4.2.2.3. Nâng cao chất lượng dịch vụ hướng dẫn du lịch
Đối với hoạt động hướng dẫn du lịch, cơ quan quản lý du lịch và các công ty lữ hành cần đào tạo và sử dụng hướng dẫn viên địa phương. Một trong những nguyên tắc khi làm du lịch cộng đồng là phải có người dân bản địa đứng ra để thuyết minh về di sản. Họ là chủ thể văn hóa và họ phải là người đứng ra để thuyết minh về văn hóa của mình. Khách du lịch có cảm thấy hài lòng, có cảm thấy bị hấp dẫn bởi yếu tố văn hóa bản địa hay không phụ thuộc rất lớn vào sự tương tác của người thuyết minh. Tuy nhiên, khách du lịch khi đến Con Cuông hầu như không có hướng dẫn viên địa phương. Phụ trách hướng dẫn họ thường là hướng dẫn viên suốt tuyến của các công ty du lịch hoặc là nhân viên của VQG Pù Mát do vậy tính tương tác, thuyết phục không cao do vậy tính phát huy giá trị di sản thực sự không đạt được.
Các hướng dẫn viên ngoài việc được trang bị các kiến thức về nghiệp vụ hướng dẫn, kiến thức về tài nguyên tự nhiên, văn hóa, lịch sử của địa phương phải mặc đồng phục, đeo bảng tên và phải được cấp thẻ hướng dẫn viên, phải có phẩm chất đạo đức tốt, kỹ năng giao tiếp tốt để làm hài lòng du khách.
4.2.2.4. Phát triển các dịch vụ mua bán nông phẩm, đặc sản địa phương
Núi rừng Con Cuông có lợi thế về vị trí, cũng như điều kiện thuận lợi phát triển nông - lâm nghiệp vì thế mà cũng có không ít đặc sản. Tại đây có nhiều đặc sản, nông sản, nông sản có thể phát triển thành những sản phẩm đặc thù của địa phương phục vụ nhu cầu mua sắm của du khách. Có thể kể tới nhưng đặc sản như cá mát, mật ong rừng, măng đắng, rượu cần, rượu men lá, thịt chua. Cá mát là loài cá quen sống bầy đàn trong các khe đá, thường kiếm ăn vào ban đêm. Cá mát có kích thước nhỏ, thân có từ ba đến sáu chấm đen, còn vảy cá thì màu hồng. Thịt cá thơm ngon, mỡ béo, lại ít xương nên rất được yêu thích. Cá mát sông Giăng được chế biến thành nhiều món để du khách lựa chọn thưởng thức hoặc mua về để làm quà. Mật ong rừng nguyên chất được người Thái khai thác từ các tổ ong rừng trong rừng già. Mật ong rừng nguyên chất nên có mùi thơm nồng rất khác biệt, hoàn toàn khác so với mật ong nuôi, vị ngọt đặc trưng của mật ong, rất khé cổ khi nếm thử. Rượu Cần, rượu men lá được người Thái làm rất cầu kỳ là những thức uống mang đậm văn hóa Thái được du khách yêu thích. Măng đắng là một đặc sản chỉ có ở vùng núi rừng Con Cuông, là nguyên liệu để chế biến thành các món
ăn ngon. Măng đắng có thể chế biến theo nhiều cách: xào mẻ, hầm (hoặc nấu canh) xương, luộc và nướng. Măng đắng có hầu như quanh năm, nhưng nhiều nhất là mùa mưa.Thịt chua (chỉn xồm) là món ngon nổi tiếng được chế biến từ thịt tươi sống là thịt lợn, thịt bò hoặc thịt thú rừng được hòa trộn tinh tế với lá cây rừng, gia vị…tạo nên phong cách ẩm thực Con Cuông, đặc trưng của miền núi rừng. Thịt chua (chỉn xồm) có vị chua dịu do được lên men tự nhiên, vị chua ấy thường được kết hợp với các loại rau và gia vị ăn kèm khiến thực khách thưởng thức một lần sẽ nhớ mãi. Thịt chua (chỉn xồm) thường được dùng trong bữa cơm có tiếp khách quý, cuốn với lá sung lá ổi, đinh lăng, rau thơm, chấm với nước mắm nguyên chất, chế biến thêm ớt cay chỉ thiên mới thấy hết hương vị độc đáo thật khó quên. Ngoài ra còn có thể kể tới thịt bò giằng, cam, chè xanh…
4.2.3. Giải pháp về quản lý, tổ chức thực hiện du lịch cộng đồng
4.2.3.1. Phát triển các hình thức du lịch cộng đồng gắn với các giá trị di sản văn hóa của người Thái
Du khách sẽ rất hài lòng khi một địa điểm, bên cạnh các giá trị thiên nhiên hoang sơ lại được thưởng thức những nét khác lạ về văn hóa. Đồng thời việc này cũng giúp cải thiện chất lượng cuộc sống của người dân.
Tài nguyên du lịch nổi bật của Con Cuông là các di tích lịch sử -văn hóa, các danh lam thắng cảnh có giá trị cảnh quan rất lớn lại được phủ lên sắc màu văn hóa Thái. Thêm vào đó là nếp sống sinh hoạt của người dân địa phương cùng các hoạt động lễ hội, các loại hình văn hóa nghệ thuật mang đậm dấu ấn tộc người cùng với các di sản văn hóa đặc sắc khác như nhà sàn truyền thống, làng nghề thổ cẩm, trang phục truyền thống. Vì vậy, các chương trình du lịch đến Con Cuông cần chú trọng khai thác các giá trị tài nguyên du lịch gắn với nếp sống sinh hoạt hàng ngày của cộng đồng địa phương. Tăng cường khai thác các dịch vụ homestay, dịch vụ ẩm thực, hình thức trải nghiệm nông nghiệp cùng nông dân, trải nghiệm chế biến món ăn trong các hộ kinh doanh homestay, kinh doanh vườn sinh thái ẩm thực, trải nghiệm đạp xe trên đường làng, phát triển dịch vụ mua sắm hàng hóa lưu niệm và đặc sản địa phương…
Có thể bạn quan tâm!
- Giải Pháp Và Khuyến Nghị Nhằm Phát Huy Giá Trị Di Sản Văn Hóa Của Người Thái Trong Phát Triển Du Lịch Cộng Đồng Ở Con Cuông
- Căn Cứ Chủ Trương, Chính Sách Của Đảng, Nhà Nước Và Chính Quyền Địa Phương
- Đối Với Nghề Và Làng Nghề Thủ Công Truyền Thống
- Đầu Tư Cơ Sở Hạ Tầng, Vật Chất Kỹ Thuật Du Lịch Cộng Đồng
- Đối Với Các Hộ Kinh Doanh Tham Gia Kinh Doanh Du Lịch
- Phát huy giá trị di sản văn hóa của người Thái trong phát triển du lịch cộng đồng ở Con Cuông, Nghệ An - 25
Xem toàn bộ 253 trang tài liệu này.
Chính quyền địa phương các cơ sở du lịch cộng đồng cần liên kết với nhau để tạo ra một chuỗi các sản phẩm du lịch cộng đồng hấp dẫn, không trùng lặp. Các
sản phẩm du lịch cộng đồng tại Con Cuông phải mang nét đặc trưng của cộng đồng địa phương, do đó các địa phương cần lấy một sản phẩm chính làm thương hiệu, các sản phẩm khác bổ trợ cho chương trình du lịch hấp dẫn. Tùy theo mùa vụ mà có sự thay đổi các họat động du lịch cho phù hợp.
Để phát triển các hình thức du lịch cộng đồng gắn với khai thác các giá trị di sản văn hóa của người Thái thì cần có sự đầu tư hơn nữa trong việc cung cấp các dịch vụ bổ sung, cung cấp thêm nhân lực chuyên môn làm việc, đầu tư về vốn và trang thiết bị để nâng cao chất lượng, tăng cường công tác quảng bá, xúc tiến du lịch,… Nhìn chung cần có sự hỗ trợ từ nhiều phía, chính quyền địa phương, cộng đồng dân cư, các công ty lữ hành, các tổ chức phi chính phủ… Mọi nguồn lực khi tập trung phát triển và làm việc một cách hiệu quả thì chắc chắn kết quả mang lại sẽ hơn những gì mà mục tiêu đã định ra.
4.2.3.2. Chia sẻ lợi ích kinh tế với cộng đồng thông qua các nguồn thu từ hoạt động du lịch và tạo công ăn việc làm cho người dân địa phương
a) Chia sẻ lợi ích kinh tế trực tiếp
Chia sẻ lợi ích kinh tế trực tiếp là việc trích một phần tổng thu từ hoạt động du lịch để đầu tư cho cộng đồng người dân.
Ưu tiên đầu tư các hạng mục công trình mang tính phúc lợi cho cộng đồng bắt đầu từ những nơi chịu ảnh hưởng gần nhất của hoạt động du lịch: Các xã, thôn có đường giao thông vào các điểm du lịch, hoạt động du lịch trực tiếp ảnh hưởng đến chất lượng đường giao thông, tiếng ồn, hoạt động sản xuất, chăn nuôi của người dân.
Lồng ghép các công trình hay hạng mục đầu tư đó với mục đích khuyến khích bảo vệ môi trường như pano, áp phích, biển chỉ dẫn ....
b) Chia sẻ lợi ích kinh tế gián tiếp
Tạo ra cơ hội làm việc cho người dân thông qua việc đào tạo Homestayđể họ tham gia phục vụ khách du lịch. Người dân có thể tham gia làm một số công việc như:
- Hướng dẫn viên du lịch địa phương: Chính cộng đồng địa phương là những người hiểu về những bản làng của họ nhất. Họ có những kinh nghiệm sống phong phú tại đây cộng với tình yêu quê hương chắc chắn sẽ làm tốt công tác
hướng dẫn khách tham quan du lịch. Vấn đề ở đây là cần phải đào tạo họ những kỹ năng cơ bản của hoạt động hướng dẫn.
- Nấu nướng, đón tiếp phục vụ nhu cầu ăn uống và lưu trú của khách du lịch: Ưu tiên cho người dân là nữ
- Nhân viên bán đồ lưu niệm: Ưu tiên đối tượng nữ
- Biểu diễn văn nghệ, các loại hình nghệ thuật truyền thống
- Vận chuyển khách du lịch, khuân vác đồ đạc...
Tất cả những yếu tố đó nhằm mục đích chia sẻ lợi ích kinh tế với cộng đồng địa phương, giúp người dân tăng thêm thu nhập và nâng cao chất lượng cuộc sống của mình.
4.2.3.3. Chú trọng bảo tồn văn hóa truyền thống, đóng góp cho xã hội, môi trường và phát triển theo hướng bền vững
Nhanh chóng hoàn thiện hệ thống các văn bản pháp quy về khai thác tài nguyên du lịch, bảo tồn các giá trị văn hóa và bảo vệ môi trường. Để di sản văn hóa Thái trở thành một nguồn lực phục vụ phát triển du lịch bền vững ở huyện Con Cuông, trước hết phải giải quyết thỏa đáng mối quan hệ giữa bảo tồn và phát triển. Hoạt động du lịch nếu thu hút được du khách thì sẽ mang lại lợi ích kinh tế cho các bên tham gia nhưng không phải vì thế mà ngành du lịch bằng mọi cách để thu hút khách du lịch, cần phải xác định rõ di sản văn hóa Thái là cái không thể thay thế, nên vì sự phát triển bền vững, vì lợi ích cộng đồng, lợi ích của các thế hệ hôm nay và mai sau thì cái mới, cái xây dựng sau cần phải hết sức tôn trọng di sản gốc. Ví dụ, để phát triển du lịch, nhà cửa cần được sửa sang, xây dựng; di tích lịch sử, văn hóa cần được trùng tu, tôn tạo nhưng việc đầu tư, tôn tạo, xây mới phải hài hòa với tổng thể khung cảnh và không phá vỡ kiến trúc truyền thống. Để làm được điều này thì việc xây dựng hệ thống các quy chế về bảo tồn, phát triển và giao lưu văn hóa là rất cần thiết.
Chính quyền địa phương là chủ thể trực tiếp thực thi chính sách và đưa chính sách vào cuộc sống. Chính quyền địa phương có vai trò trực tiếp hỗ trợ người dân bảo tồn, phát triển văn hóa tộc người, xây dựng và mở rộng các hình thức giao lưu mang tính tự nguyện giữa các cộng đồng, đồng thời trực tiếp
tham gia kiểm soát và ngăn chặn các yếu tố văn hóa không phù hợp có thể làm pha tạp hoặc mai một bản sắc văn hóa tộc người. Để thực hiện vai trò này, giải pháp phù hợp nhất đối với chính quyền địa phương huyện Con Cuông là cùng với người dân thiết lập hệ thống quy ước bảo tồn, phát triển, giao lưu văn hóa tộc người trên cơ sở điều kiện đặc thù của địa phương. Giải pháp này không mang tính áp đặt ý chí chủ quan của cơ quan quản lý, vừa tạo cho người dân có quyền tự quyết và chủ động trong phát triển văn hóa tộc người, vừa cho phép nhà nước có điều kiện hỗ trợ cũng như quản lý quá trình phát triển văn hóa tộc người ở địa phương.
Các ngành, các cấp cần có sự phối hợp chặt chẽ, khẩn trương và đồng bộ hơn trong việc tôn tạo các di tích lịch sử, văn hóa, bảo tồn làng nghề thủ công... Cần tiến hành kiểm kê, đánh giá, hỗ trợ cộng đồng dân cư trong việc khôi phục lại các giá trị văn hóa truyền thống.
Giáo dục, tuyên truyền nâng cao ý thức gìn giữ cho người dân về giá trị văn hóa truyền thống và ý nghĩa của việc phát triển du lịch cộng đồng đối với đời sống của họ.
Trong định hướng phát triển du lịch cần phải phối hợp với các tổ chức đầu tư xây dựng lại hoặc thêm các trường học, trạm xá cho người dân nơi đây. Những công trình này cũng có thể sử dụng như một điểm tham quan của đoàn khách vì hầu hết các khách du lịch đều cảm thấy vui mừng khi thấy những thành quả của hoạt động du lịch đã mang lại cho người dân ở đây. Điều đó góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống của địa phương.
Cải thiện điều kiện vệ sinh và môi trường, hạn chế tác động của con người làm ảnh hưởng đến môi trường tự nhiên, sinh thái của vùng giúp cho hoạt động du lịch hài hòa được mục tiêu môi trường với các mục tiêu khác.
4.2.3.4. Kết nối, hỗ trợ các công ty lữ hành đưa khách đến Con Cuông
Theo ý kiến của các nhà quản lý du lịch trên địa bàn tỉnh Nghệ An thì phần lớn các công ty du lịch có chủ trương khai thác các tour du lịch cộng đồng ở Con Cuông tuy nhiên hiện tại mới chỉ có một bộ phận nhỏ các công ty du lịch có tổ chức các tour du lịch đến đây. Nguyên nhân chính là những khó khăn mà các công ty du
lịch gặp phải khi tổ chức các tour du lịch. “Một số khó khăn có thể kể tới như: thiếu thông tin, vấn đề giấy phép tham quan cho khách du lịch lại các vùng biên giới, điều kiện hạ tầng, khả năng tiếp cận điểm đến khó khăn và cơ sở vật chất nghèo nàn là một vấn đề trở ngại” [Phỏng vấn sâu, nam 32 tuổi, thành phố Vinh].
Để kết nối các công ty lữ hành trong và ngoài tỉnh, cần cung cấp thông tin đầy đủ tới các công ty du lịch bằng các phương tiện xúc tiến như tập gấp, báo, truyền thanh, truyền hình và các ấn phẩm gửi trực tiếp. Trong đó đặc biệt chú trọng phương tiện internet. Ban quản lý du lịch tại các điểm du lịch cộng đồng có thể thành lập các wepsite riêng để các đơn vị lữ hành truy cập và tìm kiếm thông tin. Các điểm du lịch cộng đồng nên tận dụng tối đa sự phát triển của các trang mạng xã hội như Face book, Zalo, Intagram...
Mặt khác, để khắc phục vấn đề thiếu thông tin, khi mới đi vào hoạt động, các điểm du lịch cộng đồng phải tổ chức các tour Famtrip, mời các công ty lữ hành tham gia để giới thiệu, quảng bá đồng thời tranh thủ ý kiến của họ về sản phẩm và dịch vụ du lịch tại địa bàn. Ngoài việc tổ chức fam tour, chúng ta cần sử dụng tối ưu công cụ internet và truyền thông tích hợp để gửi thông tin thường xuyên đến wepsitte các công ty lữ hành, hộp thư điện tử cá nhân và tận dụng các trang mạng xã hội phổ biến để quảng bá.
Để khắc phục vấn đề giấy phép tham gia du lịch tại những địa bàn nhạy cảm, ban quản lý du lịch tại các điểm du lịch cộng đồng cần có sự thống nhất với các cơ quan ban ngành khác để tạo điều kiện thuận lợi nhất cho các công ty du lịch. Cần có sự phối hợp giải quyết giữa công ty du lịch, ban quản lý du lịch và cơ quan ban ngành liên quan, tránh tình trạng gây phiền toái trực tiếp đến khách du lịch.
Để khắc phục những khó khăn hiện tại về cơ sở vật chất kỹ thuật, điều kiện giao thông... mà các công ty du lịch gặp phải, chúng ta nên có các gói giá ưu đãi cho các công ty dựa vào số lượt khách và mức độ thường xuyên.
Cuối cùng, các điểm du lịch cộng đồng ở Con Cuông phải kết nối được với các công ty du lịch có trách nhiệm để cung ứng sản phẩm cũng như hỗ trợ họ trong các công tác khác như nghiên cứu, từ thiện...
4.2.3.5. Khuyến khích ngành kinh doanh du lịch đẩy mạnh và quản lý du lịch theo hướng tôn trọng và phát huy di sản
Văn hóa là nguồn lực, là yếu tố hấp dẫn du khách để phát triển du lịch. Ngược lại du lịch lại là phương tiện hàng đầu thúc đẩy trao đổi văn hóa, là động lực tích cực cho việc bảo vệ di sản văn hóa. Do vậy chính quyền địa phương, các cấp quản lý cần tạo điều kiện thuận lợi và khuyến khích ngành kinh doanh du lịch đẩy mạnh và quản lý du lịch theo hướng tôn trọng và phát huy di sản. Tạo điều kiện thuận lợi và khuyến khích đối thoại giữa những người chịu trách nhiệm về di sản với những người kinh doanh du lịch, nhằm giúp họ hiểu rõ hơn tầm quan trọng và tính chất dễ tổn thương của các tổng thể di sản, các giá trị văn hóa đang tồn tại, kể cả sự cần thiết phải đảm bảo một tương lai bền vững cho những di sản đó.
4.2.4. Nâng cao năng lực nguồn lực tham gia phát triển du lịch cộng đồng
Có nhiều nhân tố cản trở sự tham gia của cộng đồng người Thái vào các hoạt động du lịch ở Con Cuông. Những rào cản này được tác giả Tosun (2000) phân tích cụ thể trong bài viết “Rào cản ảnh hưởng đến sự tham gia của cộng đồng trong du lịch ở các nước đang phát triển”. Theo đó, Tosun chia những rào cản ảnh hưởng đến sự tham gia của cộng đồng thành 3 loại là: Rào cản điều hành, rào cản cấu trúc và rào cản văn hóa. Rào cản mang tính điều hành bao gồm: tập trung hành chính công của ngành du lịch, thiếu sự phối hợp, và thiếu thông tin. Rào cản mang tính cấu trúc bao gồm: thái độ của các chuyên gia, thiếu chuyên môn, sự thống trị (kiểm soát) từ bên ngoài, thiếu hệ thống pháp luật phù hợp, thiếu nguồn nhân lực, thiếu nguồn tài chính và chi phí duy trì sự tham gia. Rào cản mang tính văn hóa bao gồm sự hạn chế về năng lực của nhóm người nghèo, sự thờ ơ cũng như trình độ nhận thức thấp của cộng đồng địa phương [Tosun C, 2000, tr .613 -633]. Qua đó có thể thấy để tăng cường sự tham gia của cộng đồng thì ngoài những vấn đề như chia sẻ lợi ích, xúc tiến đầu tư thì những vấn đề then chốt như đào tạo kỹ năng, nâng cao nhận thức về du lịch cộng đồng cho người dân là không thể thiếu.
Nội dung đào tạo nâng cao năng lực nguồn nhân lực bao gồm:
Thứ nhất, cung cấp kiến thức về du lịch, du lịch cộng đồng, điều kiện, nguyên tắc và các vấn đề lý luận liên quan đến loại hình du lịch cộng đồng. Đối với đối tượng là người dân địa phương, nội dung này cần được truyền đạt một cách ngắn gọn, đơn giản, dễ hiểu.
Thứ hai, nâng cao nhận thức về việc phát huy, bảo tồn, giữ gìn tài nguyên du lịch. Đối với từng địa bàn, cần có những lớp học để giới thiệu về giá trị tài nguyên du lịch của địa phương, cách khai thác các giá trị đó và yêu cầu về việc bảo tồn, giữ gìn, phát huy các tài nguyên du lịch.
Thứ ba, đào tạo về tâm lý và hành vi người tiêu dùng. Nội dung này bao gồm công việc tìm hiểu thị hiếu khách du lịch từ những quốc gia và vùng lãnh thổ khác nhau; cung cấp những nét đặc thù về truyền thống văn hoá của từng nước và vùng lãnh thổ; tìm hiểu sự mong đợi và thói quen của khách du lịch; tìm hiểu sở thích khác nhau (thanh niên, người già, những người đi du lịch theo gia đình, cá nhân và những người đi du lịch theo nhóm...).
Thứ tư, đào tạo về kỹ năng, thái độ đón tiếp và phục vụ khách du lịch. Nội dung này tập trung chủ yếu vào việc tạo dựng môi trường trong và ngoài tổ hợp du lịch nhằm đảm bảo tính hài hoà, nồng nhiệt, an toàn, thân thiện đối với du khách. Người dân địa phương cần được đào tạo về cách nói trong giao tiếp, thái độ và hành động đón tiếp khách du lịch. Đối với nội dung này cần chia thành từng nhóm hoặc tổ để có những nội dung chuyên sâu liên quan đến công việc của nhóm.
Thứ năm, đào tạo về kinh doanh du lịch. Nội dung này tập trung chủ yếu vào việc trang bị cho người dân địa phương khả năng phân tích thị trường cung và cầu; xây dựng và cải thiện sản phẩm đáp ứng nhu cầu khách du lịch; xây dựng vị trí sản phẩm trên thị trường; xác định mức giá phù hợp; ký kết hợp đồng hoặc quan hệ đối tác với các công ty du lịch và các đối tác liên quan.
Thứ sáu, đào tạo ngoại ngữ. Nội dung này chủ yếu nhằm nâng cao trình độ ngoại ngữ cho người dân địa phương nhằm tạo điều kiện để họ có thể giao tiếp được với du khách. Những ngôn ngữ thông dụng như tiếng Anh, Pháp, Đức, Tây Ban Nha... đều rất cần thiết, tuy nhiên, trước mắt nên tập trung đào tạo tiếng Anh cho cộng đồng.