá trị của doanh nghiệp. Do vậy, ngoài chất lượng sản phẩm, hiện nay thương hiệu là một đảm bảo mà mỗi nước, mỗi địa phương, mỗi doanh nghiệp cần phải xây dựng trong tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế để nâng cao giá trị sản phẩm và giữ vững thị phần.

Để sản phẩm của công nghiệp chế biến nông, lâm sản có chỗ đứng trên thị trường thế giới thì việc xây dựng thương hiệu là không thể chậm trễ. Cần phải triển khai chương trình xây dựng thương hiệu cho doanh nghiệp và sản phẩm của công nghiệp chế biến nông, lâm sản của Việt Nam trên thị trường trong nước và thế giới, bước đầu có thể tập trung thí điểm đối với một số doanh nghiệp, một số sản phẩm công nghiệp chế biến nông, lâm sản có điều kiện về tiềm năng và lợi thế cạnh tranh.

Tăng cường công tác tiếp thị, triển lãm nhằm quảng bá các sản phẩm có khả năng xuất khẩu của vùng. Xúc tiến nghiên cứu tiến tới đăng ký thương hiệu sản phẩm hàng hoá trên thương trường quốc tế. Nghiên cứu thị trường, tìm hiểu thị hiếu người tiêu dùng về chủng loại, mẫu mã, chất lượng, giá cả để có chiến lược phát triển phù hợp. Duy trì mối quan hệ tốt và khai thác những thị trường truyền thống, phát triển và vươn tới những thị trường mới nhằm tạo ra một thị trường xuất khẩu với những bạn hàng ổn định. Thị trường xuất khẩu chính là các nước lân cận trong vùng Đông Nam Á và châu Á như: Lào, Trung Quốc, Malaixia, Đài Loan, Hàn Quốc, Nhật Bản, và một số nước khác như: Mỹ, EU, Nga và các nước thuộc SNG ... Sản phẩm xuất khẩu chính của vùng là: cao su, cà phê, hồ tiêu, lạc, vừng, lợn sữa, thịt cấp đông...

Việc xây dựng thương hiệu phải được tiến hành đồng bộ ở các khâu từ chọn nguyên liệu, chế biến, bảo quản. Trong đó cần có sự phối hợp chặt chẽ của 5 nhà: nhà nông, nhà khoa học, doanh nghiệp, Nhà nước và nhà băng. Mỗi loại sản phẩm công nghiệp chế biến nông, lâm sản cần phải có chiến lược rõ ràng để hình thành thương hiệu riêng cho mình và nhất thiết phải tạo lập được đội ngũ cán bộ xây dựng và quảng bá thương hiệu một cách chuyên nghiệp.

Xem tất cả 270 trang.

Ngày đăng: 10/01/2023
Trang chủ Tài liệu miễn phí