khẩu tăng dần từ 5,9% năm 2007 lên 8,2% năm 2013. Nhóm hàng tiêu dùng cũng tăng tỷ trọng nhập khẩu, từ 0,42% năm 2007 lên 3,85% năm 2013, song vẫn chiếm tỷ trọng thấp. Đối với nhóm hàng không được phân loại, tỷ trọng nhập khẩu cũng có xu hướng tăng từ 29,67% năm 2007 lên 35,3% năm 2013. Việc tăng cường nhập khẩu từ Nga các mặt hàng máy móc, phương tiện vận tải, phụ tùng cùng các mặt hàng công nghiệp khác cho thấy Việt Nam đang tận dụng tốt thương mại quốc tế để phục vụ cho sản xuất trong nước.
Như vậy, việc gia nhập WTO của Việt Nam mới chỉ có một số tác động tích cực như tăng mức độ mở cửa của nền kinh tế Việt Nam, từ đó dẫn đến tăng kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa giữa hai nước, thay đổi cơ cấu hàng hóa xuất nhập khẩu theo hướng phục vụ sản xuất nhiều hơn, các mặt hàng xuất khẩu có hàm lượng công nghệ cao hơn. Tuy những tác động này còn hạn chế, chưa rò ràng song cũng góp phần thúc đẩy quan hệ thương mại giữa Việt Nam và Liên bang Nga trong giai đoạn vừa qua.
Bên cạnh tác động tích cực, một trong những tác động tiêu cực của việc gia nhập WTO của Việt Nam chính là cán cân thương mại giữa Việt Nam và Liên bang Nga mất cân đối trong một khoảng thời gian dài. Theo bảng 3.1, từ năm 2007 đến năm 2010, cán cân thương mại giữa hai nước luôn ở mức âm, Việt Nam liên tục nhập siêu từ Nga. Chỉ tới năm 2011, cán cân thương mại của Việt Nam với Nga mới bắt đầu có dấu hiệu thặng dư do việc giảm nhập khẩu của Việt Nam.
Mặc dù vẫn còn nhiều hạn chế, song việc Việt Nam gia nhập WTO nhìn chung đã có tác động tích cực, đáng ghi nhận trong việc thúc đẩy quan hệ thương mại giữa Việt Nam – Liên bang Nga trong giai đoạn 2007-2014.
3.3.2. Dấu ấn của Hiệp định Thương mại tự do giữa Việt Nam và Liên minh Kinh tế Á – Âu (EAEU)
Nền tảng của Liên minh kinh tế Á – Âu được xây dựng dựa trên ba hiệp định vào các năm 1995, 1999, và 2007. Hiệp định đầu tiên được ký kết vào
năm 1995 quyết định việc thành lập liên minh. Vào năm 1999, hiệp định thứ hai thể hiện cách thức tổ chức. Và năm 2007, ba nước gồm Nga, Bê-la-rút và Ca-dăc-xtan đã ký kết thành lập Liên minh hải quan và hình thành Cộng đồng kinh tế Á – Âu, tiền thân của Liên minh Kinh tế Á – Âu sau này. Vào tháng 12/2010, tại Hội nghị thượng đỉnh của Cộng đồng kinh tế Á – Âu, ba nước gồm Nga, Bê-la-rut và Ca-dăc-xtan đạt được thỏa thuận về việc thành lập Liên minh kinh tế Á – Âu, gọi tắt là EAEU (Eurasian Economic Union), trên cơ sở không gian kinh tế chung giữa ba nước đã được hình thành từ Liên minh hải quan. Ngày 18/11/2011, tại Mat-xcơ-va, Tuyên bố về hội nhập kinh tế Á – Âu, Hiệp định về Ủy ban kinh tế Á – Âu, cùng Quy định về hoạt động của Ủy ban kinh tế Á – Âu đã được thông qua. Trong Tuyên bố về hội nhập kinh tế Á – Âu ghi rò, từ ngày 1/1/2012 chuyển sang giai đoạn tiếp theo của quá trình liên kết nhằm xây dựng không gian kinh tế chung dựa trên các tiêu chuẩn và nguyên tắc của Tổ chức Thương mại thế giới và sẵn sàng kết nạp các quốc gia khác. Các bên dự thảo văn bản của Hiệp định về EAEU để ký vào năm 2014. Ngày 29/5/2014, Hiệp định thành lập EAEU được ký kết. Năm 2014, nước Cộng hòa Ac-mê-ni-a gia nhập EAEU. Đầu năm 2015, Cộng hòa Kiêc-gi-xtan chính thức là thành viên của EAEU. Liên minh kinh tế Á – Âu trong tương lai sẽ là trung tâm kinh tế Á – Âu với gần 170 triệu dân, có nguồn dữ trữ năng lượng khổng lồ, chiếm 15% dự trữ dầu thế giới và tạo ra tuyến giao thông nối liền hai châu lục Á – Âu có giá trị đối với khu vực nói riêng, thế giới nói chung.
Bốn nguyên tắc chủ yếu của EAEU, gồm: (1) Tôn trọng các tiêu chuẩn luật pháp quốc tế đã được thừa nhận, như bình đẳng về chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của các nước thành viên; (2) Tôn trọng sự khác biệt về hệ thống chính trị của các nước thành viên; (3) Bảo đảm hợp tác bình đẳng cùng có lợi, tính đến lợi ích quốc gia của các nước thành viên; (4) Tuân thủ các nguyên tắc kinh tế thị trường và cạnh tranh lành mạnh.
Mục tiêu chủ yếu của EAEU: (1) Tạo điều kiện phát triển kinh tế ổn định của quốc gia thành viên và nâng cao mức sống của người dân; (2) Tạo ra thị trường chung cho hàng hóa, dịch vụ, vốn và lao động trong Liên minh; (3) Hiện đại hóa toàn diện, hợp tác và nâng cao khả năng cạnh tranh của các nền kinh tế quốc gia thành viên trong nền kinh tế toàn cầu.
Năm 2015, EAEU chính thức đi vào hoạt động, bắt đầu liên kết các hệ thống năng lượng, giao thông vận tải, tài chính - ngân hàng, tạo cơ sở xây dựng đồng tiền chung EAEU vào năm 2025. EAEU có đã lên kế hoạch cụ thể cho quá trình hoạt động cho đến năm 2025 bao gồm: năm 2019, hình thành thị trường chung về điện; năm 2025, hình thành thị trường chung về dầu mỏ và khí đốt, các sản phẩm hóa dầu, cùng với việc hoàn thành liên kết thị trường tài chính. EAEU trong tương lai được kỳ vọng sẽ không chỉ là một liên minh kinh tế - chính trị trong khu vực, mà còn là cầu nối các nền kinh tế thuộc châu Âu với khu vực châu Á - Thái Bình Dương đang phát triển năng động, trong đó có Việt Nam.
Nhận thức tầm quan trọng của EAEU đối với Việt Nam, từ tháng 12/2009, trong chuyến thăm Liên bang Nga của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, Việt Nam và Liên bang Nga đã thống nhất cùng nghiên cứu để sớm tiến hành đàm phán FTA giữa hai nước. Do ba nước là Nga, Bê-la-rut và Ca- dăc-xtan thành lập Liên minh hải quan nên việc đàm phán FTA được thay đổi từ Việt Nam – Liên bang Nga thành Việt Nam – Liên minh hải quan. Hai bên bắt đầu đàm phán từ tháng 3/2013, trải qua tám phiên đàm phán chính thức và nhiều phiên họp giữa kỳ ở cấp kỹ thuật được tổ chức tại các nước thành viên Liên minh hải quan và Việt Nam, đến ngày 29/5/2015, Hiệp định Thương mại tự do giữa Việt Nam và Liên minh kinh tế Á – Âu đã được ký kết [6]. Hiệp định FTA Việt Nam - EAEU tiếp tục khẳng định vai trò chủ động, tích cực tham gia hội nhập kinh tế quốc tế, cũng như trong xây dựng quan hệ hợp tác
với các nước thành viên thuộc Liên minh Kinh tế Á – Âu, đặc biệt là quan hệ đối tác chiến lược toàn diện giữa Việt Nam và Liên bang Nga.
Khi có hiệu lực, FTA giữa Việt Nam và Liên minh Kinh tế Á – Âu được kỳ vọng sẽ có tác động thúc đẩy hơn nữa quan hệ thương mại giữa Việt Nam và Liên bang Nga, trước hết là tăng kim ngạch thương mại. Cụ thể, khi Hiệp định có hiệu lực, khoảng 90% số dòng thuế và 90% kim ngạch xuất nhập khẩu hai bên sẽ được mở cửa và tự do hóa. EAEU kỳ vọng kim ngạch xuất nhập khẩu của Việt Nam và các nước thành viên Liên minh sẽ đạt 10-12 tỷ USD vào năm 2020 (năm 2014 đạt khoảng 4 tỷ USD). Theo ước tính của Việt Nam, kim ngạch xuất khẩu sang EAEU sẽ tăng khoảng 18-20%/năm [6].
Bên cạnh tác động tích cực là làm tăng kim ngạch xuất nhập khẩu giữa hai nước, Hiệp định này còn có ý nghĩa chiến lược đặc biệt quan trọng đối với Việt Nam và Liên bang Nga. Đối với Việt Nam, FTA Việt Nam - EAEU có ý nghĩa chiến lược quan trọng. Các thành viên của EAEU, đặc biệt là Nga, là một thị trường lớn đầy tiềm năng và vẫn đang trong quá trình mở cửa đối với hàng hóa nước ngoài. Việc ký kết FTA Việt Nam - EAEU đem lại cho các sản phẩm xuất khẩu của Việt Nam cơ hội đa dạng hóa thị trường, vừa tham gia các thị trường lớn như Nga, vừa mở rộng sang các nước SNG, vốn là những thị trường mới mở cửa, có mức tăng trưởng GDP khá và tương đối ổn định. Khi tham gia FTA với EAEU, các nước thành viên thuộc Liên minh Kinh tế Á – Âu sẽ dành cho Việt Nam nhiều ưu đãi hải quan, đặc biệt với một số nhóm hàng xuất khẩu thế mạnh của Việt Nam như nông sản, thủy sản, dệt may, da giày và đồ gỗ. Với ưu thế là quốc gia đối tác thương mại tự do đầu tiên của EAEU, hàng hóa Việt Nam sẽ dành được những lợi thế đặc biệt. Bên cạnh đó, cơ cấu hàng hóa trao đổi giữa hai phía mang tính bổ sung cho nhau, không mang tính cạnh tranh trực tiếp nên những tác động bất lợi truyền thống của việc mở cửa thị trường Việt Nam cho các nước đối tác sẽ được giảm bớt đáng kể, góp phần quan trọng cho phát triển kinh tế quốc gia, thúc đẩy thương
mại, dịch vụ, đầu tư song phương và mở rộng quan hệ hợp tác khu vực. Thông qua việc hợp tác, trao đổi, chuyển giao các công nghệ sản xuất, khoa học kỹ thuật hiện đại, sản xuất trong nước sẽ được thúc đẩy hơn nữa, nâng cao sức cạnh tranh của sản phẩm.
Thông qua FTA Việt Nam - EAEU, các nước Liên minh Kinh tế Á – Âu thể hiện sự đánh giá cao quan hệ đối tác với Việt Nam, cũng như nhận thức về vai trò quan trọng của Việt Nam trong khu vực Đông Nam Á. Các nước thuộc EAEU, trong đó có Liên bang Nga, ký kết Hiệp định thương mại tự do với Việt Nam, trước hết là nhằm mục tiêu mở rộng thị trường sang Việt Nam, sau là để mở rộng thị trường sang các nước thuộc khu vực ASEAN nói riêng, và khu vực châu Á – Thái Bình Dương nói chung. Hiện nay, tăng cường hợp tác với các nước thuộc khu vực châu Á – Thái Bình Dương đang là ưu tiên trong chính sách đối ngoại và hội nhập kinh tế quốc tế của Nga và các nước thuộc Liên minh. Việc đánh giá kết quả quan hệ hợp tác với Việt Nam sẽ là tiền đề cơ sở để Liên minh Kinh tế Á – Âu tiếp tục mở rộng quan hệ thương mại tự do với các quốc gia khác.
Hiệp định thương mại tự do Việt Nam – Liên minh kinh tế Á-Âu không chỉ có ý nghĩa về mặt kinh tế đối với cả hai bên mà còn mang ý nghĩa địa chính trị sâu sắc. Việt Nam thông qua FTA Việt Nam - EAEU nhằm tăng cường hơn nữa quan hệ với Nga và các quốc gia SNG. Còn EAEU, đặc biệt là Nga muốn thông qua Việt Nam nhằm thiết lập quan hệ hợp tác toàn diện với các quốc gia thành viên ASEAN, mở rộng và khẳng định tầm ảnh hưởng trong khu vực châu Á – Thái Bình Dương.
3.3.3. Việc cấm vận của Mỹ và EU đối với Nga tác động đến thương mại Việt Nam
Do sự kiện Crưm sáp nhập với Liên bang Nga hồi tháng 3/2014 và những bất ổn đang ngày càng gia tăng tại U-crai-na, Nga đang phải đối mặt với lệnh trừng phạt đến từ Mỹ và EU. Mỹ và EU áp đặt các biện pháp trừng
phạt chủ yếu lên các ngân hàng lớn và các tập đoàn lớn của Nga, cùng một loạt những người đứng đầu các tập đoàn lớn và các quan chức cấp cao của nước này. Tuy nhiên, các lệnh trừng phạt này của EU và Mỹ không chỉ gây tổn thất cho Nga, mà còn khiến những nước đối tác của Nga gặp phải khó khăn như Đức và Italy, vốn là hai trong số nhiều nước phụ thuộc vào nguồn khí đốt của Nga. Đức còn là đối tác thương mại quan trọng của Nga. Năm 2013, kim ngạch xuất khẩu của Đức sang Nga đạt 51 tỷ USD, cao nhất EU. Hơn 30% lượng dầu và khí đốt của Đức đều nhập từ Nga. Italy cũng phụ thuộc vào nguồn năng lượng từ nước này, một số nước láng giềng trước đây thuộc Liên bang Xô Viết phụ thuộc 100% vào việc vận chuyển khí đốt từ Nga. Rò ràng, các lệnh cấm vận của Mỹ và EU sẽ có tác động không nhỏ đến nền kinh tế của các quốc gia có quan hệ thương mại với Liên bang Nga.
Lệnh trừng phạt của Mỹ và EU đối với Nga đã khiến giá trị thương mại của Nga giảm 30% so với hai tháng đầu năm năm 2014. Thương mại của Nga với các đối tác lớn nhất như EU cũng giảm hơn 1/3. Không dừng lại ở đó, Nga cũng áp dụng các biện pháp trả đũa bằng cách cấm nhập khẩu hầu hết các thực phẩm đến từ phương Tây. Lượng thực phẩm nhập khẩu đã giảm tới 40% trong hai tháng đầu năm 2015. Tuy nhiên, biện pháp này đã phản tác dụng khi đẩy mức lạm phát ở Nga lên gần 17%, mức lạm phát cao nhất trong vòng 13 năm qua. Trong khi đó, do nguồn thu ngân sách của Nga phụ thuộc vào xuất khẩu dầu mỏ nên việc giá dầu giảm sâu thời gian vừa qua cũng khiến giá trị xuất khẩu giảm tới 40%, buộc chính phủ nước này phải đối mặt với việc cắt giảm chi tiêu ngân sách trong thời gian tới.
Mặc dù vòng xoáy trừng phạt giữa Mỹ, EU và Liên bang Nga đều gây thiệt hại cho cả hai phía. Song dưới góc độ khác, đây có thể là cơ hội tốt cho cả Việt Nam và Liên bang Nga trong việc tăng cường quan hệ thương mại giữa hai nước. Nếu tận dụng tốt xoay trục thương mại, Nga sẽ có thêm cơ hội
thực hiện chiến lược hướng Đông của mình, khẳng định tầm ảnh hưởng của Nga ở khu vực châu Á – Thái Bình Dương, còn Việt Nam sẽ có cơ hội mở rộng thị trường cho các hàng hóa xuất khẩu chủ lực. Lệnh cấm vận đang diễn ra đã khiến nền kinh tế Nga rơi vào khó khăn, giá cả thực phẩm leo thang, đồng RUB mất giá, thị trường tiêu dùng và nền sản xuất thiếu hụt một lượng lớn các sản phẩm nhập khẩu như sữa, thịt, hoa quả và rau củ. Cụ thể, việc sản xuất các sản phẩm bơ sữa của các nhà máy Nga đang bị ngưng trệ do nguồn cung nội địa không đủ để bù đắp 65% lượng sữa giảm do cấm nhập khẩu. Cũng do các biện pháp trả đũa, sản lượng thịt bị giảm 62%, bất chấp việc nguồn cung thịt nội địa đã tăng 18% trong hai tháng đầu năm 2015 [34]. Mặc dù Nga đã có những tính toán của mình khi chỉ áp dụng lệnh cấm vận đối với các mặt hàng nông sản, thủy sản và chăn nuôi từ EU, sao cho ít ảnh hưởng nhất tới nền kinh tế Nga, song những thiệt hại là không thể tránh khỏi. Tuy nhiên, vì các mặt hàng này hoàn toàn có thể nhập khẩu từ những quốc gia khác như Việt Nam, nên sự thiếu hụt các sản phẩm tiêu dùng do lệnh cấm vận và các biện pháp trả đũa đã tạo cơ hội cho ngành xuất khẩu của Việt Nam thâm nhập vào thị trường tiềm năng này, khi mà cơ cấu hàng hóa xuất khẩu sang Nga của Việt Nam chủ yếu gồm các sản phẩm nông sản, thủy sản, cà phê, hạt điều, gạo, rau quả.
Như đã đề cập đến ở trên, việc đồng RUB mất giá mạnh trong thời gian vừa qua không chỉ có tác động xấu tới nền kinh tế Nga, mà còn có những ảnh hưởng tiêu cực tới quan hệ thương mại của Nga với các quốc gia khác, trong đó có Việt Nam. Đồng RUB mất giá khiến sức mua nội địa suy giảm, hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam vào thị trường Nga gặp nhiều khó khăn. Đây là một trong những nguyên nhân quan trọng khiến kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang thị trường Nga giảm 93% trong năm 2014, chỉ đạt khoảng 1,7 tỷ USD.
Lệnh cấm vận của Mỹ và EU đã mở ra cơ hội tốt cho hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam thâm nhập thị trường Nga. Song do những hạn chế trong năng lực xuất khẩu và thanh toán nên hàng hóa Việt Nam vẫn còn đứng ở ngưỡng cửa thị trường Nga. Vì vậy, đòi hỏi cả Chính phủ và các doanh nghiệp Việt Nam cần nỗ lực hơn nữa trong việc tìm ra và thực hiện những giải pháp hiệu quả nhằm thúc đẩy hoạt động thương mại hàng hóa giữa hai nước Việt – Nga.
3.4. Đánh giá vai trò của quan hệ thương mại Việt Nam – Liên bang Nga tới Việt Nam
3.4.1. Tác động của quan hệ thương mại Việt Nam – Liên bang Nga tới sự phát triển kinh tế của Việt Nam.
Trong bối cảnh toàn cầu hóa và hội nhập kinh tế quốc tế đang diễn ra mạnh mẽ như hiện nay, vai trò của thương mại đối với sự phát triển kinh tế của mỗi quốc gia, mỗi nền kinh tế ngày càng quan trọng, đặc biệt là vai trò của các mối quan hệ thương mại.
Bảng 3.6: Tốc độ tăng trưởng GDP và tỉ trọng xuất nhập khẩu hàng hóa và dịch vụ trên GDP của Việt Nam và Nga giai đoạn 2007-2014
2007 | 2008 | 2009 | 2010 | 2011 | 2012 | 2013 | 2014 | |
Tốc độ tăng trưởng GDP (%) | ||||||||
Việt Nam | 7 | 6 | 5 | 6 | 6 | 5 | 5 | 6 |
Nga | 9 | 5 | -8 | 5 | 4 | 3 | 1 | 1 |
Xuất khẩu hàng hóa và dịch vụ (% GDP) | ||||||||
Việt Nam | 71 | 70 | 63 | 72 | 79 | 80 | 84 | 86 |
Nga | 30 | 31 | 28 | 29 | 30 | 30 | 29 | _ |
Nhập khẩu hàng hóa và dịch vụ (% GDP) | ||||||||
Việt Nam | 84 | 84 | 73 | 80 | 84 | 77 | 81 | 83 |
Nga | 22 | 22 | 20 | 21 | 22 | 22 | 23 | _ |
Có thể bạn quan tâm!
- Tổng Quan Về Quan Hệ Thương Mại Việt Nam – Liên Bang Nga
- Tổng Quan Về Kinh Tế Và Ngoại Thương Của Việt Nam
- Phân Loại Hàng Hóa Xuất Khẩu Việt Nam – Liên Bang Nga Theo Danh Mục Sitc (Triệu Usd Và %)
- Tác Động Của Quan Hệ Thương Mại Việt Nam – Liên Bang Nga Tới Sự Mở Rộng Quan Hệ Thương Mại Của Việt Nam Với Các Quốc Gia Khác.
- Quan hệ thương mại Việt Nam – Liên bang Nga giai đoạn 2007-2014 - 12
- Quan hệ thương mại Việt Nam – Liên bang Nga giai đoạn 2007-2014 - 13
Xem toàn bộ 106 trang tài liệu này.
Nguồn: World Development Indicators – WB