Nhận Diện Bản Sắc Và Lợi Ích Quốc Gia Của Ấn Độ


Thứ năm, quân đội Việt Nam là một trong những lực lượng quân sự giàu kinh nghiệm nhất thế giới. Trong những năm qua, Quân đội Nhân dân Việt Nam đã có những bước phát triển vượt bậc. Theo bảng xếp hạng GlobalFirePower (GFP) công bố năm 2021, Việt Nam nằm trong 24 nước có quân đội mạnh nhất thế giới [180]. Riêng tại khu vực ASEAN, Việt Nam đứng thứ hai sau Indonesia (xếp thứ 16). Căn cứ theo bảng xếp hạng sức mạnh hải quân của các quốc gia trên thế giới (Navy Fleet Strength by Country (2021), Việt Nam hiện đang giữ vị trí thứ 38, xếp trên cả Canada và Hà Lan [179]. Sách Trắng Quốc phòng 2019 cùng những thông tin được truyền thông trong nước đăng tải cho thấy, Hải quân là một trong những binh chủng được Bộ Quốc phòng ưu tiên đầu tư để tiến thẳng lên hiện đại. Cùng với đó, Hải quân Việt Nam cũng phát triển theo hướng tinh - gọn - mạnh, trở thành nòng cốt bảo vệ vững chắc chủ quyền, biển đảo của đất nước, nhất là trong bối cảnh tình hình Biển Đông đang diễn biến phức tạp.

* Chính sách đối ngoại của Việt Nam có nhiều nét tương đồng theo định hướng ngoại giao quốc gia tầm trung

Chủ nghĩa kiến tạo định nghĩa quốc gia tầm trung thông qua việc xem xét khía cạnh giá trị, bản sắc của quốc gia. Theo đó, quốc gia tầm trung có bốn bản sắc chính trong ngoại giao, đó là: đề xuất sáng kiến, làm cầu nối, điều phối liên minh và truyền bá chuẩn tắc [120]. Do Việt Nam đã đáp ứng được một số tiêu chí cơ bản về năng lực và hành vi, nên ngày càng có nhiều nghiên cứu về Việt Nam như một quốc gia tầm trung. Việc Việt Nam tiếp tục theo đuổi chính sách đối ngoại độc lập, tự chủ, hòa bình, hợp tác và phát triển, đa phương hóa, đa dạng hóa quan hệ đối ngoại, tạo đan xen lợi ích chiến lược, coi trọng chủ nghĩa đa phương và luật pháp quốc tế đã thể hiện những khía cạnh của một quốc gia tầm trung mới nổi.

Xét tiêu chí đề xuất sáng kiến, Việt Nam đã đưa ra nhiều sáng kiến được đánh giá cao tại các thể chế đa phương như Liên hợp quốc, ASEAN, APEC, Chương trình Hợp tác kinh tế tiểu vùng Mê Kông mở rộng (GMS), Tam giác phát triển (CLV)… Ví dụ như Sáng kiến lần đầu tiên tổ chức Diễn đàn Thượng đỉnh kinh doanh GMS nhận được sự đồng thuận của các nước thành viên GMS, sự ủng hộ của các đối tác là ADB, WB, ASEAN và sự hưởng ứng của cộng đồng doanh nghiệp. Hay như những sáng kiến của Việt Nam trong nhiệm kỳ Ủy viên không thường trực HĐBA Liên hợp quốc (2020 - 2021): (i) thúc đẩy cách tiếp cận đa phương, kiên trì đề cao luật pháp quốc tế và Hiến chương Liên hợp quốc


trong bảo vệ hòa bình, an ninh quốc tế; (ii) hợp tác giữa Liên hợp quốc và các tổ chức khu vực và tiểu khu vực và lấy ASEAN làm hình mẫu cụ thể…; đề xuất sáng kiến về Nghị quyết của Đại hội đồng Liên hợp quốc về Ngày Quốc tế phòng chống dịch bệnh, khởi xướng thành lập Nhóm Bạn bè của Công ước Luật biển UNCLOS 1982… Các sáng kiến của Việt Nam trong năm Chủ tịch ASEAN (2020): (i) thúc đẩy liên kết và kết nối khu vực nội khối ASEAN; (ii) đẩy mạnh quan hệ đối tác vì hòa bình và phát triển bền vững; (iii) nâng cao năng lực thích ứng và hiệu quả hoạt động của ASEAN…

Xét tiêu chí ―làm cầu nối‖,―điều phối liên minh‖, Việt Nam đảm nhận một số vai trò trung gian, đóng góp cho hòa bình khu vực như đóng vai trò chủ động trong việc tổ chức Hội nghị Thượng đỉnh Mỹ - Triều lần thứ hai tại Hà Nội (2019). Việt Nam thể hiện vai trò của mình trong quá trình xây dựng cộng đồng ASEAN, các cơ chế do ASEAN làm nòng cốt, cũng như thúc đẩy vai trò trung tâm của ASEAN đối với hòa bình và an ninh trong khu vực. Ngoài ra, Việt Nam là nước điều phối quan hệ giữa ASEAN với một số đối tác bên ngoài như Mỹ, Trung Quốc, Ấn Độ; chung tay giải quyết các vấn đề an ninh phi truyền thống như bảo vệ môi trường, chống khủng bố, kiểm soát thiên tai…

Việt Nam là thành viên có trách nhiệm của Liên hợp quốc trên cả ba trụ cột hòa bình - an ninh, phát triển và quyền con người. Việt Nam được xem là hình mẫu thực hiện thành công các mục tiêu phát triển thiên niên kỷ, áp dụng thành công mô hình thống nhất hành động giữa Liên hợp quốc và Việt Nam, có nhiều sáng kiến, nhiều nỗ lực về đóng góp vào các hoạt động của Liên hợp quốc với mục tiêu xóa đói giảm nghèo. Ngoài ra, Việt Nam đã thể hiện trách nhiệm của mình với cộng đồng quốc tế bằng việc cử lực lượng gìn giữ hòa bình thực hiện các sứ mệnh của Liên hợp quốc. Cho đến nay, Việt Nam đã cử khoảng 200 binh sĩ gìn giữ hòa bình đến Cộng hòa Trung Phi và Nam Sudan để tham gia cuộc chiến chống dịch bệnh Covid-19 trong khi thực hiện sứ mệnh gìn giữ hòa bình của Liên hợp quốc tại các nước này. Trong nhiệm kỳ không thường trực HĐBA Liên hợp quốc 2020 - 2021, Việt Nam đã đạt những thành tựu như: (i) Làm cầu nối và nỗ lực thúc đẩy thực chất việc tăng cường hợp tác giữa Liên hợp quốc, HĐBA với các tổ chức khu vực trong duy trì hoà bình và an ninh quốc tế, nổi bật là việc tổ chức Phiên thảo luận đầu tiên của HĐBA về hợp tác giữa Liên hợp quốc với ASEAN cũng như thúc đẩy vai trò trung tâm và sự hiện diện của ASEAN tại HĐBA trong giải quyết các vấn đề khu vực, trong đó có vấn đề Myanmar; (ii) Tích cực thúc đẩy hành động chung về các vấn đề an ninh phi truyền thống bức


Có thể bạn quan tâm!

Xem toàn bộ 232 trang tài liệu này.

thiết đối với cộng đồng quốc tế như ứng phó với đại dịch Covid-19, an ninh biển, nhất là về biến đổi khí hậu, trong đó có việc tích cực tham gia Nhóm nòng cốt của các nước thành viên HĐBA về biến đổi khí hậu (LMG) và Nhóm chuyên gia không chính thức của HĐBA về biến đổi khí hậu (IEG)…

Xét tiêu chí ―truyền bá chuẩn tắc‖, Việt Nam là quốc gia luôn đề cao các giá trị, chuẩn tắc ứng xử trong quan hệ quốc tế. Sách Trắng Quốc phòng năm 2019 của Việt Nam nhấn mạnh nguyên tắc “bốn không”, bao gồm không tham gia liên minh quân sự, không liên kết với nước này để chống nước kia, không cho nước ngoài đặt căn cứ quân sự hoặc sử dụng lãnh thổ Việt Nam để chống lại nước khác, không sử dụng vũ lực hoặc đe dọa sử dụng vũ lực trong quan hệ quốc tế [21, tr.25]. Việt Nam luôn kiên định bảo vệ các nguyên tắc cơ bản của luật pháp quốc tế, Hiến chương Liên hợp quốc, đề cao tinh thần thượng tôn luật pháp quốc tế, phấn đấu cho một thế giới hòa bình, trong đó các nước bình đẳng với nhau. Trong nhiệm kỳ 2020 - 2021, Việt Nam nỗ lực thúc đẩy việc tìm kiếm giải pháp bền vững, toàn diện cho xung đột, từ ngăn ngừa, kiềm chế, đến giải quyết các nguyên nhân gốc rễ của xung đột, xử lý hậu quả xung đột trên cơ sở các nguyên tắc tôn trọng độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ quốc gia, không can thiệp vào công việc nội bộ, giải quyết hòa bình tranh chấp, tính đến lợi ích chính đáng của các bên, thúc đẩy cứu trợ nhân đạo, bảo vệ thường dân, đối thoại, thương lượng vì hoà bình và sự phát triển lâu dài của các quốc gia. Việt Nam đã chủ trì thúc đẩy thông qua Nghị quyết 2573 - Nghị quyết riêng đầu tiên của HĐBA về bảo vệ cơ sở hạ tầng thiết yếu đối với người dân trong xung đột, khẳng định các hành động tấn công nhằm vào trường học, bệnh viện, hạ tầng điện nước... là vi phạm luật nhân đạo quốc tế. Đây cũng là một trong số rất ít các Nghị quyết được tất cả 15 nước thành viên HĐBA đồng bảo trợ, phản ánh đồng thuận cao của HĐBA…Đối với vấn đề Biển Đông, Việt Nam thể hiện quan điểm tôn trọng luật pháp quốc tế, tôn trọng trật tự pháp lý trên biển và thực thi đầy đủ, có trách nhiệm Công ước của Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982 (UNCLOS 1982) và các cơ chế giải quyết tranh chấp thông qua đối thoại, sử dụng các biện pháp hòa bình. Việt Nam đã xử lý các vấn đề tranh chấp theo cách kiên quyết chống lại các hành vi vi phạm luật pháp quốc tế, nhưng không đến mức làm leo thang căng thẳng. Quan trọng nhất, Việt Nam ngày càng nỗ lực thúc đẩy chủ nghĩa đa phương như một phương thức chủ đạo để đương đầu với những thách thức chung như cách mà các cường quốc tầm trung thường áp dụng.

Những nhân tố tác động đến quan hệ Việt Nam - Ấn Độ từ năm 2007 đến nay - 12


2.2.1.2. Lợi ích quốc gia của Việt Nam

Về lợi ích phát triển, Đại hội Đảng lần thứ X chủ trương: “Chủ động và tích cực hội nhập kinh tế quốc tế, đồng thời mở rộng hợp tác quốc tế trên các lĩnh vực khác…” [39, tr.112]. Nhiệm vụ của công tác đối ngoại là “giữ vững môi trường hòa bình, tạo các điều kiện quốc tế thuận lợi cho công cuộc Đổi mới, đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội, công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc” [39, tr.233].. Đại hội X đặt cao nhiệm vụ “chủ động và tích cực hội nhập kinh tế quốc tế”, “hội nhập sâu hơn và đầy đủ hơn với các thể chế kinh tế toàn cầu, khu vực và song phương”, vì Việt Nam đang đứng trên ngưỡng cửa của sự hội nhập hoàn toàn và đầy đủ vào nền kinh tế thế giới với việc nỗ lực hoàn tất thủ tục để gia nhập WTO. Đại hội XI của Đảng (2011) khẳng định mục tiêu của đối ngoại Việt Nam trong thời kỳ mới là “vì lợi ích

quốc gia, dân tộc” và “vì một nước Việt Nam XHCN giàu mạnh” [40, tr.161]. Đến đại hội XII, nhận thức chung đã thống nhất trên một số khía cạnh chính, gồm “tranh thủ tối đa các nguồn lực bên ngoài để phát triển đất nước và nâng cao đời sống nhân dân”, [41, tr.153] hướng vào (i) đẩy mạnh thương mại; (ii) thu hút đầu tư; (iii) tiếp nhận viện trợ phát triển; và (iv) tham gia hội nhập kinh tế quốc tế, nhất là tham gia các định chế, tổ chức kinh tế, tài chính thế giới để dùng các luật chơi chung phát huy và bảo vệ lợi ích kinh tế của Việt Nam trong quá trình hội nhập vào nền kinh tế và thị trường thế giới. Đồng thời, Đảng cũng gắn mục tiêu phát triển với mục tiêu an ninh, thể hiện qua Nghị quyết 06/NQ-TW ngày 5/11/2016 về thực hiện có hiệu quả tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế, giữ vững ổn định chính trị - xã hội trong bối cảnh Việt Nam tham gia các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới. Thực tiễn phát triển đất nước cho thấy yêu cầu phát triển nhanh, bền vững được đưa ra trong Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội Việt Nam giai đoạn 2011 - 2020 vẫn tiếp tục phù hợp với giai đoạn tiếp theo, là yêu cầu xuyên suốt trong quá trình phát triển của Việt Nam giai đoạn tới (2025, 2030 và tầm nhìn đến năm 2045). Đại hội XIII (2021) chỉ rõ: “tiếp tục đổi mới mạnh mẽ tư duy, xây dựng, hoàn thiện đồng bộ thể chế phát triển bền vững về kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội, môi trường..., tháo gỡ kịp thời những khó khăn, vướng mắc; khơi dậy mọi tiềm năng và nguồn lực, tạo động lực mới cho sự phát triển nhanh và bền vững đất nước” [43, tr.114]. Việc khai thác, sử dụng và phát huy có hiệu quả các nguồn lực sẽ tạo xung lực mới, có sức mạnh lan tỏa, giải phóng mọi tiềm năng cho phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Theo đó


tất cả trụ cột, binh chủng đối ngoại đều nỗ lực đóng góp vào thực hiện tầm nhìn và mục tiêu phát triển đất nước, trong đó ngoại giao kinh tế là nòng cốt.

Như vậy, lợi ích phát triển của Việt Nam tập trung nhấn mạnh vào hội nhập kinh tế quốc tế trên cả kênh song phương và đa phương nhằm phục vụ công cuộc công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, nhất là khi Việt Nam đã là thành viên của WTO.

Về lợi ích an ninh, các báo cáo chính trị của Đại hội X, XI, XII đã định hướng mục tiêu đối ngoại trong giai đoạn này, cụ thể là: “Bảo vệ vững chắc Tổ quốc, độc lập chủ quyền thống nhất toàn vẹn lãnh thổ; bảo vệ Đảng, Nhà nước, nhân dân và chế độ XHCN; bảo vệ an ninh chính trị, an ninh kinh tế, an ninh tư tưởng văn hoá và an ninh xã hội; duy trì trật tự, kỷ cương, an toàn xã hội; giữ vững ổn định chính trị của đất nước, ngăn ngừa, đẩy lùi và làm thất bại mọi âm mưu, hoạt động chống phá, thù địch, không để bị động, bất ngờ” [39, tr.233]; “bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ” [40, tr.161] và “kiên quyết, kiên trì đấu tranh bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc, bảo vệ Đảng, Nhà nước, nhân dân và chế độ XHCN” [41, tr.153]. Đại hội XIII bổ sung: “Giữ vững an ninh chính trị, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội, an ninh con người, an ninh kinh tế, an ninh mạng, xây dựng xã hội trật tự, kỷ cương…” [43, tr.116]. Các thành tố nói trên có quan hệ chặt chẽ, tương hỗ và thống nhất với nhau, không thể coi nhẹ thành tố nào, đồng thời là căn cứ quan trọng nhất để xác định đối tác - đối tượng, hợp tác

- đấu tranh trong đối ngoại, là “bất biến” để ứng phó với những diễn biến nhanh, phức tạp của tình hình thế giới và khu vực [102].

Theo đó, lợi ích an ninh xuyên suốt của Việt Nam là: (i) bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ; (ii) bảo vệ Đảng, Nhà nước và nhân dân; (iii) bảo vệ chế độ XHCN, trong đó bảo vệ chủ quyền quốc gia là nhiệm vụ quan trọng hàng đầu. Đảng cụ thể hóa nội hàm của nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc. Bảo vệ Tổ quốc có nghĩa là phải bảo vệ độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ; Đảng, Nhà nước; nhân dân và chế độ XHCN. Đây đồng thời là nội hàm chính của lợi ích quốc gia - dân tộc, là những lợi ích cốt lõi và sống còn toàn Đảng, toàn dân quyết tâm bảo vệ đến cùng. Việc nêu rõ điều này trong nhiệm vụ đối ngoại là nhằm đáp ứng những phát triển mới của tình hình, đồng thời khẳng định vai trò của đối ngoại trong sự nghiệp bảo vệ độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ của đất nước. Trong giai đoạn này, vấn đề nổi cộm đe dọa lợi ích an ninh của Việt Nam chính là vấn đề Biển Đông. Đối với Việt Nam, chủ


quyền quốc gia là thiêng liêng, không thể từ bỏ và đây cũng là nguyên tắc bất biến trong quá trình dựng và giữ nước.

Về lợi ích ảnh hưởng, Đại hội X nêu rõ: “mở rộng hợp tác quốc tế trên các lĩnh vực khác. Việt Nam là bạn, đối tác tin cậy của các nước trong cộng đồng quốc tế, tham gia tích cực vào tiến trình hợp tác quốc tế và khu vực” [39, tr.233] với hàm ý nâng cao tính chủ động, tích cực của mình trong các tổ chức quốc tế và khu vực mà Việt Nam tham gia. Đại hội XI nhấn mạnh: “nâng cao vị thế của đất nước; góp phần tích cực vào cuộc đấu tranh vì hòa bình, độc lập dân tộc, dân chủ và tiến bộ xã hội trên thế giới” [40, tr.161]. Đến đại hội XII: “nâng cao vị thế, uy tín của đất nước, góp phần vào sự nghiệp hòa bình, độc lập dân tộc, dân chủ và tiến bộ xã hội trên thế giới” [41, tr.153]. Đại hội XIII chủ trương: “nâng cao vị thế, uy tín của Việt Nam trong khu vực và trên thế giới” …” [43, tr.79].

Từ đó có thể suy ra nội hàm của mục tiêu này gồm: (i) xây dựng hình ảnh;

(ii) nâng cao vai trò, tiếng nói, uy tín của Việt Nam trong khu vực và trên thế giới; và (iii) nâng cao giá trị, cải thiện vị trí của Việt Nam trong chính sách của các nước lớn và các nước đối tác chủ chốt của Việt Nam. Đặc biệt, việc theo đuổi mục tiêu nâng cao vai trò và vị thế của Việt Nam đã được gắn chặt hơn với việc theo đuổi các mục tiêu an ninh và phát triển. Xuất phát từ lợi ích quốc gia - dân tộc, phát huy vai trò tức là phải nâng cao được vị thế, vai trò và tận dụng hiệu quả vị thế, vai trò tại các cơ chế đa phương để bảo đảm các lợi ích phát triển và an ninh của đất nước [139].

Theo đó, lợi ích ảnh hưởng của Việt Nam đặc biệt được chú trọng trong giai đoạn 2007 - 2021, tập trung vào: (i) vị thế tại các tổ chức khu vực và toàn cầu; (ii) giá trị, vị trí trong chiến lược của các nước lớn và các đối tác chủ chốt.

2.2.2. Nhận diện bản sắc và lợi ích quốc gia của Ấn Độ

2.2.2.1. Bản sắc quốc gia của Ấn Độ

Cũng như Việt Nam, bản sắc quốc gia của Ấn Độ là kết quả của quá trình kế thừa và phát triển ở từng giai đoạn khác nhau, gắn với tiến trình phát triển của đất nước. Đó là: từ nạn nhân của chế độ thực dân đến một quốc gia độc lập, một nước đang phát triển, một cường quốc tầm trung, một cường quốc đang trỗi dậy mạnh mẽ và đang dần định hình cường quốc thế giới.

* Ấn Độ từ nạn nhân của chế độ thực dân đến một quốc gia độc lập

Quá trình thôn tính, bình định các tiểu vương quốc Ấn Độ được tiến hành cùng với sự thiết lập chính quyền thực dân của Công ty Đông Ấn Anh. Quá trình này được chia thành hai thời kỳ: thời kỳ thứ nhất trong khoảng thời gian từ năm


1757 đến năm 1818 với sự chinh phục để mở rộng lãnh thổ của đế chế Anh ở Ấn Độ; thời kỳ thứ hai từ năm 1818 đến năm 1857, công ty Anh hoàn thành việc xâm chiếm và bình định lãnh thổ thực dân trên toàn Ấn Độ. Năm 1858, Chính phủ Anh nắm quyền quản lý trực tiếp Ấn Độ và nền thống trị của Anh được thiết lập vững chắc. Hệ thống hành chính của Anh là một trong những di sản quan trọng nhất được Ấn Độ kế thừa từ thời kỳ này. Sự kết nối, giao lưu kinh tế của đất nước được tăng cường nhờ việc xây dựng đường cao tốc, đường sắt và hệ thống bưu điện, điện báo.

Chiến tranh thế giới I kết thúc đánh dấu sự khởi đầu của phong trào dân tộc chủ nghĩa tại Ấn Độ. Dưới sự lãnh đạo của Mahatma Gandhi, toàn thể nhân dân Ấn Độ đã đoàn kết đứng lên chống lại thực dân. Với đường lối sáng suốt, ý chí đấu tranh kiên trì, bền bỉ của Mahatma Gandhi và nhân dân Ấn Độ, ngày 15/8/1947, thực dân Anh buộc phải trao trả nền độc lập cho quốc gia này. Ngày 26/1/1950, thông qua Hiến pháp mới, Ấn Độ tuyên bố là một nước Cộng hòa Đại nghị, nằm trong Khối Liên hiệp Anh. Quốc hội gồm hai viện là Thượng viện và Hạ viện. Hiến pháp Ấn Độ quy định các đảng phái chính trị được hoạt động sau khi đăng ký và tuyên thệ trung thành với lợi ích quốc gia và tuân theo pháp luật. Ấn Độ có rất nhiều đảng phái chính trị khác nhau gồm các đảng ở các bang và trên quy mô toàn quốc. Sau khi giành độc lập, tư tưởng chủ nghĩa dân tộc nhanh chóng ảnh hưởng đến quần chúng nhân dân, đồng thời nâng tư tưởng đó trở thành chủ nghĩa yêu nước; nhân dân Ấn Độ xem trọng tính độc lập, thống nhất và chủ quyền của quốc gia.

* Ấn Độ là nước đang phát triển

Ấn Độ nằm trong nhóm các quốc gia có thu nhập trung bình thấp theo hệ thống phân loại của WB [268]. Chỉ số phát triển con người HDI của Ấn Độ là 0,554 vào năm 2012, xếp hạng 136 trong số 187 quốc gia [207]. Ấn Độ là quốc gia đông dân thứ hai trên thế giới sau Trung Quốc. Tính đến 29/12/2021, dân số Ấn Độ là 1.400.198.512 người. Hiện tại, Ấn Độ được xem là nước có dân số trẻ [256], điều này đem lại lợi thế cho tăng trưởng kinh tế của Ấn Độ. Sự bùng nổ dân số cũng là một trong những thay đổi xã hội mạnh mẽ nhất ở Ấn Độ, tạo nên áp lực ngày càng lớn cho Chính phủ. Do tốc độ tăng dân số tương đối nhanh, mức thu nhập bình quân đầu người lại thấp, nên 1/3 dân số sống dưới mức chuẩn nghèo. Ấn Độ đang bị xếp trong nhóm 44 nước có tỷ lệ nghèo đói ở mức độ nghiêm trọng.


Khan hiếm năng lượng cũng là một trong những thách thức mà Ấn Độ phải đối mặt. Mặc dù mở rộng sản xuất điện, công suất phát điện của Ấn Độ vẫn không đáp ứng được do nhu cầu sử dụng ngày càng tăng. Vấn đề năng lượng vẫn là một điểm nghẽn nghiêm trọng đối với sự phát triển của Ấn Độ. Với lượng dầu dự trữ và khí đốt thấp, Ấn Độ không có lựa chọn nào khác ngoài nhập khẩu. Ngoài ra, cơ sở hạ tầng của Ấn Độ còn yếu kém, thiếu đồng bộ - đây cũng là nguyên nhân quan trọng cản trở sự phát triển của quốc gia này. Mặc dù, Chính phủ đã cho phép đầu tư tư nhân, nước ngoài, nhưng tiến độ vẫn chưa đáp ứng nhu cầu và điều này phần nào ngăn cản Ấn Độ duy trì tốc độ tăng trưởng cao hơn.

Về tăng trưởng, cải cách đã thực sự mang lại hiệu quả vượt mong đợi. Ấn Độ đã trở thành một trong những nền kinh tế phát triển nhanh nhất trên thế giới. Tuy nhiên, sự phát triển có tác động khá hạn chế đến công cuộc xóa đói giảm nghèo và tạo việc làm, trong khi tình trạng bất bình đẳng, phân hóa giàu - nghèo ngày càng trầm trọng. Sự đa dạng của Ấn Độ dựa trên ngôn ngữ, tôn giáo, đẳng cấp, v.v. kết hợp với hố sâu ngăn cách giữa người giàu và người nghèo, giữa giới thượng lưu nói tiếng Anh và người nói bản ngữ, giữa thành phố và nông thôn đã mang lại những nguy cơ tiềm ẩn về sự mất ổn định, xung đột đối với xã hội, tác động tiêu cực tới quá trình phát triển của Ấn Độ. Ấn Độ đang phải đối mặt với nhiều vấn đề cần được giải quyết trong tiến trình theo đuổi mục tiêu trở thành cường quốc thế giới đúng nghĩa nhằm đạt được mục tiêu “thế kỷ XXI là thế kỷ của Ấn Độ”.

* Ấn Độ là cường quốc tầm trung

Ấn Độ được xem là một cường quốc tầm trung với tư duy quyền lực đang lên, thể hiện mức độ tham vọng, khả năng quân sự ngày càng tăng, nền kinh tế mở rộng và nền dân chủ được củng cố [182, tr.3-6]. Xét ở các phương diện đề xuất sáng kiến, làm cầu nối, điều phối liên minh và truyền bá chuẩn tắc theo quan điểm của chủ nghĩa kiến tạo, Ấn Độ là một cường quốc tầm trung điển hình.

Trong hai thập niên đầu thế kỷ XXI, Ấn Độ coi ngoại giao đa phương là công cụ để thực hiện chính sách đối ngoại và theo đuổi các lợi ích quốc gia. Một trong những nguyên lý đối ngoại cốt lõi của Ấn Độ là thúc đẩy hợp tác với tất cả các cường quốc trên thế giới. Nhờ đó, Ấn Độ đã tạo được những ảnh hưởng lớn đến quan hệ quốc tế, góp phần thúc đẩy sự kết nối trong khu vực và trên thế giới. Ấn Độ có xu hướng tìm cách giảm thiểu xung đột bằng cách phối hợp với những quốc gia cùng quan điểm trong vấn đề liên quan thông qua các dàn xếp và thể chế đa phương. Ấn Độ ủng hộ chính sách can dự mang tính xây dựng thay vì sử dụng

Xem tất cả 232 trang.

Ngày đăng: 26/05/2022
Trang chủ Tài liệu miễn phí